7/7/20
NHỮNG YẾU TỐ HOA TRONG PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ
CAO TỰ THANH
Chính thức xuất hiện trên bản đồ văn hóa Việt Nam từ 1698, Nam Bộ là một vùng lịch sử văn hóa có điều kiện và kiểu thức phát triển mang những đặc điểm khác với nhiều địa phương. Sự tích tụ lâu dài và đồng hóa liên tục các yếu tố ngoại sinh khiến tiến trình văn hóa Việt Nam ở vùng này mang nhiều sắc thái riêng, trong đó phải kể tới các yếu tố Trung Hoa bắt đầu theo chân các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam du nhập vào một cách tương đối có hệ thống từ thế kỷ XVIII. Trong lĩnh vực ngôn ngữ, quá trình song ngữ văn hóa Việt Hoa ở đây đã dẫn tới một kết quả là sự hiện diện rất đáng lưu ý của các yếu tố Hoa trong phương ngữ Nam Bộ. Trên cả ba bình diện ngữ âm, từ vựng và phong cách, các yếu tố này đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc làm hình thành diện mạo của tiếng Việt ở địa phương hiện nay.
Năm 1627, khi chúa Nguyễn Phước Nguyên dàn quân chống Trịnh trên sông Nhật Lệ thì Việt Nam chưa có Nam Bộ, mà mãi đến 1698 thiết chế văn hóa - xã hội của người Việt mới bắt đầu chính thức hình thành ở đây. Có thể nói trong thời kỳ trước 1802, tiếng Việt ở Nam Bộ phát triển chủ yếu trên cơ sở tiếng Việt ở Đàng Trong, mặc dù tiếng Việt ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII khác với tiếng Việt ở Đàng Ngoài thế nào thì hiện còn nhiều vấn đề chưa được nhìn nhận thống nhất. Nhưng nếu ở Bình Trị Thiên tiếng Việt chỉ có bốn thanh điệu thì từ Quảng Nam trở vào nó lại có tới năm thanh điệu, và rõ ràng phương ngữ Nam Bộ đã phát triển trong những điều kiện ngữ âm khác hơn: từ thế kỷ XVII ở Hội An đã hình thành một loại ngôn ngữ lai pha trộn cả tiếng Việt lẫn các phương ngữ Hoa Nam(1). Sử sách cũng ghi nhận rằng từ 1679 các nhóm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đã tới cư trú ở Biên Hòa và Mỹ Tho - miền Đông và Trung Nam Bộ. Những đợt di cư của người Hoa qua Nam Bộ trong các thế kỷ sau tuy không mang tính chất chính trị nữa nhưng nhìn chung vẫn khá liên tục, ngay cả khi Nam Kỳ rồi Việt Nam đã bị rơi vào ách đô hộ của thực dân phương Tây. Các chứng cứ lịch sử ấy cho thấy ngay từ khi hình thành, phương ngữ Nam Bộ đã tiếp xúc với tiếng Hoa một cách trực tiếp, thường xuyên và toàn diện, nên việc nó tiếp nhận nhiều yếu tố Hoa cũng là điều tất yếu và tự nhiên.
Quan sát tiếng Việt ở Nam Bộ, dễ nhận thấy nó có nhiều khác biệt về ngữ âm so với cả nước, chẳng hạn hai phụ âm đầu [d,gi] bị chập làm một và biến thành bán nguyên âm [j]. Hoặc như trong phần vần thì kết cấu tiếp hợp chặt (nguyên âm chính ngắn hơn phụ âm cuối) đã hoàn toàn bị thay thế bởi tiếp hợp lỏng (nguyên âm chính dài hơn phụ âm cuối) dẫn tới sự triệt tiêu các cặp phụ âm cuối [-n,-t] và [-ch,-nh]. Tìm hiểu cặn kẽ và lý giải chi tiết quá trình này là một công việc khó khăn và phức tạp, nhưng kết quả chắc chắn có thể đoán biết chúng có liên hệ với các biến động ngữ âm ở Trung Hoa mà chủ yếu là Hoa Nam những thế kỷ trước. Người Quảng Đông ở Nam Bộ hiện nay nói dách, dì (nhất, nhị - một, hai) với phụ âm đầu [d] biến thành bán nguyên âm [j] không khác gì người Nam Bộ, và tiếng Hoa ở Nam Bộ hiện cũng ít có lối tiếp hợp chặt trong đó phụ âm cuối dài hơn nguyên âm chính. Đặc biệt, phải nói tới sự du nhập cách đọc chữ Hán theo Minh âm, Thanh âm mà kết quả là tạo ra hàng loạt biến thể trong cách đọc các từ Việt Hán như: Chính - Chánh, Đỉnh - Đảnh, Kính - Cảnh, Tính - Tánh, Vũ- Võ, Phù - Phò, Thụ - Thọ, Uy - Oai, Súy - Soái, Thụy - Thoại, Phúc - Phước, Trúc - Trước, Trọc - Trược, Trọng - Trượng... trên địa bàn từ Quảng Nam trở vào Nam mà nhiều người vẫn lầm tưởng là vì lệ kiêng húy thời phong kiến(2). Và mặc dù đại bộ phận các phụ âm đầu trong các từ Việt Hán vẫn không thay đổi, cách đọc Trung Hoa ấy vẫn để lại dấu vết của việc chuyển đổi phụ âm đầu [d] thành [m] ở Trung Quốc, chẳng hạn như trường hợp tên hiệu Mính (Đường âm đọc là Dánh, Hán tự viết với thảo đầu+danh) Viên (Vườn trà) của Huỳnh Thúc Kháng hay tên tờ báo Nông cổ mín(h) đàm.
