16/7/16

Hát xẩm


Nghe một cô bé 7 tuổi hát xẩm Mục hạ vô nhân



Mục hạ vô nhân = dưới mắt không người, vốn để chỉ người chẳng coi ai ra gì, nhưng ở đây chơi chữ, để chỉ người mù. Ca từ bài hát lấy từ bài thơ được cho là của cụ tam nguyên Yên Đổ

Mục hạ vô nhân

Chúng anh đây mục hạ vô nhân
Nghe em nhan sắc lòng xuân anh não nùng.
Dù em má phấn chỉ hồng
Dửng dừng dưng anh chẳng thèm trông làm gì.
Lấy anh, anh cho đi trước để làm vì
Tay thì dắt díu tay thì quàng vai
Vén tay sờ chốn em ngồi,
Em thì chẳng thấy, anh thời thở than.
Bâng khuâng như mất lạng vàng,
Cái sênh, cái trống, cái đàn ai mang?
Ai ơi thương kẻ dở dang
Miệng ca tay gẩy khúc đàn tương tư.
Chẳng yêu chẳng nể chẳng vì
Cũng liều nhắm mắt bước đi cho đành.
Một duyên hai nợ ba tình
Chữ duyên chi vướng, mối tình ai mang?
Kẻo còn đi nhớ về thương.
Kẻo còn để mối tơ vương bên lòng.
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng
Dẫu mòn con mắt, tấm lòng dám sai
Ngại ngùng những bước chông gai,
Trần gian nhỡn nhục nào ai biết gì.
Chữ tình là chữ chi chi,
Yêu nhau phải bảo đường đi lối về.
Đôi ta đã trót lời thề,
Gần xa dắt díu đi về có đôi.
Đến đâu người đứng ta ngồi
Khi đàn khi hát những người chung quanh.
Tới nơi những chốn thị thành
Đôi bên hàng phố đắp danh đón mời
Đố ai biết chốn chợ Trời,
Dẫu ta lên khoắng một người nàng Tiên.

(Nguồn: Khảo luận về Nguyễn Khuyến, Nguyễn Xuân Hiếu, Trần Mộng Chu, NXB Nam Sơn 1960. cop lại từ trang thivien.net)

Hát xẩm là nghề hát rong kiếm sống của một số dân nghèo thường là khiếm thị ở miền Bắc xưa. Một đám hát xẩm ít thì có hai người - là vợ dắt chồng hay con dắt bố; đông thì bốn, năm người gồm vợ chồng con cái hay thầy trò, anh em, bạn bè gì đấy. Một người (thường là khiếm thị) vừa hát vừa chơi đàn bầu hay kéo nhị, (những) người còn lại thị gõ sênh, phách hay đánh trống, chơi đàn thổi sáo thổi tiêu; nói chung là nghề kiếm ăn của đám dân nghèo nên về nhạc cụ trừ nhị (hoặc bầu) và sênh là không thể thiểu, còn lại thì có gì dùng nấy. Tùy theo nơi hành nghề mà có

Xẩm chợ: hát ở chợ, gốc đa, bến nước, .. nơi tụ họp đông người



Xẩm nhà trò: (cũng gọi xẩm nhà tơ, xẩm cô đầu, xẩm ba bậc, xẩm hê tình) hát trong nhà, xen giữa các tiết mục hát ả đào .. cho một số thính giả chọn lọc. Ngày nay có người còn gọi là Xẩm thính phòng



ngoài ra ở Hà Nội còn có Xẩm tàu điện (hát trên tàu điện).



Nơi hát, người nghe khác nhau nên cách hát, nội dung cũng có thay đổi: "Hát xẩm chợ, điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát nổi tiếng bằng lời hát chính và đệm đàn bầu hay nhị với sênh phách; còn hát xẩm cô đào thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. Hát xẩm cô đào đệm đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và nhị." (Vũ Ngọc Phan - dẫn theo Wiki).

Cũng có khi người ta gọi tên theo nội dung ca từ, như Xẩm Anh Khóa (theo tên bài thơ Tiễn chân anh Khoá xuống tàu của Á Nam Trần Tuấn Khải), Xẩm Thập Ân (nội dung ca ngợi công ơn cha mẹ), Xẩm Dân vận, ..



