31/12/19

Bài 3. Bộ thủ


Từ điển tiếng Việt, tiếng Anh sắp các mục từ theo thứ tự abc.
Nhĩ Nhã, bộ từ điển thời cổ đại của Tàu, sắp xếp các từ theo ý nghĩa: các từ về thiên văn, từ về địa lí, từ về y phục, ..
Hứa Thận là người đầu tiên, vào khoảng đầu thế kỉ thứ 2, trong cuốn Thuyết Văn Giải Tự của mình, dựa theo hình thức tự dạng, sắp xếp chữ Hán theo bộ.
Mỗi chữ Hán đều được xếp vào một (và chỉ một) bộ. Chữ trong cùng một bộ sắp thứ tự theo số nét tăng dần. Chữ đứng đầu một bộ gọi là bộ thủ (thủ = đầu), tên bộ được gọi theo tên chữ đứng đầu (bộ thủ), các chữ thuộc bộ nào thì trong tự dạng có chứa bộ thủ của bộ ấy.

Ví dụ với 10 chữ vừa học ở bài trước thì
- 人 从 众 thuộc bộ nhân 人
- 大  太 天 夫 夭 thuộc bộ đại 大
- 水, 汰 thuộc bộ thủy 水.
Trong chữ thải 汰 thì 氵 (tục gọi là ba chấm thủy) là một cách viết khác của bộ thủy 水, sau đây ta sẽ gọi là biến thể (viết tắt: BT).

Một số bộ thủ chữ Hán có một hay vài biến thể. Ví dụ
+ chữ thủy 水 ngoài biến thể quen thuộc 氵 còn có biến thể khác ít quen thuộc hơn, là 氺 .
+ chữ nhân 人 có hai BT là 亻 (tục gọi là bộ nhân đứng) và 儿 (tục gọi bộ nhân đi).
Các biến thể chỉ làm bộ nét, tức chỉ tham gia tạo chữ, không thể dùng riêng một mình như một tiếng trong câu. Ví dụ viết đại thủy 大水 [tàshuǐ] ( = lụt) , chứ không thể viết 大 氵(!).

Trong tác phẩm của mình, Hứa Thận đã chia gần 10 ngàn chữ Hán ông thu thập được thành 540 bộ. Việc sắp xếp theo bộ như thế tỏ ra thuận lợi hơn trong việc tra cứu chữ Hán, nên các nhà làm tự điển về sau tiếp tục áp dụng, phát huy và cải tiến. Số chữ Hán theo thời gian tăng thêm, nhưng được sắp xếp ngày càng hợp lí hơn, nên số bộ giảm dần, và giữ ổn định 214 bộ từ đời Minh đến nay.
Trước đây, muốn tra chữ Hán trong từ điển (xưa) cần nhận biết bộ thủ của nó, nếu không nhận ra bộ thủ, phải ngồi đếm nét, để tra theo số nét. (Ai từng ôm cuốn tự điển dày cả gang tay tra chữ Hán mới hiểu nỗi trần ai khi không biết bộ thủ!)
Ngày nay người ta thường tra cứu chữ Hán trên smartphone hay trên PC, các Từ điển Hán Việt giấy xuất bản sau này, người ta cũng thường sắp xếp theo thứ tự abc của âm Hán Việt, nên vai trò của bộ thủ không còn quá quan trọng như xưa. Dù vậy, như đã thấy trên, bộ thủ là thành phần cốt lỏi của mỗi chữ Hán, giúp nhận ra được cấu tạo, trường nghĩa của nó, nhờ đó dễ nhớ mặt chữ hơn. Vì lí do này, nhiều người chủ trương học chữ Hán, trước tiên phải thuộc lòng 214 bộ thủ. Tôi thì không nghĩ thế. Học luôn một lúc hơn 200 bộ thủ, dù có vè giúp trí nhớ, vẫn là một công việc vất vả, khá chán. Ta sẽ học dần các bộ thủ trong các bài sau mỗi khi gặp.
Tuy vậy trong bài này cũng xin giới thiệu 35 bộ thủ. Đây là các bộ thủ thông dụng, thường gặp; và quan trọng hơn, ít nét, nên rất tiện để giúp người mới học tập làm quen với cách viết chữ Hán, chuẩn bị cho bài sau, giới thiệu các quy tắc viết chữ Hán. Tôi có bịa ra bài vè, hi vọng giúp các bạn dễ nhớ hơn mấy chục bộ thủ này.

