Nguyễn Hải Hoành
Chữ viết là một thành tựu vĩ đại của loài người. Từ khi có loại ngôn ngữ thị giác này, xã hội tiến sang kỷ nguyên xã hội văn minh ; trước đấy là xã hội tiền sử, chẳng để lại ghi chép gì, hậu thế chỉ biết về xã hội đó qua phỏng đoán của giới khảo cổ và các truyền thuyết miệng rất dễ « tam sao thất bản ». Các loại chữ viết đều phát triển theo quy luật chung là ngày càng đơn giản hóa, dễ học, đồng thời tăng thêm chữ mới.
Hầu như chữ viết của tất cả các dân tộc đều bắt đầu từ chữ tượng hình, sau đó tiến lên chữ biểu ý (chữ ghi ý), cuối cùng đến chữ biểu âm (chữ ghi âm). Riêng chữ Hán của Trung Quốc (TQ) khi tiến đến bước thứ hai thì dừng lại. Suốt 3000 năm sau đó, chữ Hán phát triển theo hướng tạo thêm chữ mới bằng 5 cách : chỉ sự, hội ý, hình thanh, giả tá, chuyển chú (nếu kể cả cách tượng hình là 6, tức Lục thư), chủ yếu tăng số chữ và số nét chữ, khiến chữ Hán trở nên phức tạp hơn — nghĩa là không theo quy luật chung của thế giới.
Đơn cử một trong những chữ Hán có quá nhiều nét, làm khổ người học khi phải nhồi vào óc mình những "tri thức" vô dụng như vậy. Chữ này có 54 nét, âm đọc [piang], là tên gọi 1 loại mỳ sợi đặc sản của tỉnh Phúc Kiến. Vẫn chưa bằng 1 chữ khác có tới 64 nét, gồm 4 chữ "Long" (rồng) xếp chồng lên nhau... Qua đây có thể thấy tư duy logic gàn dở trong việc tạo chữ Hán.
Vì chữ Hán là chữ biểu ý, nên người TQ ở các vùng khác nhau có thể đọc chữ Hán theo âm khác nhau, ta gọi là phương ngữ (TQ gọi là phương ngôn ; Hán ngữ hiện có 7 phương ngữ chính và nhiều phương ngữ nhỏ), người khác vùng nghe không hiểu nhau. Người TQ cho rằng đây lại là ưu điểm lớn vì đem lại khả năng làm cho dân chúng một quốc gia đất rộng người đông, phát triển không đồng đều như TQ có thể hiểu nhau qua chữ viết chung, qua đó thống nhất được đất nước. Cũng nhờ thế mà chữ Hán từng được Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản mượn dùng, theo cách chỉ mượn chữ mà không mượn tiếng — tức không đọc theo âm Hán ngữ, chỉ đọc theo âm bản ngữ (ở Việt Nam là âm Hán-Việt) — do đó người Việt, Nhật, Triều, TQ có thể giao lưu với nhau bằng bút đàm chữ Hán.
Sau dăm nghìn năm đóng cửa tự nhận là « trung tâm tinh hoa của thiên hạ », khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người TQ mới thấy chữ viết của người ta đều là chữ biểu âm, có ưu điểm là chỉ dùng vài chục chữ cái đơn giản mà tạo ra cả một hệ thống từ ngữ hoàn hảo, nói thế nào viết thế ấy, dễ đọc dễ viết dễ nhớ, tiện truyền điện báo, đánh máy chữ, sắp bản in bằng con chữ rời ; nhờ thế ở phương Tây tỷ lệ dân biết chữ cao, khoa học kỹ thuật (KHKT) phát triển, nước mạnh dân giàu. Ngược lại chữ Hán rất phức tạp, khó viết, khó đọc, khó nhớ, tạo chữ tùy tiện, thiếu tính khoa học, khi dùng dễ nhầm lẫn [1], lại có quá nhiều chữ.
Khi nhận định nguồn gốc sự nghèo khổ lạc hậu của nước mình, đa số trí thức TQ hồi ấy chưa chú ý đầy đủ tới chế độ chính trị độc tài chuyên chế mà đổ tất cả tội lỗi lên chữ Hán. Họ đơn giản cho rằng do chữ Hán khó học nên hầu hết dân mù chữ, trình độ giáo dục quá thấp, khiến cho KHKT không phát triển được, TQ vì vậy nghèo khổ lạc hậu.
Và thế là giới trí thức TQ hăng hái yêu cầu cải cách chữ viết. Nhưng việc này đụng chạm tới nền văn hóa 5000 năm của họ, vì chữ Hán là vật mang và biểu trưng của văn hóa truyền thống nước này. « Chữ Hán là xương sống của nền văn hóa TQ » — nhà ngôn ngữ học người Anh L. R. Palmen nhận xét. Động chạm tới cái xương sống ấy ắt sẽ xảy ra lắm rắc rối.
Đúng vậy, quá trình cải cách chữ Hán cực kỳ rắc rối. Nhìn chung công cuộc cải cách chữ Hán thời kỳ đầu thiếu tính hệ thống, thiếu xem xét toàn diện, có lúc vội chạy theo xu hướng thay chữ Hán bằng chữ biểu âm mà chưa biết rằng do để cho chữ biểu ý tồn tại quá lâu nên đã tạo ra nhiều trở ngại khiến chữ Hán không còn khả năng tiến hóa thành chữ biểu âm nữa. Hậu quả là quá trình cải cách diễn ra gay go lâu dài, chữ Hán từng có nguy cơ bị bãi bỏ, và cho tới nay vẫn còn chưa thể khẳng định tương lai. Nếu không xuất hiện công nghệ máy tính thì chữ Hán khó có thể tồn tại tiếp.
MỘT SỐ NHƯỢC ĐIỂM CỦA CHỮ HÁN
1) Có quá nhiều chữ, người bình thường không thể nhớ hết. Thời nhà Thương có khoảng 2000 chữ ; thời Tần-Hán — 9.353 chữ ; thời nhà Thanh — khoảng 60.000. Thời nay chưa có số liệu chính xác, thường nói khoảng 100 nghìn chữ. Sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (đời Hán) lần đầu thống kê lượng chữ Hán, thu thập được 9.353 chữ. Sách Ngọc thiên của Cố Dã Vương (thời Nam Triều) — 16.917 chữ; Tập Vận (đời Tống) — 53.525 ; Khang Hy Tự điển (đời Thanh) — 47.035 ; Trung Hoa Tự hải (thế kỷ XX) — 85.568 ; Tiêu chuẩn Nhà nước TQ GB18030 (2005) — 70.217 chữ.
Việc tạo chữ rất vô lý, có chữ chỉ là tên một địa phương, một con sông, ngọn núi, một dòng họ, thường chẳng dùng đến mà cũng phải học. Riêng bộ thủ đã có khoảng 200 (tùy cách chia, có thể là 189 bộ, 214 bộ ; TQ hiện quy định có 201 bộ chính và 99 bộ phụ).
