8/4/15

Tiếng Việt ngày một kém trong sáng: Ai là thủ phạm ?

Bài đầu tiên trong loạt bài "Chuyện ngôn từ" của Nguyễn Đức Dương
 trên trang web Văn Việt
Có thể có chỗ cần xem lại,
nhưng nói chung đây là loạt bài có ích.
Lấy về mọi người đọc, trước vui
sau để nhắc mình cẩn trọng hơn trong cách dùng từ.

Các cô các cậu tuổi teen chăng? Không ít người làm báo và làm ngữ pháp “lề phải” vẫn đinh ninh vậy. Nhưng họ dựa vào đâu? Thì đám choai choai ấy rất ưa tung lên mạng hoặc khoái chát chít với nhau bằng một thứ tiếng Việt đã rối rắm lại hết sức tối tăm tới độ đọc còn chả nổi, chứ đừng nói hiểu!

Mấy câu sắp dẫn dưới đây có thể xem là một minh chứng khó chối cãi:

(a) Hi Cu Moc![1] Tau đang bùn tHui rut đây[2][…]
(b) D. sao ngun ng~ kũg kh. fản á đợc kảm xúc of c.ngờ Vịt[3]…
(c) Thôi nha, hit h nhớ lặn lun nha[4],

Cảm thông được thứ ngôn ngữ ấy hoạ chăng chỉ có đám các cô cậu “sành điệu” cùng trang lứa, sinh sống tại các đô thị lớn!

Tiếc thay, cách lí giải vừa nhắc chưa thuyết phục được hết thảy những ai nặng lòng với tiếng mẹ đẻ. Do chưa thể trả lời đến nơi đến chốn một loạt câu hỏi chả mấy hóc hiểm, chẳng hạn như câu hỏi sau đây: chả nhẽ chỉ một dúm các cô cậu tuổi teen sinh sống tại các đô thị lớn và chuyên ăn bám bố mẹ lại có đủ cả thế lẫn lực để làm hỏng tiếng mẹ đẻ chúng ta, một công cụ giao tiếp phổ cập rộng khắp từ Bắc chí Nam mà suốt hàng trăm năm qua vẫn được hàng triệu, hàng triệu con người bình thường trên dải đất hình chữ S này âm thầm giữ gìn và quý mến?

Một câu hỏi nữa lại tức khắc nảy sinh: nếu các cô cậu tuổi teen vốn nghèo cả thế lẫn lực không phải tác nhân thì ai đây mới là thủ phạm đích thực?

Theo gương nhiều cây bút đi trước, chúng tôi thử hướng ống kính “sưu tra” vào các tờ báo có đông người đọc. Và công sức bỏ ra quả đã được đền bù ngoài sự mong đợi!

Dưới đây xin kể ra dăm ba trong số hàng ngàn hàng vạn những hạt sạn hết sức hay gặp để minh hoạ. Trong số này có không ít “hạt sạn” dù đã được chuyên mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trên các báo nhặt bỏ từ rất lâu, nhưng xem ra nó vẫn chưa chịu dứt áo ra đi, mà cứ sống đàng hoàng trên không ít trang viết. Xin nêu ra đây dăm “hạt” nổi cộm hơn cả.


1. “Hạt” đầu tiên cần kể có lẽ là cụm “ốc đảo”.

Như mọi người đều biết rõ từ lâu, “ốc đảo” là cụm từ chuyên dùng để chỉ “[những] khoảng đất có nước uống và cây cối nằm giữa sa mạc”, như Từ điển tiếng Việt có định nghĩa. Ấy thế nhưng không ít trang báo vẫn ưa dùng chính cụm này để chỉ các vùng đất bị nước lũ vây quanh bốn bề sau những đợt mưa bão dài ngày, chẳng hạn: “Cơn bão số 7 mới rồi đã biến nhiều ngôi làng quanh đây thành các ốc đảo”; “Hãy khẩn cấp gửi lương thực cứu trợ cho đồng bào bị cô lập tại các ốc đảo trong vùng”.

Chỉ cần thay “ốc đảo” (vì nước ta không hề có sa mạc!) bằng chữ “đảo” thì mấy câu trên sẽ tức khắc ổn ngay. Nhưng việc đó chả hiểu sao lại khó tới độ chả thể nào làm đối với họ?

2. Một “hạt sạn” nữa vẫn ngang nhiên sống sót suốt bao năm trường trên chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” của VTV3: OLYMPIA.

