26/8/15

Miệng em như là .. hoa


Mấy hôm nay liên tiếp đọc được mấy bài viết về Kiều

[1]. Đinh Bá Anh. Kim Trọng: Nhân vật văn chương vĩ đại của Nguyễn Du
[2]. Nhị Linh: Vẫn là Kiều
[3]. Hoàng Tuấn Công: "Thiên tài Nguyễn Du" hay tận cùng của sự dung tục ?
[4]. Phan Thị Huyền Trang. Khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” trong Truyện Kiều

[1] thấy đăng từ tháng trước trên hocthenao.vn nhưng bận, chưa kịp đọc. Mấy hôm trước thấy Ka share trên face nên mới nhớ tìm đọc lại. Đại khái ĐBA cho rằng lâu nay người ta nhầm lẫn, cho rằng Nguyễn Du gởi gắm tâm sự vào Kiều, trong lúc thật ra chính chàng thư sinh hào hoa phong nhã Kim Trọng mới là nhân vật ruột của ổng.

[2] là Nhị Linh nhận xét bài viết của ĐBA dẫn trên: "Với tôi, bài viết này, mặc dù có những điểm hay, thể hiện một cách đọc Kiều còn tệ hại hơn là khiên cưỡng. Sự tệ hại này một phần lớn bắt nguồn từ một số lỗ thủng về hiểu biết mà tôi chỉ có thể gọi là trầm trọng, vì có những điều sai ở mức độ hết sức căn bản."
Trên fb của mình, ĐBA hứa sẽ viết một bài thứ 2 để bảo vệ và triển khai quan điểm của mình. Chờ xem.

[3] là bài đăng báo từ 2007, nhưng mới được Hoàng Tuấn Công giới thiệu lại trên face của ông, nội dung là bài bác kịch liệt một ý trong bài viết của Phan Thị Huyền Trang trên tạp chí Ngôn Ngữ, rằng hoa trà mi trong câu thơ "Tiếc thay một đóa trà mi / Con ong đã tỏ đường đi lối về" là để chỉ cái âm hộ đàn bà. Tò mò nên tìm đọc [4] xem PTHT đã dựa trên cơ sở nào để có cách hiểu độc thế. Cop lại mọi người đọc cho .. vui.

Khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” trong Truyện Kiều

• Phan Thị Huyền Trang

1. Dẫn nhập

1.1. Trong những năm gần đây, việc tiếp cận các sự kiện văn học trên cơ sở vận dụng phương pháp và thành tựu nghiên cứu của ngôn ngữ học hiện nay, cụ thể là hướng tiếp cận ngôn ngữ - văn hoá đang thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Với hướng tiếp cận này, ý nghĩa của một sự kiện văn họckhông chỉ là những thông tin nằm bất động trên văn bản, mà ở một tầng vỉa sâu xa hơn, nó còn là những yếu tố được lọc qua một lăng kính tâm lí của mỗi cá nhân cụ thể, gắn liền với các tham số mang tính chất tâm lí và lịch sử của dân tộc. Vì vậy, việc nghiên cứu cấu trúc ngữ nghĩa không thể tách rời khỏi việc nghiên cứu những hiện tượng, trạng thái tâm lí, cơ chế nhận thức của con người, cũng như những đặc điểm văn hoá, xã hội của dân tộc, của thời đại.

Dưới cách tiếp cận ngôn ngữ - văn hoá, bài viết này sẽ đi sâu phân tích, lí giải sự lan toả ý nghĩa của từ “hoa” từ tâm ra ngoại vi, cũng như sợi dây gắn kết về ngữ nghĩa từ ngoại vi hướng về tâm. Lấy dữ liệu là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (bản do Hà Huy Giáp giới thiệu, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích [4]), chúng tôi hi vọng có thể phác thảo phần nào cơ chế sản sinh khái niệm, cơ chế sản sinh ý nghĩa mới của một từ qua tương tác ngữ cảnh, cũng như cơ cấu tổ chức từ vựng trong ngôn ngữ.

1.2. Nhìn một cách tổng quan, “hoa” trong “Truyện Kiều” xuất hiện 133 lần với 3 tư cách khác nhau:

Hoa với tư cách là yếu tố cấu tạo từ: tài hoa, hào hoa, phồn hoa (7 trường hợp)

Hoa với tư cách là từ nhân danh: con Hoa, Hoa Nô (4 trường hợp)

Hoa với tư cách là một thực từ với sự hội tụ đầy đủ hai mặt biểu đạt - được biểu đạt và khả năng hoạt động độc lập: 122 trường hợp.

Trong bài viết này, chúng tôi phân tích hoạt động của “hoa” với tư cách thứ ba - là một thực từ với sự hội tụ đầy đủ hai mặt biểu đạt - được biểu đạt và khả năng hoạt động độc lập, trên cơ sở đó tìm hiểu khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” dưới góc độ ngôn ngữ - văn hoá.

2. Khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” trong “Truyện Kiều”

2.1. Các nghĩa của từ “hoa” trong “Truyện Kiều” theo Đào Duy Anh

Theo Đào Duy Anh [1], “hoa” có 5 nghĩa sau trong “Truyện Kiều”:

(1). Cái hoa, nghĩa đen và nghĩa bóng, thường dùng để tỉ dụ người đẹp, sắc đẹp, tình yêu (146. Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa).

(2). Cái hoa bị nhân cách hoá (26. Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh).

(3). Tỉ dụ mặt người đẹp (104. Lại càng ủ dột nét hoa).

(4). Vật hình dáng giống cái hoa (3106. Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru)

(5). Tính từ chỉ vật gì có hoa, có trang sức bằng hoa, hay có vẻ đẹp (171. Kiều từ trở gót trướng hoa).

Sự xếp nhóm các nghĩa của từ “hoa” của Đào Duy Anh đã bao quát toàn bộ các trường hợp xuất hiện của nó trong “Truyện Kiều”. Có thể thấy, từ “hoa” trong “Truyện Kiều” chủ yếu được dùng với hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là cái hoa (dùng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, chiếm 74,3%) và nghĩa thứ năm là tính từ chỉ vật có hoa, có trang sức bằng hoa, hay có vẻ đẹp (chiếm 20,8%). Tuy nhiên, do cách tiếp cận thiên về từ vựng - ngữ nghĩa của một người làm từ điển, tác giả Đào Duy Anh chỉ nhấn mạnh đến các ý nghĩa cơ bản được cố định hoá của từ “hoa”, những ý nghĩa giúp cho nó có chỗ đứng trong hệ thống. Còn các tầng nghĩa biểu trưng, các sắc thái biểu cảm cũng như sự lan toả ngữ nghĩa tinh tế - cái tạo nên linh hồn ngữ nghĩa của từ “hoa”, lại chỉ được nhắc đến một cách sơ sài: “thường dùng để tỉ dụ người đẹp, sắc đẹp, tình yêu” [1; 239]. Vì vậy, chúng tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ là: cần phải soi sáng đặc điểm ngữ nghĩa của từ “hoa” dưới một góc độ khác, góc độ ngôn ngữ - văn hoá.

2.2. Khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” trong “Truyện Kiều” dưới góc độ ngôn ngữ - văn hoá

Trong phần này, chúng tôi đi sâu vào khảo sát các biểu tượng ý nghĩa của “hoa” từ bình diện nghĩa học. Năm 1976, Charles Fillmore đã đưa ra một hướng tiếp cận ngữ nghĩa của các đơn vị từ vựng và cấu trúc ngữ pháp thông qua khung ngữ nghĩa (semantics frame) [3]. Khung ngữ nghĩa là một loạt các điều kiện (checklist of conditions) làm nền tảng cho việc hiểu và miêu tả ngữ nghĩa của một hình thức ngôn ngữ. Theo ông, nghĩa của các từ được tổ chức trên nền tảng các khung ngữ nghĩa, và thông qua cấu trúc ngôn ngữ được xây dựng xung quanh một từ, mà từ ấy sẽ chọn và biểu diễn một số khía cạnh (aspects) hay mặt (facets) của khung ngữ nghĩa đó. Mối quan hệ giữa một từ và một khung cũng tương tự như mối quan hệ giữa một nền tảng (base) và hình bóng in trên nền đó (profile) (giống như phần bản phẳng của miếng phù điêu trên đó nhô ra những chi tiết được chạm khắc), mà Ronald W. Langacker đã đề cập đến. Ông cho rằng giá trị ngữ nghĩa chỉ có được trong sự kết hợp của hai tham số trên [3].

Đối với “hoa”, dường như cũng có một khung ngữ nghĩa xuất hiện. Khung ngữ nghĩa đa mặt (multi-faceted frame) này là tập hợp của hai tiêu chí: tính chấtchức năng. Các tiêu chí này sẽ tạo thành phần nền (base) của phù điêu, còn các ý nghĩa biểu tượng tạo thành phần chạm khắc trên nền phù điêu đó. Như vậy, ý nghĩa biểu tượng của “hoa” thoát thai từ một ngữ cảnh cụ thể, sẽ chọn và biểu thị một trong hai tiêu chí trên của khung ngữ nghĩa.

Theo tiêu chí tính chất, ta có tương ứng với 4 tính chất nổi trội của “hoa” là 4 ý nghĩa tượng trưng của “hoa”: Với tính chất là dấu hiệu của thực vật đến kì sinh trưởng dồi dào, hoa trước hết là “hiện thân của sự sống”. Với thuộc tính đẹp điển hình, hoa là biểu tượng của cái đẹp, của trạng thái “thiên đường mặt đất”. Với tính chất không bền vững, mau nở, nhanh tàn, hoa trở thành biểu tượng về “phút giây thoáng chốc”. Còn tính chất yếu đuối, phụ thuộc của hoa lại là cơ sở trao cho hoa một ý nghĩa biểu tượng khác: hoa – “thực thể thụ động”.

Theo tiêu chí chức năng, ta có một biểu tượng độc đáo: hoa – “bộ phận cơ thể người phụ nữ”. Với hai chức năng chính của hoa, ta cũng có hai ý nghĩa biểu tượng thú vị sau: hoa - bộ phận làm đẹp và bộ phận sinh dục của người phụ nữ.