Thực ra số chữ thường dùng không quá nhiều. Một tài liệu cho biết 1000 chữ thường dùng có thể đủ khả năng để viết 92% các tư liệu ; 2000 chữ thường dùng — hơn 98% ; 3000 chữ thường dùng — 99%. Nghĩa là các chữ còn lại đều rất ít dùng.
2) Chữ viết tách rời âm đọc, học chữ nào biết chữ ấy, chữ chưa học thì nhìn chữ không đọc được âm, nghe đọc không viết được chữ. Có quá nhiều chữ đồng âm, tức cùng âm nhưng khác mặt chữ và khác nghĩa, bởi thế khi nghe đọc rất dễ hiểu nhầm ý và viết nhầm chữ. Như hai chữ 越, 粤 đọc cùng âm [yuè], nếu không nhìn mặt chữ sẽ nhầm lẫn giữa Việt (trong Việt Nam) với Quảng Đông.
Sở dĩ có nhiều chữ đồng âm là do Hán ngữ quá nghèo âm tiết, do đó để thể hiện lời nói và tư duy, người ta phải đặt ra cực nhiều chữ khác tự dạng mà âm như nhau ; tổng số chữ Hán gấp hàng trăm lần tổng số âm tiết. Chúng tôi thử thống kê chữ trong Tân Hoa Tự điển bản in 2006, toàn bộ chỉ có 415 âm tiết (cả 4 thanh điệu) ; nhưng âm [yuan] có 41 chữ 元, 原, 嫄, 沅, 源, 羱, 芫, 螈,黿 .... ; âm [yi] có tới 147 chữ ; cả bộ tự điển chỉ có 21 chữ không có chữ đồng âm, như 给 [gei], 能 [neng], 日 [ri], 誰 [shéi] ..., còn lại đều có chữ đồng âm (Tự điển khác nhau thì số chữ này có thể khác nhau). Khi dùng chữ vuông thì các chữ đồng âm này phân biệt được với nhau bằng mặt chữ, nhưng khi chuyển sang dùng chữ cái ghi âm thì do tự dạng và âm đọc như nhau nên không thể phân biệt được. Nhược điểm này làm thất bại mọi ý định thay chữ vuông bằng chữ cái ghi âm và do đó chữ Hán mãi mãi khó học.
3) Có nhiều chữ đa âm, vì thế nhìn mặt chữ không biết đọc thế nào, nhất là với chữ đơn độc. Như 說 có 3 âm [shui], [shuo], [yue] ; 和 có 5 âm [hé], [hè], [huó], [hùo], [hú]. Một tài liệu nói trong 3.500 chữ Hán thường dùng có 250 chữ đa âm. Một thống kê nói chữ đa âm chiếm 16,7% kho chữ Hán. Nhiều chữ vừa đa âm vừa đa nghĩa, mỗi âm một nghĩa khác nhau, gọi là chữ Phá âm (Phá âm tự). Như 給, khi dùng với nghĩa « cho » thì đọc [gẻi], nhưng khi dùng với nghĩa « cung ứng » lại phải đọc [jỉ]. Chữ 數 có 3 âm đọc là [shù], [shǔ], [shùo], mỗi âm có một nghĩa khác nhau, rất dễ đọc nhầm dùng nhầm. Cá biệt có chữ đa âm nhưng cùng nghĩa, đọc thế nào cũng được. Như chữ 誰 đọc [shéi] hoặc [shúi] ; chữ 血 đọc [xiẻ] hoặc [xuè] đều được. Nghĩa là không có quy luật.
4) Phần lớn chữ có nhiều nét, mặt chữ phức tạp, khó nhớ khó viết. Trong bảng 2000 chữ thường dùng (Bộ Giáo dục TQ công bố năm 1952, nhằm đưa ra quy định về số lượng tối thiểu chữ Hán mà một người biết chữ cần biết đọc và viết), bình quân mỗi chữ có 11-12 nét, 221 chữ hơn 17 nét. Ngoài ra tổ hợp nét không theo quy luật. Chữ nhiều nét khó viết nhanh, nhỏ, vì các nét quá gần nhau, nhất là thời xưa in bằng bản khắc gỗ, dễ gây nhầm lẫn. Đọc chữ nhiều nét rất hại mắt. Có chữ do dân tự sáng tác theo hướng càng nhiều nét càng tốt, không thể in được, chỉ có thể viết tay. Như một chữ 58 nét, đọc [biang], chỉ là tên một loại mỳ sợi đặc sản ở tỉnh Thiểm Tây. Chữ nhiều nét nhất ghép bởi 4 chữ Long phồn thể (2 trên 2 dưới), 64 nét, đọc [zhe].
5) Chữ Hán khó xử lý bằng cơ khí và bằng công nghệ thông tin (CNTT), cụ thể là khó đưa vào máy chữ hoặc máy tính. Kho chữ Hán trữ trong máy tính chiếm một không gian lớn bằng 284 không gian tồn trữ chữ cái tiếng Anh. Cũng vì thế phông (font) chữ Hán rất khó biến đổi, chỉ có vài chục loại, vì mỗi lần thay phông (thí dụ Tống thể, Khải thể) thì phải thay ít nhất 3500 chữ (tối đa cả trăm nghìn chữ), còn tiếng Anh chỉ cần thay vài chục chữ cái. Một tài liệu nói giá thành phần mềm Hán ngữ bằng 4427 lần Anh ngữ, phần cứng bằng 8,53 lần. Tuy vậy, do CNTT ngày càng phát triển nên nhược điểm này sẽ ngày càng dễ giải quyết.
6) Chữ Hán không viết hoa được, cho nên khi ghi các danh từ riêng dễ gây nhầm lẫn, và khó viết tắt, ít nhất phải dùng 2 chữ để tạo một từ viết tắt. Tiếng Anh có thể dùng một từ thay cho từ nhiều chữ. Như Tổ chức Thương mại Thế giới tiếng Anh viết tắt WTO, chữ Hán là Thế Mạo 世貿 ; song bù lại chữ Hán viết tắt vẫn thể hiện được nghĩa chữ.
Ngày nay, do sử dụng máy tính nên việc đánh máy chữ Hán trở nên cực kỳ thuận tiện, giảm bớt khó khăn cho người học chữ Hán, đỡ phải nhớ kho chữ khổng lồ và lắm nét, về cơ bản chỉ cần nhớ mặt chữ và nghĩa là được.