Cái tên này chưa rõ là do ai nghĩ ra. Chỉ biết là chủ nhật nào nó cũng đàng hoàng hiện lên trên màn ảnh nhỏ, và làm cho bao cặp mắt cũng như đôi tai cảm thấy hết sức khó “xực”. Nhất là với những ai hay ra các nước đi đó đây và / hoặc có thì giờ lên mạng dò hỏi “cụ” Google “biết tất tần tật”.

Thật thế, chỉ cần có được một trong hai cơ may vừa nhắc là ai cũng có thể dễ dàng biết ngay trên hành tinh chúng ta hiện sống chả làm gì có ngọn núi nào là ngọn Olympia cả. Bởi lẽ Olym-pia chỉ là một vùng đất rộng và bằng phẳng vẫn được người Hi Lạp thời cổ cứ bốn năm một lần, dùng làm nơi tổ chức các cuộc tranh tài giữa các vận động viên điền kinh tên tuổi trong các thành bang hợp phần.

Thế cái đỉnh mà ban tổ chức cuộc thi vẫn đòi hỏi các cô cậu học sinh chúng ta phải “leo” hằng tuấn trong suốt ngần ấy năm là đỉnh nào vậy? Xin thưa: đó là ngọn Olympe (hay Olympus, nếu gọi theo tiếng Anh), một ngọn núi thiêng, vẫn được người Hi Lạp thời cổ tin là nơi đóng “đô” của thượng thần Zeus cùng các vị thần trong bao thiên huyền thoại xứ mình.

“Hạt sạn” ấy từng được học giả Huệ Thiên / An Chi nhặt bỏ lần đầu ngay từ những năm 80, 90 của thế kỉ trước! Tiếp đó, nó còn được nhiều cây bút khác (trong số đó có cả chúng tôi) lên tiếng đòi chỉnh sửa. Việc ấy đã diễn ra cách nay gần 13, 14 năm rồi. Tiếc thay, lời yêu cầu ấy cho tới giờ vẫn bị ban tổ chức chương trình bỏ ngoài tai. Vì thế, “nó” ấy vẫn cứ ung dung sống. Với cái đà này, đúng như lắm người từng dự đoán, chắc còn phải vài thập niên nữa hoạ may nó mới chịu chia tay chúng ta để đi vào cõi thượng giới! Nghĩa là vào cái ngày các quan chức VTV3 ngộ ra lẽ thật.

3. Đã là băng thì đương nhiên chả bao giờ chìm cả. Đó là một sự thật mà chả ai là không biết. Do khối lượng riêng của nó nhỏ hơn của nước chút đỉnh. Có điều sự chênh lệch về khối lượng riêng ấy vốn hơn kém nhau chả đáng là bao. Đó là lí do khiến phần nổi trên mặt nước của mọi tảng / khối băng chỉ chiếm có một phần mười; còn chín phần còn lại thì bị chìm bên dưới. Điều vừa nói chính là cơ sở thật của thành ngữ “phần nổi của tảng băng”. Và thành ngữ ấy, vì thế, vốn hay được dùng để chỉ các phần hết sức ít ỏi / hết sức nhỏ nhoi bị phơi bày của các sự vật / hiện tượng cụ thể trong cuộc sống thường ngày (chẳng hạn, Theo báo cáo, Hà Nội có 21 điểm ngập sâu. Nhưng đó xem ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng (chứ thực tế con số còn cao hơn thế nhiều lần!).

Tuy nhiên, chắc do bị chữ “nổi” ám ảnh, nên hiện vẫn thấy không ít cây bút ưa thêm vào cuối thành ngữ chữ “chìm”: ý hẳn là cho đăng đối (phần nổi của tảng băng chìm).

Và điều đó đã khiến cho câu trở nên phi lí (do khó lòng có thể có mặt trong đời thực!)

4. “Hạt sạn” thứ tư cũng sống dai chả kém là câu tục ngữ [TN] nhại “Cái khó ló cái khôn”.

Về câu này, hồi còn sống, nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã từng nhắc chúng ta hãy sớm đọc lời ai điếu cho nó. Để tránh mắc phải hai cái lỗi lớn khó dung thứ cả về cách dùng từ lẫn cách đặt câu.

Thật vậy, chỉ cần đọc lướt qua câu trên, ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy ngay hai điểm bất ổn mà tiếng Việt không thể nào dung nạp.

