31/1/24

Thôn cư mạn hứng

 

村居漫興 

倚樹看歸雁         

緣溪問落花         

攜琴流水奏         

策杖夕陽斜           

阮福昱                   

Âm.

Ỷ thụ khán quy nhạn, Duyên khê vấn lạc hoa.
Huề cầm lưu thủy tấu, Sách trượng tịch dương tà.

Giản thể. 村居漫兴 .

倚树看归雁,缘溪问落花。携琴流水奏,策杖夕阳斜

Nghĩa. Cảm hứng ở làng.

Tựa cây nhìn đàn nhạn bay về, đi men theo suối tìm hoa rụng.
Mang đàn tấu khúc Lưu thủy, chống gậy dạo chơi lúc chiều tà.

Tạm dịch.

Tựa gốc cây trông nhạn,

Men theo suối ngắm hoa.

Mang đàn tấu khúc nhạc,

Chống gậy dạo chiều tà.

Chú

阮福昱 Nguyễn Phước Dục, là con trưởng của Nguyễn Phúc Tứ (con thứ 8 của chúa Nguyễn Phúc Chu). Nguyễn Phước Dục học rộng, có tài lược. làm Chưởng cơ, lãnh việc ở bộ Hình. Trương Phúc Loan có danh tiếng lừng lẫy, muốn kéo làm vây cánh, bèn gả con gái cho Dục. Dục đứng đắn, không theo. Loan ghét, sai người vu Dục mưu phản. Đến khi tra xét không có chứng cớ gì, cho về nhưng vẫn bị bãi chức.




27/1/24

Vịnh mẫu đơn

 詠牡丹

棗花至小能成實,
桑葉雖柔解吐絲。
堪笑牡丹如斗大,
不成一事又空枝。
王溥

Âm

Táo hoa chí tiểu năng thành thực, Tang diệp tuy nhu giải thổ ti.
Kham tiếu mẫu đơn như điếu đại, bất thành nhất sự hựu không chi.

Nghĩa

Hoa táo rất nhỏ nhưng có thể kết trái, Lá dâu tuy mềm yếu nhưng có thể nuôi tằm lấy tơ.
Đáng cười là hoa mẫu đơn to như cái đấu, không làm được việc gì, chỉ mọc cành vô ích.

Tạm dịch

Hoa táo nhỏ nhưng cho quả ngọt,
Lá dâu mềm vẫn biến thành tơ.
Cười mẫu đơn to như cái đấu,
Giữa chốn nhân gian mãi sống hờ.

Giản thể

枣花至小能成实,桑叶虽柔解吐丝。
堪笑牡丹如斗大,不成一事又空枝。

牡丹 mẫu đơnloại hoa bông to sắc đẹp, thơm nồng, từ xưa ở Tàu được xưng tụng là quốc sắc thiên hương, vua của loài hoa; biểu tượng của phú quý cát tường.

桑葉 tang diệp lá dâu.

斗大 đẩu đại: to như cái đấu.

堪笑 kham tiếu: 可笑 khả tiếu: đáng cười.

王溥 Vương Phổ (922 - 982) sống vào đầu đời Tống, từng làm đến tể tướng.







26/1/24

Tương Trung tức sự

 湘中即事 

隔岸湘猿叫,
臨山楚竹幽。
夕陽晴景好,
水色滿孤舟。

阮忠彥

Âm:

Cách ngạn Tương viên khiếu, Lâm sơn Sở trúc u.
Tịch dương tình cảnh hảo, Thuỷ sắc mãn cô chu.

Nghĩa

Bên kia bờ tiếng vượn Tương kêu, Lên núi tre Sở âm u.
Chiều tà cảnh trời quang đảng thật đẹp,
Ánh nắng phản chiếu sắc nước lên khắp chiếc thuyền lẻ loi.

Tạm dịch

Bên sông bầy vượn hú,

Trên núi rừng tre dày.

Chiều xuống trời trong trẻo,

Thuyền côi bóng nước lay.

Giản thể.

隔岸湘猿叫,临山楚竹幽。夕阳晴景好,水色满孤舟

Chú

阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), đại thần đời Trần. Nổi tiếng thần đồng, 15 tuổi đỗ Hoàng giáp, đỗ tiến sĩ cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi, từng được cử đi sứ qua Tàu (thời nhà Nguyên). Ông cùng Trương Hán Siêu soạn bộ Hoàng triều đại điển. Thơ còn lưu được 84 bài.

