24/2/15

Em đi chùa Hương


Hôm nay, mồng 6 Tết, bắt đầu hội chùa Hương. Mặc dù những năm gần đây nghe nói nhiều những nhếch nhác trong lễ hội này, nhưng mỗi khi nhắc đến chùa Hương, vẫn gợi lên trong trí hình ảnh núi non thơ mộng với rừng Mai, khe Yến .. Ấn tượng Chu Mạnh Trinh để lại từ bài thơ học hồi cấp 2

Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?
Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng
..

Đây là một bài hát nói, hãy nghe đào nương Vân Mai ca



Hoàng Quý, tác giả Cô Láng Giềng, cũng có bản nhạc Chùa Hương viết năm 1943. Nghe Mỹ Linh ca



Nhưng nói đến chùa Hương, đặc biệt nhớ đến bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp, thác lời cô gái mới lớn thơ ngây kể lại một câu chuyện tình thật dễ thương. Nghe Ngọc Quang và Thúy Hạnh diễn ngâm. Ai ko thích nghe ngâm thơ thì click đọc bài thơ. Bài thơ dài, 136 câu, tương đương với Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính, nên để ẩn cho gọn blog. Nhớ hồi cấp 2 Thầy bắt học thuộc lòng cả bài này, ác dã man :d.



click đọc thơ: CHÙA HƯƠNG

(Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa)

Hôm nay đi chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới;
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: "Thầy nó trông !
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá !
Bao giờ cô lấy chồng ?"

- Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm.
Ý đợi người tài trai.

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre.
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò.
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy,
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần.
Đời mấy kẻ tri âm ?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.


Người đâu thanh lạ nhường !
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương ?

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ ?
Thuyền đông trời ôi chen !"

Chàng thưa vâng thuyền đông,
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen hay, hay quá !
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói :
"Nam Mô A Di Đà !"

Réo rắt suối đưa quanh,
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oán, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi,
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.

Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo :
"Mai mới vào chùa trong."

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu :
"Mai ta vào chùa trong !"

Đêm hôm ấy em mừng !
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời,
Mơ nhiều... Viết thế thôi,
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười.

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo leo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: "Đường có lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau"

Em ư ? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu)

Khi qua chùa Giải oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay, lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen hay,
Chữ đẹp như rồng bay.
(Bài thơ này em nhớ
Nên chả chép vào đây).

Ô ! Chùa trong đây rồi !
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Me vui mừng hả hê:
"Tặc ! Con đường dài ghê !"
Thầy kêu mau lên nhé,
Chiều hôm nay ta về.

Em nghe bỗng rụng rời !
Nhìn ai luống nghẹn lời !
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi !

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở !
Chàng ơi, chàng có hay ?

Đường dây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười,
Yêu nhau, yêu nhau mãi !
Đi, ta đi, chàng ơi !

Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời Phật
Sao cho em lấy chàng.


(Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện).

6/1934.
Nguyễn Nhược Pháp.
(Tranh minh họa của Thái Tuấn, trong tập Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp do nxb Cảo Thơm in lại ở Saigon năm 1966. Hình của trang blog caothonbonmua)

Trong cuốn Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Nguyễn Vỹ kể lại

Chuyến đi chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô có mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến Rừng Mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lê đèo, đường đá gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát…”. Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: “Nam Mô cứu khổ cứu nạn…” rồi cô im. Đôi má đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa? Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc.

(..) Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến Chùa Ngoài, rồi lên đến Chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ấy ngủ trong Chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là “Cô gái chùa Hương”. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lí thú của chúng tôi với cô gái quê để làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng thơ ngây, y như cô gái chùa Hương hôm ấy …

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
(1914 - 1938)
Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914 tại Hà Nội, con của nhà văn, nhà báo nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh. Học trường Albert Sarraut, đỗ tú tài xong, theo học Luật. Làm thơ từ sớm, ngoài ra còn viết kịch, truyện ngăn, viết báo. Ông mất năm 1938, khi mới 25, để lại một tập thơ mỏng tựa Ngày Xưa Nguyễn Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1935, gồm 10 bài thơ; và một tập kịch xb năm 1936. Nhưng đúng như Hoài Thanh nhận xét trong Thi Nhân Việt Nam: “Thơ in ra rất ít mà được biết đến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ huy hoàng hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh...”.

