20/11/22

Nhạc sến

(Ghi chép cũ trên fb 20/11/2016)

--------------------------------------

Gần đây thấy Lê Minh Sơn bị ném đá ghê quá, tò mò tìm đọc bài phỏng vấn LMS trên Zing. Câu bị ném đá, nguyên văn như này: “Dưới góc độ kiếm tiền thì việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là rất tốt nhưng đối với người sáng tạo thì đấy là sự trì trệ và đau khổ". [1] Thú thật, tôi không biết khi nói như thế LMS sai cái gì ?

Hãy cứ cho là nhạc bolero là hay, quí cỡ .. Kiều, thơ Lý Bạch hay tranh Raphael đi. Và hãy thử tưởng tượng nếu như bây giờ bỗng dưng ai cũng làm, cũng đọc thơ lục bát hay thơ Đường luật hoặc đâu đâu cũng vẽ, cũng xem tranh tả chân .. thế không phải trì trệ thì là gì ?

Huống gì nhạc boléro đâu đã hay đã quí cỡ đó ?..

Nhạc boléro là từ được dùng thay cho từ "nhạc sến" mang tính dè bĩu được dùng trước đây, dù thật ra nhạc sến không chỉ mỗi boléro. Có lẽ sến hay không là do cách hát. Nhạc gì vô tay Chế Linh, Thanh Thúy cũng thành sến, ngược lại một bản bolero vô tay Thái Thanh, Lệ Thu nghe vẫn rất sang. Nhưng dĩ nhiên nhạc viết theo điệu bolero dành nhiều đất để "sến" hơn.

Trước 1975 thiệt tình tôi không mấy khi chủ động tìm nghe nhạc sến, nhưng từ radio, từ băng dĩa ai đấy mở .. tôi cũng nghe được hàng ngày. Và những lúc buồn, hay học hành mệt nhọc, nghêu ngao dăm câu hát, chợt nhận ra mình vừa ca mấy câu nhạc sến. Nhìn quanh bạn bè là hs sv, thấy hầu hết cũng thế, không mấy ai đánh giá cao, tìm nghe dòng nhạc này.

Nói chung hồi ấy nhạc được chia thành hai dòng chính, nhạc sến và nhạc sang. Dĩ nhiên không ít bản nhạc sến rất hay, cũng như không ít bản nhạc sang dở ẹt; nhưng sự phân loại là thế, và ít thấy anh chàng svhs nào chủ động tìm nghe nhạc sến. Ông giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung lò mò đi phòng trà nghe Thanh Thúy ca cũng là để về viết nhận định Ảo ảnh Thanh Thúy, chứ nhạc nhẽo thì chắc ông chả chú ý gì, là tôi đoán thế.

Vì gần đây, đọc trên mạng hồi ức của một số người sống trong giai đoạn ấy cũng thấy cái suy nghĩ ấy - không coi trọng nhạc sến mấy.

Đây là nhà thơ Đỗ Trung Quân, hiện giờ rất thích bolero nhưng hồi ấy thì: Thuở ấy, tôi nghe Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... tôi cũng đã từng cười vào những bài hát boléro: "Mưa ướt lạnh trong đêm... Đứng bên thềm ga vắng… hắt hiu ngọn đèn vàng em tiễn anh…". Tôi từng bĩu môi: "Gác lạnh về khuya cơn gió lùa… trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa… nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt… gác trọ buồn đơn côi, phố nhỏ vắng thêm một người…" [2]

Đây là nhạc sĩ Nam Lộc, sáng tác nhạc sến theo yêu cầu nhà sản xuất nhưng không dám kí tên: "Nhưng mà đến khi một nhà sản xuất, là anh Ngọc Chánh, yêu cầu tôi viết bài “Mùa thu lá bay” nhạc Tàu thì tôi cũng viết nhưng ông ấy bắt tôi viết đến cái độ mà nó sát, hát lên là mọi người có thể hát được một cách dễ dàng, và hiểu được.

Nhạc điệu thì nó không quá trau chuốt giống như là nhạc Tây phương của các loại nhạc mà chúng ta gọi là “nhạc sang” có vẻ nhạc thính phòng. Nhạc đại chúng thì những cái điệu như là Boléro, nhịp ¾ rồi sau đó vào điệp khúc rồi trở lại.

Khi mà hoàn tất thì tôi lại không dám ký tên tôi mà tôi dùng cái bút hiệu Lệ Thanh, là tên cái rạp Tàu mà chiếu cái phim này." [3]

Đây là ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: "Không phải mình phân chia giai cấp, nhưng loại nhạc đó được giới bình dân nghe nhiều hơn. So với nhạc vàng, lời nhạc sến còn bình dân hơn: Ước gì nhà mình chung vách, anh khoét bức tường, anh qua thăm em. Chung quy cũng là nhạc trữ tình. Nhạc cho người có hiểu biết chút xíu gọi là nhạc vàng, còn cho người ít hiểu biết gọi là nhạc sến." [4]

Sau 1975 tôi thường chủ động tìm nghe nhạc sến hơn, và đến lúc ấy mới biết đến tên Trúc Phương, Vinh Sử, Lam Phương .. dù nhạc của họ, như đã nói, từng nghe trước đó nhiều lần, một cách thụ động. Phải chăng vì bây giờ mới thấm được "Bolero là nhạc. Nhưng nó không chỉ là nhạc. Nó mang tâm tình của một xứ sở, kí ức của nhiều thế hệ. Nó mang trong nó cái dấu ấn của thời đại bi thương đã sản sinh ra nó, dấu ấn của hàng triệu thân phận mà nó chia sẻ", như lời bình trong một phim tài liệu mới xem gần đây ? [xem video cuối bài]

Cho dầu vậy, tôi vẫn nghĩ việc cả nước từ nam ra bắc, từ già đến trẻ, từ sân khấu đến TV đều nghe, đều hát bolero là một sự trì trệ. Và cho dù (nếu như) Lê Minh Sơn chưa có những sáng tác hay, thuyết phục được mọi người, thì với tư cách một nghệ sĩ sáng tác, ông lo lắng, đau khổ về sự trì trệ ấy là đúng rồi, còn gì. Trong một đoạn dưới trong bài phỏng vấn dẫn trên, Lê Minh Sơn viết rõ hơn: “Tôi là người sáng tạo và tôi muốn mang đến những sản phẩm mới thay vì những thứ cũ

Chợt nhớ chuyện mấy ông đồ nho mắng Xuân Diệu hồi đầu thế kỷ trước, rằng những câu ông viết nửa tây nửa ta, tiếng quốc ngữ chưa rành, nói chi vần điệu, thế mà cũng dám gọi là thơ!.

Xem bộ phim tài liệu về dòng nhạc boléro dẫn trên:

https://www.youtube.com/embed/uqBe9Qz1VQw

-------------

[1] http://news.zing.vn/le-minh-son-bung-no-dem-nhac-bolero-la-tri-tre-va-dau-kho-post694365.html

[2] http://vietbao.vn/Van-hoa/Nhac-sen-la-nhac-gi/45165146/181/

[3] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VnMusicForTheMassAndForMidLevelClassP2_TNga-20061105.html

[4] https://www.facebook.com/notes/nh%E1%BA%A1c-v%C3%A0ng/nguy%E1%BB%85n-%C3%A1nh-9-gi%E1%BA%A3i-th%C3%ADch-v%E1%BB%81-nh%E1%BA%A1c-v%C3%A0ng-nh%E1%BA%A1c-s%E1%BA%BFn/553103564749011/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)