31/7/13

Les Feuilles Mortes - Lá Thu Vàng

Nhắc đến Lữ Liên người ta nhớ đến ban nhạc trào phúng nổi tiếng AVT . Người ta cũng biết đến Lữ Liên là bố của các ca sĩ Tuấn Ngọc, Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh và Lưu Bích.

Ông còn là người soạn lời Việt cho khá nhiều bản nhạc ngoại rất mượt.

Hôm nay mời mọi người nghe  một ca khúc được đánh giá là một trong ba ca khúc nổi tiếng nhất của Pháp, với lời Việt của Lữ Liên, do con gái ông trình bày

Lá thu vàng - lời việt Lữ Liên - Khánh Hà

lyrics

Chiều buồn nhìn lá, tàn tạ ngoài hiên xưa
Hồn nhẹ vào Thu, nhuộm vàng màu nhớ
Làn môi rạng rở, ánh mắt ôi đềm êm
Mơ phút anh hôn, lửa cháy trong hồn

Ngày nào anh từ ly
Sân buồn man mác
Đông về heo hút
Tiếng gió vút khơi
Người yêu hỡi, ngóng trông nhau hoài
Mãi xa xôi .. chỉ thấy Thu về ...lá vàng rơi

Ngày nào anh từ ly
Sân buồn man mác
Đông về heo hút
Tiếng gió vút khơi
Người yêu hỡi, ngóng trông nhau hoài
Mãi xa xôi .. chỉ thấy Thu về ...lá vàng rơi

The falling leaves, drift by my window
The autumn leaves are red and gold
I see your lips, the summer kisses
The sunburn hand I used to hold.

Since you went ...away .the days... grow long
And soon I'll hear old winter song
I said I miss you most of all, my darling
When autumn leaves... start to fall.

Bản này có khá nhiều người soạn lời Việt. Mời nghe:

Những chiếc lá úa - lời Việt: Phong Vũ  - Thái Thanh


Lá Thu Rơi - lời Việt: Thành Trang - Tâm Hảo ca


Đây nguyên là bài Les Feuilles Mortes, ca khúc nổi tiêng do nhạc sĩ Pháp gốc Hung Joseph Kosma viết nhạc, lời của nhà thơ lớn Pháp Jacques Prévert (1945). Bài hát đã được sử dụng trong phim Les portes de la nuit, do Marcel Carné đạo diễn. Diva Edith Piaf đã lăng xê Yves Montand - anh chàng phi công trẻ của mình, đóng vai chính trong phim, trình bày bản nhạc và đã bước đầu tạo dựng tên tuổi Yves Montand.

Les Feuilles Mortes - Yves Montand 


lyrics

thơ Jacques Prévert

Les Feuilles Mortes
Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,
Des jours heureux quand nous étions amis,
Dans ce temps là, la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui.
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Tu vois, je n'ai pas oublié.
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi,
Et le vent du nord les emporte,
Dans la nuit froide de l'oubli.
Tu vois, je n'ai pas oublié,
La chanson que tu me chantais...
C'est une chanson, qui nous ressemble,
Toi qui m'aimais, et je t'aimais.
Nous vivions, tous les deux ensemble,
Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.
Et la vie sépare ceux qui s'aiment,
Tout doucement, sans faire de bruit.
Et la mer efface sur le sable,
Les pas des amants désunis
.
dịch: Phan Huy Đường

Thuở lá chết
Ôi, ta quá mong em nhớ,
Những ngày âu yếm bạn giữa chúng ta,
Thuở ấy, đời đẹp hơn,
Và mặt trời nóng bỏng hơn hôm nay.
Lá chết nhiều không sao ôm hết,
Em thấy không, ta đã không quên.
Lá chết nhiều không sao ôm hết,
Kỷ niệm và hối tiếc cũng thế thôi,
Và gió Bắc cuốn chúng đi,
Vào đêm lạnh quên lãng.
Em thấy không, ta vẫn không quên,
Bài ca em hát cho ta…
Đó là một bài ca giống chúng ta,
Em, người yêu ta và ta, người yêu em.
Chúng ta cùng sống,
Em, người yêu ta và ta, người yêu em.
Rồi cuộc đời chia lìa những kẻ yêu nhau,
Dịu dàng, không tiếng động.
Và biển xoá sạch trên cát,
Dấu chân những tình nhân đã chia ly.