Sau đây, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích quá trình liên tưởng của từng ý nghĩa biểu trưng, một quá trình vốn có nguồn gốc tâm lí trong đời sống xã hội và được ghi lại một cách tế nhị, độc đáo trong ngôn ngữ.

2.2.1. Hoa – hiện thân của sự sống

Sinh ra từ nước nguyên thuỷ, hoa hé nở và mở rộng cánh từ từ, như toát lên một làn hương ngợi ca sự sống mãi mãi thanh xuân. Nảy nở từ đất mẹ, đón sinh khí từ trời, hoa là hợp âm hoàn chỉnh của Trời và Đất, là sự kết hợp dịu ngọt của Âm và Dương, và cũng là sự thăng hoa dạt dào của nhựa sống. Do đó, trong biểu tượng văn hoá nhân loại, hoa có thể được coi là hình mẫu phát triển, là biểu tượng của sự sống.

Trong “Truyện Kiều”, hoa gắn liền với mùa xuân, sắc xuân, sức xuân trong trẻo. Trong 122 trường hợp được khảo sát, có tới 31 trường hợp quy chiếu của hoa là thiên nhiên (chiếm 25.4%). Hoa thường làm nền cho những cuộc giao lưu thơ mộng, êm dịu:

        Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
       Cỏ non xanh rợn chân trời
42. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Ở đây, hoa đậu trên cành lê thanh tú, hoa xuất hiện cùng cánh vỗ nhịp nhàng của đàn chim én, hoa hoà vào nội cỏ mênh mông một màu tươi sáng. Bao trùm lên tất cả, lắng sâu vào tận bên trong là một sức sống tươi trẻ, căng nhựa, đầy rạo rực. Trong “Truyện Kiều”, hoa là hiện thân của sự sống, nhưng đó không phải là một mầm sống cô lập. Sự sống của hoa còn toát lên từ sợi dây kết nối với các thực thể xung quanh, với vạn vật rất đỗi quen thân.“Hoa” đi với “nước” (3 lần) (2931. Hoa trôi nước chảy xuôi dòng), với “bèo” (2 lần) (219. Hoa trôi bèo dạt đã đành), “lá” (2 lần), (361.Vội vàng lá rụng hoa rơi), “gió” (2 lần) (1241. Đòi phen gió tựa hoa kề), “cây” (2 lần), v.v. trong những biến thể kết hợp cân xứng, hài hoà. “Hoa” đặt trong trường liên tưởng đó lại càng được tôn thêm cảm thức thực vật ngập tràn sự sống.

2.2.2. Hoa – thiên đường mặt đất

Hoa là tặng vật đẹp đẽ mà đất trời ban tặng cho cây cối. Hoa nở trên đá, hoa nảy trên cát, hoa tựa hồ như một thứ mật ngọt ngào chảy trên mọi miền đất hứa. Sắc màu đó, hương thơm đó, thuộc tính đẹp đó đã mang lại cho hoa một ý nghĩa biểu trưng dịu dàng: hoa tượng trưng cho cái đẹp, cái thanh cao của sắc đẹp, tình yêu, tình nhân, của sự toàn hảo về tinh thần. Hay nói cách khác, hoa là hiện thân của trạng thái thiên đường trên mặt đất.

2.2.2.1. Thiên đường mà “hoa” gợi nhắc trước hết bao gồm những gì thanh cao nhất, đẹp đẽ nhất. Trong “Truyện Kiều”, hoa được sử dụng 24/122 lần <chiếm 19.6%> như một tính từ để chỉ cái cao sang, quyền quý. Những gì xung quanh Kiều đều nhuốm một màu hoa lệ: trướng hoa, kiệu hoa, thềm hoa:

171. Kiều từ trở gót trướng hoa

2145. Kiệu hoa đặt trước thềm hoa

Hoa đan cài theo bước chân, hoa nhỏ theo giọt lệ của người thục nữ:

634. Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng

Hoa thêu dệt nên lời thề với người tình chung:

701. Thề hoa chưa ráo chén vàng

Mỗi tiếng “hoa” gieo vào câu thơ tựa hồ như một nốt nhạc vang vang xúc cảm. Mảnh hương nguyền còn đó, phím tơ đàn còn đây, vậy mà lời thề kia đã xa lắm rồi. Một lời thề chưa được đền đáp trọn vẹn! Đó là lời “thề hoa” bởi đằng sau nó là mối tình thiêng liêng, là khát vọng hạnh phúc mãnh liệt.

2.2.2.2. Trong thiên đường màu nhiệm của cái đẹp đó, có lẽ Nguyễn Du dành ưu ái nhất cho cái đẹp của người con gái, của tình yêu.

“Người ta là hoa đất”, hơn nữa, người con gái đẹp lại là bông hoa tinh tuý nhất, ngọt ngào nhất trong vô số các loài hoa của tạo vật. Vì thế, hình ảnh được đem ra so sánh với hoa mà ta bắt gặp nhiều nhất và cũng là ý nghĩa biểu trưng chủ yếu của từ “hoa” là hình ảnh người phụ nữ đẹp. Trong 122 trường hợp được khảo sát có tới 49 trường hợp từ “hoa” quy chiếu đến người con gái đẹp (chiếm 40,2%). Hoa không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp ngoại hình kiều diễm:

21. Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

mà còn là một thứ “nước rửa ảnh” làm sáng thêm trí tuệ sắc sảo và tâm hồn nồng nhiệt của người con gái họ Vương:

497. Hoa hương càng tỏ thức hồng
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu

Thêm vào đó, hoa còn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Trong “Truyện Kiều”, dưới nhiều hình thức khác nhau, tình yêu kéo dài từ đầu đến cuối, chập trùng, đa sắc đa màu với những khuôn mặt điển hình bất hủ, từ mối tình đầu e ấp, được dệt bởi mộng và thơ:

379. Cách hoa sẽ dắng tiếng vàng
380. Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông

đến mối tình cuối được chắp lại bởi tháng năm nhưng cũng không kém phần ý vị, đậm đà:

            Tình nhân gặp lại tình nhân
3144. Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình

Chính biểu tượng tình yêu đã thổi vào hoa cái thần, cái hồn để làm nên những câu thơ tuyệt tác:

              Trước sau nào thấy bóng người
2748. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Hoa cứ đến mùa hoa nở. Cứ có gió xuân là nó bước vào cuộc sống hội hè. Hoa cười là cái cử chỉ đẹp nhất của loài hoa vì nó đang sống hết mình với người bạn xứng đôi – gió xuân. Nhưng đáng thương thay, cái tươi tắn vô tình của hoa càng khơi gợi sự tàn héo của nỗi người. Vết thương lòng từ sự va chạm trớ trêu này mà trở nên nhức nhối. Thời gian quá khứ và hiện tại, không gian của ngày xưa và của hôm nay đã có bao đổi thay khác biệt. Người xưa cũng đã vắng bóng. Duy nhất không có sự đổi thay là tình yêu thuỷ chung, mãnh liệt của Kim Trọng.

2.2.2.3. Hoa thường được gán cho thiên tính nữ nên người ta thường liên tưởng với người con gái đẹp. Nhưng cái tài tình của Nguyễn Du là ở chỗ trong Truyện Kiều ta còn thấy đối tượng “hoa” ngầm chỉ không phải thuộc phái đẹp, mà còn có thể thuộc phái “mày râu”:

            Nàng rằng khoảng vắng đêm trường
442. Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa

Thật bất ngờ đối với người đọc và cơ chế liên tưởng ở đây dường đã đi ra ngoài khung liên tưởng thông thường [10]. Có thể hình dung ra mô hình liên tưởng như sau:

Hoa → tình yêu, tình cảm đẹp, cao quý → người yêu, đối tượng có tình cảm đẹp ấy → Kim Trọng, đối tượng cụ thể.

Hoạt động trên trục liên tưởng lúc này trở nên phức tạp. Câu trên được hiểu theo nhiều cách:

Vì tình yêu nên phải đánh đường tìm tình yêu

Vì tình yêu nên phải đánh đường tìm người yêu

Vì tình yêu nên phải đánh đường tìm Kim Trọng

Vì Kim Trọng nên phải đánh đường tìm Kim Trọng



Tính chất nên thơ của câu nói sinh ra từ sự trộn lẫn cố ý đối tượng: người yêu – Kim Trọng với khái niệm trừu tượng bao trùm lên đối tượng: TÌNH YÊU. Trong khái niệm rộng lớn đó, người yêu như một điểm nhỏ, nhưng sáng lấp lánh, qua đó phần nào hiểu được tình yêu [10].

Hành động táo bạo của Thuý Kiều chỉ có thể được thể hiện rõ nét qua một cơ chế liên tưởng đầy phá cách. Với việc đặt những lượng nghĩa khác nhau vào cùng một vỏ ngữ âm của một từ, người nghệ sĩ đã đưa người đọc đến những nhận thức cao hơn, phức tạp hơn, và phải hoạt động cùng một lúc trên hai, ba trục liên tưởng mới hiểu được thơ.

Như vậy, thiên đường mà hoa dệt nên có sắc đẹp toàn mãn, có tình yêu thanh khiết, có tất cả những gì thanh quý nhất, trong sáng nhất. Hay nói cách khác, hoa là biểu tượng toàn hảo của cái đẹp. Hoa hướng tới một thế giới đẹp đẽ, linh thiêng, một thế giới là ước mơ, khát vọng muôn đời của nhân loại. Và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã chạm được đến ước vọng muôn đời đó.

2.2.3. Hoa – phút giây thoáng chốc

Một thuộc tính nổi bật khác của hoa là tính không bền vững. Hoa mau nở và nhanh tàn. Cho nên, hoa còn là biểu tượng cho tính phù du của cuộc đời cũng như đặc tính thoảng qua của cái đẹp, cho những sáng tạo mong manh, ngắn ngủi, cho một thế giới biểu hiện vô thường. Hay nói cách khác, hoa tự thân nó đã mang trong mình ý nghĩa tượng trưng về phút giây thoáng chốc. Trong “Truyện Kiều”, ý nghĩa tượng trưng này được thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc.

