19/12/13

Cách xưng hô theo Hán-Việt

Tối nay đứa cháu ở Mỹ nhờ check cái thiệp cưới. Đến cái dòng này

Tran trong bao tin Le Thanh Hon cua con chung toi
Have the honor of announcing the marriage of our children
abc                                                                          xyz
Truong Nam – Son                                                      Ut Nu – Daughter

bảo nó sửa lại từ Út Nữ vì bên kia là trưởng nam, chữ Hán ròng; bên này lại là út nữ, nửa Nôm nửa Hán, nghe kì kì. Nếu muốn dùng từ Hán Việt thì phải viết  Quí Nữ, nếu ngại có vẻ nhiều chữ quá thì tạm dùng Thứ Nữ cũng được. Thấy nó tỏ ra băn khoăn vì cái từ quí nữ lạ tai, và người ta vẫn thường dùng út nữ, kể cả một số sách báo, nên gúc cho nó cái link để ref. Trong link này có một số cách xưng hô cũng lạ, nên lưu lại dành tham khảo.

Ông sơ, bà sơ: Cao tổ phụ, cao tổ mẫu.
Chít: Huyền tôn.
Ông cố, bà cố: Tằng tỉ phụ, tằng tỉ mẫu.
Chắt: Tằng tôn.
Ông nội, bà nội: Nội tổ phụ, nội tổ mẫu.
Cháu nội: Nội tôn.
Ông nội, bà nội chết rồi thì xưng: Nội tổ khảo, nội tổ tỷ.
Cháu xưng là: Nội tôn.
Cháu nối dòng xưng là: Đích tôn: (cháu nội).
Ông ngoại, bà ngoại: Ngoại tổ phụ, ngoại tổ mẫu: (cũng gọi là ngoại công, ngoại bà).
Ông ngoại, bà ngoại chết rồi thì xưng: Ngoại tổ khảo, ngoại tổ tỷ.
Cháu ngoại: Ngoại tôn.
Ông nội vợ, bà nội vợ: Nhạc tổ phụ, nhạc tổ mẫu.
Ông nội vợ, bà nội vợ chết rồi thì xưng: Nhạc tổ khảo, nhạc tổ tỷ.
Cháu nội rể: Tôn nữ tế.
Cha mẹ chết rồi thì xưng: Hiển khảo, hiển tỷ.
Cha chết rồi thì con tự xưng là: Cô tử (con trai), cô nữ (con gái).
Mẹ chết rồi thì con tự xưng là: Ai tử (con trai), ai nữ (con gái).
Cha mẹ đều chết hết thì con tự xưng là: Cô ai tử, cô ai nữ.
Cha ruột: Thân phụ.
Cha ghẻ: Kế phụ.
Cha nuôi: Dưỡng phụ.
Cha đỡ đầu: Nghĩa phụ.
Con trai lớn: Trưởng tử, trưởng nam.
Con gái lớn: Trưởng nữ.
Con kế: Thứ nam, thứ nữ.
Con út: Trai: Quý nam, vãn nam. Gái: Quý nữ, vãn nữ.
Mẹ ruột: Sinh mẫu, từ mẫu.
Mẹ ghẻ: Kế mẫu: Con của bà vợ nhỏ gọi vợ lớn của cha là Đích mẫu.
Mẹ nuôi: Dưỡng mẫu.
Mẹ có chồng khác: Giá mẫu.
Má nhỏ, tức vợ bé của cha: Thứ mẫu.
Mẹ bị cha từ bỏ: Xuất mẫu.
Bà vú: Nhũ mẫu.
Chú, bác vợ: Thúc nhạc, bá nhạc.
Cháu rể: Điệt nữ tế.
Chú, bác ruột: Thúc phụ, bá phụ.
Vợ của chú : Thiếm, Thẩm.
Cháu của chú và bác, tự xưng là nội điệt.
Cha chồng: Chương phụ.
Dâu lớn: Trưởng tức.
Dâu thứ: Thứ tức.
Dâu út: Quý tức.
Cha vợ (sống): Nhạc phụ, (chết): Ngoại khảo.
Mẹ vợ (sống): Nhạc mẫu, (chết): Ngoại tỷ.
Rể: Tế.
Chị, em gái của cha, ta gọi bằng cô: Thân cô.
Ta tự xưng là: Nội điệt.
Chồng của cô: Dượng: Cô trượng, tôn trượng.
Chồng của dì: Dượng: Di trượng, biểu trượng.
Cậu, mợ: Cựu phụ, cựu mẫu. Mợ còn gọi là: Câm.
Còn ta tự xưng là: Sanh tôn.
Cậu vợ: Cựu nhạc.
Cháu rể: Sanh tế.
Vợ: Chuyết kinh, vợ chết rồi: Tẩn.
Ta tự xưng: Lương phu, Kiểu châm.
Vợ bé: Thứ thê, trắc thất.
Vợ lớn: Chánh thất.
Vợ sau (vợ chết rồi cưới vợ khác): Kế thất.
Anh ruột: Bào huynh.
Em trai: Bào đệ, cũng gọi: Xá đệ.
Em gái: Bào muội, cũng gọi: Xá muội
Chị ruột: Bào tỷ.
Anh rể: Tỷ trượng.
Em rể: Muội trượng.
Anh rể: Tỷ phu.
Em rể: Muội trượng, còn gọi: Khâm đệ.
Chị dâu: Tợ phụ, Tẩu, hoặc tẩu tử.
Em dâu: Đệ phụ, Đệ tức.
Chị chồng: Đại cô.
Em chồng: Tiểu cô.
Anh chồng: Phu huynh: Đại bá.
Em chồng: Phu đệ, Tiểu thúc.
Chị vợ: Đại di.
Em vợ (gái): Tiểu di tử, Thê muội.
Anh vợ: Thê huynh: Đại cựu: Ngoại huynh.
Em vợ (trai): Thê đệ, Tiểu cựu tử.
Con gái đã có chồng: Giá nữ.
Con gái chưa có chồng: Sương nữ.
Cha ghẻ, con tự xưng: Chấp tử.
Tớ trai: Nghĩa bộc.
Tớ gái: Nghĩa nô.
Cha chết trước, sau ông nội chết, tôn con của trưởng tử đứng để tang, gọi là: Đích tôn thừa trọng.
Cha, mẹ chết chưa chôn: Cố phụ, cố mẫu.
Cha, mẹ chết đã chôn: Hiền khảo, hiển tỷ.
Mới chết: Tử.
Đã chôn: Vong.
Anh em chú bác ruột với cha mình: Đường bá, đường thúc, đường cô, mình tự xưng là: Đường tôn.
Anh em bạn với cha mình: Niên bá, quý thúc, lịnh cô. Mình là cháu, tự xưng là: Thiểm điệt, lịnh điệt.
Chú, bác của cha mình, mình kêu: Tổ bá, tổ túc, tổ cô.
Mình là cháu thì tự xưng là: Vân tôn

