23/9/13

Thu cô liêu - Văn Cao


Văn Cao qua nét vẽ Trịnh Công Sơn
photo: vnExpress
Trong các nhạc sĩ thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, Văn Cao cũng là một người có nhiều duyên nợ với mùa thu.
Văn Cao (1923 - 1995) vốn quê Nam Định nhưng sinh tại Hải Phòng, do cha làm cai nhà máy nước Hải Phòng. Ông theo học văn hóa ở một trường dòng và cả nhạc ở đấy cho đến năm 15 tuổi, gia đình sa sút, phải bỏ học sau khi chỉ mới học xong năm thứ hai Cao đẳng tiểu học ( tương đương THCS hiện nay)  .
Bấy giờ ở Hải phòng có nhóm Đồng Vọng do Hoàng Quý thành lập gồm có Hoàng Phú (Tô Vũ), Canh Thân, Đỗ Nhuận, Lê Thương ... Văn Cao tham gia vào nhóm này và viết tác phẩm đầu tay Buồn Tàn Thu (1939).

Thật khó tưởng tượng một thiếu niên 16 tuổi lấy ý tứ đâu để viết những câu nhạc da diết, thác lời một chinh phụ buổi tàn thu ..

Đêm mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
Người ơi còn biết em nhớ mong
Tình xưa còn đó xa xôi lòng


Phạm Duy, giọng ca đầu tiên đem Buồn Tàn Thu đi gieo rắc khắp chốn lí giải

"Vào đầu thập niên 40, nhạc tình ở Hà Nội nằm trong tay nhóm Myosotis (Hoa Lưu Ly) với những bài như Thuyền Mơ, Khúc Yêu Đương, Hồ Xưa... của Thẩm Oánh, Tâm Hồn Anh Tìm Em của Dương Thiệu Tước và trong tay nhóm Tricéa với những bài như Đoá Hồng Nhung, Bóng Ai Qua Thềm của Văn Chung, Bẽ Bàng của Lê Yên, Cô Lái Thuyền, Biệt Ly của Dzoãn Mẫn. Nhạc tình đang phổ biến dữ dội lúc đó cũng còn là của một người Nam Định, Đặng Thế Phong với ba bài hát mùa Thu: Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến và Giọt Mưa Thu... Ở Hải Phòng, nhạc tình là địa hạt của Lê Thương với những bài đầu tay rất hay như Bản Đàn Xuân, Một Ngày Xanh (hay Bên Bờ Đà Giang), Nàng Hà Tiên... Nhất là với bài Thu Trên Đảo Kinh Châu soạn trên âm giai Nhật Bản và đang rất thịnh hành (đến độ đi vào nhạc mục của Hát Quan Họ ở Bắc Ninh).

Trong không khí nhạc tình lãng mạn toàn nói về mùa Thu như vậy, chàng tuổi trẻ Văn Cao cũng soạn ra những bài hát mùa Thu .. (Hồi ký I, trang 240-241)

Mời nghe chính Văn Cao nói thêm về bản nhạc đầu tay của mình:



lyrics
Buồn Tàn Thu
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em
Mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Đêm mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
Người ơi còn biết em nhớ mong
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim uyên nhờ gió đưa duyên
Chim với gió
Bay về chàng quên hết lời thề
Áo đan hết rồi
Cố quên dáng người
Chàng ngày nao tìm đến còn nhớ đêm xưa
Kề má say xưa
Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần
Thôi tình em đấy như mùa thu chết
rơi theo lá vàng

Nghe bước chân người sương gió
Xa dần như tiếng thu đang tàn
Ôi người gió sương em mơ thương ái bao lần
Và chờ tin hồng đến
Đem mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn em thương nhớ chàng
Người ơi còn biết em nhớ mong
Đường xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim uyên nhờ gió đưa duyên
Chim với gió
Bay về chàng quên hết lời thề

Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em
Mơ ngày bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng
Đêm mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
Người ơi còn biết em nhớ mang
Tình xưa còn đó xa xôi lòng
Nhờ bóng chim uyên nhờ gió đưa duyên
Chim với gió
Bay về chàng quên hết lời thề
Áo đan hết rồi
Cố quên dáng người
Chàng ngày nào tìm đển
Còn nhớ đêm xưa
Kề má say xưa
Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần
Thôi tình em đấy
Như mùa thu chết
rơi theo lá vàng ...
(1939)


Năm 1942, Văn Cao từ giả Hải Phòng lên Hà Nội ở trọ ghi danh học dự thính Cao đẳng mỹ thuật, đồng thời viết văn làm thơ gởi đăng Tiểu thuyết thứ bảy. Và viết Thu Cô Liêu



lyrics
Thu cô liêu
Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều ta yêu thu, yêu mùa thụ
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thi, một mùa thi
Lá xanh rơi rụng buồn chi lá vàng

Sương ướt lạnh vai, sương ướt lá
Đã từng nghe gió biết thu sang
Hồn theo cánh gió lướt bay tìm em
Một chiều êm, một chiều êm.

(1942)


Chàng thiếu niên 16 tuổi viết Buồn Tàn Thu có thể theo phong trào, nhưng chàng trai 19 tuổi nghe gió biết thu sang để viết Thu Cô Liêu thì mùa thu đã là một định mệnh của chàng. Cũng trong thời gian này ông viết  Bến Xuân và Suối Mơ, một bản nhạc thu



lyrics
Suối mơ 
Bên rừng thu vắng,
giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương.

Suối ơi!
Ôi nguồn yêu mến,
còn ghi khi bóng ai tìm đến.
Đàn ai nắn buông lưu luyến.
Suối hát theo đôi chim quyên.

Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối .
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát.
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi .

Tơ đàn chùng theo với tháng năm,
Rừng còn nhớ tới người.

Trong chiều nào giữa chốn đây,
Hồn cầm lắng tiếng đời.

Suối ơi!
Nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu .
Với suối xưa trôi nơi đâu .

(1942)


Dừng lại tí nghe Phạm Duy phân tích về chút nhạc lí những tác phẩm đầu tay này của Văn Cao:

Lúc đó, những chàng thanh niên mới tập tễnh soạn ca khúc VN (như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Hoàng Qúy, Văn Cao…) thường dùng một âm giai “mineure” hơi giống như âm giai của điệu Sa Mạc (re fa sol la do re). Những bài như Buồn Tàn Thu, Bản Đàn Xuân, Cô Láng Giềng, Con Thuyền Không Bến đều có chung một hơi hướng VN và một phong cách buồn bã như nhau.

Duy chỉ có Văn Cao là muốn thay đổi phong cách, cho nên sau Buồn Tàn Thu thì ông buông cái “re mineure” ra và dùng những âm giai “majeure” để diễn tả cái buồn (lúc đó chưa có nhạc vui trong Tân Nhạc như hướng đạo ca hay thanh niên lịch sử ca. Ngay Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận cũng còn bám vào âm giai “re mineure” để viết Hồn Xuân, Nhớ Chiến Khu hay Côn Đảo).

Không còn là ngũ cung “re mineure” nữa, và dù tác giả tuyên bố trong một cuốn video, đây là ca khúc của kẻ thất tình, nhạc điệu trong Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa của Văn Cao là nhạc chủ thể Tây Phương (musique tonale) với những áp-âm (notes sensibles) làm cho nét nhạc có nhiều cảm tính. Nhịp điệu là thể valse đầy lưu luyến và cũng đầy luyến tiếc.

Sau đó, trong hai bài nhạc tình về mùa Thu và mùa Xuân là Suối MơBến Xuân, bao giờ nét nhạc mineure mở đầu cũng rất là lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này đều rất là lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy một chút hạnh phúc. Con suối trong rừng Thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến hương vị tình yêu của chúng ta. Ðứng trên bến Xuân để nhìn những cánh buồm xa xa và nghe tiếng chim ca như lưu luyến cuộc tình vừa qua của chúng mình … ( Phạm Duy: Văn Cao trong tôi NTT blog)

