21/11/16

Ngọng quê, ngọng sang hay là phương ngữ ?


Từ sau anh bộ phát biểu, phây sôi lên sùng sục về vụ nẫn nộn l/n, Chả thích gì cái phát biểu, nhưng thấy mọi người ném đá ảnh, mắng ảnh là ngọng níu ngọng no, lại thấy băn khoăn: Tại sao nẫn nộn, tâu tắng thì bị gọi là ngọng, trong khi chong xáng, dụng dời thì lại được xem là bình thường - mở TV là nghe. Thậm chí được học theo - xem một cô ca sĩ gốc trung ca xống trong đời xống .. thì biết.

Hay có ngọng quê và ngọng sang ? Ngọng quê thì cần sửa để làm chong xáng tiếng diệc, còn ngọng sang thì coi như không ngọng, còn phát huy cho tiếng diệc ngày thêm xang chọng ?

Ngọng thường được hiểu là không phát âm được đúng một số âm. Bỏ qua sự phát âm không đúng do bộ máy phát âm bị tật hay chưa phát triển (trẻ em), ở đây ta chỉ quan tâm trường hợp người có bộ máy phát âm bình thường nhưng lại phát âm không đúng, ví dụ với l- có thể phát âm được /l/, nhưng lại phát âm /n/. Vậy là sai, là ngọng ?

Có lần về một thôn ấp đa phần là người gốc Khmer ở Trà Vinh chơi, dù tôi cố gắng dùng từ phổ thông, sửa giọng, nói chậm nhưng vẫn bị chê là người "nước Huế" nói trọ trẹ khó nghe, có lúc phải nhờ anh bạn người địa phương phiên dịch mới mua được mấy trái dừa, mấy con cá lóc về nhậu. Rõ ràng với họ, tôi nói ngọng, không chuẩn. Tôi e rằng tình trạng cũng sẽ tương tự nếu đến một vùng ở đó người ta nói nẫn nộn, ta nói lẫn lộn không khéo lại bị cười vào mũi vì ngọng!

Nói cho cùng, ngôn ngữ là phương tiện để giao tiếp. Nói chuẩn là nói sao cho giống với đa số người chung quanh, nói họ hiểu được. Khi mọi người chung quanh nói nẫn nộn, thì nói lẫn lộn mới là không chuẩn. Mỗi phương ngữ có một chuẩn phát âm của mình. Nếu bảo nẫn nộn là sai, thì sai so với phát âm ở đâu ? Cho đến nay chưa có qui định chính thức về một chuẩn tiếng Việt. Các nhà đang cãi nhau, người đề nghị lấy phương ngữ Hà Nội, người đề nghị lấy phương ngữ Vinh .. , chưa quyết. Vậy thì dựa vào đâu để bảo nẫn nộn là không đúng, là ngọng ?

Ngay cả khi đã chọn, ví dụ, lấy phương ngữ Hà Nội làm chuẩn tiếng Việt, thì có thể nói nẫn nộn là ngọng được không ?

Như ta biết ở Tàu, người Phúc Kiến nói, người Quảng Đông há hốc miệng; người Quảng Đông nói, người Bắc Kinh chỏng tai nghe .. mà chẳng hiểu gì. Nói chung ở Tàu người vùng này nói, người vùng kia nghe có thể chẳng hiểu gì, dù viết ra cùng một chữ. Để nghe hiểu được nhau, nếu không muốn dùng người phiên dịch thì họ phải học nói tiếng quan thoại, là một phương ngữ đã được chọn làm chuẩn. Nhưng dù lấy tiếng quan thoại làm chuẩn, không ai nói người nói tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến .. là ngọng cả, mà xem đó là các phương ngữ.

Vâng, thật ra ở đây không có chuyện ngọng nghiếc gì hết, mà là chuyện phương ngữ.

Có lẽ cần nhắc lại chút về thuật ngữ này, vì đọc trên phây, thấy có không ít người mắng người khác không hiểu phương ngữ là gì.

