20/3/22

Giang thượng ngư giả. Phạm Trọng Yêm

 


  

江上往來人,

但愛鱸魚美。

君看一葉舟,

出沒風波裡。

范仲淹


Giản thể

江上渔者  

江上往来人,但爱鲈鱼美。

君看一叶舟,出没风波里。


Âm Hán việt

Giang thượng ngư giả

Giang thượng vãng lai khách,

Đãn ái lư ngư mĩ.

Quân khán nhất diệp chu,

Xuất một phong ba lí.


Chú

- 漁者 ngư giả: người câu cá, người thuyền chài.

- 往來人 khách qua lại

- 但 đãn: nhưng. 愛 ái: yêu thích. 鱸魚 lư ngư: một loài cá quý ngon, đặc sản của sông Tùng bên Tàu. 美 mĩ: ngon.

- 君 quân: đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, tôn xưng. 一葉舟 nhất diệp chu: ví chiếc thuyền như chiếc lá.

- 出沒 xuất một: khi thấy khi không. 風波 phong ba: sóng gió.

范仲淹 Phạm Trọng Yêm (989 - 1052) tự Hi Văn, là một nhà chính trị, nhà tư tưởng thời Bắc Tống. Mất cha từ lúc mới một tuổi, từng ăn một ngày chỉ một bữa cháo để học. Đỗ tiến sĩ năm 25 tuổi, từng làm quan đến chức Tham tri chính sự, tương đương Phó tế tướng. Nổi tiếng là người dám nói, từng nhiều lần phê bình tể tướng đương thời, và cũng vì thế, ba lần bị biếm. 

Tác phẩm tiêu biểu của ông có “Nhạc Dương lâu kí”, trong đó có câu nổi tiếng: "先天下之憂而憂,後天下之樂而樂。tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) 

Nghĩa

Người đánh cá trên sông

Người đi qua lại trên sông, Chỉ thích thú với vị ngon của cá lư

Bạn hãy xem chiếc thuyền như chiếc lá kia, Đang chìm nổi trong sóng gió.

Tạm dịch

Khách qua lại trên sông

Chỉ biết cá lư ngon.

Xem kìa chiếc thuyền lá,

Giữa sóng gió trập trùng. 


Một vài bản dịch thơ đọc được trên trang thivien . net


Khách trên sông qua lại

Tấm tắc cá vược ngon

Thấy chăng chiếc thuyền nhỏ?

Nhấp nhô trong sóng cồn

Hoàng Tạo

.

Chèo qua lại trên sông,

Chuốc cá lư hiếm có.

Kìa, một chiếc thuyền con,

Nhấp nhô trong sóng gió.

Vũ Minh Tân

.


Ngược dòng. Ảnh của Đơn Hồng Oai.


13/3/22

Quan thương thử

官倉鼠  

官倉老鼠大如斗,
見人開倉亦不走。
健兒無糧百姓饑,
誰遣朝朝入君口?
曹鄴

Giản thể

官仓鼠  

官仓老鼠大如斗,见人开仓亦不走。
健儿无粮百姓饥,谁遣朝朝入君口?
曹邺

Âm Hán Việt

Quan thương thử

Quan thương lão thử đại như đẩu,
Kiến nhân khai thương diệc bất tẩu.
Kiện nhi vô lương bách tính cơ,
Thùy khiển triêu triêu nhập quân khẩu?
Tào Nghiệp

Chú thích

- 官倉 quan thương: kho của quan phủ, tức kho nhà nước.

- 老鼠 lão thử: con chuột. 老 lão là tiếng thường được thêm trước họ hoặc tiếng xưng hô để tỏ ý kính trọng hoặc thân mật, vd Lão Vương: ông Vương, lão Lí: anh Lí, lão sư: thầy. Cách dùng này cũng áp dụng cho một số loài vật mà người xưa tôn kính hoặc sợ hãi: lão ưng: con chim ưng, lão hỗ: con cọp, lão thử: con chuột. (老 lão nghĩa thường dùng là già)

- 斗 đẩu: đơn vị đo lường dung tích xưa. Mười thưng là một đấu (十升為一斗).

- 健兒 kiện nhi: chỉ người thân thể to khỏe. Ở đây chỉ  tướng sĩ bảo vệ chốn biên cương. Hiện nay 健兒 thường dùng để chỉ tuyển thủ thể dục). 健 kiện: khỏe mạnh. 兒 nhi: nghĩa thường dùng là trẻ con, nhưng ở đây là trợ từ, kết hợp với kiện để tạo thành một danh ngữ. 

- 無糧 vô lương: không có lương thực.

- 百姓 bách tính: trăm họ, chỉ dân chúng.

- 朝朝 triêu triêu: sáng sáng, ngày ngày. 朝 triêu: buổi sáng.