Nghe Bến Xuân kiểm chứng nhận định của Phạm Duy nhé



Theo Phạm Duy, Suối Mơ vốn là một đoạn của bản Trương Chi I, bản Trương Chi nổi tiếng sau này chính là Trương Chi II



lyrics
Trương Chi
Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ
Vương vất heo may hoa yến mong chờ
Ôi, tiếng cầm ca thu tới bao giờ.
Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang,
Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan
Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng
Đây đó từng song the hé đợi đàn.
Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân
Hò khoan mơ bóng con đò trôi
Giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi, lả lơi bên trời
Anh Trương Chi Tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung,
Anh thương nhớ. Oán trách cuộc từ ly não nùng.
Đò trăng cắm giữa sông vắng.
Gió đưa câu ca về đâu?
Nhìn xuống đáy nước sông sâu.
Thuyền anh đã chìm đâu!
Thương khúc nhạc xa vời
Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi.
Sương thu vừa buông xuống
Bóng cây ven bờ xa mờ xóa giòng sông
Ai qua bến giang đầu tha thiết,
Nghe sông than mối tình Trương Chi
Dâng úa trăng khi về khuya,
Bao tiếng ca ru mùa thu.
Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn
Còn nghe như ai nức nở và than,
Trầm vút tiếng gió mưa
Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng?
Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn
Về phương xa ai nức nở và than,
Cùng với tiếng gió vương,
Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa.
Đò ơi! đêm nay dòng sông
Thương dâng cao Mà ai hát dưới trăng ngà
Ngồi đây ta gõ ván thuyền,
Ta ca trái đất còn riêng ta.
Đàn đêm thâu
Trách ai khinh nghèo quên nhau,
Đôi lứa bên giang đầu.
Người ra đi với cuộc phân ly,
Đâu bóng thuyền Trương Chi?

(1942)


Cuối năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, sáng tác Tiến Quân Ca, vào đội ám sát ..Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Văn Cao viết báo, tham gia ban chấp hành hội Văn hóa cứu quốc, sáng tác một số ca khúc nổi tiếng khác như Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948), Tiến về Hà Nội (1949)... và đặc biệt là Trường ca Sông Lô (1947)

Sông Lô sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu

Đây là bản trường ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam, được Phạm Duy đánh giá "là một tuỵệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giầu cho âm nhạc Việt Nam". 



lyrics
Sông Lô
Sông Lô sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu
Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa.

Trên dòng sông trở về đoàn người reo mừng vui
Trên sóng nước biếc trôi đầy sông bao đám xác thù .
Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa
Đường ngập người vang gió lá vi vu hiền hòa.
Sông mênh mông như bát ngát hát
Thây giặc trôi trở về ngập bờ
Sông ầm vang tiếng súng trái phá, bao rừng thu như bát ngát người.
Dân hân hoan chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công
Tếng trái phá quân thù ngập chìm dòng Lô
Đây dòng Lô, đây dòng Lô.

Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng
Đây quân ta , đây oai hùng , đây sông Lô, đây sóng căm hờn vút cao.
Sóng lấp lánh ngàn sao đoàn chiến sĩ sông Lô
Chiến sĩ sông Lô thân rừng áo sương đã ca rằng:
Giờ mồ thực dân , sóng lấp thét vang
Chiến sĩ sông Lô oai hùng đấu tranh gặp nhiều vạn sóng
Thây giặc nát tan trong tâm can toàn dân.

Về trong đêm gió rét từng sân vui bóng người quanh lửa hồng.
Nến khô trơ than xám , đêm chìm đợi ánh chiêu dương.

Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân buông lưới
Phan Lương vui bóng thuyền, lều dựng lên ven sông
Bóng người sầm uất bến Then
Vui hát ca hòa vui hát ca hòa chí kiến thiết bên sông Lô đắp nhà
Bao dân trong khu mười mơ thành người sông Lô.

Đời vui vút lên, đời vui sướng về.
Vui hát ca hòa vui hát ca hòa chí chiến đấu , đây tay trai Việt Bắc ,
Sông Lô đang xuôi mau tin về đồng lúa reo mừng
Rung trong bao hương đồng mừng một mùa chiến công.