Phương ngữ (hay phương ngôn) là hệ thống ngôn ngữ được dùng cho một tập hợp người nhất định trong xã hội. Phương ngữ được chia thành phương ngữ lãnh thổ và phương ngữ xã hội. Ở đây ta chỉ nói đến trường hợp phương ngữ lãnh thổ. Giữa các phương ngữ có sự khác nhau về ngữ âm, về từ vựng và có thể cả về ngữ pháp. (wiki) 

Phương ngữ tiếng Anh là dialect. Định nghĩa của dialect cũng tương tự: A dialect is a form of a language that is spoken in a particular area and that uses some of its own words, grammar, and pronunciations.  (Từ điển Merriam Webster online)

Theo các nhà, Việt Nam có ba phương ngữ chính là phương ngữ bắc, phương ngữ trung và phương ngữ nam. Mỗi phương ngữ lớn ấy lại được chia thành nhiều phương ngữ nhỏ hơn. Trong các phương ngữ này có thể có những địa phương nhỏ có vài cách phát âm khác với chuẩn mực chung của phương ngữ ấy, người ta gọi là thổ ngữ (thổ âm).  


Trở lại sự lẫn lộn l/n.

Theo Đoàn Xuân Kiên, sự lẫn lộn này là nét chung của phương ngữ bắc:

"Phương ngữ bắc có những nét chung về ngữ âm như sau: 
(1) ..
(2) Hệ thống phụ âm đầu:  
•  phương ngữ bắc không phát âm các phụ âm s, r, d, tr  như trong chính tả, vì thế xoá nhoà đối lập âm vị học giưã các nhóm phụ âm đầu s / x , r / d / gi, và  tr / ch. 
•  lẫn lộn hai phụ âm  l và n." (... ) [1]

Nhưng trong một giáo trình về phương ngữ trên ngonngu.net thì không thấy nêu đặc điểm ngữ âm này ở phương ngữ bắc. [2]

Tôi không nghĩ sự lẫn lộn l/n là quá nhiều, trải dài từ vùng biên giới phía bắc đến tận Thanh Hóa để có thể xem là đặc điểm chung của phương ngữ bắc, nhưng cũng không quá ít để có thể xem là một thổ ngữ.

Tóm lại, nẫn nộn không thể gọi là ngọng, mà là cách phát âm thuộc một phương ngữ ở đồng bằng miền bắc, vai trò hoàn toàn tương tự như xang chọng trong một phương ngữ khác.

Vấn đề là, dù không thể gọi là ngọng, nhưng trong số các cách phát âm mang đặc thù phương ngữ này, có một số cách phát âm khiên người ở vùng miền khác khó hiểu, như phát âm l- thành n- , tr- thành t- , th- thành s- , .. ví dụ như nặng nẽ, tâu tắng, sái sịt .. những lẫn lộn như này thì cần phải sửa. Những phát âm mang đặc thù vùng miền khác không gây sự khó hiểu thì cứ nói tự nhiên (chẳng lẽ phải sửa cả nước, vì đâu chẳng có những âm được nói khác biệt so với các vùng còn lại trong nước). Tuy nhiên viết thì phải đúng chuẩn chính tả: trong sáng, ăn uống, vui vẻ, đầu tắt mặt tối, cá rô .. chứ không phải chong xáng, ăng uốn, đầu tắc mặc tối, dui dẻ, cá gô ..

------
[1] Đoàn Xuân Kiên, Lại bàn về chuyện Định chuẩn mực cho tiếng Việt,  http://ttntt.free.fr/archive/DoanXuanKien%20dinh%20chuan%20cho%20tieng%20viet.pdf
[2] http://ngonngu.net/index.php?p=313

hình trên internet

Cop thêm bài này về đây mọi người đọc cho dzui

TTO - Lâu lâu có một quan chức hay một em hoa hậu á hậu nào đó xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia mà nói ngọng (ngọng thiệt chứ chẳng phải lỡ nha) là thiên hạ bò ra cười.

Ai đời cái lốp xe đạp mà nói là cái láp xe độp

Kể cũng đáng suy nghĩ thật, nặng nhất là mấy quả "l", "n", cứ "noạn" (loạn) hết cả lên.

Kể ra cũng oan thật, vì nói ngọng cũng như đặc sản vùng miền, nó thấm vào tận gan ruột, ăn vào tận cơ lưỡi rồi, uốn lắm rồi mà bản năng nó trỗi dậy là thua, đâu phải muốn mà thoát... ngọng.

Kể cũng oan thiệt vì biết đâu chính mình cũng ngọng. Cả xứ mình, thử hỏi đố tìm ra vùng nào không ngọng xem nào?

Vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc bộ có vẻ ngọng nhiều nhất. Hải Phòng Nam Định hẹn nhau lên thủ đô nói thế này: "Mai đi Hà Lội mua cái lồi về lấu cơm lếp" (Mai đi Hà Nội mua cái nồi về nấu cơm nếp).

Cách nhau có vài chục cây số thôi mà sang Hải Dương, Bắc Ninh hình như lại ngọng ngược lại. Hồi tôi lên rừng Trường Sơn chơi với ông cậu đang phụ trách tuyến đường này, ổng kể có ông thủ trưởng đơn vị người Hải Dương chửi anh lính lái xe ẩu một trận tối mặt tối mày thế này: "Nàm thì nười. Nói thì náo. Đi xe thì nạng nách. Nao nên nề. Ngã nuôn" (Làm thì lười. Nói thì láo. Đi xe thì lạng lách. Lao lên lề. Ngã luôn").

Ngọng mà chửi duyên thế thì kém gì hề Xuân Hinh.

Dân Hà Nội cứ bảo giọng mình là chuẩn, là tiếng quốc gia, chính ra cũng ngọng "níu nưỡi" (líu lưỡi). Cứ nghe các cô phát thanh viên phát âm tròn vành rõ chữ "chong chẻo" với cả "dun dẩy" (run rẩy), rồi thì "xung xướng" (sung sướng) mới cả "dưng dưng heo may" (rưng rưng heo may) nghe sao mà... "dụng dời" (rụng rời).

Đọc nghe âm nhẹ đi thật, nhưng điệu quá có ngày gậy ông đập lưng ông, nghe nói có lần chị L. K. làm MC chương trình âm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn. Chị K. thì nổi tiếng thanh lịch rồi, nhưng giới thiệu say sưa xong, đúng lúc cần giới thiệu nhan đề bài hát thì buột miệng: "Sau đây mời quý vị cùng thưởng thức ca khúc nặng nẽ lơi lày (lặng lẽ nơi này)".

Cô Nguyen Le thì ám ảnh dấu sắc, ba dấu sắc mà đứng gần nhau là thảm họa. Hồi đi phỏng vấn các ông nhà văn, sau khi hỏi chuyện đời chuyện nghề xong thì chị cập nhật thông tin, bèn hỏi "Dạo này chú có sạng tạc mợi (sáng tác mới) nào không?".

Nhà văn nghe không thủng tai, hỏi lại "có cái gì?". Chị càng quýnh, càng líu lưỡi: "Dạ, sạng tạc mợi". Nhà văn càng nghe càng hoảng, gì mà mợi mợi?

Tôi dân khu Bốn cũ, cả một vệt Bình Trị Thiên ấy toàn ngọng hỏi ngã, sợ nhất là ba dấu hỏi đứng liền nhau. Ra Hà Nội học, cố uốn lưỡi cho giọng nhẹ đi, mềm lại, nhưng lâu lâu vẫn bị phản chủ. Có lần qua sạp báo Hàng Trống, lười gửi xe nên đậu bên ngoài, gọi với vô: "Lấy cho em tờ Tuỗi Trẽ chũ nhật (Tuổi Trẻ chủ nhật)".

Chị bán hàng đoán mồm một hồi không ra, hỏi lại, "Lấy tờ gì?" - Tuỗi Trẽ chũ nhật. Ối giời ơi là những ba dấu hỏi. Chị bán hàng vẫn không hiểu tờ gì, mắt trợn tròn làm tôi càng ngượng, xuống xe, cầm tờ báo lên: "Đây, làm gì còn có tờ báo nào có ba dấu hỏi mà cũng không biết".

Cả một vệt Nam Trung Bộ từ Quảng Nam Đà Nẵng vô tới Phú Yên Bình Định thì ngọng kiểu gì mà toàn tưởng... nói lái. Ai đời cái lốp xe đạp mà không ít người nói là cái... láp xe độp.

Ngọng kiểu nói lái thế mà thích đùa, thích nói chữ lắm nha. "Thôi rồi Lượm ơi" mà thế nào lại thành "thau rầu Lượm âu".

Nghe lăn ra cười, thế là bị chửi... thiệt: "Chưởi chơ không bằng phơ tiếng" (chửi cha không bằng pha tiếng).