Đâu khoảng giữa những năm 198x đến đầu 199x, tên tuổi Nguyễn Nhược Pháp lại được nhắc nhở nhiều khi một bản nhạc phổ thơ của ông, được Trung Đức, rồi nhiều ca sĩ khác, trình bày thường xuyên ở các tụ điểm ca nhạc, trên sóng radio. Tìm chưa ra version Trung Đức ca, nghe Ái Vân hát vậy



Nhạc sĩ bắt cô bé tay cầm nón quai thao, chân đi đôi guốc cao cao leo núi, tội nghiệp. Có lẽ Ái Vân thương cô bé nên thay guốc thành dép. Gần đây có ca sĩ thay luôn đôi dép cong như bài thơ gốc. Người làm clip giới thiệu tác giả Phạm Duy là ko đúng. Bấy giờ, bản nhạc thường được hát trên radio, ở các tụ điểm ca nhạc, được giới thiệu là của Trần Văn Khê. Mãi sau mới biết, bản nhạc do chính ca sĩ Trung Đức sáng tác dựa trên bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Ông mượn danh GS Trần Văn Khê để bản nhạc dễ được duyệt, được phép dàn dựng hơn. Nhạc sĩ Nguyễn Đình San kể lại sự cố này.

... Sáng tác xong [bản nhạc Em Đi Chùa Hương], anh hát cho một vài bạn bè là ca sĩ nghe. Thấy họ ưa thích, anh đưa bài hát cho hội đồng nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với hy vọng sẽ được duyệt để dàn dựng làm tiết mục biễu diễn thường xuyên của nhà hát (Trung Đức là diễn viên hát ở đây). Nhưng một người có trách nhiệm trong hội đồng nghệ thuật đã không chấp nhận.

Nghĩ bài bị từ chối là do mình chỉ là ca sĩ, chứ không phải nhạc sĩ, bị người kia coi thường (về sáng tác) nên một thời gian khá lâu sau anh lại gửi bài hát đến hội đồng nghệ thuật nhưng ký tên Trần Văn Khê - một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian nổi tiếng, là giáo sư, Việt kiều đang cư trú ở nước ngoài. (..).

Quả nhiên nghe tên ông Khê, Nhà hát rất nể, đã nhanh chóng cho dàn dựng. Trung Đức xin hát và được chấp nhận. Sau đó, nhiều ca sĩ thấy hay đã đua nhau hát bài này. Đến khi bài hát trở nên nổi tiếng, anh mới “công bố” sự thật. Vậy nên cũng dễ hiểu khi có thời gian, nhiều người cứ nghĩ tác giả bài hát là Trần Văn Khê.

Trần Văn Khê thật ra cũng từng phổ nhạc bài thơ này từ mấy chục năm trước, hồi 1946. Ông kể lại, yêu thích bài thơ nên ông thường lấy ra ngâm, rồi để thay đổi, ông phổ nhạc. Cũng để tự hát chơi cho vui, vì bản thân ko phải là nhạc sĩ sáng tác. Không dè khi đưa cho bạn, nhạc sĩ Lê Thương coi, Lê Thương rất thích, khuyên nên công bố. Chưa kịp làm gì thì ông được đi Pháp học. Ở nhà, nhạc sĩ Lê Thương đã nhờ cô ca sĩ trẻ xinh đẹp Mộc Lan giới thiệu trên đài Pháp Á. Ngoài ra Lê Thương cũng giới thiệu với nxb Tinh Hoa để xuất bản nhạc. Tuy vậy, có lẽ do dài, và khó hát, bản nhạc ít được phổ biến. Thời 195x hầu như chỉ mình Mộc Lan hát thành công, và bắt đầu nổi tiếng từ hát này. Đến 196x, Hà Thanh và dàn nhạc Hoàng Trọng cùng ban hợp xướng Tiếng Tơ Đồng cũng có thu bản lại nhạc này. Gần đây thấy có thêm Ý Lan và Thanh Lan. Mời nghe Thanh Lan.



Một chuyện cũng liên quan đến bài thơ, kể nghe cho vui. Như trên có nói, người đầu tiên trình bày bản nhạc Đi Chùa Hương của Trần Văn Khê là ca sĩ Mộc Lan. Người ta kể lại trong một dịp Mộc Lan ra nhà hát lớn Hà Nội trình bày bản nhạc này, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đến xem, mê luôn cô. Sau khi cô trở vào Sàigon, ông bay vào theo, tìm ra địa chỉ, lặng lẻ gởi tiền đặt người mang hoa tặng cô hàng ngày trong mấy tháng liền trước khi bay trở lại Hà Nội. Bấy giờ Mộc Lan vừa chia tay nhạc sĩ Châu Kỳ, còn Đoàn Chuẩn thì đã có vợ nhưng vẫn trẻ tuổi đẹp trai hào hoa phong nhĩ (:d) lại là ông chủ giàu có của hãng nước mắm Vạn Vân danh tiếng. Thế rồi họ yêu nhau. Ca khúc Gửi Gió Cho Mây Ngan Bay Đoàn Chuẩn sáng tác gởi tặng Mộc Lan đánh dấu mối tình này. Giai thoại, thực hư ko rõ, có chổ ko đúng thực tế (ví dụ đến 1954 cổ mới chia tay với Châu Kỳ), nghe chơi cho vui thôi. Giờ mời nghe Tuấn Ngọc hát lại ca khúc nổi tiếng này