Vui hát ca hòa vui hát ca dân vui nắng như chim xuân thấy mùa
Và đài hoa lưu luyến xanh rừng đầy lá búp non .
Vui hát ca hòa vui hát ca hòa những lưới mắc, ta vui khoan cá đầy
Ta tay dân chài xuôi ngược dòng sông Lô
Từng quảng lưới xa, từng vây lưới giặc.
Vui hát ca hòa vui hát ca hòa với ánh sáng ta đang xây đời mới,
Sông nuôi dân thiên thu đã hòa mạch máu bao người
Sóng vui quanh co về, hòa mạch cùng với xuôi.

Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi
Mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ
Xanh ươm bóng tre, dòng sông Lô lướt trôi.

(1947)


Trương Chi, Trường ca Sông Lô và Thiên Thai được xem là ba tuyệt phẩm của Văn Cao và cũng là của tân nhạc Việt Nam. Mời nghe Ánh Tuyết trình bày Thiên Thai



lyrics
Thiên Thai
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kià đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên

Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn

Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần

Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta

Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên



và xem Phạm Duy bình luận về ba tuyệt phẩm này

đọc bài viết (click)
Ba Tuyệt Phẩm của Văn Cao


Hãy nói về nhạc tính (caractere musicale) của ba tác phẩm này.

Tuy viết ra một bản hát vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh – nghĩa là đã vượt qua hình thức đoản khúc… Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc (measures)  chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu… nhưng Văn Cao không tả thực trong bài Thiên Thai này !

Thiên Thai là một trường ca ấn tượng, impressionist, tạo cảm xúc cho người nghe nhiều hơn là mô tả một câu truyện. Tất cả những hình ảnh chính của câu truyện cổ như hai chàng Lưu Nguyễn, bầy thiên tiên hoặc những cảnh vật như suối hoa đào, chiếc thuyền lan, nước ngọc tuyền, đều được mô tả một cách rất mơ hồ… giống như trong một giấc mộng vậy. Ta biết là có con thuyền chở Lưu Nguyễn tới cõi Thiên Thai, ta biết là có bầy thiên tiên múa hát dâng trái đào thơm… nhưng ta không thấy được họ.

Khi cùng người yêu xây được ngôi nhà bằng cỏ bên suối mơ hay trước bến xuân với hai tình khúc trước thì Văn Cao có thể mời đón chúng bước vào căn nhà bên chiếc cầu soi nước để ngồi nhìn đàn nai đùa trên đống lá vàng tươi  hay đứng trước bến sông để nhớ tiếc những ngày tha hương… Nhưng trong Thiên Thai, cõi mơ của Văn Cao, chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Ðây là cõi riêng của Người Sông Ngự, cõi riêng của nhạc sĩ Văn Cao.

Trương Chi cũng không hiện thực trong tính cách, không mô tả (descriptive), chỉ gây ấn tượng cho chúng ta về tiếng hát hay của anh lái đò, về hạnh phúc của Mỵ Nương mỗi lần nghe tiếng hát…

Ông chỉ dùng Trương Chi để tỏ thái độ của chàng Trương sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết : Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta...

Tâm hồn tôi đẹp - vì tôi hát hay - nhưng tôi nghèo và hình hài tôi xấu cho nên người ta không yêu tôi à ? Thì tôi vẫn có thể đưa ra một tuyên ngôn, rằng :  Người đời có thể khinh ta, quên ta, nhưng ta vẫn còn riêng ta với trái đất này… Ðó là ý nghĩa của bài Trương Chi…

Nhưng tới khi soạn Trường Ca Sông Lô thì Văn Cao đã không còn dùng phong cách gây ấn tượng trong tác phẩm nữa. Cuộc sống hiện thực và anh dũng của toàn thể dân tộc đã khiến cho anh ra khỏi chất mơ mộng trong việc mô tả con người, cảnh vật, sự việc trong một giai đoạn lich sử kháng chiến oai hùng của chúng ta.