nguồn: vi.wiktionary

Bổ sung: (từ Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn) 28/8/17
Ngày xưa chị em cùng lấy một chồng, chị gọi em là đễ 娣.
Ngày xưa phiếm xưng em gái là đễ = Cũng như nói muội muội 妹妹.
Ngày xưa gọi em trai của chồng là đệ 娣.
Vợ anh gọi là tự phụ 姒 婦, vợ em gọi là đệ phụ 娣 婦.
---
Bổ sung. 

Bạn đọc: Chung quanh mấy tiếng 'út nam - út nữ', mới đây đã có một cuộc thảo luận nhẹ nhàng và thú vị trên Facebook mà chắc ông An Chi cũng đã biết. Xin ông cho nhận xét về những ý kiến đã được phát biểu. Xin cảm ơn ông. Nguyễn Công Trực (Cao Lãnh, Đồng Tháp)


Năng lượng Mới số 384

Học giả An Chi: Bạn Quy La đặt vấn đề: “Trong các thiệp cưới, người ta thường gặp những cách ghi “út nam”, “út nữ”. “Trưởng nam”, “thứ nữ” thì đúng rồi. Còn “út nam”, “út nữ” nghe kỳ kỳ làm sao! (…) Dễ hiễu thôi: “Nam” và “nữ” là Hán Việt; còn “út” là tiếng Việt rặt ròng, làm sao mà ghép chúng thành đôi cho được?!”.

