29/2/24

GA TÀU THỦY BẠCH ĐẰNG.

DỐT CHỮ, ĐỒNG HÓA HAY KÉM VĂN HÓA.

Mấy hôm nay cụm từ "Ga tàu thủy Bạch Đằng" (H1) đã làm nổi sóng mạng. Một số người chê là dốt chữ, mọt số khác thì tố cáo đây là âm mưu đồng hóa .. Thật vậy chăng?




1. Dốt chữ? 

Rất nhiều người chê dùng chữ "ga" cho trạm đón khách tàu thủy là "dốt chữ". Từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa: 

Ga: Công trình kiến trúc làm nơi để hành khách lên xuống hoặc để xếp dỡ hàng hoá ở những điểm quy định cho xe lửa, xe điện hay máy bay đỗ trên các tuyến đường đi, đường bay”. (Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê)

Vấn đề là: Gọi "ga tàu hỏa", "ga hàng không" được, sao lại không gọi "ga tàu thủy" được? 

Ga là từ gốc Pháp "gare". Trong tiếng Pháp từ này không chỉ dùng cho ngành đường sắt, mà còn dùng cho ngành hàng hải  -- gare maritime (H2, Petit Larousse, 1992), và cả ngành hàng không (aérogare). 

Tiếng Việt mượn, ban đầu chỉ dùng cho ngành đường sắt: ga xe lửa, rồi mở rộng cho ngành hàng không, thì tại sao không thể mở rộng cho ngành hàng hải? Vì đâu cũng là "Công trình kiến trúc làm nơi để hành khách lên xuống hoặc để xếp dỡ hàng hoá"? 

Việc mở rộng nghĩa từ vẫn thường xảy ra, vì không phải cứ xuất hiện một sự vật mới lại đặt từ mới. Thời xưa, từ "bến" hẳn chỉ dùng với nghĩa là nơi đợi đò "bến đò". Đơn giản vì xưa chỉ có xe nhà, chưa có xe khách thì đâu có nhu cầu đặt từ gọi nơi mọi người đứng đợi xe. Đến khi có xe khách mới phát sinh từ "bến xe". Và xe chở khách cũng gọi là xe đò -- các từ "bến" "đò" đã được mở rộng nghĩa. Đặc biệt với từ nước ngoài, khi được mượn vào tiếng Việt nó có thể được mở rộng/thu hẹp nghĩa, thậm chí đổi nghĩa là chuyện rất bình thường. Bây giờ mà Nguyễn Văn Vĩnh sống lại, thấy chúng ta dùng từ "khốn nạn" hẳn phải trợn mắt, vì nghĩa trong tiếng Tàu của nó là "khốn khó", và cụ dịch nhan đề cuốn Les Misérables là "Những kẻ khốn nạn". Cũng như hiện nay, nhiều người hẳn rất khó chịu khi thấy trên sách báo dùng từ "cứu cánh" với nghĩa "cứu giúp", nhưng tôi e rằng ít lâu nữa, người bị cười chê sẽ là họ, những người dùng "cứu cánh" với nghĩa "mục đích cuối cùng"! 

2. Thừa từ.

Nhiều người cho đã có từ "bến" để chỉ nơi đợi đò, đợi tàu (thủy) rồi, việc đặt thêm một từ mới là thừa. Chỉ sợ sai, sợ thiếu, không sợ thừa. Nhiều sự vật vẫn có hai ba tên gọi, tùy nơi tùy lúc mà dùng, chẳng những không sao, có khi còn thể hiện sự tinh tế nữa. Đã có "ga tàu hỏa", "ga hàng không", nay có thêm "ga tàu thủy" cũng hay chứ, nó tạo thành một hệ thống thuật ngữ thống nhất trong ngành giao thông. Ta vẫn thường tự hào tiếng Việt có tính khái quát, hệ thống rất cao đấy thôi: với từ cá, chỉ cần thêm một định ngữ là ta có cá rô cá diếc cá tràu cá hồi cá chim .. không như nhiều thứ tiếng khác, mỗi loài cá phải đặt thêm một từ mới ..

3. Hổ lốn

Theo dõi trên mạng, thấy mọt lí lẽ khác được đưa ra là cụm từ "ga tàu thủy" là một cụm hổ lốn. Đọc được trên fb của một nhà báo:

 "Thiên hạ khắp nơi chứ không chỉ là người Sài Gòn, có cả những bậc trí giả, túc nho… đang nổi giận về cái cụm từ “Ga tàu thủy Bạch Đằng”.

Cơn giận có cơ sở vì đây là một cụm từ kỳ dị, kết hợp một mớ từ “hổ lốn”, “hằm bà lằng” gồm cả từ gốc tiếng Pháp (gare), tiếng Tàu (thủy 水) lẫn tiếng Ta (tàu). Ai học, chú ý ngôn ngữ tiếng Việt đều biết có một nguyên tắc cơ bản trong tiếng Việt: từ gốc Việt đi với từ gốc Việt, từ gốc Hán Việt đi với từ gốc Hán Việt… " (trích từ fb của một nhà báo)


Lâu nay có một ngộ nhận, rằng từ gốc Hán thì phải đi với từ gốc Hán, không đi với từ thuần Việt được ("Thuần Việt" được hiểu là từ không phải là từ Hán Việt hay từ gốc tây). Thật ra, các yếu tố Hán Việt (HV) khi được du nhập vào tiếng Việt thì tùy theo mức độ "thuần hóa" mà được đối xử khác nhau. Có yếu tố HV được dùng như một từ thuần Việt, tức có thể dùng độc lập trong câu. Có yếu tố HV chỉ có thể kết hợp với một yếu tố HV khác để tạo từ. Lại có những yếu tố nằm giữa hai loại trên, tức chưa đủ "quen" để dùng như độc lập, nhưng vẫn có thể kết hợp với một từ thuần Việt khác để tạo từ. Loại này không ít. Ví dụ: súng "trường", ông "giáo" ..., và cả tàu "hỏa", tàu "thủy". Từ lâu từ "ga tàu hỏa" đã được chấp nhận rộng rãi, thì "ga tàu thủy" có cấu tạo tương tự, sao lại bảo "hổ lốn"?