25/1/24

Sai lấm của Haudricourt

 SAI LẦM CĂN BẢN TRONG KIẾN GIẢI CỦA A.G.HAUDRICOURT VỀ PHỔ HỆ CỦA TIẾNG VIỆT

* Huệ Thiên
Hai kiến giải chính về quan hệ tộc thuộc của tiếng Việt là hai người Pháp: H.Maspéro và A.G.Haudricourt. H.Maspéro, trong Etudessur la phonétique historique de la langue annamite (1), một công trình nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc, đã dè dặt cho rằng tiếng Việt có thể là một ngôn ngữ Thái còn Haudricourt, trong một bài viết ngắn nhan đề Laplace du vietnamien dans les langues austroasiatiques (2), thì cả quyết rằng nó là một ngôn ngữ Nam Á. Theo nhận xét của S.E.Jakhontov thì kiến giải của Maspéro hình như phổ biến hơn nhưng kiến giải cua Haudricourt lại được xem là thuyết phục hơn (3).Còn Hoàng Tuệ thì cho biết rằng “ luận điểm của Haudricourt(…)là một đóng góp hết sức quan trọng”, rằng “ hiện nay trong các sách sử học, dân tộc học và ngôn ngữ học xuất bản trên thế giớivà ở Việt Nam, các tác giả điều nhất trí trong quan niệm dựa trên luận điểm của Haudricourt, quan niệm cho tiếng Việt thuộc họ Nam Á, nhánh Mon-Khmer, chi Việt- Mường”(4).
Luận điểm căn bản trong kiến giải của Haudricourt là: chỉ có thể dựa vào từ vựng cơ bản để phân loại tiếng Việt về mặt phổ hệ mà thôi: “Cái đó tính chất quyết định, đó là từ vựng cơ bản”(5).Trong một bài khác, vì buộc lòng phải thừa nhận rằng nguồn gốc của thanh diệu trong tiếng Việt hoàn toàn “không chứng minh được điều gì chống lại quan hệ tộc thuộc( của nó) với tiếng Thái” (6),Haudricourt lại võ đoán kết luận “Vậy quan hệ tộc thuộc của tiếng Việt phải được truy tầm bằng từ vựng cơ bản”(7).Ở một chỗ khác nữa, khi đề cập đến các ngôn ngữ đơn lập có thanh điệu, ông cũng khẳng định: “Quan hệ tộc thuộc trong loại hình ngôn ngữ này chỉ có thể căn cứ trên từ vựng”(😎. Luận điểm trên đây là một luận điểm sai lầm.
Từ vựng cơ bản là bộ phận từ vựng bao gồm những từ diễn đạt các khái niệm thông thường nhất hoặc cổ xưa nhất mà loài người đã có thể biết được, đồng thời cũng thường có tần số xuất hiện cao trong sư giao tiếp của cộng đồng. Do những đặc điểm này mà những từ đó vẫn được nhiều người- trong đó tất nhiên có Haudricourt- quan niệm là những đơn vị sẵn có trong các ngôn ngữ đồng tộc khi chúng tách ra khỏi nguồn gốc chung chứ không phải là kết quả của những sự vay mượn ở các ngôn ngữ khác tộc, cũng không phải là kết quả của những sự vay mượn lẫn nhau giữa các ngôn ngữ đồng tộc sau khi chúng đã tách ra khỏi ngôn ngữ riêng biệt và độc lập. Đây là một quan niệm không đúng.
S.E .Jackhontov đã lưu ý rằng “về nguyên tắc, bất cứ từ nào cũng có thể được vay mượn” (9). Nhưng sau đó, tác giả lại phát triển thêm rằng “ những từ liên quan đến văn hoá thường dễ được vay mượn hơn cả; những lĩnh vực khác của từ vựng ( ví dụ những tên gọi bộ phận cơ thể, hay trạng thái thời tiết) thì hầu như không có yếu tố vay mượn” (10). Đến đây thì chính Jakhontov đã nói sai, ít nhất cũng là sai đối với tiếng Việt. Ngôn ngữ này có rất nhiều từ chỉ bộ phận cơ thể bất nguồn ở tiếng Hán, từ đầu, ức, sọ-lô, hàm, họng, hạng, thân, eo yêu,vế-bễ, (cùi) chỏ, trửu, cho đến tim- tâm, gan- can, tỳ, phổi- phế, thận…, rồi gân- cân, não, thịt-thoát, xương xoang v.v. Tiếng Khmer cũng vay mượn không ít từ chỉ bộ phận cơ thể của tiếng Sanskrit và tiếng Pali mà sau đây là chỉ là mấy trường hợp tiêu biểu: Khm.Kbal(đầu)<SK. Kapàla; Khm. Kuj (dương vật)<Sk. Guhhya, P. Guyha; Khm. Kda (dương vật)<P. kàta; Khm. Kaj(thân thể)<Sk., P. Kayà; Khm. Kut (mông đít)< Sk., P guda (hậu môn); Khm. Can (chân)<Sk .,P. janghà,…Rõ ràng là đối với các từ chỉ bộ phận cơ thể, không phải là “hầu như không có các yếu tố vay mượn”, mà ngược lại, rất nhiều.
Những thí dụ trên đây trong tiếng Việt và tiếng Khmer đã góp phần khẳng định ý kiến của L. Hjelmslev: “Người ta không chỉ mượn một từ vì sự vật mà nó biểu hiện không có tên gọi trong ngôn ngữ đi mượn. Người ta vay mượn vì óc bắt chước, và những từ vay mượn thì phục tùng tất cả những sự thay đổi thất thường của thị hiếu. Người ta vay mượn vì cái từ của tiếng nước ngoài tao nhã hơn, hoặc ngộ nghĩnh hơn, hoặc vui tếu hơn, hoặc thú vị hơn và chỉ có tính võ đoán mới quyết định – không một sự tính toán nào dự kiến đươc nó- cái gì được xem là tao nhã, ngộ nghĩnh, vui tếu và thú vị”(11). Rõ ràng là sai lầm ý kiến cho rằng những từ thuộc từ vựng cơ bản không thể là những yếu tố vay mượn. Vậy không thể dựa vào từ vựng cơ bản để kết luận về phổ hệ của một ngôn ngữ. Đó là một điều dứt khoát. Liên quan đến vấn đề này, sau đây là ý kiến xác đáng và rành mạch của A.Meillet mà chính R.Jacobson cũng hoàn toàn tán thành nên đã dẫn lại trong bài viết của mình: “Người ta không bao giờ có thể thiết lập quan hệ tộc thuộc của các ngôn ngữ bằng sự khác biệt hoặc sự trùng hợp về từ vựng”(12).
Lấy từ vựng cơ bản làm nền tảng để xây dựng kiến giải của mình về phổ hệ của tiếng Việt, rõ ràng là Haudricourt đã làm một công việc phiêu lưu. Như lời cảnh báo của J.Vendryes, đây là “một phương thức nguy hiểm”(13). Huống chi phưng pháp so sánh của ông lại càng có nhiều điểm hoàn toàn không ổn. Để phản bác Maspéro, Haudricourt đã đưa ra 12 từ chỉ bộ phận cơ thể của tiếng Việt: (trốc=đầu, tóc, mắt, tai, mũi, miệng, răng, lưỡi, cổ,môi, cằm, tay) để so sánh với những từ tương ứng trong 10 ngôn ngữ được xem là Nam Á sau đây: Bahnar, Khasi, Khmer, Khmu, Kuy, Mnong, Môn,Mường,Phong và Samrê. Công việc so sánh của ông đã bộc lộ những khuyết điểm sau đây về mặt phương pháp:
1.Tiếng Kuy là một ngôn ngữ hãy còn được biết đến quá ít. Theo lời P.Lévy, tác giả của bảng từ vựng mà chính Haudricourt đã sử dụng, thì đây là một ngôn ngữ riêng biệt của một sắc dân đã từng bị người Khmer thống trị(14). Vậy hoàn toàn có khả năng là các yếu tố nguyên thuỷ của nó đã dần dần bị thay thế bằng những yếu tố vay mượn của tiếng Khmer. Trong trường hợp này, những từ “tương ứng” của tiếng Kuy không thể có giá trị để so sánh va phổ hệ. Huống chi trong bảng từ vựng ít òi của Lévy người ta còn thấy lẫn lộn cả những từ Kuy gốc Sanskrit (hẳn là mượn qua tiếng Khmer) như tévde (trời, thần)<Sk. Devatà;dak (nước)< Sk.phàla,…, thậm chí gốc Việt như dao (cây dao-d đọc như đ của tiếng Việt)<V.đao. Cả tiếng Samrê cũng chưa được biết đến mức có thể tin tưởng.
2.Tiếng Mường và tiếng Phong đã được khẳng định là những ngôn ngữ trong nhóm Việt- Mường. Bản thân chúng cũng cần được chứng minh là những ngôn ngữ Nam Á. Vậy đưa những từ của tiếng Mường và tiếng Phong vào bản so sánh để khẳng định nguồn gốc Nam Á của các từ Việt tương ứng là đã làm một việc làm hoàn toàn nghịch lý. Haudricourt đã làm chuyện nghịch lý ở nhiều chỗ. Trong một bài khác liên quan chặt chẽ đến bài đang xét vì cũng liên quan đến vấn đề phổ hệ của tiếng Việt, do không tìm được một cứ liệu nào của các ngôn ngữ Nam Á để chứng minh rằng thanh sắc trong từ bốn (quatre) của tiếng Việt là một hậu quả gây ra bởi sự tiêu vong của hiện tượng tắc thanh quản (occlusion glottale), Haudricourt đã giải quyết tuỳ tiện như sau: “Nhưng sự phối hợp không phải là không thể xảy ra vì người ta đã nhận thấy nó trong một ngôn ngữ Tạng- Miến là tiếng Lushai”(15).Ông quên rằng một sự chuyển biến ngữ âm rất có thể xảy ra ở một ngôn ngữ mà lại không hề hoặc không thể xảy ra ở những ngôn ngữ khác đồng tộc với nó. Nguyên âm [u]của tiếng Latin đã trở thành [ii] trong tiếng Pháp nhưng vẫn tiếp tục được phát âm là [u] cho đến nay trong tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, và tiếng România (Ru-ma-ni), cũng là những ngôn ngữ Roman (languesromanes) như tiếng Pháp.Trong nội bộ các ngôn ngữ đồng tộc mà còn như thế, huống chi haudricourt lại lấy cứ liệu trong tiếng Lushai là một ngôn ngữ Tạng- Miến để chứng minh cho hiện tượng đoán già đoán non là đã xãy ra trong một ngôn ngữ Nam Á. Cách làm tuỳ tiện đó rất xa lạ với phương pháp so sánh nghiêm túc.
3/ Nhiều từ trong bảng so sánh của Haudricourt đã không lọt qua được một sụ thẩm định từ nguyên học chặt chẽ. Trốc, chẳng hạn, đã được ông xe là Nam Á, đối đầu với gốc Hán, bắt nguồn từ ghi bằng chữ mà âm Hán –Việt hiện đại là độc. Về ngữ nghĩa, chữ này đã được Mathews’Chinese- English Dictionary giảng là “the bones on the top of the head; a skull” và Hán –Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “xương đầu xương sọ”. Còn về ngữ âm thi tr đ là một cặp tương ứng mà người ta có nhan nhản những thí dụ. Hơn nữa, trốc độc thì cũng gần giống như trường hợp (Thiên) Trúc=(Thân) Độc, đều là những hình thức phiên âm từ tiếng Sanskrit Sindhu để chỉ nước Ấn Độ. Vậy trốc cũng là một từ Việt gốc Hán.
Cần nói rõ rằng Haudricourt đã mặcnhiên thừa nhận 92 từ Việt được xem là có gốc Môn- Khmer (Nam Á) do Maspéro đưa ra trong công trình năm 1912. Nhưng thực tế thì ít nhất 23 của số đó là những từ Việt gốc Hán trong khi không ít từ tương ứng của tiếng Khmer (mà Maspéro đưa ra) lại có gốc Sanskrit hoặc Pali. Một số khác là những từ Việt đã được tiếng Khmer vay mượn nhưng lại bị gáng cho một nguồn gốc Môn- Khmer. Số từ tiếng Việt được tạm xem là có nguồn gốc Nam Á rốt cuộc chỉ còn lại rất ít.
Những từ Nam Á ít ỏi đó có vị trí như thế nào trong từ vựng của tiếng Việt hiện đại? Đó là một cơ tằng (substrat). Mà cơ tằng thì chẳng can dự gì đến việc sắp xếp phổ hệ của một ngôn ngữ. Tiếng Pháp hiện đại có một cơ tằng gồm khoảng 60 từ Gaulois. Đây là tàn tích của tiếng Gaulois, một ngôn ngữ Celtic mà tổ tiên người Pháp đã nói cách đây từ 2000 năm trở về trước. Nhưng không có bất cứ nhà ngữ học so sánh nào lại nói rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Celtic chỉ vì nó còn giữ lại được 60 từ Gaulois. Tất cả đều khẳng định rằng nó là một ngôn ngữ Roman, thoát thai từ tiếng Latin thông tục và đồng tộc với tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Rômania (Ru-ma-ni) cũng là những ngôn ngữ Roman như nó. Vậy cũng sẽ là hoàn toàn vô lí nếu cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ Nam Á chỉ vì nó còn giữ lại được vài chục từ Nam Á ít ỏi.. Chỉ khi nào chính Haudricourt chấp nhận rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Celtic thì tiếng Việt mới là một ngôn ngữ Nam Á mà thôi. Ra đời từ năm 1953, kiến giải của Haudricourt đã dăng quang trong Việt ngữ học Việt Nam và đã thống trị ngữ tộc học về tiếng Việt trong suốt bốn thập kỷ qua.
Vì kiến giải của Haudricourt bất ổn như thế cho nên cũng đã có người thử điều chỉnh nó. Phạm Đức Dương, chẳng hạn, đã dung hoà nó với thuyết của Maspéro mà cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ “hoà hợp” có cơ tầng Nam Á và có cơ chế Đồng Thái (16). Chúng tôi sẵn sàng đồng ý với tác giả rằng tiếng Việt có thể có một cơ tằng Nam Á nếu nói về lịch sử của nó. Nhưng khi nói về phổ hệ thì cái cơ tằng đó lại chẳng có vai trò gì. Lịch sử của một ngôn ngữ và phổ hệ của nó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Xin lại lấy tiếng Pháp làm thí dụ cho dễ thấy vấn đề. Khi viết về lịch sử của ngôn ngữ này, người ta luôn luôn nhắc đến cái cơ tằng của nó là tiếng Gaulois vì đây chính là tiếng nói của tổ tiên người Pháp về sau đã bị tiếng Latin thông tục thay thế. Nhưng khi viết về phổ hệ của nó, người ta chỉ nói rằng tiếng Pháp là một ngôn ngữ Roman thoát thai từ tiếng Latin thông tục. Chẳng có ai gán ghép nó vào Gaulois. Ngôn ngữ không phải là một thực thể sinh vật học cho nên không thể xét phổ hệ của nó theo kiểu sinh vật. Do đó, tiếng pháp cũng không phải là một ngôn ngữ “hoà hợp”, nghĩa là một thứ tiếng lai, có cơ tằng Gaulois và có cơ chế Roman. Chính Haudricourt cũng bác bỏ phát ngôn ngữ hoà hợp. Cách diễn đạt của Phạm Đức Dương, suy đến cùng, chẳng qua cũng chỉ là một cách thừa thận rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ Thái.
Quả thật như thế, theo chúng tôi, cứ vào các dữ kiện được biết cho đến nay thì tiếng Việt là một ngôn ngữ Thái vì cấu trúc và cơ chế của nó là Thái như chính Phạm Đức Dương đã khẳng định. Cái bản sắc cùng với tính phổ hệ của một ngôn ngữ được bộc lộ không phải thông qua từ vựng mà thông qua cấu trúc và cơ chế của nó. Đây là một luận điểm thông thường và hoàn toàn xác đáng. Chính là xuất phát từ luận điểm này mà J.Vendryes đã viết: “Từ vựng có thể biến đổi, thậm chi từ đầu đến cuối mà ngôn ngữ không hề bị làm cho biến chất một cách có thể cảm nhận được trong cấu trúc ngữ âm hoặc ngữ pháp của nó” (17). Còn Jacques Chaurand thì viết: “Một ngữ được đặc trưng bằng sự tập hợp của những nét căn bản về ngữ âm và về hình thái mà sự gắn bó trong nội bộ của một hệ thống là một sự bảo đảm để nó chống lại các cuộc đảo lộn có thể là sâu sắc và thô bạo” (18). Cuối cùng, E.Sapir thì viết: “Chúng ta không có quyền giả định rằng một ngôn ngữ có thể nhào nặn lại một ngôn ngữ khác một cách quá dễ dàng bằng ảnh hưởng hình thái học của nó” (19). Vì vậy không thể chấp nhận ý kiến của Phạm Đức Dương cho rằng cơ chế của một tiếng Việt là một cơ chế “mô phỏng” theo một ngôn ngữ Đồng Thái do kết quả của sự giao thoa trong quá trình tiếp xúc (20). Đó chỉ có thể là một cơ chế Thái tự thân nó mà thôi. Vậy, theo chúng tôi:
Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ Môn – Khmer đã bị một ngôn ngữ Thái thai thế. Điều này phù hợp với giả thuyết của Vương Hoàng Tuyên cho rằng “trên đồng bằng Bắc – bộ, xưa kia là nơi cư trú của một giống người nói tiếng Môn – Khơ me thì có một sự di cư to lớn của một lớp người nói tiếng Thái ở Tây nam Trung – quốc tràn qua” (21). Chính ngôn ngữ Thái này đã thai thế cho ngôn ngữ Môn – Khmer kia để trở thành tiếng Việt ngày nay./.
Chú thích
(1) BEFEO, 1912, t.XII, nó, pp.1- 124.
(2) BSLP, 1953, t,49, fasc.1, no 138, pp.122-8.
(3)X. Về sự phân loại các ngôn ngữ ở Đông Nam châu Á, ngôn ngữ, s.1, 1991, tr.74
(4) André-Georges Haudricourt, Kiến thức ngày nay, s.68, tr.4.
(5) Bđd, tr.125.
(6), (7) De I’origine des tons en Vietnamien, JA, 1954, t. CCXLII, fasc. 1, p.82.
(😎 Comment reconstruire le chinois archaique, linguistics Today, New York, 1954, p.231.
(9), (10), Bđd, tr. 73.
(11) Le langage, trad. Par Michel Olsen, les Editions de Minuit, 1969, p.90.
(12) Sur la théorie des affinités phonologiques entre les langues, in N.S. Troubetzkoy, Principes de phonologie, trad, parJ. Cantineau, Paris, 1967, p.353.
(13) X. Lelangage, Paris, 1921, p.364.
(14) X. Recherches Préhistoriques dans la région de Mlu Prei (Cambodge), Hanoi, 1943, p.3.
(15) Như (6), (7), tr.81.
(16) X. Vấn đề proto – Việt Mường trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại, Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Hà Nội, 1986, tr.289.
(17) Sđd, tr. 360.
(18) Histoire de la langage, trad. Par S.M. Guillemin, Paris, 1953, p.192.
(20) Bđd, tr.289.
(21) Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt – nam, Hà Nội, 1963, tr.193.

24/1/24

cách tính lịch

 

Những thắc mắc thông thường về cách tính Âm lịch và ngày Tết.