Về mặt từ vựng, phương ngữ Nam Bộ có nhiều khác biệt so với tiếng Việt ở Trung Bắc, và các yếu tố Hoa đóng một vai trò khá quan trọng trong việc dẫn tới sự khác biệt này. Trong Gia Định thành thông chí hoàn thành năm 1821, Trịnh Hoài Đức đã ghi nhận người Nam Bộ trò chuyện hàng ngày thường dùng chen từ Hoa và từ Khmer (Kỳ nhân thổ đàm thường tạp dụng Đường ngữ Cao Man ngữ) đồng thời ghi lại một số từ Hoa như xá (vái lạy), mỳ xọa (miến)...(3). Và nếu lập một bảng thống kê chi tiết thì số từ vựng gốc Hoa du nhập theo con đường khẩu ngữ trong phương ngữ Nam Bộ có thể lên tới hàng ngàn đơn vị. Người Nam Bộ hiện không lạ gì với những từ như Bò bía (pò pía biến âm, tức Bạc bính - một món ăn làm bằng bánh tráng mỏng), Cắc (Giác - đơn vị tiền tệ, một phần mười của đồng), Ghe (Kha - một loại thuyền vận tải lớn ở vùng Giang Nam), Hên xui (Hạnh tai - may rủi), Tía (gia - cha), Tiệm (Điếm - quán bán hàng), Ké (Ký - nhờ vả), Lẩu (lô - cái lò, món canh), Xào (Sao - rang thức ăn có dầu mỡ), Sủi cảo (Thủy giảo - thịt vo viên ăn với nước), Há cảo (Hà giảo - thịt tôm vo viên), Xập xám (Thập tam - một lối chơi bài mười ba lá), Xịn (Tân - mới, tốt như mới), Xíu (Xỉu bị biến âm tứ Tiểu - nhỏ), Xỉu (Hưu - tình trạng ngất đi như đã chết), Xỉn (Trình - tình trạng bị bệnh vì rượu, say cả ngày mới tỉnh)... Nhưng trong thực tiễn sử dụng mảng từ này vẫn tuân thủ nguyên tắc ngữ pháp tiếng Việt: người Việt nói áo xịn, Ăn ké, Tiệm trà chứ không nói là Xịn áo, Ké ăn, Trà tiệm... ở đây những từ đơn như Ké, Xịn, Tiệm mang các giá trị khác với Ký, Tân Điếm trong mảng từ Việt Hán: dưới áp lực sinh ngữ Hoa Hán, chúng đã được tháo rời khỏi các tổ hợp cố định kiểu Tâm thư, Ký sinh, Tửu điếm và được sử dụng tự do như mới, nhờ, quán hàng trong tiếng Việt. Chính trên đường hướng này mà chúng đã hoàn toàn trở thành tiếng Việt, cũng được sử dụng vào việc tạo từ. Chẳng hạn trong phương ngữ Nam Bộ thì Nhỏ xíu khác hẳn với Nhỏ nhỏ, hay người Việt ở Nam Bộ nói Sao thuốc, Sao trà và Xào rau, Xào thịt với sự khác biệt ý nghĩa rất rõ ràng giữa Sao và Xào... Trong một số trường hợp đặc biệt, nhiều từ Hoa còn sống một đời sống khác hẳn với ý nghĩa và phong cách ban đầu trong khung cảnh tiếng Việt, chẳng hạn từ Mánh (Văn - đồng tiền, tiền) trong Chạy mánh do đồng âm với Mánh (lới) trong tiếng Việt nên đã mang một nội dung ít lương thiện, hay từ Nhẩm chẩu (ẩm tửu - uống rượu) có lẽ vì được nói lè nhè với