27/7/14

Quỳnh Giao . Đường chiều lá rụng


Đây là một bài tạp ghi Quỳnh Giao trên Người Việt 1/2/2013 viết về một nhạc phẩm của Phạm Duy, bản Ðường Chiều Lá Rụng., được đăng lại trên dainamax tribune
"Dainamax xin giới thiệu lại đây để chúng ta hiểu rõ hơn về Quỳnh Giao, khi lá đã rụng, người đã im... "
 Mấy clip nhạc là bonus.

(1946 - 2014)

Một buổi chiều cuối năm Quý Tị đầu năm 2013 chúng tôi cùng hát với nhau dù chỉ được một phần cả Ngàn Lời Ca của Phạm Duy. Trong có 24 tiếng để anh chị em tổ chức một buổi sinh hoạt impromtu mà trang nghiêm trong tinh thần tưởng niệm, Quỳnh Giao nhận lời hát Kỷ NiệmÐường Chiều Lá Rụng.

Kỷ Niệm là ca khúc vừa sáng tác xong là Phạm Duy đưa cho con bé (Quỳnh Giao) hát trên đài phát thanh. Hơn hai chục năm sau đó, khi mình còn ở miền Ðông và thực hiện lấy băng nhạc Hát Cho Kỷ Niệm theo lối thủ công nghệ, ông cẩn thận gửi lời giới thiệu qua một cassette. Ðấy là kỷ niệm khó phai, nghe lại là nhạt nhòa nước mắt.

Còn Ðường Chiều Lá Rụng là một dấu ấn khác của Phạm Duy, được ông viết khi còn trẻ, vào năm 1965, căn cứ theo tập nhạc “Hát vào Ðời” xuất bản năm 1969. Nhưng trong cuốn “Ngàn Lời Ca,” thì ông viết từ năm 1958, sau khi đi du học bên Pháp về. Ðiều này có lẽ cũng đúng, vì ông đã dùng những điều học được áp dụng cho ca khúc. Ðây là bài hát có nhạc thuật cao nhất của ông, với nét ngũ cung u uẩn và những chuyển đoạn liên tục, vừa khó hát, khó nghe và khó hòa âm.

Năm đó, khi vừa ráo mực, ông đưa tác phẩm cho nhạc sĩ Vũ Thành. Là trưởng phòng văn nghệ của đài Phát Thanh Sài Gòn và trưởng ban nhạc đại hòa tấu và hợp xướng Phương Hoa, Vũ Thành cũng cộng tác với đài Tiếng Nói Tự Do của Hoa Kỳ, chuyên phát các chương trình ra miền Bắc. Nổi tiếng khó tính, Vũ Thành lưỡng lự khi soạn hòa âm, vì Ðường Chiều Lá Rụng không dễ viết.

Nguyên tác của Phạm Duy là nhịp ý dìu dặt thiết tha trên ton Si thứ với nhiều quãng năm giảm (quinte diminué) làm nhiều ca sĩ trẹo lưỡi. Hát đúng giọng thì phải xuống nốt Fa thăng thấp (dưới hàng kẻ ba dòng) và lên nốt Fa thăng cao nhất (dòng kẻ thứ năm). Vũ Thành sửa lại, dùng nhịp 4/4 theo lối chậm rãi kể lể của một bản Slow và viết nhiều nốt liên ba (triolet) trong toàn bài, rồi còn hạ một cung, tức là ton La thứ. Viết xong, Vũ Thành quyết định thu thanh cho chương trình của đài Tiếng Nói Tự Do để phát ra Bắc, và vì thế trong Nam mình không được nghe.

Ông chọn Thái Thanh để trình bày tác phẩm bất hủ này. Ðấy là một chọn lựa tuyệt vời.



Thường ngày Thái Thanh vẫn nổi tiếng là cường điệu. Bà làm cho ca khúc thổn thức rũ rượi hơn và nồng nàn hơn nguyên bản. Nhưng với Ðường Chiều Lá Rụng qua hòa âm Vũ Thành thì mọi lối quằn quại điệu nghệ bỗng nhiên biến mất. Bài hát quá khó, khiến bà phải cẩn trọng từng chữ, hát sai và không theo dàn nhạc thì Vũ Thành “quạt” ngay, chẳng nể nang ai cả!

