29/4/15

Dương Thiệu Tước và Ngọc Lan


Quỳnh Giao

Nếu Dương Thiệu Tước là người viết ca khúc khêu gợi nhất từ thời “tiền chiến”, thời phôi thai của tân nhạc cải cách, thì ông cũng là tác giả của một ca khúc lãng mạn thanh quý nhất.

Trước “Cỏ Hồng” của Phạm Duy dễ mấy thập niên, bài “Dưới Ánh Trăng” của Dương Thiệu Tước là ca khúc mang rất nhiều ẩn dụ âm dương.

Anh như ánh trăng thanh
Em như hoa trên cành
Trăng lồng hương sắc thắm
Âu yếm cho mộng tàn canh.

Ánh trăng mà ái ân với nụ hoa đầu cành, không là nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng thì ít ai nghĩ ra! Chữ “lồng” của ông trong đoạn mở đầu quả là đắt! Đông phương thời xưa vốn không nghèo ý lạ thì cũng phải chịu chữ này là hay. Là động từ hay hình dung từ vậy, mà ánh trăng lại lồng cho hương sắc thắm?


Người ta thường nói Dương Thiệu Tước kết tinh tài hoa của đất Bắc ngàn năm văn vật vào một thể loại mới là nhạc cải cách, mà ông cũng là một trong mấy tác giả tiên phong. Ông sinh năm 1915 tại làng Vân Đình tỉnh Hà Đông, là cháu nội cụ Dương Khuê của văn học sử. Những bậc cao niên ngày nay vẫn còn nhắc đến Dương Thiệu Tước tại Hà Nội của sáu mươi năm về trước, môi đỏ tựa son, da trắng hồng, tóc đen nhánh, gợn sóng như một công tử tài hoa đất Hà Thành.

Ông thuộc loại nhạc sĩ quán triệt nhạc thuật Tây phương lẫn văn hoá Đông phương nên mới cho “trăng lồng hương sắc thắm” trong ca khúc thuộc loại đầu đời của tân nhạc cải cách.

Sau ông, nhiều nhạc sĩ khác cũng nổi danh trong trường phái tân nhạc cao sang về lời từ và quý phái trong giai điệu. Họ không nhiều đâu. Đó là Vũ Thành, Nguyễn Văn Quỳ và Cung Tiến. Họ viết nhạc trên giai điệu Tây phương, rất gần với thể loại về sau chúng ta gọi là “bán cổ điển”.

Nhưng, khác ba nhạc sĩ trên, Dương Thiệu Tước cũng là tác giả của nhiều ca khúc vẫn đậm nét Á Đông, trên giai điệu ngũ cung: đó là “Đêm Tàn Bến Ngự” vô cùng Huế,



hay “Tiếng Xưa”, hết sức Nam kỳ. Nói “Tiếng Xưa” là giai điệu miền Nam thì nhiều người hoài nghi, nhưng xin nghe lại mà xem. Những người sành cổ nhạc Nam phần như Nguyễn Hữu Ba hay Việt Hùng thì không còn ở với chúng ta để xác nhận điều ấy, cho nên mình phải nghe lại, ngẫm lại!...



Dương Thiệu Tước để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm trang nhã của loại bán cổ điển, như “Áng Mây Chiều”, “Buồn Xa Vắng”, “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”.... Bài nào cũng là viên ngọc quý trong kho tàng nhạc Việt. Riêng một bài thì rõ là một đoá hoa quý: “Ngọc Lan” tiếp nối ẩn dụ của “Dưới Ánh Trăng” đã nói ở đầu. Nhưng thanh thoát bội phần.

Một số người ưa chuyện hậu trường thì cho rằng Ngọc Lan được Dương Thiệu Tước sáng tác cho Minh Trang (thân mẫu của người viết bài này!) Đấy là tiểu tiết hay tiểu truyện không cần nói trong tác phẩm. Đúng sai thì xin để lại cho những người trong cuộc. Dương thiệu Tước viết bài này tại đất Thần Kinh năm 1953, khi cùng thân mẫu của người viết về Huế thăm đại gia đình đã xa lâu rồi.
Nếu “Dưới Ánh Trăng” là ca khúc tả cảnh để tả tình, để ánh trăng ân ái với đóa hoa, thì “Ngọc Lan” tả đóa hoa mà để nói về tình yêu thanh khiết.



Những người không hiểu lời, ngoại quốc chẳng hạn, hoặc nếu chỉ nghe phần nhạc có hoà âm công phu, thì vẫn cảm nhận được nét đẹp lả lướt mà không lả lơi, phóng khoáng mà không phóng túng và nhất là giai điệu rất trang trọng, quý phái. Trước vẻ đẹp của hoa, người nghệ sĩ chỉ có thể trầm trồ như vậy!

Viết trên cung Mi giáng Trưởng, dìu dặt khoan thai theo tiết điệu ¾ của một bài luân vũ chậm, ca khúc Ngọc Lan có ba nhạc đề.