nguồn: diendan. org

Năm 1947 bài hát được Johny Mercer viết lời Anh nhưng chỉ cho phần điệp khúc, như đã được Khánh Hà trình bày ở trên. Mời nghe một số giọng ca nỗi tiếng trình bày ca khúc này: Edith Piaff (cả tiếng Anh lẫn Pháp), Nat King Cole, Andria Bocelli, Eva Cassidy.

Edith Piaf


Andrea Bocelli


Trong dịp tưởng niệm nhạc sĩ nhạc Jazz Mỹ Miles David do Tổng Thống Czech Mr. Vaclav Klaus tổ chức, bản nhạc cũng đã được hòa tấu

Hòa tấu


Ai thích nghe độc tấu dương cầm thì mời nghe


Còn đây là tiếng đàn của Richard Clayderman



*
Cuối cùng, ở trên ta đã đọc bản dịch bài thơ của J Prevert của Phan Huy Đường, giờ mời nghe ông tán láo chơi

(click) đọc: Dịch và tán láo về thơ Prévert

Bài thơ này độc đáo ở chỗ nào ?

Thoạt đọc, ngôn ngữ giản dị, hồn nhiên, thậm chí trẻ con1 (tu vois… tu vois…). Tầm thường như ngôn ngữ hàng ngày, toàn ý-chung. Thế mà tràn trề nhục cảm, biến thành thơ ! Lạ thật.

Ba câu sau tạo âm hưởng cho toàn bộ bài : lưu luyến, thiết tha, ám ảnh.

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,
Tu vois, je n'ai pas oublié.
Tu vois, je n'ai pas oublié,

Ba câu thơ như trên trời rơi xuống. Không hoà vần với câu trước, câu sau, nên lời và tồn tại… độc lập. Thế thì còn "thi phú" gì nữa ? Nỗi nhớ nhung tha thiết ám ảnh này loan ra, lây vào tất cả những câu văn sau khiến chúng ngây ngất… nhớ, bất kể nhớ gì ! Vì sao thế ? Vì nỗi nhớ ấy phi thời gian, phi không gian.

Từ tant ở đây quả khó dịch. Nghĩa rất mơ hồ. Đại ý là nhiều. Nhiều bao nhiêu ? Không biết ! Có thể dịch thành quá nhiều ? Cũng được. Thí dụ : Ôi, ta quá muốn… Nhưng quá ở đây không có nghĩa là quá xá, quá độ, quá lâu, nên giảm bớt, mà có nghĩa… ngược lại : bao nhiêu cũng không đủ nói hết được lòng ta ! Thế thì nhiều hay quá ở đây không thuộc phạm trù số lượng, không chỉ là quan hệ về lượng của con người với không gian. Điều ta mong muốn không là thấy em trước mắt mình. Ta muốn em… nhớ.

Từ tant kín đáo hoà âm với từ quand trong câu thơ sau. Quand ám chỉ thời gian. Thời điểm nào trong năm tháng một đời người ? Không biết… Bao lâu ? Không biết… Chỉ nhớ đó là thời… hạnh phúc ! Thế thì không là quan hệ về lượng của con người với thời gian.

Tóm lại, đây không là quan hệ của con người với vật giới. Là quan hệ của ta với em, của ta với mình, của mình với nhau. Trong tâm khảm ta, tất cả những thứ khác – lá chết, gió Bắc, e tutti quanti – chỉ tồn tại và có ý nghĩa xuyên qua quan hệ ấy. Quan hệ gì ? Yêu. Người đời coi đây là bài thơ tình, quả không sai.

