6/4/15

Ngụy biện


Tranh luận là nói chữ, nôm na là cãi nhau. Người ta cãi nhau khi ý kiến bất đồng về chuyện gì đó. Nên cãi nhau là chuyện thường ngày ở huyện, vì tự bản thân ta đôi khi phút trước phút sau đã có ý kiến khác nhau, nói gì với người khác - bất kể đó là bạn bè, vợ chồng, con cái, cha mẹ .. chuyện bất đồng ý kiến là khó tránh. Vấn đề là cãi nhau để làm gì - để tranh hơn thua hay để phân tích lí lẽ tìm ra cái đúng ?

Nếu cãi nhau để hơn thua, rất cần nắm vững các kiểu ngụy biện để vận dụng. 

Nếu cãi nhau để tìm cái đúng thì càng cần nắm vững các kiểu ngụy biện để tránh. Vì dù cố ý hay vô tình ngụy biện khi tranh luận, đối phường có thể không cãi lại được, nhưng thua mà ko phục. Và dĩ nhiên ko thể có cái đúng nào ló ra sau khi cãi nhau kiểu như thế. 
Tóm lại dù vì lí do gì thì bài sau trình bày ngắn gọn một số ngụy biện thường gặp cũng sẽ có ích, cóp về mọi người đọc cho biết. 

Ngụy Biện

I. KHÁI NIỆM

Trong thực tế cuộc sống thường ngày cũng như trong khoa học và kỹ thuật ta thường gặp những suy luận nhìn bề ngoài thì có vẻ đúng, có vẻ hợp lý, nhưng nếu xem xét kỹ thì thấy chúng vi phạm các quy tắc logic. Người ta gọi những sai lầm không cố ý trong suy luận là sự ngộ biện, còn những sai lầm cố ý thì được gọi là sự ngụy biện.

Nếu chỉ xét về mặt logic thì ngụy biện cũng là sai lầm logic.

Ngụy biện là sự cố ý vi phạm các quy tắc logic trong suy luận nhằm mục đích đánh lạc hướng người nghe, người đọc, làm cho người khác nhầm tưởng cái sai là đúng và cái đúng là sai.

II. MỘT SỐ LOẠI NGỤY BIỆN THƯỜNG GẶP

Ngụy biện có rất nhiều kiểu khác nhau. Sự phân loại ngụy biện đầu tiên được Aristote tiến hành. Ông chỉ ra 13 loại ngụy biện, hay nói chung là sai lầm logic, khác nhau. Các nhà logic học về sau này xác định thêm hàng chục loại ngụy biện khác nữa. Nếu căn cứ vào cấu trúc của một phép chứng minh thì ta có thể chia ngụy biện ra thành ba loại: ngụy biện liên quan đến luận cứ, ngụy biện liên quan đến luận đề, và ngụy biện liên quan đến lập luận. Nhưng cụ thể hơn, người ta có thể phân chia ngụy biện thành các loại căn cứ vào các thủ pháp mà nhà ngụy biện sử dụng. Sau đây ta sẽ xét một số kiểu ngụy biện theo cách phân chia này.

1.  Ngụy biện dựa vào uy tín cá nhân

Trong kiểu ngụy biện này, đáng lẽ phải đưa ra dẫn chứng, đưa ra chứng cứ cho lập luận của mình, thì nhà ngụy biện lại dựa vào uy tín của người khác để thay thế. Làm như vậy là ngụy biện, bởi vì uy tín của một người không đảm bảo chắc chắn rằng tất cả những điều mà người đó nói đều đúng. Không phải uy tín làm cho câu nói của người ta đúng, mà ngược lại, chính cái đúng của những câu nói của một người tạo nên uy tín cho người đó.

Ví dụ 1. Khi giáo viên nói rằng hai đường thẳng song song không bao giờ cắt nhau, có học sinh nghi ngờ điều đó và đòi hỏi phải được giải thích. Sau khi cố gắng giải thích mà không đạt và học sinh đó vẫn chưa chịu công nhận, giáo viên bèn nói: “Euclide đã khẳng định như vậy, em không tin Euclide hay sao?”