Phần đầu tha thiết dịu dàng mở ra như một đóa hoa ngọc lan mới nở và phả ra hương thơm ngoài hiên nắng. Từ cánh hoa trắng muốt như bạch ngọc, nhạc sĩ chuyển qua phần hai, ngợi ca cả thanh lẫn sắc. Hóa ra hoa chỉ là người. Mà phải là người rất đẹp. Qua đến nhạc đề thứ ba, tác giả chuyển từ cung Mi giáng Trưởng sang Si giáng Trưởng rồi qua Sol thứ trước khi trở lại Si giáng trưởng để chuyển về nhạc đề đầu tiên. Nhạc đề này diễn tả sự hôn mê rung động của người ngắm hoa. Tác giả khiến ta nghĩ rằng trước vẻ đẹp tinh khiết của hoa, người nghệ sĩ phải lùi lại, ngậm ngùi nhìn nét đẹp như hương thơm, cứ thoảng dần trong gió và để lại nơi đây, trong cõi đời này, biết bao thương nhớ.

Nhạc thuật gợi lên nào thanh, nào sắc nào hương và nỗi tình si của người không dám sỗ sàng bước tới, mà chỉ chìm dần trong làn hương thắm do đóa hoa vương lại.

Về cách diễn tả thì khi trở về nhạc đề thứ nhất, người ca sĩ sẽ hát cho đến cuối nhạc đề hai bằng hai câu kết tuyệt vời, một trên cung Trưởng, một trên cung Thứ và đáp lại bằng Mi giáng Trưởng lâng lâng, đầy thương nhớ. Ngày xưa, trong các đài phát thanh của Sàigon, khi hát câu cuối, người ca sĩ phải lên đến nốt Sol cao ngất, ở ngoài dòng kẻ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa!

Ngọc Lan là ca khúc kén người hát lẫn người nghe. Muốn hay thì trước hết phải có hoà âm ra hồn, mà về hoà âm không phải nhạc sĩ nào cũng diễn tả được nét thanh quý của tác phẩm. Không chỉ là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức hoạ và một đoá thơm lãng mạn. Ca khúc này được nhiều người trình bày, nam lẫn nữ, nhưng có lẽ thích hợp với giọng nữ hơn là nam. Điều này hơi lạ vì nội dung gợi ý về bậc nam tử thấy người ngọc trong “giấc xuân yêu kiều” bỗng mê đắm mà... lùi lại để tơ vương trong tâm tưởng. Ngợi ca đoá hoa như vậy thì phải là nam tử chứ?

Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật đáng thương cho Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê.

Ông viết nhạc đã hay mà dùng chữ rất tài cho một hậu thế lại coi thường chữ nghĩa và nỗi dụng công của ông. Khi viết “ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và nhạc vào một câu làm người ứa lệ trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng “mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”!

Dễ hiểu hơn đấy, nhưng khiến tác giả không hiểu gì nữa… Thương cho một đoá ngọc lan.

nguồn: nguoiviet.com

19/4/15

Nhớ về Dương Thiệu Tước




Giòng nhạc lả lướt với lời tình ca tuyệt vời, Thu Hà đang gởi đến quý thính giả bài “Ngọc Lan”. Nhạc bản này thì chắc quý vị cao niên và trung niên đều biết là của Dương Thiệu Tước…

Bài “Ngọc Lan” nhiều người cho là ông viết riêng tặng Minh Trang, người đã đi chung con đường nghệ thuật cũng như đường đời với ông. Tên tuổi của Minh Trang thì quý vị hẳn cũng chưa quên là một trong các nữ ca sĩ đầu đàn của làng âm nhạc Việt Nam, tức là vào cuối thập niên 1940.

Nhân ngày giỗ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước vào mùng 1 tháng Tám tới đây, Thy Nga đã điện thoại hỏi thăm bà, hiện cư ngụ tại vùng Quận Cam, Nam California. Hàn huyên một lúc rồi Thy Nga hỏi bà về bài “Ngọc Lan”.


Minh Trang ríu rít kể lại kỷ niệm xưa. Với bà, chắc những ngày ấy dường như mới hôm qua. Gần đến ngày giỗ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nhưng chúng tôi đồng ý với nhau là chỉ nhớ về những gì vui mà thôi. Minh Trang hiện sống gần với con cháu, và giọng nói như quý vị nghe đấy, vẫn nhanh vẫn tươi.

Trước đó, Thy Nga đã gửi đến quý thính giả nhạc bản “Tiếng xưa” do Kim Tước trình bày. Bài này, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết cho miền Nam. Về miền Bắc thì có bài “Thề non nước” phổ thơ Tản Đà, và riêng cho miền Trung là bài “Đêm tàn bến ngự” viết vào khoảng năm 1951.

Đến đây, Thy Nga xin phát một khúc trong bài “Đêm tàn bến ngự” do Minh Trang trình bày trên đài Pháp Á vào các năm 1950. Hẳn nhiên là âm thanh không được tốt vì thâu đã cả nửa thế kỷ rồi mà!

“Đêm tàn bến ngự” Minh Trang hát

Dương Thiệu Tước từ trần vào ngày 1 tháng 8 năm 1995 tại Saigon để lại cho đời nhiều nhạc phẩm bất hủ.

Hồi cuối thập niên 1930, chính Dương Thiệu Tước là một trong các nhạc sĩ mở đường hướng mới cho nền âm nhạc Việt Nam.

Trong khi giới thanh niên đua nhau hát các ca khúc tiếng Pháp thì ông chuyển sang viết nhạc bản bằng tiếng Việt.

Các bài đầu tiên là “Tâm hồn anh tìm em”, “Kỷ niệm một buổi chiều” và “Thuyền mơ” mời quý vị thưởng thức qua giọng hát Thùy Dương.

Ông tìm cảm hứng để soạn nhạc bản này như thế nào? Minh Trang cho biết tiếp.

