13/2/23

Vũ Hoàng Chương

Mấy hôm nay Vũ Hoàng Chương bỗng dưng thành  .. hot boy, sau khi thông tin ông từng được đề cử Nobel Văn Chương được tiết lộ. [1]

Thật ra được đề cử giải Nobel Văn chương thì cũng chẳng phải chuyện gì quá to tát - nghe nói mỗi năm có cả trăm đề cử như thế. Trước VHC cũng từng có Hồ Hữu Tường được đề cử. và sau này chắc cũng còn nhiều người khác được đề cử nữa, chỉ là thông tin chưa được giải mật để công bố thôi. 

Người ta bàn tán xôn xao có lẽ vì ông vốn là người từng bị chính quyền này cho người chửi rủa, kết án bỏ tù và đày đọa đến chết, nay bỗng dưng lại để cho báo chí ca ngợi. Lạ.

Sau đây là bài của nhà báo Mạnh Kim.

Xem thêm về Vũ Hoàng Chương (bài của Đặng Tiến) ở đây

-----

Theo danh sách được Ủy ban Nobel vừa được công bố sau 50 năm giữ kín do quy định, thi bá Vũ Hoàng Chương là một trong 100 nhân vật được đề cử giải Nobel Văn chương năm 1972. Viện Hàn lâm Thụy Điển ghi rõ rằng Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam và người giới thiệu là Thanh Lãng.

Kể về những ngày cuối đời của Vũ Hoàng Chương, nhà văn Mai Thảo thuật lại trong bài “Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương”:

Vượt qua cây cầu Calmette soi bóng trên một con kinh tù đọng, con kinh chạy dọc theo vùng ngoại vi tràn lan náo nhiệt nhất của Sài Gòn là khu Chương Dương, Ông Lãnh, chiếc xe đạp lọc cọc chở tôi đi trên một mặt nhựa lồi lõm, đụng tới tòa nhà xám bẩn của hãng làm phân bón thì rẽ trái và lăn vào một con đường trải đá xanh. Chiếc xe chở tôi rẽ phải trên một con đường nhỏ, yên tĩnh, rẽ trái vào một con đường nhỏ yên tĩnh nữa, rồi tới một đầu ngõ khuất khúc. Tôi xuống xe, dắt bộ tới cuối ngõ, tới trước một căn nhà gỗ hai tầng. Đẩy một cánh cổng khép hờ đi vào, tôi đã tới Gác Bút của Vũ Hoàng Chương. 

Thi sĩ mới dọn về đây ít lâu sau biến cố Tháng Tư 1975, cái tiểu gia đình gươm đàn nửa gánh gồm có thi sĩ, người bạn trăm năm của ông là nữ sĩ Đinh Kiều Oanh và đứa con trai nuôi là Vũ Hoàng Tuân, ông đặt tên cho con bằng lấy tên Tuân của Nguyễn Tuân, nhà văn viết tùy bút rất hay và là bạn thân của thời kỳ tiền chiến. 

Địa chỉ mới của Vũ Hoàng Chương nguyên là chỗ ở của gia đình thi sĩ Đinh Hùng, em vợ ông ngày trước. Chỗ ở này sinh thời, Đinh Hùng, tự xưng là Đinh Công Tử, nghịch ngợm đặt tên là động Hoa Lư, trong cái ý nhà vua xưa Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp ở động Hoa Lư thì Đinh Hùng đời sau cũng có một động Hoa Lư ở phường Cây Bàng như thế. Đinh Hùng mất, vợ con vẫn ở, tên Hoa Lư vẫn còn. Nhưng từ khi Vũ Hoàng Chương dọn về ở chung, Hoa Lư còn có thêm một tên mới. Đó là Gác Bút.

Hỏi tại sao không dùng lại tên Gác Mây của căn lầu trên vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thi sĩ cười, hóm hỉnh: "Đổi đời, giờ là Gác Bút mới đúng. Vì Hà Nội nó bắt ta gác hết bút lên rồi, đâu còn cho viết nữa." (…) 

Thời gian này, sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đã hết sức suy nhược và gia cảnh thì đã rớt xuống tới đáy cùng của túng thiếu cùng quẫn. Những tháng sau cùng ở Gác Mây, Phú Nhuận, ông đã đau yếu rất nhiều. Trong lồng ngực mỏng, con tim đã yếu. Trên cái vóc hạc, xế chiều đã tới. Vũ Hoàng Chương gần như không ra khỏi nhà nữa. Lên xuống mấy bậc thang lầu, cũng phải đứng lại nhiều lần để thở. Có việc phải đi đâu, bao giờ cũng phải Đinh Kiều Oanh cùng đi. Ở Gác Mây anh em văn nghệ đã phải chia lượt tới viếng thăm ông đau yếu nhiều lần. Đem thuốc thang tới nữa. Về Gác Bút, tình trạng sức khỏe của thi sĩ càng mong manh (…) 

Sống với cộng sản, trường hợp của miền Nam là ở lại, là vẫn có mặt ở Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, kẻ sĩ, nhà thơ, nhà văn thất thế, khi mọi phương tiện lên tiếng đã bị triệt hủy hoàn toàn, chỉ còn một cách thế biểu hiện nhân phẩm duy nhất là giữ vững bản ngã, giữ vững nhân cách giữa bi thảm, không cho sa đọa. Và như vậy, đối diện với nghịch cảnh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết. Bi thảm này tên là Định Mệnh. 