Ở đây giáo viên đã sử dụng uy tín của Euclide để thay thế cho chứng cứ.

Ví dụ 2. Giảng viên nói rằng, trong điều kiện chủ nghĩa tư bản độc quyền chủ nghĩa xã hội có thể thắng ở một nước, - là khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản -, chứ không đòi hỏi phải thắng ở một loạt các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất như trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh. Nghe vậy, một số thính giả đòi hỏi giải thích. Thay vì đưa ra các chứng cứ và lập luận chứng minh cho luận điểm mà mình đã nêu, giảng viên nói rằng luận điểm đó chắc chắn đúng, vì Lênin đã nói như vậy.

Ở đây, giảng viên trên đã dựa vào uy tín của Lênin thay thế cho việc chứng minh. Lẽ ra ông ta phải chứng minh luận điểm đó như Lênin đã làm.

2.  Ngụy biện dựa vào đám đông, dựa vào dư luận

 Ngụy biện dựa vào  đám  đông thường xảy ra  ở những cuộc tranh luận trước một đám đông người. Nhà ngụy biện sử dụng khả năng hùng biện của mình, lợi dụng truyền thống, tình cảm, quyền lợi, thói quen, … của đám đông để tranh thủ cảm tình và sự ủng hộ của đám đông đó, tạo áp lực buộc những người tranh luận với ông ta phải chấp nhận quan điểm của ông ta. Trong kiểu ngụy biện dựa vào dư luận, thay cho việc  đưa ra luận cứ và chứng minh luận điểm, người nói lại cho rằng luận điểm là đúng vì có nhiều người công nhận như vậy. Đây là lập luận ngụy biện, vì nhiều người cho là đúng chưa đảm bảo tính  đúng đắn của luận  điểm; ngược lại, nhiều người cho là sai cũng không có nghĩa là luận điểm chắc chắn sai.

Ví dụ 3. Không phải vì rất nhiều người coi rằng ông X phạm tội giết người nên đúng là ông ta giết người.

Ví dụ 4. Hồi đầu thế kỷ XX, khi nhà bác học Einstein đưa ra thuyết tương đối, nhiều nhà vật lý học cho rằng nó sai. Và ta  đã thấy rằng không phải vì vậy mà thuyết tương  đối sai, ngược lại, tính đúng đắn của nó đã được lịch sử vật lý học kiểm chứng.

3.  Ngụy biện dựa vào sức mạnh

Trong kiểu ngụy biện này, nhà ngụy biện sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để ép người khác tin vào và chấp nhận luận điểm của mình. Ở đây, sức mạnh chứ không phải là tính chân lý của luận điểm bắt người nghe phải tin theo.

Ví dụ 5. Một giám  đốc ra lệnh cho kế toán phải chi một khoản tiền sai nguyên tắc. Người kế toán phản đối, nói rằng làm như vậy là trái nguyên tắc tài chính. Khi đó, vị giám đốc nói:“Cứ làm như tôi nói, chắc chắn sẽ đúng. Nếu anh không làm, tôi sẽ cho anh biết…”.

Ở đây, cụm từ “tôi sẽ cho anh biết…” hàm ý đe dọa.

4.  Ngụy biện bằng cách đánh vào tình cảm

Trong kiểu ngụy biện này, thay vì đưa ra các luận cứ và lập luận để chứng tỏ luận điểm của mình đúng, nhà ngụy biện tìm cách tác động vào tâm lý, tình cảm của người nghe để gợi lên lòng thông cảm hoặc thương hại để được thừa nhận là đúng.

Ví dụ 6. Một người bị cáo buộc phạm tội ăn cắp. Ra trước tòa, anh ta kêu oan. Thay vì đưa ra các chứng cứ để chứng minh rằng mình vô tội, anh ta lại đi kể lể về tình cảnh gia đình khó khăn, nghèo đói, nhân thân tốt,… để hy vọng hội đồng xét xử thông cảm mà kết luận anh ta vô tội.

