5/2/15

Thử tìm nội dung thực của một vài câu tục ngữ khó


Nguyễn Đức Dương

Ngoài câu “Gái thương chồng đương đông buổi chợ/Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”, trong kho tục ngữ [TN] Việt hiện vẫn còn một số câu chưa có lời diễn giải được mọi người thừa nhận. Đó là lý do chính đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cùng nhau đi tìm lời giải cho một số câu thuộc nhóm này.

1. Câu đầu tiên cần giải mã là “Cờ ngoài, bài trong”.

Câu TN quen thuộc này hiện được giới khảo cứu diễn giải theo hai hướng, tuỳ thuộc vào cách hiểu ra sao hai chữ “ngoài” và “trong”. Nếu hiểu “ngoài” là “đứng ngoài cuộc chơi” và “trong” là “ở trong cuộc chơi”, thì câu đang xét có lẽ nên được hiểu là:

“Với cờ thì kẻ đứng ngoài cuộc chơi thường sáng nước hơn; còn với bài thì kẻ ở trong cuộc thường sáng nước hơn”.

Tuy nhiên, có đôi vị thức giả lại nghĩ rằng lời giảng trên e chưa thật đắt. Giá hiểu “ngoài” là “bị phơi bày cả ra ngoài [tức trên bàn cờ]” và “trong” là “được giấu kín [trong đầu các đấu thủ]” thì câu trên sẽ có một lời giảng ý vị hơn, nên cũng hấp dẫn hơn:

“Với cờ thì mọi mưu toan để giành phần thắng đều bị phơi bày cả ra bên ngoài [tức trên bàn cờ]; còn với bài thì mọi mưu toan để giành phần thắng đều được giấu kín trong đầu các đấu thủ [do sợ bị các đối thủ khác nắm bắt]”.

2. Chữ “trăm” trong câu “Trăm hay không bằng tay quen” hiện bị không ít người lầm tưởng là “mười lần một chục” do nghĩa của từ cổ này đã bị mai một đi quá nhiều. Nhưng nếu chịu khó tra cứu một chút, chắc hẳn ai cũng sẽ thấy ngay đây là từ được người xưa dùng để chỉ hành động “nói liến thoắng”. Vì thế, nội dung của câu TN đang bàn có lẽ nên được giảng là: “Nói hay chả mấy khi đem lại hiệu quả cao bằng làm giỏi”.

3. “Ăn cho, buôn so” là câu rất hiếm khi được giới sưu tập TN thu thập. Vì sao vậy? Xin thưa: Vì khó có thể giảng được nó bằng hệ ngữ pháp chủ-vị mà giới trẻ ngày nay đã quen thuộc. Nhưng nếu dùng hệ ngữ pháp đề-thuyết [Đ-T] thì mọi chuyện sẽ lập tức dễ dàng ngay, và câu TN có thể được cắt nghĩa là: “Trong chuyện ăn thì còn có thể cho nhau được; chứ trong chuyện buôn bán thì phải so đo từng đồng [để tránh bị cụt vốn]”.

4. Hễ giải mã được hai chữ “nể” và “đồng” là nội dung của câu “Ăn nể ngồi không non đồng cũng lở” sẽ lập tức “sáng” ra ngay. Thật thế, nếu hiểu “nể” = “[chỉ ăn] mà chả chịu làm gì thêm ra” và “đồng” = “thứ kim loại hay được người xưa dùng để đúc tiền” thì nội dung của câu TN này chắc sẽ là: “Hễ ăn không ngồi rồi thì tiền của dẫu có chất cao như núi rồi cũng có ngày sẽ cạn hết”.

5. Tương tự, chỉ cần giải mã được chữ “trăng” là nội dung của câu “Băm hai cái răng đóng trăng cái lưỡi” sẽ lập tức mất ngay sự khó hiểu. Nhưng “trăng” là cái gì? Xin thưa: Trăng là “thứ gông do hai tấm ván to và dày có khoét hai lỗ hình bán nguyệt ở giữa để đóng vào cổ phạm nhân rồi khoá chặt lại. Cho nên, nội dung của câu TN chắc hẳn sẽ là: Ba mươi hai cái răng là thứ vốn dùng để đóng gông cái lưỡi lại trong miệng, nhằm ngăn không cho nó gây nên mọi thứ vạ mồm.