Ngoài ra văn chữ Hán thời xưa đều viết theo lối văn Văn ngôn hay Cổ văn, khác với lối nói trong đời sống (văn Bạch thoại). Văn ngôn chỉ dùng để viết, dùng cực ít chữ, cả cuốn sách viết liên tục, không ngắt câu, không xuống dòng, danh từ riêng không viết hoa v.v...cho nên cực kỳ khó hiểu và dễ nhầm lẫn, người TQ thường phải đọc bản dịch ra Bạch thoại. Nhưng cho tới nay có người vẫn viết theo lối cổ văn, vì cho rằng loại văn này có ý nghĩa thâm thúy.
Do chữ Hán khó học nên hầu hết dân TQ thời xưa đều mù chữ, mãi mãi ngu dốt, cam chịu làm nô lệ. Lỗ Tấn nói chữ vuông « là khối u trên con người tầng lớp đại chúng lao khổ TQ », « là lợi khí của chính sách ngu dân ». Vì đa số dân ngu dốt nên nền văn minh TQ nói chung tuy phát triển sớm nhưng sau đó nhanh chóng bị các nước phương Tây vượt qua và bỏ xa. Cũng do khó học nên Hán ngữ không thể trở thành ngôn ngữ có tính quốc tế, làm cho sức mạnh mềm của TQ bị giảm đáng kể, tuy rằng số người dùng Hán ngữ nhiều nhất thế giới.
Các nhược điểm của chữ Hán còn ảnh hưởng tới các mặt khác. W. C. Hannas nhận xét: Việc học thuộc lòng chữ Hán tạo ra ở người TQ thái độ tuân theo quy củ và thói quen trọng phương pháp mà không trọng kết quả, mất rất nhiều thời gian vào việc viết chữ, thiếu thời gian suy nghĩ. Học Hán ngữ sẽ thúc đẩy tư duy thực tiễn chứ không phải tư duy trừu tượng, do đó làm yếu sức sáng tạo ở tầng sâu. Hệ chữ cái của phương Tây có thể sớm trau dồi năng lực phân tích và suy nghĩ trừu tượng [2].
Các nhược điểm của chữ Hán cũng có ảnh hưởng tới chữ Nôm Việt Nam.
Tuy vậy, cho tới nay một số người vẫn cho rằng vì mang tính biểu ý nên chữ Hán có ưu điểm hơn chữ Quốc ngữ. Năm 1989 nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo viết : Có người tiên đoán chỉ vài ba mươi năm nữa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc [3]. Thực tế cho thấy 26 năm đã qua, chưa nước nào dùng chữ Hán; ngược lại toàn thế giới, nhất là TQ, lao vào học tiếng Anh. Chính phủ TQ bỏ cả tỷ USD lập hàng trăm Viện Khổng Tử trên toàn cầu nhằm phổ cập Hán ngữ, nhưng hiệu quả rất kém và đang bị tẩy chay vì lồng động cơ chính trị vào văn hóa.
TÌNH HÌNH CẢI CÁCH HÁN NGỮ
Người TQ sớm nhận ra phần nào mặt hạn chế của chữ Hán, vì thế ngay từ thời xưa, khi viết các chữ nhiều nét thì họ tự ý bỏ bớt nét chữ. Từ cuối thế kỷ XIX do gắn liền việc cải cách Hán ngữ với vận mệnh dân tộc, họ mới bắt đầu cải cách toàn diện và nhanh hơn.
Nhìn chung họ đã tiến hành cải cách Hán ngữ theo mấy hướng : - Đơn giản hóa chữ viết, trước hết là chữ nhiều nét, nhằm để chữ Hán trở nên dễ học, dễ phổ cập. - Ghi âm chữ Hán, nhằm thống nhất trong cả nước cách đọc chữ Hán. - Trên cơ sở ghi âm được chữ Hán, nghiên cứu khả năng bỏ hẳn chữ vuông, chuyển sang chữ biểu âm dưới dạng văn tự dùng chữ cái (như chữ Latin hoặc Slav), nhằm triệt để sửa các nhược điểm vốn có của chữ Hán.
Thời phong trào Duy Tân, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng chủ trương ghi âm hóa (拼音化) chữ Hán, nhưng chủ trương đó chết yểu vì phong trào ấy chỉ tồn tại có 100 ngày.
Phong trào cải cách chữ Hán lên cao nhất vào thời Ngũ Tứ. Năm 1918, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Tiền Huyền Đồng [4] từng nói chữ Hán dứt khoát không thể dùng cho thế kỷ XX ; ông nêu khẩu hiệu “Muốn phế bỏ Khổng học [tức Nho giáo], không thể không trước tiên phế bỏ chữ Hán ». Trần Độc Tú và Hồ Thích chủ trương trước hết bỏ chữ Hán, chuyển sang dùng chữ cái La Mã. Hồ Thích nói phải dùng văn tự bạch thoại thay cho văn tự văn ngôn, sau đó biến văn tự bạch thoại thành văn tự ghi âm.
Trong Phong trào Tân Văn Hóa, báo Tân Thanh Niên mở cuộc thảo luận về cải cách chữ viết. Rất nhiều học giả TQ đều cho rằng chữ viết trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn : tượng hình → biểu ý → biểu âm ; chữ Hán không phải là chữ biểu âm cho nên là loại chữ « dã man, lạc hậu ». Chữ Hán khó học, khó viết, khó nhận mặt chữ, là trở ngại cho phổ cập giáo dục. Lỗ Tấn nói « Không diệt chữ Hán thì TQ ắt mất nước » (Hán tự bất diệt, TQ tất vong), ông muốn bỏ loại văn tự chữ vuông biểu ý mà dùng văn tự chữ cái biểu âm. Hồ Thích, Sái Nguyên Bồi, Tiền Huyền Đồng ... tán thành đơn giản hóa chữ Hán hoặc bỏ hẳn chữ Hán, dùng chữ ghi âm mới (新拼音文字) và đưa ra phương án cụ thể.
Họ đã phát động phong trào Văn Bạch thoại và phong trào Văn tự giản hóa, coi là một phần của cuộc vận động Tân Văn hóa. Từ sau năm 1919, văn Bạch thoại dần dần thay cho văn văn ngôn.
Sau khi nước CHNDTH ra đời, công cuộc cải cách được đẩy mạnh với quyết tâm cao và theo một kế hoạch bài bản. Năm 1955, Ngô Ngọc Chương [5] phát biểu : Chữ Hán có rất nhiều khuyết điểm nghiêm trọng, không thể thích ứng với đời sống hiện đại.
1) Cải cách theo hướng đơn giản hóa chữ Hán
Ngay từ thời còn viết chữ trên mai rùa, người TQ đã có hai cách viết chữ Hán : viết chữ giản thể (Tục thể tự, tức chữ bớt nét) và viết chữ phồn thể (Chính thể tự, tức chữ đủ nét). Các văn bản chính thức đều dùng phồn thể, còn dân chúng viết tay thường dùng giản thể.