Phải bóp mồm xin lỗi rối rít, xong tối lại rủ, "Đi hát kơ rơ ơ kơ giải sầu không", chịu không nổi lại lăn ra cười, thế là bị giận đến không thèm ngó mặt.

Rồi một vệt miền Nam Tây Nguyên ngọng kiểu miền Nam Tây Nguyên, không nói được chữ Q. Xuống Bến Tre, Đồng Tháp thì cứ kéo nhau "bắt con cá gô bỏ gổ" (bắt con cá rô bỏ rổ).

Ngọng đủ kiểu Bắc Trung Nam, vậy mà cơ bản ai cũng hiểu thế mới lạ! Ai dũng cảm kêu mình không nói ngọng giơ tay lên nào, kể cả... tôi?

Lê Hồng Lâm
Nguồn tuoitre


16 nhận xét:

  1. Hồi hôm em cũng vừa đọc bài này !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông sếp tổng có lần đố em là "ở VN tỉnh nào không có xe đạp ?"
      Vâng ! Đúng là không có xe đạp nên cũng không có cả lốp luôn ! Hihi !

      Xóa
    2. bài em gt anh cũng vừa đọc. Ông này cũng ok, không phải ngọng, mà là phương ngữ. tks.

      hì, về nhiều vùng quê, nghe người ta nói mình chả hiểu gì, và ngược lại mình nói người ta cũng chẳng hiểu gì. Ko chỉ phát âm, mà cả từ vựng, những từ ta cho là phổ thông, mấy ông bà nha quê này đều coi là ngoại ngữ hết.

      Xóa
    3. Thực tình nghe ai nói "L" thành "N" (hay ngược lại), hay đọc "tr" thành "ch", dấu hỏi đọc thành dấu ngã ... em cũng thấy khó chịu, nhất là những người nói trước công chúng. :D
      Em có 1 chị sếp người miền Bắc (không biết vùng nào) chuyên trị nói, đọc lẫn lộn lung tung giữa "dấu ngã" & "dấu hỏi" nhưng "ch" & "tr" hay "S" & "X" thì lại nói rất rõ ràng ! Thế mới tài ! :D

      Em kể anh nghe: Em có một tên lính dân Quảng Ngãi. Lâu lâu em ghẹo nó "đâu mi hót bừa 'Lâu đừa tình ứa' tau nghe coi reng ?" ... "eng ưa lâu đừa tình ứa đá ..." Rứa là hắn cứ ngồi cười tủm tỉm miết, cả buổi không mần được cái chi ! hihihi !

      Xóa
    4. anh phat âm phân biệt rõ tr/ch; s/x; r/d; ..ac/at, -n/-ng .. hầu hết các âm (có lẽ trừ ra d/gi) nhưng không nhận được sự khác biệt giữ hai thanh hỏi/ngã.

      chuyện khó chịu l/n là có thể hiểu, vì lâu nay người ta chế diễu miết, xem là ngọng, quê, .. tạo nên caí thành kiến trong mọi người. Thật ra nếu ai sinh ra ở Hải Hưng chẳng hạn thì cũng sẽ nẫn nộn thế thôi, chả khác được.

      Đồng ý ai rơi vào trường hợp ấy thì nên sửa cho dễ nghe. Nhưng nói dễ, làm khó. Bản thân anh muốn sửa hỏi ngã, bao lâu có được mô. Ngay chính tả hỏi ngã dễ sửa hơn phát âm, vẫn cứ lẫn lộn hoài.

      P/s: anh ấy ngồi miết chua chắc vì nội dung em ghẹo, mà có thể chỉ vì bản thân cái hành động em ghẹo í.

      Xóa
    5. Nhớ hồi xưa trên dđ tin học có anh chàng kỹ sư máy tính, gốc Nam sống ở Mỹ, viết rất nhiều bài hd thủ thuật IT, trả lời thắc mắc về máy tính, .. rất giỏi. Nhưng bị chê miết vì sai hỏi ngã, hắn cáu, lấy luôn chữ kí là Hõi Ngả Bất Phân :d

      Xóa
    6. Vậy là anh vẫn còn giữ được giọng quê gốc ha ! :D
      Em chừ nói giọng Nam, nhà em có mình mẹ em là giọng chuẩn Bắc.