4. Đồng hóa hay kém văn hóa?

Nhiều người cho đây là âm mưu đồng hóa, nói rõ là "bắc hóa". 


Tôi không nghĩ người đặt ra cụm từ trên có ý đồng hóa, bắc hóa gì đâu. Họ chỉ nghĩ đơn giản đã có "ga tàu hỏa" thì giờ có thêm "ga tàu thủy" cũng được thôi. nhưng họ quên cái địa danh đi kèm phía sau "Ga tàu thủy Bạch Đằng". Hiện nay, cái "ga tàu thủy" ấy chỉ là một công trình trên bến Bạch Đằng. Nhưng với thời gian đủ dài, nó sẽ thay cho cái tên Bến Bạch Đằng. Với người Saigon, đây là điều khó chấp nhận. Họ đã từng mất "bùng binh", mất "Tân Sơn Nhứt", .. Nên với khả năng mất thêm một tên gọi thân quen, họ đã phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. 

Tôi nghĩ người đặt ra cụm từ "Ga tàu thủy Bạch Đằng" không dốt chữ, cũng không có ý đồng hóa gì gì. Chỉ là hơi kém văn hóa, không hiểu được với người bản thổ, một cái tên gọi có khi không chỉ là một tên gọi. Nên đã không biết tôn trọng các bản sắc khác biệt.


27/2/24

Thu hạ quan thư

 楸下觀書 

開卷深愔下容光照自明
靜中心易動落葉作秋聲           

黃德梁                   

Âm

Khai quyển thâm âm hạ, Dung quang chiếu tự minh.
Tĩnh trung tâm dị động, Lạc diệp tác thu thanh.

Nghĩa. Dưới bóng cây thu xem sách.

Mở sách đọc dưới dưới bóng cây rậm rạp yên tĩnh, ánh sáng chiếu (qua cành lá rậm rạp) cũng đủ rõ để đọc sách. Trong sự yên tĩnh tâm trí dễ hoạt động, tiếng lá rơi tạo nên âm thanh mùa thu.

Tạm dịch.

Gốc cây ngồi đọc sách,

Ánh sáng đủ xem rồi.

Im vắng dễ suy nghĩ,

Lá rụng tiếng thu rơi.

Chú.

thu: tên một loài cây, gỗ thường dùng làm bàn cờ.

開卷 khai quyển: mở sách đọc.

âm: lặng lẽ, yên tĩnh, trầm mặc.

容光 dung quang: kẽ hở nhỏ, ánh sáng; vẻ mặt; dáng vẻ của cảnh vật.

黃德梁 Hoàng Đức Lương, người Hưng Yên, đỗ Hoàng giáp thời vua Lê Thánh Tông, từng được cử đi sứ qua Tàu, quan đến Tả thị lang bộ Hộ.

Giản thể.

楸下观书  . 开卷深愔下,容光照自明。静中心易动,落叶作秋声

25/2/24

Chủ nhật và Chúa nhật

 CHỦ NHẬT vs CHÚA NHẬT


Nhiều người vẫn nghĩ Chủ nhật hay Chúa nhật chi cũng như nhau, đều đúng. Thật ra vấn đề cũng khá rắc rối.

MẤY Ý KIẾN CHÍNH
1. Theo Ths Phạm Tuấn Vũ thì "đúng ra, tên gọi của ngày cuối cùng trong tuần phải là “chúa nhật”, Lâu nay dùng sai chủ nhật, riết thành đúng thôi. Vì "nguồn gốc tên gọi của bảy ngày trong tuần trong tiếng Việt là do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Trong đó, tên gọi “chủ nhật” bắt nguồn từ Thiên Chúa giáo. Theo Kinh Thánh, trong buổi sáng thế, Chúa Trời dựng nên trời đất và muôn loài trong sáu ngày đầu tiên. Ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi và lấy ngày này làm ngày thánh. Từ đó, đối với người theo đạo Thiên Chúa, ngày này được gọi là “ngày của Chúa” " [1].

2. Thầy Michel Nguyễn Hạnh thì cho rằng dùng Chủ nhật hay Chúa nhật đều được, và ý nghĩa không khác nhau, vì đều là từ cấu tạo theo văn pháp Hán ngữ, trong đó thành tố đầu (chủ/chúa) là từ phụ, làm định ngữ cho danh từ chính "nhật", vì thế đều có nghĩa là "ngày của Chúa". (xem phút thứ 15:11 trong clip [2]).