Nếu dựa vào tiêu chí [+- nhất thời] thì tất cả các vị từ kết hợp với từ “hoa” có thể được phân ra thành hai loại: vị từ tính chất và vị từ trạng thái. Vị từ tính chất là vị từ chỉ những thuộc tính cố hữu, tương đối ổn định của hoa như: trắng, hồng, thắm, đoan trang, chung tình. Còn vị từ tình trạng lại chỉ những thuộc tính nhất thời, không ổn định như: tàn, rơi, rụng, dầm dề, tan tác. Ta thấy, thuộc tính gắn liền với hoa chủ yếu là những thuộc tính [+nhất thời] (chiếm 89,8%), gấp hơn 8 lần những thuộc tính [- nhất thời].

Đi sâu vào từng loại vị từ kết hợp với từ “hoa”, ta thấy xuất hiện với tần số tương đối cao là các vị từ chỉ báo sự tan vỡ đột ngột, sự ngắn ngủi đầy xót xa: tàn (4 lần), rụng (3 lần), rơi (2 lần), rũ cánh, lìa cành.

2585. Còn chi nữa, cánh hoa tàn

3035. Nàng rằng: chút phận hoa rơi

678. Hoa dù rũ cánh lá còn xanh cây

1325. Thiếp như hoa đã lìa cành

Thêm vào đó, hoa trong “Truyện Kiều” luôn gắn liền với nhịp thời gian gấp gáp, hối hả, khẩn trương. Điều này thể hiện qua sự xuất hiện của một loạt trạng từ chỉ thời gian như: đâu đã, vừa, mới, chưa, thôi đã kết hợp với vị từ như: vội, vội vàng, giục giã:

701. Thề hoa chưa ráo chén vàng
702. Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa

361. Vội vàng lá rụng hoa rơi

3033. Kiệu hoa giục giã tức thì

Đằng sau mỗi chữ rơi, rũ, lìa, tàn là một tiếng nấc thảng thốt, là cảm giác lo âu, phiêu bạt. Nhịp điệu thời gian gấp khúc ấy hay chính là nhịp điệu của một cái gì chông chênh, không bền vững. Phải chăng cái đẹp chỉ là chút phù du, thoảng qua như một nghi ngờ?

Ý nghĩa tượng trưng này của từ “hoa” trong “Truyện Kiều” cũng là ý nghĩa tượng trưng chung của “hoa” trong văn hoá phương Đông. Ta không khỏi liên tưởng tới ý nghĩa của lẵng hoa của Lam Thái Hoà, một trong tám vị bát tiên, người khoác một áo cánh xanh, tay xách một lẵng hoa, để làm nổi bật sự tương phản giữa sự trường sinh bất tử của riêng ông với cái chốc lát, cái phiêu du của đời người, của sắc đẹp và của những lạc thú trần gian. Ta cũng không thể không nghĩ tới biểu tượng hoa anh đào - sakura trong văn hoá Nhật Bản. Hoa anh đào vốn nở đồng loạt, nở rộ thành từng chùm, từng mảng nhưng khi đạt đến độ viên mãn nhất, hoa bắt đầu rụng xuống theo những ngọn gió xuân bất chợt. Rụng xuống một cách buồn bã và hùng hồn, hệt như một bản tình ca buồn. Rực rỡ, ngời sáng nhưng chỉ thoáng qua như một ánh sao băng rồi vụt tắt, về mặt này sakura trở thành biểu tượng của cái đẹp mong manh, hư ảo. Ta thấy thấp thoáng trong ý nghĩa biểu tượng này của “hoa” một chút sắc màu của đạo Lão, đạo Phật vốn coi cuộc đời chỉ là phù du, như bóng câu qua cửa sổ. Có thể nói biểu tượng này của “hoa” trong “Truyện Kiều” mang đậm phong cách Á Đông cổ điển.

2.2.4. Hoa - thực thể thụ động

Nói đến hoa, người ta không thể không nói đến tính chất yếu đuối, phụ thuộc. Vòng đời của hoa phụ thuộc vào hơi thở của đất trời. Hoa nở bởi gió và cũng dễ dàng bị gió cuốn đi. Hoa không thể sinh sôi, nảy nở nếu không được tiếp nhận những tác động của mưa, nắng và hơi sương. Do đó, một ý nghĩa tượng trưng cũng không kém phần tiêu biểu của hoa là: hoa là biểu tượng của thực thể thụ động.

Trong “Truyện Kiều”, hoa xuất hiện với ý nghĩa là thực thể thụ động theo một tỉ lệ tương đối cao. Nếu xét về chức vụ cú pháp trong câu, ta thấy hoa chủ yếu đóng vai trò là tân ngữ (chiếm 48,3%). Còn nếu xét các vai nghĩa mà từ “hoa” biểu thị, ta cũng thấy chiếm tỉ lệ cao nhất là vai bị thể (42/122 trường hợp, chiếm 34.4%). Khảo sát các từ chỉ không gian bao bọc xung quanh từ “hoa”, ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa biểu tượng này của “hoa” trong “Truyện Kiều”. “Hoa” được đặt giữa hai mã không gian tưởng chừng như đối lập nhau: không gian nhỏ hẹp và không gian vũ trụ.

Khi xét “hoa” ở bối cảnh gần nhất, ta bắt gặp một loạt từ chỉ không gian nhỏ hẹp: tường, ngõ, đất, vườn, thuyền lái buôn, v.v.:

1355. Sá chi liễu ngõ hoa tường

820. Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn

Không gian dành cho hoa không phải là lầu son gác tía, cũng không phải nhung gấm lụa là – là những không gian xứng tầm với hoa. Hoa ở đây lại là hoa tường, hoa đất, hoa ngõ, như một thứ “hoa thải hương thừa”, và còn đau đớn hơn, hoa bị “đem bán vào thuyền lái buôn”. Chính cái không gian sở hữu cái đẹp lại là nơi vùi dập cái đẹp.

Và khi phóng ra bối cảnh rộng hơn, ta thấy rợn ngợp một không gian vũ trụ, một cảm thức lưu lạc đậm đặc: “sóng vỗ giữa dòng”, “ngọn nước mới sa”, “hoa trôi nước chảy”:

2931. Hoa trôi nước chảy xuôi dòng
Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan

             Buồn trông ngọn nước mới sa
1050. Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Trong không gian lưu lạc đó, mọi mối liên hệ dường bị đứt tung, “hoa” trở nên lênh đênh, vô định, trôi dạt, lơ lửng. “Hoa trôi bèo dạt” theo Trần Đình Sử là một “mẫu gốc” kết đọng trong tâm hồn người phương Đông [8; 145] về một không gian bất ổn, phấp phỏng, đầy dự cảm. Như vậy, bao bọc quanh “hoa” là hai mã không gian tưởng như trái chiều: một không gian nhỏ bé, khiêm nhường và một không gian bao la, rợn ngợp; nhưng thực chất lại là sự quyện hoà rất biện chứng. Cái không gian nhỏ hẹp, khiêm nhường như “ngõ, tường” kia chẳng phải là bằng chứng không lời nói lên thân phận bèo bọt, đáng thương của “hoa” hay sao? Nhưng đau đớn thay chính cái thân phận mong manh ấy lại luôn bị xô đẩy trong vòng định mệnh tan hợp, hợp tan, đầy biến động. Không gian thân phận đặt cạnh không gian số mệnh - một sự đối lập đầy xót xa. Bao trùm lên cả hai mã không gian đó là một không gian nội cảm với những mẫu gốc có ý nghĩa nhân sinh phổ quát.

2.2.5. Hoa - bộ phận cơ thể người phụ nữ

Nếu như trong các phần trước, khung ngữ nghĩa của từ “hoa” chủ yếu quay xung quanh tiêu chí tính chất của “hoa” thì đến phần này, chúng tôi nhấn mạnh đến một tiêu chí khác cũng tương đối đặc trưng, tiêu chí chức năng. Hoa có hai chức năng nổi bật: chức năng làm đẹp và chức năng là cơ quan sinh sản của cây. Trong trường hợp này, khả năng lan toả ngữ nghĩa của hoa đi từ cái hoa tự nhiên đến bộ phận cơ thể của người phụ nữ. Tương ứng với hai chức năng trên của hoa, ta cũng có hai ý nghĩa biểu trưng tương đối độc đáo: hoa tượng trưng cho bộ phận làm đẹp và bộ phận sinh dục của người phụ nữ. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích khả năng lan toả ngữ nghĩa của “hoa” của mỗi trường hợp.

Một ý nghĩa biểu trưng khá thú vị của “hoa” trong “Truyện Kiều” là: hoa tương ứng với bộ phận làm đẹp của nữ giới. Hoa là miệng xinh:

21. Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Hoa là mặt đẹp:

104. Lại càng ủ dột nét hoa

Sở dĩ ta có thể rút ra được ý nghĩa biểu tượng trên là do sự tương tác về hình thức và ngữ nghĩa của các từ kết hợp với “hoa”. “Hoa” + “cười” - vốn là vị từ điển hình để chỉ miệng (miệng cười), “hoa” + “nét” – cũng là một từ tiêu biểu để chỉ mặt (nét mặt). Sự tương tác giữa “hoa” với các từ xung quanh đã đẩy ngữ nghĩa của từ “hoa” đi từ trường thiên nhiên sang trường bộ phận con người.