Trường Ca Sông Lô mở đầu với đoạn 1 mô tả Sông Lô,  là con sông ngàn Việt Bắc có bãi dài ngô lau  nơi núi rừng âm u, có những ngôi nhà mờ biếc chìm một màu khói Thu... Đó là nơi mà lửa kháng chiến đã làm cháy bờ lau thưa, cháy cả thôn trang. Ai ơi, hãy lặng nhìn màu nước sông Lô xưa mà nhớ tới cảnh cũ người xưa….

Sang đoạn 2 ông chuyển cung, chuyển nhịp để kể cho ta nghe chuyện một đoàn người reo mừng trên sóng nước biếc, trở về và thấy trên sông bao nhiêu là đám xác thù. Đó là người dân hân hoan trở về con sông hiền hòa, bát ngát. Dân hân hoan chiến sĩ pháo binh Việt Nam với tiếng trái phá làm quân thù ngập chìm dòng Lô…

Qua đọan 3, một lần nữa Văn Cao lại chuyển cung, chuyển điệu : Đây dòng Lô, đây dòng Lô… Với đoàn chiến sĩ sông Lô, thân rừng áo sương, đã vút cao  lòng căm hờn và  làm cho thây giặc nát tan.

Đoạn 4 của trường ca là đoạn mineure chậm rãi, là lời thề trong đêm gió rét, trong đêm chìm chờ đợi ánh chiêu dương.

Đoạn 5 của trường ca là đoạn majeure nhanh nhẹn nói lên niềm vui hát ca của dân buông lưới, của bóng người sầm uất bến Then…

Đoạn cuối là đoạn 6 xưng tụng dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô vẫn trôi, mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ươm bóng tre… dòng sông Lô lướt trôi, lướt trôi, lướt trôi.


Nếu Thiên Thai chỉ nẳm trong một giọng Re (mineure và majeure) và Trương Chi chỉ chuyển nhịp, chuyển điệu trong hai giọng Re và Sol… thì Trường Ca Sông Lô có tới SÁU LẦN chuyển âm (modulations) cũng như chuyển tiết tấu (changing rythmes).

Trường Ca Sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta, là một tuỵệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giầu cho âm nhạc Việt Nam.
nguồn: Pham Duy: Văn cao trong tôi - nguyentrongtao blog


Sau 1954 Văn Cao làm việc cho Đài Phát thanh. Ông cũng có viết cho Nhân Văn Giai Phẩm nên sau khi phong trào này bị đánh, ông hầu như ngưng sáng tác ca khúc, chỉ viết một số nhạc không lời làm nên cho phim, kịch .. cùng nhận vẽ minh họa, trang trí sân khấu .. để kiếm sống. Mãi cho đến cuối 1975, mới sáng tác trở lai với ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên, tuy nhiên ca khúc này cũng chỉ trình bày được đôi lần rồi bị cấm cho đến thời Đổi mới, mới được hát trở lại.

Trong loạt bài 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Hoài Nam đã dành cho Văn Cao hai chương trình:

Văn Cao 1


Văn Cao 2


Còn đây là chương trình do Thụy Khuê thực hiện trên RFI ngay khi nghe tin Văn Cao mất (1995). Ở đây ta sẽ nghe một số kỉ niệm với Văn Cao của Phạm Duy, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Trịnh Công Sơn, ..



10 nhận xét:

  1. Cũng tình cờ là ít hôm trước em vừa tán gẫu với mấy người bạn trên fb về nhạc Văn Cao. Bảo là mấy chục năm yêu thích dòng nhạc này, nhưng để nói về nó thì lại chẳng biết nói gì. Quá dễ mà cũng quá khó.

    Nhạc không hay không soạn, thơ không hay không đặt bút, tranh không đẹp không vẽ..., từng đó là chẳng đủ. Phạm Duy thì nhận xét rất gọn "Văn Cao, thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng tài hoa hơn tôi nhiều..."

    Riêng em thì mỗi khi nghe Văn Cao, chẳng hiểu sao lại hay hình dung về một đóa huệ, huệ trắng. Thanh tao, ngát hương, vô nhiễm bụi trần, chẳng màng nhân gian yên hỏa. Mà cũng tận cùng cô độc, loài hoa luôn đứng một mình.

