30/5/13

Thở để chữa bệnh

nguồn hình: dohongngoc.com
Trong bài trước ta đã tìm hiểu Phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện do chính tác giả, BS Nguyễn Khắc Viện trình bày.

Hôm nay mời nghe BS Đỗ Hồng Ngọc nói chuyện Thở để chữa bệnh.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền Thông – Giáo Dục Sức Khỏe Tp.HCM, Trưởng Bộ Môn Khoa Học Hành Vi và Giáo Dục Sức Khỏe, Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông từng quen biết BS Nguyễn Khắc Viện, được BS Viện chỉ cho phương pháp thở. Ông kể lại:

.. tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng,  phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng.

Quả thật, có lắm điều kỳ diệu!

Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe phục hồi tốt hơn.  Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ... dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình.

Và cho đến hôm nay, khi đã hoàn toàn bình phục, thở có phương pháp đã thành một quán tính tự nhiên từ lúc nào tôi cũng không thể nhớ rõ. Xin ghi lại đây, như một sự biết ơn, về chuyện “thở” với nguyện ước rằng, sẽ có nhiều người “biết thở” đúng phương pháp, để nhờ đó có thể tự chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho mình.

Mời theo dõi buổi nói chuyện của BS Đỗ Hồng Ngọc

1. Thở để chữa bệnh (buổi nói chuyện chiều thứ Bảy 10/03/2012 tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn )

1. Dẫn vào đề tài


2. Tổng quan về bộ máy hô hấp trong cơ thể người


3. Thở tốt hay không tốt


4. Thực tập


5. Trả lời các câu hỏi của thính giả


6. Trả lời (tiếp)


Sau đây là nội dung (một số) câu hỏi thính giả đã được BS Đỗ Hồng Ngọc trả lời trong các clip 4, 5, 6 trên

- Thế nào là thở bụng ? Làm thế nào cảm nhận cơ hoành nâng lên hay hạ xuống
- Thở đúng thì chữa được những bệnh nào ? Có phải thở chậm thì sống lâu
- Hít vào thon bụng, thở ra phình bụng, đúng hay sai ?
- Tập thở bệnh có chữa được bệnh đổ mồ hôi tay ?
- Tập thở dưới tán cây có hại không ?  Sửa mũi có ảnh hưởng gì tới việc thở
- Làm thế nào thở đúng khi hát
- Tập hít thở bụng có chữa được bệnh thiếu máu tuần hoàn não ?
- Hít vào phình bụng hay phình bụng trước hít vào sau ?
- Làm sao để khắc phục tình trạng ngừng thở khi đang ngủ say & cảm giác uể oải khi thức dậy
- Người lớn tuổi thở mạnh khi ngủ & Bị ngất khi ngồi máy lạnh, phải làm thế nào.

2. Thở và Thiền - BS Đổ Hồng Ngọc (Nói chuyện tại Thiền trà Thanh Sơn)

phần 1


phần 2



3. Nói thêm về "Thở để chữa bệnh"
Đọc

Nhiều độc giả đã viết thư hỏi thêm về thở để chữa bệnh. Có người bảo sau hai tháng “tập luyện” đã  thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn.
Có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v...  Một độc giả ở tận Hà Tiên, 47 tuổi, nói nhờ có người bạn gửi cho bài báo này, nên đã thử tập thở hai tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ năm phút mới hết...
Trước hết, cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải giờ giấc, tư thế nọ kia.
Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả. Cứ quan sát  một bé đang ngủ ngon lành thì biết: nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và... thở bằng cái bụng!
Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên  không chỉ của người mà của... mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương... thì biết. Nó thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi.
Tóm lại, nhớ rằng thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả. “Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được” là vậy.
Thứ hai là không nên ráng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen tốt. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì sẽ dẫn đến... thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần...
Tại sao vậy? Tại vì đã ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối loạn sự điều hòa tự nhiên của cơ thể. Cho nên người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Ta thở bụng là để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn nhân” của một phái võ nào đâu.
Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng.  Nhưng phải kiên trì, như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó (tăng huyết áp, tiểu đường...) thì vẫn phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.
Thứ ba, luôn nhớ mình đang thở. Theo dõi luồng hơi thở ra, hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống theo từng nhịp thở là được. Lâu nay ta thở một cách phản xạ, vô thức. Nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, theo dõi sát nó thì sẽ giúp ta... quên mọi thứ chuyện khác.
Nhờ vậy, Tâm ta được tĩnh lặng. Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ... sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi”!
Đằng sau chuyện thở bụng còn nhiều điều hay.