Nhịp Valse của bài này, cũng như các điệu nhạc Tây phương mà Dương Thiệu Tước đưa vào sáng tác, đã làm cho giới yêu nhạc thời đó thích thú. Và “Myosotis” (Hoa lưu ly) là ban nhạc đầu tiên trình bày nhạc bản do người Việt sáng tác. Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước là hai thành viên chính trong ban. Phần guitare và guitare Hawaienne do Dương Thiệu Tước đảm trách.

“Bạn cùng tôi” …

“Bạn cùng tôi” quý vị đang nghe Duy Trác và Quỳnh Giao song ca. Quỳnh Giao, một trong các ca sĩ hàng đầu, hát nhạc thính phòng là ái nữ của bà Minh Trang.

Nhạc Dương Thiệu Tước mang âm hưởng Tây phương, nghe sang trọng quý phái tuy nhiên, vẫn chứa chất tình tự dân tộc Việt.

Với tinh thần này, ông đã tổ chức các chương trình “Cổ kim hòa điệu” trên làn sóng đài phát thanh Saigon, phối hợp tiếng đàn cổ truyền Việt Nam với âm thanh nhạc cụ phương Tây.

Một đời cống hiến cho âm nhạc, Dương Thiệu Tước ngoài viết nhạc, từng mở tiệm bán đàn tại Hà Nội; và dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Saigon, đào tạo được một số nhạc sĩ guitare cổ điển, có tiếng sau này như Võ Tá Hân chẳng hạn.

“Chiều” là ca khúc rất phổ biến, Dương Thiệu Tước phổ từ ý thơ Hồ Dzếnh. Khắc Dũng đang hát đến quý thính giả …

Ra đi vĩnh viễn, Dương Thiệu Tước để lại khoảng 200 nhạc bản gồm nhiều tuyệt tác. Ngoài những bài nói lên tình yêu con người; miêu tả thiên nhiên bằng âm thanh, hình ảnh, màu sắc và cả mùi vị nữa như trong bài “Ngọc Lan” còn có các bài với tiết tấu nhanh vui như “Dưới nắng hồng”, “Khúc nhạc dưới trăng”; vài bài hùng ca; các bài với nội dung dạy dỗ con trẻ như “Uống nước nhớ nguồn” viết với Hùng Lân, và bài “Ơn nghĩa sinh thành” được hát nhiều vào mỗi dịp Vu Lan.

Thy Nga xin kết thúc chương trình về nhạc sĩ Dương Thiệu Tước với bài “Trời xanh thẳm” qua giọng hát Quỳnh Giao. Chào tạm biệt quý thính giả.


nguồn: RFA


18/4/15

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan
(1925 - )
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Đan sinh năm 1925 tại Nam Định, đến với nhiếp ảnh năm 18 tuổi. Năm 1950 ông vào Saigon làm phóng viên ảnh cho tờ Indochine Sud-Est Asiatique. Đến 1954 ông đưa vợ con vào theo. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, ông mở hiệu ảnh ở Saigon kiếm sống. Ông đã tham dự nhiều cuộc thi, triển lãm. Tính riêng trong khoảng 1959-1963 ông đã giành được 70 huy chương quốc tế các loại. Ông cũng đã thực hiện được 5 tập sách ảnh: Việt Nam khói lửa (1969), Hình ảnh kinh tế Việt Nam (1974), Quê hương Việt Nam (1996), Hình ảnh Việt Nam (2003), Non sông nước Việt (2012).

17/4/15

Tiếng đàn bầu


Nghe Phạm Thúy Hoan giới thiệu vài nét về cây đàn bầu

Người đàn ông mù chơi đàn bầu
tranh sơn dầu trên carton, Bửu Chỉ (1995)
Đàn bầu ai gảy nấy nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu

Câu ca dao trên chúng ta thường được nghe truyền tụng trong dân gian, đã phần nào nói lên được sức quyến rũ của cây đàn này.

Vâng, thật là tuyệt diệu, chỉ với 1 sợi dây thép căng dài trên mặt đàn, 1 đầu dây cột dưới đàn, 1 đầu dây cột vào cần đàn, trên cần có nửa trái bầu, thế rồi chỉ với một cây que ngắn trong bàn tay mặt, khảy vào một số điểm trên dây, người nghệ sĩ tạo ra vô vàn âm thanh quyến rũ:

Đôi dòng trao đổi ..


Tác giả Nguyễn Đúc Dương trả lời bài Trao đổi về "Chuyện chữ nghĩa"
Cop về lưu để tiện đọc (và cãi .. )

Trước hết, xin tác giả hãy nhận từ tôi lời cảm ơn chân thành vì những góp ý chân tình và giàu sức thuyết phục xung quanh những điều tôi viết (mà không chỉ trên Văn Việt!).

Tuy nhiên, đã có lời nói đi thì xin cũng được có đôi lời thưa lại, đúng như tinh thần dân chủ của mọi cuộc trao đổi.

15/4/15

Đêm tàn bến ngự


Ai về Bến Ngự cho ta nhắn cùng 
Nhớ chăng non nước Huơng Bình 
Có những ngày xanh 
Lưu luyến bao tình, 
Vương mối tơ mành .. 



