10/1/15

Triết lý tiếng Việt trong "vào Nam ra Bắc"




1. RA, VÀO là hai từ chỉ vận động định hướng trong không gian

           Tại sao nói ‘vào Nam ra Bắc’ nhưng không thể nói ‘*vào Bắc ra Nam’? Tại sao một em bé mới sinh được gọi là ‘mới ra đời’ còn những sinh viên tốt nghiệp và rời trường thì được gọi là ‘bước vào đời’? Những câu hỏi này liên quan tới hiện tượng chuyển nghĩa rất thú vị của các từ ra, vào.

            Ra, vào là những vận động định hướng. Về ý nghĩa chúng có liên hệ chặt chẽ với hai từ trỏ vị trí trong, ngoài: ‘Người xấu duyên lặn vào trong/ Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài. (ca dao)

           Từ thời xa xưa tổ tiên chúng ta nhận ra trong hang thì hẹp và ngoài hang thì rộng. Nói ‘đi ra ngoài hang, đi vào trong hang’ rồi khái quát thành: đi ra là đi từ một không gian hẹp tới một không gian rộng hơn, như em bé từ bụng mẹ ra đời; còn đi vào là đi từ một không gian rộng tới một không gian hẹp hơn. Từ trong ứng với không gian hẹp, từ ngoài ứng với không gian rộng. Nhưng không gian nào rộng, không gian nào hẹp? Quan hệ trong-ngoài, hẹp-rộng chỉ là tương đối có trong tâm thức người Việt và được sắp xếp theo quy ước. Chẳng hạn: buồng hẹp hơn nhà , nhà hẹp hơn sân, sân hẹp hơn vườn, vườn hẹp hơn ngõ …

Vậy nên chỉ cần nghe “đi ra sân” là chúng ta biết ai đó từ buồng, từ bếp, từ nhà đi ra sân. Còn khi nghe “đi vào sân” là hiểu ngay ai đó từ vườn, từ ngõ… đi vào sân.

2. Cách nói theo điểm nhìn trong tiếng Việt

           Có một ông ngồi trong phòng khách. Tiếng Việt và tiếng Anh có cách nói giống nhau về vị trí của người này so với phòng khách: “Ông ấy đang đợi ở phòng khách” và “He is waiting in the living room”.

           Người Việt còn có cách nói theo điểm nhìn rất đặc sắc. Đó là lấy vị trí của mình so với vị trí của người đàn ông để nói. Đang ở trên lầu cao thì nói ‘Ông ấy đang đợi dưới phòng khách’. Nếu ở dưới bếp thì nói ‘Ông ấy đang đợi trên phòng khách’. Còn như đang ở trong buồng thì phải nói ‘Ông ấy đang đợi ngoài phòng khách’. Và ‘Ông ấy đang đợi trong phòng khách’ là cách nói của những ai đang ở ngoài sân, ngoài vườn.

3. Mở rộng nghĩa I: Dùng khuôn mẫu của quan hệ không gian hình học cho những quan hệ khác

           Đội bóng, trường học, xí nghiệp, hội đồng quản trị, ban chấp hành, đoàn thể, quân đội, công sở, làng xóm, tuần lễ, tháng, năm học… đều là những tập hợp. Chúng tạo thành những không gian xã hội trừu tượng được nhận thức như những không gian hình học. Ấy thế là có cách dùng vào, ra, trong, ngoài y như trong không gian hình học: cũng có quan hệ trong-ngoài (bao chứa, thuộc về – không thuộc về ), ra khỏi và đi vào:

           Chạy được một chân trong ban chấp hành; trong (dịp) Tết giá tăng chóng mặt; nói trong khoảng 5 phút; thi vào đại học; được gọi vào đội tuyển; đường vào làng; xung phong vào bộ đội; vào tuần sau mới có kết quả; vào mùa mưa; đã ra khỏi đảng ủy; lễ ra quân chiến dịch mùa hè xanh; cô ấy ra trường đã 3 năm; bị chấn thương, cầu thủ A đã ra (khỏi) sân… Con người chuyển động trong không gian cũng là chuyển động trong thời gian. Kết thúc một năm – kết thúc một tập hợp – chúng ta ra khỏi tập hợp đó. Vậy nên có lối nói ra giêng (ngày rộng tháng dài); ngoài giêng; ngoài giám đốc và kế toán trưởng không ai được biết quỹ riêng của công ty…

4. Mở rộng nghĩa II: Nhận thức về thuộc tính của quan hệ không gian

           Hàng loạt nghĩa mới của hai từ ra, vào được hình thành liên quan đến nhận thức: a) Trong-ngoài là quan hệ hẹp-rộng, khép-mở, chúng tạo ra những quan hệ về thuộc tính, và b) Hướng chuyển động chuyển thành thuộc tính. Đi vào là đi tới nơi hẹp, nơi bị khép lại, còn đi ra là đi tới nơi rộng mở.

           Quan hệ hẹp – rộng chuyển thành quan hệ kín – rõ. Mà kín là bí mật, là không thấy được. Ấy vậy nên, từ vào để chỉ những sự việc hoặc hành động bí mật, không thấy được: Đảng rút vào hoạt động bí mật; Tên gian đã lẩn vào đám đông; vấn đề đi vào ngõ cụt. Từ ra để chỉ những sự việc hoặc hành động thấy được; công khai: tiến ra sân khấu, cầu thủ A đã được đưa ra sân thay thế cho cầu thủ B.