CỔN丨sổ, PHIỆT 丿phết, QUYẾT亅móc câu;
NHẤT 一 một, CHỦ 丶chấm, ĐẦU 亠 đầu, MỊCH 冖 che.
HÁN 厂 sườn, ẤT 乙 can ất, TIẾT卩 㔾 đốt tre,
NGHIỄM 广 hiên, PHƯƠNG 匚 tủ, HỆ 匸 che, MIÊN 宀 nhà.
QUYNH 冂 ngoài, KHẢM 凵 há, QUA 戈 cái qua.
TƯ 厶 riêng, HỰU 又 lại, BÌ 皮 da, NHẬP 入 vào.
CHỦY 匕 thìa, LỰC 力 sức, ĐAO 刀 dao;
NHỊ 二 hai, BÁT 八 tám, BAO 勹 bao, THẬP 十 mười.
Việc CÔNG 工 , KỶ 几 ghế, NHÂN 人 người;
TỊCH 夕 đêm, THỔ  土 đất, NHẬT 日 trời, NGUYỆT 月 trăng.

Phần giải thích chi tiết hơn sau đây chứa nhiều hình ảnh, nên tôi chuyển qua dạng ảnh jpg (cho fb) hoặc pdf (cho blog) để tiện post bài.



Trong 35 bộ thủ trên đây, các bộ cổn, bộ phiệt, bộ quyết, bộ chủ  丶 , đầu  亠 , mịch 冖 , hán  厂 ,  tiết 卩 , nghiễm  广 , hệ 匚  , phương 匸 , miên  宀 , quynh  冂 , khảm 凵 , khư 厶 , bao 勹  đều là các bộ nét (tức, như trên đã giải thích, chỉ tham gia tạo chữ; không dùng riêng một mình).


30/12/19

Hán tự thất thể.

 (Bài 2. Đọc thêm)

Những chữ Hán xưa nhất tính đến nay được tìm thấy trên các mai/yếm rùa, xương thú được gọi là giáp cốt văn (giáp = mai/yếm rùa; cốt = xương), cách đây khoảng gần 4 ngàn năm, vào đời nhà Thương. Đến đời nhà Chu, chữ được khắc trên các đồ dùng kim loại như chuông, vạc, gọi là kim văn (kim = kim loại). Từ thời Chiến Quốc (Thế kỉ V – III Trước TL) người ta dùng bút, ban đầu là một một vật đầu nhọn thân rỗng chứa mực, sau thay bằng bút lông; viết trên thẻ tre, da thú hay lụa. Cũng từ đây, chữ không còn gọi là văn, mà gọi là thư: triện thư, lệ thư với ý nghĩa chữ không còn là những nét vẽ tùy tiện nữa, mà qui về một số nét cơ bản chấm, phẩy, mác, sổ, móc, … ; được viết thứ tự trước sau theo những qui tắc nhất quán, rõ ràng.

Nhà Tần thống nhất Trung Quốc, quyết định dùng triện thư làm chữ viết chính thức trong cả nước, thống nhất tự dạng, loại bỏ dị thể (trước đó, nước Tàu chia thành nhiều nước nhỏ, nên rất nhiều chữ mỗi nước viết một kiểu). Lệ thư dù không được chọn làm chữ viết chính thức vẫn được nhiều người dùng nhờ đơn giản hơn, viết nhanh hơn. Đến thời nhà Hán giấy được phát minh, một thể chữ mới phát triển từ lệ thư xuất hiện phù hợp hơn với chất liệu mới này, gọi là khải thư, cũng gọi chân thư, là lối chữ dùng phổ biến hiện nay. Ngoài ra còn có thảo thưhành thư là lối viết tháu. Chữ thảo khó đọc, thường dùng viết nháp hoặc trong nghệ thuật thư pháp. Chữ hành ít tháu, dễ đọc hơn, nhiều người hiện vẫn dùng trong viết lách.


Bảy dạng chữ thủy 水 theo thứ tự Giáp cốt văn, kim văn, triện thư, lệ thư, thảo thư, khải thư và hành thư.

29/12/19

Nguyễn Văn Tý

Hôm nay đưa đám ns Nguyễn Văn Tý, tìm coi lại entry viết về ông, thấy link nhạc trong các bài cũ hỏng cả, ngồi làm lại playlist nghe cho tiện. Trong entry nói trên có phần tiểu sử của ông, giai thoại về bài hát Dư Âm nổi tiếng, cùng bài của Thy Nga trên RFA .. ở đây không viết lại.




27/12/19

Ru người trăm năm


Nguyễn Văn Tý vừa qua đời ở tuổi 94 tại nhà riêng ở Sài gòn vào chiều 26-12.