Quand lại kín đáo hoà âm với ce temps là. Ce và là thường được dùng để chỉ định một điều gì đích xác trong ngoại giới. Ở đây lại chỉ định một thời gian hàm hồ không có dấu mốc, không có độ dài trong Thời Gian… vật lý, chỉ có hình thái nhớ nhung. Thế thì, ở đây, dưới dạng ngôn ngữ, thời gian và nhớ nhung là… một. Thời gian là… nhớ nhung ! Nhớ nhung một cuộc sống đẹp. Trong bài thơ này. Nhớ nhung hiện sinh hoá thành ngôn từ, vật thể hoá thành âm thanh và ký hiệu, thành vết chân có thực của con người ở đời, trong thế giới thực và, biết đâu, có thể, trong lòng người khác.

Temps lại kín đáo hoà âm với brûlant trong câu thơ tiếp : nóng bỏng. Thế thì, ở ta, thời gian chỉ là nỗi nhớ nhung nóng bỏng một cuộc sống đẹp, một cuộc sống chỉ em mới có thể cho ta. Hè hè…

Ta khẳng định điều ấy với em :

Em thấy không, ta đã không quên.
Em thấy không, ta vẫn không quên,

Đây là câu nói chuyện trực diện với người khác. Nó có nghĩa : ngay bây giờ em đang ở ta. Thế thì điều ta khao khát khi ta quá mong em nhớ là : ta được… ở em như em ở ta. Ngay bây giờ. Mãi mãi.

Ta chỉ khao khát thôi, không nỡ xin. Vì ta đã dám làm.

Điên thật, hè hè…

Ôi Trời Xanh đểu giả, cho ta đủ thứ hay dở, sao nỡ không cho ta chút tình thơ ?

P.H.Đ.

2011-02-03
nguồn: diendan.org

Cũng trên diendan.org có bài viết của Hàn Thủy về bản nhạc vừa bình, vừa cho nhiều thông tin về bản nhạc, cũng cop vào đây luôn, để ai muốn đọc khỏi phải vượt tường

Lời Việt cho Les feuilles mortes


Hàn Thuỷ

Sau bản dịch bài thơ Prévert này của Phan Huy Đường, tại hạ tự nhiên có cao hứng dịch lại thành lời Việt cho bài hát, vì bài « Les feuilles mortes » ấy không chỉ là một bài thơ. Âu cũng là dịp đầu năm khai bút. Sau đó cũng xin dông dài thêm vài chuyện, vọng cổ cho vui...

Mùa lá chết

Người ơi, nhớ người, tôi xin người nhớ ngày xưa,
Thời hạnh phúc mình chung sống tình bạn đầm ấm,
Ngày xưa ấy đời tươi thắm đẹp hơn bao giờ,
Và nắng trưa nồng cháy, nay chừng đã lạnh câm.

Mùa rơi lá nhiều rơi chết tàn úa đầy sân
Tôi nhớ, thấy không người, vẫn nhớ.
Mùa lá rơi nhiều lá rơi tàn úa vô vàn
Mà những kỷ niệm tiếc nuối thì cũng cầm như...

Để rồi cho gió bắc cuốn đi về xa,
Vào trong đêm lạnh giá của lãng quên.
Tôi nhớ, thấy không người, vẫn nhớ,
Nhớ khúc ca khi người hát tặng tôi...

Một bản tình ca, là ảnh hình hai ta,
Hình ảnh tình yêu, của người và tôi.
Một thời còn nhau, một trời một đôi,
Người là tình yêu, và tôi yêu người.

Nhưng đời chia lìa những người yêu nhau,
Êm đềm sâu lắng, chẳng tiếng xôn xao.
Và trên bãi cát dạt dào biển sóng xoá mờ,
Những bước chân nhân tình cách lìa đau.


Nhạc: Kosma, lời: Prévert, bản dịch lời: Hàn Thuỷ

…chuyện cũng đã từ hơn 60 năm rồi. Cả hai đều rất nổi tiếng. Prévert viết lời và Kosma viết nhạc, chung, chứ không hẳn là nhạc hay thơ có trước. Cặp này (trong một thời, từ 1939 đến 1951, sau đó họ không cộng tác với nhau nữa) cộng lại cũng sánh như một Bob Dylan hay một Trịnh Công Sơn : lời và nhạc quyện vào nhau không thể chia cắt. Và điều quan trọng là họ đều thể hiện tình cảm của nhiều người trong thời họ đang sống, và đều được đón nhận nồng nhiệt như nhau.