Thêm vào đó, trong “Truyện Kiều”, hoa còn tượng trưng cho bộ phận sinh dục của người phụ nữ. Là sự sống xuất hiện trên khoảng mênh mông của vùng nước khởi nguyên, kết hợp với mùi hương nồng nàn mà dịu ngọt, hoa tự thân đã có tính thái âm và nữ tính. Ý nghĩa tượng trưng này đã được Nguyễn Du cảm nhận thực là sâu sắc:

845. Tiếc thay một đoá trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về

Trà mi là loại hoa nở vào cuối xuân đầu hạ, nó đẹp bởi sự tinh khiết thuần tuý. Trà mi thường được sử dụng trong văn thơ để tỉ dụ người con gái đẹp, nhưng để chỉ âm hộ của người phụ nữ thì ít ai như Nguyễn Du. Ẩn dụ hoa trà mi trong câu thơ Kiều khiến ta liên tưởng đến ý nghĩa biểu tượng của hoa sen trong văn hoá phương Đông và hoa huệ tây trong văn hoá phương Tây. Hoa huệ là loài hoa của thần Vệ nữ và do cái nhị, cái “dáng thẹn”, nó là một biểu tượng của sự sinh sản. Theo Jean Chevalier và Alain Gheerbranr [6; 459], đó là lí do đã khiến các vị vua nước Pháp lấy hoa huệ làm biểu tượng của giống nòi phồn thịnh.

Còn hoa sen, có thể nói “là thứ hoa nhất hạng, nở ở những vùng nước thường tù đọng và bẩn đục, bông sen toàn mĩ một cách dâm dãng” [6; 810]. Trong tranh hình Ai Cập, hoa sen xuất hiện trên khoảng mênh mông không rõ sắc màu của những vùng nước nguyên thuỷ, nó xuất hiện trước tất cả, sau đó tạo hoá và vầng thái dương mới loé ra từ trái tim rộng mở của nó. Như vậy, hoa sen trước hết là “bộ phận sinh dục, là âm hộ mẫu gốc, bảo đảm cho các cuộc sinh thành và tái sinh truyền lưu mãi mãi” [6; 810].Trong văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa, tầm quan trọng về ý nghĩa biểu tượng của hoa sen, về mặt trần tục cũng như về mặt linh thiêng đều bắt nguồn từ hình ảnh cơ bản này.

Từ sự liên tưởng hoa trà mi với âm hộ của người phụ nữ, Nguyễn Du đã chạm tới một mẫu gốc thiêng liêng trong văn hoá nhân loại. Đồng thời, với sự gán ghép phạm trù tự nhiên sang phạm trù con người, phải chăng Nguyễn Du đã cố ý trộn lẫn các đối tượng: hoa - miệng - mặt – âm hộ. Vẻ đẹp thiên nhiên tựa như thứ nhạc nền để một hoà tấu cất lên, để ấn tượng về cái đẹp nhân bản trở thành viên mãn. Những trường hợp hoa mang ý nghĩa biểu tượng này tuy không nhiều nhưng thực sự có giá trị, vì nó là cái riêng, cái dấu ấn độc đáo của thiên tài Nguyễn Du.

Như vậy, khả năng lan toả ngữ nghĩa của từ “hoa” xuất phát từ tâm là cái hoa tự nhiên, sau đó lan ra năm ý nghĩa biểu tượng theo những tiêu chí khác nhau. Ta có thể sơ đồ hoá quá trình lan toả ngữ nghĩa đó theo mô hình bông hoa năm cánh dưới đây:



Đi vào câu thơ Kiều, “hoa” không chỉ là cái hoa tự nhiên, mà còn lấp lánh những ý nghĩa biểu tượng và thấm đượm những tầng nghĩa văn hoá sâu xa. Hoa vốn đi vào tâm thức người Việt nói riêng và nhân loại nói chung như một biểu tượng bất tử về tình yêu, tuổi trẻ, về cái đẹp, cái thanh cao. Nhưng vẫn bông hoa ấy, trong câu thơ Kiều, nó như được tưới thêm màu, được tắm thêm hương để bung nở viên mãn, tròn đầy những ý nghĩa biểu tượng sâu xa, ý vị. Như vậy là từ cách nhận thức ngữ nghĩa truyền thống của từ “hoa” qua “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, chúng ta còn có cở sở để nhận thức thêm những tầng nghĩa hàm ẩn, những lớp nghĩa lan toả đầy thú vị của “hoa” dưới góc độ ngôn ngữ - văn hoá.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TIẾNG VIỆT

Đào Duy Anh. Từ điển “Truyện Kiều”. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.
Trần Trí Dõi. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2001.
Đinh Lư Giang. Vài nhận xét về quá trình sản sinh ngữ nghĩa qua khảo sát khái niệm “đầu” trong tiếng Việt.
Hà Huy Giáp, Nguyễn Thạch Giang. Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2005.
Cao Xuân Hạo. Tiếng Việt, văn Việt, người Việt. Nxb Trẻ, Hà Nội, 2003.
Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1997.
John Lyons. Ngữ nghĩa học dẫn luận. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.
Trần Đình Sử. Thi pháp Truyện Kiều. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
Lê Quang Thiêm. Về khuynh hướng ngữ nghĩa học tri nhận. Tạp chí Ngôn ngữ số 11 – 2006, tr. 6 – 19.
Nguyễn Thu Thuỷ. Tìm hiểu điệp từ trong Truyện Kiều. Luận văn tốt nghiệp, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, 1978.
Nguyễn Đức Tồn. Tìm hiểu các đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt (trong sự đối chiếu với các dân tộc khác). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2002.

TIẾNG ANH

David Lee. Cognitive Linguistics: An Introduction. Oxford University Press, 2001.
George Lakoff. The Contemporary Theory of Metaphor.
J. E. Cirlot. A dictionary of symbols. Dorset Press, New York, 1991.

nguồn: ngonngu.net


76 nhận xét:

  1. Tiếc thay một đoá trà mi
    Con ong đã tỏ đường đi lối về


    Hai câu thơ rất gợi tả. Nhưng liên tưởng như PTHT rằng đóa trà mi là cái âm hộ thì đúng là hơi thô. Mặc dù trong đời sống, người ta cũng rất thường ví von hoa với cái í. Nhớ hồi còn bé, ngày Tết chơi bài tới - cũng là bộ bài dùng cho bài chòi, mỗi lần nghe kêu:
    Tiếc thay cây mía ngọt lại sâu
    Tiếc con gái tốt mà cái bím bầu không lông

    là mọi người cười ré lên, và biết ngay đang kêu con Bạch Tuyết, cũng gọi là con Hoa. Hình con bài như này

    http://1.bp.blogspot.com/-ayjJ8OkkB3I/Vd2zGhALjeI/AAAAAAAANek/thv-zAoBvQ8/s1600/ewXjmah7.jpg

    Có mấy bà sồn sồn, lười, kêu thẳng: con l* :d

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngẫm cũng kì. Từ âm hộ nhờ cái mác ngoại, nghe có vẻ học thức mà nghiễm nhiên hiện diện trên những chốn rất chi trang trọng, hàn lâm; trong lúc từ l* cũng chỉ chính cái ấy thì phải ko lén lén lút lút thì cũng rón ra ròn rén cúi mặt che tai ... Nhớ lâu rồi, đọc đâu trên talawas thì phải, bà Hoài khuyên, đại ý lấy tờ A4 viết lên đấy 500 chữ l*, viết xong sẽ thấy l* cũng thường thôi, như mọi chữ khác .. Thử làm theo bả rồi, nhưng cứ nói, viết lại thấy kì kì .. Phải chăng đây là một ví dụ cho thuyết Nói khó, làm dễ ? :d

      Xóa
    2. Tại anh chưa thiền định đúng cách thôi. :)
      L** đúng chả là cái gì. Anh cứ đọc, cứ nói văng mạng, đến lúc nào đó sẽ thấy L** cũng như Lợn, hay ... Lẩu..., hoàn toàn chả có hình tượng gì!

      Xóa
    3. đến lúc nào đó sẽ thấy L** cũng như Lợn, hay ... Lẩu..., hoàn toàn chả có hình tượng gì!

      Sao lại cố giải thiêng để phí của trời thế. Phải giữ gìn làm sao để mỗi lần cái âm thanh ấy vang lên, trong lòng chợt thấy bồi hồi nao nao cái cảm giác gần gũi thân thương như cái quạt quả mít, nhưng vẫn xa vời bí hiểm như những chiếc nõn nường sơn son thiếp vàng trên bệ thờ ở nơi quê cũ, những chiếc yoni trăm năm rêu phủ xứ trầm hương ..

      hihi

      Xóa
    4. Hóa ra là đại K muốn nó... xao xuyến chứ không phải muốn nó... tường đông ong bướm đi về mặc ai?
      Vậy mà tưởng đại K đang dụng thức thứ 6 của SNTT.

      Xóa
    5. "Tiếc thay một đoá trà mi
      Con ong đã tỏ đường đi lối về"
      Trà Mi hay thế, đẹp thế, mà gọi thẳng nó là cái Âm hộ thì đầu óc rất... âm hộ rồi.

      Xóa
    6. Tức theo em, nó ko đẹp bằng đóa trà mi ?

      Xóa
    7. Đẹp hay không, miễn bàn (bản thân cái sự bàn đã không đẹp rồi. Mọi sự so sánh đều khập khiễng".
      Ở đây, em chỉ thấy, gán cho Nguyễn Du cái "tội" ấy, thật quá quắt.
      Nguyễn có thể thanh, Kiều có thể tục, nhưng đóa trà mi chỉ là đóa trà mi thôi. Giời ạ.
      Tuấn Công Thư Phòng chả làm cho một bài đấy là gì.
      Em chả phải là nhà Kiều học, em cũng chả mê Kiều. Nhưng các vị ấy của bằm nát Kiều ra như thế...
      Em thích Nhị Linh và ĐBA, hai vị ấy, một già một trẻ, làm người đọc phải khâm phục vì cái cách hai vị ấy tranh luận. Rất cốt cách.
      Dù đúng sai thế nào, chả biết.