Theo chúng tôi thì trong trường hợp này vấn đề không phải ở chỗ “Hán Việt” hay “Việt rặt ròng” mà ở chỗ yếu tố được nói đến là từ Hán Việt độc lập hay hình vị Hán Việt không độc lập. “Tuyết” [雪] là một yếu tố Hán Việt còn “đầy” là một từ Việt rặt nhưng ta vẫn nói được “đầy tuyết”. “Sách” [册] là một yếu tố Hán Việt còn “ít” là một từ Việt rặt nhưng ta vẫn nói được “ít sách”. “Bộ” [部] là một yếu tố Hán Việt còn “trọn” là Việt rặt (ít nhất cũng là theo quan niệm của đại đa số) nhưng ta vẫn nói được “trọn bộ”. Sở dĩ có được những sự kết hợp trên đây là vì các yếu tố Hán Việt “tuyết”, “sách”, “bộ” là những từ độc lập. Cũng vậy, sở dĩ người ta vẫn nói “út nam”, “út nữ” là vì “nam”, “nữ” là những từ Hán Việt độc lập. Thí dụ: - Công nhân phân xưởng này chỉ có nữ, không có nam. - Học sinh lớp 8C gồm có 25 nam và 15 nữ. - Dãy nhà nam và dãy nhà nữ của khu tập thể này cách nhau khá xa. V.v... Vậy “út nam”, “út nữ” là những cách diễn đạt bình thường. Nhưng trong những văn bản có tính trang trọng như thiệp cưới mà dùng “út nam”, “út nữ” thì nghe hơi… bình dân.

Vậy ta có thể thay thế bằng cách nào? Bạn Quy La có nhận xét là trong thiệp cưới có liên quan đến người gốc Hoa thì thấy ghi là “ấu nam”, “ấu nữ”. Nhưng đây chỉ là những danh ngữ được đặt ra theo tập quán ngôn ngữ riêng của người Hoa (và người Trung Quốc) chứ riêng chữ “ấu” [幼] thì lại không có nghĩa là “út”. Bằng chứng là ta không thể tìm thấy nó trong 5 nghĩa của chữ “ấu” mà chính bạn đã nêu: - 1. trẻ em, trẻ con; - 2. nhỏ tuổi; - 3. non, mới sinh; - 4. nông cạn, chưa thành thục; - 5. yêu thương, che chở. Vả lại đây chỉ là cách nói cận đại và hiện đại của họ mà ta cũng chẳng nên theo.

Vậy có nên thay “út nữ” bằng “quý nữ”, chẳng hạn? Nhưng bạn Quy La đã hoài nghi một cách có lý: “Quý nữ [季女] là con gái út. Có lẽ đây là từ cổ chăng? Vì thế nên ngày nay chỉ thấy chữ “ấu” [幼] được dùng tràn đầy trong các thiệp cưới”. Bạn đã có lý. Nghĩa “con gái út” của hai chữ “quý nữ” quả có được dùng vào thời xưa. Hán ngữ từ điển (cidian.xpcha.com) đã cho nghĩa 2 của “quý nữ” [季女] là “tiểu nữ nhi” [小女儿], tức là “con gái út”, như có thể thấy trong lời một bài văn bia do Hàn Dũ (đời Đường) thảo ra. Với nghĩa này, Tuyến thượng từ điển (ichacha.net) đã dịch câu “Tha đích tiểu nữ nhi thị tha đích chưởng thượng minh châu” [他的小女儿是他的掌上明珠] thành “His youngest daughter is the apple of his eye.” “Youngest daughter” dĩ nhiên là con gái út. Còn nói chung thì đúng như bạn Quy La đã viết: “Ngày xưa, thứ tự anh em từ lớn tới nhỏ xếp theo: bá, trọng, thúc, quý [伯,仲,叔,季]. Tuổi nhỏ nhất gọi là quý”.