CÒN LẮM ĐIỀU HAY

Anapanasati, quán niệm hơi thở, hay “An-ban thủ ý”, còn được gọi là “nhập tức xuất tức niệm” là một kỹ thuật thiền tập căn bản có bí quyết ở chỗ theo dõi luồng hơi thở vào và hơi thở ra.
Trong bài vè tập thở bụng có hai câu: “Tập trung theo dõi/Luồng ra luồng vào” chính là nói đến điểm này.
Chỉ cần thế thôi mà thực hiện cho đúng (không dễ chút nào!) cũng đủ làm cho ta vui, khỏe, hay nói cách khác là “thân tâm thường an lạc” như cách người ta hay chúc nhau bây giờ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chọn hơi thở để quán sát (quan sát)? Chọn hơi thở để quan sát thì có gì là hay?
Có đó.
Trước hết, hơi thở nó nằm chình ình ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình nên rất dễ quan sát!
Lúc nào ta cũng phải thở, ở đâu ta cũng phải thở nên có thể quan sát liên tục.
Quan sát hơi thở còn có cái lợi nữa là không ai trông thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi. Hơi thở rất nhạy với cảm xúc.
Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”.
Lúc lo âu, ta hổn hển.
Lúc sảng khoái, ta lâng lâng.
Lúc sợ hãi, ta cà giựt.
Muôn hình vạn trạng.
Nhờ đó mà ta biết được cái Tâm ta.
Thở lại gắn liền với hoạt động cơ bắp, khi mệt, ta mệt “bở hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi!
Do vậy mà ta quan sát được cái thân ta. Nói khác đi, hơi thở chính là một sợi dây nối kết giữa Thân và Tâm.
Muốn kiểm soát Thân Tâm thì phải dùng đến “sợi dây” này vậy.
Hiện tượng hô hấp thực ra không xảy ra ở phổi mà ở trong từng tế bào.
Ở các sinh vật đơn bào, trao đổi khí trực tiếp qua  màng tế bào, một cách đơn giản.
Con người phải thở qua phổi nhưng vẫn trao đổi khí trực tiếp ở từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch.
Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm hết gần một nửa.
Riêng não bộ, với trọng lượng rất nhỏ, chỉ khoảng 2% thể trọng nhưng đã tiêu dùng đến 30% khối lượng Oxy đưa vào cơ thể.
Giận dữ, lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nên ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời là vậy!
Ngủ là cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao.
Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc.
Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ.
Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái.
Phổi như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi.
Khi áp suất âm trong phổi thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Lúc áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không (0)  thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một.
Ở đây ta chỉ đề cập góc độ sinh y học, bởi còn nhiều điều không sao nói hết trong lãnh vực tuệ giác, tâm linh.   
Thả lỏng toàn thân, làm cho toàn thân không còn căng cứng nữa và hoạt động vỏ não  cũng đã trở nên tĩnh lặng rồi, thì tiêu hao năng lượng giảm đi một cách đáng kể, do đó không đòi hỏi nhiều dưỡng chất cung cấp bởi thức ăn.
Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ khổ.
Tóm lại, “còn lắm điều hay” là vậy!

Êm Chậm Sâu Đều
Tôi thử  áp dụng cách thở bụng thì thấy có kết quả, ít ra là khi bà xã nhà tôi nói dai, nói dài, nhờ thở bụng mà tôi … không còn thấy mệt như xưa! Nhưng thở sao cho “êm chậm sâu đều” thì làm không đựơc? Còn “thả lỏng” là sao? Xin nói rõ thêm…
ngucongtt@ gmail…

Êm, chậm, sâu, đều là chuyện không dễ. Phải từ từ mới được. Đừng nóng vội. Như đã nói, phải chừng 6 tháng mới quen.  Mới đầu tập thở bụng như vậy thế nào nó cũng “nhộn nhạo”! Khi đã quen, đã thành phản xạ thì mới ổn định được. Cứ tự nhiên. Bình thường giai đọan thở ra bao giờ cũng dài hơn giai đọan thở vào. Các phương pháp khí công dạy nhiều cách thở, nào hai thì, ba thì, bốn thì, nào nín hơi, ém hơi… rất phức tạp, nhất là đối với người có tuổi. Ta tập thở theo sinh lý hô hấp để nâng cao sức khỏe chớ  không phải để luyện “cửu âm chân kinh”! Thở êm là thở không có tiếng phì phò phì phèo như kiểu tập thể dục, quơ tay, quơ chân thế thôi. Còn thở chậm mà sâu thì rõ ràng lợi thế hơn thở nhanh mà cạn. Để ý xem, khi ta vui vẻ, bình tĩnh, ta thấy ta luôn thở nhẹ nhàng, chậm rãi, thoải mái. Còn khi ta có chuyện bực mình, căng thẳng hay sợ hãi, lo lắng… ta đều thở nhanh mà cạn, thở cà giựt, thở cà hước… ! Do vậy nếu ta tập trung chú ý vào  thở bụng,  theo dõi, quan sát hơi thở vào ra thế nào, ta sẽ bớt căng thẳng, và nhờ đó, hơi thở cũng sẽ chậm lại và sâu hơn. Thử xem.