Vậy thời của Prévert, Kosma và bài hát này ? Đó là vào đầu năm 1945 – và ta nhớ, tháng 8 năm 1944 Paris mới được giải phóng khỏi tay quân đội Đức Quốc Xã. Trước đó Kosma đi vào kháng chiến bí mật và Prévert hoạt động công khai, nhưng cũng như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác trong vùng tạm chiếm, ông tỏ thái độ ủng hộ kháng chiến chống Đức một cách gián tiếp khéo léo, do đó tình bạn của họ không hề sứt mẻ, và khi Kosma từ kháng chiến về họ hợp tác lại với nhau ngay –, bài hát này là một phần của ca kịch « Le rendez vous » (cuộc hẹn hò), cũng do hai người cộng tác, như nói trên; sau họ chuyển thể thành phim « Les portes de la nuit » (ngưỡng cửa của đêm), do Marcel Carné đạo diễn, nhạc Kosma, đối thoại và lời nhạc Prévert. Không cần đi vào chi tiết của hai bản ca kịch hay phim này, chỉ biết là bài hát trong phim do Yves Montand thể hiện, và từ đó về sau nó nổi tiếng trên cả thế giới, cũng như bài hát khác trong phim là « Les enfants qui s'aiment » (Những đứa trẻ yêu nhau).
*

Bây giờ thử suy diễn tại sao bài hát đã được đón nhận rộng rãi như thế. Trước hết, tuy khởi đi từ một hoàn cảnh cụ thể, nhưng nó đã vượt lên để trở thành phổ quát, do đó nó sống qua thời gian và không gian. Sống qua thời gian và không gian vì thời gian và không gian ấy đã trở vào trong nội tâm, đã trở thành một tình cảm trong nội tâm, như bang chủ Cái bang AMVC (PHĐ) viết « thời gian và nhớ nhung là… một. Thời gian là… nhớ nhung ! ». Nhưng vượt qua cũng là một phủ định biện chứng (hè hè !) và da thịt của cuộc phủ định này đau đớn lắm. Thời gian thực của nhớ nhung là thời gian trước chiến tranh, và sự phủ định thực của thời gian đó là chiến tranh, đối với những con người bình thường giản dị – người anh hùng hay triết gia có thể không coi chiến tranh là sự triệt tiêu hạnh phúc của mình.

Do đó lời của bài thơ này rất giản dị, rất đời thường. Chỉ có ba ẩn dụ, một là « lá chết », hai là « những dấu chân trên cát », cả hai tương đối phổ biến. Ẩn dụ thứ ba, « gió bắc », sẽ xin đề cập sau. « Lá chết» thì chắc chắn đã có từ lâu trên cả địa cầu, và tượng trưng cho buồn đau nhung nhớ. Ở đây đau thương này gợi đến rất cụ thể hàng triệu người đã chịu chết hay mất mát trong chiến tranh, bởi vậy Prévert không viết kiểu lá thu vàng bay lất phất qua song cửa... mà viết: lá chết... « se ramassent à la pelle » (nghĩa đen : phải hốt đi bằng xẻng), thành ngữ thông thường của tiếng Pháp, có nghĩa: vừa rất nhiều, vừa tàn tạ, không có giá trị gì cả. Còn về ẩn dụ thứ hai thì – tại hạ không biết đủ để khẳng định điều này – có thể « dấu chân trên cát » là một sáng tạo rất đẹp của Prévert, sau đó mới trở thành phổ biến; nếu thế, quả là một kỳ diệu của thiên tài : cái đẹp vừa được sáng tạo bỗng lập tức thành quen thuộc vì cảm nhận được ngay. Còn lại thì sao ? chỉ có người yêu tôi và tôi yêu người, ngày xưa mình hạnh phúc, vân vân... phức tạp hơn một chút thì thấy ngày xưa mặt trời nóng bỏng hơn.