Riêng thời Thái bình Thiên quốc (TBTQ, 1851-1864), chữ trên con dấu và các văn bản nhà nước đều dùng chữ giản thể, tổng cộng dùng hơn 100 chữ giản thể ; sau này nước CHNDTH đã sử dụng khá nhiều chữ đó. Thí dụ TBTQ đã sửa chữ 國thành国, tức thay或 bằng玉, bớt được 3 nét. Nhưng khi TBTQ bị tiêu diệt thì phong trào giản hóa chữ viết cũng dừng lại.
Năm 1922, Tiền Huyền Đồng và Lê Cẩm Hy đưa ra Phương án giảm số nét của chữ Hán hiện dùng, Tưởng Giới Thạch tán thành. Phương án này gồm 1.000 chữ giản thể được nộp lên Bộ Giáo dục, nhưng vì thận trọng, Bộ này không chọn hết. Tháng 8/1935, Chính phủ Quốc Dân Đảng (QDĐ) công bố 324 chữ giản thể dựa trên các nguyên tắc : - Thuật nhi bất tác, tức dùng lại các chữ giản thể có từ thời xưa ; - Ưu tiên dùng các chữ giản thể xã hội đang sử dụng rộng rãi ; - Không giản hóa các chữ đã được giản hóa. Thế nhưng phương án giản hóa chữ này bị các nguyên lão QDĐ phản đối kịch liệt, nhất là Đới Quý Đào. Tháng 1/1936 Chính phủ phải tuyên bố hoãn thi hành.
Đầu năm 1935, giới văn hóa Thượng Hải phát động phong trào giản hóa chữ Hán với quy mô lớn, gọi là « Phong trào chữ viết tay », nghĩa là bình thường viết chữ như thế nào thì sách báo cũng phải in chữ như thế, như vậy đại chúng dễ đọc, dễ viết, dễ hiểu chữ. Năm 1934, Tiền Huyền Đồng đưa ra phương án 2.400 chữ giản thể.
Tại vùng do Đảng CSTQ kiểm soát, công tác cải cách chữ Hán vẫn tiến hành mạnh mẽ, đặc biệt việc giản hóa chữ Hán đã thành công lớn, chữ giản thể được gọi là « chữ Giải phóng ».
Mao Trạch Đông thời trẻ đã cho rằng chữ phồn thể là rào cản do giai cấp thống trị phong kiến đặt ra để độc quyền tri thức, ngăn cản đại chúng nhân dân làm chủ tri thức ; muốn xóa nạn mù chữ thì phải đơn giản hóa chữ phồn thể.
Sau giải phóng, trước tình hình 85% dân mù chữ, CT Mao chủ trương tập trung vào việc giản hóa chữ Hán. Tháng 10/1950, Bộ Giáo dục đưa ra dự thảo bảng chữ giản thể gồm 550 chữ. Năm 1952 lại đưa ra phương án 700 chữ giản thể. Nhưng CT Mao cho rằng như vậy còn quá ít, nên vừa bớt nét chữ vừa bỏ bớt một số chữ Hán.
Ngày 31/3/1956, Chính phủ TQ công bố Phương án giản hóa chữ Hán, gồm 515 chữ giản thể (Simplified Chinese Characters) và 54 Thiên bàng (bộ thủ) giản hóa. Nhờ thế đã đẩy nhanh tốc độ xóa mù chữ và công tác giáo dục, thông tin. Tỷ lệ mù chữ năm 1964 chỉ còn 32%. Nhưng cũng có người lợi dụng nguyên lý giản hóa chữ để tự ý giản hóa chữ Hán.
Năm 1973, Thủ tướng Chu Ân Lai yêu cầu tiếp tục công tác giản hóa chữ viết. Năm 1975, Ủy ban Cải cách văn tự trình dự thảo Phương án giản hóa chữ Hán lần thứ hai (Second-round simplified Chinese character) gọi tắt Nhị Giản (SRSC), gồm 2 bảng. Bảng một có 248 chữ giản thể, thi hành ngay; Bảng hai gồm 605 chữ giản thể, đưa ra để mọi người bàn bạc góp ý chứ chưa thi hành.
Ngày 20/12/1977, Nhân dân Nhật báo bắt đầu thử dùng Nhị Giản, sau đó ngành Giáo dục thử dùng cho sách giáo khoa.
Do tác động của tư tưởng tả khuynh, khi làm Nhị Giản người ta không cho các nhà trí thức (bị công nông binh chê là « Thối như cứt ») tham gia, cũng không hỏi ý kiến họ, bởi vậy Nhị Giản có nhiều nhược điểm, chủ yếu là giản hóa quá mức, làm mất đặc điểm mỹ quan của chữ Hán, thoát lý nguyên tắc tạo hình trong lịch sử, vì thế khi sử dụng đã gây ra rối loạn.
Tháng 3/1978, một số nhà trí thức, trong đó có Châu Hữu Quang đề nghị Quốc hội bãi bỏ Nhị Giản. Ngày 24/6/1986 Chính phủ tuyên bố bãi bỏ Nhị Giản. Nhưng do đã lưu hành một thời gian khá lâu nên nhiều người vẫn quen dùng một số chữ Nhị Giản. Từ đó, Chính phủ TQ không đưa ra thêm bất kỳ phương án giản hóa nào, thậm chí các ban ngành liên quan còn xem xét lại tính cần thiết của phương án giản thể lần thứ nhất.
Sau khi dùng thử và mở rộng « Giản hóa tự tổng biểu » ban hành năm 1964, tháng 10/1986 TQ đưa ra « Giản hóa tự tổng biểu » đã sửa đổi, gồm 2.274 chữ giản thể và 14 Thiên bàng giản hóa. Trong đó 68 chữ giản thể có từ thời Tiên Tần, 96 chữ thời Tần Hán, 32 chữ thời Tam Quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, 29 chữ thời Tùy, Đường, Ngũ đại, 82 chữ thời Tống, Liêu, Kim, Nguyên, 53 chữ thời Minh, Thanh, Thái bình Thiên quốc, 60 chữ thời Dân quốc.
Ngày 31/10/2000, Quốc hội TQ thông qua Luật văn tự ngôn ngữ thông dụng nhà nước của nước CHNDTH, thống nhất tất cả các quy định liên quan tới chữ viết Hán ngữ.
Hiện nay TQ đại lục và Singapore (nơi có nhiều người Hoa) chỉ dùng chữ giản thể.