      Xóa
    8. Thời buổi @ có gì không hiểu thì hỏi bác Google. Bác Google VN trả lời câu hỏi "Gái bán hoa" dài dằng dặc. Trong tất cả các mục của câu trả lời chẳng hạn như mục "Hình ảnh" không thấy cô bán miệng mà toàn các cô bán hoa. Mà Thúy Kiều cũng là cô gái bán hoa, chứ có là cô bán miệng đâu.
      Các cụ Việt có câu ca dao:
      Bây giờ mận mới hỏi đào
      Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
      Mận hỏi thì đào xin thưa
      Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào

      Ở đây có phải hoa hồng và lối ra vào không ạ?
      "Trà Mi hay thế, đẹp thế mà gọi thẳng nó là cái Âm hộ thì đầu óc rất... âm hộ rồi". Thế thì đã sao. Ở đời đã có biết bao kẻ sạt nghiệp vì cái âm hộ. Có biết bao ông vua đã mất nước vì nó. Thế nhưng cái đám đàn ông chẳng chừa. Nếu cái âm hộ không đáng quý, thì bọn đàn ông chẳng dại. Ai không tin, cứ thử gây sự để rồi bị cấm vận 1 tuần xem sao.
      Đấy là câu chuyện HOA.
      Còn chuyện nữa. THƠ là trò chơi thanh nhã. Thế mà có mấy bác nhà thơ, nhà văn thích thú khi có kẻ muốn dí cái đóa hoa Trà Mi (một thời) vào THƠ ở đây này. Các cụ và các bác có bất bình không? :-)

      Xóa
    9. @Ka: Nếu em bảo nó ko đẹp bằng đóa trà mi thì anh không đồng ý.
      nếu bảo bà Ths gì đấy so sánh thế là gán ghép cho ND thì thiệt tình trước nay đọc câu thơ ấy anh vẫn hiểu "đóa trà mi" là chỉ toàn thân cô Kiều, không ám chỉ riêng cái gì; nhưng sự thực khi viết câu ấy, ND có liên tưởng đến cái ấy không thì không biết. Biết đâu đấy hihi
      p/s Phải nói thêm sự tưởng tượng của bà ths rất phong phú, anh phục quá. Ở trên thử viết một đoạn tán dương cái âm thanh khi nhẹ nhàng như sương rơi, khi ì oạp như sóng vỗ mà cái ấy gợi nên nhưng viết được mấy câu thì bí. hic

      Xóa
    10. @Nguoi Ha Noi: Hồi đọc được mấy câu thơ "dí dí" ấy, mặc dù không làm thơ bao giờ, nhưng có lần bị bx cấm vận, tôi cũng gắng rặn vài câu đọc cho bả nghe, lòng đầy hi vọng. Bả chả thèm nghe cho trọn bài, phủi đít bỏ đi. Mất toi cả tiếng đồng hồ rị mọ vần vèo

      Xóa
    11. @ Các Cụ, các Bác
      Người ta có, chẳng biết có quý hay không?
      Mình không có thì mình quý, trừ khi không cần đến thì có thể không quý.
      Tôi đã đọc Hoàng Tuấn Công: "Thiên tài Nguyễn Du" hay tận cùng của sự dung tục?. Theo huyền thoại về câu chuyện "dí L.. vào Thơ" thì "Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa". Tôi cũng nghĩ vậy, nếu không thế, thì sản phẩm của họ thiếu sức sống. Ngay ông Nguyễn Du, nếu thời đó không thăm các cô bán hoa, thì khó ngồi một chỗ mà nghĩ ra để thuyết phục người đời. Theo tôi bác Hoàng Tuấn Công hết đát rồi, không dung tục được nữa nên mới trong sạch. Mà khi ví đóa hoa Trà Mi với cái cổng mà ai ai cũng qua nó để chào đời, thì dung tục ở chỗ nào?
      ;-)

      Xóa
    12. Hihi, gạp toàn cao nhân "Hoa học", "Trà mi học".
      Bàn sau nhé, Ka phải đi làm! :)

      Xóa
    13. @Ka: [color="blue"]Em chả phải là nhà Kiều học, em cũng chả mê Kiều. Nhưng các vị ấy của bằm nát Kiều ra như thế...[/color]
      Trong nhà em đã có một nhà Kiều học, cày nát Kiều mấy chục năm nay rồi. Em còn cần gì nghiên cứu nó nữa, lại thành narcissist :D

      (sửa lại còm cũ hồi trưa, vô ý bị lỗi)

      Xóa
    14. @Người Hà Nội[color="blue"]"Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa"[/color]

      Là bác nói thế, tôi thì chả dám đâu. Đụng chạm đến hơn 90% người Việt thì phiền lắm. Các cô nhà thơ giận còn đỡ. Gặp các anh giận, dí bưởi vào thí .. ná thở.

      Riêng về câu hỏi [color="blue"]Người ta có, chẳng biết có quý hay không?[/color] thì, theo thiển ý, có đấy. Người ta bảo xấu che tốt khoe. Phải quí người ta mới đem ra khoe chứ ạ.
      Ví dụ khi đàn ông mà khoe cái của mình ra, thì theo nhà nghiên cứu văn học NHQ, anh ta đang rất tự hào. Nói có sách, đây

      Xóa
    15. Mạn phép chủ nhà. Tôi đã mời bác Tuấn Công ở chỗ này sang đây cho vui. Không biết bác ấy có thời gian không?
      :-)

      Xóa
    16. Cảm ơn bạn

      Xóa
    17. Chỉ tại Việt Nam chưa có nhà thổ, nên bác Tuấn Công chưa có trải nghiệm ở đó. Đến nhà thổ để thực hiện hành vi giao cấu và hành vi đó được thực hiện ở một vị trí của nữ, và ở một vị trí của nam. Thông thường khách làng chơi đến nhà thổ cũng chỉ vì hai vị trí đó và đơn thuần cho quan hệ xác thịt, không có chuyện chia xẻ tâm tư tình cảm ở đó. Cho nên coi đóa Tra My của cô gái điếm là cái âm hộ chính xác hơn coi đóa Trà My là toàn thân của cô gái điếm.
      :-)

      Xóa
    18. Bổ xung thêm còm trên.
      Đừng ai mạo hiểm đến nhà thổ để hành hạ toàn thân cô gái điếm. Cẩn thận. Mấy bác ma cô sẽ làm cho kẻ đó từ 3 chân chỉ còn 2 chân thôi đó. :-(

      Xóa
    19. hehe, lập luận kinh!
      Như thế phải đặt mình vào bối cảnh của người đi mua hoa, sẽ thấy, trà mi đúng là... cái chỗ ấy.
      Chả nhẽ chị nhà văn gì cũng đã từng đi mua dâm?

      Xóa
    20. @Người Hà Nội
      - Bỏ qua chuyện vào thời điểm xảy ra, Kiều chưa phải là điếm.
      - Bỏ qua luôn chuyện hoa trà vốn là loại có sắc không hương, chả ong bướm nào thèm đến. ( Hãy nhớ giai thoại Chu Mạnh Trinh tặng hoa Nguyễn Khuyến)
      Cứ coi là Kiều đã là điếm, và có con ong đến với đóa trà mi kia.

      Logic của NHN và cả cô Ths có thể tóm tắt như sau:

      - Con ong đã tỏ đường đi lối về đóa trà mi => đóa trà mi là cái "lợn" (chữ tương đương, theo Ka)

      Tương tự, với câu vè
      - Tiếc thay cô gái trẻ xinh
      Để cho lão chệt dập dình cả đêm

      có thể suy luận:

      - lão chệt dập dình cô gái xinh => cô gái xinh là cái "lợn"

      *
      Thật ra NHN đã có nhận xét rất đúng: hành vi đó được thực hiện ở một vị trí của nữ, và ở một vị trí của nam
      Nói riêng, con ong nó chú ý đến cái nhụy của đóa trà mi, không phải cả đóa trà mi. Vì vậy nếu muốn so sánh, thì có thể so sánh cái nhụy với cái "lợn". ND cũng từng có một câu ám chỉ: Nhị đào thà bẻ cho người tình chung Nhị đào, không phải đóa hoa đào hay cành đào.

      Xóa
    21. Lúc đó Kiều đã bán mình chuộc cha chưa?

      Xóa
    22. @ Bác Khung
      Bây giờ mận mới hỏi đào
      Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
      Mận hỏi thì đào xin thưa
      Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.

      Vườn hồng ám chỉ gì ở đây?

      Xóa
    23. Kiều không nghĩ là mình bán thân làm điếm, mà chỉ là bán thân làm thiếp, hầu cho Mã Giám Sinh.

      Xóa
    24. Mã Giám Sinh có đáng yêu, chăm chỉ như con ong không?

      Xóa
    25. Không hiểu ý nghĩa câu hỏi

      Xóa
    26. @ Bác Khung K
      Hoa và ong đều đẹp. Quan hệ giữa hoa và ong là mối quan hệ có đi có lại, cả hai cùng có lợi. Tôi muốn biết Mã Giám Sinh như thế nào, để rồi so sánh:
      - Quan hệ giữa Thúy Kiều và Mã Giám Sinh giống như quan hệ giữa hoa và ong.
      - Quan hệ giữa báu vật của Thúy Kiều và báu vật của Mã Giám Sinh giông như giống như quan hệ giữa hoa và ong.
      Để xem cách so sánh nào hợp nhất.
      :)