Đàn bầu



Sáo trúc






Về Cách Nói (Và Viết) "Lòng quyết tâm còn cao hơn núi"


Cao Xuân Hạo

Có những sai sót tưởng chừng như vô hại trong câu nói hay câu văn, thật ra có thể rất có hại, trước hết là cho người nói hay người viết. Nó cho thấy một trình độ hiểu biết rất thấp về tiếng mẹ đẻ và về cách tư duy, khiến người nghe hay người đọc khó lòng có thể không cười thầm.

Có lẽ không mấy ai không thuộc lòng câu hát trong bài Hò kéo pháo sáng tác từ hồi ta đánh trận Điện Biên Phủ lẫy lừng :

Dốc núi cao cao,
Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi!

Nội dung câu hát thật là hào hùng!. Nhưng hình thức thì sao?

14/4/15

100 năm El Cóndor Pasa : Hoài hương tâm hồn Inca


Tuấn Thảo





Nhạc phẩm El Cóndor Pasa là điệu dân ca của Peru nổi tiếng nhất ở nước ngoài. Vào năm 2004, chính quyền Lima nâng ca khúc này lên hàng di sản văn hóa quốc gia. Nhưng ít ai để ý rằng phiên bản chính thức của bài El Cóndor Pasa ra đời tại Peru vào năm 1913, tức cách đây đúng một thế kỷ.

Ngôn ngữ, logic và những nụ cười


Nguyễn Đức Dân

Nói tới văn học trào phúng là nói tới tiếng cười. Người ta thường nhắc tới những giai thoại văn học, những truyện cười, những câu đố gây cười, những hài kịch hay thơ trào phúng… nhưng dường như người ta bỏ quên một loại hình trào phúng: Bằng dăm ba dòng hóm hỉnh, các mục “nụ cười”, “vui vui”, “vui cười”… có thể làm độc giả bật ra những tiếng cười thoải mái, sảng khoái, nghịch ngợm, đậm màu sắc phê phán, châm biếm nhẹ nhàng những thói hư, tật xấu, cái rởm …còn rớt lại trong xã hội. Tôi muốn nói tới nghệ thuật gây cười này. Khác với tranh châm biếm có hình vẽ là phương tiện chủ yếu để gây cười, công cụ duy nhất của những “nụ cười” là ngôn từ trong dăm ba câu thật ngắn gọn:

13/4/15

If I Could Tell You . Yanni




If I Could Tell You là album phòng thu thứ 12 của Yanni, phát hành năm 2000, gồm 11 bài. Playlist sau chỉ 10 bài, thiếu Reason for Rainbows.






Thiên lý bên đời vẫn ngát hương


Khuya ra sân ngồi, hương thiên lý thơm ngát. Uh, hè về rồi. Giàn thiên lý bên hông nhà trổ đầy bông.


Chợt nhớ bản nhạc của Thanh Trang

.. Này em yêu thương, tháng năm nào tôi yêu em
Niềm thương trong tim thiết tha lòng tôi không quên
Mùa xuân nơi đây lặng nhớ mong em từng ngày
Thơm ngát cánh hoa tuyệt vời dịu hương tóc em ngàn đời
...

11/4/15

Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi


Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi
(1907 - 1992)
Phạm Văn Mùi sinh năm 1907 tại Nam Định, tự học nhiếp ảnh khi tham gia phong trào Hướng Đạo thời còn học phổ thông. Ông từng theo học Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (E1cole des Beaux Arts), cùng khóa với các họa sĩ danh tiếng Nguyễn Gia Trí, Lê thị Lựu, Nguyễn Văn Long, Hoàng Lập Ngôn,.. Từ 1932 đã tham dự các cuộc thi, triển lãm ảnh tại Hà Nội, Nam Định.

Sau 1954 ông di cư vào Saigon, tiếp tục sáng tác, tham dự nhiều cuộc thi, triển lãm ảnh quốc tế, giành được rất nhiều huy chương các loại. Ngoài ra ông cũng đi dạy nhiếp ảnh tại một số trường, trung tâm. Ông được xem là bậc thầy trong kỹ thuật phòng tối.

Ông qua Mỹ định cư năm 1991, và qua đời tại Garden Grove, Cali năm 1992.

Hôm trước đã xem series ảnh Suối tóc của ông. Hôm nay xem thêm một số bức ảnh khác.

10/4/15

Tribute . Yanni

Nghe tiếp Yanni



Sau thành công của liveshow tại nhà hát cổ 2000 năm Herodes Atticus ở Athens, Năm 1997 Yanni tổ chức trình diễn và ghi hình tại ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng của Ấn Độ. và sau đó tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Từ hai liveshow này, ông cho ra đời album Tribute (1997). Album đã chiếm vị trí đầu bảng Billboard dành cho album nhạc New Age và thứ 21 trên Billboard 200 năm 1997.

9/4/15

In the morning light . Yanni


I wake up to see you 
Standing in the morning light.
I reach out to touch you,
But all that I get Is a memory, 

and yet, I feel you are near
But my vision's not clear.

Yet I have your image always in view,
I'm forever thinking of you.
I feel you watching me 

Quietly in the morning light.
I try to find some peace of mind

...

Vài lời bàn thêm về từ "khác"


Bài thứ 3 trong loạt bài "Chuyện ngôn từ" của Nguyễn Đức Dương
 trên Văn Việt.
Bài 1 có thể xem ở đây


Khác” là từ hết sức thông dụng. Thế mà gần đây chúng ta lại phải chứng kiến một sự thật thực đáng buồn: nó rất hay bị dùng sai, và hậu quả là làm cho câu trở nên “xộc xệch” hẳn đi về mặt nghĩa. Có thể coi mấy dẫn liệu dưới đây là mấy minh chứng tiêu biểu:

(a) Lui tới chợ Đồng Xuân ngoài bộ đội, công an, công nhân, viên chức, hiện còn có cả các phần tử bất hảo khác.