3. Vương Trung Hiếu thì cho rằng cả hai từ Chủ nhật và Chúa nhật đều đúng, nhưng nghĩa của chúng có khác [3] "主 trong Hán ngữ có 2 âm Hán Việt là chủ và chúa. Hai âm này biểu hiện những nghĩa khác nhau trong tiếng Việt. "
- Chủ nhật: ngày chính, ngày đầu tuần (chủ là tính từ, có nghĩa là chính yếu, bổ nghĩa cho danh từ nhật).
- Chúa nhật: ngày của Chúa, là cách dùng từ của người Công giáo VN.

4. Âm Hán Việt của chữ 主
Ta biết chữ này có hai âm "chủ" và "chúa".
Theo bài giảng trên [4], thì "chủ" và "chúa" đều bắt nguồn từ chữ /zhǔ/ trong tiếng Hán. Khi đạo Công giáo được truyền vào Tàu, người Tàu dịch là Thiên Chủ, đến đời Mãn Thanh thì đổi lại là Thiên Chúa cho trang trọng (xem clip [4], phút thứ 2:21).
Theo [3] và [1] thì "chủ" là âm Hán Việt, "chúa" là âm Nôm hóa của 主. trong [1], tác giả giảng rõ hơn: "Chữ 主 có phiên thiết là chi dũ thiết = chủ. Chủ là âm Hán Việt tiêu chuẩn, còn chúa là âm Hán - Nôm hóa, do người Việt chế ra. "

MẤY NHẬN XÉT
i). Ý kiến của Ths Phạm Tuấn Vũ tỏ ra thiếu cơ sở.
Đúng là tuần 7 ngày là do ta chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Nhưng trong cách gọi tên các ngày trong tuần của họ, thì ngày chủ nhật cũng không gọi là ngày của Chúa (Lord's day), mà là ngày Mặt trời (Sun - day); tiếp theo thứ Hai là ngày Mặt trăng (tiếng Latin là “dies Lunae”, chuyển qua tiếng Anh cổ là Mon(an)dæg, gốc của chữ Monday ngày nay), .. Người Nhật theo đúng tinh thần này của Tây phương mà gọi các ngày trong tuần là 日曜日 (nhật diệu nhật = ngày mặt trời, 月曜日 (nguyệt diệu nhật = ngày mặt trăng), 火曜日 (ngày sao hỏa), .. Riêng người Tàu, do chữ "tuần" vốn để chỉ khoảng thời gian 10 ngày, nên phải đặt từ mới "tinh kì" để chỉ "tuần 7 ngày" của Tây lịch. Và họ gọi tên các ngày trong tuần, theo thứ tự là tinh kì nhất, tinh kì nhị, .. , tinh kì lục. Ngày còn lại (theo cách đánh số của họ, có lẽ họ coi là ngày cuối tuần) thì gọi là tinh kì nhật/tinh kì thiên (星期日/星期天). VN cũng gọi tên theo cách đánh số như họ, nhưng ngày đầu tuần thì gọi là Chủ nhật/Chúa nhật, tiếp theo là thứ Hai, thứ Ba .. Trong nhiều từ điển, từ "chủ nhật" mới được xem là từ chính thức, mục từ "chúa nhật" được chuyển xem ở mục từ "chủ nhật" (xem mục ngay dưới đây).

ii). Về nghĩa của chữ 主
Trong Hán điển, 主
- danh từ có 24 nghĩa, trong đó có những nghĩa quen thuộc như ông chủ, Thượng đế 上帝 [Lord], ..
- động từ có 11 nghĩa.
- tính từ có 2 nghĩa, trong đó có nghĩa "chủ yếu" 主要的 [main;primary;chief;principal]
Như vậy thì lời giảng ở [3], rằng chủ nhật = ngày chính (chủ là tính từ, bổ nghĩa cho nhật) là có cơ sở, không phải như tác giả ở [2] cho rằng Chủ nhật hay Chúa nhật gì cũng chỉ có một cách hiểu là "ngày của Chúa".
Nhiều từ điển tiếng Việt cũng giảng như vậy. Vd
Từ điển Đào Văn Tập (1951) giảng: chủ nhật. Ngày thứ nhất trong tuần lễ. chúa nhật: xem Chủ nhật.
Từ điển Khai Trí Tiến Đức (1954) giảng: Chủ nhật: ngày thứ nhất trong tuần lễ, có nơi gọi là chúa-nhật.

