9/10/16

Đoàn Yên Linh: SỐNG LẺ LOI, ĐI LẶNG LẼ…


Nghe Đoàn Yên Linh ngâm thơ và đọc bài viết của Hồ Thi Ca đăng trên báo CATPHCM hôm 05-10-2015 nhân ngày thất tuần của người nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng này.



Tưởng nhớ giọng ngâm quý hiếm Đoàn Yên Linh: SỐNG LẺ LOI, ĐI LẶNG LẼ…

Mấy hôm trước, một số thân – thi hữu gồm NSƯT Hồng Vân, nghệ sĩ – nhà thơ Bảo Cường, nhạc sĩ Thạch Cầm... đã đi viếng cốt và cúng thất tuần nghệ sĩ ngâm thơ Đoàn Yên Linh tại chùa Pháp Long, đường số 18, phường Linh Chiếu, quận Thủ Đức, TPHCM.
Nghệ sĩ Đoàn Yên Linh là một giọng ngâm thơ hàng đầu, lẫy lừng từ trước đến sau 1975. Trước 1975 anh tham gia các chương trình ngâm thơ Thi văn Tao Đàn của nhà thơ Đinh Hùng và Tô Kiều Ngân, Mây Tần của nhà thơ Kiên Giang… Sau 1975, vì hầu hết các giọng ngâm cũ như anh chị Tô Kiều Ngân, Đoàn Yên Linh, Huyền Trân… đều mắc “cái phốt” là “liên quan đến chế độ cũ” nên chỉ ngâm thơ salon chơi.

Năm 1981, về Đài TNND TPHCM nhận nhiệm vụ phụ trách chương trình Tiếng Thơ, tôi đã đến tận nhà từng nghệ sĩ “chế độ cũ” để mời các anh chị cộng tác với Đài. Đặc biệt, các giọng ngâm, tiếng sáo thượng thừa như Hồ Điệp, Đoàn Yên Linh, Tô Kiều Ngân, Mai Hiên, Huyền Trân, Vân Khanh… khi tái xuất trên sóng Tiếng Thơ Đài TNND TPHCM đã trở thành một hiện tượng “hot” nhất thập niên 1980 – 1990, khiến lượng thính giả nghe ngâm thơ tăng cao, không thua kém nghe cải lương trên đài! Sự thịnh hành trở lại đối với nghệ thuật ngâm thơ khiến Tiếng Thơ có nhu cầu sử dụng các giọng ngâm trẻ hơn, từ đó Tiếng Thơ dần dần xuất hiện các giọng ngâm Kim Lệ, Minh Tiến, Thúy Vinh, Ngọc Mai… và phát hiện, đào tạo các giọng ngâm Lý Bạch Huệ, Thúy Hạnh, Bảo Cường, Cẩm Giang, Phan Xuân Thy, Nguyễn Đức Tâm, Lê Văn Hải, Đài Trang… Thậm chí tôi còn chủ trì tổ chức một cuộc thi ngâm, đọc thơ cho Đài TNND TPHCM (năm 1995) thu hút gần 1.000 thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi, đây là con số cho đến hôm nay vẫn là kỷ lục cấp quốc gia của một cuộc thi ngâm thơ!