Nguyễn Văn Tý sinh 1925 (tuổi đúng là giáp tí - 1924), tại Vinh (quê gốc: Sóc Sơn, Vĩnh Phúc), cha là một trùm phường bát âm. Lớn lên học trung học ở Quốc học Vinh, được học nhạc với một số thầy tây ở đó.
1945 ông tham gia Việt Minh, thành lập đoàn kịch của Thanh niên cứu quốc Nghệ An,  rồi làm trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Thanh Chương, và bắt đầu sáng tác ca khúc.

Ông sáng tác khá ít, nhưng có khá nhiều bài hay, được nhiều người yêu thích. Ngoài bài hát rất nổi tiếng Dư âm sáng tác thời kháng chiến nhưng được xếp vào dòng nhạc tiền chiến, ông chuyên sáng tác nhạc đỏ mang âm hưởng dân ca: Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Em đi làm tín dụng, Mùa xuân cô đi nuôi dạy trẻ, ...

Ru người trăm năm ông sáng tác năm 1999, khi đã 75 tuôi.  Năm 2003 ông còn sáng tác Mối Tình Câm, và 2006 viết trường ca Mười Bông Hoa Trinh Liệt Giữa Ngã Ba Đồng Lộc phổ thơ Bùi Mạnh Hảo, sau đó ông bị tai biến mạch máu não lần thứ hai, ko còn sáng tác gì nữa.



Lời ca lấy từ bài thơ cùng tên của Trần Mạnh Hảo

Ru người trăm năm
Trần Mạnh Hảo

Ngủ đi người của anh ơi
Xin nhờ ngọn gió ru nơi em nằm
Anh ngồi thức với xa xăm
Tới em phải vượt hàng trăm tinh cầu
Lời ru nào sợ xa đâu
À ơi vũ trụ chìm sau mi dài
Bay bay hai cánh tơ ngài
Ngủ đi cặp mắt thức hoài chờ trông
Anh ru từng búp tay hồng
Xin nhờ ngọn gió bế bồng trên tay
Nâng niu mười nhánh sông gầy
Khép vơi thành nụ, xòe đầy thành hoa
Từng đi nghìn dặm sơn hà
Hai bàn chân của em là mùi hương
Cái hôn trên gót còn vương
Lời ru em hóa con đường em đi
Ngủ ngon khóe miệng thầm thì
Cháy tan trời đất cũng vì vành môi
Vuốt ve khe suối núi đồi
Ngủ đi da thịt ngời ngời thương yêu.
Tóc em anh đến trăm chiều
Bao nhiêu sợi tóc bấy nhiêu nỗi niềm
Tay anh em gối trăng liềm
Giấc mơ chớ hiện ra điềm bể dâu
À ơi cái ngủ đi đâu
Tình yêu ru đến bạc đầu chưa thôi
Cách xa như đất với trời
Đêm đêm anh lặng ru người trăm năm.
(Mình anh trong một thế giới, 1991)




24/12/19

We Wish You a Merry Christmas




We Wish You a Merry Christmas nguyên là bài hát trong trò chơi của trẻ em từ xưa ở miền tây nước Anh vào mùa giáng sinh. Chúng rồng rắn kéo nhau đi từ nhà này đến nhà khác vừa nhảy múa vừa hát chúc mừng giáng sinh và đòi quà

We wish you a merry Christmas
And a happy new year;
A pocket full of money,
And a cellar full of beer.

chúc giáng sinh vui
năm mới hanh thông;
tiền vô đầy túi,
và bia đầy thùng.

Bài hát cũng từng được thu âm từ thế kỉ 18, trở nên nổi tiếng sau khi được nhà soạn nhạc đồng thời là nhạc trưởng Arthur Warrell (1882 - 1939) soạn lại và cho trình diễn trong một buổi hòa nhạc năm 1935.



Ngày nay, ngoài phiên bản của Arthur Warrell, còn nhiều phiên bản khác nữa, được nhiều ban nhạc trình diễn khắp nơi, trở thành một trong những bài hát được hát nhiều nhất vào dịp giáng sinh.

19/12/19

Phương Anh

Nghe Phương Anh đờn và ca mấy bài nhạc sến cho vui



Phương Anh sinh năm 1993 tại Buôn mê thuột. Theo học Nhạc viện Saigon, tham gia sân chơi Thần tượng Bolero mùa 1 (2016), được giải đồng. Năm 2018 cô được giải Mai vàng cho hạng mục ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca.


ca sĩ Phương Anh. Photo: fb Phương Anh Official


16/12/19

Quê hương chùm khế ngọt

Coi lại, thấy link nhạc trong bài Quê hương chùm khế ngọt bị hỏng khá nhiều, ngồi sửa lại, và làm luôn playlist nghe cho tiện.