5.  Ngụy biện đánh tráo luận đề

Đây là kiểu ngụy biện rất phổ biến. Trong kiểu ngụy biện này, trước hết nhà ngụy biện thay thế luận đề ban đầu bằng một luận đề mới trong quá trình tranh luận. Luận  đề mới này không tương  đương với luận  đề ban  đầu. Sau  đó ông ta chứng minh luận đề mới một cách rất chặt chẽ và cuối cùng tuyên bố là mình đã chứng minh được luận đề ban đầu. Vì hai luận đề là không tương đương với nhau nên tính chất ngụy biện lộ rõ. Để thực hiện kiểu ngụy biện này, nhà ngụy biện hay sử dụng những hiện tượng ngôn ngữ đồng âm khác nghĩa, một từ có nhiều nghĩa, …; hoặc đem đồng nhất cái bộ phận với cái toàn thể, đồng nhất cái toàn thể với cái bộ phận; hoặc diễn tả mơ hồ để muốn hiểu theo cách nào cũng được,…

Ví dụ 7: Người ta đi chứng minh rằng cái bánh không thể biến mất được như sau: Cái bánh là vật chất, mà vật chất thì không biến mất, vậy cái bánh không biến mất.

Trong suy luận này người ta thay luận đề ban đầu bằng luận đề “vật chất không biến mất”, rồi dựa vào triết học  để chứng minh luận  đề thứ hai này. Tuy nhiên đây là suy luận ngụy biện, vì hai luận đề này không tương đương với nhau, bởi lẽ từ “vật chất” được hiểu với hai nghĩa khác nhau.

6.  Ngụy biện ngẫu nhiên

Trong loại ngụy biện này một sự kiện ngẫu nhiên xảy ra được nhà ngụy biện coi là có tính chất quy luật.

Ví dụ 8. Một người lập luận rằng khi làm những việc quan trọng trong đời như cưới xin, làm nhà, lập công ty kinh doanh, v.v. ta phải chọn ngày lành, nếu không thì sẽ không thành công, hoặc không hạnh phúc. Cặp chàng trai và cô gái nọ - anh ta nêu ví dụ - yêu nhau thắm thiết, được gia đình và bạn bè ủng hộ. Họ tổ chức cưới vào một ngày lẻ theo âm lịch, một ngày không tốt. Và chỉ một năm sau họ đã chia tay nhau.

Sự trùng lặp giữa việc cưới vào ngày lẻ và sự tan vỡ hạnh phúc của gia đình trẻ nói đến trong ví dụ này chỉ là một điều ngẫu nhiên, nhưng lại được nhà ngụy biện coi là có tính phổ biến, tất yếu, có tính quy luật.

7.  Ngụy biện đen - trắng

Ngụy biện đen - trắng xảy ra khi trong lập luận chỉ nhìn thấy và nêu lên các khả năng đối lập nhau, các thái cực, từ đây cho rằng không phải là cực này thì là cực kia, loại bỏ tất cả các khả năng khác.

Ví dụ 9. Có người khẳng định rằng khi răng nanh của trẻ em mọc chênh ra bên ngoài (răng khểnh) thì nên nhổ bỏ, vì nếu để nguyên như vậy thì “cái duyên” do nó mang lại không bù  được sự khó khăn khi làm vệ sinh răng miệng, và vì thế mà dễ bị sâu răng.

Trong lập luận này người nói chỉ nêu lên hai thái cực: hoặc để nguyên răng mọc lệch như vậy, hoặc nhổ bỏ răng đó. Trong khi đó thì trên thực tế còn có khả năng thứ ba, đó là tiến hành chỉnh nha cho trẻ nhỏ, để răng mọc đúng.

