22/11/15

Nhớ em mà thôi . Je n’pourrai jamais t'oublier




Trên clip chỉ ghi mơ hồ "Nhạc ngoại quốc", và cũng không ghi tác giả lời Việt. Nhưng chắc nhiều người nghe giai điệu khá quen tai. Một phiên bản tiếng Việt khác, nổi tiếng hơn của nó đây, cũng do Ngọc Lan trình bày:



Hai ca khúc, theo thứ tự, của Phạm Duy và Nhật Ngân là hai phiên bản tiếng Việt của cùng bài hát Je n’pourrai jamais t'oublier, Nicoletta ghi âm (1970).



Nghe Tuấn Thảo kể thêm một số chuyện quanh bài hát nổi tiếng này.







"Mưa Trên Biển Vắng" là một ca khúc tiếng Pháp ?

Mưa Trên Biển Vắng là phiên bản tiếng Việt của một ca khúc ngoại quốc khá ăn khách. Nhạc phẩm này gắn liền với tên tuổi của cố ca sĩ Ngọc Lan. Theo các nguồn trên mạng, đây là một tình khúc tiếng Pháp (Je n’pourrai jamais t'oublier) do Nicoletta ghi âm vào năm 1970, tức cách đây đúng 45 năm. Thế nhưng, nguyên tác bản nhạc này có thật sự là một bài hát tiếng Pháp ? Trong chương trình Góc vườn Âm nhạc của RFI hôm nay, thực tế cho thấy câu chuyện không đơn giản như vậy.

Giai thoại của bài Mưa Trên Biển Vắng bắt đầu với một cú điện thoại. Ông Hristo Kurtev, người gốc Bulgary, là một gương mặt khá quen thuộc của làng giải trí (showbiz) tại Pháp. Ngoài đời, ông là người sáng lập trường quốc tế nghệ thuật sân khấu tại Paris (Académie Internationale Des Arts), nhờ giao lưu rộng rãi mà quen biết nhiều văn nghệ sĩ. Vào mùa thu năm 1968, ông Hristo Kurtev nhận được một tin nhắn đề nghị ông tới sứ quán Bulgary ở Paris để gặp Vassil Andreev, một người tự xưng là manager của ca sĩ kiêm tác giả trẻ tuổi người Bulgary Emil Dimitrov.

Không biết thực hư ra sao, nhưng do ông Hristo Kurtev thuộc vào diện tỵ nạn chính trị cho nên ông mới đề nghị là cả ba người nên gặp nhau tại quán cà phê Le Royal nằm trên đường Grenelle, ở Paris quận 7, không xa cho lắm toà đại sứ Bulgary (tọa lạc trên đại lộ Rapp). Hoá ra, trong thời gian ghé thăm Paris, ca sĩ kiêm tác giả Emil Dimitrov (sinh năm 1940, mất năm 2005) muốn hợp tác với giới nghệ sĩ Pháp và anh trông cậy vào sự dìu dắt hướng hẫn của ông Kurtev, vì dù sao họ vẫn là đồng hương tuy rằng chưa hề quen biết nhau.

Nhờ vào sự gửi gấm của ông Kurtev mà vào năm 28 tuổi Emil Dimitrov bắt đầu xuất hiện trong các show ca nhạc truyền hình tại Pháp. Ca sĩ người Bulgary cũng về làm việc cho nhóm sáng tác của ông Léo Missir, giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa Barclay. Trong nhóm tác giả này có nữ ca sĩ người gốc Ý Patricia Carli.

Tuy từng đoạt giải nhất vào tháng Hai năm 1964 nhân liên hoan ca nhạc thành phố San Remo nhờ ca khúc Je Suis à Toi / Em thuộc về Anh (tựa tiếng Ý là Non Ho l’Eta), nhưng sự nghiệp ca hát của Patricia Carli vẫn chưa đạt tới tột đỉnh thành công. Do khó có cơ hội trở thành ca sĩ hạng A, cho nên cô mới chuyển qua sáng tác cho các ca sĩ cùng thời, kể cả David-Alexandre Winter (bố ruột của ca sĩ Ophélie Winter sau này), Dalida, Claude François hay Daniel Guichard ….