      CTy em có 1 ông gốc Hải Dương cũng "nẫn nộn" ! Ông quê Hưng Yên thì chẳng những nói mà còn phang cả vào công văn, chứng từ "nuôn" ! Thế mới khộ ! :(
      Còn cái cậu "lâu đừa tình ứa đá" vào Nam gần chục năm rồi, trong khi bạn bè hắn sửa tiếng đến không nhận ra gốc gác thì hắn vẫn vậy, vẫn giọng QN trọ trẹ nên em mới thích ghẹo hắn ! Hihi !

      Theo em để nói chuyện với nhau thì phương ngữ (thậm chí cả thổ ngữ) đều ok nếu hiểu được bạn í nói gì, không thì giải thích cho nhau hiểu. Nhưng khi thể hiện bài nói (trước đám đông), bài viết (nhiều người đọc) thì phải coi trọng khâu chính tả & đọc thế nào để nhiều người đều hiểu.

      P/s: Chừ anh có sai "hỏi/ngã" em cũng sẽ hiểu đó là phương ngữ của anh ! :D

      Xóa
    7. anh chả biết minh giọng gì. Về miên Tây thì bảo dân nước Huế, về quê thì bị con nít nó nhìn, rồi cười - ý là nói năng ngọng ngịu ko giống nó.

      uh, chính tả thì phải viết cho đúng, dặc biệt âm vần.
      Còn hỏi ngã thì sao cũng được, chả quan trong mấy. :d

      Xóa
    8. Xem ra anh là dân nước Huế thiệt rồi ! Cách Huế có mấy chục cây mà ! Chắc giọng nói cũng không khác Huế là mấy ! :D

      Em ra Huế mới có 1 lần à ! Giọng Huế em nghe còn hiểu được chứ giọng Nghệ An thì em chịu ! Có nhỏ bạn thời đại học quê Nghệ An, nó nói câu nào là em cứ hả câu đó, đã vậy nó còn nói rất nhanh ! Nói chuyện với nó đau đầu lắm luôn ! :p
      Con trai em thì mê mệt giọng Bắc, khen hoài ! :p

      Xóa
    9. nước Huế là từ mà dân vùng ấy gọi chung cho những người nói giọng trọ trẹ hõ không nghe hiểu được, bất kể người ấy là Huế hay QTri, QNam, .. thậm chí Bình Định Khánh Hòa hoặc Thanh Hóa Nghệ Tĩnh ..

      Từ Nghệ An đến Huế, từ vựng hầu hết giống nhau, trừ số rất rất ít - như ở Nghệ mấn là cái váy thì ở Huế nó để chỉ cái khăn đội trên đâu. Khác nhau chủ yếu là cái giọng. Càng đi vào giọng càng nhẹ hơn. Anh gốc Qtri, giọng nặng hơn Huế cả tạ, nhưng chắc còn thua Nghệ an cả tấn. Đặc điểm của xứ nghệ là "nặng-hóa" các từ mang thanh hỏi, thanh ngã. Vào đến Huế thì không nặng-hóa như thế nữa nhưng vẫn không phát âm phân biệt được hỏi ngã. Vào sâu trong Nam hình như ngta cũng không phân biệt được hỏi ngã (anh nói hình như vì nếu họ phát âm phân biệt hai thanh này thì anh cũng chả nhận ra, nên ko dám đoan chắc)

      Xóa
    10. [color="blue"]trong Nam hình như ngta cũng không phân biệt được hỏi ngã[/color] Đúng òi anh ! Cả gi/d, v/d, cả r/g nữa. Đấy cũng là phương ngữ của miền Nam mà ! :D

      Cái "mấn" của dân Nghệ An mà anh nói chính là cái "đụp" mặc chung với áo yếm của các mợ ngày xưa đó anh ! Mãi sau này em mới học được thêm vài từ xuất phát từ địa phương như "đọi" là cái chén, "nỏ" là không ... hihi !

      Xóa
    11. uh, trong log anh cũng có một bài về tiếng Nghệ, hai bài về tiếng Huế thì phải. dọi, nỏ, rang ri tê nớ .. là từ vựng chung của cả vùng từ Nghệ đến Huế.

      Sau đây là thảo luận trên RFI, có 10 người tham gia, trong đó có 4 người dùng từ "nhầm lẫn l/n", xem đây là đặc điểm phát âm của một phương ngữ hay thổ ngữ - cả 4 đều là các nhà ngữ học , 6 người còn lại thì dùng từ "ngọng" chỉ hiện tượng này, trong đó có 1 người là nhà ngôn ngữ. Nhưng tất cả đều cho rằng cần phải sửa.