« Thế mà tràn trề nhục cảm, biến thành thơ ! » (PHĐ). Sao vậy ? vì ở đây có một tứ thơ chủ yếu khác : sự ca ngợi tình yêu một cách đơn giản trần trụi « tôi yêu người, và người yêu tôi » kiểu từ thượng cổ tới nay ai cũng nói được đó, lại là một ẩn dụ thứ tư nữa, chính ẩn dụ đó đã đi vào lòng người đang đau đớn. Tứ thơ này kỳ lạ ở chỗ, thường thì ẩn dụ là một hình ảnh nào đó được dùng để kín đáo gợi lên một ý tưởng hay cảm xúc chỉ có một liên hệ mảnh mai với nó; vậy mà ở đây: một câu nói thông thường, nếu đọc và nghe tỉnh táo trong một văn cảnh khác sẽ thấy gần như thô lỗ, lại gợi lên... chính nó, tình yêu, một cách mãnh liệt, tràn đầy, trong lòng mọi người.

Vì nó còn là sự phủ định chiến tranh, phủ định số phận nghiệt ngã làm nên cuộc chia ly, mà bài thơ chỉ nhắc đến như « gió bắc » và « đời ». Sự chối từ đó làm nên điều kỳ diệu của ngôn ngữ: nói « gió bắc » – ẩn dụ kín đáo về quân đội Đức Quốc Xã, nước Đức ở phía đông bắc của nước Pháp – cuốn đi kỷ niệm và tiếc nuối vào quên lãng, thực ra là vì không muốn nói « gió bắc » cuốn đi đời sống ngày xưa, làm cho nó thành kỷ niệm và tiếc nuối. Chứ còn, trong một cuộc sống hạnh phúc, có đâu thời gian cho kỷ niệm và tiếc nuối. Và rồi « gió bắc » ở đoạn đầu đã trở thành « đời » một cách chung chung trong điệp khúc, như « số phận », « định mệnh »... như điều luôn luôn hiện hữu trong mỗi đời người.

Nhạc và lời bốn câu trong đoạn giữa của bài hát da diết nhất và có kịch tính cao nhất, chính vì nó thể hiện biện chứng tâm lý « biết nhưng không muốn biết nữa » này, nhất là ở hai câu giữa : quên và không quên đối chọi nhau đột ngột. Quên là muốn quên hết khung cảnh quá khứ và lý do làm cho mình đã mất hạnh phúc, nhớ là chỉ nhớ tới tình yêu thôi, tình yêu trần trụi trong tiếng nhạc ngân lên khẳng định trong bốn câu sau đó. Và những lời thủ thỉ giữa một người với một người trở thành tiếng ngân vang tha thiết với đời trong điệp khúc của bài hát, mà âm điệu thay đổi hoàn toàn. Nếu trong nửa đầu ca sĩ nói với người yêu – có thể đang xa cách, có thể không xa cách nhưng do hoàn cảnh đã đổi thay không yêu nhau nữa, có thể đã chết – trong tâm tưởng của riêng mình, với giọng điệu kể lể rất riêng tư thân mật; thì trong nửa sau ca sĩ vừa nói với người đã yêu, vừa đồng thời nói với mọi người, « người và tôi » trở thành « những người yêu nhau », ngôi thứ ba.

Tóm lại về sự trần trụi phổ quát của lời bài hát : Người kia đã chết ? không biết ! Người kia ở xa ? không biết ! Người kia đã đổi thay ? Không biết ! Ai gây ra cuộc chia ly, biết nhưng không muốn biết nữa. Ngày xưa chúng tôi/ta yêu nhau, và bây giờ tôi chỉ muốn nhớ lại tình yêu ấy, thế thôi. Và cuối cùng chấp nhận, ngay cả nỗi nhớ về tình yêu đó, nỗi nhớ đã được « vật thể hoá thành âm thanh và ký hiệu, thành vết chân có thực của con người ở đời » (PHĐ), cũng đang được sóng biển xoá đi... Nhưng xoá đây nằm ở thì hiện tại, đang xoá, có nghĩa là không chắc xoá được ! bốn câu kết cực kỳ đẹp: trách móc số phận, buồn đau, cam chịu và hy vọng cùng hiện diện.