Riêng Đài Loan vẫn dùng chữ phồn thể (Traditional Chinese Characters). Năm 1952, Tưởng Giới Thạch đề xuất vấn đề giản hóa chữ Hán một cách thích hợp, và thành lập Ủy ban nghiên cứu chữ giản thể. Nhưng đa số học giả và dân biểu quốc hội Đài Loan phản đối. Có người nói « chữ viết là tài sản chung của muôn đời, không cho phép một số người chuyên quyền độc đoán. » Hồ Thu Nguyên, Ủy viên Trung ương QDĐ nói « Giản hóa chữ Hán là phá hoại văn hóa truyền thống, ai làm việc ấy sẽ là tội đồ muôn đời của dân tộc Trung Hoa ». Cuộc tranh cãi sau đó bị chính trị hóa, vì khi ấy đại lục đã thực hiện giản hóa chữ Hán, Đài Loan không thể bắt chước « Cộng phỉ ». Rốt cuộc Tưởng đành im lặng ; ai còn bàn chuyện đó thì bị coi là thông đồng với « giặc ». Năm 1969, Hà Ứng Khâm lại nêu vấn đề nên dùng chữ giản thể, cuối cùng cũng vì lý do chính trị nên bị phản đối. Thực ra tỷ lệ người biết chữ ở Đài Loan rất cao, hơn nữa việc phổ cập máy tính khiến cho viết chữ phồn thể không còn khó khăn như trước, cho nên không còn lý do để giản hóa chữ Hán. Năm 2011, Thủ tướng Đài Loan Ngô Đôn Nghĩa tái khẳng định không thay đổi chính sách dùng chữ phồn thể.
Trên thực tế, cho tới nay người TQ vẫn không ngừng tranh luận về vấn đề giản thể hay phồn thể. Tháng 3/2015, hai đạo diễn Phùng Tiểu Cương và Trương Quốc Lập đưa ra « Lưỡng hội » họp ở Bắc Kinh đề án khôi phục một bộ phận chữ phồn thể có hàm nghĩa văn hóa nhằm kế tục nét đẹp của văn hóa truyền thống (100 200 chữ, như chữ thân ái). Đề án này trái với Luật ngôn ngữ văn tự, nhưng vẫn được nhiều người quan tâm. Cũng có người phản đối, như chuyên gia văn tự Đảng Hoài Hưng nói làm thế sẽ rất tốn kém. Phái tán thành cho rằng trong thời đại máy tính, việc dùng chữ phồn thể không tốn kém hơn chữ giản thể.
2) Cải cách theo hướng ghi âm chữ Hán và thay chữ Hán bằng chữ ghi âm
Do chữ Hán không thể hiện âm đọc nên người ta có thể tùy tiện đọc chữ theo nhiều cách khác nhau, gây rối loạn về ngôn ngữ. Tại nước đất rộng người đông này có rất nhiều tiếng địa phương (phương ngữ, TQ gọi là phương ngôn), mỗi địa phương đọc chữ theo âm khác nhau, vì thế không hiểu tiếng của nhau. Hiện nay có 7 phương ngữ lớn và nhiều phương ngữ nhỏ.
Để thống nhất cách đọc chữ Hán, nhất thiết phải ghi âm được chữ Hán, tức dùng một loại ký hiệu ghi âm để thể hiện âm đọc của mỗi chữ. Thời xưa đã có phương pháp trực âm và phương pháp phiên thiết [6] ; cả hai cách này đều bất tiện, vì đều dùng 1 hoặc 2 chữ Hán khác để ghi âm ; vả lại có những chữ không thể ghi âm theo cách đó.
Người đầu tiên dùng chữ Latin để ghi âm chữ Hán là Matteo Ricci, một giáo sĩ người Ý truyền giáo tại TQ. Năm 1605, ông công bố phương án dùng 26 thanh mẫu, 5 vận mẫu, 5 thanh điệu để ghi âm chữ Hán, được nhiều học giả hoan nghênh. Từ đó trở đi TQ bắt đầu có phong trào tìm cách ghi âm chữ Hán. Trước năm 1946, đã có khoảng 30 phương án, đều dựa trên cơ sở phương án Ricci.
Năm 1867, Thomas Francis Wade thư ký Trung văn ở Sứ quán Anh tại TQ [7] xuất bản sách « Ngữ ngôn tự nhĩ tập », đưa ra quy tắc ghi âm Hán ngữ bằng chữ Latin. Về sau nhà truyền giáo Herbert Allen Giles sửa lại và công bố dưới tên Hệ thống ghi âm Wade-Giles (Wade-Giles system), có in trong Từ điển Anh-Hoa xuất bản năm 1892 ở Thượng Hải. Năm 1906, Hội nghị Bưu điện đế quốc họp tại Thượng Hải quyết định dùng hệ này để phiên âm chữ Hán trong ngành điện báo. Từ đó chữ Hán ghi âm bằng chữ Latin lần đầu tiên được sử dụng trên thế giới và trở thành hệ thống phiên âm chữ Hán phổ biến nhất cho đến thập niên 1980, khi TQ dùng phương án ghi âm chính thức của họ. Tuy vậy nhiều tên Hán ngữ các danh từ riêng theo hệ Wade-Giles do quen dùng nên vẫn tồn tại tới nay, như thuốc lá Chunghwa (Trung Hoa), rượu vang Changyu (Trương Dụ), I-ching (Dịch kinh), Tai-chi (Thái cực), Peking (Bắc Kinh)... Đài Loan nay vẫn dùng hệ này để phiên âm tên đất, tên người, như Taichung (Đài Trung), Kaohsiung (Cao Hùng)... Nhưng cách ghi âm này có một số nhược điểm.
Năm 1892, Lô Tráng Chương đưa ra phương án « Thiết âm văn tự », ghi âm bằng chữ Latin[8], tuy không được sử dụng nhưng đã mở đầu phong trào ghi âm Hán ngữ của người TQ.
Năm 1913, chính quyền TQ họp Hội nghị thống nhất âm đọc chữ Hán, họp liền ba tháng mới thẩm định được âm đọc của 6.500 chữ Hán.
Năm 1918 Bộ Giáo dục Chính phủ Bắc Dương công bố Bảng chữ cái ghi âm (注 音 字 母 Chú âm tự mẫu, từ 1930 gọi là 注 音 符 號 Chú âm phù hiệu) dùng để ghi chú âm đọc của mỗi chữ Hán. Mới đầu gồm 39 chữ cái, sau thêm một, hiện nay dùng 37 chữ cái (21 thanh mẫu và 16 vận mẫu), các chữ cái này có tự dạng lấy từ chữ Hán cổ ít nét nhất dựa theo chữ cái ghi âm của Chương Thái Viêm. Như các chữ cái ㄅ, ㄆ, ㄇ, ㄈ ứng với âm đọc các chữ Hán 玻, 坡, 摸, 佛, đọc theo tiếng Việt là puô, p’uô, muô, phuô. Chú âm phù hiệu có thể ghi được toàn bộ các âm của chữ Hán, đã sử dụng thành công ở đại lục thời gian 1920-1958 và tiếp tục sử dụng ở Đài Loan ; học sinh tiểu học Đài Loan trước khi học viết chữ Hán đều phải học 10 tuần Chú âm phù hiệu ; máy tính chữ Hán cũng dùng 37 chữ cái này. Nhưng vì ký hiệu ghi âm có tự dạng là chữ Hán cổ nên khi phiên âm tên người, tên đất (như Bắc Kinh viết là ㄅㄟㄐㄧㄥ) để giao lưu quốc tế thì người nước ngoài không thể đọc được.