giọng say rượu nên đã bị chập và biến âm thành Nhậu, đưa lại cho hành vi sinh hoạt này của người Nam Bộ một dáng cách và ý vị riêng... Sự Việt hóa một cách sáng tạo và sử dụng một cách chủ động mảng từ vựng Hoa như vậy còn đem lại cho phương ngữ Nam Bộ một nguồn lực phát triển quan trọng, tác động một cách đáng kể tới ngôn ngữ và phong cách trong tác phẩm văn hóa viết sáng tác bằng tiếng Việt từ quốc ngữ Nôm tới quốc ngữ La Tinh ở địa phương. Trong bài Văn đĩ tế chệt mỉa mai những người Hoa tham gia cuộc binh biến Lê Văn Khôi ở thành Phiên An nửa đầu thế kỷ XIX, một tác giả người Gia Định đã viết “Quan binh rung trống trận ba hồi, nghe dớn dác khự tố lô (khứ tẩu liễu - chạy đi thôi) lập cập; Quan binh tống thiên oai một phát, nghe ầm ì xí ngầu lác (tử ngã liễu - chết tôi rồi) ngổn ngang”(4). Còn mở đầu bài Ngồi trăng chế nhạo bọn hương chức hống hách với nhân dân nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Văn Lạc cũng viết “Hóa (ngã - tôi) An Nam, lứ (nhĩ - anh) khách trú”(5). Nhiều nhà văn nhà báo Lục tỉnh đầu thế kỷ XX cũng sử dụng một cách rất tự nhiên những từ như Hên xui, Tàu hủ, Hủ tíu, Tiệm nước, Té xỉu, Nhỏ xíu... trong các tác phẩm văn chương báo chí của mình.
Trên phương diện phong cách, phương ngữ Nam Bộ là một loại tiếng Việt gắn liền với cuộc sống dân dã nên có lối diễn đạt bình dị mộc mạc, khỏe khoắn và hóm hỉnh của nhân dân lao động. Chính với đặc điểm lịch sử - văn hóa ấy mà nó đã dung nạp khá mau lẹ và dễ dàng một số yếu tố phong cách đặc sắc của ngôn ngữ và văn hóa Hoa. Cho nên câu Lưu Bị khen Triệu Vân “Toàn thân đô thị đảm” (Toàn thân đều là mật) đã được người Nam Bộ Việt hóa thành “Gan cùng mình”; thành ngữ “Cấm nhược hàn suyền” (Sợ sệt như con ve mùa lạnh) đã được họ dịch thành “Sợ xếp (cánh) ve”. Trong lối ví von dân dã của người Nam Bộ như gan dạ thì nói là "Cóc cắn trời gầm không nhả", con cháu bất hiếu thì nói là "Đồ đâm cha chém chú"; bị mất việc làm và nguồn thu nhập không ổn định thì nói là "Bị bể chén cơm"; chạy vạy khắp nơi thì nói là "Chạy Tần chạy Sở"... cũng bàng bạc phong cách diễn đạt hình tượng, ngoa dụ và hài hước phổ biến trong tiếng Hoa. Còn phải điều tra, thống kê và đối chiếu chi tiết số thành ngữ gốc Hoa trong phương ngữ Nam Bộ mới có thể đi tới một kết luận chính xác, nhưng nói một cách tổng quát thì phong cách trong phương ngữ Nam Bộ cũng chứa đựng nhiều quá trình song ngữ và song văn hóa Việt Hoa.