      Tranh luận về l/n tại VN

      Xóa
    12. Em đã đọc bài anh giới thiệu & có vài ý sau:

      Lẫn lộn giữa l/n trong phát âm không thể gọi là ngọng, vì rõ ràng họ có thể nói được đúng l/n nhưng họ đã không nói !

      Cái cách [color="blue"]"phát âm như thế nào, nghe thế nào thì ghi như thế"[/color] của ông Phạm Toàn em không cho là đúng, vì còn tùy thuộc vào phương ngữ, ví dụ: từ "nói" người miền Trung có vùng phát âm là "nọi", có vùng là "noái", ở miền tây nói "cái gổ" là cái rổ, nhưng không thể viết đúng là "cái gổ" được ... [-X

      Ông Phạm Cao Dương thì lại cho rằng [color="blue"]"Cái sự lầm lẫn (L/N) nó có từ lâu rồi. Nếu nhìn chung thì đây là vấn đề rất tế nhị, mình phải cẩn thận lắm, chứ không thể nào khẳng định ngay là sai lầm, rồi từ đó mình bắt người ta phải sửa đổi"[/color] Xời ! Sai lè ra đó ổng còn không cho người ta khẳng định ! (Em cực ghét những tư tưởng hữu khuynh như ông này ! X( )

      Trong bài viết đó em chỉ thấy ý kiến của ông Hoàng Dũng là chính xác nhất về lý giải & cả hiện tượng. :D

      Xóa
    13. 1. Phạm Toàn nằm trong nhóm Cánh Buồm. Anh hiểu y của ông ở đây là Tiếng Việt là tiếng ghi âm, nghe sao viết vậy. Vì vậy để viết đúng cần tập phát âm đúng tư sớm, không dùng xảo thuật kiểu lờ dài lờ ngắn để giúp hs viết đúng chính tả. Và đây là việc nên làm, không chỉ với l/n mà với tất cả các âm sai với mọi vùng miền. Ông cũng thừa nhận đây là công việc rất khó, vì là chuyện văn hóa, và hi vọng nếu quyết tâm thì có mất chừng vài chục năm.

      2. Cái gì mà sai lè hả em ? Như nhiều nhà ngữ học đã nói (anh cũng đã chứng minh lại trong bài), nhầm lẫn l/n là nét ngữ âm đặc thù của một phương ngữ, không phải sai, nên không thể gọi hiện tượng nhầm lẫn này là ngọng. Ông PCD nhắc nhở cẩn thận, tế nhị là vì thế, ko thể gọi người ta là sai lầm, là ngọng được.

      3. về ý kiến HD, anh cũng đồng ý. Pham Toàn quá cầu toàn, đòi sửa hết để có thể nói sao viết vậy thì khó, vả lại không cần thiết - nhiều khi phát âm chệch chuẩn một tí (nhưng vẫn hiểu dễ dàng) lại hay, lại tạo nên nét đặc trưng của địa phương. Nên chỉ phải sửa ở những tr/h phát âm lệch chuna63 qua xa, dễ gây khó hiểu khi giao tiếp với người vùng khác. Trong bài trên anh có đưa ra vài ví dụ: l/n, tr/t, th/s. Dân Huế cũng có nhầm lẫn vần ac/at cũng cần sửa, vì nhiều người phát âm sai kéo theo viết chính tả sai. Riêng nhầm lẫn hỏi ngã là nhẹ nhất, trong ngữ cảnh thì cũng khó hiểu làm được - trừ vài trường hợp đặc biệt

      Xóa
    14. 2. Như em đã còm "lẫn lộn giữa l/n trong phát âm không thể gọi là ngọng", cũng không thể là phương ngữ, hẳn nhiên đó là phát âm sai, (chính các vị ấy cũng đều cho là cần sửa kia mà) đã sai thì dù mới sai hay sai từ lâu rồi cũng phải sửa, chẳng thể nào vì "vấn đề rất tế nhị" (?) hay "có từ lâu rồi" mà không sửa đổi (và chẳng ai bắt ai phải sửa cả, vấn đề là ý thức thôi ! Em nghĩ vậy)

      3. Em thì lại cho là nên tách bạch giữa phương ngữ và cách phát âm sai, từ đó chỉ sửa những cách phát âm sai. (Vì sao người ta chỉ đặt vấn đề "lẫn lộn l/n" mà không đặt vấn đề cho "tr/t" hay "th/s" ? Đấy là vì "l/n" là lẫn lộn, là sai chứ không thuộc phương ngữ nào !)