      Xóa
    27. OK. Bạn cho biết kiến giải của bạn đi, tôi sẽ bám theo cho vui

      Xóa
    28. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    29. Có được phép coi cái âm hộ như đóa hoa không?
      Như trên đã nói. Dân gian gọi cái ấy là hoa, dẫn chứng ở chỗ "gái bán hoa" cũng ám chỉ gái điếm. Tục ngữ ca dao Việt rất văn chương còn ví cái ấy như là vườn hồng có lối vào. Ai ai cũng qua một cái như thế chào đời. Thiếu cái ấy, các bác trai dễ cuồng mà phát điên. Dính vào cái ấy một cách không chính đáng dễ mất cả chì lẫn chài, thậm chí dễ mất mạng. Thế cho nên cái ấy quá xứng đáng để gọi là đóa hoa.
      Trong sáng tác đôi khi tác giả dùng hiện tượng quan sát được trong thực tế để minh họa và làm sáng tỏ các tình tiết trong tác phẩm của mình.
      Với "Tiếc thay một đoá trà mi/Con ong đã tỏ đường đi lối về" tác giả dùng mối quan hệ giữa hoa và con ong . Quan hệ hoa và ong là mối quan hệ tốt, đôi bên cùng có lợi. Hoa đẹp, ong chăm chỉ, là một cặp xứng đôi.
      Nếu coi quan hệ giữa Thúy Kiều (gọi tắt TK) với Mã Giám Sinh (gọi tắt MGS) giống như quan hệ giữa đóa Trà Mi và con ong, thì đây là sự so sánh gượng gạo, bởi vì hai người này kẻ tốt người xấu. Nếu từ mối quan hệ đôi bên cùng có lợi của hoa và ong mà đem sang áp đặt cho cặp TH & MGS thì phải thấy TH chẳng bị thiệt hại gì để mà kêu "tiếc thay". Hơn nữa bác Tuấn Công không cho phép người đọc liên tưởng tới sex, cho nên người đọc chịu không dám nghĩ rằng TK bị hiếp dâm. Như vậy Nguyễn Du không truyền được "TK do bị cưỡng dâm mà mất cái ngàn vàng" tới người đọc.
      Báu vật của nữ, báu vật của nam giới là là một đôi, bởi vì nhiệm vụ mà tạo hóa giao cho chúng. Coi quan hệ giữa âm hộ của TK với dương vật của MGS giống như quan hệ giữa đóa Trà Mi và con ong. Nếu sự so sánh này có gượng gạo, thì cũng ít gượng gạo hơn so sánh ở trên. Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi của hoa và ong cũng suy sang áp đặt được ở đây, bởi vì cả hay cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ mà tạo hóa giao cho. Còn đánh giá mối quan hệ đó như thế nào thì phụ thuộc vào chủ nhân của chúng. Người này cảm thấy nhục nhã, kẻ kia cảm thấy thỏa mãn. Như vậy tác giả truyền được ý của mình tới người đọc.
      Nếu nhận xét của các nhà văn thơ chuyên nghiệp "Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa" là đúng, thì ông Nguyễn Du sẽ chẳng nổi khùng khi người đọc nhận thấy trong thơ của ông ấy có sex, có khi ông ấy còn khoái trá cười khì.
      :)

      Xóa
    30. @NHN: Có được phép coi cái âm hộ như đóa hoa không?
      - Có, đồng ý. Thường xuyên nữa là khác, như một cách nói tránh - hoa, hĩm, hến, ..

      @: (Nếu ... ) đây là sự so sánh gượng gạo.
      - khi so sánh 2 sự, vật, .. người ta chỉ chú trọng đến một nét tương đồng nào thôi, không bao giờ so sánh mọi thứ giữa hai đối tượng. Vd, bả dữ như sư tử: chỉ so sánh sự hung dữ, không hàm ý bả cũng có bờm có vuốt, ..
      Hai câu thơ của ND chỉ đơn giản là thuật lại rằng MGS đã ăn nằm với Kiều. Đấy là fact. Còn chuyện quan hệ giữa ong-hoa và MGS-K có tương đương ở những vấn đề như khứng chịu tự nguyện hay không, cùng có lợi hay không, .. thì tôi thấy suy diễn quá đà, vì nói cho chính xác bướm thì không có suy nghĩ, ong thì làm theo bản năng. Và để bày tỏ cái opinion của mình trước cái fact kia, ND đã đặt ngay đầu câu "tiếc thay" rồi.

      @: Hơn nữa bác Tuấn Công không cho phép người đọc liên tưởng tới sex
      - Oan cho TC chăng ? Ông chỉ bác bỏ chuyện so sánh đóa trà mi trong câu thơ cụ thể ấy với cái "lợn", còn dĩ nhiên, đọc hai câu thơ ấy, ai chả biết ND mô tả chuyện sex ?

      @: .. thì ông Nguyễn Du sẽ chẳng nổi khùng khi người đọc nhận thấy trong thơ của ông ấy có sex, có khi ông ấy còn khoái trá cười khì.
      - ND chả có gì phải nổi khùng, khi thực ra ông đề cập khá nhiều và rõ trong tác phẩm của mình. Chính vì thế mà các ông cụ ngày xưa mới cấm đàn bà đọc Kiều; ông nghè Ngô Đức Kế thì từng dõng dạc tuyên án Kiều là "cái vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi, tám chữ ấy không tránh đàng nào"

      Tóm lại, người ta vẫn thường dùng từ hoa để chỉ cái "lợn", nhưng không phải trong trường hợp hai câu thơ đang xét. Lí do thì trong một cái còm ở trên, tôi đã chứng minh là không thể suy luận như thế, vì sẽ dẫn đến nghịch lí. (cô gái trẻ xinh = cái "lợn")

      Xóa
    31. Nếu như một người chưa biết mùi đời yêu cầu bác Khung K giải thích 2 câu này. Bác sẽ giải thích như thế nào?

      Xóa
    32. "@ Bác Khung
      Bây giờ mận mới hỏi đào
      Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
      Mận hỏi thì đào xin thưa
      Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.

      Vườn hồng ám chỉ gì ở đây?"
      @ NHN:
      Vườn hồng ở đây là đóa Trà mi? :)

      Xóa
    33. Vườn bao gồm cả lối ra vào là đóa Trà Mi.
      Hiểu đúng được ý thơ là cả một vấn đề gian nải. Có thể "vườn" và "lối" ám chỉ cái khác.
      Ý tôi là vậy. Thế ý của chị Thymianka ra sao?

      Xóa
    34. Ám gì cũng là chỉ chuyện trai gái thôi. Kiểu tê nhị nhất là: Tôi sẵn lòng lắm, mà chả có ai tán, hay tôi đang tụ do đây, nhào zo đi... vv.
      Còn cụ thể vườn và lối chỉ cái gì, thì các cụ cứ mặc sức mà tưởng tượng ạ. Cụ Ka đầu óc nông dân lắm! :)

      Xóa
    35. Chị Thymianka:
      - Cụ Ka đầu óc nông dân lắm! :)
      NHN:
      - Chị làm tôi nhớ đến câu "Ừ, dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng".:D
      -----------------
      Chú thích:
      - "Ừ, dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng" ở đây.

      Xóa
    36. Lỏng là gì, đã bẩu K nông dân mà lỵ. :)
      (mấy cái còm bên nhà AN cụ NHN rep chưa?)

      Xóa
    37. Trả lời rồi.
      Chị Thymianka không để ý đó thôi, ở đấy khen nông dân mà.

      Xóa
    38. Bây giờ mận mới hỏi đào
      Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
      Mận hỏi thì đào xin thưa
      Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.


      Bốn câu ca dao là lời hỏi đáp của một cặp trai gái rất ý nhị, tinh tế, lịch sự.

      Anh chàng có lẽ để ý đến cô nàng từ lâu, chắc là sau nhiều lần định ngỏ ý nhưng rụt rè không dám, lần này hạ quyết tâm: Bây giờ mận mới hỏi đào ..
      Vườn hồng là ẩn dụ về thế giới tình cảm, tâm hồn của cô gái. (Nhớ câu thơ của TH - Lòng tôi là một vườn gì đấy). Câu thơ này có thể dịch ra ngôn ngữ đời thường là: cô đã để ai lọt vào lòng chưa rứa.

      Câu trả lời của cô gái cũng đơn giản là: em chưa có ai cả anh ạ. Nhưng giọng trả lời của cô làm ta nghe thấy sự mời gọi (anh mạnh dạn lên), có lẽ cô cũng đã có ý với chàng rồi.

      Vườn hồng, lối vào ở đây không hề mang ý nghĩa như trong câu thơ của ND bàn trên. Bởi không có chổ cho những ngụ ý như thế trong tình cảnh hai người còn rụt rè lần đầu mới quen như thế. Kim Trọng muốn giở thói lần khân với Kiều thì cũng phải đợi đến lúc đủ thân tình.

      Xóa
    39. @NHN: Nếu như một người chưa biết mùi đời yêu cầu bác Khung K giải thích 2 câu này. Bác sẽ giải thích như thế nào?
      Chưa biết mùi đời cũng có nhiều kiểu. Em bé cấp một không biết mùi đời khác với cậu học trò cấp ba chưa biết mùi đời.

      Với học sinh cấp 1 thì đánh bài lơ, vì cũng chả ích gì cho các em, và cố giải thích cũng chưa chắc hiểu cái ẩn dụ ấy. Với học sinh cấp ba thì nếu bị hỏi, cũng trả lời đơn giản đấy là ẩn dụ về chuyện nam nữ ăn nằm với nhau. Dù chưa biết mùi đời nhưng hs cấp ba cũng thừa hiểu ăn nằm là gì.

      Tôi học Kiều năm lớp 9. Thầy cũng chỉ chọn trích giảng một số đoạn, không dạy các đoạn như MGS ăn nằm với Kiều, Kiều tắm, Tú bà dạy Kiều cách chiều khách, v. v..

      Xóa
    40. 1.
      Tiếc thay cô gái trẻ xinh
      Để cho lão chệt dập dình cả đêm

      mô tả vấn đề trực tiếp
      Khác với
      Tiếc thay một đoá trà mi
      Con ong đã tỏ đường đi lối về

      Đoạn này mô tả vấn đề gián tiếp bằng cách lấy vấn đề khác để minh họa.

