6/9/16

Suối Nguồn Tân Nhạc 5: Thời hòa bình trong đau thương (1975-1995)


Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt năm 1975 nhưng hòa bình vẫn chưa trở về trong hồn người.

Tiến chiếm dinh Độc lập . hình trên net
Ngay từ năm 75 và nhiều năm kế tiếp, trong khi nền tân nhạc chính thức mở ra một giai đoạn hồ hởi ngợi ca chiến thắng và thanh bình, thì hàng triệu người ở trong Nam đã phải bỏ nước ra đi. Kể từ đó, tân nhạc lại tiếp tục nổi trôi trên hai dòng cách biệt, mãi cho tới những năm sau này.

Ðó là nói về thể tài sáng tác và phân biệt theo tiêu chuẩn địa dư trong và ngoài nước. Về thời gian thì trong 20 năm, từ 75 đến 95, ta cũng có thể phân biệt được hai thời kỳ: từ 75 đến khoảng 85 là thời hòa bình đau thương, và sau đó là thời hồi sinh, từ những năm 86-87 cho tới gần đây...

Ở trong nước, chiến thắng 75 đã gợi hứng sáng tác cho nhiều ca khúc mang tính chất lạc quan và vận động. Những bài ca như Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng, hay Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Ðại Thắng của Phạm Tuyên đã vang dội khắp nơi, cùng các biểu ngữ bích chương cổ động việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước thống nhất.

Thuyền nhân . tranh Trần Trung Tín , hình trên net
Nhưng, cũng vào thời kỳ đó, trên nhiều vùng đất xa xôi ngoài lãnh thổ, ta lại nghe thấy tiếng hát u buồn của những người phải bỏ xứ ra đi. Hiện tượng thuyền nhân và di tản đã để lại nhiều vết thương đau trong tân nhạc thời đó.

Nếu nói chung những nhạc sĩ lớn tuổi thành danh ở trong Nam đã tê điếng khá lâu và nhiều người không còn muốn sáng tác nữa, thì một tầng lớp các nhạc sĩ trẻ hơn cũng đã xuất hiện ở hải ngoại. Ðây là thời kỳ người ta hát về thảm cảnh thuyền nhân, về quê hương nghìn trùng xa cách, về nỗi tiếc nhớ Sài Gòn nay đã đổi tên, hoặc về thân phận của những người ở lại, những người bị tù đày, nhìn từ cảm quan của người đã ra đi.

Nếu có nhìn lại thì vào thời kỳ này ở trong nước, ta không thấy xuất hiện nhiều sáng tác mang ý nghĩa thời đại ngang tầm lớn lao của biến cố 75. Có lẽ người ta ưu lo nhiều hơn cho việc sinh tồn sau chiến tranh, và những chật vật của đời sống thực tế đã ít nhiều ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác. Có lẽ sự hụt hẫng đó chỉ kết thúc từ giữa thập niên 80 trở đi, khi Việt Nam đổi mới và xã hội bắt đầu hồi sinh.

Từ những năm cuối của thập niên 80, ở trong nước các nghệ sĩ bắt đầu hát và viết nhạc tình nhiều hơn, và nếu có người thoải mái hơn trong các ca khúc có âm hưởng ngoại quốc - như trường hợp của các nhạc sĩ trẻ Từ Huy, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện hay cả Tôn Thất Lập - thì cũng có người đã hiện đại hóa xu hướng viết nhạc về quê hương, cho quê hương, và cho quần chúng bình dân, như Trần Tiến với những bài dân ca mới.

Thời kỳ này, Trịnh Công Sơn cũng viết nhạc trở lại và viết khá nhiều. Ông tiếp tục chinh phục được cảm tình của người yêu nhạc qua những sáng tác tình cảm hơn mà cũng nhiều não tính hơn.

Cũng trong thời kỳ 85-95 đó, ở bên ngoài, người ta như đã nguôi ngoai nỗi nhớ, và có nhiều sáng tác yêu đời hơn. Y như ở trong nước, khi nghệ sĩ yêu đời hơn thì cũng viết về tình yêu nhiều hơn, cho nên nhạc tình đã xuất hiện nhiều hơn.

Ngoài trường hợp Phạm Duy luôn luôn là ngoại lệ vì liên tục sáng tác trong suốt 20 năm đổi đời này, nhiều nhạc sĩ khác đã viết trở lại, như Phạm Ðình Chương, Cung Tiến, Tuấn Khanh hay Lam Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Song Ngọc... và một thế hệ khác đã xác định vị trí của họ trong nền tân nhạc hải ngoại, như Ðức Huy, Việt Dzũng, Trúc Hồ, Trầm Tử Thiêng... Trong thời kỳ này, một số nhạc sĩ với thể loại cao nhã cũng đã có nhiều tác phẩm đáng nhớ, như Lê Văn Khoa hay Hoàng Quốc Bảo...