Năm 1922, Tiền Huyền Đồng kiến nghị bỏ hẳn chữ vuông, dùng chữ biểu âm. Năm 1926 ông cùng Lê Cẩm Hy, Lâm Ngữ Đường... đưa ra Phương án « 國 語 羅 馬 字Quốc ngữ La Mã tự », dùng 26 chữ cái Latin ghi âm Hán ngữ, lấy chuẩn là giọng Bắc Kinh. Thí dụ中 國 viết là Jonggwo, Phương án này khá hoàn chỉnh nhưng phần ghi thanh điệu rắc rối. Năm 1928, Quốc ngữ La Mã tự được Đại học viện (Cơ quan tối cao quản lý học thuật và giáo dục toàn quốc) của Chính phủ Nam Kinh công bố là phương án Latin hóa ghi âm Hán ngữ pháp định đầu tiên của TQ. Quốc ngữ La Mã tự tuy ít được xã hội sử dụng, nhưng dần dần đã được dùng để chú âm trong các tự điển, đồng thời với Chú âm phù hiệu. Năm 1984, sau nhiều năm không sử dụng, Đài Loan sửa lại phương án Quốc ngữ La Mã tự, ngày 28/1/1986 chính thức công bố dưới cái tên 國 語 注 音 符 號 第 二 式 và dần dần sử dụng thay cho Chú âm phù hiệu. Như vậy hiện nay Đài Loan cũng đã thực hiện Latin hóa ghi âm chữ Hán.
Thập niên 20, một số nhà lãnh đạo ĐCSTQ hồi đó đang ở Liên Xô như Cù Thu Bạch, Ngô Ngọc Chương v.v... đi đầu thực hiện chủ trương Latin hóa chữ Hán. Có người nói đó là do họ chịu ảnh hưởng của phong trào Latin hóa chữ viết cho các dân tộc thiểu số đang dùng chữ A Rập ở Liên Xô hồi năm 1921 [9]. Kết hợp với các nhà Hán học Liên Xô, năm 1929 họ đưa ra Phương án Chữ mới Latin hóa 拉 丁 化 新 文 字 (viết là Latinxua Sin Wenzi, tiếng Anh : Latinized New Writing) của TQ và xuất bản thành sách ở Moskva.
Tháng 9/1931 Đại hội đại biểu Latin hóa chữ TQ họp tại Vladivostok thông qua phương án và quyết định dùng vào việc xóa mù chữ cho 100 nghìn thợ TQ làm việc tại Liên Xô. Năm 1933, phương án này được đưa về TQ và áp dụng rộng rãi trong khu giải phóng của ĐCSTQ.
Năm 1934, Thượng Hải thành lập Hội Nghiên cứu Latin hóa Trung văn. Tháng 12/1935, 688 nhân sĩ nổi tiếng như Sái Nguyên Bồi, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn v.v… công bố bài viết chung, trong có viết: “Chúng tôi thấy rằng loại chữ viết mới này đáng được giới thiệu với toàn quốc. Chúng tôi tha thiết mong muốn mọi người cùng nghiên cứu, đẩy mạnh chữ viết mới, biến nó thành công cụ quan trọng thúc đẩy văn hóa đại chúng và phong trào giải phóng dân tộc”. Chữ viết mới ở đây là nói Latin hóa chữ Hán, tức bỏ hẳn chữ vuông.
Chủ trương này xuất phát từ chỗ các nhân sĩ nói trên cho rằng mấy nghìn năm qua chữ Hán chỉ phục vụ bọn quý tộc phong kiến mà không phục vụ nhân dân ; chữ Hán là sản phẩm của xã hội cổ đại và phong kiến, đã bị biến thành công cụ để giai cấp thống trị áp bức quần chúng nhân dân lao khổ, nó thực sự là trở ngại cho việc học chữ của quảng đại nhân dân ...
Thời ở Diên An, Mao Trạch Đông cũng đưa ra chủ trương diệt chữ Hán, chuyển sang dùng chữ Latin, và từng nói điều đó với Edgar Snow (1905-1972), nhà báo Mỹ nổi tiếng đến thăm Diên An (6/1936). Quý Tiễn Lâm cũng xác nhận Mao từng chủ trương như vậy.
Sau khi nước CHNDTH ra đời, phong trào Latin hóa chữ Hán dâng lên rất cao. Năm 1950, Mao Trạch Đông nói việc cải cách chữ Hán phải chia làm hai bước, bước một làm phương án phụ trợ việc đọc chữ Hán, bước hai ghi âm hóa Hán ngữ.
Năm 1951, CT Mao chỉ thị phải cải cách văn tự theo hướng chung của thế giới là ghi âm, nhưng (chữ cái ghi âm) phải có hình thức dân tộc, chữ cái và phương án đều phải dựa vào chữ Hán. Nhưng vì ông không chỉ rõ hình thức dân tộc là thế nào nên việc cải cách khó triển khai. Nghe nói Stalin từng bảo Mao rằng TQ là nước lớn, có thể có chữ cái riêng của mình.
Tháng 2/1952, Bộ Giáo dục TQ lập Ủy ban nghiên cứu cải cách văn tự TQ, nghiên cứu phương án ghi âm chữ Hán bằng nét chữ vuông (筆 畫 式).
Năm 1954, Châu Hữu Quang [10] chứng minh chữ cái nước ngoài có thể biến thành chữ cái của dân tộc, như tiếng Latin là tiếng nước ngoài, nhưng khi dùng để nói và viết tiếng Anh thì chữ cái Latin trở thành chữ cái của dân tộc Anh. Ông cho rằng chữ Hán không thích hợp làm chữ cái để ghi âm ; chữ cái Latin là thứ chữ thông dụng nhất trên thế giới, TQ nên sử dụng. Ông nêu 3 nguyên tắc : Latin hóa, âm tố hóa và khẩu ngữ hóa. Sau đó Châu được nhà nước mời tham gia công tác cải cách văn tự.
Tháng 12/1954 Chính phủ lập Ủy ban Cải cách Văn tự TQ (UBCCVT). Tháng 2/1955 Ủy ban này lập Ban Phương án ghi âm chữ Hán. Đồng thời phát động phong trào cả nước làm phương án ghi âm chữ Hán. Tổng cộng có 633 người nộp 655 phương án.
