13/2/16

Những ca khúc phổ thơ nổi tiếng


Nghe lại một số ca khúc phổ thơ nổi tiếng. Vũ Hoàng (RFA) giới thiệu.
(File audio ở đầu bài lấy từ trang web RFA bị firewall có thể nghe không được. Các video clip minh họa trong bài được thêm vào dành cho ai không nghe được file audio; không có trong bài gốc. ).



Lụa Hà Đông . Dolinh RFA
Trong một bút ký của mình, thi sĩ Xuân Diệu từng viết: "Trong thơ đã có tính nhạc, vì tính nhạc là hồn thơ, thơ mà không có tính nhạc chỉ là hững con chữ sắp vội vã và có mục đích của một người biết đánh máy."

Vâng có lẽ cũng vì sự kết hợp diệu kỳ giữa thơ và nhạc mà trong muôn vàn nhạc phẩm để đời, chúng ta có những ca khúc phổ thơ mà nếu không biết, thì ai cũng cho rằng đó là sản phẩm chỉ của người nhạc sĩ mà không biết rằng ca từ và lời hát lại là đứa con tinh thần của một nhà thơ khác. Và chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi xin được cùng quý vị điểm lại một số nhạc phẩm phổ thơ nổi tiếng của Việt Nam

Quê Hương



Ca khúc Quê Hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ bài thơ "Bài Học Đầu Cho Con" của Đỗ Trung Quân. Hẳn người Việt Nam nào cũng biết những giai điệu ngọt ngào và lời ca chan chứa tình cảm đất mẹ trong ca khúc Quê Hương và không khỏi thán phục bởi chỉ bằng những câu chữ rất giản dị, nhưng qua ý nhạc và giai điệu, mà Việt Nam đã có một bài hát bất tử đến như vậy.

Trong kho tàng thơ ca Việt Nam có quá nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng không phải công chúng đều biết đến chúng, chỉ cho đến khi nó được phổ nhạc, trở thành một ca khúc thì bài thơ ấy mới được đông đảo người nghe biết đến, có lẽ ai đó đã nói rất đúng "Thơ khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ, và Nhạc đã chắp cánh cho Thơ."

Trong kho tàng thơ ca Việt Nam có quá nhiều tác phẩm xuất sắc, nhưng không phải công chúng đều biết đến chúng, chỉ cho đến khi nó được phổ nhạc, trở thành một ca khúc thì bài thơ ấy mới được đông đảo người nghe biết đến

Theo lời nhạc sĩ Đăng Khánh được thi sĩ Du Tử Lê trích đăng trên website của mình có đoạn viết: "làm một bài thơ hay đã khó, làm một bản nhạc hay cũng khó không kém. Nhưng phổ nhạc một bài thơ "cho hay" lại còn khó hơn nữa" và ông tự trả lời cho câu hỏi mình đặt ra "tại sao người ta phổ nhạc một bài thơ?" Theo nhạc sĩ Đăng Khánh thứ nhất do bài thơ quá hay làm choáng váng nhạc sĩ, thứ hai, bài thơ mới đọc qua đã thấy như đang nghe một bản nhạc, thứ ba, nhạc sĩ được "đặt hàng" để phổ nhạc cho một bài thơ, ngoài ra, cũng có thể là tình bạn giữa người làm thơ và làm nhạc và lý do cuối cùng cũng có thể do nhạc sĩ "hơi nghèo" chữ nghĩa để làm lời ca cho bản nhạc và chủ để mình muốn viết.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì những bài hát phổ thơ được yêu mến cũng là một thành công lớn của cả người nghệ sĩ ghép đặt con chữ và kiến tạo âm thanh.

Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng



Nhạc phẩm Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng của cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Phạm Thiên Thư với nguyên tác "Động Hoa Vàng" gồm 100 đoạn. Có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy là người duy nhất có số lượng bài hát được phổ thơ đồ sộ lên đến 300 bài, từ những bài đầu tiên như Cô Hái Mơ năm 1942 của Nguyễn Bính cho tới những bài cuối cùng như Bên Kia Sông Đuống của Hoàng Cầm năm 2010.

Trong số những nhạc phẩm nổi tiếng mà được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ có thể kể sơ qua: Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Kỷ Vật Cho Em, Thuyền Viễn Xứ, Tiếng Sáo Thiên Thai...

Nếu Phạm Duy là người biến những bài thơ thành bất hủ qua những khuông nhạc của mình, thì thi sĩ Du Tử Lê lại là một trong những người được nhiều nhạc sĩ phổ thơ của mình nhất. Trong một lần tâm sự trước đây với chúng tôi, ông cho biết ông có khoảng 300 bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có nhiều tên tuổi lớn đã thấy cái đẹp trong thơ ông và xúc động phổ nhạc, chẳng hạn, Phạm Duy, Anh Bằng, Từ Công Phụng, Song Ngọc, Phạm Đình Chương... Những tác phẩm nổi tiếng phổ thơ ông như: Giữ Đời Cho Nhau, Ca Khúc Của Lê, Ơn Em và đặc biệt là Khúc Thụy Du.

Khúc Thụy Du



(Chỉ gói gọn trong hơn 10 phút của chương trình phát thanh cho phép) Chúng tôi biết chắc không thể đủ để dù chỉ là điểm sơ những tác phẩm thành danh, nhưng qua đây cũng xin được nhắc đến một số tác phẩm đã trở thành bất hủ như: Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu bài thơ được Trịnh Công Sơn phổ nhạc tặng người bạn họa sĩ Trịnh Cung, Trúc Đào của Nguyễn Tất Nhiên được Anh Bằng phổ nhạc, Nhà Tôi của Yên Thao được Anh Bằng phổ nhạc thành ca khúc Chuyện Giàn Thiên Lý, Hoa Tím Ngày Xưa của Cao Vũ Huy Miên được Hữu Xuân phổ nhạc, Mùa Thu Cho Em của Thụy Anh và Áo Lụa Hà Đông của Nguyên Sa cùng do Ngô Thụy Miên phổ nhạc, Chị Tôi thơ Đoàn Thị Tảo, nhạc Trọng Đài, ngoài ra, là nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác như những bài thơ của Xuân Quỳnh như Thuyền Và Biển, Em Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật hay Chút Tình Đầu của Đỗ Trung Quân được Vũ Hoàng phổ nhạc thành Phượng Hồng.



Nhạc phẩm Tháng Sáu Trời Mưa, thơ Nguyên Sa do Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc đã lắng dịu chúng ta trong không khí oi ả của những ngày hè ngột ngạt, bằng những cơn mưa mát lạnh tháng Sáu, để được đắm mình ngắm nhìn vẻ đẹp của người thiếu nữ đôi mươi.

Nguồn: RFA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)