    Cũng như nhạc và ca từ của ông. Miên man, xa xăm, phiêu bồng, cổ kính, cái nét đẹp ngỡ như không thuộc về trần thế mà đang vọng lại từ chốn Đào nguyên của Lưu-Nguyễn, như cất lên từ cõi mộng mà chàng Trương một đời ấp ủ...

    Và nhất là nỗi buồn, một nỗi man mác vô cùng trang trọng.

    "Áo đan hết rồi, cố quên dáng người..."

    Chàng Trương giờ chắc đã tìm được giấc mộng của mình rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ. Nhạc Văn Cao luôn đẹp. Người ta có thể thích hay không thích nghe, nhưng hẳn chưa ai dám nói là không đẹp. Như tranh, như họa, như thơ...

      Thực ra nhiều người biết đến Văn Cao nhạc sĩ, mà quên mất ông còn là họa sĩ, nhà thư pháp và nghệ sĩ điêu khắc nữa. Nên đẹp là suối nguồn cũng phải thôi.

      Xóa
    2. Văn Cao (cũng như Phạm Duy) từng theo học Cao đẳng mỹ thuật Đông dương, nhưng chỉ một hai năm rồi bỏ. Dù vậy cũng đủ để ông tự trình bày bìa các bản nhạc của mình: Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Thiên Thai, .. trong bản in đầu, các bức vẽ mà theo Tạ Tỵ rất gần với trường họa lập thể. Ông cũng từng tham gia một cuộc triển lãm tranh hồi 1952, và bị phê bình nặng nề.

      Sau này thường gặp ông trên một số tờ báo (Văn Nghệ Quân Đội, Văn nghệ, .. ) với các tranh minh họa kí tên Văn ..

      Xóa
    3. [color="blue"]mỗi khi nghe Văn Cao, chẳng hiểu sao lại hay hình dung về một đóa huệ, huệ trắng. [/color]

      Nhạc Văn Cao, ngay từ những bài đầu tiên, đã là một nỗi tịch liêu .. Nỗi tịch liêu ấy ngày càng sâu dày, thêm nét u uất kể từ khi ông tham gia cách mạng, muốn hòa mình vào đám đông và đã thất bại não nề ...

      Kể từ sau Tiến Quân Ca (1947), ông không còn sáng tác ca khúc, mãi cho đến 1975 với Mùa xuân Đầu Tiên. Nên muốn hiểu thêm tí nào về ông, có lẻ cần đọc thơ ông ..
      Bài thơ sau có thể xem như một đời nhìn lại của ông

      [color="blue"]

      Ba biến khúc tuổi 65

      Những ngày buồn không nói được
      tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi

      I

      Một người cho tôi con dao găm
      Không biết dùng làm gì
      đêm nhìn qua cửa sổ
      một khoảng trống đen

      tôi ném vào khoảng trống
      con dao găm ấy
      có phải đấy là sự nghịch ngợm
      bỗng nhiên có tiếng ngã ngoài sân
      một người trúng tim đã chết

      tôi không hề biết người ấy
      tôi là kẻ không muốn giết người
      chỉ biết bóng tối
      mà tôi đã ném dao

      II

      Tôi đi trên phố
      bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
      một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
      tôi chạy
      tôi chạy

      tại sao tôi chạy?
      tôi không hiểu tôi
      cả phố đuổi theo tôi
      xe cộ đuổi theo tôi
      tôi chạy bạt mạng
      gần hết đời
      tới chỗ chỉ còn gục xuống
      tỉnh dậy mồ hôi chảy
      tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội.

      III

      Tôi rơi vào mạng nhện
      mạng nhện cuốn lấy tôi
      không còn cách gì gỡ được

      tôi như con sâu tằm
      cuộc đời cứ như thế

      muốn phá cái mạng nhện
      tôi không đủ tay.