Tháng 10/1955, Hội nghị cải cách văn tự toàn quốc được nghe giới thiệu 6 phương án sơ bộ ghi âm Hán ngữ, gồm 4 phương án dùng nét chữ vuông, một dùng chữ cái Slav, một dùng chữ cái Latin (do Châu Hữu Quang đề xuất). Kết quả hội nghị chọn phương án chữ cái Latin và thông qua quyết nghị đẩy mạnh sử dụng tiếng Phổ thông trong cả nước.
Sở dĩ có đề xuất dùng chữ cái Slav là do hồi đó Liên Xô đã chuyển toàn bộ chữ viết của các dân tộc thiểu số nước họ từ chữ cái Latin sang chữ cái Slav (chữ Nga), cho nên một số nhân sĩ TQ nói TQ là đồng minh của Liên Xô thì nên dùng chữ cái Slav.
Cũng tháng 10/1955, Ngô Ngọc Chương nói : Giản hóa chữ Hán không căn bản giải quyết vấn đề cải cách văn tự mà phải đồng thời tích cực làm công tác chuẩn bị ghi âm hóa chữ Hán.
Sau khi thấy chủ trương « chữ cái ghi âm phải có hình thức dân tộc » gặp bế tắc, CT Mao thay đổi quan điểm, phát biểu tán thành dùng chữ cái Latin (1/1956), cho rằng chữ Latin có nhiều ưu điểm, « ta cứ việc dùng, không sợ bị nghi ngờ là bán nước ». Ngày 12/2/1956, UBCCVT công bố Dự thảo phương án ghi âm Hán ngữ. Tháng 10/1956, Chính phủ lập Ủy ban Thẩm định phương án. Tháng 10/1957, UBCCVT đưa ra dự thảo sửa đổi.
Ngày 11/2/1958 Quốc hội TQ thông qua Phương án ghi âm Hán ngữ bằng chữ Latin (Scheme for Chinese phonetic alphabet). Châu Hữu Quang được gọi là cha đẻ của phương án này.
Phương án trên đã được áp dụng rộng rãi để : - Ghi chú âm đọc (phiên âm) chữ Hán, giúp người học chữ Hán tự đọc được chữ ; - Dạy tiếng Phổ thông trong toàn dân TQ, dạy Hán ngữ cho người nước ngoài ; - Biên soạn các loại tự điển, từ điển ; khi đó các chữ Hán được ghi âm và sắp xếp cũng như tra chữ theo thứ tự chữ cái Latin hóa tiện hơn tra theo bộ thủ ; - Dùng làm cơ sở để tạo chữ viết cho các dân tộc thiểu số; - Dùng cho các lĩnh vực không thể hoặc không tiện sử dụng chữ Hán, như chữ nổi cho người mù, thao tác tay cho người câm điếc, thông tin bằng cờ, bằng ánh sáng, nhập chữ Hán vào máy tính v.v...
Trước đây, khi chưa có ghi âm thì nhìn chữ Hán mà không đọc được âm. Giờ đây mỗi chữ Hán trong các loại tự điển đều được ghi kèm một từ ghép bởi các chữ cái Latin để ghi chú âm đọc (TQ gọi là chú âm) của chữ Hán đó. Người học chữ Hán chỉ cần biết đọc mấy chục chữ cái Latin và biết cách đánh vần các từ ghép bởi các chữ cái đó là có thể tra tự điển mà tự đọc được âm của từng chữ Hán. Huyện Vạn Vinh tỉnh Sơn Tây báo cáo: Nông dân học 15-20 giờ đã nắm được cách ghi âm chữ Hán ; sử dụng chữ ghi âm học 100 giờ có thể biết 1500 chữ Hán. Nhờ đó việc phổ cập tiếng Phổ thông trên toàn quốc tiến hành thuận lợi, cả nước đọc chữ Hán theo cùng một âm thống nhất, tạo điều kiện toàn dân hiểu nhau. Dùng chữ cái Latin ghi âm chữ Hán thuận tiện trong giao lưu quốc tế, vì thế từ 1958, TQ ngừng sử dụng Chú âm phù hiệu, tuy vẫn dùng trong từ điển. Từ 1/11/1967 TQ chính thức thực thi Phương án ghi âm Hán ngữ bằng chữ Latin, đồng thời cũng sáng chế chữ ghi âm Latin hóa cho các dân tộc thiểu số chưa có chữ viết.
Cho dù phương án trên đã áp dụng thành công trên toàn quốc trong việc ghi chú âm đọc cho chữ Hán, nhưng lãnh đạo TQ chưa nhất trí về vấn đề dùng loại chữ ghi âm này để thay thế chữ vuông. Năm 1958 Chu n Lai nói Phương án ghi âm Hán ngữ chỉ dùng để ghi chú âm đọc cho chữ Hán và để đẩy mạnh phổ cập tiếng Phổ thông chứ không phải là thứ văn tự ghi âm dùng thay cho chữ Hán. Câu nói này đi ngược với nguyện vọng của Ngô Ngọc Chương.
Tuy vậy Nhân dân Nhật báo ngày 20/12/1977 nhân công bố Phương án « Nhị giản » có đăng xã luận nhắc lại lời CT Mao là cải cách văn tự phải đi theo phương hướng ghi âm hóa.
Vấn đề dùng chữ ghi âm để thay cho chữ Hán gặp trở ngại lớn nhất là Hán ngữ có cả trăm nghìn chữ vuông nhưng lại chỉ có hơn 400 âm đọc, như vậy chữ ghi âm Hán ngữ cũng chỉ có hơn 400 từ, nếu kể cả 4 thanh điệu cũng chỉ khoảng 1200 từ, nghĩa là một từ ứng với hàng trăm chữ Hán. Do có nhiều chữ đồng âm nên sẽ thường xuyên gây hiểu nhầm, vì cùng một âm đọc, cùng một chữ ghi âm mà có quá nhiều nghĩa khác nhau. Như âm [yi] có tới 147 chữ Hán khác nghĩa, khi ghi âm hóa thì đều viết là yi, rõ ràng sẽ gây nhầm lẫn giữa 147 chữ đó. Thí dụ 亿 元 (100 triệu đồng) và 一 元 (1 đồng), âm đọc và chữ Latin ghi âm đều là [yi yuán].
Hơn nữa từ bỏ chữ Hán là một việc cực kỳ hệ trọng, có liên quan tới truyền thống văn hóa 5000 năm của TQ, tới nguyện vọng của toàn bộ người Hoa trên toàn cầu. Rất nhiều nhân sĩ ở TQ và nước ngoài cho rằng việc bỏ chữ Hán, thay bằng chữ Latin về khách quan là tự hủy diệt lịch sử và văn hóa truyền thống, hủy diệt ý thức dân tộc. Nhà văn Vương Mông nguyên Bộ trưởng Văn hóa TQ cũng nói không giữ được chữ Hán tức là hủy diệt nền văn hóa TQ.