Quan hệ làm việc giữa Patricia Carli và Emil Dimitrov khá tâm đầu ý hợp, do cả hai đều là ca sĩ kiêm tác giả, cho nên họ thừa hiểu đâu là thế mạnh cũng như điểm yếu của từng giọng hát, và cũng như trong quá trình thục hiện một bộ phim, việc tuyển lựa diễn viên sao cho vừa vai là một khâu quan trọng, thì việc sáng tác một ca khúc cũng có nhiều khả năng ăn tiền khi chọn đúng người diễn đạt thích hợp. Bằng chứng là nhạc phẩm La Tendresse (1972) ban đầu được viết cho Mireille Mathieu, nhưng rốt cuộc lại được Patricia Carli tặng cho một ca sĩ khác và nhờ vậy mà làm nên tên tuổi của Daniel Guichard.

Vào cuối những năm 1960, tài năng đang tỏa sáng thời bấy giờ là nữ ca sĩ Nicoletta, sau khi cô phá kỷ lục số bán vào năm 1968 với nhạc phẩm Il est mort le soleil / The Sun Died (lời của Pierre Delanoë / nhạc của Hubert Giraud). Nicoletta cũng là một trong những giọng ca nữ đầu tiên ký hợp đồng độc quyền 10 năm với hãng đĩa Barclay. Patricia Carli được giao trách nhiệm soạn nguyên một album cho Nicoletta.

Để cho đủ số lượng bài hát, ngoài các ca khúc mới, cô còn dựa vào những giai điệu sẵn có của người bạn đồng nghiệp người Bulgary để đặt thêm lời tiếng Pháp, và đó là trường hợp của nhạc phẩm Je n’pourrai jamais t'oublier (Em sẽ chẳng bao giờ có thể quên anh), một phiên bản phóng tác tiếng Pháp từ một giai điệu nguyên tác của Emil Dimitrov (емил димитров /Не ще мога да те забравя). Chữ ‘’có thể’’ ở đây được viết theo thì tương lai (pourrai, không có thêm chữ s) thể hiện cho sự quả quyết tin chắc, chứ không phải là theo thì điều kiện (pourrais) như theo các nguồn ghi chép trên mạng.

Chỉ có điều là khi phát hành đĩa nhựa 45 vòng, giai điệu nguyên tác của Emil Dimitrov chỉ được ghi trên mặt B, trong khi bài hát Ma Vie C'est Un Manège lại được ghi trên mặt A. Điều ấy có thể giải thích vì sao vài năm sau đó, Emil Dimitrov khăn gói trở về Bulgary. Tuy anh đã từng ghi âm với chính giọng ca của mình nhiều ca khúc bằng tiếng Pháp (tập hợp lại trên album đề tựa Emil en français), và từng sáng tác nhiều bản nhạc ăn khách cho giới nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng Emil Dimitrov vẫn có cảm tưởng là các sáng tác của anh bị dìm hàng, tài năng của anh không được phát huy trọn vẹn.

Paul Mauriat


Điều ấy cũng có thể giải thích vì sao tuy giai điệu rất hay nhưng khi phát hành vào năm 1970, bài Em sẽ chẳng bao giờ quên anh, do là bài hát phụ, nên không thu hút được nhiều sự chú ý cho lắm. Mãi tới đầu những năm 1980, khi dàn nhạc hoà tấu của Paul Mauriat, và sau đó là dàn nhạc của Raymond Lefèvre đưa bài này vào trong tuyển tập nhạc không lời của họ, thì nhạc phẩm Je n’pourrai jamais t'oublier lại trở nên ăn khách ở châu Á, đặc biệt là tại xứ hoa anh đào, từng được đặt thêm lời tiếng Nhật cho các giọng ca của Yoshida hay là Akiko Okuda ….

Akiko Okuda


Còn trong tiếng Việt, bài hát này có tới hai lời hoàn toàn khác nhau. Tác giả đầu tiên Việt hóa bài này là nhạc sĩ Phạm Duy. Dựa vào lời tiếng Pháp, ông chuyển ngữ bài này thành ca khúc ‘’Nhớ anh mà thôi’’. Tới năm 1991, tác giả Nhật Ngân đặt thêm một lời Việt thứ nhì với tên là Mưa trên biển vắng. So với phiên bản tiếng Pháp, thì lời Việt của Phạm Duy gần sát hơn, chuyển thể lối phủ định, có ý nghĩa nhấn mạnh nhưng hơi nặng câu văn, thành một ý tưởng đơn giản, gẫy gọn hơn, ‘’sẽ chẳng bao giờ có thể quên anh’’ đồng nghĩa với ‘’sẽ mãi nhớ anh’’. Cũng may là tác giả Patricia Carli không dùng thủ pháp tu từ theo lối phủ định kép.