(b) Động cơ điện không tốn nhiên liệu như các loại động cơ nổ khác.

(c) Trên bàn bày la liệt nào từ điển, nào sách tra cứu, nào các loại tranh ảnh khác.

v.v. và v.v.

8/4/15

Từ độ ánh trăng tan


Tiếp tục với Đặng Hiền.
Nghe một bản nhạc Anh Bằng phổ thơ của ông - Từ Độ Ánh Trăng Tan, Nguyên Khang và Mai Thanh Sơn trình bày


Tiếng Việt ngày một kém trong sáng: Ai là thủ phạm ?

Bài đầu tiên trong loạt bài "Chuyện ngôn từ" của Nguyễn Đức Dương
 trên trang web Văn Việt
Có thể có chỗ cần xem lại,
nhưng nói chung đây là loạt bài có ích.
Lấy về mọi người đọc, trước vui
sau để nhắc mình cẩn trọng hơn trong cách dùng từ.

Các cô các cậu tuổi teen chăng? Không ít người làm báo và làm ngữ pháp “lề phải” vẫn đinh ninh vậy. Nhưng họ dựa vào đâu? Thì đám choai choai ấy rất ưa tung lên mạng hoặc khoái chát chít với nhau bằng một thứ tiếng Việt đã rối rắm lại hết sức tối tăm tới độ đọc còn chả nổi, chứ đừng nói hiểu!

Mấy câu sắp dẫn dưới đây có thể xem là một minh chứng khó chối cãi:

(a) Hi Cu Moc![1] Tau đang bùn tHui rut đây[2][…]
(b) D. sao ngun ng~ kũg kh. fản á đợc kảm xúc of c.ngờ Vịt[3]…
(c) Thôi nha, hit h nhớ lặn lun nha[4],

Cảm thông được thứ ngôn ngữ ấy hoạ chăng chỉ có đám các cô cậu “sành điệu” cùng trang lứa, sinh sống tại các đô thị lớn!

Tiếc thay, cách lí giải vừa nhắc chưa thuyết phục được hết thảy những ai nặng lòng với tiếng mẹ đẻ. Do chưa thể trả lời đến nơi đến chốn một loạt câu hỏi chả mấy hóc hiểm, chẳng hạn như câu hỏi sau đây: chả nhẽ chỉ một dúm các cô cậu tuổi teen sinh sống tại các đô thị lớn và chuyên ăn bám bố mẹ lại có đủ cả thế lẫn lực để làm hỏng tiếng mẹ đẻ chúng ta, một công cụ giao tiếp phổ cập rộng khắp từ Bắc chí Nam mà suốt hàng trăm năm qua vẫn được hàng triệu, hàng triệu con người bình thường trên dải đất hình chữ S này âm thầm giữ gìn và quý mến?

Một câu hỏi nữa lại tức khắc nảy sinh: nếu các cô cậu tuổi teen vốn nghèo cả thế lẫn lực không phải tác nhân thì ai đây mới là thủ phạm đích thực?

Theo gương nhiều cây bút đi trước, chúng tôi thử hướng ống kính “sưu tra” vào các tờ báo có đông người đọc. Và công sức bỏ ra quả đã được đền bù ngoài sự mong đợi!

Dưới đây xin kể ra dăm ba trong số hàng ngàn hàng vạn những hạt sạn hết sức hay gặp để minh hoạ. Trong số này có không ít “hạt sạn” dù đã được chuyên mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trên các báo nhặt bỏ từ rất lâu, nhưng xem ra nó vẫn chưa chịu dứt áo ra đi, mà cứ sống đàng hoàng trên không ít trang viết. Xin nêu ra đây dăm “hạt” nổi cộm hơn cả.

7/4/15

Đôi dòng


Đọc tiếp thơ Đặng Hiền

Tiễn Đưa

Khi em về chừng như đông sang
Cuối tháng năm một mình thật lạnh
Ngồi nghe biển hát
Chiều qua nhanh

Đừng cám ơn tôi
Tôi trả ơn người
Nụ cười thôi cũng đủ
Mai em về
Ta không đưa nhau

Theo mắt nhìn dịu vợi
Hàng thông  xanh rì rào
bàn chân ai qua
Làm người ở lại
Lần nào cũng buồn
Chậu Quỳnh Hương cuối vườn
Không còn hoa.


nguồn: Thivien

Lê Đức Long phổ nhạc, Vũ Khanh ca



Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện


Hôm qua đã có một bài viết giới thiệu ngắn gọn về ngụy biện.
Hôm nay post thêm một bài nữa về đề tài này của Bàn Tân Định.
Trong bài viết công phu này tác giả liệt kê, phân loại và giải thích 50 loại ngụy biện thường gặp; có thể xem là một loại từ điển bỏ túi để tra cứu.
Ai muốn tham khảo đầy đủ hơn thì vào đây (tiếng Anh), với 229 loại ngụy biện thường gặp.
Nghiên cứu sâu các kiểu ngụy biện sẽ giúp ta có thể nhận dạng và bác bỏ nó khi gặp