Vietsciences-Phạm Quang Tuấn       25/02/2007   

 

Những bài cùng tác giả

Những bài liên quan:  Lịch sử Cuốn Lịch
 
                                       Âm lịch, Dương lịch, Năm nhuận
 
                                       
Tìm hiểu về Âm lịch, Dương lịch và năm Nhuận

 

Tết Nguyên Đán năm nay (2007) ở Việt Nam ăn trước Trung Quốc một ngày. Có nhiều Việt Kiều điện thoại về nhà chúc Giao Thừa thì chưng hửng vì ở nhà đã qua tối mồng 1! Dư luận xôn xao về việc đó và có ý kiến phổ biến trên truyền thông hải ngoại rằng Việt Nam bây giờ không còn biết tính lịch, sinh ra tranh luận! Bài này lược sơ qua những nguyên tắc căn bản để tính Âm lịch và nhất là ngày Tết. Vì người đọc thời nay bận rộn, ít thì giờ đọc kỹ đầu đuôi, nên tôi xin viết dưới dạng "Frequently Asked Questions" (FAQ), với những câu hỏi đánh số Q1, Q2 v.v. và những câu trả lời ngắn gọn như thường thấy trong internet. Tác giả không có ý định viết ra đầy đủ phương pháp làm âm lịch vì đã có rất nhiều tài liệu trên internet làm chuyện đó, đặc biệt là trang tiếng Việt của Hồ Ngọc Đức [1].

 

Q1. Âm lịch và Dương lịch khác nhau chỗ nào?

 

Lịch làm ra để đếm ngày, để ghi chép công việc, để tính toán sự biến chuyển của các mùa. Sự biến chuyển này tùy thuộc vào sự tuần hoàn của trái đất quanh mặt trời. Do đó, bất cứ lịch nào cũng là lịch mặt trời (solar calendar) hay dương lịch.

Tuy nhiên, vì một năm tới 365 ngày, nên cần chia ra thành những đơn vị nhỏ hơn cho dễ tính toán. Do đó người ta lấy chu kỳ của mặt trăng, khoảng 29-30 ngày, làm đơn vị tháng. Lịch mà làm vậy thì có thể gọi là âm dương lịch (lunisolar calendar).

 

Q2. Lịch truyền thống của Trung hoa có phải là âm lịch không?

"Âm lịch" của Trung hoa, Hàn quốc và Việt Nam thực ra không phải là âm lịch mà là một loại âm dương lịch. Tuy nhiên vì tập quán, trong bài này sẽ gọi là Âm lịch (viết hoa, vì còn nhiều loại âm lịch khác).

 

Q3. Vấn đề căn bản của lịch pháp là gì?

Lịch có ba đơn vị căn bản: năm, tháng, ngày. Năm dựa theo sự tuần hoàn của trái đất quanh mặt trời, tháng dựa theo sự tuần hoàn của mặt trăng quanh trái đất, ngày dựa vào sự tuần hoàn của trái đất quanh trục của chính nó. Ba sự chuyển động này độc lập và không ăn khớp với nhau. Muốn chúng đừng quá trật khớp thì nhà làm lịch phải lâu lâu điều chỉnh lại. Đó là vấn đề căn bản của lịch pháp.

 

Q4. Làm sao để điều chỉnh ngày, tháng, năm cho ăn khớp?

Mỗi nền văn hóa có một cách giải quyết khác. Âu châu giải quyết một cách "thô bạo" là bỏ hẳn chu kỳ trăng. Mồng 1 Âu châu không phải là đêm không trăng nữa và 15 không còn là trăng tròn. Những người sống theo thủy triều (dân chài, người đi biển) không còn dựa vào ngày trong tháng được nữa để tính ngày nước lên cao nhất. Tuy nhiên, đối với đa số dân chúng thì chuyện này không quan trọng lắm. Còn vấn đề làm sao cho ngày ăn khớp với năm thì giải quyết bằng cách cứ khoảng bốn năm có thêm một ngày (29/2).

Trung Hoa thì giải quyết bằng cách vài năm nhét một tháng nhuận để hai bên âm dương ăn khớp trở lại, vì một năm có hơn 365 ngày mà 12 tháng (âm) chỉ có hơn 354 ngày. Nhược điểm của cách giải quyết này là ngày tháng không còn đo chính xác được các mùa, vì mỗi năm bắt đầu ở một thời điểm khác nhau và có năm dài năm ngắn.

 

Q5. Ba cái mốc thời gian căn bản để tính lịch: ngọ, sóc và Đông chí

Người xưa lập ra lịch thì không có những dụng cụ thiên văn tối tân và đồng hồ chính xác, mà chỉ có cái thước và đôi mắt. Tuy nhiên, với những phương tiện sơ sài đó, họ cũng đánh dấu được rất chính xác những mốc căn bản (reference points) để tính ngày, tháng, năm.

Để đếm ngày, học có thể tính từ lúc mặt trời lặn hay mặt trời mọc. Lịch Hồi giáo tính theo cách này. Nhưng vì mặt trời mọc lặn khác nhau tùy theo mùa, nên không tiện dùng làm mốc thời gian. Mốc tốt hơn là điểm giữa trưa, khi mà bóng mặt trời ngắn nhất. Điểm này có thể đo dễ dàng bằng một cây gậy cắm xuống đất. Điểm này gọi là ngọ (midday).

Ngày có thể tính là bắt đầu từ giữa trưa, nhưng như vậy sẽ bất tiện trong việc ghi chép công việc, nên cả Âu châu lẫn Á Đông tính ngày từ giữa đêm, trung điểm giữa hai ngọ.

Tháng thì tính từ đêm không trăng, khi trăng ở chính giữa trái đất và mặt trời nên quay mặt tối về trái đất. Thỉnh thoảng, điểm này có thể đo được rất chính xác: đó là khi có nhật thực. Còn không thì phải dùng tính toán. Điểm này gọi là điểm sóc.

Năm thì có hai điểm mốc có thể đo được chính xác là Hạ chí và Đông chí, trong đó Đông chí đo dễ chính xác hơn. Vì trục trái đất nghiêng so với quỹ đạo trái đất quanh mặt trời, nên vào mùa đông thì nam cực chĩa về phía mặt trời, người ở bắc bán cầu nhìn thấy mặt trời xuống thấp về phía nam.  Đông chí là điểm khi mà mặt trời thấp nhất trong năm, tức là điểm mà nam cực chĩa về mặt trời nhiều nhất. Để đo điểm Đông chí, người xưa chỉ cần cắm một cây gậy xuống đất (hay xây một cái tháp), ghi xuống chiều dài của bóng lúc nó ngắn nhất (tức là lúc giữa trưa), làm như vậy vài ngày trước và sau Đông chí, rồi dùng một phép nội suy (interpolation) nào đó để tính ra thời điểm Đông chí một cách chính xác (xem hình). Càng gần Đông chí, mặt trời giữa trưa càng thấp và bóng giữa trưa càng dài. Để ý là phương pháp này không cần đồng hồ, mặt trời tự nó là cái đồng hồ!

 

 

Cách tính Đông chí của  Zu Chongzhi (429-500 AD) tên chữ Hán là Tổ Xung Chi 祖 冲 之 : trục x là thời gian, trục y là chiều dài của bóng gậy lúc giữa trưa của một ngày (bóng ngắn nhất trong ngày đó), mỗi điểm là một ngày. (a) Vẽ đường xéo nối hai điểm, (b) vẽ đường ngang từ một điểm bên kia cho tới đường xéo a, (c) trung điểm đường ngang là Đông chí.

Nên phân biệt ngày ngắn nhất và điểm Đông chí. Điểm Đông chí là một điểm chung cho tất cả địa cầu (trong bài này, Đông chí được hiểu là Đông chí của bắc bán cầu, tức là december solstice), nên khi tính bằng giờ của một địa điểm nào đó (như Hà Nội) nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày hay đêm. Ngày chứa điểm Đông chí là ngày ngắn nhất (mặt trời mọc trễ và lặn sớm nhất) trong năm.

 

Nói tóm lại, có ba cái mốc thời gian căn bản để tính lịch: điểm ngọ (giữa trưa) để tính ngày, điểm sóc để tính tháng, và điểm Đông chí để tính năm.

 

Q6. Những nguyên tắc căn bản của Âm lịch là gì?

Dùng ba cái mốc trên người Trung Hoa xưa đã đặt ra ba nguyên tắc căn bản để làm lịch, cũng có thể coi là định nghĩa của ngày, tháng và năm trong Âm lịch:

 

  1. Mỗi ngày bắt đầu lúc nửa đêm (trung điểm giữa hai ngọ).
  2. Mồng 1 mỗi tháng là ngày chứa điểm sóc (không trăng).
  3. Tháng 11 Âm lịch là tháng chứa điểm Đông chí.

 

Nguyên tắc 1 và 2 đã được áp dụng ít nhất từ lịch Thái sơ (Taichu) đời Hán (140 BC) [2] và  có lẽ sớm hơn nữa. Nguyên tắc thứ ba thì có nhiều lần thay đổi, tức là khởi điểm của một năm có thể sớm hay trễ hơn, nhưng vẫn lấy Đông chí làm mốc. Chẳng hạn, đời Chu, Tần thì lấy tháng có Đông chí làm tháng giêng, nhà Ân lấy tháng có Đông chí làm tháng mười hai. Nguyên tắc thứ ba giúp điều chỉnh để cho âm lịch và dương lịch ăn khớp với nhau.

Ba nguyên tắc căn bản này cần nhớ, vì chúng vô cùng quan trọng để trả lời nhiều câu hỏi thông thường về ngày Tết.

 

Q7. Khí (tiết khí) là gì?

Vì ngày tháng Âm lịch không phản ảnh đúng các mùa, nhà làm lịch cần dùng một "thước đo" khác để tính mùa. Đó là khí hay còn gọi là tiết khí.

Một năm, tính từ Đông chí này đến Đông chí sau, chia thành 24 khí khá đồng đều (trước cải cách 1645 thì 24 khí cách đều nhau hoàn toàn). Khí là lúc trái đất đi qua một trong 24 điểm mốc cách đều nhau 15 độ trên quỹ đạo quanh mặt trời (cũng như Đông chí, người xưa dùng chiều dài bóng của cây gậy lúc giữa trưa để tính tiết khí). Vì quỹ đạo trái đất hình ellipse khiến tốc độ trái đất khi nhanh khi chậm, nên tính thời gian thì các khí không hoàn toàn cách nhau đồng đều, mà xê dịch từ 14 tới 16 ngày.

Khí theo rất sát Dương lịch của Tây phương chứ không xê dịch tới lui nhiều như ngày tháng Âm lịch. Chẳng hạn, khí lập xuân luôn luôn là ngày 4 hay 5/2 DL, trong khi Tết Nguyên đán có thể di chuyển giữa 21/1 DL và 21/2 DL.

Các tiết khí có tên và ngày DL (với sai số 1 ngày) như sau: Đông chí * (22/12), Tiểu hàn  (6/1), Đại hàn * (21/1), Lập xuân (4/2), Vũ thủy * (19/2), Kinh trập (5/3), Xuân phân *  (21/3), Thanh minh (5/4), Cốc vũ * (20/4), Lập hạ (6/5), Tiểu mãn * (21/5), Mang chủng (6/6), Hạ chí * (21/6), Tiểu thử (7/7), Đại thử * (23/7), Lập thu (7/8), Xử thử * (23/8), Bạch lộ (8/9), Thu phân * (23/9), Hàn lộ (8/10), Sương giáng * (23/10), Lập đông (7/11), Tiểu tuyết * (22/11), Đại tuyết (7/12).

24 khí được chia làm 12 trung khí và 12 tiết khí (tuy nhiên cũng có thể gọi chung cả 24 là tiết khí). Trong danh sách trên những trung khí được đánh dấu "*". Trung khí quan trọng trong việc tính tháng nhuận. Những năm nào không nhuận thì trung bình mỗi tháng có một trung khí. Những năm nhuận thì có ít nhất là một tháng không có trung khí.