iii) Về âm Hán Việt của chữ 主
- âm "chúa", theo [4] là do người Tàu đổi từ thời Mãn Thanh (để tỏ ý trang trọng). Theo [1] và [2] là do Nôm hóa của âm "chủ". Tôi nghiêng về ý kiến này. Chữ chúa ở VN đã dùng gọi chúa Trịnh, chúa Nguyễn; tức là xuất hiện muộn nhất từ năm 1545, năm Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm nắm hết quyền trong tay; trước rất lâu triều Mãn Thanh (1636 - 1912).
- về âm "chủ". Ở [1] giảng: "chi dũ thiết". Tôi không tìm được ở đâu ghi thiết âm này. Khang Hi từ điển trên trang zdic ghi: 【唐韻】之庾切【集韻】【韻會】【正韻】腫庾切,音麈。君也。
庾 âm Hán Việt (theo các từ điển thông dụng có trên mạng) là dữu, nên đoạn trên có nghĩa: Đường vận: chi dữu thiết. Tập vận, Vận hội, Chính vận: thũng/trũng dữu thiết, âm 麈.
Vậy cứ theo phiên thiết thì 主 đọc là "chữu"?
Trên còn có chua "âm 麈". Thử tra chữ này: 【唐韻】之庾切【集韻】【韻會】【正韻】腫庾切,音主。
lại quay vòng vòng!
Thuyết văn cũng ghi như Đường vận: 之庾切, ngoài ra còn ghi 丶 chủ (nét chấm) là thanh phù. 丶 chủ có thiết âm là 知庾切 (tri dữu thiết). Tức 主 còn có thể đọc là trữu?
Thử tra thêm phiên thiết của chữ 庾:
【唐韻】以主切【集韻】【韻會】勇主切,音窳。
Đọc chữ 主 thì mượn chữ 庾. Nay đọc chữ 庾 thì lại mượn chữ 主. Chữ 主 âm Hán Việt theo các từ điển trên mạng là chủ. Nếu thế thì 庾: dĩ chủ thiết, tức phải đọc là "dũ" mới đúng? Nhưng chữ này, như đã nói trên, âm Hán Việt là "dữu".
Đoạn trích trên có chua 音窳: âm 窳. 窳 theo từ điển Hán Việt trên mạng thì đọc là dũ (nghĩa: xấu, vô dụng).
Đã tra phiên thiết chữ 窳 trên zdic, lại xà quần, vì phiên thiết lại dựa vào chữ 主 (:【唐韻】以主切【集韻】【韻會】勇主切,庾上聲。)
Tóm lại thì theo phiên thiết ở Khang Hi từ điển trên mạng, 主 đọc chữu nếu 庾 đọc dữu. Và 庾 đọc dũ nếu 主 đọc chủ!

23/2/24

Xuân cảnh

春景 

楊柳花深鳥語遲,
畫堂簷影暮雲飛。

客來不問人間事,
共倚欄杆看翠微。

陳仁宗

Âm.

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Nghĩa.

Trong khóm dương liễu đầy hoa (tơ) có tiếng chim hót thong thả,
Nơi thềm ngôi nhà được chạm khắc có bóng mây chiều bay.
Khách ghé chơi không hỏi chuyện đời,
Cùng đứng tựa lan can nhìn dãy núi xanh.

Chú.

翠微 thúy vi: núi xanh (lam) nhạt.

Giản thể

杨柳花深鸟语迟,
画堂簷影暮云飞。
客来不问人间事,
共倚栏杆看翠微

Tạm dịch

Thong thả chim kêu trong khóm dương,

Mây chiều in bóng trước thư đường.

Khách thăm không hỏi chi thời thế,

Cùng tựa lan can ngắm núi sương.

19/2/24

Đô hạ Vô ưu quán tiểu lâu xuân tận lữ hoài

都下無懮館小樓春盡旅懷 其一

病眼逢書不敢開,
春泥謝客亦無來。

更無短計消長日,
且繞欄杆一百回。

楊萬里

Âm

Bệnh nhãn phùng thư bất cảm khai,
Xuân nê tạ khách diệc vô lai.
Cánh vô đoản kế tiêu trường nhật,
Thả nhiễu lan can nhất bách hồi.

Chú

都下 Đô hạ: chỉ Đô thành Lâm An thời Nam Tống (nay là Hàng Châu).

無憂館 Vô ưu quán: nơi tác giả trú ngụ.

旅懷 lữ hoài: tấm lòng của người xa nhà.

病眼 mặt bị bệnh, mắt kém.

謝客 tạ khách: nhà thơ Nam Tống Tạ Linh Vận 謝靈運 thủa nhỏ có tên là Khách Nhi 客兒, người đời gọi là Tạ Khách. Về sau mượn để chỉ bạn thơ văn.

短計 đoản kế: kế mọn, thủ đoạn nhỏ.

欄杆 lan can, hàng rào.

楊萬里 Dương Vạn Lí1127―1206),là nhà thơ Nam Tống. Ông làm quan trải qua ba triều vua, chức đến Bí thư giám. Chủ trương kháng Kim, bản tính cương trực. Nổi tiếng thơ văn, cùng với Vưu Mậu, Phạm Thành Đại, Lục Du được tôn xưng là Nam Tống tứ đại gia.
Đây là bài thư nhất trong chùm hai bài thất tuyệt của ông viết trong thời gian ngụ cư ở Lâm An, lúc bấy giờ là kinh đô Nam Tống.

Giản thể

都下无懮馆小楼春尽旅怀 其一

病眼逢书不敢开,春泥谢客亦无来。更无短计消长日,且绕栏杆一百回

Nghĩa

Tấm lòng kẻ xa nhà, trọ trong căn lầu nhỏ Vô ưu quán nơi kinh thành lúc cuối xuân.

Mắt bị bệnh gặp sách chẳng dám mở xem,
Mùa xuân đường bùn lầy bạn văn chương cũng không ai đến.
Hết cách để tiêu cho hết ngày dài,
Nên cứ đi lui đi tới bên hiên nhà cả trăm lần.

Tạm dịch

Sách vở mắt đau chẳng dám coi,

Đường bùn bạn chẳng ghé thăm chơi.

Ngày xuân dài biết làm chi hết,

Lui tới hiên nhà trăm bận thôi.


18/2/24

Lập xuân hậu nhất nhật tân tình

 立春後一日新晴

去日春來破舊寒,

今朝紅紫鬥千般。

何當世事如花事,

風雨江山盡改觀。

高伯适

Âm

Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn,

Kim triêu hồng tử đấu thiên ban.