8.  Ngụy biện bằng cách dựa vào nhân quả sai

Ngụy biện bằng cách sử dụng lập luận trong đó quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng được hiểu sai có nhiều phân loại.

(a)  Đánh đồng nguyên nhân với nguyên cớ

Trong loại ngụy biện này nhà ngụy biện cố tình lấy nguyên cớ thay cho nguyên nhân  để biện minh cho hành  động của mình, hay  để thuyết phục người khác. Nguyên nhân thật sự của việc các chính quyền Mỹ và Anh tiến hành chiến tranh với Iraq là các nguồn lợi dầu mỏ to lớn ở quốc gia này, nhưng họ lại nói rằng nguyên nhân là chính quyền Saddam Husein phát triển và cất giữ nhiều lọai vũ khí  hủy diệt hàng loạt. Thật ra đó chỉ là cái cớ mà thôi.

(b)  Sau cái đó vậy là do cái đó

Trong mối liên hệ nhân quả thì nguyên nhân bao giờ cũng xảy ra trước kết quả, tuy nhiên như vậy không có nghĩa là một hiện tượng, sự kiện xảy ra trước bao giờ cũng là nguyên nhân của một hiện tượng, sự kiện xảy ra sau. Ngụy biện sau cái đó vậy là do cái đó là kiểu ngụy biện trong đó khi thấy hai sự kiện, hiện tượng A và B xảy ra lần lượt theo thời gian cho rằng A là nguyên nhân của B.

Ví dụ 10. Một người hy vọng làm giàu bằng cách mua vé xổ số. Anh ta đã mua khá nhiều vé xổ số, nhưng chưa trúng giải nào cả. Anh ta bèn lên chùa cúng vái, cầu xin Đức Phật cho anh ta trúng xổ số. Vài ngày sau anh ta trúng giải đặc biệt nhờ mua vé xổ số. Anh ta kết luận rằng nhờ cầu xin Đức Phật nên trúng giải đó.

Ở  đây việc lên chùa cầu xin là sự kiện xảy ra trước, nó không phải là nguyên nhân của sự kiện trúng xổ số xảy ra sau đó.

9.  Dựa vào sự kém cỏi

Đây là kiểu ngụy biện trong  đó người ngụy biện căn cứ vào việc ai  đó không chứng minh được một mệnh đề (hoặc lý thuyết, giả thuyết,…), hoặc không tìm thấy được một đối tượng nào đó để khẳng định rằng mệnh đề trên sai, hoặc đối tượng đó không tồn tại.

Ví dụ 11. Có thể khẳng định rằng không thể có sinh vật có trí tuệ nào khác trong vũ trụ ngoài con người, vì nếu có thì khoa học đã phát hiện ra các sinh vật đó rồi.

Đây là khẳng định sai lầm, vì ngay cả khoa học ở thời đại chúng ta cũng còn có rất nhiều hạn chế, nên có thể các sinh vật có trí tuệ khác tồn tại trong vũ trụ, nhưng vì sự hạn chế, sự kém cỏi của mình mà khoa học hiện nay không phát hiện được.

10.  Lập luận vòng quanh

Loại ngụy biện này xảy ra khi người ta vi phạm quy tắc đối với luận cứ trong chứng minh. Cụ thể là ở đây các luận cứ không được chứng minh độc lập với luận đề.

11.  Khái quát hóa vội vã

Đây là kiểu ngụy biện xảy ra khi người ta sử dụng suy luận quy nạp trong lập luận, trong đó người ta đi đến kết luận tổng quát sau khi khảo sát rất ít trường hợp riêng.

Ví dụ 12. Sau bảy phiên giao dịch đầu tiên của Trung tâm giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, thấy rằng giá cổ phiếu của các công ty  đã niêm yết liên tục tăng tới mức trần, người ta  đi  đến khẳng định rằng giá cổ phiếu của tất cả các công ty có niêm yết ở Trung tâm này sẽ luôn luôn tăng đến mức trần.

