11/11/24

Tức sự 1. Nguyễn trung Ngạn

即事其一 
舍南舍北竹邊籬,紅蓼花開野燕飛。
蠻酒一樽春睡足,覺來山色滿柴扉
阮忠彥

Âm

Xá nam xá bắc trúc biên li, Hồng liễu hoa khai dã yến phi.
Man tửu nhất bôi xuân thụy túc, Giác lai sơn sắc mãn sài phi.

Nghĩa

Phía nam phía bắc nhà là hàng rào giáp ranh bằng tre, Hoa liễu đỏ nở, én ngoài đồng bay liệng. Một li rượu của người Mán đủ đưa vào giấc ngủ dưới trời xuân. Tĩnh dậy thì thấy bóng núi đã tràn đến cánh cửa cổng bằng cây đơn sơ.

Tạm dịch

Phía nam phía bắc dãy rào tre,
Hồng liễu đỏ hoe én xập xòe.
Một chén rượu ngon xuân đẫy giấc,
Tỉnh ra bóng núi đã bên hè.

 Chú

-          舍南舍北 phía nam và phía bắc căn nhà.

-          竹邊籬 hàng rào tre nơi chỗ giáp ranh.

-          紅蓼 hồng liễu/liệu: là cây Polygonum orientale, một loại rau răm nước có hoa hồng đẹp, thường được dùng làm cây cảnh và có giá trị dược liệu. Một số bản dịch  là cây nghệ, nhưng nghệ thì hoa có màu vàng hoặc màu cam nhạt.

-          蠻酒 man tửu: rượu của người Mán.  Man, tên người Tàu dùng gọi tộc người ở phía nam nước Tàu với hàm ý coi thường, ta gọi là Mán. Tên chính thức hiện nay là Dao. 一樽 nhất tôn: một chén.

Giản thể

舍南舍北竹边篱,红蓼花开野燕飞。
蛮酒一孙春睡足,觉来山色满柴扉




7/11/24

Xuân trú


春晝
縈迴竹徑遶荒齋,
避俗柴門晝不開。

啼鳥一聲春睡覺,
落花無數點蒼苔

阮忠彥

Âm

Oanh hồi trúc kính nhiễu mang trai, Tị tục sài môn trú bất khai.
Đề điểu nhất thanh xuân thụy giác, lạc hoa vô số điểm thương đài.

Nghĩa.

Ngõ trúc quanh co vòng vèo đến căn nhà vắng, Tránh đời nên cửa tre suốt ngày không mở. Một tiếng chim kêu làm mùa xuân tỉnh giấc, Rất nhiều hoa rụng trên đám rêu xanh.

Tạm dịch

Lối trúc quanh co dẫn đến nhà,
Lánh đời cửa đóng suốt ngày qua.
Chim kêu một tiếng xuân bừng tỉnh,
Trên thảm rêu rơi mấy cánh hoa.

Chú

-          縈迴 quanh vòng trở lại. 竹徑 ngõ trúc.

-          避俗 tị tục: tránh đời. 柴門 sài môn: cửa làm bằng cây củi, ý nhà nghèo.

-          Câu 4 mượn từ câu 4 bài Lạc Hoa của Triệu Quỳ đời Tống.

Giản thể.

萦迴竹径遶荒斋,避俗柴门昼不开。
啼鸟一声春睡觉,落花无数点苍苔

阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tự bang Trực, hiệu Giới Hiên, người Hưng Yên, 15 tuổi đỗ hoàng giáp (đời vua Trần Anh Tông, cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi), trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Kinh lược sứ Lạng Sơn, Nhập nội đại hành khiển, thượng thư hữu bật, được phong tước Thân Quốc công. Từng được cử đi sứ qua triều Nguyên. Ông từng giữ chức Giám tu Quốc sử viện, cùng Trương Hán Siêu soạn sách Hoàng triều đại điển và bộ Quốc triều hình luật.


6/11/24

Chơi chữ

Tập sách Chơi chữ của tác giả Phùng Tất Đắc, bút hiệu Lãng Nhân, được Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư in lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1961.


Sách là một cẩm nang về thuật chơi chữ, treo đối, làm thơ của người xưa vào những dịp quan trọng trong đời sống người Việt. Người xưa chơi chữ để thể hiện trí tuệ, học vấn và đôi khi cũng chỉ để giải tỏa những buồn bực trong lòng trước gian truân, thời thế, trước tình cảnh cá nhân mà lời thường khó giãi bày, bộc bạch. Chơi chữ cũng là một biểu tượng được ca tụng, là thước đo trong giới nhà Nho. Như điều Lãng Nhân ghi trong sách có đoạn: “Chơi chữ đối với nhà Nho, cần phải có những yếu tố mà nhiều người không gom được đủ: Có học đã đành, nhưng còn phải có tài. Học có hàm sức, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý. Tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất một cách nhanh chóng, hồ như là tự nhiên".

