17/2/14

Tình ca mùa xuân

5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, lực lượng Trung Quốc khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh (vi.wikipedia)

Tôi có cậu em vợ hi sinh ở mặt trận Lạng Sơn, ko phải năm 1979 mà năm 1980.

Giữa tháng 3 năm 1979, quân Trung Quốc rút hết khỏi Việt Nam, nhưng cuộc chiến ở biên giới vẫn còn kéo dài đến 10 năm sau, khi pháo kích quấy rối, khi đánh nhau ác liệt giành nhau các cao điểm chiến lược.

Mãi đến 1990 sau sự sụp đổ của Liên Xô, Việt Nam qua Thành Đô xin giảng hòa với Trung Quốc và đến 1992 thì quan hệ hai nước được chính thức bình thường hóa.

Từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước được cải thiện, cuộc chiến hầu như không còn được nhắc đến trong các phương tiện truyền thông đại chúng, không được nói đến trong sách giáo khoa lịch sử ở Trung Quốc và một cách hạn chế tại sách giáo khoa của Việt Nam. Tại Trung Quốc, các phương tiện truyền thông gần như lãng quên nó, các tuyển tập bài hát không còn in các ca khúc nói về cuộc chiến, sách nghiên cứu viết về cuộc chiến bị từ chối xuất bản, đa số cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến không muốn nhắc đến nó. Ở Việt Nam, một số ca khúc có nội dung về cuộc chiến, ví dụ "Chiến đấu vì độc lập tự do" của Phạm Tuyên, không còn được lưu hành trên các phương tiện truyền thông chính thống, đó là theo một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam để ý chặt chẽ các nội dung báo chí liên quan đến quan hệ Việt - Trung, và báo chí hầu như không nhắc đến cuộc chiến. Theo giải thích của ông Dương Danh Dy, cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, thì Việt Nam "không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên". Khi được hỏi về cuộc chiến từ 30 năm trước, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng từ nhiều năm trước lãnh đạo hai nước đã "thỏa thuận gác lại quá khứ và mở ra tương lai" (vi.wiki)

Kể ra một đứa qua cướp nhà mình, sau giảng hòa với thỏa thuận tao ko kể chuyện tao cướp mày, mày cũng ko được kể chuyện mày bị tao cướp .. thì cũng ấm ức. Nhưng cái ấm ức này cũng ko phải lần đầu. Thời khởi nghĩa Lam Sơn, giết Liễu Thăng rồi sau mỗi lần đi sứ phải mang hình nhân bằng vàng thế mạng, Vương Thông bại xin hàng, phải cấp cho ngựa, thuyền để về. Mặc cho ta ba hoa thắng lợi ngaoị giao này nọ, nhìn quanh quẩn gần như cô lập, bạn bè chả có ai, với các nước trong khối Asian thật nhạt nhẽo ..

Thôi thì trên đài báo chính thống thỏa thuận ko nhắc kệ họ, hôm nay ở đây mời nghe lại mấy bản nhạc cũ, đọc lại mấy bài thơ thay nén nhang thắp cho cậu em và các đồng đội của nó đã hi sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc

Chiều biên giới

Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào xanh hơn
Như tiếng chim hót gọi
Như chồi non cỏ biếc
Như rùng cây của lá
Như tình yêu đôi ta.


Bài thơ của Lò Ngân Sủn (1945 - 2013) nhà thơ người dân tộc Dáy quê Lào Cai viết, được Trần Chung phổ nhạc 1980



thơ: Chiều Biên Giới

Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào xanh hơn
Như tiếng chim hót gọi
Như chồi non cỏ biếc
Như rùng cây của lá
Như tình yêu đôi ta.

Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta - ngọn núi
Như đất trời biên cương.

Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùa toả ngát hương bay.

Chiều biên giới em ơi!
Rừng chăng dây điện sáng
Ta nghe tiếng máy gọi
Như nghe tiếng cuộc đời
Lòng ta thầm mê say
Trên nông trường lộng gió
Rộng như trời mênh mông.

Chiều biên giới em ơi!
Đôi ta cùng chiến hào
Gần nhau thêm bền chí
Tình yêu là vũ khí
Giữ đất trời quê hương.

Chiều biên giới em ơi!
Nghe con sông chảy xiết
Nghe con suối thác đổ
Hồn ta như ngọn gió
Thổi giữa trời quê hương.

Lò Ngân Sủn


Gởi Em Ở Cuối Sông Hồng

Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ
..
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.