Suy luận này đưa ra kết luận không đáng tin cậy, vì, như đã biết, kết luận trong suy luận quy nạp chỉ đúng với một xác suất nào đó mà thôi, không đảm bảo chắc chắn đúng ngay cả khi các tiền đề đều đúng; và xác suất đúng của kết luận trong loại suy luận này rất thấp nếu số lượng các trường hợp riêng được khảo sát nhỏ. Trong ví dụ của chúng ta số lượng các trường hợp riêng được khảo sát là bảy, quá nhỏ.

12.  Câu hỏi phức hợp

Loại ngụy biện này xảy ra khi người ta đưa ra một câu hỏi bên trong đó chứa hai câu hỏi, và một câu trả lời duy nhất được coi là câu trả lời cho cả hai câu hỏi.

Ví dụ 13. Hỏi : “Anh có hay chơi thể thao và đọc tiểu thuyết kiếm hiệp không ?”. Câu trả lời “có” được coi là câu trả lời cho cả hai câu hỏi “Anh có hay chơi thể thao không ?” và “Anh có hay đọc tiểu thuyết kiếm hiệp không ?”. Câu trả lời “không” cũng được diễn giải tương tự.

Ví dụ 14. Hỏi :“Có phải anh không thích anh ta và hay nói xấu anh ta không?”

Nhà ngụy biện có thể kết hợp các câu hỏi vào trong một câu hỏi một cách rất tinh vi, và nhiều khi người trả lời không biết là mình đã trả lời cho nhiều câu hỏi cùng một lúc. Điều này sẽ bị nhà ngụy biện lợi dụng vào mục đích của mình.

13.  Ngụy biện bằng cách sử dụng những phương pháp suy luận có tính xác suất

Trong những suy luận kiểu này nhà ngụy biện sử dụng các phương pháp suy luận cho kết quả đúng với một xác suất nhất định (ví dụ như suy luận tương tự, suy luận quy nạp), nhưng lại coi các kết luận  đó như là những  điều khẳng  định chắc chắn.

Ví dụ 15. Người ta chứng minh rằng mọi số tự nhiên đều nhỏ hơn một trăm như sau:

1 nhỏ hơn 100;  
2 nhỏ hơn 100;
3  nhỏ hơn 100;
. . . . . . . . . . . . . .
98  nhỏ hơn 100;
99  nhỏ hơn 100;
1, 2, 3, … , 98, 99  đều là các số tự nhiên;
Vậy mọi số tự nhiên đều nhỏ hơn  100.

14. Ngụy biện bằng cách diễn đạt mập mờ

Trong trường hợp này nhà ngụy biện cố tình hành văn một cách mập mờ để sau đó giải thích theo ý mình.

Ví dụ 16. Gánh xiếc Bacnum đề nghị Xamlôi - chuyên gia về toán đố vui của Mỹ ở cuối thế kỷ XIX đưa ra cho một bài toán đố. Ai giải được sẽ được thưởng. Bài toán như sau:

“Một con chó và một con mèo chạy thi 100 fút lượt đi và lượt về. Con chó chạy mỗi bước 3 fút, con mèo chạy mỗi bước 2 fút, nhưng nó nhảy được 3 bước thì đối thủ của nó mới nhảy được 2 bước. Con nào về trước?”

Vì quãng đường cả đi lẫn về là 200 fút, nên mèo phải nhảy đúng 100 bước. Chó nhảy mỗi bước 3 fút, vậy nó phải nhảy 34 bước ở lượt  đi (nếu nhảy 33 bước thì mới  được 33 * 3 = 99 fút) và 34 bước ở lượt về. Như vậy, chó phải nhảy tổng cộng 68 bước. Mèo nhảy 3 bước thì chó mới nhảy được 2 bước, vậy mèo nhảy được 100 bước thì chó mới nhảy được

100 * (2/3) = 66,667 (bước) < 68 (bước)

Như vậy mèo về đích trước.