Bạn Cá Vàng nêu vấn đề: “Hình như “quý nam” [季男] là con trai út và “quý nữ”[季女] là con gái út (?)”.

Nhưng chúng tôi xin lưu ý rằng tiếng Hán lại không dùng “quý nam” theo nghĩa này còn nghĩa “con gái út” của “quý nữ” thì, như đã nêu, lại là một cái nghĩa rất xưa, nay không dùng nữa (nên mới thay bằng “ấu nữ”). Có lẽ do cũng thấy như thế nên chính bạn Cá Vàng mới bổ sung:

“Do “quý nữ” [季女] có nghĩa là con gái út (theo ghi nhận trong vài từ điển Hán Việt) nên tôi tạm suy ra “quý nam” [季男] là con trai út. Nói là tạm suy (ở trên tôi viết là “hình như”) vì tôi chẳng tìm được tài liệu nào giảng nghĩa như vậy.

Nhiều trang mạng tiếng Trung giảng “quý nữ” [季女] là: 1. Thiếu nữ 少女; 2. Tiểu nữ nhi 小女兒. Theo trang http://baike.baidu.com/view/12090781.htm thì chữ “quý” [季] trong câu “Thùy kỳ thi chi, hữu Tề quý nữ” 誰其尸之,有齊季女 (Thi Kinh) có nghĩa là “thiếu” 少, “tiểu” 小 (tức “quý nữ” [季女] là “thiếu nữ” 少女, “tiểu nữ” 小女); còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu và Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì dịch hai chữ “quý nữ” 季女 trong câu thơ trên là “con gái út”.”

Nhưng chúng tôi lại xin lưu ý rằng “thiếu nữ” không đồng nghĩa với “tiểu nữ”. “Thiếu nữ” [少女] là những cô gái trẻ chưa chồng, thường là tuổi từ 12-18 còn theo phụ khoa (của Tàu) thì tuổi đó là từ 13-17 (Xin x. http://www.baike.com/wiki/少女). Còn “tiểu nữ” [小女] thì mới là con gái út (Xin x. http://xh.5156edu.com/html5/74925.html, nghĩa 1).

Tóm lại, “con gái út” chỉ là nghĩa xưa (nay không dùng nữa) của “quý nữ” [季女] còn riêng chữ “ấu” thì không có nghĩa là “út”. Nhưng nhân chuyện này, bạn Bùi Quốc Huy có nêu vấn đề: “Không chừng “út” là biến âm của “ấu”.” Bạn Quy La đã trả lời: “Điều này rất khó có thể xảy ra vì chưa thấy trường hợp nào tương tự”. Bạn Bùi Quốc Huy nói thêm: “Thì “thúc” thành “chú”, “cữu” thành “cậu”, “bá” thành “bác” ... vậy mà”.

Còn chúng tôi thì xin nói thêm như sau. Trước nhất, “thúc” [叔] thành “chú” không phải là một hiện tượng biến âm có quy luật chặt chẽ từ tiếng Hán đời Đường sang tiếng Việt, như có thể thấy trong rất nhiều trường hợp khác mà chúng tôi đã từng nêu ra. Chúng tôi cho rằng xuất phát điểm ở đây là âm tiếng Hán cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV mà Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý (Xin x. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.79, cũng như cả Chương thứ ba).

Còn “cữu” “cậu” là chuyện bình thường (từ âm Hán đời Đường sang âm Việt) và ta có nhiều dẫn chứng về mối quan hệ ƯU ÂU : “ưu” trong “ưu phiền” “âu” trong “lo âu”; “Ngưu” trong “Ngưu lang” “Ngâu” trong “vợ chồng Ngâu”; “sưu” trong “sưu thuế” “xâu” [có thể là < “sâu”] trong “làm xâu”; “tựu” [僦] là thuê mướn “tậu” trong “tậu nhà”.