Thế rồi khắp nơi, không chỉ ở Pháp – và không chỉ sau chiến tranh thứ hai – người ta hát và khiêu vũ trên nền một bản nhạc buồn, khi thủ thỉ khi da diết. Một bài hát khẳng định tình yêu với lời lẽ dung dị của đời thường. Nhưng hát được như thế là khởi đầu của giải thoát khỏi thảm kịch – bất kể thảm kịch nào – và khẳng định quyền có hạnh phúc của những con người bình thường. Nhưng người ta trên thế giới khi phóng tác lại lời thường không diễn tả hết những ẩn ý và cảm xúc của nguyên bản. Có sao đâu ! Cảm xúc tập thể của một cộng đồng ở một thời đại không giống như của một cộng đồng khác ở một thời đại khác.

Nếu muốn, mời bạn đọc nghe Thái Thanh hát lời Việt do Phong Vũ đặt từ năm 1957, trong đó ẩn dụ « muà thu lá vàng bay... » đã lấy lại hình ảnh buồn man mác muôn thủa của nó. Cũng thế, xin nghe thêm « Autumn leaves » (lá mùa thu), bản tiếng Mỹ – chỉ dùng lại điệp khúc thôi – do Doris Day hát năm 1956, và Eva Cassidy hát, qua phong cách Jazz, 50 năm sau. Cuối cùng xin giới thiệu Phạm Ngọc Lân hát cả lời Pháp lẫn lời Việt do ông phóng tác, và tự đệm đàn guita rất điêu luyện (tại hạ không quen ông, chỉ bất ngờ thấy trên mạng bản vidéo khá hấp dẫn này khi đi tìm thông tin về bài hát).

Bạn đọc có thể xem nguyên bản nhạc và lời ở tài liệu đính kèm.
*

Vài dòng về việc dịch, dịch khởi đi từ cảm hứng, rồi phần lớn về sau là lao động chữ nghĩa, khi đó phải loay hoay chọn lựa và sắp xếp từ ngữ... gần như giải một bài toán khô khan. Vì vậy, theo thiển ý, việc dịch thơ chỉ may ra đạt nếu không khi nào quên cảm nhận (xin dùng chữ này để chỉ chung ý tưởng và cảm xúc nhận được). Cảm nhận phải bao trùm bản dịch thơ, ưu tiên hơn sự trung thành với ngôn từ. Dịch lời cho một bài thơ/nhạc nhuần nhuyễn như bài này thì cảm nhận đến từ cả nhạc lẫn lời – có khi các ca sĩ lớn cũng có phần ảnh hưởng. Bạn sẽ thấy Yves Montand không hát mà chỉ đọc tám câu thơ đầu, và... ối giời ! nụ cười của Juliette Greco khi chuyển sang điệp khúc.

Cảm nhận đó (dĩ nhiên chủ quan) vừa được trình bày ở trên.

Tại hạ, khi dịch để hát được bằng tiếng Việt, cố theo sát cả âm điệu lẫn ý tưởng và tình cảm từ đó toát ra, mặc dù biết rằng như thế là « quy hình tròn thành hình vuông ». Không thể không có khuyết điểm, đặc biệt là với câu hỏi « tiếng Việt này có là tiếng Việt không ? » Xin bạn đọc xét xem và lượng thứ. Nhưng có một điều có lẽ thấy lạ tai, đó là hai chữ « người », và « tôi ». Chỉ xin nói đó là lựa chọn của tại hạ từ trước khi bắt đầu.

Hàn Thuỷ



15 nhận xét:


  1. Mình chỉ biết Lữ Liên là nghệ sĩ trong ban nhạc trào phúng nổi tiếng AVT, giờ đọc bài này mới biết ông còn là người soạn lời Việt cho khá nhiều bản nhạc ngoại và thưởng thức một bản nhạc hay.
    Cám ơn nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng ko biết bạn ah, cho đến khi xem bên blog UD :d

      Xóa
    2. Thym đặt tên cho Trâu nha. Chịu không?