Tranh luận trên các diễn đàn công cộng là một hình thức trao đổi ý kiến không thể thiếu được trong các thể chế dân chủ và văn minh. Ở nhiều nước Tây phương, lưu lượng của những tranh luận cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Nhưng thế nào là tranh luận nghiêm túc? Nói một cách ngắn gọn, cũng như trong một cuộc đấu võ, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc hẳn hoi, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi. Những qui tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi. Để đạt những yêu cầu này, người tranh luận nghiêm túc trước khi phát biểu hay đề xuất ý kiến, đưa ra lời bình phẩm của mình, cần phải xem xét tất cả các trường hợp khả dĩ, phải cân nhắc những quan điểm và những cách giải thích khác nhau, phải đánh giá ảnh hưởng của sự chủ quan và cảm tính, phải chú tâm vào việc tìm sự thật hơn là muốn mình đúng, sẵn sàng chấp nhận những quan điểm không được nhiều người ưa chuộng, và phải ý thức được định kiến và chủ quan của chính mình. Khi tranh luận phải nhất quán là chỉ xoay quanh chủ đề bàn luận, luận điểm bàn luận chứ không đi lạc đề. Không nhằm vào cá nhân và bản thân của người tham gia tranh luận.

Đó là những đòi hỏi khó khăn cho một cuộc tranh luận nghiêm túc có ý nghĩa, và không phải ai cũng có khả năng đạt được những yêu cầu này. Thành ra, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều trường hợp chất lượng của cuộc tranh luận rất thấp. Chỉ cần xem qua những lần tranh luận trên các đài truyền hình (ở Úc chẳng hạn), người ta có thể thấy đó không phải là tranh luận, mà là những cuộc đụng độ giũa các cá nhân tham gia tranh luận (nhất là các quan chức) thay vì đương đầu với lí luận của người tranh luận. Ngoài ra, đối với một số lớn chính trị gia, nghệ sĩ, và khoa học gia, được xuất hiện trên ti-vi để bình luận về một câu chuyện nào đó là một cuộc dàn xếp, một lần đóng kịch không hơn không kém. Nó là một kịch bản ngớ ngẩn đã được dàn xếp sẵn. Ngớ ngẩn là vì người xuất hiện chẳng nói được gì cho đầy đủ, mà cũng chẳng phân tích một vấn đề gì cho đến nơi đến chốn. Thực ra, họ xuất hiện để được ghi nhận, để được [nói theo tiếng Anh] là “to be seen”. Đối với các chính trị gia, nghệ sĩ, và khoa học gia loại này, “to be seen” là một phương tiện sống còn của họ trong xã hội, là một cách nói “Tôi vẫn còn đây”. Điều này có nghĩa là càng xuất hiện nhiều trên ti-vi nhiều chừng nào càng đem lại lợi ích cá nhân cho họ. Thành ra, ti-vi ngày nay đã trở thành một tấm gương cho những anh chàng bảnh trai Narcissus hiện đại phô bày bộ mặt của họ, chứ không cống hiến gì nhiều cho một xã hội dân chủ.

Mà cũng chẳng riêng gì ở Úc, tình trạng nghèo nàn về tranh luận này đã và đang xảy ra ở Âu châu. Trong mấy tháng gần đây, giới khoa học Âu châu đang lên cơn sốt “Holocaust” (cuộc tàn sát người Do thái, trước và trong thế chiến thứ II). Bất cứ một nhà khoa học nào, nghệ sĩ nào dám chất vấn những quan điểm “chính thống” về thực phẩm, về bệnh AIDS, về cuộc xung đột ở Kosovo, về sự kiện hôm 11/9 ở Mĩ, hay về môi trường đều bị dán cho một nhãn hiệu là bạn của Nazi. Giáo sư Bjorn Lomborg mới lên tiếng chất vấn những con số thống kê về môi trường liền bị gắn cho nhãn hiệu “giống như Nazi”. Những ai dám chất vấn mối liên hệ giữa vi khuẩn HIV và bệnh AIDS liền bị tố cáo là “muốn cho thế giới này có một Holocaust thứ hai”. Thật vậy, ở Âu châu ngày nay xuất hiện một xu hướng mà những quan điểm đã được xem là “chính thống” thì không ai được chất vấn. Cái xu hướng này nó đang ăn sâu vào xã hội và giới truyền thông đến nổi một nhà trí thức Anh phải than phiền là nếu không ngăn chận, nó có cơ đem xã hội Âu châu quay trở lại thời Trung cổ, thời mà không ai dám chất vấn những gì Vatican phán.

Trong cộng đồng người Việt, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn. Rất nhiều trường hợp, những cuộc tranh luận trong cộng đồng đã trở thành những cuộc chửi lộn, mà trong đó người tham gia tha hồ vung vít, ném liệng vốn liếng chữ nghĩa qua lại một cách hỗn độn, mà chẳng cần để ý đến logic hay các nguyên tắc của tranh luận là gì. Hơn nữa, rất dễ dàng nhận thấy rằng trong các cuộc tranh luận đó người ta nhắm vào mục tiêu là bản thân, cá nhân của người tranh luận chứ không nhắm vào quan điểm và lí lẽ của người đó. Một đơn cử, mới đây, những bài viết liên quan đến biên giới, thay vì bàn luận thẳng vào vấn đề, người ta có khuynh hướng công kích vào cá nhân người viết. Những danh từ, tính từ hết sức vô văn hóa được mang ra dùng cho tác giả. Thay vì dùng những chữ như Holocaust, Nazi, người Việt có những cụm từ đánh vào chỗ nhạy cảm của quần chúng. Trong hầu như những tranh luận liên quan đến Việt Nam, nhiều người cố tìm hay tạo cho mình một vị trí đạo đức cao cả bằng cách gắn cho đối phương một trong hai cụm từ trên, một thủ đoạn có khả năng làm cho một cuộc tranh luận trở nên một cuộc ẩu đã ngôn từ đinh tai nhức óc. Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc. Tức là, thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người ta tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu, và từ đó làm lu mờ đi quan điểm của họ.

