3/1/25

Hành chánh thời VNCH

 TỔ CHỨC CẤP BỘ THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA

(Bài này được đăng trên Facebook cách nay đúng 8 năm [3.1.2017]. Gần đây, một số bạn, có lẽ vì chưa có dịp đọc nó, đã qua messenger, điện thoại và những cách tiếp cận khác, đặt ra với tác giả những câu hỏi có liên quan đến chủ đề này. 8 năm cũng là một khoảng thời gian khá dài, nay xin đăng lại với một số điều chỉnh, bổ sung, để một mặt gián tiếp trả lời các bạn trên, một mặt xin mời những ai chưa đọc thì đọc, những ai đã đọc rồi, đọc lại cũng ... chẳng sao)
Trong một bình luận ở bài viết về Học viện QGHC trước 30.4.1975, tôi có ghi mấy chữ, đại ý “ Tổng thư ký, chức vụ cao nhất về mặt hành chánh ở một bộ”. Sau đó có một bạn trẻ “chất vấn” tôi vì sao chức này là cao nhất, còn Bộ trưởng, Thứ trưởng ở đâu?
Bạn ấy còn bày tỏ sự thắc mắc ở thêm hai vấn đề:
- Đổng lý văn phòng là chức gì, làm gì, thứ bậc ra sao so với các chức khác?
- Thời VNCH, công chức hành chánh hưởng lương và phụ cấp ra sao?
Thiển nghĩ bộ máy chính quyền VNCH đã thuộc về quá khứ, song những người có tuổi từng sống ở miền Nam (dưới vĩ tuyến 17) trước 1975 và các bạn trẻ, khi đọc hồi ký, sách viết về chế độ này, không ít người từng nghe hay từng đọc thấy những chức danh như thế, nay cũng xin nhớ đến đâu kể đến đó, một cách sơ lược về tổ chức cấp Bộ thời VNCH và một vài sự kiện có liên quan để các bạn không bỡ ngỡ trước một số từ nay không còn thấy nữa.
TỔ CHỨC CẤP BỘ THỜI VNCH
Người bạn chất vấn tôi đã không lưu ý đến 2 từ “hành chánh” trong câu bình luận, và không hề có ý niệm gì về hai bộ phận riêng biệt ở cấp Bộ thời VNCH, đó là bộ phận về hành chánh, kỹ thuật (corps technique), và bộ phận về chính trị (corps politique). Hai bộ phận này tách biệt nhau và chức năng hoàn toàn khác nhau.
*Thứ nhất là bộ phận hành chánh, kỹ thuật, thường rất ổn định, lâu dài để đảm bảo tính liên tục của hoạt động công vụ, bất kể sự thay đổi, có khi rất thường xuyên, của người đứng đầu một bộ là Tổng trưởng (hay Bộ trưởng, tùy thời điểm).
*Thứ hai là bộ phận chính trị, gồm những viên chức thân cận của mỗi vị Tổng trưởng khi vị này đến nhậm chức tại một bộ.
Trong khi bộ phận hành chánh gồm những công chức làm việc thuần túy chuyên môn thì bộ phận chính trị gồm những cố vấn, tham mưu riêng cho vị Tổng trưởng về mặt chính sách, đường lối của một bộ.
Tại cấp bộ, bộ phận hành chánh, chuyên môn, từ cao xuống thấp gồm có:
- Tổng thư ký Bộ
-Tổng Giám đốc các Tổng Nha
- Giám đốc Nha (có nhiều Sở và ít Sở)
- Chánh sự vụ Sở
- Chủ sự Phòng
- Trưởng Ban
- Nhân viên thường
Bộ phận chính trị gồm có:
- Thứ trưởng
- Đổng lý văn phòng (hưởng phụ cấp chức vụ Tổng Giám đốc)
- Chánh văn phòng (hưởng pccv của Giám đốc Nha có nhiều sở)
- Công cán ủy viên (hưởng pccv của Chánh sự vụ Sở)
- Tham chánh văn phòng (hưởng pccv của Chủ sự Phòng)
Sự khác biệt lớn giữa hai bộ phận hành chánh và chính trị thể hiện ở chỗ bộ phận hành chánh có đời sống rất dài, không phụ thuộc vào sự tồn tại của Tổng (Bộ) trưởng, còn bộ phận chính trị thường là đến và đi khỏi bộ đồng thời với vị Tổng trưởng, nhường chỗ cho ban bệ riêng của vị tân Tổng trưởng.