Hàng ngàn nhà văn nhà thơ trên khắp mọi phần đất thế giới đã đứng trước định mệnh khốc liệt như thế, trên tổ quốc đất nước họ, trước bạo lực quân phiệt và chuyên chính vô sản. Anh em văn nghệ miền Nam, ngoại trừ một thiểu số khiếp nhược, nói chung đã có một phong cách nghiêm chỉnh, lúc thất thế, trong bi thảm, trước kẻ thù. Nhưng gương mẫu nhất, rực rỡ nhất tuy từ hai cách thế biểu hiện khác biệt, qua suy nghĩ và nhận thức tôi là Vũ Hoàng Chương và Thanh Tâm Tuyền (...)

Ngày một thăng hoa khiến vị thế đại diện tồn tại nguyên vẹn trước đào thải nhiều mặt, khiến ông vừa là người khai sáng vừa là người chuyển tiếp, khiến ông là một gia tài thơ cho cả một thế hệ thơ sau được kế thừa, chỉ có Vũ Hoàng Chương trong thơ chúng ta. Chỉ có Vũ Hoàng Chương mà thôi. Có nhìn Vũ Hoàng Chương trên trình tự thời gian khá dài của thơ, có đặt ông vào cuộc vận động cực kỳ lớn lao của thơ Việt từ 50 năm trở lại đây, mới nhận thức được trên mọi chiều hướng kích thước của nó, cái tài thơ phi thường ấy, nhà thơ vĩ đại của thơ Việt chúng ta. Tôn vinh ông là đệ nhất đương thời thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ lớn nhất của một dòng thơ khác, đã không đi theo một xô đẩy tình cảm nào. Chỉ là Thanh Tâm Tuyền nhìn nổi ông, bằng một cái nhìn lớn.

Mọi người là thi sĩ. Riêng ông là thi bá.

Bởi vậy mà với một chế độ tử thù với thơ, sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Vũ Hoàng Chương phải bị giết chết. Ngày bắt ông, 13 Tháng Tư 1976. Ngày ông mất 19 Tháng Tám  cùng năm. Chúng bắt ông sau cùng. Và giết ông trước nhất.

Buổi sáng ngày 13 Tháng Tư 1976 (phần hồi ký này viết theo lời chị Vũ Hoàng Chương thuật lại) là một buổi sáng ấm áp, nhưng đêm trước lộng gió, lạnh, thi sĩ bị cảm, đã 9 giờ còn đắp chăn nằm trên mặt sàn, không sao ngồi dậy được. Mọi người trên Gác Bút, trừ chị Chương, đã ra khỏi nhà. Chúng đến, từ phía Sài Gòn. Bốn chiếc Jeep đầy nhóc an ninh áo vàng mang súng ống như cho một hành quân lớn ầm ầm vượt qua cầu Calmette, khu chợ Khánh Hội, phóng thẳng tới phường Cây Bàng và ngừng lại trước con ngõ nhỏ dẫn vào Gác Bút.

Bọn an ninh cộng sản, trên 20 đứa, tới tấp nhẩy xuống xe. Khoảnh khắc, cả phường Cây Bàng bị vây kín. Sau này tôi được biết là đến bắt các anh Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Duyên Anh, vợ chồng Trần Dạ Từ và tôi, an ninh đỏ chỉ điều động một lực lượng từ 4 đến 6 đứa, trên một hoặc hai xe Jeep là cùng. 

Thường thường điều động thế này, như trường hợp đến vây bắt tôi: hai đứa đứng ở vỉa hè đối diện, bên kia đường, hai đứa đứng sát hai bên cửa ra vào, hai đứa vào. Bắt được người rồi, bốn đứa ở ngoài mới vào theo, cùng lục soát tịch thu tài liệu. Vây bắt công khai nhưng tránh gây náo động. 

Trường hợp Vũ Hoàng Chương khác hẳn. Chúng chạy rầm rập, trí súng, mai phục theo tư thế chiến đấu, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cả phường Cây Bàng buổi sáng hôm đó. Dân chúng xung quanh Gác Bút thất kinh. Có người hỏi, chúng trả lời: "Phải huy động một lực lượng lớn lao như thế này để tóm trọn ổ một bọn cướp (!) lợi hại."