Thực ra, đó là một hình thức ngụy biện, một lỗi lầm cơ bản nhưng nghiêm trọng trong tranh luận. Nói một cách đơn giản, ngụy biện là những nhầm lẫn trong lí luận và suy luận. Ngụy biện khác với logic. Logic, nói một cách ngắn gọn trong trường hợp này, là những luật lệ hay qui tắc quản lí tính nhất quán trong việc sử dụng ngôn ngữ. Từ nhiều thế kỉ qua, giới triết học Tây phương đã bỏ khá nhiều công sức để phân biệt thế nào là logic và thế nào là ngụy biện. Aristotle là một nhà logic học đầu tiên có công phát triển các qui tắc và hệ thống suy luận. Trong quá trình làm việc, ông phát hiện ra nhiều lỗi lầm mà sau này người ta quen gọi là những “ngụy biện.” Mặc dù Aristotle là một nhà nhà logic học đầu tiên có công liệt kê và phân loại những loại ngụy biện, thầy của ông (Plato) mới xứng đáng được vinh danh như là một nhà triết học đầu tiên đã có công sưu tầm những ví dụ về ngụy biện. Kể từ khi Plato và Aristotle, đã có khá nhiều nhà triết học và logic học như John Locke, John Stuart Mill, Jeremy Bentham, và Arthur Schopenhauer cũng có nhiều cống hiến quan trọng trong việc nghiên cứu về ngụy biện.

Thực ra, nhận dạng ngụy biện không phải là một việc làm khó khăn. Nói chung chỉ với một lương năng bình dân, người ta có thể phân biệt một phát biểu mang tính ngụy biện với một phát biểu logic. Tuy nhiên, cũng có nhiều dạng thức ngụy biện mà vẻ bề ngoài hay mới nghe qua thì rất logic, nhưng thực chất là phi logic. Những loại ngụy biện núp dưới hình thức “khoa học” này không dễ nhận dạng nếu người đối thoại thiếu kiến thức về logic học hay thờ ơ với lí lẽ. Do đó, một điều quan trọng trong tranh luận là cần phải phát hiện và nhận dạng những hình thức ngụy biện, và quan trọng hơn, cần phải hiểu tại sao chúng sai. Có thể phân loại ngụy biện thành nhiều nhóm khác nhau liên quan đến việc đánh lạc vấn đề, lợi dụng cảm tính, thay đổi chủ đề, nhầm lẫn trong thuật qui nạp, lí luận nhập nhằng, phi logic, và sai phạm trù. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, người viết bài này không có tham vọng trình bày tất cả những loại ngụy biện một cách chi tiết (vì việc này đã được hệ thống hóa trong nhiều sách về logic học), mà chỉ muốn liệt kê ra những loại ngụy biện thường hay gặp trong báo chí và truyền thông, hầu giúp bạn đọc có thể nhận dạng ra chân-giả.


Mục lục

Nhóm 1: Thay đổi chủ đề
Nhóm 2: Lợi dụng cảm tính và đám đông
Nhóm 3: Làm lạc hướng vấn đề
Nhóm 4: Qui nạp sai
Nhóm 5: Nguyên nhân giả
Nhóm 6: Nhập nhằng
Nhóm 7: Phạm trù sai
Nhóm 8: Phi logic (non sequitur) và nhần lẫn trong tam đoạn luận
Nhóm 9: Các nhầm lẫn khác
10. Chú thích

6/4/15

Ngụy biện


Tranh luận là nói chữ, nôm na là cãi nhau. Người ta cãi nhau khi ý kiến bất đồng về chuyện gì đó. Nên cãi nhau là chuyện thường ngày ở huyện, vì tự bản thân ta đôi khi phút trước phút sau đã có ý kiến khác nhau, nói gì với người khác - bất kể đó là bạn bè, vợ chồng, con cái, cha mẹ .. chuyện bất đồng ý kiến là khó tránh. Vấn đề là cãi nhau để làm gì - để tranh hơn thua hay để phân tích lí lẽ tìm ra cái đúng ?

Nếu cãi nhau để hơn thua, rất cần nắm vững các kiểu ngụy biện để vận dụng. 

Nếu cãi nhau để tìm cái đúng thì càng cần nắm vững các kiểu ngụy biện để tránh. Vì dù cố ý hay vô tình ngụy biện khi tranh luận, đối phường có thể không cãi lại được, nhưng thua mà ko phục. Và dĩ nhiên ko thể có cái đúng nào ló ra sau khi cãi nhau kiểu như thế. 
Tóm lại dù vì lí do gì thì bài sau trình bày ngắn gọn một số ngụy biện thường gặp cũng sẽ có ích, cóp về mọi người đọc cho biết. 

4/4/15

Suối tóc


Nghe lại một số ca khúc Quỳnh Giao đã giới thiệu trong bài trước



.. và ngắm vẻ đẹp của mái tóc phụ nữ qua một số tác phẩm nhiếp ảnh

3/4/15

Ước gì anh chưa bao giờ yêu em.