Thứ nhất, câu TN nhại đã đánh tráo sự khác biệt khổng lồ về nghĩa giữa hai chữ “khó” trong Tiếng Việt, như mọi người đều biết, tiếng ta vốn có hai từ “khó”. Trong đó, khó1 (trái nghĩa với “dễ”, và có nghĩa là: ‘Phải tốn nhiều sức lực / phải vượt qua lắm trở ngại [mới làm được’]), và khó2 (đồng nghĩa với “nghèo”, và có nghĩa là: ‘Quá eo hẹp về tiền bạc / của cải’).

Thứ hai, như học giả Huệ Thiên / An Chi từng chỉ rõ trên Kiến thức ngày nay cách đây hàng chục năm, chữ “khôn” (trong câu đang xét) không thể làm bổ ngữ cho động từ “ló” được. Do bổ ngữ của “ló” bao giờ cũng phải là những từ chỉ một bộ phận nào đó của chủ thể “khó” (chẳng hạn, Mặt trời chưa ló dạng [“dạng” là một bộ phận của “mặt trời”] / Cậu bé đã tóm được ngay chú dế cụ khi chú vừa ló râu ra [“râu” là một bộ phận của “chú dế cụ”] / Nó vừa ló mặt tới thì đã bị bà ta mắng xối mắng xả [“mặt” là một bộ phận của nhân vật được chỉ bởi đại từ “nó”], v.v. và v.v.).

Nói cách khác, nếu nội dung của câu TN gốc (Cái khó bó cái khôn) là: ‘Cái nghèo thường bó buộc cái khôn, không cho nó phát huy / xiển dương hết mọi mặt mạnh vốn có’ thì nội dung của câu TN nhại (Cái khó ló cái khôn) lại là: ‘Sự khó khăn khiến cái khôn chả có cơ may xuất đầu lộ diện’ (do “khôn” không phải là một bộ phận của “khó khăn” nên câu nghe khó lọt tai).

5. Từ “lỗi” khi dùng như một danh từ, theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), là dùng để chỉ “(1) Chỗ sai sót do không thực hiện đúng quy tắc. (2) Điều sai sót, điều không nên / không phải trong cách cư xử, trong hành động”.

Vậy mà không ít cây bút vẫn ưa “đế” thêm chữ “SAI” ngay đằng sau chữ “LỖI”, chẳng hạn: trong một đáp án của đề thi tuyển sinh đại học (năm 2004) dành cho thí sinh khối C, cô giáo Nguyễn Thị Phi Hồng, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tp. HCM, đã viết trên tờ Thanh niên: “ (Bài làm của thí sinh phải đáp ứng) yêu cầu diễn đạt: rõ ràng, không sai lỗi chính tả, không sai lỗi ngữ pháp” (lối viết ấy còn khiến học sinh ta ngô nhận là bên cạnh lỗi sai còn có cả lỗi đúng nữa!) , v.v. và v.v..

Và cũng tờ báo ấy đã cho trình làng một câu “xanh rờn” khác: “[…] không có đại học là một chuyện, nhưng chuyện khác rất quan trọng hơn, cần hơn là điều kiện về tất cả mọi mặt trường đại học đó như thế nào”.

Danh sách các loại hạt sạn trên mặt báo (và cả trong sách vở nữa) chắc còn dài, dài lắm. Bởi vậy, chúng tôi xin dừng ở đây.

Bây giờ, thì chắc bạn đọc đã có thể vui lòng cùng chúng tôi nhắc lại lời cầu mong: Đừng đổ oan cho các cô cậu tuổi teen mà dễ bị Trời phạt!

Nguyễn Đức Dương


[1] Chào Cu Mốc!
[2] Tao đang buồn thối ruột đây.
[3] Dù sao ngôn ngữ cũng không phản ánh được cảm xúc của con người Việt.
[4] Thôi nha, hết giờ nhớ lặn luôn nha.

nguồn: vănviet

1 nhận xét:

  1. Cao Xuân Hạo . "Cái khó bó cái khôn nghĩa là gì"
    http://www.tgn.edu.vn/bai-viet/c68/i698/-cai-kho-bo-cai-khon-nghia-la-gi-.html

    An Chi. http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4324-4324-633765958902187500/Hoi-dap-Dong-Tay/Cai-kho-lo-cai-khon.htm

    Trả lờiXóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)