Bài thơ của Dương Soái viết năm 1979 khi đang làm phóng viên chiến trường ở mặt trận Lào Cai cho đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc 1980.



thơ: Gởi Em Ở Cuối Sông Hồng

Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh

Lào Cai, 1979
Dương Soái


Hoa Sim Biên Giới

Nhạc sĩ Minh Quang kể về trường hợp sáng tác ca khúc này:

Tôi viết bài hát "Hoa sim biên giới" từ kỷ niệm về những chuyến đi ấy. Màu hoa tím vùng biên cương xa xôi chính là biểu tượng của tình yêu và nỗi nhớ quê nhà trong trái tim của những người lính đang đối mặt với bom đạn. Nó giản dị như bức thư của một người lính trẻ gửi cho người yêu ở hậu phương: "Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa/ hoa sim giữa đồi nắng gió/ tím như ai chờ mong"  (..)

Bài hát "Hoa sim biên giới" chính là một trong những bài hát thành công đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của tôi.

src: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/doisongvanhoa/2011/8/56303.cand





Tình Ca Mùa Xuân nhạc Trần Hoàn

Em ơi em, mùa xuân đã về trên cành lá,
tiếng chim kêu ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm.
Mùi hương nào rất quen nghe như làn môi ấm,
nghe như từ sâu thẳm đất của mình sinh sôi. ..

Và chúng mình yêu nhau bắt đầu từ độ ấy,
em đi vào xưởng máy khi trời còn hơi sương.
Và anh lại ra đi vui như ngày hội,
mùa xuân biên giới súng anh gác trời xa.


Hihi bác này lại đùa dai, ra trận mà vui như đi hội. Nhưng kệ, nghe Bảo Yến hát rất ngọt



Đọc lại bài thơ của Nguyễn Duy viết năm 1989, mười năm sau cuộc chiến

Lạng Sơn, 1989

Ta về thăm chiến trường xưa
em - hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân
gió đi để lạnh mưa dầm
người đi để buốt dấu chân trên đường
.
Đồng Đăng… Ái Khẩu… Bằng Tường…
chợ trời bán bán buôn buôn tít mù
ta đầy một bị ưu tư
giá như cũng bán được như bán hàng
.
Trớ trêu nỗi Hữu-Nghị-Quan
giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo
A Qui túm tóc Chí Phèo
để hai bác lính nhà nghèo cùng thua
.
Nỗi Tô Thị xót xa chưa
giá như đừng biết ngày xưa làm gì
giá như đã chả vô tri
để ta hỏi lối trở về thiên nhiên
.
Giá như ta chớ gặp em
để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng
giá như em đã có chồng
để bòng bong khỏi rối lòng người dưng.


Kỷ niệm 10 năm mặt trận biên giới tháng 2/1979-tháng 2/1989.
Nguyễn Duy
3.2009


4 nhận xét:

  1. Mâu thuẫn quá nhỉ! Tôi nghĩ giá đừng có giấu thì người ta lại không thấy vấn đề nặng nề hơn. Càng cố che giấu thì người ta lại càng cảm thấy bất an. Người Pháp có thể bình luận về lịch sử của họ rất hồn nhiên. Không thể nói là họ không tự hào chút nào về Na-pô-lê-ông, nhưng trong một cuốn tiểu thuyết của Đuy-ma cha, tác giả đã "tán" rằng thế giới ngạc nhiên không thể hiểu tại sao người Pháp chặt đầu vua nước họ (để xây dựng nền cộng hòa) nhưng lại lập vua cho những nước khác.
    Cái thói "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" làm cho người phương Đông không lớn lên được, rặt một phường "ngụy quân tử". Tôi yêu thích sự uyển chuyển tinh tế của người phương Đông, nhưng thoải mái hơn với tính cách thẳng thắn của người phương Tây.
    Những bản tình ca mùa xuân này thật ngọt ngào êm ái!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đức Jesu dạy Sự thật sẽ giải thoát anh em từ 2 nghìn năm trước, nhưng mấy ai nghe ? cứ ưa dấu đầu dù có hở đuôi. :(

      Xóa
  2. Hề! Giai đoạn này ờ SG đi đâu tụi em cũng nghe ra rã : "khắp thế giới vang lên những lời hô không được đụng đến VN. . " của các nhóm "Ca khúc chính trị'" .
    Bài hát "Những đôi mắt mang hình viên đạn" của Trần Tiến cũng ra đời trong thời điểm này . Nhưng bây giờ cụm từ này chỉ dùng để. . .chọc gái thui Đại ca ui! hehe
    http://youtu.be/WRBl2zGH8E0

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ mỗi sự kiện lại có cả loạt các ca khúc phục vụ kịp thời, nhưng loại mì ăn liền này ít bài trụ lại lâu được .. Các bài trên đây chọn ra những bài khá nhất trong số khoảng 20 chục bản nhạc thời kì ấy còn tìm lại được thì nói thật, về thơ, tứ ko có gì mới; về nhạc, giai điệu nghe ok nhưng ko có gì đặc sắc, cảm giác na ná đâu đó .. Chúng còn được nhắc nhở vì gắn với giai đoạn lịch sử ấy hay gắn với chủ đề biên giới thôi.

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)