Bài hát Trúc Hồ phổ nhạc bài thơ của Đặng Hiền có cùng tên

Ước Gì Anh Chưa Bao Giờ Yêu Em

Ước gì anh chưa bao giờ yêu em
Như chiếc bóng chưa bao giờ có thật
Như con sóng ở cùng biển cả
Trang giấy đời chưa ghi tên em

Ước gì anh chưa bao giờ yêu em
Con nước lớn cũng có lần nhỏ lại
Ở môi cười giấu chút buông xuôi
Và em cũng là những ngày lập lại

Ước gì anh chưa bao giờ yêu em
Mưa nắng ở những miền mưa nắng
Miền xa xôi bất trắc muộn phiền
Yêu thật quá nên đau mà không biết

Ước gì anh chưa bao giờ yêu em
Yêu nhiều, chắc sẽ có lần quên.


Đặng Hiền
May 22, 97

Những người đẹp lập luận


Nguyễn Đức Dân

Có một quan niệm đã đi vào ca dao:

Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Quan niệm trên không hẳn đúng. Chúng ta dẫn vài “chiêu” – phương thức – nói năng, lý lẽ sắc bén khi phụ nữ lập luận để bảo vệ mình và gia đình.

2/4/15

Red violin . Ikuko Kawai


Xem Michelle Kwan, vận động viên trượt băng nghệ thuật người Mỹ (gốc Hồng Kong, sinh 1980) biểu diễn trên nền nhạc bản Red Violin



Xem Ikuko Kawai biểu diễn Red Violin



Tản mạn về lập luận


Bài viết đã lâu của Nguyễn Đức Dân, nhan đề:
  Nhân cuộc tranh luận tại Quốc hội, tản mạn về lập luận.
Cop về mọi người đọc chơi, biết thêm / ôn lại mấy điều thường thức về lập luận

Một nguyên lý sư phạm cho nền giáo dục tiên tiến: cấp cần câu chứ không cho cá. Cái cần câu cấp cho người học là phương pháp độc lập tư duy, đánh giá, phát hiện và giải quyết vấn đề. Trước hết, đó là phương pháp tư duy phản biện (critical thinking) mà cốt lõi là lý thuyết lập luận (argumentation). Khi có thói quen tư duy phản biện, hiện tượng được nhìn nhận, đào sâu tới gốc rễ của nó. Hơn ai hết giới nghị sĩ phải rèn luyện về lập luận.

Hầu như trong chương trình của các nền giáo dục tiên tiến đều có môn này. Nhờ nó mà xã hội phát triển theo đúng quy luật. Đừng thấy từ phản biện mà hốt hoảng. Ai có chân lý, người đó không sợ tư duy phản biện.

1/4/15

Im lặng thở dài


1/4. Trên vài trang mạng đang cãi nhau về nhạc của TCS, lan qua con người TCS.

Trước 1975 như nhiều hs sv thời ấy tôi cũng thường nghe nhạc TCS. Nghe Ca khúc Da vàng để thấy nhục cho thân tốt thí của một nước nhược tiểu trên bàn cờ thế giới, để buồn cho cuộc chém giết giữa những người anh em. Nghe tình ca TCS để chiêm nghiệm nỗi cô đơn của phận người .. Nhưng đến khi trên trang Tìm bạn bốn phương các báo tràn ngập những dòng kiểu .. yêu màu tím, thích nhạc Trịnh, quí chân thành. Xấu đẹp tùy người đối diện. Muốn tìm bạn cùng sở thích để chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Nếu hợp sẽ tiến tới hôn nhân .. thì nghe TCS bỗng thành một kiểu làm dáng trí thức, nên khá dị ứng.

Triết lý tiếng Việt trong "Thượng cẳng chân hạ cẳng tay"

Nguyễn Đức Dân

1. Tôi thường nghe nhiều lời bình (và cả một số bài viết) về những hiện tượng “phi lý”, “thiếu lôgic” ở tiếng Việt. Trong số này có thành ngữ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Chân thấp tay cao, sao lại thượng cẳng chân?

Có giáo sư giải thích chân đá hất lên cao, tay đập xuống nên mới nói vậy. Và cũng có bài viết theo như thế. Bạn có thể hỏi cắc cớ thế chân đạp, tay thụi có phải là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay không? Cái “phi lý” của thành ngữ này mạnh đến nỗi hai nhà nghiên cứu văn học dân gian N.L. và L.V.Đ. trong quyển từ điển Thành ngữ tiếng Việt (1978, nxb KHXH) được đánh giá cao, khi trích dẫn thành ngữ này cũng sửa lại cho “lôgic” hơn (?): “Bà cai Hách không dám hé răng nửa lời, vì cai Hách là kẻ phàm phu, chỉ biết có thượng cẳng tay, hạ cẳng chân (Vũ Trọng Phụng, Giông tố)”. Quyển Từ điển thành ngữ VN (1993, nxb VH) của một nhóm tác giả thuộc Viện NNH cũng dựa theo lời trích dẫn đã bị sửa lại này. Thật ra nhà văn họ Vũ viết “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” (Giông tố, chương 27).

Tôi tâm đắc câu cái gì hợp lý thì tồn tại của triết gia người Đức G.W. Leibniz và đi tìm cái lý cho những cách nói có vẻ “phi lý” nhưng vẫn được dùng rất bình thường này.