Trường hợp thứ ba mà bạn Bùi Quốc Huy đã nêu thì lại không phải là “bá”
[伯] thành “bác”, mà ngược lại. “Bác” có trước “bá”. Đây là một chữ thuộc vận bộ “mạch” [陌] và thiết âm của nó trong Quảng vận là “bác mạch thiết” [博陌切]. Vậy âm Hán Việt đời Đường của nó phải là “bách”. Nhưng nếu “bá” là hàng con cháu thì “bách” cũng chỉ là hàng cha chú chứ “bác” mới là hàng ông bà. Thật vậy, trong mối quan hệ giữa những âm cùng gốc thì -AC xưa hơn (xh) -ACH: “bạc” trong “bạc phếch” xh “bạch” [白] trong “bạch phiến”; “khạc” trong “khạc đờm” xh “khách” [咯] là ho hoặc tiếng khạc; “khác” trong “khác lạ” xh “khách” [客] trong “chủ khách” ( khách = không phải chủ [người] lạ [người] khác); “tác” trong “tan tác” xh “tách” [析] ( tích) trong “phân tách”; “trác” trong “tổ trác” xh “trách” [責] trong “trách phạt”; v.v.. Vậy thì “bác” là hàng ông bà; “bách” (tiếng Việt không dùng) là hàng cha, chú còn “bá” thì chỉ là hàng con cháu. Nhưng hàng con cháu này do đâu mà ra? Với chúng tôi thì đây là cách đọc theo âm của tiếng Hán cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, tức là âm cuối đời Nguyên đầu đời Minh.

Riêng chữ “ấu” [幼] thì bản thân nó không có nghĩa là “út”. Đó là điểm thứ nhất. Thứ hai, “ấu nữ” là một lối nói cận đại và hiện đại chưa bao giờ đi vào từ vựng của tiếng Việt. Thứ ba, trong lịch sử ngữ âm Hán Việt, không có mối quan hệ giữa hai vần ÂU và UT. Vì vậy nên bạn Quy La mới viết: “Điều này rất khó có thể xảy ra vì chưa thấy trường hợp nào tương tự.” Thực ra thì cái lý do dễ thấy nhất là sự xuất hiện của T (trong “út”) từ âm cuối U (của “ấu”). Đây là chuyện tuyệt đối không thể xảy ra. Xin nói thêm rằng hiện nay, trong một số thiệp cưới (dĩ nhiên là của Tàu), người ta còn dùng chữ “yêu” [幺] thay cho chữ “ấu” [幼] nữa. Và “yêu nữ” được giảng là “Yêu tại yêu nữ trung vi tiểu; bài hàng tối mạt đích ý tứ, cố yêu nữ chỉ tiểu nữ nhi”. [幺在幺女中为小、排行最末的意思,故幺女指小女儿], nghĩa là “ chữ “yêu” trong “yêu nữ” [nghĩa] là nhỏ; hàm ý là đứng cuối [khi] xếp hàng, do đó “yêu nữ” chỉ con gái út”. (Xin x. http://baike.baidu.com/view/1749051.htm).

Liên quan đến vấn đề này, bạn Trần Mã Thượng băn khoăn:

“Nếu ta muốn bỏ từ ghép Út (“út nam”, “út nữ” - AC) thì lấy từ gì thay thế; rồi từ Trưởng (nam) và từ Thứ (nữ) có phải bỏ luôn không? (…) Vậy là người Việt sáng tạo (“út nam”, “út nữ” - AC) để bổ sung thêm từ mà chữ Hán Việt còn thiếu rồi. Nếu để chữ Ấu thì e bị nhầm lẫn nên xài chữ Út cho dễ hiểu hơn”.