Hà đương thế sự như hoa sự,

Phong vũ giang sơn tận cải quan.

Chú

新晴 trời vừa tạnh.

紅紫 hoa đỏ hoa tía.

千般 nhiều loài nhiều giống.

何當 bao giờ, sao không.

改觀 thay đổi cảnh sắc, thay đổi diện mạo.

Nghĩa

Sau Lập xuân một ngày, trời vừa tạnh.

Hôm qua xuân đến làm tan cái lạnh cũ,

Hôm nay hoa muôn hồng nghìn tía đua nhau khoe sắc.

Bao giờ mà chuyện đời cũng như chuyện hoa nhỉ,

Mưa gió hết non sông thay đổi hoàn toàn cảnh sắc.

Tạm dịch

Hôm trước xuân về giá rét tan,
Sáng nay ngàn đỏ tía đua chen.
Bao giờ non nước như hoa nhỉ, Mưa gió qua đi nắng hửng lên.

Giản thể

去日春来破旧寒,今朝紫斗千般。
何当世事如花事,雨江山尽改

13/2/24

HIỆU ỨNG LUCIFER

Bản tóm tắt cuốn sách Hiệu Ứng Quỷ Dữ - The Lucifer Effect, Philip Zimbardo, dịch bởi https://tomtatsach.co/



Với nỗ lực tìm ra nguồn gốc của phần xấu xa trong mỗi con người, “Hiệu ứng quỷ dữ” tập trung đào sâu vào những góc tối trong tâm hồn chúng ta. Cuốn sách chỉ ra cách mà con người cân bằng giữa “thiện” và “ác” trong chính bản thân mình. Tuy nhiên, không phải bản chất con người chúng ta, mà là những tác động từ hoàn cảnh mới là thứ quyết định xem ta sẽ thiên về bên nào.

Cuốn sách sẽ giúp bạn mở mang kiến thức nếu:

Bạn hứng thú với tâm lý học và muốn hiểu hơn về bản chất con người

Bạn muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao những người tốt đôi khi lại làm việc xấu?

Người tặng bạn những thông tin tuyệt vời này là

Philip Zimbardo, giáo sư ngành Tâm lý học ở đại học Stanford, ông được biết đến rộng rãi với Thí nghiệm nhà tù Stanford. Ông đồng thời cũng là cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ. người gần như đã cống hiến cả đời để nghiên cứu về ranh giới giữa thiện và ác, những yếu tố nào có thể khiến một người chính trực làm những điều xấu xa. Một vài cuốn sách nổi tiếng khác của ông gồm Shyness và Psychology and Life (đồng tác giả).

Tại sao người viết lại muốn giới thiệu cuốn sách này đến bạn

Cuốn sách là thành quả sau quá trình nghiên cứu kéo dài 30 năm về nguồn gốc cái ác của giáo sư Zimbardo. “Hiệu ứng quỷ dữ” chứa đựng rất nhiều những nghiên cứu động trời về tâm lý học, đi sâu vào những phần đen tối nhất của con người, nhưng trên tất cả, lý thuyết mà tác giả muốn nhấn mạnh đó là những nhân tố làm biến đổi tâm lý, từ đó thay đổi hành vi của con người. Đồng thời qua đó, ông cũng thể hiện một cái nhìn đầy thấu hiểu và nhân văn.

Chương 1. Bạn sẽ được lợi ích gì khi tìm ra lí do tồn tại của phần đen tối trong con người mình?

Bạn đã từng nghe câu chuyện của Lucifer chưa? Lucifer từng là một trong những thiên thần được Thượng đế yêu quý nhất. Tuy nhiên, trong một lần lỡ phạm thượng, ông đã bị phạt đày xuống địa ngục cùng với những thiên thần phạm tội khác. Sau đó, ông dần dần trở thành Satan, hiện thân của mọi loài quỷ dữ trên hành tinh. Khi thậm chí một người thánh thiện có thể trở nên xấu xa khi ở trong những hoàn cảnh tốt hoặc xấu thì đó được gọi là hiệu ứng Lucifer (hiệu ứng quỷ dữ).

Tuy nhiên, không chỉ có duy nhất kinh thánh mới kể những câu chuyện về một thiên thần trở thành ác quỷ. Trong cuộc sống hàng ngày, dù là vùng chiến tranh hay hòa bình, chúng ta cũng đã đọc rất nhiều về trường hợp người bình thường gây nên những điều vô nhân đạo.

Xu hướng này vận hành như thế nào? Có phải nó chỉ đơn giản xảy ra như thế hay không? Bản tóm tắt này sẽ soi chiếu đến những phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người, nghiên cứu về những cơ chế, hoàn cảnh, và điều kiện gây nên hiệu ứng Lucifer.

Chương 2. Bất cứ ai đều có thể trở thành “ác quỷ”

Hãy nghĩ lại xem bạn đã từng lấy đồ của người khác lúc không ai để ý hay chưa? Hầu hết mọi người đều đã từng làm như vậy. Mặc dù đó không hẳn là hành vi xấu xa nhất, nhưng nó đã thể hiện rằng chúng ta rất dễ phát sinh những hành động mà bình thường bản thân không bao giờ làm nếu hoàn cảnh cho phép.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn cho rằng một số người sinh ra đã là thiên thần, trong khi có người sinh ra để trở thành một ác nhân. Nhưng sự thật rằng, ranh giới giữa cái thiện và cái ác hoàn toàn có thể bị vượt qua.