Trong lịch sử nền hành chánh VNCH, hầu như chỉ có một biệt lệ về trường hợp này. Đó là những năm 1965-1966, Bộ Xây dựng nông thôn đặt dưới quyền một nhân vật chính trị là ông Nguyễn Tất Ứng, ông này qua đời đột ngột ngay trong lúc tại nhiệm. Người đến thay ông Ứng là Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng (người đứng đầu trong 4 vị tướng “sạch” nhất thời đó), ngoài chức Chánh văn phòng là người phụ giúp trực tiếp, ông giữ lại các Công cán ủy viên và Tham chánh văn phòng của ông Ứng, cho tiếp tục làm việc tại Bộ. Đây là cách ứng xử nhân văn của vị tướng này: các ông công cán ủy viên, tham chánh văn phòng của một Tổng trưởng đi theo vị này rời khỏi bộ để đến một nơi khác, giữ một chức vụ khác, còn khi ông Ứng đã mất rồi, những ông kia trở thành rắn không đầu, tướng Thắng giữ lại như một hành vi nhân đạo, giúp họ tiếp tục có việc làm, trong một thời gian nhất định.
* Một sự kiện tế nhị khác trong tổ chức một bộ, đó là đôi khi bộ có một vài Phụ tá Tổng trưởng, nhưng lại được xếp vào hai vị thứ khác nhau: có ông là “Phụ tá Tổng trưởng xếp ngang Thứ trưởng”, có ông là “Phụ tá Tổng trưởng xếp ngang Tổng Giám đốc” (thấp hơn ông trước). Có người đặt ra câu hỏi: với ông Phụ tá Tổng trưởng xếp ngang Thứ trưởng, sao không bổ nhiệm quách làm Thứ trưởng cho rồi?
Xin thưa giữa Thứ trưởng và Phụ tá Tổng trưởng xếp ngang Thứ trưởng có những khác biệt lớn như sau:
-Thứ trưởng là viên chức chính trị, nhân viên chính phủ, có quyền họp Hội đồng nội các, còn Phụ tá Tổng trưởng xếp ngang Thứ trưởng là viên chức chuyên môn, không có quyền họp Hội đồng nội các.
- Khi bộ có sự thay đổi Tổng trưởng, Thứ trưởng xách va li đi theo Tổng trưởng cũ, còn Phụ tá Tổng trưởng xếp ngang Thứ trưởng vẫn tiếp tục công việc tại bộ.
- Tuy trong một bộ, các chức Đổng lý văn phòng, Tổng thư ký và Tổng Giám đốc cùng được hưởng phụ cấp chức vụ ngang nhau, song về mặt hệ cấp, trong các buổi lễ chính thức, Đổng lý Văn phòng được xướng danh trước tiên, rồi mới đến Tổng thư ký Bộ, cuối cùng là Tổng Giám đốc. Điều này cũng dễ hiểu: trong 3 người này Đổng lý văn phòng thân cận nhất đối với Tổng trưởng.
- Thời chính quyền Ngô Đình Diệm, tại Phủ Tổng thống có đến 2 chức Đổng lý văn phòng do hai vị đảm nhận là ông Quách Tòng Đức và ông Đoàn Thêm. Nhiều người không phân biệt được sự khác nhau giữa 2 chức danh này.
Sự thật là ông Quách Tòng Đức giữ chức “Đổng lý văn phòng tại Phủ Tổng thống”, lúc đó người giữ chức “Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống” là ông Nguyễn Đình Thuần. Như vậy là ông Quách Tòng Đức làm việc dưới quyền ông Thuần.
Về phần Đoàn Thêm, ông là “Đổng lý văn phòng Tổng thống”, không làm việc dưới quyền ông Bộ trưởng nào, mà dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống.
CÁC PHỤ CẤP HÀNH CHÁNH
Thời quân chủ, quan lại có tiền dưỡng liêm để sống đầy đủ, nuôi dưỡng sự liêm chính, thì thời VNCH, có các loại phụ cấp dành cho các chức vụ chỉ huy kể trên, để họ có thể sống tương xứng với chức vụ đảm đương. Song có một điều cần nhấn mạnh là trong chế độ VNCH, phần căn bản là lương bổng của công chức rất đồng đều nhau, không có chuyện cách biệt nhau một trời một vực giữa ông giám đốc ở bộ này với ông giám đốc ở bộ kia. Một công chức tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh (ngạch Đốc sự), trường Đại học Sư phạm (ngạch Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp) hay trường Cao đẳng kỹ thuật Phú Thọ (Kỹ sư công chánh, kỹ sư điện..) … có cùng một chỉ số lương khởi điểm như nhau là 470.
Trong quá trình làm việc, nếu được cử những chức vụ chỉ huy như kể trên (từ trưởng ban trở lên), họ được hưởng thêm phụ cấp chức vụ và các phụ cấp khác (gia nhân, điện nước, nhà ở…), còn phần lương vẫn lãnh theo chỉ số căn bản, dù nơi họ làm việc là ở đâu. Điều này rất khác biệt với chế độ hiện hành tại Việt Nam (sau tháng 4.1975), lương bổng tùy thuộc vào chế độ của từng cơ quan một, sự sai biệt nhiều khi rất lớn.