Sự náo động đột ngột dưới chân tường Gác Bút, tiếng la thất thanh của chị Vũ Hoàng Chương từ trên lầu chạy xuống khi bọn sát nhân xô cửa ập vào đánh thức thi sĩ khỏi giấc ngủ chập chờn. Ông gắng gượng ngồi dậy, lấy áo gấm mặc vào người, ngồi thật thẳng giữa chiếu, bất động, chờ đợi. 

Suốt thời bọn Khuyển Ưng Khuyển Phệ tới làm tan hoang Gác Bút với sự hôi tanh kinh tởm toát ra từ con chó chết xã hội chủ nghĩa chúng mang theo (tôi dùng lại danh từ của Soljenitsyne), tâm thức phóng thoát rời đứt với thân thế ô trọc ở thi sĩ thể hiện một lần nữa. Lần cuối cùng. Ông không kinh hãi, cũng không phẫn nộ. Ông không bất ngờ, cũng chẳng ngạc nhiên. Chỉ ngồi thẳng, thành tượng, mắt nhắm lại, thu hết tâm thức đã hợp nhật với đời đời vào nội giới đóng kín.

Bọn quỷ dữ ở lại trên Gác Bút hơn hai tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này, thi sĩ không thèm nói với chúng một lời nào. Chúng hỏi, ông không trả lời. Chúng đọc bản cáo trạng, lệnh bắt giữ, ở ông chỉ một thoáng nhún vai rồi ngồi yên như cũ. Riêng chị Vũ Hoàng Chương không sao thản nhiên được, chị uất ức gào lên: "Chồng tôi làm gì mà bắt chồng tôi?", thì được tên thủ trưởng của bọn quỷ dữ trả lời là sau đại thắng của cách mạng, tên thi sĩ phản động kia vẫn còn làm thơ chống phá cách mạng và cho phổ biến khắp Sài Gòn những bài thơ chống phá chế độ ấy. 

Rồi là cuộc lục soát và tịch thu tàn nhẫn. Từ những cuốn sách đến từng tờ bản thảo. Lúc mặt trời đứng bóng trên mái lầu Gác Bút, cuộc lục soát xong, hai thằng lực lưỡng nhất bọn quỷ tiến lại, xốc nách thi sĩ đứng lên, kèm ông xuống cầu thang. Dân chúng láng giềng với Gác Bút đứng chật lòng con ngõ khi chúng dẫn thi sĩ đi ra và đưa thẳng ông vào khám lớn Chí Hòa (…)

Hơn 4 tháng nằm trong ngục tối của thi sĩ, không ai có được những chi tiết đầy đủ. Kể cả chị Đinh Hùng, chị Vũ Hoàng Chương, cháu Vũ Hoàng Tuân, cháu Đinh Hoài Ngọc, những người đêm ngày ở cạnh chỗ nằm của ông suốt 5 ngày hấp hối. Trở về Gác Bút, thể chất trút thoát dần dần những tinh khí cuối cùng, thần trí Vũ Hoàng Chương vẫn cực kỳ minh mẫn sáng suốt. Tới đêm lâm chung. Tới phút từ trần. Nhưng thi sĩ không nói, không nói một lời nào về bốn tháng Chí Hòa. 

Ngày thứ hai của năm ngày chót ông mê đi. Tưởng ông đi, chị Vũ Hoàng Chương lớn tiếng kêu khóc. Ông dịu dàng: "Tôi còn sống đây." Rồi nói đùa: "Bị bắt vẫn còn oai. Được thủ tướng hầu hạ." Thủ tướng đây là bác sĩ Phan Huy Quát, ở cạnh phòng ông, phòng tối số 6. Buổi chiều ngày thứ ba, ông quằn quại đau đớn hết một lúc. Thấy vậy chị Vũ Hoàng Chương lo lắng hỏi: "Ở trong ngục anh có bị chúng hành hạ gì không?" Ông trả lời: "Chúng cần gì hành hạ. Chỉ bỏ đói là đủ cho mình chết." Vậy thôi. Ngày thứ năm, ngày 17 Tháng Chín 1976, Gác Bút yên tĩnh với thi sĩ nằm đó, trên mặt sàn hiu quạnh. Rồi ngày hết, đêm xuống. Và định mệnh mở rộng cánh tay như một lớp sóng mênh mông vô tận đón ông vào đời đời, lúc đó là vừa đúng 12 giờ đêm (...)