Báo cáo của Ủy ban Công tác ngôn ngữ nhà nước tại hội nghị Công tác ngôn ngữ toàn quốc (1/1986) hoàn toàn không nhắc tới chỉ thị « phương hướng ghi âm hóa » của CT Mao, mà chỉ nói nên mở rộng phạm vi ứng dụng phương án ghi âm chữ Hán. Như vậy nghĩa là Chính phủ TQ đã từ bỏ chính sách cải cách chữ Hán « theo hướng ghi âm hóa » của CT Mao ; ghi âm chữ Hán không còn được coi là văn tự pháp định mà chỉ là một công cụ bổ trợ cho chữ Hán, không được coi là thứ văn tự chuẩn bị thay thế chữ Hán trong tương lai; chữ Hán mới là văn tự chính tông, pháp định. Biên bản Hội nghị công tác văn tự toàn quốc ngày 31/5/1986 nói rõ: Trong một thời kỳ tương đối dài sau đây, chữ Hán vẫn là văn tự pháp định của nhà nước.
Điều 18 Chương I Luật Văn tự ngôn ngữ thông dụng nhà nước CHNDTH quy định : « Văn tự ngôn ngữ thông dụng nhà nước dùng Phương án ghi âm chữ Hán làm công cụ ghi âm và chú âm. Phương án ghi âm chữ Hán là quy phạm thống nhất của cách viết ghi âm bằng chữ cái La Mã cho tên người, địa danh và các văn bản Trung văn, và dùng cho các lĩnh vực không tiện hoặc không thể sử dụng chữ Hán. Bậc giáo dục sơ cấp phải giảng dạy ghi âm Hán ngữ. »
Như vậy xu hướng thay chữ Hán bằng chữ Latin ghi âm tại đại lục TQ đã thất bại, cho tới nay chính quyền không còn đề cập vấn đề này, tuy dân chúng vẫn tiếp tục bàn bạc khá sôi nổi.
**
****
Tóm lại, tiến trình cải cách chữ Hán đã diễn ra trong một thời gian rất dài và chỉ có bước tiến đột phá sau khi TQ tiếp xúc với phương Tây và nhất là sau khi nước CHNDTH ra đời. Rốt cuộc đại lục TQ đã thực hiện được việc đơn giản hóa chữ Hán và ghi âm chữ Hán, còn việc cải cách toàn diện chữ Hán, tức bỏ hẳn chữ vuông, chuyển thành chữ biểu âm dùng chữ cái Latin đã thất bại. Bởi lẽ đó, chữ Hán vẫn là loại chữ biểu ý khó học khó dùng và dùng dễ nhầm lẫn. Rất may là công nghệ máy tính đã tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi giúp mọi người đỡ mất nhiều công sức trong việc học và dùng chữ Hán. Giờ đây có thể dự đoán chữ Hán với những nhược điểm cố hữu của nó sẽ tiếp tục tồn tại và có khả năng chữ phồn thể sẽ lại được phục hồi nhằm thể hiện mạnh mẽ truyền thống Trung Hoa.
Nguyễn Hải Hoành
GHI CHÚ
[1] Vài thí dụ : - Riêng Võ Tắc Thiên đã tạo ra hơn 10 chữ, bà từng thất bại khi định sửa chữ 國 bằng cách thay chữ 或 (Hoặc) trong khung vuông bằng chữ 武 (Võ). - Có chuyện vua Càn Long vi hành đến Tô Châu thấy một cái cổng có viết 滸 墅 關, người vùng này đọc chữ 滸 là [hǔ] (trong 水 滸 ), Càn Long lại đọc là [xǔ] ; chẳng ai dám bảo vua đọc sai, từ đó trở đi chữ này có hai âm là [hǔ] và [xǔ]. - Thậm chí có cụm từ cùng mặt chữ mà khác nghĩa. Thời báo New York có nêu thí dụ cụm từ hóng shỏu ji 烘手機 nên hiểu là hand-dryer hay là dry the mobile phone ? Theo chúng tôi, từ tính chất lộn xộn thiếu khoa học của chữ Hán có thể thấy thứ chữ này là do rất nhiều người thuộc rất nhiều thế hệ làm ra, chứ không phải do một hoặc nhiều nhóm học giả làm ra.
[2] William C. Hannas thạo 12 ngoại ngữ, trong đó có tiếng TQ, chuyên gia ở Foreign Broadcast Information Service.
[3] Cao Xuân Hạo : Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn ?
[4] Tiền Huyền Đồng (1887-1939), nhà tư tưởng, nhà hoạt động cải cách ngôn ngữ, giáo sư, chủ nhiệm Khoa Quốc văn ĐH Bắc Kinh, đồng sáng lập Phong trào Tân Văn hóa, từng học ở Nhật.
[5] Ngô Ngọc Chương (1878-1966), nhà ngôn ngữ học, UVTƯ ĐCSTQ, CT Ủy ban Cải cách chữ viết, Hiệu trưởng ĐH Nhân dân TQ 17 năm, bậc nguyên lão của ĐCSTQ.
[6] Trực âm : dùng một chữ đồng âm khác để ghi chú âm đọc của một chữ mới. Phiên thiết : dùng hai chữ khác để ghi chú âm đọc của một chữ mới ; chữ thứ nhất thể hiện thanh mẫu, chữ thứ hai thể hiện vận mẫu.
[7] Thomas Francis Wade (1818-1895), về sau dạy Trung văn tại ĐH Cambridge.
[8] Thiết âm tức là ghi âm, còn gọi là hợp thanh. Xem : 卢戆章和切音字运动 http://szb.northnews.cn/.../2015-02/09/content_1177542.htm
[9] Sau khi Lê Nin mất, Stalin lại đổi chữ Latin thành chữ Nga.
[10] Châu Hữu Quang (1906-), học kinh tế ĐH Saint John ở Thượng Hải, du học Nhật, làm ngân hàng, từng công tác tại New York, London, từ 1949 là giáo sư kinh tế học Đại học Phục Đán Thượng Hải.
THAM KHẢO
1- 汉字的局限性 http://www.zybang.com/.../9ad6ecea7914efd5f9b5bc385ba5346...
2- 汉 字 的 优 缺 点 (2009-05-31) http://blog.sina.com.cn/s/blog_4977d2f80100de2n.html
3- 技术上说说汉字的优缺点 http://tieba.baidu.com/p/50378465
4- 为什么汉字没有改为拼音文字 http://tieba.baidu.com/p/2321335330
5- 汉字改革 http://baike.baidu.com/link...
6- 汉字改革及发展、http://zhidao.baidu.com/link...
Nguồn: Đông tác, ngày 7.9.2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)