Đông chí (winter solstice), Hạ chí (summer solstice), Xuân phân (spring equinox), Thu phân (autumn equinox) cũng là những điểm quen thuộc với thiên văn ngày nay. Lập xuân, Lập hạ, Lập thu và Lập đông là ngày đầu mỗi mùa. Tên những khí khác cho thấy kinh nghiệm về thời tiết nóng lạnh, mưa nắng, sương tuyết.

Khí chính là phần "dương" của lịch Trung hoa. Phần dương này rất quan trọng vì nhà nông dựa vào nó để tính các mùa và các sinh hoạt đồng áng. Vì một năm có 12 trung khí, ta có thể coi mỗi trung khí là dấu mốc của một "tháng dương lịch".

 

Q8. Âm lịch có phải là là "nông lịch" không?

Âm lịch thường được goi là Nông lịch, lịch của nhà nông dùng để tính mùa và đoán thời tiết để trồng trọt. Cách gọi này cho ta cảm tưởng là Âm lịch tốt hơn Dương lịch trong việc tiên đoán thời tiết. Nhiều người cũng tưởng là nhà nông xưa căn cứ vào ngày tháng Âm lịch để làm ruộng, nhưng thực ra không phải vậy. Họ dựa vào những tiết khí luôn luôn in cạnh ngày tháng, vì tiết khí tính theo vị trí trái đất trên quỹ đạo, tức là theo mặt trời, theo mùa, y như các ngày tháng của Dương lịch. Về khía cạnh tiên đoán thời tiết, thì Âm lịch của Á đông hoàn toàn tương đương với Dương lịch của Tây phương, vì các tiết khí đi rất sát với ngày tháng Dương lịch, mỗi năm chỉ có thể xê xích tới lui trong khoảng một ngày. Chẳng hạn, khí lập xuân luôn luôn là 4 hay 5/2 DL, còn Tết Nguyên Đán thì có thể tới lui giữa 21/1 và 21/2 DL. Vậy Dương lịch hay phần tiết khí của Âm lịch đều có thể gọi là nông lịch.

 

Q9. Tại sao có tháng nhuận?

Vì 12 tháng chỉ có hơn 354 ngày mà một năm giữa hai Đông chí có hơn 365 ngày, nên cứ vài năm thì Đông chí sẽ tới trễ hơn tháng 11. Để đáp ứng nguyên tắc căn bản 3 (xem câu hỏi Q6), nhà làm Âm lịch cứ khoảng ba  hay bốn năm nhét vào một tháng nhuận. Nếu biết trước được rằng tháng 11 tới sẽ không chứa điểm Đông chí thì phải có một tháng nhuận trong thời gian 12 tháng trước đó (không cứ là tháng 10 nhuận).

 

Q10. Làm sao để tính tháng nhuận

Trước cải cách 1645, mỗi năm dương lịch (từ Đông chí này đến Đông chí tới) có 12 trung khí cách đều nhau, làm thành 12 mốc "tháng dương lịch", nên cứ tháng (âm lịch) nào không có trung khí thì coi là tháng nhuận.

Sau 1645, vì các trung khí không cách đều nhau, việc tính tháng nhuận rắc rối hơn:

 

  • Trong một năm nhuận có 13 tháng và 12 trung khí, do đó ít nhất là một tháng sẽ không có trung khí. Nếu chỉ có một tháng không có trung khí, tháng đó được coi là tháng nhuận và được gọi tên theo tháng có trung khí ngay trước nó.
  • Vì khoảng thời gian giữa các trung khí không đều nhau nên năm không nhuận cũng có thể có tháng không có trung khí, và có tháng có hai trung khí. Trường hợp đó thì các tháng được gọi tên theo thứ tự thường lệ từ giêng tới chạp.
  • Năm nhuận mà có hơn một tháng không có trung khí thì chỉ tháng không trung khí đầu tiên sau Đông chí được gọi là tháng nhuận.

 

Q11. Làm cách nào để tính ngày Tết?

Thoạt trông ta có thể tưởng rằng nếu biết ngày Đông chí thì ta có thể tính được tháng 11 (theo nguyên tắc căn bản thứ 3 ở câu hỏi Q6), tháng 12 (theo nguyên tắc căn bản thứ 2 ở câu hỏi Q6), và từ đó suy ra ngày Tết. Tuy nhiên, nếu có tháng 11 nhuận hoặc 12 nhuận thì Tết có thể tới chậm một tháng nữa!

Trong thực tế, rất ít khi có tháng 11 nhuận hoặc 12 nhuận vì những trung khí nằm tương đối sát nhau trong thời gian này (trên quĩ đạo bầu dục, trái đất lại gần mặt trời hơn vào mùa đông của bắc bán cầu nên đi nhanh hơn). Do đó ta có thể tính khá đúng ngày Tết bằng những quy tắc ước tính (rules of thumb) như sau [3]:

1. Tết là ngày mồng 1 (ngày sóc) thứ hai sau Đông chí. Kinh nghiệm cho thấy quy tắc này chưa bao giờ sai từ vụ cải cách lịch 1645 cho tới nay, nhưng tới năm 2033 sẽ sai. Quy tắc này cũng dễ hiểu: ngày sóc thứ nhất có thể xảy ra trong khoảng từ 1 tới 30 ngày sau Đông chí, ngày sóc thứ hai từ 30 tới 59 ngày sau Đông chí. Tính trung bình là 45 ngày sau Đông chí (21/12 DL), tức là 4/2 DL, ngày lập xuân.

2. Tết là ngày mồng 1 (sóc) gần tiết lập xuân (4 hay 5/2 DL) nhất. Quy tắc này, khi áp dụng cho Trung Quốc, đã sai vào năm 1985 và sẽ sai nữa vào năm 2015.

3. Tết là ngày mồng 1 (sóc) đầu tiên sau khí đại hàn (20/1 DL). Quy tắc này, khi áp dụng cho Trung Quốc, đã sai vào năm 1985 và sẽ sai nữa vào năm 2053.

Hiện nay, những thời điểm chính xác của điểm sóc và Đông chí (winter solstice) dễ dàng tìm thấy trên internet [4] [5], không phải tính toán. Do đó bất cứ ai cũng có thể tính được ngày Tết trong vài chục năm vừa qua và sắp tới theo ba quy tắc trên, trừ những ngoại lệ đã kể. Nên nhớ là, vì Trung Quốc là nước lớn, nên nhiều bảng chỉ cho biết ngày Tết của Trung Quốc. Chương trình của Hồ Ngọc Đức [1] thì cho tính ngày Tết một cách chính xác ở bất cứ kinh độ nào trên thế giới.

 

Q12. Tại sao thỉnh thoảng Tết Việt Nam lại trước Tết Trung Quốc một ngày?

Việt Nam theo múi giờ Hà Nội (UT + 7 giờ, Trung Quốc tính theo múi giờ Bắc Kinh (UT + 8 giờ). (UT còn thường gọi là GMT là giờ quốc tế tính theo kinh tuyến Greenwich.) Do đó Trung Quốc luôn luôn đi trước VN một giờ. Khi giờ VN nằm trong khoảng 23:00-24:00 thì  Trung Quốc đã nằm trong khoảng 00:00-01:00 ngày hôm sau. Nếu điểm sóc rơi vào khoảng thời gian 60 phút đó đó thì, theo nguyên tắc căn bản thứ 2 của Âm lịch (câu hỏi Q6), tháng Âm lịch Việt Nam sẽ bắt đầu ngày hôm trước và tháng Âm lịch Trung Quốc sẽ bắt đầu ngày hôm sau. Và nếu tháng đó là tháng giêng thì Tết Việt Nam sẽ tới trước Tết Trung Quốc một ngày!

 

Q13. Tại sao chuyện đó không xảy ra trong Dương lịch?

Có chứ! Một nước ở sát phía đông kinh tuyến 180 tức là Đường Đổi Ngày Quốc Tế (International Date Line) ăn tất cả các lễ tết Dương lịch sau một nước ở sát phía tây KT180 23 giờ, tức là gần một ngày. Việc đó cũng tương tự như Việt Nam ăn Tết Nguyên Đán trước Trung quốc một ngày (thực sự là trước 23 giờ).

 

Q14. Vậy là Âm lịch cũng có "International Date Line"?

Đúng vậy, nhưng nó không nằm một chỗ ở giữa Thái Bình Dương mà mỗi tháng di chuyển tùy theo vị trí của trái đất ở điểm sóc. Khi nó nằm trong múi giờ của Hà Nội thì suốt tháng đó Việt Nam đổi ngày trước tiên, trước Trung Quốc 23 giờ. Không thì Việt Nam đổi ngày sau Trung Quốc 1 giờ.

 

Q15. Có nước nào khác ăn Tết sai với Trung Quốc không?

Vì Hàn quốc nằm trong múi giờ khác Bắc Kinh, nên lâu lâu họ cũng ăn Tết khác ngày, như Việt Nam. Chẳng hạn, năm 1997, Hàn Quốc ăn Tết ngày 8/2 [6] trong khi Trung Quốc và Việt Nam ăn Tết ngày 7/2 [7].

 

Q16. Thời xưa Việt Nam có bao giờ ăn Tết khác với Trung Quốc không?

Theo Hoàng Xuân Hãn [8], lịch thời Lý khác lịch Tống đương thời. Trong khoảng từ đầu thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XVII lịch hai nước giống nhau. Sau đó lại khác nhau cho đến 1813.

 

Q17. Tại sao năm 1985 Tết Việt Nam ăn Tết trước Trung Quốc tới một tháng?

Năm 1984, Đông chí rơi vào 23:22 ngày 21/12 DL, giờ Hà Nội, tức là 00:22 ngày 22/12 DL, giờ Bắc Kinh. Đồng thời, ngày sóc (mồng 1) tháng Âm lịch rơi vào ngày 22/12 DL ở cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội. Sự trùng hợp này khiến, theo nguyên tắc căn bản thứ 3 của Âm lịch (câu hỏi Q6), tháng 11 Âm lịch Việt Nam kết thúc vào 21/12 DL ở Hà Nội, nhưng tháng 11 ÂL Trung Quốc lại khởi đầu 22/12 DL ở Bắc Kinh (xem hình). Do đó Việt Nam dẫn trước Trung Quốc một tháng, và ăn Tết trước một tháng.

 

Năm 1985, điểm Đông chí xảy ra ngay trước khi Việt Nam chuyển sang mồng 1 tháng ÂL mới, và ngay sau khi Trung Quốc vừa sang mồng 1. Do đó Đông Chí nằm ở tháng trước của VN và tháng sau của Trung Quốc. Vì tháng nào có Đông Chí phải là tháng 11 ÂL (nguyên tắc căn bản 3) nên tháng 11 của VN tới trước tháng 11 của TQ.

 

Q18. Tại sao chỉ cách một giờ mà Tết khác nhau một tháng? Thật vô lý!

Lịch tuân theo những nguyên tắc của con người nên đôi khi dẫn tới chuyện "vô lý". Chẳng hạn, người Việt Nam xưa tính tuổi bằng cách cộng thêm một tuổi mỗi ngày Tết. Do đó, nếu A sinh vào giờ cuối của năm cũ và B sinh vào giờ đầu của năm mới thì A sẽ luôn luôn hơn B một tuổi, dù chỉ đẻ trước vài phút!

 

Q19. Tết Việt Nam trước Trung Quốc một tháng thì có hại cho nhà nông không?

Có ý kiến cho rằng, vì năm 1985 Việt Nam ăn Tết "sớm" một tháng nên nhà nông, đồn điền cao su v.v, chới với vì lịch ta hướng dẫn sai về thời tiết [9]. Việc này đã gây tranh luận [10] [11] nhưng dùng những nguyên tắc đã nói trong bài này thì ta thấy ngay là ý kiến trên đó vô căn cứ:

 

  1. Từ thuở xa xưa, nhà nông không bao giờ căn cứ theo ngày tháng âm lịch để trồng trọt. Họ căn cứ theo tiết khí như Lập xuân, Thanh minh, Hạ chí, Đông chí v.v. là những điểm mốc dương lịch, luôn luôn có in trên lịch truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam.
  2. Ngày Tết luôn luôn di chuyển giữa 21/1 DL và 21/2 DL. Tết Trung Quốc hay Tết Việt Nam đều di dịch như vậy, do đó nông dân không bao giờ dựa vào ngày tháng Âm lịch.