*
**
Sự hiện diện của những yếu tố Hoa trong phương ngữ Nam Bộ ba thế kỷ nay mang một ý nghĩa hai mặt: đối với người Việt, nó là một trong những kết quả của sự tiếp nhận lại một lần nữa các yếu tố văn hóa Trung Hoa ở Việt Nam sau thời Bắc thuộc, còn đối với người Hoa ở Nam Bộ, nó là một trong những bằng chứng về quá trình Việt hóa của họ. Vì khác với thời Bắc thuộc, người Việt ở Nam Bộ từ thế kỷ XVIII đến nay đã tiếp nhận các yếu tố Hoa trong tư thế chính trị khác và nhất là với trình độ phát triển văn hóa - xã hội khác. Chính vì vậy mà khi quá trình Việt hóa về mặt chính trị của các nhóm di dân người Hoa ở Nam Bộ đã ít nhiều bị khựng lại từ 1862 đến 1945 vì sự có mặt của thực dân Pháp rồi phát xít Nhật, thì quá trình Việt hóa về mặt văn hóa của họ vẫn được kế tục trong bối cảnh lịch sử mới. Trên tấm bia Trùng kiến Tây Cống Quảng Triệu Hội quán nhận quyên phương danh kỷ niệm đề “Ngày tốt tháng 11 năm Nhâm Tuất, Trung Hoa Dân Quốc thứ 11 (1922)” ở Quảng Triệu Hội quán số 122 đường Bến Chương Dương, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có hai địa danh tiếng Việt viết với mã chữ Nôm khá đặc biệt mà đọc theo âm Việt Hán là Thổ Long Mộc và Ná Điều. Nhưng nếu đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông thì gần như Thủ Lùng Mộc (Thủ Dầu Một) và Lá Thiều (Lái Thiêu): đây rõ ràng là một loại “chữ Nôm của người Hoa” dùng để ghi âm các địa danh tiếng Việt, mặc dù họ hoàn toàn có thể Hán hóa thành Đơn Du thủ (Trạm thuế có một cây dầu lẻ) và Thiêu thương (nhà buôn Thiêu). Có thể coi đây là một loại biến thể song ngữ và song văn hóa Việt Hoa ở Nam Bộ thời Pháp thuộc, ở đó đại bộ phận nhân dân lao động người Hoa phải tìm những cách thức phản ảnh và thể hiện quyền lợi của mình nơi thiết chế văn hóa - xã hội Việt Nam.
Sau hết, trên các phương diện ngôn ngữ học, văn học, từ điển học, sự quan tâm một cách thích đáng tới những yếu tố Hoa trong phương ngữ Nam Bộ có thể sẽ giúp những người nghiên cứu học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích đồng thời tránh được nhiều sai lầm không đáng có. Học giả Huỳnh Tịnh Paulus Của trong quyển từ điển song ngữ Đại Nam quốc âm tự vị cuối thế kỷ XIX cũng có những sai sót về mặt này, chẳng hạn đã ghi chữ Hên (Hạnh - may) bằng mã chữ Nôm là Hưng (hưng thịnh), có lẽ đọc theo âm Nôm là Hơng gần âm với Hên, trong khi đúng ra phải viết bằng mã chữ Hạnh và giải thích là đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông. Phải nói thêm rằng sai lầm này đã di căn vào một công trình nghiên cứu về phương ngữ Nam Bộ, trong đó tác giả thấy chữ Hên được viết bằng mã chữ Nôm Hưng bèn tưởng đó là mã chữ Hán rồi suy diễn Hên xui là Hưng suy! Rõ ràng nếu không biết chữ Hán Nôm, Trung văn và các phương ngữ Hoa Nam thì rất khó nếu không nói là không thể tìm hiểu phương ngữ Nam Bộ, điều này đặt ra những yêu cầu nghiêm túc trong việc tìm hiểu tiếng Việt ở Nam Bộ nói riêng và từ Quảng Nam trở vào Nam nói chung.
CHÚ THÍCH:
(1) Xem thêm Hoàng Thị Châu, bài trong Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr.161-166.
(2) Xem thêm Cao Tự Thanh, Hoàng - Huỳnh, Phúc - Phước, Vũ - Võ... với vấn đề "kiêng húy", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 12, 1994.
(3) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, Sài Gòn, 1972, phần chữ Hán in kèm, Phong tục chí, tờ 10b.
(4) Theo Trương Vĩnh Ký di chỉ, tài liệu chép tay hiện được lưu giữ ở Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội, ký hiệu VĐ.35/4, tr.84-85. Vì chỉ có bản phiên âm ra quốc ngữ La Tinh nên rất khó kiểm chứng, nhưng theo chúng tôi thì mấy chữ Nôm được Trương Vĩnh Ký phiên âm là Xí ngầu lác nói trên phải được đọc là Xẩy ngộ lớ tức "Tử ngã liễu" đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông.
(5) Theo Nguyễn Văn Kinh, Nam âm, Recueil de morceaux choisis de Poésie annamite à l’usage de la Jeunesse avec explications des mots, notices biographiques et commentaires, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925, tr.78. Vì hiện chúng tôi chưa được thấy văn bản chữ Nôm nào của bài thơ này nên không rõ chữ Hóa ở đây được viết với mã chữ Nôm nào, song tuy nhiều văn bản quốc ngữ La Tinh phiên là Hóa nhưng trong thực tế chữ này được phát âm gần như Oá, Quá, có lẽ Hán tự cũng viết là Ngã (Wo), là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số ít đọc theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu. Trong phương ngữ Nam Bộ chữ này bị biến âm thành Qua.
(bài trên số 2/2000 tạp chí Hán Nôm)
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)