2/9/13

Bonjour Tristesse - Francoise Sagan

Lễ nằm nhà đọc truyện xem film nào



Lần đầu nghe tên Buồn ơi chào mi cứ ngỡ đây là bản nhạc Pháp lời Việt, bởi Buồn ơi chào mi gợi nhớ Bonjour Tristesse, nhan đề cuốn truyện nổi tiếng của Francoise Sagan, từng được Nguyễn Vỹ dịch đăng từng kỳ trên tờ nguyệt san Phổ Thông từ 1959 với nhan đề Buồn ơi chào mi.

Nhưng dù không đúng thì ít nhiều hẳn Nguyễn Ánh 9 cũng đã nghĩ tới cuốn Bonjour Tristesse khi soạn ca khúc nổi tiếng của mình. Ở miền Nam trước 1975, ảnh hưởng của F Sagan không chỉ thế: Nhà văn Viên Linh chẳng hạn, cho rằng sự xuất hiện 5 nhà văn nữ viết lách táo bạo - Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH - cũng là từ ảnh hưởng của F. Sagan .. Còn lối sống bị mắng nhiếc thậm tệ, đặc biệt sau 1975, là hiện-sinh-đồi-trụy-ham-hưởng-thụ-yêu-cuồng-sống-vội .. thì làm sao mà thiếu sự góp phần của F Sagan ?

Ai có thể ngờ được cuốn truyện dày ko đầy 200 trang của một cô bé 18 tuổi viết cho đỡ buồn sau khi thi hỏng Tú tài lại gây ra một ảnh hưởng rộng và sâu đến thế, ko chỉ ở quê hương cô, nước Pháp, mà còn ở Mỹ, .. và lan ra nhiều nước, kể cả cái đất nước hình con giun bị xéo trong những năm máu lửa khắp ..

Mời nghe bài viết của Thy Nga phát trên RFA năm 2004, ngay sau khi Francoise Sagan mất để biết qua cuộc đời và sự nghiệp của bà. Ko thích thì có thể theo link ở dưới tìm đọc truyện hay xem phim.

Từ biệt Francoise Sagan, nữ văn sĩ Pháp với cuốn “Buồn ơi, chào mi” - Thy Nga
Đọc bài

Lãng đãng nghe ca khúc “Buồn ơi, chào mi” Thy Nga đi lạc cả sang khu vườn văn học của anh Phạm Điền. Bài hát này, tên giống như tựa đề cuốn “Bonjour tristesse” của Francoise Sagan, nữ văn sĩ Pháp vừa lìa trần hôm 24 tháng rồi.

Tuy nhiên, nỗi buồn của nhân vật Cécile trong truyện lại không vì “tình yêu chắp cánh bay đi” như Anh Tú vừa hát, mà phức tạp hơn. “Bonjour tristesse” là tự truyện của cô thiếu nữ 17 tuổi mang tên Cécile. Cô phá vỡ hạnh phúc của ông bố góa bụa, khiến người đàn bà mà ông định lấy làm vợ, đau khổ phóng xe đi và bị tai nạn. Nghe tin bà thiệt mạng, bố con Cecile bỏ dở chuyến nghỉ hè, trở về Paris.


Cécile cũng chia tay với người bạn trai, cô chỉ rong chơi thôi chứ nào phải tình yêu.

Một chuyến nghỉ hè dẫn tới bi thảm! Sáng hôm sau, trên giường ngủ, không rõ có ân hận không, nhưng Cécile cảm thấy dấy lên một cảm xúc mới: Buồn ơi, chào mi !

Câu này kết thúc cuốn “Bonjour tristesse”. Qua nhân vật Cécile, tác giả Francoise Sagan nói lên những ý tưởng của chính mình, khi ấy 18 tuổi. Với tâm trạng của lứa tuổi chưa định hướng được cuộc sống, không chấp nhận những kỷ cương trong gia đình, những qui ước xã hội, lại hoài nghi về sự hiện hữu của con người và của chính mình, các cô các cậu đâm ra nổi loạn. Nhất là khi mà Cécile, hay Francoise cũng thế, thuộc gia đình khá giả, vật chất đầy đủ thì đâm ra chán ngán, tâm hồn rơi vào trống vắng, hụt hẫng.

Cuốn “Bonjour tristesse” tung ra năm 1954, đã gây chấn động làng văn học Pháp, và ảnh hưởng cả một thế hệ mới lớn vào thời đó, không những ở Pháp mà lan ra toàn thế giới, vào cả Việt Nam. Quý vị trong lứa tuổi này, chắc còn nhớ.