 

Q20. Vậy năm 1985 Việt Nam hay Trung Quốc ăn Tết đúng hơn?

Cả hai đều đúng vì đều tuân theo ba nguyên tắc căn bản của Âm lịch (Q6). Tuy nhiên, xét theo ba quy tắc ước tính ngày Tết (xem câu hỏi Q11) thì ngày Tết Việt Nam 1985 tuân theo cả ba quy tắc, còn ngày Tết Trung Quốc sai mất quy tắc 2 và 3. Tức là, ngày Tết 1985 của Việt Nam gần khí Lập xuân hơn Tết của Trung Quốc! Tết Việt Nam là ngày 21/1, trước Lập xuân 14 ngày, còn Tết Trung Quốc là ngày 20/2, sau Lập xuân 16 ngày. Nhà nghiên cứu lịch Aslaksen của đại học Singapore cũng viết: "[Rules 2 and 3] failed in 1985 [for China]) [3]. Tuy nhiên vì chỉ là luật ước tính (rule of thumb) nên điều đó không quan trọng.

 

Q21. Ngày Âm lịch bắt đầu từ nửa đêm hay 11 giờ đêm?

Có người cho rằng giờ Tý bắt đầu lúc 23:00 và kết thúc lúc 1:00 sáng, mà giờ Tý là giờ đầu tiên trong ngày, do đó ngày Âm lịch phải kể như bắt đầu lúc 23:00 chứ không phải nửa đêm. Do đó, phải sửa lại nguyên tắc căn bản số 2 của Âm lịch thành "ngày bắt đầu lúc 23:00 giờ" [9]. Nếu tính theo cách đó thì Tết 2007 Việt Nam và Trung Quốc ăn cùng ngày. Dĩ nhiên, vẫn có những năm hai nước ăn khác ngày, vì dù "ngày" được định nghĩa thế nào đi nữa thì vẫn không thể tránh được trường hợp điểm sóc rơi vào giờ cuối ngày của Việt Nam và giờ đầu ngày của Trung Quốc!

Tuy nhiên, tất cả các tài liệu về lịch học Á Đông đều cho biết rằng ngày phải tính từ nửa đêm. Nguyên tắc này đã có ít ra là từ đời Hán, trong lịch Thái sơ (144BC) [2], và chắc còn sớm hơn nữa. Nguyên tắc đó cũng ghi rõ ràng trong sách Uyên Hải Tử Bình đời Tống [12].

 

Q22. Tại sao "ngày tử vi" và "ngày lịch" khác nhau?

Câu hỏi này khó trả lời khi mà ta không có những tài liệu lịch sử từ thời Âm lịch và tử vi mới thành hình, nhưng cũng có thể suy luận như sau. Khi làm lịch, các công thức tính toán phải căn cứ vào những mốc rõ rệt, không mập mờ (dù là đo lường không chính xác thì công thức cũng phải chính xác). Mốc căn bản để tính ngày, như ta đã thấy, là giờ giữa trưa hay Ngọ, khi mà bóng mọi vật ngắn nhất trong ngày. Vậy giờ Ngọ của nhà thiên văn phải định nghĩa là điểm giữa trưa, 12:00. Điều đó cũng phù hợp với thanh ngữ "đúng ngọ" trong tiếng Việt thường ngày. Tý là trung điểm giữa hai Ngọ, nên phải là đúng nửa đêm. Khi cần thiết chia ngày ra thành những đơn vị nhỏ hơn, nhà thiên văn bèn chia ngày thành 12 giờ: Tý (00:00), Sửu (02:00), Dần (04:00), v.v. cũng như nhà thiên văn Tây phương chia ngày thành 24 giờ.

Nhà tử vi, khi dựa vào giờ giấc của nhà thiên văn, sẽ có vấn đề là hầu hết nhân loại không sinh vào ngay những thời điểm mốc đó mà đều chệch ít nhiều, vậy phải tính làm sao? Cách giải quyết dĩ nhiên là nếu sinh gần giờ mốc nào nhất thì tính tử vi theo giờ đó. Do đó giờ Tý (00:00) vào tay nhà tử vi trở thành 00:00 ± 60 phút, tức là từ 23:00 tới 01:00. Từ ý nghĩa thời điểm (time point) của nhà thiên văn, những giờ Tý, Sửu v.v. trở thành những khoảng thời gian (time interval) 120 phút. Người sinh ra lúc 23:01 ngày hôm trước được gộp chung với giờ Tý của ngày hôm sau, hay cũng có thể nói là ngày của nhà tử vi bắt đầu lúc 23:00. Tuy nhiên, đây là chuyện nằm ngoài lịch học, là một khoa học chính xác (exact science).

Để kiểm chứng, ta hãy xem vài ngày Tết gần đây của Trung Quốc để xem họ tính ngày từ 23:00 hay từ 00:00:

 

1997: điểm sóc ở Bắc Kinh là 23:06 ngày 7/2, Trung Quốc ăn Tết 7/2

1988: điểm sóc ở Bắc Kinh là 23:54 ngày 17/2, Trung Quốc ăn Tết 17/2

1966: điểm sóc ở Bắc Kinh là 23:46 ngày 21/1, Trung Quốc ăn Tết 21/1

1944: điểm sóc ở Bắc Kinh là 23:24 ngày 25/1, Trung Quốc ăn Tết 25/1

 

Nói tóm lại, ngày Âm lịch của nhà tử vi (và những người tin tử vi, tức là hầu hết dân Trung Hoa) có thể coi là bắt đầu lúc 23:00, nhưng nhà làm lịch luôn luôn tính từ nửa đêm.

 

Q23. Lễ tết truyền thống Á Đông dựa theo Âm lịch hay Dương lịch?

Thoạt nghe câu hỏi tưởng như đùa, vì đã truyền thống thì làm sao dựa theo Dương lịch được. Tuy nhiên, có hai ngày lễ của Trung Hoa là Thanh minh và Đông chí dựa theo tiết khí, tức là theo vị trí của trái đất quanh mặt trời, tức là theo dương lịch. Thanh Minh luôn luôn vào 4 hay 5/4 DL và Đông chí vào 21 hay 22/12. Câu "Thanh minh trong tiết tháng ba" (tháng 3 ÂL) của Nguyễn Du không luôn luôn là đúng, vì Thanh minh có thể rơi vào tháng tư ÂL!

 

Q24. Phải chăng Âm lịch ngày nay là do người Tây phương làm giúp Trung Hoa?

Những nguyên tắc căn bản của Âm lịch (câu hỏi Q6) rất giản dị, nếu cứ mỗi tháng (đêm không trăng) nhòm trời rồi tính lịch một lần theo những dữ kiện thiên văn thì cũng dễ. Vấn đề là tìm ra những quy tắc và công thức tính lịch để có thể tính trước cả năm mà không sai lệch. Tính tháng mà sai thì hậu quả thấy ngay trước mắt: đêm cuối tháng mà có trăng, rằm mà trăng méo! Tính tiết khí sai thì mùa sẽ sai lệch, nhà nông sẽ mất mùa. Ngoài ra, chức vụ nữa của nhà thiên văn là phải tiên đoán chính xác nhật thực, nguyệt thực.

Muốn tính cho đúng thì phải có những dữ kiện chính xác về sự tuần hoàn vận chuyển của trái đất, mặt trăng và mặt trời. Vì vậy, Âm lịch đã được cải tổ nhiều lần, lần mới đây nhất là vào năm 1645 (lịch Thời Hiến) khi các giáo sĩ dòng Tên đem tới Trung Hoa những kiến thức thiên văn chính xác hơn của Tây phương. Giáo sĩ Adam Schall (Thang Nhược Vọng) được vua hai nhà Minh và Thanh giao cho nhiệm vụ cải cách lịch. Tuy nhiên, những nguyên tắc căn bản nói trên (câu hỏi Q6) thì vẫn giữ nguyên. Cải cách quan trọng nhất, như ta đã thấy, là lịch 1645 tính tiết khí theo vị trí thật của mặt trời (tức là theo vị trí của trái đất trên quỹ đạo), nên khoảng cách giữa các tiết khí không còn đều đặn mà thay đổi theo mùa. Cách tính tháng nhuận do đó cũng rắc rối hơn: trước kia, mỗi năm Dương lịch có 12 trung khí cách đều nhau, nên cứ tháng nào không chứa trung khí thì coi là tháng nhuận. Từ sau 1645 thì một tháng có thể có tới hai trung khí và tháng không nhuận cũng có thể không có trung khí.

 

Q25. Tại sao phải dịnh lại tiết khí theo đúng vị trí mặt trời cho rắc rối mà không chia đều như trước?

Nếu chia một năm dương lịch (từ Đông chí tới Đông chí) thành 24 tiết khí đều nhau như trước 1645 thì cũng không có tác dụng gì, trừ việc tính nhật thực, nguyệt thực. Các vua Trung Hoa cần tiên đoán nhật thực nguyệt thực chính xác, vì nhật thực xảy ra bất ngờ là điềm xấu, mất mệnh trời, sinh giặc giã! Có người còn cho rằng các giáo sĩ cố ý làm cho Âm lịch rắc rối hơn để giữ độc quyền coi thiên văn trong triều đình Trung Hoa, vì lúc ấy toán học và thiên văn của Trung Hoa đang suy đồi nên không có khả năng tính chính xác vị trí mặt trời.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

 [1] Hồ Ngọc Đức, Ho Ngoc Duc's Vietnamese lunar calendar. http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/amlich/vncal_en.html

 

[2] Lim NF, Ong SJ, Teo CL, Yang SY, Zu Chongzhi and the Chinese Calendar Reform of 462 AD. http://www.math.nus.edu.sg/aslaksen/gem-projects/hm/Zu_Chongzhi.pdf.

 

[3] Aslaksen H., The Mathematics of the Chinese Calendar, http://www.math.nus.edu.sg/aslaksen/calendar/cal.pdf

 

 [4] U.S. Naval Observatory, Phases of the Moon, http://aa.usno.navy.mil/data/docs/MoonPhase.html

 

[5] U.S. Naval Observatory, Earth's Seasons, Equinoxes, Solstices, Perihelion, and Aphelion, http://aa.usno.navy.mil/data/docs/EarthSeasons.html

 

[6] Sollal: Korean New Year Celebration. http://www.pusanweb.com/Exit/Jan97/sollal.htm  

 

 [7] Chinese Lunar New Year Day and Zodiac Animals, http://www.chinesefortunecalendar.com/NewYearDays.htm

 

[8] Hoàng Xuân Hãn, Lịch và lịch Việt Nam, theo Đoan Hùng, Lịch Ta, Lịch Tàu và sự khác biệt, http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1487

 

 [9] Trần Gia Phụng, Mồng 1 Tết năm nay, ngày 17 hay 18/02/2007? http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1472

 

[10] Đoan Hùng, Mồng Một Tết: Ngày 17 hay 18? Trả lời ông Trần Gia Phụng. http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1550 và http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1564

 

[11] Lê Bắc, Mồng 1 Tết Đinh Hợi, ngày 17 hay 18 tháng 2, 2007? http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1494

 

[12] Yu J, The Four Pillars of Destiny - An Introduction. http://www.astro-fengshui.com/astrology/fourpillar_intro.html

 

[13] Aslaksen H., The Mathematics of the Chinese Calendar, http://www.math.nus.edu.sg/aslaksen/calendar/chinese.shtml

 

[14] Aslaksen H., When is Chinese New Year?, http://www.math.nus.edu.sg/aslaksen/calendar/cal2.pdf

 

[15] Doggett LE, Calendars. http://astro.nmsu.edu/~lhuber/leaphist.html.