曹鄴 Tào Nghiệp là nhà thơ thời Vãn Đường, ngày sinh năm mất chưa rõ. Nhà nghèo, 9 lần đến Trường An ứng thí đều hỏng, mãi đến năm 850 mới đỗ tiến sĩ, sau đó ra làm quan, từng giữ chức Thứ sử Dương châu, lang trung bộ Lại. 

Bài thơ trên đây ông viết khi làm thứ sử ở Dương Châu (khoảng thời gian 860 - 874), khi chứng kiến cảnh đục khoét của đám quan lại đồng liêu. Và đã ko thể ko bật ra câu hỏi: 誰遣 thùy khiển: ai khiến .. ? 

Nghĩa

Chuột kho quan

Con chuột trong kho nhà quan to như cái đấu. Thấy người mở cửa kho cũng không chạy. Quân lính nơi biên cương không có lương ăn, dân chúng đói khổ, Ai khiến đổ vào miệng mày hằng ngày?

Tạm dịch

Con chuột kho quan to hết sẩy,

Thấy người mở cửa chẳng thèm chạy.

Lính không lương dân đói xác xơ,

Ai khiến ngày ngày mày đớp vậy?

.

Đọc thêm vài bản dịch thơ thấy trên trang thivien . net

.

Chú chuột kho quan bằng cái đấu,

Thấy người mở kho cứ đứng ngó.

Lính chẳng lương ăn, dân đói meo,

Ai để ngày ngày vào miệng chú?

Khương Hữu Dụng

.

Kho quan cậu chuột to như đấu

Thấy kẻ mở kho không chạy giấu

Lính tráng không lương, dân đói meo

Ngày ngày ai trút vô mồm cậu?

Lê Nguyễn Lưu

.

Tranh của DAD, lấy trên mạng.



8/3/22

Người ấy bây giờ đang ở đâu?

Người ấy bây giờ đang ở đâu, 

Để vườn hoang vắng trắng bông cau. 

Ngàn lau phủ trắng đường ra bến, 

Bờ sông lay lắt mấy chân cầu.

Thơ Hoài Vũ

Nhạc Phan Huỳnh Điểu



Hoài cố hương. Tranh Lê Phổ (Hình trên mạng)



6/3/22

Quan san nguyệt . Lí Bạch

 關山月

由來征戰地,

不見有人還。

戍客望邊色,

思歸多苦顏。

高樓當此夜,

嘆息未應閒。

李白

.

Quan san nguyệt

Do lai chinh chiến địa,

Bất kiến hữu nhân hoàn.

Thú khách vọng biên sắc,

Tư quy đa khổ nhan.

Cao lâu đương thử dạ,

Thán tức vị ưng nhàn.

Lí Bạch

.

Chú thích

由來 do lai: từ trước đến nay.

戍客 thú khách: chỉ người lính thú

邊色 biên sắc: cảnh sắc nơi biên ải. Có bản ghi 邊邑 biên ấp: vùng đất nơi biên ải.

思歸 tư quy: nghĩ đến ngày về

高樓 cao lâu: lầu cao, trong thơ xương dùng chỉ phòng khuê; ở đây chỉ người chinh phụ.

嘆息 thán tức: thở dài.

未應 vị ưng: không phải, không hẳn

Trên đây là nửa sau của bài thơ ngũ ngôn cổ phong Quan sơn nguyệt của Lí Bạch, nhà thơ nổi tiếng sống vào thời Đường bên Tàu..

.

Nghĩa

Trăng nơi quan ải

Xưa nay nơi chiến địa,

Không thấy có ai về.

Người lính thú nhìn cảnh sắc biên ải,

Nghĩ đến ngày về mà nét mặt buồn khổ.

Đêm nay người chinh phụ trên lầu cao,

Hẳn ngồi thở dài chứ chẳng có lòng đâu mà nhàn nhã nỗi.

.

Tạm dịch

Xưa nay nơi chiến địa

Không thấy có ai về

Người lính nơi biên ải,

Nhớ nhà mặt ủ ê.

Đêm nay nơi gác tía

Lòng xuân cũng não nề.

.

Đọc thêm một số bản dịch thấy trên trang thivien . net

.

Xưa nay nơi chiến địa

Mấy kẻ về an toàn

Khách thú ngắm biên tái

Nhớ nhà mặt khổ nhăn

Lầu cao đương tối đấy

Có kẻ không ngừng than

Đông A

.

Xưa nay nơi chiến địa

Không thấy ai về làng

Lính thú trông biên giới

Nhớ quê khó muôn vàn

Đêm nay trên lầu cao

Không sao ngừng thở than

Trần Trọng San

.

Từ xưa bao kẻ chinh phu,

Đã ra đất chiến, về ru mấy người ?

Buồn trông cảnh sắc bên trời,

Giục lòng khách thú nhớ nơi quê nhà.

Lầu cao, đêm vắng, ai mà,

Đêm nay than thở ắt là chưa nguôi.

Tản Đà.

.

Quan san nguyệt.
Hòa tấu cổ cầm và tiêu.
Cầm: Lưu Lệ,
Tiêu: Trần Đào.