“Bài ca năm cũ” do nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân soạn, quý vị đang nghe tác giả đàn guitar và hát … Bài này gồm cả một số ca khúc ngoại quốc thịnh hành tại Saigòn vào thời ấy, tức là đầu thập niên 1960, khung cảnh khi anh ở ngưỡng cửa đại học. Thy Nga vừa trích, gởi đến quý thính giả phần đầu bản nhạc, gồm có bài “Tous les garcons et les filles” của Francoise Hardy.

Từ ngoại vi Paris, nơi anh đang cư ngụ, nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân cho biết anh soạn “Bài ca năm cũ” như sau: (Xin nghe audio clip bên trên)

Về ảnh hưởng của Francoise Sagan với giới trẻ Việt Nam thời đầu thập niên 60, anh nói: (Xin nghe audio clip bên trên)

Tác phẩm “Bonjour tristesse” đã đưa Francoise Sagan vút lên bầu trời văn học Pháp khi mới 18 tuổi, và đem lại cho cô “Giải thưởng của các nhà phê bình” ngay năm đó. Ba năm sau, là vào năm 1957, cốt truyện này được đóng thành phim với các tài tử thượng thặng quốc tế.

Không khí u uẩn nơi giới trẻ thời đó, người ta có thể thấy vang vọng trong nhạc bản “The sound of silence” do Paul Simon viết vào năm 64 và trình bày cùng với Art Garfunkel

Vào năm 1956, tức là hai năm sau tác phẩm đầu tay, Francoise Sagan cho ra mắt cuốn “Un certain sourire” (Một nụ cười). Đến năm 58 thì cốt truyện này được đóng thành phim với Christine Carrère thủ vai chính, và là nguồn cảm hứng cho nhạc bản “A certain smile” do Johnny Mathis hát

“Một nụ cười mang mang u sầu, xa vắng và bí ẩn tuy nhiên vẫn đượm niềm vui” là phát biểu của thủ tướng Pháp, Jean-Pierre Raffarin, về Francoise Sagan khi nghe tin nữ văn sĩ qua đời.

Các tựa đề sách kế tiếp của Francoise Sagan, như “Aimez-vous Brahms?” cũng trở nên tên bài hát được ưa chuộng.

Francoise yêu cuồng và sống buông thả cho tới khi bị bệnh vào các năm cuối đời. Thuyết hiện sinh, Jean-Paul Sartre chỉ viết, chứ Francoise Sagan mới thực sự là người sống hiện sinh.

Anh Nguyễn Xuân Nghĩa, mà quý vị từng nghe và đọc những bài cộng tác với đài chúng tôi, đã nhận định như thế. Bài này, anh đề là “Adieu tristesse” để từ biệt Francoise Sagan.

Đoạn cuối, Nguyễn Xuân Nghĩa viết: “Năm 1988, được yêu cầu viết “cáo phó” cho chính mình trong cuốn từ điển các nhà văn, Françoise Sagan hạ bút: “Xuất hiện năm 1954 với một cuốn tiểu thuyết mỏng, Bonjour tristesse, và gây xì-căng-đan cho thế giới. Sự ra đi của nàng - sau một đời và một sự nghiệp văn chương dễ thương và cẩu thả như nhau - là một xì-căng-đan cho chính nàng.” Thông minh chừng nào! Francoise Sagan là đứa con nuông của một Paris phù phiếm, nhưng đáng yêu vì ý thức được sự phù phiếm của bản thân.”

Sự nghiệp đó trải dài 42 năm. Hơn ba chục tiểu thuyết và tập truyện ngắn, cùng 9 vở kịch, rồi tùy bút và hồi ký, là những gì nữ văn sĩ “hiện tượng” này để lại cho đời.