      Tháng 9-1988

      [/color]

      Xóa
    4. Biến Khúc I nhắc lại thủa ông hăng hái muốn làm mọi điều để hòa nhập vào đám đông. Ông đã tham gia đội trừ gian, và đã tự tay bắn vào đầu một người bị kết án Việt gian. Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại (dẫn lại theo một bài viết của Thụy Khuê):

      [color="blue"]" Đêm ấy, trong cuộc tâm tình nghệ sĩ của Văn Cao với những ngư phủ trên phá Tam Giang, tôi muốn biết một điều mà với tôi là một bí ẩn thuộc về đời ông:

      - Tại sao sau kháng chiến chống Pháp, anh vẫn vẽ, vẫn làm thơ, nhưng người ta không nghe anh hát nữa?

      - Hồi nhận lời viết Tiến Quân Ca, tôi không hề chuẩn bị trước để làm một bài hát, mà là một đặc nhiệm nguy hiểm của đội biệt động. Tôi là đội viện biệt động vũ trang. Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm, cầm một khẩu súng, vào một thành phố để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh và căm thù, đơn giản thôi. Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy, thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng, và chỉ viết nhạc-không-lời.

      Giữa tiếng sóng ồ ạt vỗ quanh tàu, dưới đêm sao, tôi vẫn nghe rõ giọng nói dịu dàng của Văn Cao, sâu thẳm đến lạnh người, như thể là tiếng nói đến từ một biển khác. Trời ơi, tôi đã dại dột chọc tay vào vết thương. Nhưng tôi nghĩ, chỉ có những nghệ sĩ lớn mới nuôi cho mình những bi kịch như vậy" (trích Cảm nhận Văn Cao của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hợp Lưu số 8, số đặc biệt Văn Cao, tháng 12/1992).[/color]

      Chàng trai cực kì nhút nhát, đến ko dám tự nhận mình là tác giả của nhạc phẩm đang được hát trên sân khấu kia, đã tự vượt lên chính mình, hòa vào đám đông .. để rồi nhận lại một nỗi ám ảnh suốt một đời.

      Nên nếu ông là một nhành huệ trắng, thì đấy là một nhành huệ trong héo ngoài tươi ..

      Mời mọi người đọc thêm một bài nữa, mình đọc đã lâu và thường hay nhớ về nó

      [color="blue"]

      Không đề

      Con thuyền đi qua
      để lại sóng
      đoàn tàu đi qua
      để lại tiếng
      đoàn người đi qua
      để lại bóng
      tôi không đi qua tôi
      để lại gì?
      [/color]

      Xóa
  2. Đọc lại diễn tiến của thời điểm đó, rồi nghe Bên cầu biên giới của Phạm Duy mới thấm.

    Sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên dòng sông Danube...

    Nhưng rồi nhành huệ rụt rè kia lại không thể bạo liệt quyết tuyệt như Phạm Duy, nên mới chất chứa nhiều day dứt, và tịch liêu đến vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu Văn Cao tài hoa không hơn Phạm Duy thì chắc cũng ko kém, đáng ra ông có thể làm nhiều hơn thế ..
      Thật đáng tiếc, nhưng cũng có thể hiểu được. Tính cách tạo nên số phận, và tính cách hai người bạn thân ấy quá trái ngược nhau. Văn Cao sống quá nghiêm chỉnh, một chính nhân đích thực. Vốn nhút nhát nên ưa quay về nói chuyện với mình; và quá nhạy cảm để cứ day dứt mãi một chuyện mà nhiều người khác uống một li rượu rồi chắc lưỡi quên tuốt ..

      [color="blue"]tôi không đi qua tôi
      để lại gì?[/color]

      ông đã ko qua được ông, nên chỉ để lại một nỗi u uất trong cõi tịch liêu

      Xóa
  3. Ông Đặng Tiến trích lời thơ VC :". . người ta đôi khi bị giết bằng những bó hoa. . "
    Điều này thì em chưa được mục sở thị nhưng chết vì huân huy chương thìì em thấy tận mắt rùi,
    chết mà chưa kịp lật cái mặt trái tấm huân chương ra soi là đồ hiệu hay đồ . . .giả hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện này thường gặp mà ..
      Nhưng bi kịch của VC có lẽ sâu xa hơn ..

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)