Trường hợp của Ivan “Chip” Frederick, cựu sỹ quan quân đội Mỹ là một ví dụ điển hình. Anh ta từng là quản ngục ở nhà tù Abu Ghraib, nơi sau này được biết đến là “địa ngục” lạm dụng và tra tấn những tù nhân Iraqi ở đó. Liệu rằng có phải trước khi làm việc ở Abu Ghraib thì Frederick đã là một người xấu? Không hề, thậm chí là ngược lại. Anh ta bình thường như bao người khác, yêu nước, thích bóng chày, có chỉ số IQ trung bình và hoàn toàn không có biểu hiện của vấn đề tâm lý. Nhưng khi làm việc ở nhà tù Abu Ghraib, anh ta trở thành một tên ác nhân độc địa. Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi khủng khiếp ấy?

Khi một ai đó phạm phải tội ác, chúng ta thường cho rằng bản chất của họ đã là một quỷ dữ rồi. Và cách quan điểm trên cũng được áp dụng với trường hợp của nhà tù Abu Ghraib, nghĩa là vấn đề nằm ở bản chất của những người cai ngục.

Cả nhà tâm lý học và tâm thần học đều tập trung vào thứ gọi là “nguyên nhân từ bản chất con người” – những yếu tố dẫn đến hành động của chúng ta. Người ta tin rằng di truyền, tính cách, bệnh lý đều là những thứ chúng ta sẵn có trong mình

Trong trường hợp của Frederick, mọi người thường dùng “nguyên nhân từ bản chất” để lí giải cho hành động của anh ta. Hay nói cách khác, anh ta sinh ra đã là một “ác nhân”. Tuy nhiên, những nguyên nhân từ hoàn cảnh mới thực sự là thứ có thể giải thích cho hành vi của anh ta chứ không phải bất kì yếu tố bẩm sinh nào khác.

Theo những gì bạn thấy ở phần tiếp theo, Frederick không phải sinh ra đã là một ác quỷ hay thiên thần. Nguyên nhân thực sự cho hành vi dã man ấy nằm hoàn toàn ở khía cạnh khác.

Chương 3. Tính cách của chúng ta không phải là thứ ổn định, nó thay đổi phụ thuộc vào hoàn cảnh

Cùng với những lầm tưởng về bản chất thiện hay ác bẩm sinh của con người, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng tính cách chúng ta là thứ sẽ không bao giờ thay đổi.

Đã đến lúc ta phải bỏ ngay tư tưởng sai lầm này. Ví dụ, hãy so sánh cách bạn đối xử với bạn thân của mình với những đứa trẻ xung quanh. Chắc chắn rằng chúng hoàn toàn khác nhau. Nhưng tại sao lại như vậy?

Tính cách của con người không phải thứ cố định. Bạn là người như thế nào và hành động ra sao phụ thuộc vào từng bối cảnh xã hội và từng trường hợp khác nhau. Quan điểm này gọi là “tư duy tình huống” để hiểu về hành vi của người khác. Nó cho rằng những gì bạn làm phụ thuộc vào tình huống mà bạn đang phải xử lý. Theo “tư duy tình huống”, bạn là một người với những người bạn yêu thương, nhưng lại là một người hoàn toàn khác khi nói chuyện với sếp của bạn.

Thí nghiệm Milagram là một minh chứng rõ nét nhất cho quan điểm này. Những người tham gia thí nghiệm được cho biết rằng họ đang tham gia vào một nghiên cứu thúc đẩy trí nhớ. Những người chủ trì có vai trò như là thầy giáo, những diễn viên sẽ đóng vai học sinh ở trong một căn phòng kín. Thầy giáo sẽ giúp học trò nhớ những cặp từ ngữ, mỗi lần nhớ sai, họ sẽ bị thầy phạt bằng cách sốc điện. Mức độ sốc điện sẽ tăng theo từng lỗi, bắt đầu từ nỗi đau đớn vừa phải ở 15V tăng dần đến mức chết người là 450V. Khi điện áp và nỗi đau đớn thể xác tăng lên, những học sinh mắc càng nhiều lỗi sai và bắt đầu la hét, từ chối trả lời.

Bất chấp nỗi đau đớn của học trò, hầu hết thầy giáo tiếp tục tăng mức độ sốc điện. Nếu họ miễn cưỡng không muốn làm, một người thứ ba – “người nghiên cứu” sẽ khuyên họ tiếp tục tăng lên và nói rằng đây là một phần nguyên tắc của thí nghiệm, và anh ra chỉ đang thực hiện nhiệm của mình thôi. Kết quả là, có đến 65% trong số những người thầy giáo dùng mức sốc điện cao nhất với học trò.

Lẽ nào họ đều là ác quỷ? Không hề, nhưng trong trường hợp điều kiện cho phép, có thể họ buộc phải làm những hành động dã man.

Chương 4. Thí nghiệm nhà tù Stanford đã biến những người bình thường thành “ác nhân”

Thí nghiệm Milgram đặc biệt ở chỗ những người chủ trì không thể nhìn thấy nạn nhân đáng thương của họ. Nhưng điều gì xảy ra nếu nạn nhân không được ẩn nấp đi mà đứng ngay trước mắt chúng ta?

