12/8/22

Luật thơ Tuyệt cú

 TUYỆT CÚ


Tuyệt cú 絕句 là bài thơ chỉ có bốn câu, mỗi câu có số chữ (/tiếng) bằng nhau. Thường gặp là thơ ngũ ngôn tuyệt cú (bốn câu 5 chữ), gọi tắt là ngũ tuyệt, thất ngôn tuyệt cú (bốn câu bảy chữ), gọi tắt là thất tuyệt. Thơ lục tuyệt ít gặp hơn. Ở ta, thể thơ này thường được gọi là tứ tuyệt. Để khỏi nhầm lẫn với ngũ tuyệt, lục tuyệt, .. tôi tránh không dùng ở đây.

Những bài thơ bốn câu năm chữ đã xuất hiện từ thời Hán, Ngụy dưới dạng những bài ca dao, những đoản khúc nhạc phủ; nhưng rất ít, chưa được coi là một thể thơ. Đến đời Nam Bắc triều, số bài thơ như thế xuất hiện nhiều hơn; người ta gọi chúng là tuyệt cú, hoặc đoạn cú 斷句 .. Tuyệt hay đoạn đều có nghĩa là "cắt đứt", hàm ý bài thơ chỉ bốn câu là hết, khác với những bài thường gặp bấy giờ có số câu nhiều hơn. Nhưng phải đợi đến đời Đường, tuyệt cú mới trở thành một thể thơ được ưa chuộng, được nhiều người dùng để bày tỏ tâm tư tình cảm; trong đó nổi lên ba bậc thầy về thể thơ này: Lí Bạch, Vương Duy, Thôi Quốc Phụ.  

Về mặt hình thức, thơ tuyệt cú được phân làm hai loại: luật tuyệt và cổ tuyệt. 

Luật tuyệt là thơ tuyệt cú tuân thủ luật về vần, luật về bằng trắc. Riêng về đối đăng có thì tốt, không bắt buộc. 

Cổ tuyệt là thơ tuyệt cú làm theo thể cổ phong, chỉ đòi hỏi về vần, chấp nhận cả vần trắc. Ngoài ra không có quy định bằng trắc như luật tuyệt. 

Sau đây là luật bằng (b) trắc (t) của thơ luật tuyệt. Chú ý trong thực hành làm thơ, người ta chấp nhận lệ "nhất tam ngũ bất luận, nhị từ lục phân minh", tức là chữ (/tiếng) thứ 1, 3 (và 5, nếu là thất tuyệt) trong câu không nhất thiết phải đúng bằng trắc, nhưng chữ thứ 2, 4, (và 6, nếu thất tuyệt) phải giữ đúng bằng trắc như các bảng sau đây.

NGŨ NGÔN TUYỆT CÚ (NGŨ TUYỆT)

1. bbbtt, tttbb. ttbbt, bbttb. (vần: câu 2 - 4)

2. ttbbt, bbttb. bbbtt, tttbb. (vần: câu 2 - 4)

3. bbttb, tttbb. ttbbt, bbttb. (vần: câu 1 - 2 - 4)

4. tttbb, bbttb. bbbtt, tttbb. (vần: câu 1 - 2 - 4)

THẤT NGÔN TUYỆT CÚ (THẤT TUYỆT)

Ở bốn dạng trên, thêm trước mỗi câu hai tiếng bb hoặc tt, ta có bộ luật bằng trắc cho thơ thất tuyệt. 

Ví dụ. Với dạng 1:

Ngũ tuyệt:   bbbtt,     tttbb.     ttbbt,   bbttb.

Thất tuyệt: ttbbbtt, bbtttbb. bbttbbt, ttbbttb.

NGHĨ VỀ LUẬT THƠ.

Thời Nam Bắc triều nhiều người đã viết những bài thơ bốn câu năm chữ để bày tỏ tâm tư tình cảm của mình. Hàng ngàn hàng vạn bài thơ đã được sản sinh. Theo thời gian, chỉ còn một số bài thơ được người đời ghi nhớ. Người ta đã tìm xem những nét chung của các bài thơ này, khái quát thành "luật", là những yếu tố được cho là giúp bài thơ thành "đáng nhớ". Với thơ tuyệt cú, luật thơ thành hình như ta thấy hiện nay, là vào thời Sơ Đường.

Luật thơ, như thế, như một dạng mẫu, giúp người làm thơ theo đó mà viết, sẽ được bài thơ dễ đọc, dễ nghe .. Không theo luật, bài thơ dễ thành trúc trắc hoặc ngang phè, ..

Dĩ nhiên, thơ làm đúng luật, dễ đọc dễ nghe là một chuyện, còn hay hay không là chuyện khác. Xưa nay, hàng ngàn hàng vạn bài thơ các sĩ tử làm trong các khoa thi, hẳn đều đúng luật, còn lưu lại được mấy bài?.

Ngoài ra, như ta thấy, nhiều bài thơ cổ tuyệt vẫn rất hay. Đơn cử, bài Tĩnh dạ tứ của Lí Bạch.

Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.

(Nếu là luật tuyệt thì câu thứ ba phải là ttbbt).


CÁC VÍ DỤ

Sau đây là các ví dụ cho mỗi dạng. Chỉ ghi phần âm Hán Việt, cho gọn bài. Bạn đọc dễ dàng tra phần chữ Hán và nghĩa trên các trang mạng, nếu quan tâm. 

1.1. Thính tranh của Lí Đoan 李端《聽箏》

Minh tranh kim túc trụ, Tố thủ ngọc phòng tiền.

Dục đắc Chu Lang cố, Thời thời ngộ phất huyền.

1.2. Đăng Quán Tước lâu của Vương Chi Hoán 王之渙《登鸛雀樓》

Bạch nhật y sơn tận, Hoàng Hà nhập hải lưu.

Dục cùng thiên lý mục, Cánh thướng nhất tằng lâu.

Nhận xét: Bài này có hai liên đối. Như đã nói trên, thơ tuyệt cú không yêu cầu về đối. Có, thì thêm đẹp.

1.3. Khuê nhân tặng viễn 1 của Vương Nhai. 王涯《閨人贈遠》

Hoa minh ỷ mạch xuân, Liễu phất ngự câu tân.

Vị báo Liêu Dương khách, Lưu quang bất đãi nhân.

1.4. Tái hạ khúc 3 của Lư Luân. 盧綸《塞下曲》

Nguyệt hắc nhạn phi cao, Thiền Vu dạ độn đào.

Dục tương khinh kỵ trục, Đại tuyết mãn cung đao.

.

2.1 Cửu nguyệt cửu nhật ức sơn Đông huynh đệ của Vương Duy. 王維《九月九日憶山東兄弟》

Độc tại dị hương vi dị khách,

Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.

Dao tri huynh đệ đăng cao xứ,

Biến sáp thù du thiểu nhất nhân.

2.2 Ức giang liễu của Bạch Cư Dị 白居易《憶江柳》

Tằng tài dương liễu Giang Nam ngạn,

Nhất biệt Giang Nam lưỡng độ xuân.

Dao ức thanh thanh giang ngạn thượng,

Bất tri phan chiết thị hà nhân.

2.3. Dạ vũ kí bắc của Lí Thương Ẩn 李商隱《夜雨寄北》

Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ,

Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.

Hà đương cộng tiễn tây song chúc,

Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì.

2. 4. Tảo phát Bạch Đế thành của Lí Bạch 李白《早發白帝城》

Triêu từ Bạch Đế thái vân gian,

Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn.

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú,

Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.

nhạn quá trường không. Hình trên mạng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)