Dành cho ai thích nghe giọng ngâm Hồ Điệp và Hoàng Oanh



Chú ý: trong bài những chổ màu xanh có chưa link, click vào sẽ dẫn đến trang nguồn của thông tin được dẫn)

5 nhận xét:

  1. Nghe Lê Minh Quốc bình bài thơ
    http://youtu.be/7eJ38sVOiNA

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong câu chuyện, nhà thơ nhận xét đại khái rằng anh chàng trong bài thơ thơ hay, chữ tốt. Xưa, đây hẳn là một lợi thế trong tình yêu. Ngày nay thời thế đổi thay, thơ hay chữ tốt đến mấy cũng chưa chắc lọt vào mắt xanh của các cô gái.

      Nhà thơ nói sao ấy chứ, ngày nay thấy chàng nào thơ hay - nghĩa là có chút hoa bướm, chút khinh bạc, chút bí hiểm .. các cô vẫn chết mê chết mệt. Ai chơi blog lâu, hẳn cũng từng chứng kiến bao cái chết tức tửi .. trước các giai mạng :-o

      Xóa
  2. Thời cấp 2 được học khá nhiều bài hát nói, của Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, đặc biệt của Nguyễn Công Trứ. Hát nói thì gắn với Ả đào - Các cụ làm bài thơ, đưa cho ả đào hát, Các cụ cùng bãn ngồi thưởng thức. Lên cấp 3 học đến phong trào Thơ Mới và các nhà văn thời 193x, càng nghe nhắc nhiều đến hát ả đào, nhiều vị đóng đô ở xóm Khâm Thiên, nơi tập trung các cô đầu thời ấy ..

    Thời ấy cứ tò mò ko biết hát ả đào như nào mà các cụ mê thế. Đến thời mạng mẽo, mới có dịp nghe hát ả đào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Số tre trẻ bây giờ, có đứa còn biết Nguyễn Khuyến nhờ mấy bài thơ mùa Thu, còn các tác giả khác như Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ, .. và cả Nguyễn Nhược Pháp dường như rất xa lạ.

      Sách Văn cube học xong, chỉ giữ lại mấy cuốn ngữ pháp để đôi khi cần xem lại, còn mấy cuốn giảng văn giao ngay em út con chú con dì hay các bà chai - bao - dép cho rộng chổ, giờ ko check được. Nhưng hình như ở trường PT bây giờ ko học gì nhiều các tác giả cận đại (thời đầu thế kỷ XX đến 1945) trừ một số rất ít dính dáng đến phe ta - Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, .. nhưng cũng chỉ hạn chế ở các tác phẩm sau 1945, dù tinh hoa của các tác giả này nằm ở các tác phẩm trước đó.

      Nhớ năm trước có cô giáo gì dạy ở một trường ĐHSP bị ném đá tơi bời vì tham gia game show Ai là triệu phú, ko trả lời được câu hỏi đại khái trong tứ trụ của Tự lực văn đoàn gồm Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam thì ai không phải là anh em ruột của ba người kia. Cổ ko biết cả Tự lực văn đoàn là cái gì, đoán đó là một đoàn cải lương. Nhờ trợ giúp của một đồng nghiệp, cũng cho câu trả lời sai.

      Cổ bị ném đá vì người ta cho rằng kiến thức về TLVĐ là thứ kiến thức cơ bản về văn học VN, một người có học như cổ ko thể ko biết. Thật ra tôi nghĩ cổ bị ném đá oan. Kiến thức thì vô hạn, ai biết hết được ? Cái gì là cơ bản thì cần được dạy ở phổ thông. B ta ko cho rằng các kiến thức ấy là cần thiết, ko cho dạy ở PT, cổ biết làm sao được ?

      Xóa
    2. (là tôi giả định rằng thời cổ học, chương trình PT ko có dạy Tự Lực Văn Đoàn)

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)