Lời Việt phóng tác của tác giả Nhật Ngân thông thoáng hơn nhiều, dựa vào tiếng nhạc sẵn có trong ngữ điệu để bám sát tiết tấu của tác giả Emil Dimitrov. Lối đặt ca từ dùng những hình tượng gần gũi với thị hiếu nghe nhạc người Việt. có lẽ cũng vì thế mà bài Mưa trên biển vắng được công chúng đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình. Ngọc Lan là ca sĩ đầu tiên từng ghi âm cả hai phiên bản tiếng Việt của bài hát. Bài hát Mưa trên biển vắng trở nên gắn liền với tên tuổi của cô và ngoài Ngọc Lan, còn có nhiều ca sĩ khác đều từng thể hiện bài này kể cả Như Quỳnh, Thu Phuơng, Lâm Thúy Vân, Cẩm Ly, Hà Vân …..

Như Quỳnh


Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm
Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm
Cơn sóng nào, gợi lên nỗi đau trong em
Bao nhiêu chiều lang thang …. một mình


Trong phiên bản tiếng Pháp, bài hát không có mãi rơi hạt mưa mà cũng chẳng có âm thầm biển xưa. Nội dung của bài Je n’pourrai jamais t'oublier nói về cuộc gặp gỡ bất ngờ trên đường phố, hai tình nhân cũ gặp lại nhau sau bao năm tháng xa cách. Thế nhưng giây phút tái ngộ ấy lại diễn ra trong nỗi ngỡ ngàng, thực tế hơi phũ phàng cho thấy mối nhân duyên thật sự bẽ bàng. Tình sử tưởng chừng sống mãi với năm tháng, nào ngờ từ lâu đã sang trang ….

Bài Mưa Trên Biển Vắng còn cho thấy một điều khác lạ. Đó là lúc sinh tiền, tài nghệ của Emil Dimitrov chưa được công nhận đúng mức. Sinh trưởng trong một gia đình là nghệ sĩ gánh xiếc, từ nhỏ Emil Dimitrov đã nuôi mộng trở thành nghệ sĩ. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng nghệ thuật sân khấu và điện ảnh cùng một khoá với nữ diễn viên d’Ilka Zafirova.

Trong thời gian lập nghiệp tại Paris, anh từng sáng tác một giai điệu mà sau này trở thành nhạc phẩm Moya Strana, Moya Bălgaria (Моя страна, моя България) nói lên tinh thần yêu nước của một người con Bulgary, còn nặng tình với quê hương. Bài hát này sau đó từng được dư luận Bulgary bình chọn làm một trong những ca khúc hay nhất thế kỷ XX. Nhưng vào thời điểm phát hành cuối những năm 1970, bài hát này lại bị cấm phổ biến, do bị cho là có tư tưởng ‘’phản động’’ thân các nước Tây phương.

Theo lời của ông Hristo Kurtev, có lẽ cũng vì bị xếp vào diện thành phần ‘’bất hảo’’ mà Emil Dimitrov sẽ chẳng bao giờ được kết nạp vào Hiệp hội các tác giả Bulgary, trong khi tại Pháp, ông lại nhận được tiền tác quyền Sacem nhờ có nhiều bài hát được chuyển thể phóng tác, không những trong tiếng Pháp mà còn trong tiếng Ý, tiếng Đức, Hà Lan hay Liban ….

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Có lẽ đây cũng là dịp để viết bài nhắc nhở tài nghệ của Patricia Carli và Emil Dimitrov nói riêng, của những nghệ sĩ dày công sáng tác nói chung. Bởi vì đằng sau những nét chấm phá sắc sảo của giai điệu Mưa Trên Biển Vắng, tiềm ẩn cả một chân trời giai thoại bập bùng, nhạt nhoà mông lung ....

Nguồn RFI (Thứ bảy, 24/10/2015)


tranh Kontanstin Razumov

2 nhận xét:

  1. Trời mưa nghe bài này thấy thảm thảm anh ui.
    Bản Mưa trên biển vắng nghe dễ thương man mác buồn.
    Còn bản của Phạm Duy hơi lạ tai chút.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. sao thảm ? Mưa nghe mới thấm chứ. Đang vừa nghe lại November Rain .. Đây cũng mưa từ trưa đến giờ.

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)