5/10/16

SNTN 12: Xu hướng Việt hóa nhạc phổ thông ngoại quốc


Nếu vào thời phôi thai tân nhạc Việt Nam đã khởi đi từ các ca khúc Tây hay Tàu hát với lời Việt thì giờ đây ta thấy thể loại đó phát triển trở lại, và khá mạnh ở cả bên ngoài và trong nước.

Ta có thể gọi đây là xu hướng Việt hóa nhạc phổ thông ngoại quốc, khởi lên trong dòng nhạc Việt từ thập niên 60, nhưng lại khác với xu hướng gọi là bán cổ điển mà chúng ta đã nghe trong một lần trước. Sau thời phôi thai của thập niên 30-40, với một số bài Tây mang lời Việt dù sao chỉ là mấy thử nghiệm hiếm hoi, tới thập niên 60 ở trong Nam ta đã thấy xu hướng du nhập không chỉ giai điệu mà cả tiết điệu nhạc phổ thông, là nhạc pop, của Âu Mỹ. Về đề tài khai thác, đa số thường viết về tình yêu, hoặc ngợi ca thiên nhiên để tả tình, hoặc cảm tác theo lời ngoại quốc...

Một nhạc sĩ có sức hấp thụ mạnh và sáng tác loại nhạc gần như phóng tác của ngoại quốc chính là Văn Phụng. Khi mới viết vào giữa thập niên 50, ông đã có những tác phẩm thuần túy Việt Nam với giai điệu ngũ cung như Các Anh Đi, Trăng Sáng Vườn Chè hoặc Nhớ Bến Đà Giang. Càng về sau ông càng thiên về nhịp điệu ngoại quốc, mà điển hình là bài Tiếng Dương Cầm trang nhã Tây phương, hay Khúc Nhạc Viễn Du với âm điệu Á Rập, bài Bức Họa Đồng Quê với nhịp Cha Cha Cha rộn ràng, hoặc bài Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn với điệu slow-rock thịnh hành trong giới trẻ Hoa Kỳ vào thập niên 60. Sau đây, Quỳnh Giao xin mời quý vị nghe bài Bức Họa Đồng Quê, được trình bày hợp ca.

Bức Họa Đồng Quê , Văn Phụng . Tam ca 3A


Một người cháu của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, là Dương Hồng Duyệt, thì có bài Đường Chiều, với điệu blues chậm buồn hiu hắt trong loại nhạc điển hình của người Mỹ da đen. Xin quý vị thưởng thức bài này qua tiếng hát Duy Khánh.

Đường Chiều . Dương Hồng Duyệt . Duy Khánh


Lê Trọng Nguyễn là người sáng tác nhiều ca khúc có giá trị, nhưng bài ca phổ thông nhất của ông lại là Nắng Chiều, với lời ca thật Việt Nam, viết trên nhịp boléro lả lướt. Nhưng, bài Sao Đêm của ông mới thực sự là ca khúc có giá trị nghệ thuật, vì ý tưởng Việt Nam trong khói thuốc lại được lồng vào không khí của một hộp đêm Âu Mỹ, với điệu blues khắc khoải chán chường. Xin quý thính giả cùng thưởng thức tác phẩm này, qua phần trình bày của Quỳnh Giao.

Sao Đêm . Lê Hựu Hà . Quỳnh Giao


Tới thập niên 70, phong trào sáng tác theo nhạc phổ thông Âu Mỹ đã gây sôi nổi trong giới trẻ, nên hay được gọi là nhạc trẻ. Nhiều ca nhạc sĩ trẻ đã học lối sáng tác và diễn tả đầy kích động như ban Beatles hay các ban hát nhạc Rock Tây phương. Những người gây sôi động trong loại nhạc trẻ có Lê Hựu Hà, Tùng Giang, Trường Kỳ hay Nam Lộc, và các ca sĩ như Elvis Phương, Paolo Tuấn, Julie Quang, Connie Kim và Carol Kim độc đáo trong lối trình bày kích động. Sau này, ở hải ngoại có Đức Huy cũng sáng tác theo thể điệu trẻ trung và trữ tình như một tình khúc Âu Mỹ. Nhắc tới thời cũ, ta hãy cùng nghe bài một bài của Lê Hựu Hà, với Elvis Phương:

Yêu Em . Lê Hựu Hà . Elvis Phương


Sau 1975, và khi tiếp cận với nhiều nền văn nghệ khác của Tây phương, một lớp nhạc sĩ trẻ nữa đã xuất hiện với những bài nhạc phổ thông ngoại quốc chuyển sang lời Việt, hoặc những ca khúc Việt Nam nhưng viết như nhạc phổ thông tức là pop music, của Âu Mỹ. Một đặc điểm khác cũng cần ghi nhận là trong dòng nhạc trực tiếp lấy ảnh hưởng từ nhạc ngoại quốc, nhiều bài được viết và trình bày theo nhạc phim Hồng Kông, trong những tác phẩm điện ảnh của Trung Hoa, với giai điệu Trung Hoa cải biên theo nhạc Tây phương. Bài Mùa Thu Lá Bay có thể là một tiêu biểu cho loại nhạc Tàu mà rất ta này.