“Thả lỏng” toàn thân là một yếu tố quan trọng khác. Thả lỏng là không để căng cứng, không gồng, không ráng sức. Cả thân thể đều được nghỉ ngơi, trừ cái bụng phình ra xẹp vào thôi!  Bình thường, hệ cơ bắp của ta luôn có độ căng gọi là trương lực cơ (tonus musculaire) tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Thả lỏng là buông xả, là làm cho toàn thân dịu lại. Cơ thể ta có hơn mười ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một cái túi, một loại “sinh vật” háo ăn, háo tiêu thụ oxy- với phản ứng gọi là oxyt hóa- để tạo ra năng lượng. Nhưng oxyt hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, già nua!. Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt hóa thành rỉ sét.

Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết  phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn … ! Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, nhờ đó toàn thân thấy sảng khoái.  Một bữa ăn “nặng bụng” bao giờ cũng kèm theo sự mệt mỏi, uể oải, trái lại, một bữa ăn đơn giản, nhẹ nhàng, luôn làm ta dễ chịu.

Danh y Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV đã đúc kết một lời khuyên:

“Bế tinh- Dưỡng khí- Tồn thần 
Thanh tâm- Quả dục- Thủ chân- Luyện hình” .

Thử nhìn lại đời sống hiện nay ta thấy: tinh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm náo lọan, ham muốn nhiều, lường gạt lắm… bảo sao các hiện tượng tâm thần, tự tử, béo phì, tim mạch, huyết áp… kể cả chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… chẳng ngày một gia tăng?

BS. ĐỖ HỒNG NGỌC
Nguồn: Trang web BS Đỗ Hồng Ngọc

12 nhận xét:

  1. Đại K! cái này rất hay! nhưng không hiểu sao không nghe được từ CD1 đến CD15.

    kho kiến thức của Đại K thật lớn và phong phú, và nó được nuôi dưỡng của một chủ nhân đầy nhiệt huyết, thật là quý. Mỗi ngày là một bất ngờ hihi...! Mong Đại K khỏe để bà con được nhờ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. tks QP.
      Mình nghe vẫn bình thường mà.
      QP thử refresh lại xem có nghe được ko ?
      nếu ko được thì thử thay trình duyệt. Mình đã kiểm tra, dùng IE, FF, Chrome, Safari đều nghe ok. Chỉ Opera là ko nghe được, nhưng cho bắt link down file về

      Xóa
    2. Vưỡn không được Đại ca! không hiểu!!

      Xóa
    3. kì nhỉ
      mình đang nghe này
      có thể do mạng chổ bạn yếu chăng ?

      Xóa
    4. Bạn thử vào đây nhé (trang gốc):

      Xóa
  2. Đại ca ơi ! Em có "quen" ông Bác sĩ này ! Hic hic ! Em có rất nhiều sách của ổng viết về các bệnh nhi , người cao tủi ...
    Thở đúng cách rất tốt , chữa được bịnh đầu tiên là thanh lọc thần kinh , giữ thần kinh sảng khoái ... để đại ca dòm thấy em phi chủi qua là không ngất xiểu á !
    Em bận , qua tám đại ca thôi , đại ca bảo trọng nha !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. à à em quên cả 2 ông bác sĩ nha dưng em thích ông Đỗ Hồng Ngọc viết nhẹ nhàng dí dỏm dễ nhớ , tên ông ấn tượng ... như con gái , tên địa ca có ấn tượng dzậy hông ? hic hic !

      Xóa
    2. Uh, anh có đọc một số tác phẩm của DHN. Đoc khá nhiều mấy bài viết ngắn về đủ thứ chuyện . .thuốc men, bệnh tật, nghệ sĩ, thơ van, thiền .. Anh có link trang nhà của ông đấy, ai thích thì vào đọc.

      tên anh hả ? chắc ko ấn tượng bằng tên hạt mít rùi :d
      tks, chúc Mít luôn thơm phức và vàng ruộm trong mắt XO :d

      Xóa
    3. Mít ui, tui cũng thích ông này, thích kiến thức của ông và giọng văn rất nhẹ nhàng hài hước, đọc mà như chơi...
      Ông có cuốn gì về tuổi già, đọc lâu rồi nên quên mất. Giờ chắc phải kiếm đọc lại, đặng "già đi một cách duyên dáng" như ổng?

      Ủa, mà anh K tên Khùng mà? Không lẽ tên Mỹ Khùng cho nó...duyên dáng và...nữ tính?
      :D

      Xóa
    4. Chả lẽ Mỹ mới đạp ? Anh cũng đẹp chứ bộ.
      Anh Khùng :d

      Xóa
    5. hê hê ! ủa Khung hay Khùng ! Chàiiii ui hổm rày em tưởng anh là Khung
      Hic hic ! Thym ui thôi mình gọi là Mộng Khùng đi vừa nữ tính lại vừa hông đụng hàng , thế mới chất . Hic !
      Đại ca ơi ! Mít lúc nào cũng thơm dưng hông dzàng đâu , dzàng là bị bịnh gan á !

      Xóa
    6. hihi em Mít khỏi mộng mơ gì, có anh đơi >:D< :))
      Ah, hay gọi anh là Mít Khùng nhở (Mit = Mr.)
      Gọi thế để được hưởng ké mùi thơm của Mít :d

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)