Nói dài dòng như vậy là để trở lại với anh Đoàn Yên Linh…

Hơn 20 năm phụ trách Tiếng Thơ, tôi chưa từng gặp một giọng ngâm nam nào có chất giọng nam tính nhưng mềm mại, êm ái nhưng rõ từ, rõ nghĩa như giọng ngâm Đoàn Yên Linh. Tuy thế hệ ngâm thơ trẻ xuất hiện nhiều trong Tiếng Thơ nhưng anh vẫn có vị trí gần như “độc tôn” trong lòng thính giả, mỗi khi ngâm sĩ họ Đoàn cất giọng “oanh vàng” là thính giả vẫn nín thở lắng nghe.
Làm việc với Đoàn Yên Linh hơn 20 năm, chưa bao giờ nghe anh nói đến chuyện vợ con, nhiều lần đến nhà anh ở con hẻm gần chợ Vườn Chuối, Q3 tôi cố quan sát xem sao nhưng vẫn thấy một Đoàn Yên Linh lẻ loi, cô độc. Anh chưa từng lập gia đình! Tuy sống một mình nhưng Đoàn Yên Linh lại là chàng nghệ sĩ có rất ít “máu nghệ sĩ”, nếu xét về mặt vui chơi, đàn đúm. Những cuộc nhậu vui vẻ hầu như bất tận, hàng ngày của chúng tôi rất hiếm khi có mặt Đoàn Yên Linh; nếu có, anh cũng chỉ ngồi trò chuyện, uống 1 ly rượu nhỏ và luôn là người xin kiếu ra về trước tiên! Anh em thường kháo nhau: ngâm sĩ họ Đoàn nhiều show, không nhậu nhẹt, không hút xách, không vợ con thì không biết tiền để đâu cho hết?
Sau năm 2000, chuyển công tác, tôi để lại Tiếng Thơ cho các bạn biên tập trẻ phụ trách, nhưng chương trình ngày càng mất đi chỗ đứng…
Rẽ sang làm báo nên tôi ít có dịp liên lạc với các anh chị nghệ sĩ ngâm thơ thân thiết cũ. Sau này mới nghe tin: năm 2006, anh Đoàn Yên Linh bị tai biến mạch máu não lần đầu, liệt nửa người; năm 2007 anh bị tai biến lần thứ hai; và năm 2010 thì anh bị lần ba, không đi đứng và nói năng được... Không có vợ con nên anh Đoàn Yên Linh chỉ được người em trai chăm sóc. Bệnh của người già bại liệt nằm một mau chóng chỗ di căn vô tim, thận... nên anh được cho vô nằm ở Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, gần Nhà dưỡng lão nghệ sĩ ở cuối đường Âu Dương Lân, quận 8. Những ngày cuối đời, anh Đoàn Yên Linh được chuyển về chùa Pháp Long ở Thủ Đức.

Nằm bịnh lẻ loi một chỗ, ngâm sĩ họ Đoàn không nói được huống chi ngâm thơ và “cụ Nguyễn Đức Lợi” (tên thật của nghệ sĩ Đoàn Yên Linh) lặng lẽ ra đi vào ngày 6/8/2015 thọ 77 tuổi! Thật đau đớn, sinh thời là giọng ngâm thơ số một ở miền Nam Việt Nam nhưng khi anh lịm tắt hơi thở tại chùa Pháp Long thì không một ai hay biết, kể cả người “bạn” thân nhất là NSƯT Hồng Vân! Sau chuyến đi viếng cốt và cúng thất tuần nghệ sĩ ngâm thơ Đoàn Yên Linh tại chùa Pháp Long, nhạc sĩ Thạch Cầm chua chát kể lại với tôi: “Hủ cốt cụ Đoàn có dán tấm hình vô cùng khiếp đảm. Đó là khi thấy cụ sắp mất nhà chùa mời thợ hình đến chụp chân dung mà không dám tháo ống thở oxy trên mũi cho nên trên hủ cốt hiện giờ có dán một tấm chân dung Đoàn Yên Linh giống Frankeinten vô cùng”.
Người nghệ sĩ có cuộc sống cô đơn nhưng là giọng ngâm tên tuổi của miền Nam từ trước năm 1975 cho đến khi tắt giọng vào vào năm 2006. Gần 45 năm “đóng đinh” trên các sân khấu, đài phát thanh, đài truyền hình là một giọng ngâm nam quý hiếm. Gần nửa thế kỷ góp giọng đó, nghệ sĩ Đoàn Yên Linh cũng từng mặc nhiên trở thành “người thầy” không đứng trên bục giảng của nhiều thế hệ nghệ sĩ ngâm thơ, diễn viên kịch thơ…

Hồ Thi Ca
Nguồn: face nhathohothica


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)