Nhưng Bacnum lại trả lời rằng chó thắng cuộc, vì, ông ta giải thích rằng câu “nó nhảy được 3 bước thì đối thủ của nó mới nhảy được 2 bước” có nghĩa là chó nhảy được 3 bước thì mèo mới nhảy được hai bước, từ “nó” ở đây hiểu là chó!

(Theo Phan Thanh Quang “Giai thoại toán học”, tập một, NXB Giáo dục, 1995, tr. 7)

III. PHƯƠNG PHÁP BÁC BỎ NGỤY BIỆN

Phương pháp chung bác bỏ ngụy biện là làm ngược lại những thủ pháp mà nhà ngụy biện đã sử dụng. Ví dụ, nhà ngụy biện hành văn mập mờ thì ta đòi hỏi phải hành văn rõ ràng; nhà ngụy biện đánh tráo luận đề, đánh tráo khái niệm thì ta đòi hỏi xác định lại, định nghĩa lại khái niệm khi tranh luận; nhà ngụy biện dùng luận cứ không chân thực thì ta chỉ rõ ra điều đó,…

Một phương pháp là nghiên cứu thật nhiều các dạng ngụy biện và các ví dụ ngụy biện, để khi gặp ngụy biện có thể nhận ra chúng và bác bỏ.

Nói chung, nắm được các quy tắc logic thì ta dễ dàng vạch ra được sự ngụy biện trong suy luận.

Trích từ: Phạm Đình Nghiệm. Nhập môn Logic học. Nxb. Đại học quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 86-91
Nguồn: triethoc.edu.vn



8 nhận xét:

  1. Em đọc bài gốc này rồi, mấy lần muốn post lại mà lười.
    Xin anh về để...cãi nhau cái chơi.
    Dạo này anh có hay cãi nhau thường xuyên không? :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ko thường xuyên lắm. Nói cho chính xác là lâu rồi ko cãi nhau trên mạng nữa. Xưa hay cãi nhau cho vui, Giờ thấy nghe nhạc, đọc sách vui hơn

      Xóa

  2. Người ta gọi những sai lầm không cố ý trong suy luận là sự ngộ biện, còn những sai lầm cố ý thì được gọi là sự ngụy biện. @trích trong bài

    Ko rõ việc phân biệt sự cố ý / không cố ý trong những sai lầm logic thì có ý nghĩa gì ? Không cố ý thì có thể tha thứ, cố ý thì phải cãi cho ra nhẽ ? Và khi muốn nói ai đấy ngụy biện thì trước hết phải chứng minh các lập luận sai trái là do đương sự cố ý, chứ không phải vô tình nhầm lẫn ? Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, việc phân biệt cố ý hay không là chuyện ko dễ, thường rất cảm tính.

    Trong tiếng Anh, fallacy được định nghĩa là An argument which does not conform to the rules of logic(Webster). Tức là cứ lập luận không phù hợp qui luật logic đều gọi là fallacy, không phân biệt cố ý hay không cố ý gì sất.

    Trước nay, từ fallacy thường được dịch là ngụy biện. Riêng trong một tài liệu của Nguyễn Đức Dân thấy dùng từ ngộ biện để đối dịch fallacy. Nhưng trong nhiều từ điển tiếng Anh thì dành từ ngộ biện cho paralogism.

    Paralogism có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Paralogismos, trong đó tiền tố para- có nghĩa là bên ngoài, phần còn lại có gốc từ một động từ có nghĩa là lập luận. Từ điển Webster định nghĩa paralogism là reasoning contrary to the rules of logic; faulty argument. Tức nghĩa tương tự từ fallacy. Trong một số từ điển khác tra trên mạng có thêm ý (A fallacious argument or illogical conclusion,) especially one committed by mistake, or believed by the speaker to be logical. (= đặc biệt khi (lập luận) sai trái do vô ý hoặc do người nói tin là hợp logic.). Có lẽ từ ý by mistake này mà các nhà từ điển dành từ ngộ biện cho paralogism