Vào tháng 8 năm 1971, tác giả đã thực hiện một thí nghiệm, trong đó ông đưa những sinh viên trẻ tuổi vào một nhà tù giả ở đại học Stanford và phân cho họ đóng vai “quản ngục” và “tù nhân” một cách ngẫu nhiên. Để làm cho mọi thứ giống thật nhất có thể, thí nghiệm chỉ sử dụng những sinh viên không có hành vi nào đáng chú ý trước đó. Cả 24 người tham gia đều là người da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu, không có vấn đề về tâm lý hay sức khỏe và không có tiền án phạm tội. Những bài kiểm tra tính cách cũng không chỉ ra bất cứ đặc điểm tính cách khác thường nào.

Những người trong vai quản ngục được trang bị gậy gỗ, đồng phục và một cặp kính. Còn những người đóng vai tù nhân bị bắt bởi cảnh sát thật sự, bị lột sạch quần áo và đưa cho một con số để thay tên gọi. Mỗi tù nhân đều được nhốt riêng trong một căn buồng chật hẹp.

Thí nghiệm nhanh chóng vượt quá tầm kiểm soát. Ban đầu, tù nhân từ chối tuân theo quy định của quản ngục, kết quả là họ bị trả thù qua những trận đánh bằng máy dập lửa. Quản ngục bắt đầu nghĩ ra rất nhiều cách khác nhau để trù dập và phạt tù nhân, ví dụ như việc bắt họ đi vệ sinh và tự dọn sạch ngay trong căn buồng chật hẹp của mình. Ngoài ra, tù nhân bị lấy đi quần áo, đệm nằm và bị bắt ngủ ở sàn đất lạnh. Với những tù nhân muốn tuyệt thực, họ sẽ bị nhốt vào căn phòng tối và thường xuyên bị quát mắng.

Vào những ngày sau đó, những người tham gia ngày càng độc ác và bạo lực hơn những gì người thực hiện thí nghiệm nghĩ. Chỉ sau sáu ngày ngắn ngủi, ông đã phải dừng cuộc nghiên cứu này lại.

Trong những tình huống bình thường, không ai tưởng tượng những sinh viên hiền lành có thể đột nhiên biến thành những kẻ ác nhân. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ này? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời ở phần tiếp theo.

“Khi sức mạnh gắn liền với nỗi sợ thường trực, nó sẽ trở nên vô cùng dữ dội”

Chương 5. Sự phục tùng và những hành động xấu xa luôn có mối liên kết với nhau

Bên cạnh những hoàn cảnh đặc biệt, có một số yếu tố cụ thể khác cũng có khả năng biến một “thiên thần” thành “ác quỷ”. Một trong những nguyên nhân quan trọng của quá trình biến đổi này là sự phục tùng người cầm quyền – đó có thể là con người, tổ chức hay những quy định.

Trong thí nghiệm Milgram, người dẫn dắt thí nghiệm chính là hiện thân của “người cầm quyền”. Anh ta trông có vẻ rất đáng tin và thực sự hứng thú tìm hiểu về cách để cải thiện trí nhớ của con người. Những người tham gia thí nghiệm cũng phải ký vào một bản thỏa thuận sẽ chấp hành theo quy định của thí nghiệm này. Khi họ không muốn phải chịu thêm những cơn sốc điện áp cao hơn nữa, những người có thẩm quyền sẽ nhắc nhở rằng họ đã ký vào bản thỏa thuận đó nên phải tiếp tục thực hiện thí nghiệm. Như những gì thí nghiệm đã chứng minh, đa số người tham gia đã chọn sự phục tùng thay vì sự cảm thông với người khác.

Sự biến đổi từ thiện đến ác cũng có thể xảy ra ở những người có thẩm quyền. Mặc dù đôi khi khá lúng túng trước sự thay đổi này, nhưng những người “dưới quyền” họ cũng rất ít khi không tuân theo.

Một trong những minh chứng điển hình cho luận điểm này là vụ tàn sát kinh hoàng ở Jonestown. Cùng với hơn 900 tín đồ của mình, thủ lĩnh Jim Jones đã tìm thấy một vùng đất hoang vu ở Guyana để lập nên cộng đồng đoàn kết và khoan dung. Nhưng từ một người cha ân cần, John đã trờ thành một kẻ chuyên chế độc tài và vô cùng ích kỷ, kẻ đã bóc lột lao động và yêu cầu vệ sĩ riêng cho mình. Khi nghị sĩ Leo Ryan và giới truyền thông đến điều tra khu vực này, họ đã bị sát hại ngay lập tức. Sự kiện bi thương này đã dẫn đến một cú sốc lớn hơn cho toàn thế giới.

Jones nghĩ rằng đây chính là kết cục cho đế chế của mình, hắn đã có một bài phát biểu dài để thuyết phục những người phục tùng hắn tự cho bản thân và gia đình uống thuốc độc. Sự phục tùng mù quáng của họ đã dẫn đến vụ tự tử hàng loạt đau thương nhất lịch sử thế giới.

“Khả năng chọn lựa của chúng ta trong việc quyết định có đi theo những chuẩn mực đạo đức hay không sẽ giải thích tại sao một người có thể hành động xấu xa tại thời điểm này rồi lại trở thành người tốt trong một thời điểm khác”

Chương 6. Nếu không chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, thì sau đó bạn sẽ rất dễ bị cám dỗ bởi quỷ dữ

Những hành dộng đen tối không chỉ được gây ra bởi sự phục tùng mù quáng với bề trên. Đôi khi, việc thiếu tinh thần tránh nhiệm có thể là thứ mở lối cho những điều xấu xa tiến vào.