      Xóa
    3. Thật ra trước đây, ý nghĩ đó cũng đã chạy qua trong đầu tui (nhờ Thym đặt tên) . . .
      Nhưng tui đang học làm thiền sinh, nên sợ Thym đặt cho cái tên đẹp quớ! làm mình yêu thích, rồi bám vào nó cho cái ngã hiện ra :tên của tui, idea của tui, blog của tui .v. v. ..sợ cái ngã nặng thêm nên thui! Định nói với Thym là : cứ gọi trại đi cũng được thành "châu " chẳng hạn cho nó quí. . . hehehe
      Nhưng bây giơ Thym muốn cho tui tái sinh thì .. . thử tên gì cái đã. . .

      Xóa
  2. Nặc danh31/7/13 11:07

    Em rất thích bài hát này. Giai điệu mượt mà và mềm mại, khơi gợi cảm xúc... Nhưng thủ thỉ và da diết, mới chính là cảm xúc từ Les feuilles mortes.
    Bỗng dưng em nghĩ đến một cái võng, mắc dưới tán một bóng cây, gió hiu hiu nhẹ, mùi đồng nội đưa vào, nắng vài đốm lung linh đong đưa...
    Những tháng ngày cũ, những kỉ niệm xưa, ùa về rưng rức... và em ngủ một giấc luôn.
    Hì hì...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có anh nào xung phong vào hầu quạt em Di ko này :))

      Xóa
    2. "Ru Em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ. . ."Chỉ có Trâu đại dương thui . kha kha

      Xóa
    3. Nặc danh31/7/13 14:33

      Anh Trâu tự tin ghê á. Em thà tự ngủ trong gió đồng vi vu, còn hơn là nghe trâu ậm ò ru ngủ.

      Xóa
  3. Bữa ni bên tê trời cũng chuyển
    Lá dường như rơi rớt mấy cánh nghiêng
    Thu đang đến hay lòng thu ghé bến
    Nghe chiều đi man mác, lá thu buồn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, nghe bên kia trời đang còn hè mà, sao giờ lại chuyển thu rồi :-?
      Nghe nhạc rồi thấy lá vàng rơi luôn hả ? :d
      Ở đây thì chả thấy thu đông gì .. dù đã hết tháng 7. Chặp tối trời mưa, giờ đã tạnh. Nghe đâu có bão ngoài khơi ..

      Xóa
    2. Hai hôm nay trời đổ mưa. Mưa thối cát nát đất sau mấy ngày nắng lửa. NHưng được cái thiên nhiên ở đây văn minh lắm. Ngày tạnh đêm mưa. Mưa suốt đêm. Mưa từ khuya đến rất khuya. Mưa từ khuya đến sáng.

      Để sáng ra, trời bỗng có đôi giọt buồn man mác như đêm mưa còn sót lại. Trong cánh lá rơi, trong ngọn gió rơi, trong đôi hơi thở buồn nhè nhẹ lên mi...

      Xóa
    3. hì, em xuất khẩu thành văn thiệt nhỉ =D>

      Xóa
  4. Em vẫn đang thổn thức với mãi mãi tuổi 20 này anh. Sao em đa cảm thế. Em dường như chết mất rồi, anh à.
    Thôi tối nay em viết nốt coi như món quà tặng cho chị Như Anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, đã thế thì viết cho xong đi, cho yên bụng

      Xóa
  5. Không đến nỗi như Chế Lan Viên

    Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
    Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
    Với tôi, tất cả như vô nghĩa
    Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

    Ai đâu trở lại mùa thu trước
    Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
    ..

    Nhưng tự nhiên hôm nay, lại muốn nghe lại Les Feuilles Mortes. Ở trên nghe hát, nghe piano .. Giờ nghe thêm violin với Andre Rieu. Clip làm thật đẹp

    https://youtu.be/7cylzjvf0vk

    Trả lờiXóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)