6. Người Việt nào hầu như thuộc nằm lòng câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhưng chắc chẳng mấy ai cắt nghĩa được “hồ” là gì. Vả chăng, dù có gắn nó với chữ “quý” để tạo ra cụm “quý hồ” chăng nữa thì sự thể cũng chẳng mấy thay đổi, bởi lẽ nội dung của cụm ấy được “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) giảng là: Miễn sao, chỉ cần một điều kiện là (chứ không đòi hỏi gì hơn) xem ra rất khó ăn khớp nội dung toàn câu. Thử tra Hán–Việt từ điển của học giả Thiều Chửu thì tình hình cũng chả sáng sủa thêm hơn là bao, vì công trình này tuy có kê ra đến mười sáu chữ “hồ”, nhưng chả thấy từ nào có nghĩa phù hợp. Cho nên, chỉ còn cách nhờ một học giả thông thạo chữ Hán trợ giúp. Sau vài giờ tìm hiểu, ông đã cho biết: Trong Hán văn, chữ “hồ” là một từ công cụ dùng để diễn đạt cái nghĩa tương tự như chữ “ở” trong tiếng ta. Bởi vậy, theo ông, nên cắt nghĩa “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” là [Nên] quý [ở] sự tinh, chứ đừng quý [ở] sự nhiều.

Nguồn: laodong.com

Trăng lu - lụa của Nguyễn Phan Chánh

3 nhận xét:

  1. Đọc bài này lâu rồi, hôm nay mới tò mò mở Đại Nam Quấc Âm Từ Vị tra mấy từ cổ (từ điển dày quá, lười tra :d

    1.
    Trăm. n Nói trết trác, líu lo.
    Như thế Trăm hay không bằng tay quen = nói líu lo hay ho ko bằng bắt tay làm.
    Nhưng câu này nếu hiểu Trăm = 100, và Trăm hay không bằng tay quen = Biết nhiều ko bằng làm quen thì ý nghĩa cũng ko có gì khác.

    2.
    Trăng: n Ván khoét cổ áo, hai tấm ráp lại, thành cái lỗ, để đóng chơn kẻ có tội.
    Đóng trăng: Bắt xỏ chơn vào trăng mà đóng lại

    Ko hiểu nghĩa này của từ trăng thì câu tục ngữ "Băm hai cái răng đóng trăng cái lưỡi” quả là khó hiểu
    2.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đoạn 4 (bài trên) tác giả nhận xét: Hễ giải mã được hai chữ “nể” và “đồng” là nội dung của câu “Ăn nể ngồi không non đồng cũng lở” sẽ lập tức “sáng” ra ngay. . và theo tác giả thì “nể” = “[chỉ ăn] mà chả chịu làm gì thêm ra”

      Có vẻ tác giả chưa nắm rõ nghĩa chữ nể.
      Nếu “nể” = “[chỉ ăn] mà chả chịu làm gì thêm ra thì chữ ngồi không (trong cụm ăn nể ngồi không) là thừa sao ?

      Cũng ĐNQATV:
      Nước nể. Nước lả, nước trong
      Kẻ nể: Người dâng
      Ở nể: Ở không

      Ko rõ các địa phương còn dùng từ nể này ko, nhưng riêng ở Huế, Quảng Trị thấy nhiều người vẫn dùng trong các cụm ở nể, ăn nể
      ăn nể: ăn cơm không, không có thức ăn

      như vậy Ăn nể ở không: Ăn cơm không, ko có thức ăn, tức ít hao tốn nhất + ở không, ko làm gì kiếm sống ..

      Thật ra câu tục ngữ này, dù ko hiểu nghĩa từ nể, thì bằng cảm thức ngôn ngữ, người Việt nào cũng dễ đoán được nghĩa của nó đại khái là Miệng ăn núi lỡ, tương tự câu thành ngữ Tàu Tọa thực băng sơn

      Xóa
    2. Đoạn 1, nghe giải thích câu tục ngữ Cờ ngoài bài trong, biết tác giả có lẻ chả biết gì về chơi cờ, chơi bài. Câu ấy mà giảng:

      “Với cờ thì mọi mưu toan để giành phần thắng đều bị phơi bày cả ra bên ngoài [tức trên bàn cờ]; còn với bài thì mọi mưu toan để giành phần thắng đều được giấu kín trong đầu các đấu thủ [do sợ bị các đối thủ khác nắm bắt]”

      thì chẳng những ko ý vị gì, mà còn sai.
      Đã "mưu toan" rồi còn "phơi bày" thì mưu toan làm gì nữa ? Đánh cờ tướng, nhìn thấy đối thủ dí con chốt lên một nước, thế là "mưu toan" của anh ta phơi bày ra ngoài ? trong đầu anh ta ko có chứa mưu toan gì khác ? đánh cờ thế thì dễ quá :d.

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)