      2. Qua tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du kể lại các cái xấu của cuộc đời, trong đó có vu oan, cưỡng dâm, nghen tuông, chém giết… Nếu người đọc thấy những cái xấu đó sống động, thì không thể trách người đọc đã làm tác giả và tác phẩm dung tục. Ngược lại nên khen người đọc có cảm nhận văn chương tốt, biết đồng cảm với tác giả. Nếu cách hành văn của tác giả tế nhị, thanh nhã, thì nên khen ngợi cả tác giả.
      Một tác phẩm có dung tục hay không. Nó phụ thuộc vào cách hành văn của tác giả, chứ không phụ thuộc vào vấn đề mà nó đề cập tới. Nó lại càng không phụ thuộc vào cảm nhận của người đọc, bởi vì người đọc đọc nó sau khi tác phẩm đã được viết ra. Sự việc xảy ra sau không thể làm thay đổi được sự việc trước đó. Cho nên việc bác Tuấn Công trách móc Phan Thị Huyền Trang làm dung tục Truyện Kiều là sai.
      Cả bài nghiên cứu dài dằng dặc của Phan Thị Huyền Trang chẳng có gì mới mẻ. Nó chứa toàn những ví von mà người đời đã biết từ xa xưa. Theo Phan Thị Huyền Trang việc ví âm hộ như đóa Trà Mi "thực sự có giá trị, vì nó là cái riêng, cái dấu ấn độc đáo của thiên tài Nguyễn Du" , trong khi một kẻ ít học nhưng biết chơi điếm cũng biết điều này, thì Phan Thị Huyền Trang vô tình coi Nguyễn Du không tài bằng cái gã chơi điếm kia, Phan Thị Huyền Trang đã nghi ngờ cái tính "Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa" của Nguyễn Du. Khác gì coi thường ông ấy.

      Chỉ có khám phá về món "Lẩu" của chị Thymianka mới là một khám phá độc đáo và chính xác. Nó có cấu trúc như nhau, tình trạng hoạt động như nhau. Tác dụng với người dùng cũng thế: ngon, dễ tiêu, muốn dùng lại. Bác giai nào không biết cái ấy tròn dẹt như thế nào, nhưng muốn tìm hiểu thì tạm thời xơi lẩu, nhớ thận trọng tránh bỏng.
      :) :) :)

      Xóa
    41. @ Chị Thymmianka
      @ Bác Khung K
      Bây giờ Mận mới hỏi Đào
      ...
      Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

      Chị và bác không để ý tới mầu hồng à?
      :)

      Xóa
    42. Vấn đề mà bài nghiên cứu của Phan Thị Huyền Trang đề cập đến không dung tục. Việc dùng cụm từ "âm hộ" trong bài nghiên cứu này lộ liễu, gây sốc cho một số người đọc, nên họ cảm thấy sự dung tục, nhưng họ sai ở chỗ họ cho rằng đó là dung tục với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Thực ra đó dung tục nằm ở cách hành văn của chính bài nghiên cứu. Nếu diến đạt cụm từ "âm hộ" tế nhị, thì cái dung tục của bài nghiên cứu sẽ mất.

      Xóa
    43. 2. @: (Một tác phẩm dung tục hay không) không phụ thuộc vào cảm nhận của người đọc, bởi vì người đọc đọc nó sau khi tác phẩm đã được viết ra. (..) Cho nên việc bác Tuấn Công trách móc Phan Thị Huyền Trang làm dung tục Truyện Kiều là sai.

      Nếu HTC chỉ kêu lên cô ths gì đấy dung tục hóa Kiều mà không chứng minh thì đáng trách, vì đấy là một hình thức ngụy biện, kêu gọi cảm tình đám đông. Nhưng ông đã chứng minh cổ sai, nên đấy là lời luận tội sau khi xét lỗi. Giật tít như thế cho hấp dẫn thôi, không sao. (Không thấy tít ấy, chưa chắc tôi đã tìm đọc bài của cô gì đấy :d)

      Trường hợp cô ths nói đúng, chứng minh được đóa trà mi = âm hộ thì chả có gì dung tục cả, hoặc ai nghĩ đấy là dung tục hóa Kiều thì Kiều cũng rán chịu, vì nó đúng.

      Tóm lại chuyện dung tục là chuyện ngoài lề, nói thêm cho vui, chả có ý nghĩa gì. Điều duy nhất đáng nói là ý kiến cổ có lí hay không thôi.

      Xóa
    44. 3. Riêng về việc thay từ ấy bằng từ "lẩu" của Ka thì đúng là khám phá của cả Ka, và cả sự tri âm của NHN, rất độc và đúng. Trước đó tôi chỉ chú ý chữ "lợn" mà không đủ nhạy cảm để chú ý chữ này. Có lẽ do tôi ít được ăn lẩu, dù mùa này tuần nào cũng đi ăn đám cưới, và đám cưới thì hầu như bao giờ cũng có lẩu. (Không ăn một phần vì thường lẩu là món cuối, tôi hay bỏ về sớm. Phần khác vì thấy bao nhiêu đôi đũa của người không quen khuấy đảo nồi lẩu, sợ quá).

      Xóa
  2. Lưu lại cái link rảnh đọc lại, bài viết của Nhị Linh giới thiệu cuốn sách của Phạm Tú Châu, dịch vào giới thiệu Kim Vân Kiều Lục - một bản dịch ngược Kim Vân Kiều của Nguyễn Du ra chữ Hán
    link: Một mình Kiều

    Trả lờiXóa
  3. Nhanh thật, hóa ra bài từ tháng 8 năm ngoái.
    ĐBA trẻ, du học ở Đức về. Dám nghĩ, dám làm, dám nói, và không tự ái.
    Tinh thần tranh luận của ĐBA rất dễ thương. Nhưng lý luận thì không thể địch nổi Nhị Linh, nên câu chuyện lại chìm vào quên lãng...
    Dù sao, Kim, hay Kiều, ai mới là nhân vật "ruột" của Nguyễn Du, theo em không quan trọng. Quan trọng là các vị ấy đã bày ra một bàn tiệc để chúng ta mãn nhãn. Tha hồ đọc và rồi, tha hồ... lãng quên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai chẳng có lúc vội vàng, thiếu sót, lập luận chưa đủ cơ sở. Thái độ ĐBA chững chạc, đường hoàng, rất trí thức.

      Xóa
  4. Đức vừa có bản dịch Kiều sang tiếng Đức (của đôi vc người Đức), đọc mà muốn đi tắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc cũng như thơ tây dịch ra tiếng Việt thôi, đọc mệt.

      Xóa
  5. @ Song Ca

    Đọc các còm của Khung K và Thymianka, tôi không hiểu được hai người Đinh Bá Anh và Nhị Linh rốt cục là ai già ai trẻ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ĐBA rất trẻ (nhìn mặt), còn Nhị Linh, chắc không còn trẻ (đọc văn!)

      Xóa
    2. Đấy là ý kiến của chị Thymianka. Còn ý của bác Khung K là sao?

      Xóa
    3. @ Chị Thymianka
      - Đọc Kiều tiếng Đức mà muốn đi tắm.
      - Tại sao lại muốn đi tắm. Đề nghị giải thích rõ.

      Xóa
    4. Người HN:
      Khi nào bạn muốn đi tắm ạ?
      Với mình, là khi thấy người bẩn. Toát mồ hôi chẳng hạn! :)

      Xóa
    5. @AN: Với đàn ông thì đàn nào cũng rứa, không như cách họ nhìn đàn bà. Đại K đây chỉ thích U30. :)

      Xóa
    6. "Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa"
      Đại Ka, Người HN:
      Quá đúng. Bọn làm thơ có tố chất dở hơi từ trong trứng. Sau đó biến chất thành lưu manh, chập cheng... không ít.
      Cá nhân mình, mình cực ghét bọn làm thơ. Nói đúng ra là tránh xa.

      Xóa
    7. @Ainu:
      DBA già rồi. Chỉ già rồi người ta mới đủ tự tin để nhận ra thiếu sót mọt cách bình tỉnh.
      NL trẻ hơn. Khi trẻ người ta ưa cay nghiệt với thiếu sót của người khác mà không nghĩ rằng mình cũng có lúc thiếu sót.

      Không quen biết gì với cả hai vị, nên đoán đại thế hihi

      @các nhà thơ là thế ư ? Chừa em và Ainu ra chứ nhỉ

      Xóa
    8. Nếu chừa Thymianka và Ainu ra thì là vì hai vị này không phải nhà thơ. Còn nếu là nhà thơ thì ắt đều chập cheng cả. Như ông Thiệp, tác giả của câu nói ấy, rốt cục đã viết cả một vở chèo "Vong bướm" bằng thơ.

      Thôi thì tôi cũng "chập cheng" mà chỉ ra cái "chập cheng" của Thymianka khi "nhìn mặt" và "đọc văn" để xét già trẻ. Thymianka đã nhìn mặt Đinh Bá Anh trên Facebook thì cũng nên vào phần thông tin cá nhân để biết năm sinh của vị này là 1973, theo tôi tuổi ấy chưa thể gọi là già. Đã nhìn mặt Đinh Bá Anh thì cũng nên nhìn mặt Nhị Linh cho công bằng. Xem thông tin ở đâyở đâyở đây là đủ cả mặt mũi lẫn năm sinh.

      Xóa
    9. aha. tks Ainu nhé. Không ngờ đoán đại lại đúng. DBA già hơn NL. :d

      Xóa
    10. Bác Khung K "già" hơn chị Thymianka. Tôi thì chả bao giờ dám đoán đại, nhất là sau khi chứng kiến một bạn đọc comment ở Triết Học Đường Phố cho một bài của ông Nguyễn Hưng Quốc. Cái bài ấy không phải về chính trị mà về văn học, không phải chủ đề chính nhưng trong đó ông Nguyễn Hưng Quốc chê các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung là loại văn giải trí vô giá trị chỉ làm mất thời gian, khiến cho các fan của Kim Dung giãy nảy lên. Bạn kia bạn ấy là tay cứng, viết rất tử tế nghiêm túc, nhưng bạn ấy tưởng Nguyễn Hưng Quốc cũng là một tay viết trẻ trong những cây bút khác của Triết Học Đường Phố, nên bạn ấy phán rằng khi nào bạn Nguyễn Hưng Quốc trưởng thành hơn thì mới hiểu được hơn về Kim Dung, bạn Nguyễn Hưng Quốc hãy còn thời gian. Tôi suýt ngất vì cười. Phải công nhận là ông Nguyễn Hưng Quốc có giọng văn hồn nhiên cảm xúc dễ thương, văn ông ấy dễ đọc.