           Chuyển động ‘ra’ là chuyển động từ không gian khép sang không gian mở, là chuyển động theo hướng ly tâm như: giang tay ra, duỗi chân ra, mở gói ra, cởi áo ra, bàn ra, tháo ra, thuyền ra khơi xa… Khái quát lên là từ thu hẹp sang phát triển. Khái quát nữa là sự vật chuyển thuộc tính từ tiêu cực (âm) sang tích cực (dương). Điều này được thấy trong các lối nói trắng ra , béo ra, trẻ ra, khỏe ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, tỉnh ra, ăn nên làm ra…

           Ngược lại, từ vào dùng cho những hoạt động hướng tâm: co tay vào, nhìn thẳng vào sự thật, nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào…

           Quan hệ không thấy được – thấy được chuyển thành quan hệ chưa biết – biết, phát hiện; giữ kín – bộc lộ. Từ ra để chỉ những gì ta biết, ta phát hiện: tìm ra đáp số; tìm ra thủ phạm; chỉ ra những chỗ sai; nhận ra người quen; nổ ra cuộc tranh luận. Từ ra còn trỏ những gì được bộc lộ: hiện ra, bày ra, làm rõ ra... Trong cờ tướng, “ra xe” là quân xe chuyển tới một vị trí mở (bộc lộ) rất rộng đường đi. Ý nghĩa “bộc lộ , phát hiện” của từ ra được xuất hiện trong hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra: té ra, hoá ra, thì ra là, thế ra, ra bộ, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai… Từ vào để chỉ những gì chưa biết. Nói tên lửa bay lên vũ trụ vì vũ trụ là không gian cao trên đầu chúng ta; nhưng cũng nói tên lửa bay vào vũ trụ vì trước đây chúng ta hầu như chưa biết gì về vũ trụ. Chúng ta nói những sinh viên tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng chưa biết gì về cuộc sống, là những sinh viên mới vào đời.

           Tới đây, chúng ta giải thích được lối nói ra Bắc vào Nam: Trong quá trình phát triển, dân tộc Việt Nam đi từ phía Bắc xuống phía Nam. Chúng ta sinh sống ở phía Bắc. Nơi ta sống là nơi ta biết. Đi tới phía Bắc trên đất nước ta là đi tới nơi ta biết nên mới nói ra Bắc. Ông cha ta đi khai khẩn, khám phá phía Nam là nơi chưa từng sinh sống nên chưa biết. Đi tới phía Nam là đi tới nơi ta chưa biết nên mới nói vào Nam. Mặt khác, tiến về phương Nam chủ yếu là tiến về nơi rừng núi rậm rạp cũng là chưa biết. Thế là hình thành lối nói “vào Nam ra Bắc”.


Nguyễn Đức Dân
nguồn: khoavanhoc-ngonngu

8 nhận xét:

  1. Nặc danh12/1/15 12:48

    Đột nhiên em nhớ câu trong Truyện Kiều:
    "Phong tư tài mạo tót vời,
    Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa"
    Ấy là các câu nói về Kim Trọng.
    Vào trong, ra ngoài ở đây là thế nào anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vào trong nhà, ra ngoài đường
      Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa : về nhà thì nhã nhặn, ra đường thì rộng rãi.

      Ý là trong nhà, đối xử với người thân nhẹ nhàng là ok, kibo ko sao. Ra ngoài xã hội thì tiêu pha nhậu nhẹt rộng rãi là tốt, nói tục nói phét ko sao :d

      hào hoa = tiêu pha tốn nhiều.
      phong nhã: phong = dáng vẻ, nhã = thanh tao.

      Xóa
    2. Nặc danh12/1/15 20:21

      Giời ôi, thì ra vụ vào ra này là "định hướng trong không gian".
      Thế mà khi đọc hai câu ấy, em cứ tưởng nếu lột đồ ra thì tướng tá Kim Trọng sẽ rất là phong nhã, còn mặc đồ vào rồi trang sức lên thì trông sẽ hào hoa.
      Haiza.

      Xóa
    3. Cũng là một cách hiểu. Như thế ở đây có hai từ "nhìn" đã bị bỏ đi, do hạn chế số chữ
      [nhìn] vào trong phong nhã, [nhìn] ra ngoài hào hoa
      Có điều, vấn đề là, lột đồ ra mà "tướng tá phong nhã" = tướng tá thanh tao thì ko thể coi là một câu khen được, trái với ý chung của đoạn thơ này là ca ngợi chàng Kim.
      Hay phong nhã bị viết nhầm, nguyên văn vốn là "phong nhĩ" chăng ?

      Xóa
    4. Nặc danh14/1/15 08:37

      Tại sao "lột ra" thấy phong nhã mà không phải là một câu khen anh?
      Nhìn bề ngoài không dám chắc được đâu.

      Xóa
    5. Cũng tùy trường hợp. Ví dụ
      Với chuối, ớt thì đúng. Chuối cau bé tí nhưng quí hơn chuối bom, chuối lào nhiều. Ớt hiểm nhỏ nhưng cay gấp ngàn ớt chuông Đà lạt.
      Nhưng với chày thì khác. Giã tiêu hay giã gạo, giã .. gì gì cũng thế, càng to càng tốt, (dĩ nhiên là đừng quá khổ. Ví dụ giã tiêu mà dùng chày giã gạo thì ko được)

      Xóa
    6. Nặc danh14/1/15 13:15

      Vậy chắc người ta viết nhầm. Phong nhĩ mới cực chuẩn.

      Xóa
    7. Có lẽ thế. Vào trong phong nhĩ, ra ngoài đào hoa

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)