4/9/16

Thơ vui về phái yếu


tối chủ nhật, đọc và nghe bình bài thơ của Xuân Quỳnh cho vui

(VOV5)- Thơ tình yêu của Xuân Quỳnh đã định vị với vị trí khó thay thế của một nữ sĩ Việt Nam. Bên những bài thơ xuất sắc làm nên tên tuổi của bà như Gió Lào cát trắng, Sóng, Thuyền và biển, Hoa cỏ may…vv, thì có một bài thơ, tuy không xuất chúng về phong cách, ngôn ngữ…, nhưng lại thể hiện rõ nét nhất một chân dung Xuân Quỳnh ngoài đời: nhân hậu, đầy nữ tính, đồng thời cũng rất thông minh và hóm hỉnh, đó chính là bài “Thơ vui về phái yếu”.




Trong những hồi ức về Xuân Quỳnh, không chỉ người bạn thân của bà - nhà văn Lê Minh Khuê, mà tất cả đều nhớ về một người phụ nữ xinh đẹp, đảm đang, và đặc biệt vô cùng hóm hỉnh. Nhà văn Lê Minh Khuê kể: “Chị Xuân Quỳnh, chị Ý Nhi theo tôi là hai gương mặt thơ nữ hết sức xuất sắc trong làng thơ của chúng ta, mà tất cả những người yêu thơ đều rất tự hào. Có lẽ còn lâu lắm hoặc cũng không bao giờ có nữa một người phụ nữ hội tụ nhiều yếu tố như chị Xuân Quỳnh, trong đó là sắc đẹp (chị Quỳnh rất đẹp, mỗi lần chị cười tất cả đều sáng bừng lên), tài năng - như chúng ta biết; và hết sức tốt bụng. Tôi là thế hệ đàn em. Có một thời chúng tôi sống hết sức vất vả. Chị Quỳnh và chị Ý Nhi là hai người phụ nữ rất tốt bụng, che chở cho những người như tôi, đến giờ tôi không thể nào quên được. Chị Quỳnh là người hóm hỉnh kinh khủng. Chị ấy cứ nói cái gì là tất cả đều ko nhịn được cười.

Và đây, là đoạn mở đầu trong bài Thơ vui về phái yếu mà Xuân Quỳnh đã viết, mời quý vị và các bạn nghe qua sự thể hiện của nghệ sĩ Hương Dung:

Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn
Vượt khỏi ô cửa cỏn con, văn phòng hẹp hàng ngày
Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Tới thăm dò những hành tinh mới lạ
Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ
Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu
Chinh phục đại dương bằng các con tàu
Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất
Mỗi các anh là một nhà chính khách
Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia.
Biết bao điều quan trọng được đề ra
Những hiệp ước xoay vần thế giới
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa
Những quả cà, mớ tép, rau dưa
Đối với Nít và Kăng, những siêu nhân nay và xưa
Xin thú thực: Chúng tôi thờ ơ hạng nhất
Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
Sắm cho con đôi dép tới trường
Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh răng
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét...


Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn, một trong những tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về thơ Xuân Quỳnh, từng nói trong một cuộc tọa đàm về thơ Xuân Quỳnh, rằng: “khi đọc, những người nghiên cứu văn chương thường hay nhận diện các nhà thơ bằng một khái niệm mà chúng ta quen hay gọi là “nữ tính”. Nhưng các nữ thi sĩ ai cũng ít nhiều có nữ tính. Nếu lấy khái niệm này thì không giúp cho mình nhận diện được Xuân Quỳnh.” …”Việc đầu tiên tôi phải xem là nữ tính nó như thế nào. Trong thực tế, nữ tính có hai loại, một loại tôi tạm đặt tên là dương nữ, và một loại là âm nữ. Trong nghiên cứu người ta thường chỉ xem âm nữ mới là nữ tính thôi, đó là những nét nghiêng về những nét dịu dàng, thùy mị, đằm thắm. Còn phần có gì đó như là bạo liệt, quyết liệt, dữ dội thì người ta không cho đấy là nữ tính mà là nam tính. Qua thực tế tìm hiểu giới trong sáng tạo, tôi thấy rằng nếu hiểu nữ tính chỉ có một phía như thế thì cũng không đủ và không đúng. Tôi thấy nữ tính ở người phải có cả hai là âm nữ và dương nữ. Nhìn vào thực tế văn chương tôi thấy có cả hai loại. Ví dụ ở thời trung đại có hai tiếng thơ rất nổi tiếng là Bà huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương. Bà huyện Thanh Quan là tiêu biểu cho nữ tính kiểu âm nữ; nhưng Xuân Hương cũng là một nữ tính mà không ai không thừa nhận, kiểu dương nữ, tức là một nữ tính rất quyết liệt, mãnh liệt, táo bạo, thể hiện niềm khao khát sống, khao khát được khẳng định mình trong cuộc đời này rất điển hình. …Xuân Quỳnh là một trường hợp may mắn, trường hợp dung hòa trong mình cả hai yếu tố đó. Đọc Xuân Quỳnh sẽ thấy là Xuân Quỳnh vừa có cái gì rất dữ dội, đồng thời có cái gì rất dịu êm. Đây là sự hòa hợp của hai đối cực mà Xuân Quỳnh đã tự thấy khi quan sát sóng biển. Nhà thơ nhìn vào sóng, và thấy rằng tính khí của sóng là tính khí của mình. Sóng dường như mang trong mình cái chứng minh của người phụ nữ, nên sóng mang trong mình cái gì dữ dội nhất, nhưng đồng thời cũng dịu êm nhất. Hai cái đó hợp lại với nhau, làm nên cái chất riêng của Xuân Quỳnh. Tôi nghĩ là hình dung  như thế để thấy tại sao khi Xuân Quỳnh viết những tứ thơ liên quan đến chiến tranh cũng dữ dội không thua gì các thi sĩ đàn ông; nhưng khi viết về những tình cảm như tình vợ chồng, tình yêu, tình mẫu tử lại đằm thắm không thua gì những tiếng  thơ âm nữ điển hình không chỉ của nền thơ Việt Nam mà của cả thế giới nữa…