 

[16] Western-Chinese Calendar Converter, http://www.mandarintools.com/calendar.html

 

[17] Ngo Van Quy, The Chinese and Vietnamese Calendars and Chronologies, Scientific Computing, Corrimal, Australia, 2000.

 

 

           © http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Phạm Quang Tuấn

 

 

23/1/24

Sở kiến

 所見 

牧童騎黃牛,
歌聲振林樾。
意欲捕鳴蟬,
忽然閉口立。
袁枚

Âm

Mục đồng kỵ hoàng ngưu,
Ca thanh chấn lâm việt.
Ý dục bộ minh thiền,
Hốt nhiên bế khẩu lập.

Nghĩa

Điều trông thấy.
Đứa trẻ chăn trâu cưỡi con trâu vàng, tiếng ca lay động cả bóng cây bên đường.
Ý muốn bắt con ve đang kêu, nên bỗng dưng cậu ngậm miệng lại đứng yên.

Tạm dịch

Chú bé cưỡi trâu vàng,
Miệng cất tiếng ca vang.
Muốn bắt chú ve nhỏ,
Miệng thình lình ngậm tăm.

Giản

牧童骑黄牛,歌声振林樾。意欲捕鸣蝉,忽然闭口立

注釋

牧童 mục đồng: trẻ chăn trâu.

chấn: chấn động, vang dội, ý nói giọng hát rất to.

林樾 lâm việt: chỉ cây râm mát ven đường.

dục: mong muốn, 想要。

bộ tróc bắt.

minh: khiêu kêu.

Viên Mai (1716-1797) hiệu Tùy Viên lão nhân, là nhà thơ, nhà văn tiêu biểu thời đầu nhà Thanh. Ông là tác giả tập Tùy Viên thi thoại nổi tiếng từng được dịch qua tiếng Việt.



20/1/24

TÌM HIỂU VỀ CHỮ "SỞ" (所) TRONG TIẾNG HÁN CỔ


Nguyễn Hoàng Thân

Trong tiến trình lịch sử, nền văn hóa Việt Nam có một thời gian dài chịu ảnh hưởng nhưng cũng đồng thời biết tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa Trung Quốc. Cố nhiên, con đường giao lưu văn hóa ấy chính là nhờ vào ngôn ngữ. Nói một cách cụ thể hơn, văn tự Hán, ngôn ngữ Hán có một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Nền giáo dục khoa cử bằng Hán học kéo dài mười thế kỷ cho đến năm 1919 trở về sau, chữ Hán dần mất đi uy quyền của nó, nhường chỗ cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ.
Nhưng mấy năm gần đây, phong trào học tập và nghiên cứu tiếng Hán, văn hóa Hán phát triển mạnh. Chương trình tiếng Hán lớp 6 đã được dạy thí điểm ở một số nơi. Điều đáng mừng hơn là các tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu tiếng Hán (cổ đại và hiện đại), cũng như các tác phẩm dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt ngày càng phong phú. Đó cũng chính là một trong những yếu tố và điều kiện để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hẳn ai là người giảng dạy Trung văn và Hán Nôm sẽ rất vinh dự về điều đó. Bài viết nghiên cứu của tôi là: Tìm hiểu về chữ “sở” (所) trong tiếng Hán cổ. Ở đây tác giả tập hợp, trích dịch các vấn đề có liên quan đến chữ “sở” từ nhiều tài liệu khác nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh, chặt chẽ, có thứ tự. Hiển nhiên mục đích của bài viết này là nhằm góp phần nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về chữ “sở” trong tiếng Hán cổ. (Trong báo cáo này tên gọi “chữ” mà tác giả sử dụng cũng có nghĩa là “từ”).
Kho tàng chữ Hán có số lượng rất đồ sộ, trên 6 vạn chữ (1). Tuy nhiên đối với chúng ta học tập và nghiên cứu tiếng Hán, văn hóa Hán thì có thể chỉ cần nắm khoảng ba ngàn chữ (tam thiên tự), hoặc 3500 chữ (2). Trong số đó có chữ “sở”. ở bảng từ vựng tối thiểu của sách Cơ sở ngữ văn Hán Nôm có 1443 chữ (từ) và ở Danh sách các âm tiết Hán Việtcó sức sản xuất cao của sách Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả có 250 âm tiết thì cũng đều giảng nghĩa về chữ “sở”. Như vậy chữ “sở” là từ thường hay sử dụng trong tiếng Hán. Để hiểu sâu thêm về chữ “sở” này, tác giả sẽ nghiên cứu nó trên ba mặt: hình thể, từ nghĩa, từ pháp.
I. Hình thể
Chữ “sở” gồm 8 nét; tra theo bộ “cân”; thuộc kết cấu trái phải; là chữ hình thanh: bên phải là phần hình, bên trái là phần thanh(3).
II. Từ nghĩa và từ pháp
Nghĩa gốc của “sở” là âm thanh của tiếng đốn cây đẵn gỗ(4), Kinh Thi có câu: “Phạt mộc sở sở”(5) 伐 木 所 所. Để cho thuận tiện, tác giả nghiên cứu gộp từ “sở” trên cả mặt từ nghĩa và từ pháp.
“Sở” dùng làm danh từ, trợ động từ, số từ, lượng từ, đại từ, liên từ, trợ từ.

1. Dùng làm danh từ có các nghĩa sau:
+ Nơi, chốn(6):
a. Trụ sở 住 所 (chỗ ở)
b. Các đắc kỳ sở 各 得 其 所 (đâu vào đó cả).
+ Viện, sở, đồn(7):
a. Nghiên cứu sở 研 究 所 (viện nghiên cứu)
b. Phái xuất sở 派 出 所 (đồn công an)
c. Chỉ huy sở 指 揮 所 (sở chỉ huy)
d. Dục chí hà sở? 欲 至 何 所? (Muốn đến nơi đâu?). (Tống Định Bá tróc quỉ)(8).
e. Công triều ư vương sở 公 朝 於 王 所 (Công thần quay mặt về phía nhà vua). (Tả truyện - Hi công nhị thập bát niên)(9).
+ Nơi đóng quân thời Minh, lớn gọi là Thiên hộ sở 千 戶 所, nhỏ gọi là Bách hộ sở 百 戶 所, bây giờ chỉ dùng cho địa danh: Hải Dương sở 海 陽 所 (ở Sơn Đông), Tiền sở 前 所 (ở Chiết Giang)(10).
+ Họ (tộc) Sở. Ví dụ:
Hán đại hữu Sở Trung 漢 代 有 所 忠 (Đời Hán có Sở Trung)(11).

2. Dùng làm trợ động từ: có nghĩa là có thể. Ví dụ:
“Tất dục tranh thiên hạ, phi Tín vô sở dữ kế sự giả 必 欲 爭 天 下, 非 信 無 所 與 計 事 者 Muốn tranh giành thiên hạ, không có Hàn Tín thì không thể bàn mưu tính kế được). (Sử kí - Hoài Âm hầu liệt truyện)(12).
3. Dùng làm số từ: chỉ số ước lượng, có nghĩa là: chừng, độ, vài. Ví dụ:
a. Phụ khứ lý sở phục hoàn 父 去 里 所 復 還. (Người già đi vài dặm, (muốn) quay lại). (Hán thư - Trương Lương truyện)(13).
b. “Tòng đệ tử nữ thập nhân sở. 從 弟 子 女 十 人 所 (Đệ tử nữ đi theo có khoảng mười người). (Tây Môn Báo trị Nghiệp)(14).
4. Dùng làm lượng từ: có nghĩa là: ngôi, tòa, sở, thửa. Ví dụ:
a. Lâu phòng nhất sở 樓 房 一 所 (một tòa lầu)(15).
b. Lưỡng sở học hiệu 兩 所 學 校 (hai ngôi trường)(16).
c. Ly cung biệt quán, tam thập lục sở. (離 宮 別 館 , 三 十 六 所. (Ban Cố - Tây đô phú)(17).
5. Dùng làm đại từ: có nghĩa là: đây, này, gì, cái gì… Ví dụ:
a. Tề vong địa nhi vương gia thiện, sở phi kiêm ái chi tâm dã 齊 亡 地 而 王 加 膳, 所 非 兼 愛 之 心 也 Nước Tề mất đất mà vua lại không tiết kiệm, đây không phải là lòng kiêm ái vậy). (Lã thị xuân thu - Thẩm ưng)(18).
b. Vấn đế băng sở bệnh? 問 帝 崩 所 病 (Hỏi vua chết (vì) bệnh gì ?). (Hán thư - Lưu Đán truyện)(19).

Chữ “sở” cũng là một đại từ chỉ thị đặc biệt, nó thông thường dùng trước động từ cập vật kết hợp với động từ hợp thành một ngữ danh từ biểu thị “điều mà…”, “cái mà…”, “người mà…”. Nói chung tất cả cái mà chữ “sở” thay thế là đối tượng của hành vi. Ví dụ:
a. Đoạt kì sở tăng nhi dữ kì sở ái 奪 其 所 憎 而 與 其 所 愛 (Tước đoạt (gạt bỏ) điều ghét của nó mà đem lại điều yêu của nó). (Chiến quốc sách - Triệu sách).
b. Quản Trọng, Tăng Tây chi sở bất vi dã 管 重, 曾 西 之 所 不 為 也 . (Như ông Quản Trọng, ông Tăng Tây còn không thèm làm). (Mạnh Tử - Công Tôn Sửu thượng).
c. Quân tử ư kì sở bất tri, cái khuyết như dã 君 子 於 其 所 不 知, 蓋 闕 如 也 (Người quân tử đối với cái mình chưa biết thì chưa quyết (định)). (Luận ngữ - Tử Lộ).
d. Vương chi sở đại dục khả đắc văn dư? 王 之 所 大 欲 可 得 聞 與? (Điều dục vọng lớn của nhà vua có thể cho tôi nghe được không ? ). (Mạnh Tử - Lương Huệ Vương thượng).