Thái Thanh hát nghiêm chỉnh, lại có cả dàn phụ họa của Anh Ngọc, Nhật Bằng, Phượng Bằng, Kim Tước, Mai Hương và Quỳnh Giao nữa, nên ca khúc là một tuyệt chiêu.

*

Như có lần người viết đã kể, khi di tản năm 1975, tài sản duy nhất được Vũ Thành đem theo là một số băng ghi âm các ca khúc quý giá ông làm cho đài Tiếng Nói Tự Do. Trong đó có Ðường Chiều Lá Rụng.

Tại hải ngoại, khi thực hiện đĩa nhạc thứ hai với tên Tiếng Chuông Chiều Thu, Quỳnh Giao chọn Ðường Chiều Lá Rụng vì yêu mến tác phẩm trứ danh này. Nhưng đưa cho Duy Cường nghe tape nhạc Vũ Thành thì bị lắc đầu: “Em không bao giờ làm giống ai và chẳng bị ảnh hưởng của ai hết!” Ðúng quá chứ! Rồi Duy Cường cũng loay hoay mãi không viết được. Anh không chịu đổi qua nhịp Slow như Vũ Thành, dù nhịp này dễ hát hơn nhiều.

Cuối cùng Duy Cường hòa âm theo kiểu ad lib, là tự do, chẳng có nhịp gì hết.

Cái khó là xưa nay ca sĩ hát ad lib thì nhạc sĩ đệm theo, chứ bao giờ lại có sự ngược là nhạc sĩ đàn ad lib và ca sĩ phải hát theo! Cường nói: “Chỉ có chị mới hát theo dàn nhạc được, và vì chị nên em mới thử nghiệm điều này.”

Hôm thu âm tại phòng thu Tomlinson, Phạm Duy đến nghe.

Cô cháu hát thử câu đầu “chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều” bằng hai cách. Cách thứ nhất gần giống lối diễn tả của Thái Thanh, là láy vào chữ “vắng” và chữ “rơi.” Cách thứ hai là chỉ láy vào chữ “ta” mà thôi. Và hát rất đều giọng, nghiêm trang. Phạm Duy chọn cách thứ hai. Viết lại như vậy để chúng ta hiểu ý người sáng tác.
Cho tới giờ dường như số người hát Ðường Chiều Lá Rụng chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay. Riêng Phạm Duy thì nhắc đến ba người là Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao. Mà người nghe chắc cũng ít. Nhạc đã thế, lời ca lại chẳng nhắm vào cảm quan mà đầy não tính...



Quỳnh Giao đã viết nhiều nên không dám nói thêm về các lời từ của Phạm Duy khi ông đưa tình yêu lên tận cõi chết. Ðường Chiều Lá Rụng là một tiêu biểu rực rỡ và rã rời nhất với hình ảnh đầy chất siêu thực. Nhưng giờ đây, khi ông đã ra đi, mà mình hát lại với nước mắt lưng tròng thì ca khúc lại tái sinh như một bức họa.

Ông chuyển cung như dùng màu sắc để đổi ánh sáng và có nhiều câu báo hiệu lối viết sẽ thấy ở Trịnh Công Sơn về sau.

Một kỷ niệm cuối là khi ghi âm bài này với hòa âm của Duy Cường, Quỳnh Giao đã ỷ vào chỗ thân tình mà xin sửa một chữ ở câu cuối! Phạm Duy nghe lại, gật gù và cho phép!

Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai.


Quỳnh Giao xin phép hát là “Hồn ta như gò mối, im chờ phút đầu thai...”

Lá đã rụng, ông đã im. Chúng ta đang chờ ông trở lại.

nguồn: dainamax tribune

Mời nghe một album nhạc Văn Cao, do Quỳnh Giao và Mai Hương trình bày




2 nhận xét:

  1. Nặc danh1/5/16 12:00

    T tập bài này ròng rã cả tháng trời mới hát tạm ổn khi nghe ...thoáng qua. :-)
    Chúc a và gia đình có những ngày nghỉ lễ xum họp an vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài này nổi tiếng khó hát, T hát nghe được là giỏi rồi.

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)