31/5/22
TỔNG QUAN VỀ HÁN NGỮ TRUNG CỔ và NGUỒN GỐC ÂM HÁN VIỆT
(Phần I)
Nguồn gốc và quá trình hình thành âm Hán Việt là một phần quan trọng trong nghiên cứu lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
Cố giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã chỉ ra nguồn gốc của âm Hán Việt là từ tiếng Hán trung cổ ở An Nam cuối thời nhà Đường ngay trước khi nước ta tách ra độc lập với Trung Hoa. Nguyễn Tài Cẩn chỉ ra rằng người An Nam học thứ tiếng này như một ngoại ngữ với phát âm chính xác thay vì chỉ là âm đọc chữ Hán một cách tiệm cận theo ngữ âm tiếng Việt lúc đó và cách phát âm chuẩn theo tiếng Hán này đã được giữ gìn và bảo lưu tốt trong suốt nhiều thế kỷ sau đó khi đã độc lập trước khi bị biến đổi cùng với sự biến đổi của tiếng Việt. Không những thế một vài yếu tố ngữ âm của tiếng Hán mà tiếng Việt vốn không có (như phụ âm uốn lưỡi tr, s, vần -ưu) cuối cùng vẫn không mất đi mà còn đi vào tiếng Việt và bổ sung, làm giàu thêm kho ngữ âm của tiếng Việt (1).
Tiến xa hơn một bước, Tiến sỹ John Phan đã đưa ra đầy đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh rằng âm Hán Việt nguyên thuỷ không phải là từ một ngôn ngữ quan phương tiêu chuẩn của trung nguyên được dạy riêng cho tầng lớp trí thức tinh hoa mà là một sinh ngữ gọi là Hán ngữ trung cổ An Nam được nói như là tiếng bản ngữ bởi một bộ phận không nhỏ cư dân An Nam bấy giờ sau hơn một nghìn năm là một châu quận của đế chế Hán Đường. Không những thế tiếng Việt chính là sự kết hợp của phương ngữ Hán An Nam này và ngôn ngữ Tiền Việt-Mường khi mà những người nói tiếng Hán chuyển sang nói ngôn ngữ bản địa và kéo theo hệ thống từ vựng của họ. Quan điểm này đã được đông đảo học giả quốc tế chấp nhận (2).
* Tồn tại một quan điểm ngộ nhận rằng cha ông ta không đọc chữ Hán theo âm Hán mà tự sáng tạo ra âm đọc của riêng mình để "phiên âm" tiếng Hán theo ngữ âm tiếng Việt. Thực tế là âm Hán Việt nguyên thuỷ chính là âm Hán trung cổ và âm Hán Việt ngày nay không giống với âm Hán trung cổ bởi vì nó đã trải qua quá trình biến đổi tiến hoá một cách tự nhiên cùng với tiếng Việt gần một nghìn năm qua. Chẳng hạn, *s > t (sâm > tâm v.v), *s' > th (s'ư > thư v.v) v.v là những hiện tượng chỉ xảy ra vào khoảng thế kỷ 15 (theo Maspero căn cứ An Nam dịch ngữ) và nó không chỉ xảy ra với từ Hán Việt mà với toàn bộ tiếng Việt. Quá trình diễn biến, hình thành âm Hán Việt từ Hán ngữ trung cổ An Nam là một quá trình dài, dẫn đến âm Hán Việt hiện đại giống như là đã được "Việt hoá" (nhưng không phải vậy), có hệ thống ngữ âm phù hợp với tiếng Việt hiện đại và có nhiều điểm khác với ngữ âm tiếng Hán trung cổ (và dĩ nhiên là khác xa so với tiếng Hán hiện đại).
Vấn đề về quá trình hình thành âm Hán Việt khó có thể làm sáng tỏ được nếu không có tri thức chính xác về lịch sử ngữ âm của ngôn ngữ gốc là tiếng Hán trung cổ.
Cuốn sách "Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt" của cố GS Nguyễn Tài Cẩn là một công trình kinh điển và hết sức công phu về đề tài này. Tuy nhiên có một hạn chế rõ ràng đó là những lập luận trong công trình này đều dựa vào các lý thuyết có phần sơ khai, lạc hậu và thiếu chính xác trong lịch vực ngữ âm lịch sử về Hán ngữ trung cổ, tức là cơ sở và nguồn gốc của âm đọc Hán Việt (Các tài liệu tham khảo như Vương Lực 1955, Lý Vinh 1952, Đổng Đồng Hoà 1968). Dựa vào đó tác giả đưa ra các ý tưởng tái lập của riêng mình cho cái mà cụ gọi là "tiếng Hán được dạy ở Giao châu" thời Đường (tức là tiếng Hán trung cổ An Nam). Tuy nhiên phần cơ sở là ngữ âm Hán trung cổ mà thiếu chính xác thì phần tái lập ngữ âm Hán Việt nguyên thuỷ cũng như các lý giải về quá trình diễn biến đến âm Hán Việt hiện đại khó tránh khỏi sai lầm và thiếu sót. Từ thời cụ biên soạn cuốn sách này các học giả quốc tế đã có những bước tiến lớn trong việc phân tích, giải mã hệ thống ngữ âm của Hán ngữ trung cổ và đạt được sự đồng thuận nhất định. Dù đã được tái bản nhưng cuốn "Nguồn gốc" vẫn chưa tiếp cận và ứng dụng được các thành tựu mới trong lĩnh vực này (như các hệ thống tái lập gần đây của Trịnh Trương Thượng Phương, Phan Ngộ Vân, Baxter-Sagart).
Bài viết này nhằm cung cấp các kiến thức mới nhất một cách cơ bản, hệ thống về ngữ âm tiếng Hán trung cổ ở Trung nguyên và diễn biến lịch sử qua hai thời kỳ, sơ kỳ và vãn kỳ. Trên cơ sở đó đưa ra một hệ thống tái lập cho Hán ngữ trung cổ An Nam và những diễn biến ngữ âm dẫn đến sự hình thành âm Hán Việt hiện đại.
Lưu ý rằng với tư cách là một phương ngữ, Hán ngữ trung cổ An Nam không hoàn toàn giống Hán ngữ trung cổ ở Trung nguyên vì nó có lịch sử tiến hoá riêng với ảnh hưởng ít nhiều từ những biến đổi trong Hán ngữ ở Trung nguyên.
Vì vậy nó sẽ vừa mang một số đặc điểm của Hán ngữ trung cổ vãn kỳ (vãn Đường sơ Tống), vừa mang một số đặc điểm bảo thủ, bảo lưu từ Hán ngữ trung cổ sơ kỳ (Nam Bắc triều đến sơ Đường). Chính điều đó dẫn đến việc Nguyễn Tài Cẩn cho rằng nó là tiếng Hán tiêu chuẩn của giai đoạn trung Đường khoảng thế kỷ 8-9, trong khi thực ra nó là một phương ngữ tiếng Hán của thế kỷ 10.
(còn tiếp)
1. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nguyễn Tài Cẩn, 1979, 2000.
2. The Evolution Of Vietnamese Under Sinitic Influences From The 1st Century BCE Through The 17th Century CE, John Phan, 2013.
Nguồn: https://www.facebook.com/lekhanhtoan.h57/posts/pfbid02xWaRZ6Wixym2kp1CM7H2afMXKqPMyLnqx1baA6ArpL7j8dnK3x3iUCRdk93GxAmTl
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)