Một trong những điều đáng chú ý nhất trong thời kỳ gần đây của tân nhạc là hiện tượng tương tác mà Quỳnh Giao xin tạm gọi là "trong ngoài trùng lặp." Ở trong nước, người ta viết, hát và diễn tả nhiều hơn với những thể loại gần gũi với tân nhạc hải ngoại, nhất là loại nhạc có âm hưởng ngoại quốc. Ngược lại, từ bên ngoài, người ta cũng hát nhiều ca khúc sáng tác trong nước, nhất là các ca khúc trẻ trung của Thanh Tùng, Trần Thiết Hùng, hay ngợi ca tình tự dân tộc như của Trần Tiến, và các ca khúc trữ tình mà đầy não tính của Trịnh Công Sơn...

Nhìn theo cách nào đó, ta đang chứng kiến hiện tượng trong ngoài chia sẻ với nhau nhiều cảm hứng đồng điệu, và thiên về loại nhạc trữ tình. Ngay cả trên địa hạt trình diễn, một số ca khúc từng bị kết án là "nhạc vàng" nay cũng đã được phép trình bày ở trong nước, dưới tên gọi là "nhạc tiền chiến"...

Kính thưa quý vị,

Thời gian 60 năm của tân nhạc có thể được so sánh với một đời người. Nhìn lại chặng đường đó, chúng ta phân vân chưa rõ là nhạc Việt trong thể loại cải cách sẽ đi về đâu.

Một số người bi quan đã tin rằng trình độ thưởng thức tân nhạc của chúng ta đang có hướng đi xuống. Ở bên ngoài quê hương, những người nghe nhạc, hiểu nhạc và yêu nhạc có lẽ đang thành hiếm hoi hơn, và trào lưu chạy theo nhạc ngoại quốc đang làm cho lời ca và cả giai điệu của nhạc Việt mất dần chiều sâu. Ở trong nước, một số không ít lại tin rằng thể loại ngoại quốc đó mới là biểu tượng của văn minh, nên có hướng rập theo, từ cách sáng tác tới lối trình bày.

Trong khi đó, sự kiện các ca khúc trữ tình thời 45-54 đã được trân quý hơn cũng có một nét tiêu cực, là từ thời vàng son đó tới nay, ta hiếm thấy những tác phẩm có giá trị tương tự.

Một số người lạc quan rất ít ỏi thì chú ý tới một hiện tượng mới. Ðó là nhiều nhạc sĩ đã tìm trong nghệ thuật dân tộc những thể tài và giai điệu truyền thống, để kết hợp với nghệ thuật hòa âm và phối khí hiện đại hơn của Tây phương, hầu tìm ra nguồn cảm hứng sáng tác mới. Chúng ta chưa rõ là nỗ lực đáng quý đó, ở cả trong và ngoài nước, có tạo nổi một luồng sinh khí mới cho tân nhạc Việt Nam hay không...

Chương trình Suối nguồn tân nhạc Việt Nam có thể là một đóng góp nhỏ cho việc gây dựng lại một sinh khí mới cho nhạc Việt, với những giới thiệu kế tiếp về từng thể tài và nhạc sĩ tiêu biểu nhất trong các thời kỳ đã qua.

Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý vị và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc... để chúng ta cùng tìm hiểu về các đề tài chủ yếu được khai thác trong từng khuynh hướng sáng tác của 60 năm tân nhạc...

Quỳnh Giao

Nguồn: nguoi-viet.com





18 nhận xét:

  1. Em chưa bao giờ nghe bài hát mà Khánh Ly Sĩ Phú ca. Em chỉ nhớ đoạn từ 1985 đến 1995. Đang đi học thấy 1 bạn nghỉ là biết bạn ấy đi đâu .. Sao buồn quá anh!
    Anh làm entry này có ý gì hông? Sao chạnh lòng quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chọn mấy bài hát ấy để minh họa hai cái air nhạc thời bấy giờ; cái mà Quỳnh Giao gọi là hòa bình trong đau thương; và cũng là cái mà Võ Văn Kiệt bảo có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.

      Có khá nhiều bài loại này nhưng chỉ lấy hai bài, nghe thêm buồn chịu không thấu. Bạn bè anh nhiều đứa cũng mất tích hồi ấy. Chắc đã trở thành một trong những nấm mồ vô danh chìm dưới đáy biển như trong tranh Trần Trung Tín

      Xóa
    2. Các bạn em thì may mắn hơn, các bạn đều qua đến nơi. Bây giờ cũng ổn hết mọi điều... phúc phận mỗi đường đi họ chọn. Đừng buồn!

      Em thì vầy, em không muốn nhìn lại kính chiếu hậu của cuộc đời với con mắt u sầu. Ngày hôm nay là ngày hôm qua của ngày mai, bánh xe lịch sử đã đi qua, không thể lấy lại. Tuổi trẻ năm tháng đã trôi đi chẳng thể có được lại. Chỉ nhìn về phía trước bước đi ngẫm nghĩ ... hãy ráng đừng đi vào vết xe đổ của ngày hôm qua, cuộc đời quá ngắn, một ngày còn thở còn vui yêu đời yêu cuộc sống dẫu cuộc sống có tệ thế nào, vẫn phải happy! :D Triết lý hông?