Ở đây, ta không nên nhân chuyện “út nam - út nữ” mà bỏ đi những cách nói “trưởng nam”, “trưởng nữ”, “thứ nam”, “thứ nữ”, là những cách diễn đạt thuận lý, hoàn toàn không có vấn đề gì về mặt ngôn ngữ, đã trở nên thực sự quen thuộc và thông dụng từ lâu trên thiệp cưới. Khái niệm mà bạn gọi là “chữ Hán Việt” thực chất là những chữ Hán mà người Việt đọc theo hoặc âm Hán đời Đường (là chủ yếu) hoặc âm Hán trước đời Đường, hoặc âm Hán sau đời Đường. Mà chữ Hán thì vẫn có những danh ngữ chỉ con trai út, con gái út. Gái thì có “quý nữ” và “ấu nữ”. Trai thì có “thiếu nam” [少男], “tiểu nhi tử” [小兒子], “ấu nam”. Vấn đề là có thể hoặc vì không biết đến những lối nói này của tiếng Hán, hoặc tuy có biết đến nhưng lại thấy nó không hợp với cái “lỗ tai” nên người ta không dùng và buộc phải tạo ra những cách diễn đạt bình dân là “út nam”, “út nữ”. Nhưng đâu có phải bình dân lúc nào cũng hay ho! Chúng tôi chủ trương thay “út nam”, “út nữ” bằng “quý nam”, “quý nữ”. “Quý nữ” là một lối nói xuất hiện muộn nhất cũng là vào thời Kinh Thi; song song với nó là “quý nam” mà ta “tự tạo” nhưng lại rất cân đối. “Vu quy” [于歸] là hai tiếng Hán xuất hiện muộn nhất cũng là vào thời Kinh Thi, được dùng “đều trời” bên nhà gái trong các đám cưới ở nước ta hiện nay. Nếu ta phản đối “quý nam”, “quý nữ” vì nó là Tàu thì có lẽ ta cũng nên thay hai tiếng “vu quy” bằng cụm từ “lễ tiễn đưa con gái về nhà chồng” cho nó có vẻ “ta” chăng?

A.C


Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/news/vn/hoc-gia-an-chi-giai-dap/ut-nam-ut-nu.html

30 nhận xét:

  1. Nặc danh19/12/13 07:56

    Để em về kêu anh rể em là tỷ phu cho nó giống kiếm hiệp!
    "Trong link này có một số cách xưng hô cũng lạ, nên lưu lại dành tham khảo", đã lạ mà còn dùng làm gì cho nó gây khó hiểu và kiểu cách?
    Em cứ ai nói út nam, út nữ, thứ nam thứ nữ là em hiểu tất, còn nói quý nữ, chắc nhà này chỉ có một cô con gái duy nhất rất cưng quý nên gọi là quý nữ vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - gọi là vợ hay gọi là phu nhân tùy nơi tùy lúc chứ em. Hì, như em gọi anh là đại ca đấy thôi :d
      - các cách xưng hô lạ ấy có thể mình ko dùng đến, nhưng cũng nên biết để hiểu khi người ta dùng. ví dụ sự phân biệt giữa cố phụ cố mẫu vs hiền khảo, hiển tỷ ..
      - vấn đề nhiều lúc ko phải hiểu hay ko, mà ngứa mắt hay ko. Như khi anh viết con chim sẽ .. thì hẵn em cũng hiễu anh đang nói đến con chim gì, phãi ko :d , nhưng em thấy có được mắt ko ?.
      Để dễ hiểu ko ai cấm em dùng từ gái út.
      Chuyện này tương tự khi ra đường ko nhất thiết phải mặc áo vét. Nhưng nếu đã mặc áo vét thì ko nên mặc quần đùi jeans :d
      - có nhiều từ Hán Việt cùng âm quí nhưng nghĩa khác nhau: quí là sang, cao giá; quí là cuối, chót; quí là một trong 10 thiên can ..
      nếu em dùng đúng mà người ta hiểu sai thì kệ ngừi ta chứ :d

      Xóa
    2. Nặc danh19/12/13 14:26

      Vậy em hỏi anh từ út nữ và út nam có gì sai?

      Xóa
    3. Nặc danh19/12/13 14:27

      vẫn là từ có nghĩa mà?

      Xóa
    4. Nặc danh19/12/13 14:27

      Hình như anh nhầm lẫn với từ Hán Việt phải không?

      Xóa
    5. uh, nói út nữ ai cũng hiểu, nhưng sai.
      Út là nôm, Nữ là yếu tố hán Việt, cấu trúc thì theo kiểu Tàu - từ bổ nghĩa đứng trước danh từ được bổ nghĩa.
      Túm lại nó là thứ quái thai. Em đừng cãi người ta xái thế nhiều - vôi hóa, đinh tặc .. Dù có mười người Uyễn với dấu ngã thì viết thế vẫn sai .. OK ? (hì hay viết hỏi mới sai - anh ko chắc, nhưng ví dụ đại khái thế :d)

      Xóa
    6. Nặc danh20/12/13 07:58

      Ủa anh không nghe Hán Nôm à? Quái thai gì chứ? Út nữ: con gái út, dễ hiểu mà?