Trong playlist này có các bài hát phổ thơ Đỗ Trung Quân: bài Quê Hương của Giáp Văn Thạch, bài do Võ Tá Hân phổ nhạc, cũng lấy tên Quê Hương; và bài do Anh Bằng phổ nhạc, lấy tên Bài học đầu cho con, là tên gốc của bài thơ. Ngoài ra có một phiên bản tiếng nhật của bản Giáp Văn Thạch, nghe cho vui.

Ta cũng sẽ được nghe tác giả bài thơ đọc bài thơ của ông, trả lời RFA về nguồn gốc câu thơ cuối "sẽ không lớn nổi thành người". Sau đó nghe tiếp Hải Phượng hòa tấu đàn tranh với dàn nhạc ở Nhật, Trần Mạnh Tuấn chơi saxo, và Sáo Trần thổi sáo bản nhạc của Giáp Văn Thạch.





9/12/19

Một số phần mềm, trang web học tiếng Hoa:


+ https://chinese.yabla.com/chinese-pinyin-chart.php  Trang web giới thiệu pinyin chart gồm tất cả các âm vần tiếng Hoa, có phần hướng dẫn đọc bằng cách so sánh với âm tiếng Anh.

+ Dùng smart phone có thể tải app Pinyin Master hoặc app HelloChinese (đều free) để luyện nghe, đọc âm vần tiếng Hoa. Phần bài tập khá phong phú.

+ Từ điển online: Mới học bạn có thể tra các từ điển Hán Việt online:
- Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn http://vietnamtudien.org/hanviet/ Có thể tra theo âm Hán Việt hay chữ Hán hoặc tra theo bộ thủ. Có phần tập viết, phần phát âm (pinyin).
- Từ điển Hán Nôm: https://hvdic.thivien.net/ có thể tra theo âm Hán Việt, âm pinyin, hoặc chữ Hán. Có thể chọn tra chữ Hán hay chữ Nôm. Có phần tập viết, tự thể. Không có phần phát âm pinyin.
- dùng smartphone có thể tải app Từ điển chữ Hán sphoton của Đỗ Giáp Linh. Có thể tra theo âm Hán Việt hoặc pinyin hoặc tra bằng viết tay chữ Hán cần tra (rất tiện khi vào đền chùa gặp chữ Hán ko biết âm đọc). Nghĩa dựa trên cuốn TĐ HV Trích Dẫn, có thêm phần phân tích cấu tạo chữ, nhưng không có phần tập viết hay phát âm.

6/12/19

Vui

Đàn ông sinh ra để phụ nữ dựa dẫm.
- Dựa không được thì dẫm.

Đàn ông sinh ra để phụ nữ nhờ vả.
- Nhờ không được thì vả.

Phụ nữ sinh ra để đàn ông theo đuổi.
- Theo không được thì đuổi.

Phụ nữ sinh ra để đàn ông ăn hiếp.
- Ăn không được thì ..

rán mà nhịn thôi, manh động thì chết đấy.
(đọc trên mạng)

*
Nách chua lè, nhạc Ấn Độ



Bài gốc, không phụ đề bựa ngữ. Aaja Nachle tiếng Hindi có nghĩa là Hãy đến đây, cùng nhảy nào! là nhạc phim của bộ phim ca nhạc Ấn Độ cùng tên được phát hành tại Ấn và Mỹ tháng 11/2017.








5/12/19

nhạc sến

link nhạc trong bài Nhạc sến bị block cả, vừa làm lại playlist. Mời mọi người nghe lại ít bài nhạc sến cho vui. Còn nhạc sến là gì, mời vào đây, tham khảo nhạc sĩ Trần Chí Phúc trả lời Thy Nga trên RFA.



Khúc ca ngày mùa. Lam Phương
Gạo trắng trăng thanh. Hoàng Thi Thơ
Trăng rụng xuống cầu. Hoàng Thi Thơ
Thương về miền Trung. Minh Kỳ
Thành phố buồn. Lam Phương.
Ai ra xứ Huế. Duy Khánh
Ai lên xứ hoa đào. Hoàng Nguyên
Nha Trang. Minh Kỳ
Sài gòn đẹp lắm. Y Vân
Nỗi lòng người đi. Anh Bằng
Trăng tàn trên hè phố. Phạm Thế Mỹ