13/9/16

SNTN 7: Khuynh Hướng Lãng Mạn Thời Phát Huy


Quỳnh Giao xin thân ái kính chào quý vị,

Nếu trong thời kỳ đầu của nền tân nhạc, các nghệ sĩ đã viết về những mối tình e ấp kín đáo, như sự nín lặng với Cô Hàng Hoa, mối tình câm với Cô Láng Giềng, như nỗi bâng khuâng của Cây Ðàn Bỏ Quên vì không biết rằng người đẹp "yêu tôi hay yêu đàn," hoặc lời nhắn gọi vu vơ, với "ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân khiến em bẽ bàng"... của Buồn Tàn Thu, thì từ đầu thập niên 50 trở đi, các nhạc sĩ tiên phong của chúng ta đã mạnh dạn hơn trong xu hướng nhạc tình.

Ðây là thời kỳ cực thịnh của thể tài lãng mạn về tình yêu mà Ðặng Thế Phong đã mở đầu và Văn Cao đã khai triển. Sau những bài tự tình hiền hòa của lớp người đi trước, các nhạc sĩ trẻ của thời đó đã viết những lời ca nồng nàn ướt át hơn. Nỗi niềm riêng tư của họ cũng có vẻ tha thiết đam mê hơn. Quỳnh Giao muốn nói tới xu hướng lãng mạn thời phát huy của thập niên 50, một thời cực thịnh và có nhiều ảnh hưởng nhất của tân nhạc...

Trong hàng ngũ này, nhiều nhạc sĩ đã để lại những tuyệt tác không phai lạt với thời gian, như Tu My với bài Tan Tác, như Tô Vũ với Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa...

Ở thể loại này, Quỳnh Giao xin trước tiên nhắc tới tình yêu và mùa Thu trong nhạc Ðoàn Chuẩn và Từ Linh.

Ðoàn Chuẩn sinh năm 1924, là con trai của nhà sản xuất nước mắm Vạn Vân nổi tiếng từ Bắc vào Trung.

Suốt cuộc đời nhạc sĩ, ông đã viết 16 ca khúc trong giai đoạn 48-56, và cho tới nay, các tác phẩm đó vẫn làm rung động hồn người mỗi khi được hát. Yếu tố thành công của các ca khúc Ðoàn Chuẩn có lẽ là tính chất lãng mạn, nét nhạc trong sáng và nhất là lời ca rất Hà Nội ngàn năm văn vật của ông.

Thưa quý vị, một nhà thơ miền Nam đã viết... "em Sài Gòn đẹp nhất về đêm." Dù chưa ở Hà Nội một ngày, qua các ca khúc Ðoàn Chuẩn, ta cũng có thể cảm được rằng Hà Nội của dân ta đẹp nhất là vào Thu. Hát nhạc Ðoàn Chuẩn là ta nhớ tới Thu, nhưng là mùa Thu Hà Nội thanh lịch của một thời thanh bình xa xưa. Trong các ca khúc, Ðoàn Chuẩn thường ghép tên Từ Linh như đồng tác giả, chỉ để ghi nhớ tình bạn của ông với người bạn trẻ.

Một nghệ sĩ khác, từng lên đường kháng chiến cùng với Phạm Duy hay Văn Cao hơn 50 năm về trước, cũng đã cống hiến nhiều bản tình ca trác tuyệt mà đang bị lãng quên. Ðó là Ngọc Bích.

Những tác phẩm như Khúc Nhạc Tương Tư, Lời Hẹn Xưa, hoặc Trở Về Bên Mơ, Giấc Mơ Ngàn... đã gợi lên cả một không khí lãng mạn thời tiền chiến, với những hình ảnh lả lướt của làn tóc xõa, của đôi mắt huyền ngây thơ như khúc nhạc ái ân... mà nghệ sĩ muốn gửi tới người tình...

Trong thể loại trữ tình lãng mạn đó, Nguyễn Văn Khánh không viết nhiều, nhưng, chỉ với Chiều VàngNỗi Lòng, ông đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc của một lối tỏ tình bằng nhạc đầy say đắm.

Từ miền Nam, và trong tầng lớp các nhạc sĩ trẻ của thời phát huy, có Lâm Tuyền là người sáng tác khá đều tay. Ông thường viết nhạc với lời ca của Dạ Chung, tức là nhà điện ảnh Hoàng Vĩnh Lộc sau này sẽ mất trong trại cải tạo.

Lâm Tuyền đã mang lại một khí hậu mới cho tân nhạc lãng mạn thời đó, vì từ những ca khúc của ông người ta nghe thấy lời kêu gọi viễn du, niềm bồi hồi khi ánh chiều rực rỡ chan hòa, nỗi nhớ nhung người em sầu mộng như một thúc giục trở về. Tứ thơ trong các tác phẩm của Lâm Tuyền là điển hình của sự lãng mạn hiền hòa dịu dàng, trong những giai điệu đã tân kỳ hơn thế hệ đi trước.

Cũng ở trong Nam, chúng ta có Võ Ðức Phấn, dù viết không nhiều nhưng có bài Cùng Một Kiếp Hoa trên nhịp điệu fox thời đó là một mới lạ, mới lạ như lời ca lúc đó được coi là khá táo bạo.

Khuynh hướng lãng mạn của tân nhạc Việt Nam trong thời kỳ phát huy đó là loại nhạc được mọi người yêu thích, và trong chương trình hôm nay, chúng ta mới chỉ có thể nhắc tới một số tác phẩm và tác giả tiêu biểu nhất. Xuất phát từ những tình cảm rất thật của nghệ sĩ thời đó, những ca khúc này có thể là điển hình của không khí trữ tình thời tiền chiến, nhưng được mọi lứa tuổi hát lại, vào mọi thời.

Khi được phỏng vấn, hoặc khi tâm sự về thời vàng son đó, hầu hết các nhạc sĩ đều nhắc tới người tình của mình như nguồn cảm hứng chính yếu. Những mối tình đó có khi thăng hoa trong nhạc, hoặc tan vỡ trong chiến tranh hay chia cách, nhưng đều để lại cho chúng ta một niềm hạnh phúc lớn: đó là được nghe những bài ca hay nhất, có giá trị nghệ thuật tiêu biểu nhất của thời cực thịnh của tân nhạc Việt Nam...

Một số các nhạc sĩ được nhắc tới ngày hôm nay đã không còn ở với chúng ta nữa, nhưng tác phẩm của họ thì vẫn sưởi ấm tâm hồn và ký ức chúng ta...

Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý thính giả, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam sẽ nói về xu hướng nhạc yêu nước.

Quỳnh Giao
Nguồn: nguoi-viet





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)