Giọng đọc Hương Dung:

Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất
Quen với công việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò, con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày...
Nếu ví dụ không có chúng tôi đây
Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn, hạnh phúc
Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
Các anh sẽ không còn biết yêu, biết ghét
Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát.
Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học... hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên


Cũng theo nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn, cái chất thơ riêng của Xuân Quỳnh có độc đáo và giàu có hơn bất cứ thi sĩ nữ nào, đó là cái chất thơ mà chị đã thể hiện được, đã nói lên được bằng hình ảnh tổ ấm của mình. “Tôi hình dung để lý giải: chị đã mất tổ ấm đầu đời rất sớm, chị sống với mặc cảm mồ côi rất sớm. Mặc cảm mồ côi đeo đẳng chị ấy suốt cả đời. Mặc cảm mồ côi ấy có nhiều biểu hiện, nhưng trong đó có một biểu hiện là: luôn luôn khao khát có một cái mái che, để có được một cái bình yên tối thiểu cho con người trong đời này. Sau này do những cái không may mắn, thì tổ ấm chị tự xây dựng đầu tiên cũng không bảo toàn được. Chính vì vậy niềm khao khát có được cái tổ ấm càng mãnh liệt, càng khao khát hơn. Đến nỗi mà, nhìn bất cứ thứ gì, thì cái liên tưởng của chị ấy, cũng liên tưởng đến phía tổ ấm, liên tưởng đến đời sống trong tổ ấm, liên tưởng đến một cái mái che. Người yêu hiện ra như một mái che, một bầu trời bình yên. Và những nhà ga, những vòm cây, những mái phố thì chị đều hình dung đó là cái mái có thể che chở cho đời mình. Vì thế cái việc mà nhìn đâu cũng nhìn ra hay cũng mong muốn nó trở thành mái che cho đời mình, cho thấy cái khao khát của người thèm có một tổ ấm, là một khao khát rất sâu sắc. Nó chi phối cách cảm nhận, cách nhìn và cách tạo ra chất thơ cho mình."

Giọng đọc Hương Dung:

Anh thân yêu, người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương vời vợi,
Loài rong rêu chưa ai biết bao giờ
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Là hạt bụi vô tình trên áo
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn.
Vài đoạn thơ vui nhân dịp ngày xuân
Đùa một chút xin các anh đừng giận
Thú thực là chúng tôi cũng không sống được
Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà.


Nhìn về đời và thơ Xuân Quỳnh, không thể phiến diện qua một bài thơ. Song nhân ngày dành cho một nửa thế giới, chúng tôi cũng muốn góp cùng độc giả một niềm vui, một nét cười hóm hỉnh mà Xuân Quỳnh đã để lại.

Và cái còn đọng lại với nhiều thính giả yêu thơ Xuân Quỳnh về nữ thi sĩ tài hoa rất mực này, có lẽ, có thể chia sẻ với suy nghĩ của người con trai đầu của Xuân Quỳnh, anh Lưu Tuấn Anh: Cái mà đọng lại trong tôi về mẹ, chỉ gói gọn trong mấy từ thôi, tức là sự tận tâm, sống hết mình và lòng nhân ái. Tôi cảm nhận điều đó rất rõ. Mẹ tôi có cái nhìn về cuộc sống, về con cái, về tất cả mọi vấn đề tràn đầy một tấm lòng nhân ái. Và mẹ tôi không bao giờ làm một điều gì mà lại không hết mình cả: trong tình yêu, trong gia đình cũng như trong công việc/.
 (Ca khúc Thuyền và biển- bài hát phổ thơ Xuân Quỳnh)

Phi Hà
Nguồn vovworld.vn

Rảnh, nghe thêm Vũ Quần Phương bình bài thơ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)