Do cụm từ mà chữ “sở” sau khi kết hợp với động từ hợp thành mang tính danh từ, vì vậy có thể được định ngữ tu sức (thông thường dùng giới từ chữ “chi” (之) làm giới từ), ví dụ: “Tăng Tây chi sở bất vi”, “quân chi sở tri”,… Chữ “kì” (其) thay thế một danh từ thêm “chi”, vì vậy có thể làm định ngữ của cụm từ chữ “sở”, ví dụ “kì sở tăng”, “kì sở ái”.
Cụm từ chữ “sở” tuy có tính danh từ, nhưng nếu tách rời câu văn trên dưới, bản thân nó nói chung không thể biểu thị rõ ràng người hay vật, càng không thể biểu thị cụ thể người gì, vật gì. Vì vậy còn có thể thêm danh từ vào sau động từ, thay thế tên gọi của người hoặc sự vật. Ví dụ:
a. Trọng Tử sở cư chi thất, Bá Di chi sở trúc dư? ức diệc Đạo Chích chi sở trúc dư? Sở thực chi túc, Bá Di chi sở thụ dư? ức diệc Đạo Chích chi sở thụ dư? Thị vị khả tri dã 仲 子 所 居 之 室 伯 夷 之 所 築 與? 抑 亦 盜 跖 之 所 築 與 所 食 之 粟 伯 夷 之 所 樹 與 抑 亦 盜 跖 之 所 樹 與? 是 未 可 知 也. (Nhà Trọng Tử ở do Bá Di làm ra hay Đạo Chích làm ra? Hạt thóc (Trọng Tử) ăn do Bá Di trồng ra hay Đạo Chích trồng ra ? Điều này chưa thể biết được). (Mạnh Tử - Đằng Văn công hạ).
b. Quang bất cảm dĩ đồ quốc sự, sở thiện Kinh Khanh khả sử dã. 光 不 敢 以 圖 國 事, 所 善 荊 卿 可 使 也. (Sử kí - Thích khách liệt truyện).
Chúng ta còn phải chú ý với sự giống khác nhau của “sở” và “giả” (者) sau khi kết hợp với động từ cập vật. Ví dụ “sở kiến” 所 見 chỉ ra đối tượng của “kiến” 見, “kiến giả” 見 者 chỉ ra người chủ động của hành vi. Thử so sánh:
+ Thủy thần chi giải ngưu chi thời, sở kiến vô phi ngưu dã 始 臣 之 解 牛 之 時, 所 見 無 非 牛 也. (Khi mới đầu làm nghề mổ bò, thần nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn là bò). (Trang Tử - Dưỡng sinh chủ).
+ Kiến giả kinh do quỉ thần 見 者 驚 猶 鬼 神 (Người mà được nhìn thấy đều kinh ngạc, cho rằng (khéo) giống quỉ thần). (Trang Tử - Đạt sinh).
Nhưng, nếu trước động từ dùng chữ “sở”, như vậy chữ “giả” sau động từ sẽ thay thế đối tượng của hành vi, lúc này chữ “sở” có vai trò nêu lên đối tượng hành vi, cụm từ “sở… giả” vẫn có tính danh từ. Ví dụ:
a. Sở ái giả, náo pháp hoạt chi; sở tăng giả, khúc pháp chu diệt chi 所 愛 者, 撓 法 活 之; 所 憎 者 曲 法 硃 滅 之. (Cái mà mình yêu, tìm cách làm cho nó sống; cái mà mình ghét, tìm cách bẻ cong để tiêu diệt nó) (Sử kí - Khốc sử liệt truyện).
b. Kì sở thiện giả, ngô tắc hành chi; kì sở ác giả, ngô tắc cải chi 其 所 善 者, 吳 則 行 之; 其 所 惡 者, 吳 則 改 之. (Đối với điều thiện, ta sẽ thực hành; đối với điều ác ta sẽ thay đổi nó). (Tả truyện - Nhương công tam thập nhất niên).
c. Mạnh Thường Quân viết: “Thị ngô gia sở quả hữu giả” 孟 常 君 曰: “視 吳 家 所 寡 有 者”. (Mạnh Thường Quân nói: “Xem nhà ta thiếu cái gì thì mua cái đó”). (Chiến quốc sách - Tề sách).
Chữ “sở” lại thường dùng trước giới từ “tòng” (從), “dĩ” (以), “vị” (為), “dữ” (與)… thay thế đối tượng mà giới từ giới thiệu, chúng biểu thị nơi chốn của hành vi phát sinh, công cụ thủ đoạn và phương pháp để hành vi thực hiện, nguyên nhân sản sinh hành vi nào đó, người vật có liên quan với hành vi. Cụm từ mà chữ “sở” kết hợp với giới từ và động từ (hoặc cụm từ động tân) sau giới từ cũng mang tính danh từ. Ví dụ:
a. Sở nhân hữu thiệp giang giả, kì kiếm tự chu trung trụy ư thủy, cự khế kì chu, viết: “Thị ngô kiếm chi sở tòng trụy” 楚 人 有 涉 江 者, 其 劍 自 舟 中 墜 於 水, 遽 契 其 舟, 曰: “是 吳 劍 之 所 從 墜”. (Có người nước Sở qua sông, thanh kiếm của ông ta rơi từ trên thuyền xuống nước, bèn khắc vào thuyền đó, bảo: “Đây là chỗ kiếm của tôi rơi.) (Lã thị xuân thu - Sát kim). Biểu thị nơi kiếm rơi.
b. Bỉ binh giả, sở dĩ cấm bạo trừ hại, phi tranh đoạt dã 彼 兵 者, 所 以 禁 暴 除 害, 非 爭 奪 也. (Đội quân này là cái dùng để dẹp loạn trừ hại, không phải là để tranh đoạt vậy). (Tuân Tử - Nghị binh). Biểu thị công cụ dùng để ngăn chặn bạo hành trừ loại tai hại.
c. Kì kiệt lực trí tử, vô hữu nhị tâm, dĩ tận thần lễ, sở dĩ báo dã 其 碣 力 致 死, 無 有 二 心, 以 盡 臣 禮, 所 以 報 也. ((Ông ta) hết lòng tận trung đến khi chết, làm tròn đạo bề tôi để báo đáp (quân ân).) (Tả truyện - Thành công tam niên). Biểu thị phương thức dùng để báo đáp.
d. Nho dĩ văn loạn pháp, hiệp dĩ võ phạm cấm, nhi nhân chủ kiêm lễ chi, thử sở dĩ loạn dã 儒 以 文 亂 法, 俠 以 武 犯 禁, 而 人 主 兼 禮 之,此 所 以 亂 法. (Nho lấy văn để làm loạn pháp luật, Hiệp lấy (dựa vào) võ mà phạm điều cấm kị, (ấy thế mà) nhà vua giữ lễ đối với họ (dùng họ), cái đó là đầu mối của loạn vậy). (Hàn Phi Tử - Ngũ đố). Biểu thị nguyên nhân của loạn.
e. Cổ chi nhân sở dĩ đại quá nhân giả vô tha yên, thiện suy kì sở vi nhi dĩ hĩ 古 人 所 以 大 過 人 者 無 他 焉, 善 推 其 所 為 而 已 矣. (Người đời xưa sở dĩ hơn xa mọi người, không phải là có cớ gì khác, (chỉ là) khéo suy rộng ra những việc làm (về đạo nghĩa) mà thôi). (Mạnh Tử - Lương Huệ vương thượng). Biểu thị nguyên nhân của việc hơn người, chữ “giả” là đại từ nhân xưng, chữ “sở” là chỉ thị.
f. Lương nãi triệu cố sở tri hào lại, dụ dĩ sở vị khởi đại sự 梁 乃 召 故 所 知 豪 吏, 諭 以 為 所 起 大 事. (Lương bèn triệu tập quan lại và hào kiệt đã quen biết từ trước, hiểu dụ duyên cớ khởi nghĩa). (Sử kí - Hạng Vũ bản kỉ). Biểu thị nguyên nhân của khởi đại sự.
g. Sở vị kiến tướng quân giả, dục dĩ trợ Triệu dã 所 為 見 將 軍 者, 欲 以 助 趙 也. (Sở dĩ gặp tướng quân là muốn cứu Triệu). (Chiến quốc sách - Triệu sách). Biểu thị nguyên nhân của sự gặp tướng quân, chữ “giả” là đại từ nhân xưng, chữ “sở” chỉ thị.
h. Kì thê vấn sở dữ ẩm thực giả, tắc tận phú quí dã 其 妻 問 所 與 飲 食 者, 則 盡 富 貴 也. (Người vợ hỏi ăn uống với ai thì (chồng) đều (trả lời ăn uống) với người phú quý). (Mạnh Tử - Ly lâu hạ). Biểu thị người ăn uống với ai đó. “Chữ giả” là đại từ nhân xưng, chữ “sở” chỉ thị.
Trên thực tế chữ “sở” của tiếng Hán cổ vốn có thể trực tiếp dùng trước động từ cập vật, động từ không cập vật và cụm từ động tân, thay thế các mặt có liên quan với hành vi trình bày ở trên, không cần giới từ biểu thị. Ví dụ:
a. Kí chi bắc thổ, mã chi sở sinh, vô hưng quốc yên 冀 之 北 土, 馬 之 所 生, 無 興 國 焉.(Phần đất phía bắc đất (châu) Kí là nơi sinh của ngựa, không hưng quốc được). (Tả truyện - Chiêu công tứ niên). “Sở” thay thế nơi chốn của sinh.
b. Kì bắc lăng, Văn Vương chi sở tịch phong vũ dã 其 北 陵, 文 王 之 所 辟 風 雨 也. (Bắc lăng này là nơi mà Văn Vương tránh mưa gió). (Tả truyện - Hi công tam thập nhị niên). “Sở” thay thế nơi chốn của tránh mưa.
c. Nam phương hữu điểu yên, danh viết Mông cưu, dĩ vũ vi sào, nhi biên chi dĩ phát, hệ chi vi điều. Phong chí điều chiết, noãn phá tử tử. Sào phi bất hoàn dã, sở hệ giả nhiên dã 南 方 有 鳥 焉, 名 曰 蒙 鳩, 以 羽 為 巢, 而 編 之 以 髮,繫 之 葦 苕, 風 至 苕 折, 卵 破 子 死. 巢 非 不 還 也, 所 繫 者 然 也.(Phương Nam có loài chim, tên gọi là Mông cưu, lấy lông vũ làm tổ, kết tổ bằng lông tơ, buộc tổ bằng cành lau. Gió đến cành lau gãy, trứng vỡ con chết. Chẳng phải là do tổ không làm xong, mà do chỗ buộc tổ vậy). (Tuân Tử - Khuyến học). Chú ý: đối tượng của “hệ” là “sào”, nơi chốn của “hệ sào” là “vi điều”, “sở hệ giả” chỉ “vi điều”. “Giả” là đại từ nhân xưng, “sở” chỉ thị.
d. Tây phương hữu mộc yên, danh viết Xạ can, kính trường tứ thốn, sinh ư cao sơn chi thượng, nhi lâm bách nhận chi uyên. Mộc kính phi năng trưởng dã, sở lập giả nhiên dã 西 方 有 木 焉, 名 曰 射 干, 莖 長 四 寸, 生 於 高 山 之 上, 而 臨 百 仞 之 淵. 木 莖 非 能 長 也, 所 立 者 然 也.(Phương Tây có một loài cây, gọi nó là Xạ can, cành dài bốn tấc, sinh (mọc) ở đỉnh núi cao, bên vực sâu trăm nhẫn, không phải cành cây không dài (lớn) mà do cái chỗ nó đứng (mọc) vậy). “Sở lập giả” biểu thị nơi chốn của “lập”, chỉ núi cao.
e. Lan hòe chi căn thị vi chỉ, kì tiệm chi tu, quân tử bất cận, tiểu nhân bất phục. Kì chất phi bất mĩ dã, sở tiệm giả nhiên dã 蘭 槐 之 根 是 為 芷, 其 漸 之 滫 , 君 子 不 近, 小 人 不 服. 其 質 非 不 美 也, 所 漸 者 然 也. (Rễ của cây lan hòe là chỉ, nó ngấm nước bẩn, quân tử không gần, tiểu nhân không phục. Chất của nó không phải không (tốt) đẹp, mà do chỗ nước bẩn vậy) ? Chú ý: đối tượng của “tiệm” là “chỉ”, thứ dùng để “tiệm chỉ”, “sở tiệm giả” chỉ “tu”.
f. Đại quan đại ấp, thân chi sở tí dã. 大 官 大 邑, 身 之 所 庇 也. (Đại quan đại ấp là cái để bảo hộ (che chở) cho thân). (Tả truyện - Nhương công tam thập nhất niên).
g. Nặc, tứ quân chi sở sử chi! 諾, 恣 君 之 所 處 之. (Vậy, ngài tùy ý đi đến nơi (ngài phải đi)). (Chiến quốc sách - Triệu sách).
h. Tha nhật, Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du dĩ Hữu Nhược tự thánh nhân, dục dĩ sở sự Khổng Tử sự chi, cưỡng Tăng Tử. 他 日, 子 夏, 子 張, 子 游 以 有 若 似 聖 人, 欲 以 所 事 孔 子 事 之, 強 曾 子. (Ngày khác, Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du cho là Hữu Nhược giống thánh nhân, muốn đem cái lễ trước kia thờ Khổng Tử mà thờ ông ấy, cưỡng ép Tăng Tử (nghe theo)). (Mạnh Tử - Đằng Văn Công thượng)