Mùa Thu lá Bay . Nhạc Hoa , Như Quỳnh


Giới trẻ tại hải ngoại cũng đã có vẻ ưa chuộng loại nhạc Việt vừa Tây vừa Tàu đó, và ở trong nước cũng nhiều người đã thoải mái hát theo.

Ở trong nước, chúng ta quả là có chứng kiến một số đổi mới trong tân nhạc, với một số nhạc sĩ đã mạnh dạn bước lên con đường sáng tác theo nhịp điệu Tây phương. Có giá trị nghệ thuật và đòi hỏi kỹ thuật trình bày cao thì có trường hợp Dương Thụ, với Họa Mi Hót Trong Mưa là một tiêu biểu. Quỳnh Giao xin trân trọng giới thiệu ca khúc trên qua lối diễn tả của Lê Dung.

Họa Mi Hót trong Mưa . Dương Thụ . Lê Dung


Ngoài trường hợp Dương Thụ, ta cũng thất xuất hiện một tầng lớp nhạc sĩ tương đối trẻ hơn trong Nam, với nhiều ca khúc đã cách tân về nhịp điệu tương tự như Ngô Thụy Miên hay Đức Huy ở bên ngoài. Đó là trường hợp của Thanh Tùng, Từ Huy hay Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Long Ẩn, Bảo Phúc. Bài Mưa Ngâu sau đây của Thanh Tùng đã được giới trẻ ở cả trong lẫn ngoài ưa thích vì nhịp điệu trẻ và lời ca tươi. Xin quý thính giả cùng nghe bài này qua tiếng hát Quỳnh Hương, kế tiếp là bài Cuộc Tình Đêm của Từ Huy qua tiếng hát Cẩm Vân.

Mưa Ngâu . Thanh Tùng . Lệ Quyên (không tìm được version của Quỳnh Hương như gt trong bài)


Cuộc Tình Đêm . Từ Huy . Cẩm Vân


Kính thưa quý vị...

Như tên gọi, tân nhạc Việt Nam là thể loại xuất hiện sau khi ta tiếp cận với văn hóa và nghệ thuật Tây phương, cho nên nếu nhạc Việt có mang âm hưởng Tây phương thì cũng là bình thường. Sự khác biệt nếu có thì chỉ có về giá trị nghệ thuật, là điều tương đối và chỉ xác định được với thời gian. Tuy nhiên, y như kinh nghiệm của thế hệ đi trước, các nhạc sĩ trẻ luôn luôn đi đầu trong việc theo đuổi cái mới của Tây phương. Rồi với đa số, sau thời gian chín mùi và tài nghệ tăng tiến, từ những sáng tác có vẻ phổ thông và bình dân ngày nay, ngày sau ta sẽ có nhiều tác phẩm vẫn trở thành cổ điển của nhạc Việt, khi chính ta cũng đã đổi thay...

Sau đây, xin quý thính giả nghe phần phỏng vấn nhạc sĩ Văn Phụng, tác giả của những ca khúc mang âm hưởng Tây phương từ thập niên 60, những ca khúc đã thành cổ điển của nhạc Việt...

Quỳnh Giao xin thân ái tạm biệt quý vị và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam... với xu hướng nhạc bình dân...

Nguồn: nguoi-viet


Đại tướng quân . hoa vườn nhà


2 nhận xét:

  1. "Mưa ngâu" Một thời em đi học nghe bài này ra rả, cô Ngọc Thúy hát lúc ấy mới học PTTH thì phải.Nhiều khi nhức đầu luôn ...:D

    Một thời gian rất dài em ít nhe nhạc Việt, nhiều bài hay, giờ thấy lạc hậu quá Đại ca!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hì, theo dõi loạt bài SNTN đi, QG sẽ gt hầu hết các xu hướng sang tác từ thời phôi thai đến tầm 199x, là lúc QG chấp bút viết bài; mỗi xu hướng bà gt những bài hát điển hình. Qua loạt bài ta sẽ có cái nhìn tổng quát về nền tân nhạc VN

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)