      Xóa
    7. Nặc danh20/12/13 07:59

      Anh mà xúi anh chàng kia ghi quý nữ thì không khéo bị người ta bỉu môi vì màu mè, cố dùng chữ cho lạ.

      Xóa
    8. Nặc danh20/12/13 08:07

      Nếu cầm cái thiệp trên tay thế nào thiên hạ cũng phải lên tra từ điển Hán-Việt, Việt-Việt mà tra từ quý nữ, tra tám đời cũng không có.

      Xóa
    9. Nặc danh20/12/13 08:12

      Ai nói ÚT là từ bổ nghĩa đứng trước danh từ được bổ nghĩa là NỮ?

      Xóa
    10. 1. uh, nếu ngại người ta nói này nọ thì dùng từ Thứ nữ - anh nói trên rồi. Còn nếu tự tin, thì cứ dùng, ngui ko biết nói gì kệ, hơi đâu quan tâm ?

      2. Anh bảo :d
      Nếu viết theo cú pháp Việt thì: trai trưởng, gái út .. các từ trưởng, út ko modify cho trai, gái là gì ?
      Viết Trưởng Nam thì ok, vì đấy là từ Hán Việt, tuân thủ cấu trúc ngữ pháp Tàu (Anh, Pháp ..).
      Viết Út Nữ thì quái thai vì út ko phải từ Hán Việt lại ghét với một từ Hán Việt, và viết theo cú pháp Tàu.

      Này, anh nói mấy lần ý này rồi nhé. Em có đọc ko đấy ?

      3. [color="blue"]Ủa anh không nghe Hán Nôm à? [/color]
      Hán Nôm ? ý em là gì vậy ?

      Xóa
    11. Nặc danh20/12/13 11:27

      thế khi má gọi: út tui năm nay tới tuổi cập kê, thì bả nói ai?

      Xóa
    12. Trong cấu trúc gái út thì út là tính từ, làm định ngữ cho danh từ gái.
      Còn trong câu ví dụ của em thì Út được dùng như danh từ, tui là tính tự (đại từ) sở hữu, làm định ngữ cho Út.
      Sự biến đổi từ loại như này là chuyện bình thường mà em

      Xóa
  2. Ủa thế em gọi anh là Đại ca thì là vế rì tiếng Vịt hả anh ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý anh nói là chuyện phong cách. Trên mạng, vui vẻ, các em gọi đại ca .. Nhưng trong một môi trường khác, chắc sẽ ko gọi như thế, phải ko ?

      Xóa
    2. :)) :)) Thế giả sử đây là môi chường khác , Đại ca thit em kiêu là giề ??? :-?

      Xóa
    3. môi trường này nó thế rùi, gs gì nữa. Còn môi trường khác thì khi gặp tự em chứ. Có thể anh, xưng em, nhưng cũng có thể thấy anh già hói qua, gọi chú xưng cháu hihi :D

      Xóa
    4. :)) Em sẽ gọi Đại ca là : ... Bảo đệ hay Xá đệ cho ... chẻ chung !

      Xóa
  3. BÀN GÓP VỚI BÁC KHUNG K HÍ:

    Anh rể: Tỷ phu.
    Em rể: Muội phu,
    Em dâu: Tức muội, Đệ phụ

    Em dâu: Đệ phụ, Tức muội

    XIN HỎI :

    - Con rễ của vua được gọi là phò mã, vậy con dâu vua được gọi là gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời

    1. Hihi, thầy giáo kiểm tra phải ko ? :D

      Nói chung, cái gì liên quan đến vua thì ghép với hoàng~:
      Hoàng huynh, hoàng đệ, hoàng hậu, hoàng phi, hoàng tử ..
      Và con dâu vua thì gọi hoàng tức -- tức = dâu.
      Đấy là từ gọi chung. Còn cụ thể thì tùy theo vợ của ai mà có cách xưng hô tương ứng.
      Ví dụ vợ thái tử thì gọi thái tử phi, vợ của hoàng tử đã được phong vương thì gọi vương phi - Nhưng chú ý Vương phi ko có nghĩa vợ Hoàng tử, mà chỉ chung vợ ai đấy đã được phong vương - có thể hoàng tử hoặc anh em vua ..