Theo một số nhà nghiên cứu thì Xẩm có 8 làn điệu chính là Xẩm chợ, Xẩm xoan (Chênh bong), Huê tình (riềm huê), Xẩm nhà trò (ba bậc), Nữ oán (Phồn huê), Hò bốn mùa, Hát ai, Thập ân. Tuy nhiên cách phân loại như này nghe khá rối rắm, vì cái thì theo nơi diễn, cái theo điệu thức, cái theo nội dung lời ca. Trong hát xẩm ngoài làn điệu đặc trưng của xẩm, người hát thường vận dụng thêm các làn điệu dân ca như hát ví, trống quân, quan họ, chèo, cò lả, ngâm thơ sa mạc, ..

Một gánh hát xẩm thời Pháp thuộc . ảnh internet
Hát xẩm được cho là có từ thế kỉ XIV, xuất phát từ một ông hoàng tử thời nhà Trần mà nay được thờ làm tổ nghề, dù thật ra tên tuổi ông hoàng này cho đến nay chả ai tìm đâu cho ra trong chính sử. Thời Pháp thuộc theo đà phát triển các thành thị, nghề hát xẩm phát triển mạnh; ở chợ trên tàu đâu cũng gặp những nhóm xẩm đàn hát kiếm ăn. Năm 1954, khi có phong trào di cư vào Nam các đám xẩm được huy động làm dân vận phản tuyên truyền, sau đó thì hát xẩm bị dẹp, người hành nghề được vận động làm các nghề khác. Bởi xưa nay người ta xem những người hát xẩm cũng chỉ là những người ăn xin, chẳng mấy ai xem họ là nghệ nhân, nghệ sĩ gì. Có lẽ trừ ra một số ít cô - họ mê giọng hát tiếng đàn của các ông xẩm, chẳng ngại ngần gì bỏ nhà đi theo, không ít ông xẩm có những vài cô vợ. Khoảng vài chục năm trở lại đây, hát xẩm được xem là tinh hoa văn hóa truyền thống, cần được bảo tồn, phục hồi. Những người hát xẩm nổi tiếng ngày xưa như Hà Thị Cầu, .. được tôn vinh, tặng danh hiệu nghệ sĩ này nọ; những trung tâm, CLB xẩm được thành lập dạy nghề cho lớp trẻ ..   và cả lập hồ sơ trình UNESCO xin danh hiệu gì đấy. Nhưng thời thế đã đổi thay, ngày nay hát xẩm là để biểu diễn trên sân khấu, như có thể thấy ở các clip trên. Những người hát rong kiếm ăn ở chợ ở bến phà nhà ga hay trên xe, trên tàu nay có hát cũng chỉ hát nhạc vàng nhạc sến, với cây đàn ghi ta có loa tăng âm, không mấy ai vừa hát vừa cầm đàn nhị cò cưa những điệu não lòng.



Nghe thêm một bài xẩm vui với Xuân Hoạch và cô xẩm xinh đẹp Thanh Ngoan




5 nhận xét:

  1. Em mới xem đc clip đầu tiên à, bé Hương Giang hát hay á anh nhỉ ?
    Chẳng hiểu sao nhiều khi em vẫn thích nghe trẻ con hát bài người lớn ! :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chung là anh chả thích con nít ưỡn ẹo hát nhạc người lớn. Như PMC hát Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang, bài hát sâu lắng tâm sự,chả hợp với tuổi em. Nhưng trường hợp này thì khác. Bài hát tếu táo đùa vui, không nặng nề than thở; vả lại xẩm mà tìm ra một bài cho con nít thì khó.

      Bảy tuổi mà hát thế thì quá giỏi. Nghe Xuân Hinh hát lại bài xẩm này:
      http://youtu.be/mxs0oX9mTqU

      Xóa
    2. Hì ! Tại anh nói k thích nên em mới post ! Anh k nghe thì để đấy, em nghe nhớ ! :D
      http://www.youtube.com/watch?v=J3RUFUcXarI
      http://www.youtube.com/watch?v=RUGZrCd4XVs
      http://www.youtube.com/watch?v=sze3BhMcumc&spfreload=10
      http://www.youtube.com/watch?v=a7UFm6ErMPU
      http://www.youtube.com/watch?v=veIs0TQyaaM

      Xóa
    3. tks em. Nghe chứ, nhưng từ từ. mạng mấy bữa nay chậm rì, nhiều khi phải down về mới nghe được, không bị giật

      Xóa
    4. Hình như lại bị đứt cáp hay sao í ạ ! :D

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)