i. Bỉ Tăng, Sử Dương, Mặc, Sư Khoáng, Công Thùy, Ly Chu, giai ngoại kì đức, nhi dĩ thược loạn thiên hạ giả dã, pháp chi sở vô dụng dã 彼 曾, 史 楊, 墨, 師 曠,公 垂, 離 朱, 皆 外 立 其 德 而 以 爚 亂 天 下 者 也. 法 之 所 無 用 也. (Bọn Tăng Sâm, Sử, Dương, Mặc, Sư Khoáng, Công Thùy, Ly Chu kia đều lấy (cái khéo) của mình ra lòe người, mê hoặc thiên hạ, những trò ấy của họ vô dụng vậy). (Trang Tử - Khư khiếp).
j. Tà uế tại thân, oán chi sở cấu 邪 穢 在 身, 怨 之 所 構. (Tuân Tử - Khuyến học).
Cách dùng này rất đặc biệt, thực ra nên nói đây cũng là cách dùng cơ bản của chữ “sở” trong tiếng Hán cổ. Về sau sự vận dụng của giới từ ngày càng phổ biến, xuất hiện “sở tòng…”, “sở dĩ...”, “sở vị…”, “sở dữ…”…; nhưng cách dùng ấy, không hoàn toàn được thay thế bởi loại kết cấu mới phát triển này. Vì vậy, chúng ta trong cùng một tác phẩm vừa có thể gặp cách nói “đại quan đại ấp, thân chi sở tí dã”, lại vừa có thể nhìn thấy cách nói “đại quan đại ấp, sở dĩ tí thân dã”.
Trong tiếng Hán cổ, chữ “sở” còn có thể dùng trước một số từ ngữ nào đó có tính danh từ, thay thế đối tượng được miêu tả. Cụm từ tổ thành như vậy cũng có tính danh từ. Ví dụ:
a. Sát sở bất túc nhi tranh sở hữu dư, bất khả vị trí 殺 所 不 足 而 爭 所 有 餘, 不 可 謂 智. (Giết hại nhân dân (có) ít ỏi lại tranh cướp đất đai (có) dồi dào không thể gọi là thông minh). (Mặc tử - Công Thâu).
b. Phù xử cùng lư ngách hạng, khốn quẫn chức lý, cảo hạng hoàng quắc giả, thương chi sở đoản dã; nhất ngộ vạn thặng chi chủ nhi tòng xa bách thặng giả, thương chi sở trường dã 夫 處 窮 閭 厄 巷. 困 窘 織 履, 搞 項 黃 馘 者, 商 之 所 短 也; 一 遇 萬 乘 之 主 而 從 車 百 乘 者, 商 之 所 長 也. ((Tôi) ở nơi hẻm nhỏ nghèo nàn đến nỗi phải tự đan dép, đói đến nỗi mặt vàng gầy rạc, đó là chỗ sở đoản không bằng người. Bỗng gặp vua một nước vạn cỗ xe nghe lời tôi mà tặng tôi trăm cỗ xe, đó là chỗ sở trường hơn người của tôi). (Trang Tử - Liệt Ngự Khấu).
Nhưng cách dùng này thường ít thấy trong sách cổ.
Trong tiếng Hán cổ, chúng ta thường nhìn thấy cách nói “hữu sở…” 所 有, “vô sở…” 無 所, “hà sở…” 何 所. Ví dụ:
a. Bình nguyên quân do dự, vị hữu sở quyết 平 原 君 猶 豫, 未 有 所 決. (Bình Nguyên Quân do dự, chưa có quyết định nào cả). (Chiến quốc sách - Triệu sách).
b. Cố nhân bất độc thân kì thân, bất độc tử kì tử, sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trưởng, căng quả cô độc phế tật giả giai hữu sở dưỡng, nam hữu phận, nữ hữu qui 故 人 不 獨 親 其 親, 不 獨 子 其 子, 使 老 有 所 終,壯 有 所 用, 幼 有 所長, 矜 寡 孤 獨 廢 疾 者 皆 有 所 養, 男 有 分, 女 有 歸. (Cho nên người ta không chỉ lo cho người thân của mình, không chỉ lo cho con cái của mình, làm cho người già chết được yên lành và người khỏe mạnh có chỗ dùng tới, trẻ nhỏ được lớn lên yên vui, người cô quả bơ vơ, bệnh tật đều được nuôi dưỡng. Đàn ông có chức phận, đàn bà có chồng). (Lễ kí - Lễ vận).
c. Sở quí ư thiên hạ chi sĩ giả, vị nhân bài hoạn, thích nan, giải phân loạn nhi vô sở thủ dã; tức hữu sở thủ giả, thị thương cổ chi nhân dã. Trọng Liên bất nhẫn vi dã 所 貴 於 天 下 之 士 者, 為 人 排 患, 釋 難, 解 紛 亂 而 無 所 取 也; 即 有 所 取 者, 是 商 賈 之 人 也. 仲 連 不 n忍 為 也. (Cái quí kẻ sĩ trong thiên hạ là trừ loạn, cứu nguy cho người ta (nhân dân) dẹp bỏ (gỡ) rối loạn mà không nhận hưởng, (nếu như) có nhận hưởng thì đó là kẻ đi buôn vậy. Trọng Liên này không nỡ làm như vậy). (Chiến quốc sách - Triệu sách).
d. Nhược xá Trịnh dĩ vi đông đạo chủ, hành lý chi vãng lai, cộng hữu phạp khốn, quân diệc vô sở hại 若 舍 鄭 以 為 東 道 主, 行 李 之 往 來, 共 有 之 困, 君 亦 無 所 害. (Nếu nhường cho Trịnh làm chủ ở phía đông, hành lí đi lại thiếu thốn khó khăn, nhà vua cũng chẳng có cái tổn hại gì.) (Tả truyện - Hi công tam thập niên).
e. Ngã chi đại hiền dữ, ư nhân hà sở bất dung? 我 之 大 賢 與, 於 人 何 所 不 容. (Ta là người rất tốt, đối với người ở đâu (chỗ nào) mà chẳng dung nạp?). (Luận ngữ - Tử Trương).
f. Nhậm thiên hạ dũng vũ, hà sở bất chu? 任 天 下 勇 武, 何 所 不 誅. (Làm kẻ dũng vũ trong thiên hạ, có ai không bị hãm hại?). (Sử kí - Hoài Âm hầu liệt truyện).
“Hữu sở…”, “vô sở…” là cụm từ động tân, cụm từ chữ “sở” dùng làm tân ngữ của động từ “hữu” hoặc “vô”. “Hà sở…” là câu nghi vấn đảo trang chủ vị, cụm từ chữ “sở” dùng làm chủ ngữ, chữ “hà” dùng làm vị ngữ. “Hà sở bất dung” chính là “sở bất dung (giả) hà?” cách nói này có tính rộng khắp trong ý nghĩa, “hà sở bất dung” có nghĩa là “vô sở bất dung”(20).
6. Dùng làm liên từ. Có nghĩa là “nếu”, “nếu như”, “giả sử”, nối liền phân câu, biểu thị giả thiết(21). Ví dụ:
a. Dư sở bỉ giả, thiên yếm chi! Thiên yếm chi! 予 所 否 者, 天 厭 之! 天 厭 之! (Nếu ta làm điều không đúng, trời sẽ ghét bỏ). (Luận ngữ - Ung dã)(22).
b. Sở bất dữ cữu thị đồng tâm giả, hữu như bạch thủy 所 不 與 舅 氏 同 心 者, 有 如 白 水. (Nếu ta không cùng lòng với cậu (Tử Phạm) thì không nên trò trống gì.). (Tả truyện - Hi công nhị thập tứ niên)(23).
7. Dùng làm trợ từ. “Sở” thường kết hợp với giới từ “vị” làm thành kết cấu “vị…sở…”, biểu thị bị động(24), chỉ ra xuất xứ của hành vi(25). Ví dụ:
a. Thuật nộ công Bố, vị Bố sở bại 術 怒 攻 布, 為 布 所 敗. (Viên Thuật tức giận công đánh Lã Bố, bị Lã Bố đánh bại). (Tam quốc chí - Ngụy thư - Vũ đế kỉ)(26).
b. Phù trực nghị giả bất vị nhân sở dung 夫 直 議 者 不 為 人 所 容. (Phàm là người ngay thẳng không được người đời ưa chuộng). (Hàn Phi tử - Ngoại chử thuyết tả hạ)(27).
Tóm lại, trong tiếng Hán cổ, “sở” là một từ đặc biệt, kiêm nhiều từ loại. Nó có vai trò rất lớn trong việc hình thành vốn từ vựng cũng như đảm nhận các thành phần ngữ pháp, tạo nên sự đa dạng, phong phú, độc đáo của tiếng Hán. Điều đặc sắc nhất là từ “sở” kết hợp với các từ, cụm từ khác tạo nên một ngữ danh từ. Riêng đối với tiếng Việt của chúng ta thì Phan Ngọc cho rằng: “Xét theo quan điểm xây dựng tiếng Việt cho khoa học thì đây là một yếu tố cực quí giá để tạo nên những khái niệm mang tính bị động”(28). Ở đây tác giả cũng chỉ mới nghiên cứu chữ “sở” trong phạm vi tiếng Hán cổ. Nếu muốn nghiên cứu sâu hơn, chúng ta còn phải nghiên cứu nó trong cả tiếng Hán hiện đại. Tất nhiên tác giả sẽ cố gắng thực hiện vấn đề này trong thời gian tới. Do trình độ và tài liệu hạn chế cho nên bài viết này không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, kính mong các nhà nghiên cứu chân tình phê bình và cho những ý kiến chỉ bảo quí báu.
N.H.T
CHÚ THÍCH
(1) Tô Tân Xuân: Hán tự ngôn ngữ công năng luận, Giang Tây giáo dục xuất bản xã, 1994, tr.3.
(2) Phan Ngọc: Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả, Nxb. Thanh niên, 2000, tr.29.
(3) Phạm Khánh Hoa, Chu Quảng Đức (chủ biên): Hiện đại Hán ngữ toàn công năng từ điển, Cát Lâm nhân dân xuất bản xã, 1998, tr.1093.
(4) Hứa Thận: Thuyết văn giải tự, Trung Hoa thư cục ảnh ấn, 1999, tr.300; Lê Trí Viễn (chủ biên): Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập 1, Nxb. Giáo dục, 1985, tr.178.
(5) Hứa Thận…, Sđd.
(6) Nguyễn Kim Thản (chủ biên): Từ điển Hán Việt, Nxb. Thế giới, 1996, tr.914.
(7) Nguyễn Kim Thản, Sđd.
(8) Từ Tông Tài (chủ biên): Cổ đại Hán ngữ khóa bản, tập 2, Bắc Kinh ngữ ngôn văn hóa đại học xuất bản xã, 2000, tr.83.
(9) Hạ Chinh Nông (chủ biên): Từ Hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1999, tr.1788.
(10) Hiện đại Hán ngữ tiểu tự điển, Thương vụ ấn thư quán, 1981, tr.528; Tân Hoa tự điển, Nxb. Thuận Hóa, 1999, tr.472.
(11) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(12) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(13) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(14) Từ Tông Tài, Sđd.
(15) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(16) Nguyễn Kim Thản, Sđd.
(17) Cổ Hán ngữ thường dùng tự tự điển, Thương vụ ấn thư quán, 2000, tr. 274.
(18) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(19) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(20) Vương Lực (chủ biên): Cổ đại Hán ngữ, Trung Hoa thư cục, 1992, tr.363; Lê Văn Quán: Giáo trình tiếng Hán cổ đại, Nxb. Đại học trung học chuyên nghiệp, 1991, tr.104.
(21) Từ Tông Tài, Sđd.
(22) Từ Tông Tài, Sđd.
(23) Từ Tông Tài, Hạ Chinh Nông, Sđd.
(24) Cổ đại Hán ngữ thường dùng …, Sđd.
(25) Hạ Chinh Nông, Sđd.
(26) Cổ đại Hán ngữ thường dùng …, Sđd.
(27) Từ Tông Tài, Sđd.
(28) Phan Ngọc, Sđd., tr.281.

Nguồn: https://vannghesontay.com/en/news/Nghien-cuu-trao-doi/TIM-HIEU-VE-CHU-SO-TRONG-TIENG-HAN-CO-71/