      Riêng con rể vua thì từ gọi chung là hoàng tế. Thường gọi phò mã là theo chức quan vua thường ban cho rể của mình (phò mã = đánh xe ngựa (cho vua)

      Đại khái theo mình biết là thế. Có gì sai hoặc thiếu thì bạn bổ sung nhé.
      Chúc bạn cuối tuần nhiều niềm vui.

      Xóa
    2. Không phải kiểm tra mô, mà cùng góp thêm vào. Blogger Nguyễn Phúc Vĩnh Ba dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn có dành một bài viết các danh xưng về con dâu triều Nguyễn ở Việt Nam. Bài này đăng trên blogYahoo 360 Plus đã lâu, không thấy "mệ" Ba đăng lại trên blogspot và YuMe. Mình có liên hệ "mệ" Ba đăng lại trên blogspot của mình. Mời đọc nhé:

      http://lathuy.blogtiengviet.net/2011/05/19/con_da_u_vua_a_amarcc_gar_i_la_ga

      Xóa
    3. Mời click chuột vào dòng chữ BẤM VÀO ĐÂY in đậm ngay phía dưới để đọc nhé:

      BẤM VÀO ĐÂY

      Xóa
    4. :d Nói vui thôi. tks bạn nhé. Bài rất có ich - cách gọi lạ triều Nguyễn.

      Chúc mừng vì trình it đã tiến thmê một bước:D

      Xóa
  4. Theo mình thì nên viết là Gái út thay cho Út nữ. Dễ hiểu và đúng văn phạm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, nhưng nếu dùng [color="blue"]gái út[/color] thì cũng nên dùng [color="blue"]trai đầu[/color] để cân xứng.
      Nhưng thế nó có informal quá ko nhỉ ?. Vì trên thiệp cưới người ta thường sử dụng rất nhiều từ Hán Việt để tạo phong cách trịnh trọng ..

      Chào bạn lần đầu ghé nhà. Chúc cuối tuần vui vẻ.

      Xóa
  5. Trong bài này, ông An Chi bàn về từ Út nữ - Quý nữ:
    http://petrotimes.vn/ut-nam-ut-nu-239481.html
    "Chúng tôi chủ trương thay “út nam”, “út nữ” bằng “quý nam”, “quý nữ”. “Quý nữ” là một lối nói xuất hiện muộn nhất cũng là vào thời Kinh Thi; song song với nó là “quý nam” mà ta “tự tạo” nhưng lại rất cân đối. “Vu quy” [于歸] là hai tiếng Hán xuất hiện muộn nhất cũng là vào thời Kinh Thi, được dùng “đều trời” bên nhà gái trong các đám cưới ở nước ta hiện nay. Nếu ta phản đối “quý nam”, “quý nữ” vì nó là Tàu thì có lẽ ta cũng nên thay hai tiếng “vu quy” bằng cụm từ “lễ tiễn đưa con gái về nhà chồng” cho nó có vẻ “ta” chăng?"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một chút từ nguyên:
      Đọc được trong "Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán" của Lý Lạc Nghị:

      季 do 禾 hòa và 子 tử tạo thành, chỉ lúa còn non. Nghĩa mở rộng thành "người trẻ tuổi", "thiếu nữ nhỏ".

      Nhớ hồi xưa đi học, thầy giải thích: Khi mà đám con trai 子 đi gánh lúa 禾 về thì đích thị là ngày mùa
      Giải thích có thể ko đúng từ nguyên, nhưng quả là rất dễ nhớ

      Xóa
  6. Tôi muốn liên hệ với bạn, bằng Facebook được chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, mời bạn vào đây: https://www.facebook.com/tambk.ngng

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)