Nhưng theo thời gian, thú chơi chữ từ thập niên 60 của thế kỷ trước chẳng còn mấy ai ưa chuộng. Đến nay, thú vui này dường như mất bóng trong đời sống người Việt. Tuy vậy, qua trang viết của Phùng Tất Đắc, độc giả có thêm một phần kiến thức, hình dung về thuật chơi này, có dịp tìm lại những bài thơ, câu đối “tập Kiều” trong quá khứ của cha ông. Để từ đó, mỗi người có thể nghiệm ra những ẩn ý sâu xa trong câu từ, ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu ý tứ.

Trong ghi chép của mình, Lãng Nhân sưu tầm, phân tích hàng chục bài chơi chữ khác nhau của nhiều người. Có khi là câu thơ bài vịnh của viên quan, lời đối của một nhà Nho hay thi sĩ nổi tiếng. Mỗi trích dẫn, Lãng Nhân đều căn cứ vào một câu chuyện, nguyên nhân ra đời bài chơi chữ. Sau đây là một ví dụ trong những ghi chép, sưu tầm đó của ông:

“Duy Tân bị đày, Khải Định lên kế vị. Dân đói, quan tham, bọn xu nịnh đua nhau làm tay sai cho Pháp. Một nhà Nho mượn cảnh vườn Bách thú để tả tình trạng ấy.

"Dưới dặng cây xanh, một dặng chuồng,
Mỗi chuồng nuôi một giống chim muông:
Khù khì vua cọp no nằm ngủ
Nhao nhác dân hươu đói chạy cuồng.
Lũ khỉ nhe răng bày lắm chuyện,
Đàn chim chẩu mỏ hót ra tuồng.
Lại thêm cầy cáo dăm ba chú
Hục hặc tranh nhau một nắm xương!

(Vịnh vườn bách thú)

Thơ tả chân thật đã như vẽ cảnh vườn Bách thú, nó là một bức tranh xã hội đương thời thu nhỏ lại, càng thu nhỏ càng rõ nét”.

Lãng Nhân tên thật là Phùng Tất Đắc, sinh năm 1907 tại Hà Nội. Thời niên thiếu ông học trường Bưởi, lớn lên ông có tư tưởng canh tân nhưng lại sống khá phong lưu. Năm 1954 Phùng Tất Đắc đưa gia đình di cư vào Nam và sau đó làm việc cho nhà in Kim Lai và Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư. Tại đây in chủ yếu sách của ông và một số thân hữu như Đoàn Thêm, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tạ Tỵ… Năm 1975 ông sang sống ở Cambridge (Anh) và mất năm 2008. Ngoài Chơi chữ, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc còn có nhiều tác phẩm khác như: Trước đèn, Chuyện vô lý, Cáo tồn, Giai thoại làng nho, Hán văn tinh túy, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết…

Hữu Nam

(vnexpress)

link ebook: fb Hà Thanh vân



5/11/24

Quy hứng


歸興 
老桑葉落蠶方盡,
早稻花香蟹正肥。

見說在家貧亦好,
江南雖樂不如歸。阮忠彥

Âm

Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì.
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như quy.

Nghĩa. Ưa về nhà

Dâu già, lá rụng, tằm vừa chín,
Lúa sớm bông tỏa hương thơm, cua đang lúc béo.
Nghe nói ở nhà dẫu nghèo vẫn tốt,
Ở Giang Nam tuy vui nhưng cũng không bằng trở về nhà.

Tạm dịch

Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm, cua béo phì.
Nghe nói ở nhà nghèo cũng sướng,
Giang Nam tuy thú chẳng như về.

Chú

-          方盡 mới hết, vừa hết.  phương, phó từ: mới.

-          正肥 chánh phì: đang béo.  chánh, phó từ: đang. Vd. 正下雨時 lúc trời đang mưa.

-          見說 1.告知,说明。 2.犹听说。Báo cho biết; nghe nói.

-          江南 Giang Nam, địa danh bên Tàu, nổi tiếng cảnh vật thơ mộng.

阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tự bang Trực, hiệu Giới Hiên, người Hưng Yên, 15 tuổi đỗ hoàng giáp (đời vua Trần Anh Tông, cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi), trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Kinh lược sứ Lạng Sơn, Nhập nội đại hành khiển, thượng thư hữu bật, được phong tước Thân Quốc công. Từng được cử đi sứ qua triều Nguyên. Ông từng giữ chức Giám tu Quốc sử viện, cùng Trương Hán Siêu soạn sách Hoàng triều đại điển và bộ Quốc triều hình luật.

