1/10/20

Tiếng Việt: Hiện tượng biến âm

 Qua trường hợp biến đổi từ “bợ chồng” thành “vợ chồng”, chúng ta tiếp cận được một hiện tượng rất phổ biến trong tiếng Việt: hiện tượng biến âm.

Biến âm không phải chỉ vì nói ngọng, kiểu “long lanh” thành “nong nanh” hay “nôn nao” thành “lôn lao” như một số người ở một số địa phương nào đó. Biến âm cũng không phải chỉ vì phương ngữ, kiểu “về” thành “dề” như ở miền Nam, hay “nhà” thành “dà” như ở một số làng huyện ở miền Trung, “trung trinh” thành “chung chinh” như ở miền Bắc.

Ðiều đáng nói hơn là những hiện tượng biến âm xuất phát từ những quy luật nội tại của ngôn ngữ, những sự biến âm có mặt ở mọi vùng đất nước và nếu không tự giác và tốn công truy lục, chúng ta sẽ không thể nào tái hiện được nguyên dạng của nó. Chúng ta dễ ngỡ biến âm là chính âm. Dễ ngỡ nó tự nhiên là thế.

Ví dụ, để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ “nguôi ngoai”. Ðúng ra là “nguôi hoai”. Trong các từ điển cổ, “hoai” có nghĩa là phai nhạt. Nghĩa ấy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn dùng trong chữ “phân đã hoai”. “Nguôi hoai” là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn, một niềm đau.

Tương tự như vậy, chữ “yếu ớt” chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ “yếu nớt”. “Ớt” thì không có nghĩa gì cả. Trong khi “nớt” có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ “non nớt”. “Yếu nớt”, do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt.

Chữ “nói mớ” thật ra là biến âm của chữ “nói mơ”, nói trong giấc mơ. “Nước miếng” thật ra là biến âm của “nước miệng”, nước chảy ra từ miệng, cùng cách kết cấu với các chữ nước mắt hay nước mũi.

Chữ “to tát” hiện nay tất cả các từ điển đều viết với chữ T ở cuối, TÁT; nhưng trong Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì lại viết chữ TÁC kết thúc bằng C: “to tác”, kèm theo lời định nghĩa là: thô kệch, lớn tác. Mà chúng ta đều biết chữ TÁC có nghĩa là tuổi hay vóc dáng, như trong các từ tuổi tác, tuổi cao tác lớn, hay ngày xưa người ta nói bạn tác, tức bạn hữu; trang tác, tức cùng lứa, cùng tuổi với nhau.

Các con số đếm, nơi rất cần sự chính xác, cũng không thoát khỏi luật biến âm.

Như số 1, chẳng hạn. Ðứng một mình là một. Ðứng trước các con số khác cũng là một. Nhưng khi đứng sau các con số khác, trừ số 10, nó lại biến thành “mốt”: hai mươi mốt; ba mươi mốt, bốn mươi mốt. Những chữ “mốt” ấy chính là biến âm của “một”. Nhưng không phải lúc nào “mốt” cũng có nghĩa là một: “Mốt” trong một trăm mốt hay trong một ngàn mốt, một triệu mốt... không phải là một.

Con số 5 cũng vậy. Ðứng một mình là năm. Ðứng trước các số khác cũng là năm. Nhưng khi đứng sau các số, từ 1 đến 9, nó lại biến thành “lăm”: mười lăm, hai mươi lăm... Con số hai mươi lăm ấy lại được biến âm thêm một lần nữa, thành “hăm nhăm”.

Số ba mươi lăm cũng thường được biến âm thành “băm nhăm”. Từ số bốn mươi lăm trở lên thì chỉ có một cách rút gọn là bốn lăm; năm lăm, sáu lăm, bảy lăm, tám lăm, và chín lăm chứ không có kiểu biến âm như “hăm nhăm” và “băm nhăm”.

Con số 10, cũng vậy. 10 là mười. Nhưng từ 20 trở lên thì “mười” biến thành “mươi”: hai mươi, ba mươi, bốn mươi... Dấu huyền bị biến mất. Có điều, “mươi” không phải lúc nào cũng có nghĩa là mười. Trong nhóm từ “mươi cái áo”, chẳng hạn, “mươi” lớn hơn hoặc nhỏ hơn mười: một con số phỏng định, ước chừng, bâng quơ.

Con số còn thay đổi được, huống gì những từ khác.

Như từ “không”, chẳng hạn. Phủ định điều gì, người ta có thể nói “không”, mà cũng có thể nói “hông”, nói “khổng”, nói “hổng”. Xuất hiện trong câu nghi vấn, chữ “không” ấy có thể có thêm một biến âm khác là “hôn”: “nghe hôn?” Chưa hết. Một số âm vị trong cụm “nghe hôn” ấy bị nuốt đi; “nghe hôn” biến thành “nghen”, rồi đến lượt nó, “nghen” lại biến thành “nghén” hay bị rút gọn lần nữa, thành “nhen”, rồi “hen”, rồi “hén”, rồi “nhe”, v.v...

Như vậy, biện pháp biến âm trở thành một biện pháp tạo từ. Ðã có từ “vậy”, chỉ cần thay dấu nặng bằng dấu huyền, chúng ta có từ mới: “vầy” (như vầy nè!). Ðã có từ “lui hui”, người ta tạo thêm các chữ “lúi húi” rồi “lụi hụi”. Ðã có từ “chừ bự”, người ta tạo thêm các từ mới: chư bư, chừ bư, chừ bử, chử bử, chứ bứ, chự bự. Ðã có “trật lất”, người ta tạo thêm: trết lết, trét lét, trớt lớt, trớt huớt...Ðã có từ “ngoại” vay mượn từ chữ Hán, chúng ta tạo thêm hay từ khác: “ngoài” để các quan hệ không gian cũng như thời gian và “ngoái” để chỉ quan hệ về thời gian: “năm ngoái”.

Biện pháp biến âm như vậy đã dẫn đến một hiện tượng khá thú vị trong tiếng Việt: hiện tượng từ tương tự, tức những từ hao hao gần nhau về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa, chẳng hạn: các chữ bớtngớt; đớp, tợp, hớpđợp; bẹp, xẹp, lép, khép, népnẹp; khan, khànkhản; xẻ, chẻ, bẻxé; xoăn, xoắn, quăn quắn; tụt, rụt thụt; véo, nhéo, và béo; v.v...


Nhưng hiện tượng từ tương tự trong tiếng Việt thì dài lắm. Sẽ bàn sau, khi thấy…ngứa.

nguồn: VOA https://www.voatiengviet.com/a/a-19-2009-11-30-voa31-81513787/486857.html? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)