Trước thập niên 1970, phụ cấp (hàng tháng) của các viên chức chỉ huy trong bộ máy hành chánh VNCH đại khái như sau (viết theo trí nhớ nên sự sai biệt có thể ở mức trăm đồng, không đến mức ngàn đồng):
- Tổng Giám đốc: 9.400 đ, gồm phụ cấp chức vụ, phụ cấp điện nước, phụ cấp gia nhân, phụ cấp nhà ở (trong trường hợp không ở nhà công)
- Giám đốc Nha có nhiều sở (thường là trên 3 sở): 4.700 đ
- Giám đốc Nha ít sở 2.700 đ (không có phụ cấp gia nhân 2.000 đ như Giám đốc Nha có nhiều Sở)
- Chánh sự vụ Sở hưởng phụ cấp 2.200 đ, gồm phụ cấp chức vụ 1.500đ phụ cấp nhà ở và điện nước 700 đ
- Chủ sự phòng cấp Bộ (cấp trung ương): phụ cấp chức vụ 800 đồng, không có các phụ cấp khác
- Trưởng ban (trong tổ chức Phòng): phụ cấp chức vụ 500 đ
Ở cấp tỉnh, phụ cấp chức vụ của Trưởng ty và Phó Quận trưởng 900 đ, của chủ sự phòng là 600 đ (thấp hơn chủ sự phòng cấp trung ương). Chủ sự phòng cấp tỉnh là chức vụ chỉ huy hành chánh thấp nhất, không có Trưởng ban như ở trung ương
Với mọi công chức (và quân nhân) thời VNCH, họ được hưởng phụ cấp gia đình gồm:
* phụ cấp vợ: 800 đ
* phụ cấp mỗi đứa con chưa thành niên: 500 đ, không giới hạn số con.
Với khoản phụ cấp gia đình này, mỗi người đã đủ sống, vì trong thời chính quyền Ngô Đình Diệm và sau đó ít lâu, một sinh viên, học sinh hay công chức ở trọ, ăn cơm tháng chỉ với giá 400 đến 600 đ/tháng, một tô phở giá từ 5 đến 7 đồng.
Từ đầu thập niên 1970, do điều kiện kinh tế khó khăn, sinh hoạt trở nên đắt đỏ, tất cả những loại phụ cấp trên đều được đồng loạt tăng gấp đôi, phụ cấp vợ 1.600 đ/tháng, mỗi đứa con 1.000 đ/tháng
Loại phụ cấp gia đình này cũng là điểm khác biệt hoàn toàn với chế độ công chức hiện hành tại Việt Nam.
Ngoài những phụ cấp phổ biến trên, còn có những phụ cấp đặc biệt như:
- Phụ cấp kinh lý phí và giao tế phí dành cho những viên chức phải thường xuyên đi kinh lý hay tiếp khách, chủ yếu là Tỉnh trưởng và Phó Tỉnh trưởng tại địa phương.
- Phụ cấp nước độc- Dành cho những viên chức làm việc ở các tỉnh miền ngược, dễ nhiễm các bệnh mà vùng khác không có, tiêu biểu là bệnh sốt rét. Những viên chức ở vùng nước độc ngoài phụ cấp này, còn có ít nhất 2 quyền lợi khác:
. Được xét thâm niên công vụ để thăng trật tăng gấp rưởi so với những viên chức vùng an toàn. Họ làm việc 2 năm ở những vùng này thì được tính thâm niên là 3 năm (trung bình 2 năm được xét thăng trật một lần)
. Được ưu tiên khi xin về vùng an toàn sau khi đã ở vùng nước độc khoảng 2 năm.
Các viên chức ngành ngoại giao làm việc ở các cơ sở ngoại giao ngoài nước (Tòa đại sứ, Tòa lãnh sự) được hưởng thêm phụ cấp ly hương, được đưa cả vợ con đi theo ra nước ngoài.
Vài hàng sơ lược, hi vọng giúp ích được ít nhiều cho các bạn muốn tìm hiểu đôi điều về bộ máy công quyền của một chế độ tuy không còn nữa, song vẫn còn in đậm bóng dáng trên những trang tư liệu còn đầy rẫy trong các tủ sách gia đình, các thư viện và văn khố quốc gia.
Thân chúc mọi người một năm mới An bình, Vui khỏe và nhiều May mắn
Lê Nguyễn
3.1.2025

link: https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/pfbid02MysNf9HQM7LoPobChgLK9Xfpomrpfaf37u6bVPH3FkD4fSoEQW9nQiKX8eaCt3JFl?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)