      Xóa
    3. Hai anh em Mít đừng buồn nữa mà !
      Thấy hai ngừi như củi ướt thế này, em cũng mún ẩm theo ! Hix ! :(

      Muốn kể cho người nghe về những chuyện rất xưa
      Về ngày nắng, ngày mưa, bão giông thường ghé lại
      Nhưng lại sợ chính lòng mình hoang hoải
      Bất chợt bùi ngùi, bất chợt nhói đau..

      Muốn kể cho người nghe về những tháng ngày đã trôi mau
      Không thể níu giữ vì mình hồn nhiên quá
      Không thể nhớ nhung vì cuộc đời vội vã
      Những chuyện đổi thay như nước cuốn chân cầu..

      Muốn kể cho người nghe về những nỗi u sầu
      Về nỗi lo toan hằn lên khóe mắt
      Nhưng rồi lại thôi và tụi mình im bặt
      Chẳng nỡ để nhau phải héo hắt vì buồn..

      Muốn kể cho người nghe về những chuyến hoàng hôn
      Về cánh đồng chiều có tuổi thơ huyền dịu
      Về buổi bình minh, về những ngày túng thiếu
      Mà đời vẫn vui như câu hát lọt lòng..

      Muốn kể với người về ký ức một dòng sông
      Về nỗi an yên đã trôi về quá vãng
      Về những ngày xưa nhìn mây trời bảng lảng
      Nhưng có lẽ nên thôi..người chắc sẽ đau lòng..

      Nguồn: fb

      Xóa
    4. @ Ớt! Có lúc chạnh lòng lắm lắm, nhất là nhìn lại chân dung đất nước con người của "người thắng cuộc" sau hơn 40 năm ... chắc Ớt cũng dzậy.
      Đến đá cũng phải mềm. Hic nhưng rồi lại cũng phải sống tiếp, sống thật tốt, thật tử tế nữa cơ :D mâu thuẫn hơ.

      Xóa
    5. Nhớ bạn ngậm ngùi chút thôi, chứ chuyện tai trời ách nươc thì cũng chả có sức mà buồn. đúng như Mít nói, phải sống thật tốt, thật tử tế ..

      @Ớt: face của cô Mưa nào thế. Đang bận chưa đọc được, lướt qua mấy bài thơ cũng hay. Đặc biệt mấy cái hinh trang trí dễ thương, có vẻ như cùng sì-tai với em nhỉ

      Xóa
    6. @ Mít ! Nhìn lại chỉ để nhớ quãng thời gian cơ cực, khó khăn... nhớ bạn bè đứa còn đứa mất... Mà lạ á bà, mấy đứa bạn xưa giờ gặp lại nhau trên fb, đứa nào cũng hay kể về những kỷ niệm, nhẽ cuộc sống cũng đã an yên hơn ! Mừng cho bạn bè !
      Nhìn lại chân dung đất nước ư ? Thôi ! Nhìn tới đi, cuộc sống còn nhiều cơ cảnh lắm ! Ừ mình cũng đang tự nhủ phải sống thật tử tế đây. Chỉ mong mọi người chân cứng đá mềm trên đường đời còn lắm những điều không tử tế.
      Cả bà nữa nhé ! Cố lên ! iu bà nhắm !

      @ Ca ! Trang đó là nhóm hay sao á anh, em cũng không rõ nữa, có một số bài thơ em đọc thấy hay & đồng cảm ... :)
      Ủa ! sì-tai của em kinh dị lắm mà ! :D

      Xóa
    7. ko. sì-tai lãng mạn mơ màng như thiếu nữ 17

      Xóa
    8. Ca có nhầm em mí ai hông ? :-/

      Xóa
    9. hì, mấy cái hình manga xanh xanh hồng hồng xinh xinh .. không phải là cái mà em hay dùng sao :d

      Xóa
    10. @ Ca ! Ca quả tinh tường nha, làm em nhớ nhà cũ, lâu rồi không trở về ! :(

      Xóa
    11. ham theo giai chứ gì. Anh Mark trẻ tuổi đẹp zai quá mà

      Xóa
    12. Hì !
      Gần 1 năm nay, nhờ Mark em tìm lại được nhiều bạn bè, thầy cô từ thời mẫu giáo ! Hắn thông minh, ngoại giao giỏi, nhưng không phù hợp để chia sẻ :D

      Xóa
    13. hì, thấy hồi này ai cũng đắm say với hắn, gì cũng share mà

      Xóa
    14. :) Anh cũng có hả ???

      Xóa
    15. Có. Chán chả muốn chơi vì bị mách lẻo gì đấy, mất luôn 2 cái. Giờ cái thứ ba chỉ để đi hóng thiên hạ

      Xóa
    16. Mách lẻo là sao anh ? Là bị hack í hả ?
      Em chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi ! Túm lại cũng không thik lắm ! :D

      Xóa
    17. là bị report rồi Face nó block, đòi hỏi thủ tục này nọ để mở lại.

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)