Mãi hơn hai tháng sau, một đêm mưa lớn, từ một chỗ ẩn mới bên quận Bình Thạnh vùng xa lộ Biên Hòa lặn lội trở lại khu Cao Thắng Bàn Cờ thăm H., cũng là để có tin tức về bạn từ bài thơ từ biệt, tôi mới được H. ngậm ngùi cho biết tin thi sĩ đã qua đời (…) Và nghe tin bạn mất, tôi không còn một phản ứng nào hết. Chỉ lẳng lặng ngồi xuống, hơ hai bàn tay lạnh lên ngọn đèn, nhìn đăm đăm những ngón tay ấm dần, hồng dần trên lửa. Một đêm cộng sản, tin dữ về thiên tài thơ, một tri kỷ được đón nhận như thế. Trong thờ ơ nhân thế, trong hiu quạnh cõi đời, trong giới nghiêm tăm tối, trong trống không vô cùng vô tận. Trên một sàn gác xép hiu quạnh.

Một lát thật lâu. Mưa ào ạt trên mái. Rồi H. hỏi:

- Anh không biết gì sao?

Tôi lắc đầu, nói nơi ẩn náu lần này xa khuất, ra ngoài gần như không được, tôi đứt hết mọi liên lạc, kể từ gặp H. lần trước. 

Rất ít người biết. Chúng tôi cũng không biết. Bọn khốn nạn hiểu rõ cái chết của anh Chương sẽ gây chấn động lớn. Chúng tìm hết cách bịt đi. Mấy ngày sau đám tang, chị Vũ Hoàng Chương tới đây, xõa tóc, mặc đại tang, chị khóc lóc nói anh Chương đi mà chị không làm sao báo tin dữ đến bạn bè. 

Cáo phó cháu Đinh Hoài Ngọc đưa đăng trên tờ Tin Sáng, bọn Ngô Công Đức hèn đớn đã thu tiền nhận đăng sau lại gửi trả tiền nói An Ninh Thành Ủy cấm. Thành ra đưa anh Chương tới nơi an nghỉ cuối cùng chỉ có mấy người trong nhà đi sau linh cữu. Bọn Phường Khóm được lệnh còn cấm cả hàng xóm láng giềng phường Cây Bàng không cho tới chia buồn và phúng viếng. Nhà không còn một đồng một chữ, chị Chương cuống cuồng không biết xoay sở thế nào. May được Thầy Thích Đức Nhuận và Từ Mẫn tới, lo liệu mọi chuyện. Từ áo quan tới xin đất nghĩa trang.

- Anh Chương nằm ở đâu?

- Xa lắm. Một nghĩa trang làng mới có từ sau 30 Tháng Tư. Hết vùng Chí Hòa, Lê Văn Duyệt còn phải đi một quãng nữa. Năm mươi ngày của anh Chương cũng không được làm ở nhà, sợ Phường, Khóm gây khó dễ. Mà ở chùa Giác Minh.

- Có những ai tới?

- Chừng mươi mười lăm người, trong số đó có Nguyễn Hoạt, Bàng Bá Lân, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển. Mọi người đều yên lặng cả. Chỉ có Nguyễn Hiến Lê, trước lúc ra về, nắm lấy tay chị Chương, an ủi: "Chị đừng đau buồn nhiều. Anh mất thế là thoát. Bọn chúng tôi bây giờ sống cũng như chết, muốn được như anh mà không được."

fb Mạnh Kim

---

[1] https://tuoitre.vn/vu-hoang-chuong-tung-duoc-de-cu-giai-nobel-van-hoc-20230211154512635.htm

3 nhận xét:

  1. Nghe đâu câu "Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý, Đồng khởi vùng lên mất Tự do" là do Vũ Hoàng Chương xuất khẩu.
    Chú: Sau 4/75 ở Sg đường Công Lý được đổi tên thành Nam Kỳ Khởi nghĩa; đường Tự Do đổi tên thành Đồng Khởi.

    Trả lờiXóa
  2. Trên mạng có người dẫn mấy câu thơ sau, được cho là của VHC
    Có một ngày ta trở lại cố đô
    Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ
    Trên tầng Chí Sĩ bàn tay vẫy
    Đại định thăng Long, một bóng cờ
    Thật ra đây là mấy câu thơ phịa của Trần Bạch Đằng trong cuốn Ván bài lật ngữa
    Có thể xem thêm ở đây
    https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/pfbid0n9jwh2NQkcRkvNZc1xHRUpBy7zNTbSdZYBCDwNjVSdiVE6wFsvK6Hzy1itK5auFMl?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài trên blog: https://nguyenvantuan.info/2023/02/15/luoi-le-no-mau-rua-tay-ho/?fbclid=IwAR068vPh6OqTLn8SGA2Rfg7u5XDhLsnhYsi0Vo3lMK41NsF2HEVKPmMpKss

      Xóa

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)