Bài thơ trên đây làm khi ông đang đi sứ bên Tàu. Bài này từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung học VN

Giản thể归兴 

老桑叶落蚕方尽,早稻花香蟹正肥。
见说在家贫亦好,江南虽乐不如归

 

2/11/24

Tương Trung tức sự


湘中即事 

隔岸湘猿叫,
臨山楚竹幽。
夕陽晴景好,
水色滿孤舟。

阮忠彥

Âm:

Cách ngạn Tương viên khiếu,
Lâm sơn Sở trúc u.
Tịch dương tình cảnh hảo,
Thuỷ sắc mãn cô chu.

Nghĩa

Bên kia bờ tiếng vượn Tương kêu,
Nơi chân núi tre Sở âm u.
Chiều tà cảnh trời quang đãng thật đẹp,
Ánh nắng phản chiếu sắc nước lên khắp chiếc thuyền lẻ loi.

Tạm dịch

Bên sông bầy vượn hú,
Trên núi rừng tre dày.
Chiều xuống trời trong trẻo,
Thuyền đơn bóng nước lay.

Chú

-          湘中 Tương Trung:  chỉ vùng đất thuộc sông Tương.

-          湘猿 là loài khỉ sống ở vùng sông Tương.

-          臨山 kế bên núi.  lâm: kế gần

-          楚竹 Sở trúc:  chỉ loại tre mọc ở vùng đất Sở (nay là Hồ Bắc).

 

Giản thể.

隔岸湘猿叫,临山楚竹幽。
夕阳晴景好,水色满孤舟

阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), đại thần đời Trần. Nổi tiếng thần đồng, 15 tuổi đỗ Hoàng giáp, đỗ tiến sĩ cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi, từng được cử đi sứ qua Tàu (thời nhà Nguyên). Ông cùng Trương Hán Siêu soạn bộ Hoàng triều đại điển. Thơ còn lưu được 84 bài.

1/11/24

Citizen kane

Lâu rồi, có ý định coi bằng hết 100 phim hay nhất do AFI bình chọn. Nhưng hồi ấy phim online thì tập có tập không, lại lướt net bằng đường dây đt bàn nên coi được khoảng chục phim thì bỏ dở. Nay khởi động lại dự án. Ai cùng xem không?

---

100 phim Mĩ hay nhất mọi thời đại (The 100 Greatest American Movies Of All Time) được AFI (Viện phim Mĩ) bình chọn năm 1998 nhân dịp kỉ niệm 100 năm ra đời của điện ảnh. Sau đó dự định cứ 10 năm thì cập nhật lại. Ai muốn có thể vào đây coi danh sách này

https://www.afi.com/afis-100-years-100-movies-10th-anniversary-edition/

Hôm nay sẽ coi phim được xếp vị trí số 1 -- Citizem Kane (1941)

---

Citizen Kane ra mắt năm 1941, do Orson Welles đạo diễn, sản xuất và thủ vai chính. Welles và Herman J. Mankiewicz cùng viết kịch bản cho bộ phim này. Đây là bộ phim truyện đầu tay của Welles.

Trong 40 năm liền (với 5 lần thăm dò ý kiến thập niên: 1962, 1972, 1982, 1992, 2002), bộ phim đứng đầu danh sách bình chọn của các nhà phê bình trong cuộc thăm dò thập niên của Viện Phim Anh Quốc, và cũng đứng đầu danh sách “100 Years… 100 Movies” của AFI năm 1998 cũng như bản cập nhật năm 2007. Bộ phim được đề cử 9 giải Oscar và giành giải Kịch bản Gốc Xuất sắc nhất cho Mankiewicz và Welles. Citizen Kane được đánh giá cao nhờ kỹ thuật quay phim của Gregg Toland, biên tập của Robert Wise, âm nhạc của Bernard Herrmann, .. tất cả đều được xem là những sáng tạo mang tính đột phá và thiết lập những tiêu chuẩn mới.

Citizen Kane là bộ phim tiểu sử giả tưởng về ông trùm báo chí Charles Foster Kane, một nhân vật tổng hợp lấy cảm hứng từ các ông trùm truyền thông Mỹ như William Randolph Hearst và Joseph Pulitzer, các đại gia Chicago như Samuel Insull và Harold McCormick, cũng như từ một phần cuộc đời của chính Orson Welles. Dù được giới phê bình đánh giá cao, Citizen Kane không thu hồi đủ chi phí sản xuất tại các rạp. Bộ phim dần bị lãng quên sau khi ra mắt, nhưng sau đó đã trở lại với công chúng khi được các nhà phê bình Pháp như André Bazin khen ngợi và được tái chiếu vào năm 1956. Năm 1958, bộ phim được xếp hạng 9 trong danh sách uy tín Brussels 12 tại Triển lãm Thế giới 1958. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã chọn Citizen Kane vào nhóm 25 bộ phim đầu tiên được lưu giữ trong Cơ quan Lưu trữ Phim Quốc gia Hoa Kỳ năm 1989 vì giá trị "văn hóa, lịch sử, hoặc thẩm mĩ". 

---

link xem film online: https://fsharetv.com/movie/citizen-kane-episode-1-tt0033467