      Viết chính tả sai là do học ngữ pháp sai. Cô, thầy bọn em, nói giọng Bắc, Trung, Nam đủ cả, nhưng bọn em vẫn không viết sai chính tả cho dù nghe từ bất cứ giọng đọc nào. (Vd: đọc "ăng năng" nhưng viết "ăn năn", đọc "tui noái" viết "tui nói")

      Xóa
    15. cũng không thể là phương ngữ, hẳn nhiên đó là phát âm sai
      Nó là phương ngữ đấy. Chữ sai ngươi ta có dùng thì cũng để cho tiện nói, đỡ giải thích cặn kẻ dài dòng lôi thôi, tức chữ sai này phải nằm trong nháy nháy "sai".

      Em cần xem lại định nghĩa phương ngữ, anh đã nhắc lại trong bài. Giữa các phương ngữ có sự khác biệt về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp; trong đó quna trọng nhất là ngữ âm.

      Tóm tắt như nay:
      - nếu một vài người phát âm "sai" (nói cho chính xác: phát âm khác với chuẩn chính tả) thì đấy là ngọng
      - nếu một nhóm người (vd một xã, một huyện) phát âm "sai" thì gọi là thổ âm
      - nếu một nhóm rất lớn người (ví dụ nhầm lẫn l/n theo thống kê của nhiều nhà ngôn ngữ học là gồm 11 tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ) phát âm "sai" thì gọi là phương ngữ.

      Về nguyên tắc chữ quốc ngữ là thứ chữ ghi âm tức nghe sao ghi vậy. Si74 dĩ em nghe ăng năng mà vẫn viết đúng chính tả là ăn năn là do hoặc âm đó không gây nhầm lẫn, hoặc em được dạy dỗ kĩ từ bé. Một số âm khác không dễ như thế. Ví dụ nhiều người vẫn viết sai sắt cầm/sắc cầm; bổ sung/bổ xung; sử dụng/xử dụng; trối trăng/trối trăn hoặc gần gũi với anh hơn nữa là viết sai hỏi ngã.

      P/s:
      1. Hồi trưa chưa đọc cuốn Tiếng Việt 6 của nhóm Cánh Buồm (có Phạm Toàn trong ban bien tập) nên hiểu chưa đúng ý ổng. Chiều nay vừa tìm đọc lại cuốn này, thấy PT cũng không chủ trương sửa tất cả các phát âm không đúng chuẩn chính tả. mà chỉ cần sửa một số, vd nhầm lẫn l/n. Nhưng viết thì bắt buộc phải đúng chính tả. Mỗi gv phải biết rõ đặc điểm phương ngữ mình đang công tác để có biện pháp giúp hs viết đúng chính tả bằng cách nào đó, nhưng không phải kiểu lờ lài lờ ngắn, xờ cong xờ xéo...

      2. Hiện tượng nhầm lẫn l/n thật ra phức tạp hơn nhiều người nghĩ. Trong ngôn ngữ nào cũng vậy, có hiện tượng gọi là "giản hóa cấu âm" (hiểu đại khái là biến âm nói khó thành âm nói dễ hơn). Nói riêng tiệng Việt, thời các cố đạo qua truyền giáo còn ghi nhận các phụ âm đôi tl-, bl-, .. nhưng đến nay các âm phức tạp ấy dần biến thành tr-. Hiện tượng l/n cũng vậy, nó diễn ra từ lâu, ngày càng mạnh. Hiện chúng ta đang chống lại xu hường đồng hóa l/n do hiện tượng giản hóa cấu âm nói trên, nhưng thành công hay không thì chưa biết, Rất có thể trăm năm sau, con cháu chúng ta sẽ nẫn nộn hết, âm l sẽ biến mất, như hiện nay thực tế đã mất hai âm d/gi thay vào đó là âm z; riêng ở phương ngữ bắc, âm r- cũng đã mất, biến thành âm z; sự phân biệt chỉ còn trên chữ viết.

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)