    誤 ngộ = sai lầm
    偽 ngụy = giả, trá

    Trả lờiXóa
  3. Nhớ những lần tranh luận mà điển hình nhất là"cuộc chiến mùa đông" bên blog nhà em, hay bên nhà PĐ, cuối cùng biến tướng thành cãi cọ, bôi nhọ... Em tựhỏi, sao người ta tốn kalorin thế để làm gì? Trao đổi, tâm tình...luôn là một cảm xúc đẹp. Nếu không thêm được hiểu biết gì thì cũng là dịp để gần gũi nhau hơn...
    Nhưng có nhiều người lại coi nó như một chiến trường, nhất định phải thắng thua mới hả dạ, rồi thách thức, khoe chữ, vỗ ngực...
    Tranhluận luôn thể hiện rất rõ tính cách một người. Kẻ háo thắng, hiểu chiến, đạo đức giả... cũng thể hiện rất rõ.
    Hồi lâu lâu có ông Đông La (đa lông) phát rồ phát dại trên mạng. Rõ hề, rõ nhảm, rõ chán.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, thật ra rảnh rỗi cãi nhau cũng vui.

      Cãi nhau, ngụy biện tí cũng không sao - chỉ ra lỗi ngụy biện cũng là cách giải trí. Miễn là ngụy biện thông minh, khéo léo. Ngụy biện quá thô, đặc biệt mấy cái rẻ tiền như ngụy biện kiểu ad hominem, nôm na là bỏ bóng đá người, chán. (Hì, nhớ hồi xưa cãi nhau một hồi, tên kia kết luận: hỏi ngã sai be bét, dám vác dao qua nhà người ta chém :d)

      Cãi nhau như đánh cờ, đánh với người dưới cơ quá cũng chán. Cãi nhau cũng thế, ngang cơ tí thì rất thú vị. Là dịp để hệ thống hóa hay tìm hiểu sâu hơn về vấn đề nào đó. Chênh nhau quá, nhiều khi cứ lằng nhằng mãi một vấn đề với những lập luận cũ rích lặp đi lặp lại, hết hứng cãi.

      Xóa
    2. Nhớ hồi cấp 1, rất thích đánh lộn, ngày nào cũng có người đem con đến nhà kiện ông bà già. Lên cấp 2 bỗng dưng ko ưa đánh lộn nữa. Nghĩ lại, có lẽ do từ cấp 2 có trò cãi nhau: thường tháng một lần, thầy yêu cầu một đứa lên thuyết trình về gì đấy, sau đó lớp chia 2 phe cãi nhau. Ví dụ khi học về truyện Kiều (năm lớp 9), lớp sẽ chia 2 phe, phe khen phe chê. Cãi nhau thoải mái, miễn là có lí lẽ. Dĩ nhiên thủa ấy còn bé, mấy đứa có ý kiến riêng, nên để có lí lẽ mà cãi nhau phải đọc sách rất nhiều.

      Chơi với mấy đứa bạn cũng rất thích cãi nhau. Về đủ vấn đề. Nhiều khi thức cãi nhau, khuya đói bụng có tiền thì kéo nhau đi quán; ko có tiền thì lục cơm nguội. Ăn xong cãi tiếp, nhiều hôm hăng, cãi trắng đêm; sáng đi học đến lớp ngủ gục.

      Xóa
    3. Có nhiều kiểu cãi chứ. Cãi chằng cãi bửa, cái lấy được, vui gì...
      Ban nãy sang nhà ĐL, xem cái vụ cãi cọ bài Hoài cảm ấy, rùng cả mình...

      Xóa
    4. Ko biết vụ cãi nhau này. DL = Đông La ? Tay này ngụy biện rất giỏi, đặc biệt trò bỏ bóng đá người.
      Thật ra, ngụy biện vô tình hay cố ý ko biết, cực kỳ phổ biến. Chính khách, nhà báo là hai giới ngụy biện nhiều nhất. Còn cãi nhau trên mạng thì khỏi nói.

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)