Chương trình buổi nay, quý vị đã nghe trích các bản “Buồn ơi, chào mi” của Nguyễn Ánh Chín, do Anh Tú hát; “Ngày vui năm ấy” nhạc ngoại quốc, Ngọc Lan hát lời Việt; “Bài ca năm cũ” với Phạm Ngọc Lân; “The sound of silence” do Simon và Garfunkel trình bày; và giọng hát Johnny Mathis trong “A certain smile” …
© 2004 Radio Free Asia


Ở Nam trước đây theo tôi biết có hai bản dịch Bonjour Tristesse. Một của Nguyễn Vỹ như đã kể trên, nhưng hình như ko được in thành sách. Đến 1970 có thêm bản dịch của Lê Huy Oanh với tựa Buồn ơi, bắt tay trong tủ sách Tân Văn do Tạp chí Văn chủ trương. Hai bản này hiện tìm trên mạng ko thấy. Thay vào đó tìm được bản này

Buồn ơi chào mi - Lan Huệ dịch

Truyện cũng đã được chuyển thể thành film năm 1958 do Otto Preminger đạo diễn, với các diễn viên: Jean Seberg, David Niven, Deborah Kerr, Mylène Demongeot, Geoffrey Horne, Juliette Gréco, Walter Chiari

Có thể xem phim ở đây:
Bonjour Tristesse (1958) - Phụ đề tiếng Việt



9 nhận xét:


  1. Theo mình biết: Bonjour Tristesse
    tựa tác phẩm của nhà văn Francoise Sagan được trích mượn từ bài thơ "A peine défigurée: - Hơi biến ảnh" trong tuyển tập "La Vie Immédiate" của Paul Eluard:

    "Adieu tristesse - Bonjour tristesse
    Tu es inscrite dans les lignes du plafond
    Tu es inscrite dans les yeux que j'aime
    Tu n'es pas tout à fait la misère
    Car Ales lèvres les plus pauvres te dénoncent
    Par un sourire - Bonjour tristesse"

    (Buồn ơi vĩnh biệt - Buồn ơi xin chào
    Mi được viết trong các đường trên trần nhà
    Mi được viết trong đôi mắt ta yêu
    Mi không hoàn toàn sự khốn cùng
    Bởi đôi môi cằn cỗi nhất tố giác mi
    Bằng một nụ cười - Buồn ơi chào mi)


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng đúng rồi bạn.
      Trong nguyên tác tiếng Pháp, trọn bài thơ của P. Eluard được in ngay đầu truyện.

      Xóa
  2. Anh K:
    Buồn không cần chào, tự nó cũng bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...
    Em bận quá. Nợ nần nhiều...Thậm chí rất nhiều.
    Nhưng em sẽ nghe truyện này. Và tất nhiên bản nhạc này thì quá hay. Bài tủ của em rùi.
    Cám ơn anh về một entry rất đậm đà.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, thì nỗi buồn nào rồi cũng qua đi mà ..
      Nợ ? Nợ bài chứ gì ? hứa cho nhiều vào, rùi buộc phải viết cũng là cách hay để khỏi nhàn cư :d

      Truyện tự đọc chứ ko có bản audio nhé.

      Xóa
    2. Làm em tưởng bở.
      Nợ đủ thứ. Em mệt quá.
      Nợ bài là cái nợ nhẹ nhất cũng còn làm em mệt đầu đây.

      Nợ ân nợ nghĩa nợ tình
      Hàng trăm cái nợ nó rình hại ta...

      Hà hà...
      Thôi em zìa. Nợ osin của mấy đứa nhà em đây.

      Xóa
    3. uh, hì về lo cơm nước ô sin cho chúng đi, bố chúng trả lương hậu quá chời còn rên la gì nữa :d

      Xóa
  3. Đại ca ui!Đại ca nghỉ lễ đi chơi nhiều hay sao mà lâu rùi em hổng thấy đại qua qua em chơi zậy? :(
    Đi chơi có mang quà dzìa cho em ko đó???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, em có bài mới đâu nhỉ ? Hình như cũng bận bịu hay đi chơi đâu mà ?
      Anh lễ nắm nhà xem film thôi, chả đi đâu em ah.
      :d

      Xóa
  4. Mới đọc được:

    Bonjour tristesse ở Việt Nam
    Trong lịch sử đã có bao nhiêu bản dịch Bonjour Tristesse của Françoise Sagan ra tiếng Việt?

    Nhiều người trước nay vẫn nói là cuối những năm 50 Nguyễn Vỹ đã dịch đăng quyển này trên tờ Phổ Thông của ông, và quả thật, khi tôi tìm được vài số Phổ Thông giai đoạn đầu thì tình hình như sau:

    Bonjour Tristesse đã khởi đăng trên Phổ Thông từ số 1 và liên tục kéo trong vòng trên dưới 10 số đầu tiên, người dịch ký "Diệu Huyền" (tôi chưa có đầy đủ các số đăng bản dịch này).

    Nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy đã xác nhận Diệu Huyền hay Cô Diệu Huyền chính là bút danh của Nguyễn Vỹ, như vậy quả thật Nguyễn Vỹ đã dịch Bonjour Tristesse. Đây là bản dịch đầu tiên tác phẩm này ở Việt Nam và gần như chắc chắn bản dịch này chỉ tồn tại trên tạp chí chứ không in thành sách.

    Nhìn cụ thể thì mới biết, đây không phải bản dịch đầy đủ, mà có dòng phi lộ cho biết ngay rằng dịch giả chỉ chọn dịch những gì mình thấy là quan trọng cho câu chuyện.

    Bản dịch đầu tiên này tên là Buồn ơi chào mi, cái tên "canonique" và các bác hoàn toàn có thể link ngay đến Nguyễn Ánh 9.

    Sau đó đã có ba bản dịch Bonjour Tristesse, một của miền Nam, hai của miền Bắc, dưới đây là thông tin cụ thể và đoạn đầu từng bản.


    - bản của Lê Huy Oanh, Buồn ơi, bắt tay, Tân Văn số 28, 1970

    Trên cái cảm giác vô danh mà sự chán nản, sự êm ái của nó ám ảnh tôi, tôi ngần ngại đặt một cái tên, cái tên đẹp đẽ nghiêm trang của nỗi buồn. Đó là một cảm giác đầy đủ và có tính cách vị kỷ đến độ tôi gần như xấu hổ vì nó trong khi nỗi buồn luôn luôn khả kính đối với tôi. Tôi không biết nó, nỗi buồn, nhưng tôi đã biết sự chán nản, sự luyến tiếc, và hiếm hoi hơn, sự hối hận. Ngày nay có một cái gì gấp vào trong tôi như một dải lụa, êm ái và khiến tôi uể oải, ngăn cách tôi với những người khác.

    - bản của Quang Vinh, Tạm biệt một tâm hồn, NXB Tổng hợp Sông Bé, 1988

    Nỗi chán chường, sự êm dịu của cái cảm giác không tên ám ảnh tôi. Tôi ngần ngại đặt một cái tên, cái tên đẹp trang trọng của nỗi buồn. Đó là một cảm giác trọn vẹn và ích kỷ, đến nỗi gần như tôi hổ thẹn vì nó, trong khi tôi luôn luôn xem trọng nỗi buồn. Tôi không biết đến nỗi buồn, nhưng tôi đã biết được nỗi chán chường, sự nuối tiếc, và hối hận. Giờ đây, có một cái gì quyện vào tôi như một giải lụa, êm ái và khiến tôi mệt mỏi, ngăn cách tôi với những người khác.

    - bản của Vũ Đình Bình, Buồn ơi, chào nhé, NXB Hội Nhà văn, 2002

    Cảm giác lạ lẫm ấy, mà sự chán chường và dịu ngọt của nó luôn ám ảnh tôi, tôi lưỡng lự mãi mới đặt được cho nó một cái tên đẹp và nghiêm trang: nỗi buồn. Đó là một cảm giác xâm chiếm toàn bộ con người tôi và ích kỷ đến mức tôi gần như xấu hổ vì nó, trong khi tôi thấy nỗi buồn bao giờ cũng có vẻ đáng kính. Tôi chưa biết nó, cái cảm giác mà tôi gọi là nỗi buồn ấy, nhưng sự chán chường, sự luyến tiếc, và hiếm hoi hơn, sự ân hận, thì tôi đã từng biết. Giờ đây, một cái gì đó buông trùm lên tôi như một dải lụa vừa khó chịu lại vừa mềm mại, ngăn cách tôi với những người khác.


    còn đây là nguyên bản của Sagan, một đoạn văn hết sức mơ hồ - chính sự mơ hồ này đã làm nên thành công lớn lao của cuốn tiểu thuyết

    Sur ce sentiment inconnu dont l'ennui, la douceur m'obsèdent, j'hésite à apposer le nom, le beau nom grave de tristesse. C'est un sentiment si complet, si égoïste que j'en ai presque honte alors que la tristesse m'a toujours paru honorable. Je ne la connaissais pas, elle, mais l’ennui, le regret, plus rarement le remords. Aujourd’hui, quelque chose se replie sur moi comme une soie, nervante et douce, et me sépare des autres.
    nguồn: nhi linh blog

    Trả lờiXóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)