      Xóa
    11. Lúc này tôi thấy giữa tuổi ăn và tuổi nói nhiều khi rất so le - một số là so le dỏm, nhưng không ít là thật. Nói chung, trừ một số trường hợp đặc biệt phải tìm hiểu, còn không thì khi đọc bài viết tôi cũng chả để ý đến tuổi của tác giả vì chả giúp ích gì.

      (Nói thật, trên kia tôi suy luận tào lao cho vui, thật ra trước khi Ainu cho biết, tôi vẫn nghĩ NL lớn tuổi hơn - có lẽ do đọc NL trước rất lâu so với DBA. Ah, mà ta chẳng thường nghe giới thiệu "một nhà thơ trẻ" tuổi U50 đó sao)

      Xóa
    12. Chị Thymianka "cô bé quàng khăn đỏ" nên nghĩ gì nói đấy, rất là chất phác. Bác Khung K "sói già" nên nghĩ một đằng mà nói một nẻo, khi nói còn có lý luận, nói rồi chua thêm hai chữ "đoán đại" để bảo vệ quyền được sai.

      Đinh Bá Anh thì tôi biết qua Facebook nhưng không quen. Blog Nhị Linh thì tôi nhìn thấy từ lâu vì có nhiều blog khác theo dõi trang này, nhưng trước giờ lại chưa đọc vì tôi chưa quan tâm nghiên cứu văn học. Nhưng mấy ngày trước đây tình cờ nhìn thấy bài viết nho nhỏ này của Nhị Linh, ngạc nhiên quá nên mới hỏi một cao thủ làng dịch thuật rằng Nhị Linh là nhân vật nào, vị ấy cho tôi một cái tên, rồi tôi tra Google. Nay thấy Song Ca tán chuyện thì vui miệng chen vào.

      Kiến thức giang hồ phong phú và nội công thâm hậu nhiều khi lại chẳng đi đôi với nhau, nên người ta thường lấy cái này để bù cái kia. (Ấy điều này tôi biết là nhờ đọc truyện kiếm hiệp). Một người thì kiểu gì mà chẳng thiếu sót! Còn như giọng cay nghiệt của Nhị Linh thì theo tôi chỉ là phong cách thôi. Bài viết của Đinh Bá Anh tuy không đóng góp được điều gì mới cho lịch sử đọc Truyện Kiều, nhưng nó gây được sự chú ý có lẽ một phần là vì nhắc lại với giới trí thức rằng hiểu biết của họ chẳng ăn nhằm gì với thời cuộc.

      Xóa
    13. :D. Gì mà ví sói với cô bé quàng khăn đỏ, cổ sợ chạy mất dép giờ.

      Hì, viết cay nghiệt tí cũng hay, người đọc cũng thích. Nhớ hồi xưa, ngày nào cũng mua tờ Hòa Bình xem Nguyên Sa chưởi Phạm Công Thiện. Bài kéo dài gần cả tháng thì phải, đọc thú vị không kém đọc Kim Dung. Sau này NS tập hợp lại cho in thành sách, dường như tên là Một Mình Một Ngựa. Sao hồi ấy thích xem đánh nhau thế không biết :D

      Xóa
    14. Trên cô có nhắc NHQ. Tôi cũng thích tác giả này ở chổ viết khúc chiết, không câu rê, mỗi đoạn đều chứa thông tin chứ không sáo, rỗng.

      Một ví dụ về sáo, rỗng là đoạn tôi viết giỡn ở trên (cái còm "giải thiêng" với nghe nao nao blo bla .. :d.

      Mà bài của cô Ths cũng đầy những đoạn sáo, rỗng như thế. Điển hình là đoạn ở cuối 2.2.3:

      Ta cũng không thể không nghĩ tới biểu tượng hoa anh đào - sakura trong văn hoá Nhật Bản. Hoa anh đào vốn nở đồng loạt, nở rộ thành từng chùm, từng mảng nhưng khi đạt đến độ viên mãn nhất, hoa bắt đầu rụng xuống theo những ngọn gió xuân bất chợt. Rụng xuống một cách buồn bã và hùng hồn, hệt như một bản tình ca buồn. Rực rỡ, ngời sáng nhưng chỉ thoáng qua như một ánh sao băng rồi vụt tắt, về mặt này sakura trở thành biểu tượng của cái đẹp mong manh, hư ảo.

      Tôi không hiểu vì sao phải qua tận Nhật để xem cái hoa sakura nở mới thấy cảnh hoa nở rộ từng loạt, mới biết khi đến độ viên mãn nhất thì hoa bắt đầu rụng, và khi rụng thì buồn lắm. Thiếu gì hoa ở VN nở rộ từng loạt - mai chả hạn. Và chả lẽ đến độ viên mãn nhất, n1 còn phải viên mãn siêu nhất, siêu siêu nhất .. nở hoài không rụng ? và khi rụng ai chả buồn, kể cả mấy người quét rác. Cả một đoạn dài chỉ để nói một ý cũ rích - kiếp hoa, sớm nở tối tàn. Để diễn tả nỗi buồn của hoa, còn có hình tượng mạnh hơn nhiều - sớm hoa, chiều rác. Đúng là ba .. hoa :d

      Xóa
    15. Cụ Người Hà nội chạy đâu mất rồi?
      Thymianka là Cô bé quàng khăn đỏ, thảo nào mà chui vào bụng sói... liên tùng tục. An đúng là có con mắt tinh đời, chiếu chỗ nào chỗ ây mất điện.

      Xóa
    16. Vẫn còn sống sờ sờ đấy thây. Chắc mấy con sói nhai ko ra :d.

      Xóa
    17. @ Khung K
      Tôi thì không đủ can đảm và kiên nhẫn để đọc những bài "nghiên cứu" với các đề mục được đánh số trong văn chương.

      @ Thymianka
      Sói này chỉ nuốt chửng chứ không nhai nên cô bé quàng khăn đỏ vẫn còn nguyên. Phải nhét đá vào bụng sói thì nó mới chết, truyện cổ kể thế phải không? Không nhai, không nhét đá. Cả hai vẫn sống sờ sờ.

      Xóa
    18. Những suy nghĩ của tôi ở trên về đóa Trà Mi đang trên đường đến kết luận cuối cùng. Vì chị Thymianka muốn tôi xuất hiện ở đây, khi mà tôi chưa biết nói gì. Thôi đành thổ lộ kết luận trước đã:
      "Cả bài nguyên cứu dài dằng dặc của Phan Thị Huyền Trang chẳng có gì mới mẻ. Nó chứa toàn những ví von mà người đời đã biết từ xa xưa. Nếu coi bài nghiên cứu của PTH Trang là một khám phá mới mẻ, thì vô tình ta đã nghi ngờ cái tính "Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa" của Nguyễn Du. Khác gì ta coi thường ông ấy.

      Chỉ có khám phá về món "Lẩu" của chị Thymianka mới là một khám phá độc đáo và chính xác. Nó có cấu trúc như nhau, tình trạng hoạt động nhưnhau. Tác dụng với người dùng cũng thế: ngon, dễ tiêu, muốn dùng lại. Bác giai nào không biết cái ấy tròn dẹt như thế nào, nhưng muốn tìm hiểu thì tạm thời xơi lẩu, nhớ thận trọng tránh bỏng."

      :)

      Xóa
    19. Thế cuối cùng tôi là cụ Ka hay chị Thymianka đây hả bác NHN? :)
      Món Lẩu hổ Lốn có vẻ đắt hàng nhỉ, đàn ông thích xơi mà đàn bà cũng thích... tám! :P
      Giá mà bên Blog Tiếng Việt của bạn Ái Nữ còm dễ như ở đây, thì ngày nào tôi cũng vào múa may tán gẫu cho vui.
      Nhưng cụ NHN ạ, mâm bên ấy có mấy cái còm tôi đáp lễ cụ, mời cụ sang bên ấy nhận ạ, kính cụ!

      Xóa
    20. Đại K:
      Hoa ban, hoa mai nở em không biết như nào, nhưng mà hoa anh đào Nhật thì khủng khiếp lắm.
      Hơn cả đẹp, đó là sự diễm lệ. Mọi hoạt động đều dường như chả có ý nghĩa gì trong ba tuần ấy.
      Không thể tả được. Chỉ có thể sống với nó. Mỗi năm một lần. Mỗi lần ba tuần.
      (Như tuần trăng mật ấy, mong kinh lên được).
      (Còn cái bài hoa hiếc gì của cái cô ví trà mi như âm hộ, sorry, đọc phí thời gian, may có cái đoạn ví von rất ư lộng óc ấy là cái cớ để bà con vào đây tán nhảm).

      Xóa
    21. @ Chị Thymianka
      "Cụ" hay "Chị?
      Là cụ, thì răng móm. Có được nồi lẩu cũng chịu. Cứ thế mà suy.

      Xóa
    22. @Ka: Ok, hoa sahura đẹp, trở thành biểu tượng của Nhật. Nhưng để diễn tả cái hư ảo của kiếp hoa thì không cần phải qua tận Nhật nhờ đến nó. Còn để tả cái đẹp của nó thì đoạn trên không đủ, vì có thể áp cho hoa nào thì cũng đúng.

      HPNT có nhiều bài viết về hoa, và cả cỏ. Đọc hay, vì hoa nào ra hoa ấy; cỏ đâu ra đấy; không lẫn với hoa, cỏ nào khác. Nhớ ka cũng có bài viết về cỏ thym rất tốt.

      Xóa
  6. Mấy bài viết về sex trong truyện Kiều.

    1. Trần Đình Sử, Sex trong truyện Kiều
    2. Đỗ Minh Tuấn Thuý Kiều và khát vọng giải sex
    3. BS Hồ Đắc Duy, Tô Kiều Ngân. Các Khía Cạnh Tình Dục Trong Truyện Kiều
    4. Vấn đề tình dục trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
    (Luận văn không biết của ai, chỉ có chương Mở đầu)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Khung K chiều khách quá!
      :):):)

      Xóa
    2. không dám, khách tới nhà, không gà thì lẩu chứ ah, chuyện bình thường mà :d.

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)