Một lần nữa, chúng ta hãy cùng phân tích thí nghiệm Milgram. Những người dùng hình phạt sốc điện lên “học trò” của mình nói rằng, những nhà khoa học dẫn dắt cuộc thí nghiệm mới là những người sẽ chịu trách nhiệm cho bất cứ rủi ro nào xảy ra chứ không phải họ.

Trong những trường hợp thế này, hành vi chống lại xã hội được phóng đại lên bởi một thứ được gọi là “sự giấu mặt”, nhờ đó mà những người thực hiện hành vi tội ác có thể hoàn toàn lẩn trốn đi. Có thể kết luận rằng, con người dễ có xu hướng bị dụ dỗ vào những hành vi đen tối nếu họ tin rằng sẽ không một ai nhận ra mình.

Có hai cách để tạo nên cảm giác được “giấu mặt”, cách đầu tiên là che giấu đi vẻ bề ngoài. Quay lại với thí nghiệm nhà tù Stanford, những người cai ngục được cấp cho đồng phục và kính mặt gương để tránh sự tương tác bằng ánh nhìn, từ đó sẽ giảm đi cảm giác tội lỗi, phải chịu trách nhiệm của họ.

Cách thứ hai là hành động trong một khu vực mà khả năng bị nhận ra là rất thấp. Để miêu tả chân thực nhất cho điều này, trong một thí nghiệm, tác giả đặt một chiếc xe hơi trong khu vực hẻo lánh ở quận Bronx của thành phố New York. Sau một vài giờ đồng hồ, những kẻ phá hoại bắt đầu xuất hiện và tháo rời chiếc xe, ăn trộm hộp điện. Sau khi những bộ phận có giá trị đã bị lấy đi, mọi người bắt đầu phá hủy chiếc xe. Tác giả cũng đặt một chiếc xe khác ở vùng dân cư của Palo Alto, California, nơi có cộng đồng sinh sống đông đúc. Và kết quả là, không một ai chạm vào chiếc xe. Trong thực tế, thậm chí đã có ba người dân gọi cảnh sát.

Tại sao lại có sự khác biệt này ở hai vùng? Bởi vì quận Bronx có một bối cảnh đủ kín đáo cho sự giấu mặt có thể xảy ra, trong khi vùng dân cư Palo Alto lại khá đông đúc.

Chương 7. Chúng ta thường có xu hướng đối xử tệ bạc với người khác nếu ta coi thường họ

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng mình có nhân cách hoàn toàn ngay thẳng, chính trực. Tuy nhiên, lịch sử đã ghi nhận quá nhiều trường hợp những người đối xử tệ bạc, vô nhân đạo với chính những người xung quanh mình. Bằng cách nào mà điều đó có thể xảy ra?

Một sự giải thích quan trọng cho những hành động độc ác của con người là việc tước đi nhân cách của người khác, hay nói cách khác là không coi ai đó như một con người.

Quá trình tâm lý này đã được chỉ ra qua nghiên cứu của nhà tâm lý học Đại học Stanford, Albert Bandura. Những học sinh tình nguyện tham gia thí nghiệm được yêu cầu giám sát và phạt nhóm sinh viên khác dựa trên những quyết định mà nhóm sinh viên đó đưa ra. Hình phạt sẽ rất đa dạng, tùy thuộc vào quyết định của họ. Những quyết định càng bị đánh giá tồi tệ, thì hình phạt sẽ càng nặng thêm.

Trước khi những học sinh tình nguyện bắt đầu đánh giá những quyết định, họ được yêu cầu phải nghe lỏm cuộc trò chuyện của các chuyên gia về những nhóm sinh viên đưa ra quyết định. Một nhóm bị miêu tả như là một lũ cầm thú, “mất nhân tính”, trong khi nhóm kia lại được nói là những sinh viên biết nhận thức và hiểu chuyện. Những hình phạt cũng rất đa dạng dựa vào cách đánh giá của các nhà nghiên cứu. Những sinh viên tình nguyện tham gia đã quyết định áp dụng hình phạt với nhóm người mất nhân tính nặng hơn rất nhiều so với nhóm “có tính người” hơn.

Sự am hiểu kỹ càng về việc “tước đi nhân cách con người” rất quan trọng trong việc hiểu về cơ chế của sự định kiến, phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Khi có ai đó bị “gắn mác” đồi bại, mất nhân tính, họ sẽ bị coi như những kẻ hoàn toàn không có đạo đức và trở thành mục tiêu của những hành động độc ác.

Chúng ta hãy cùng phân tích những ví dụ trong lịch sử, một trong số đó là vụ “thảm sát Nam Kinh”. Trong suốt cuộc xâm lăng của Nhật Bản và Trung Quốc, binh lính Nhật đã giết hại rất nhiều người dân nơi đây. Một người nhật giải thích rằng đó là do họ coi người Trung Quốc là vật, không phải người.

“Cảm nhận về năng lực bản thân sẽ rõ ràng và sống động hơn khi ta đánh bại một người thay vì giành được sự yêu mến của người ấy”

Chương 8. Sự kết hợp của uyển ngữ và ý thức hệ mạnh mẽ sẽ cho chúng ta cách để biện minh cho những hành động xấu xa của mình

Chúng ta đã thấy cách mà sự phục tùng, giấu mặt hay mất nhân phẩm đã dẫn con người vào con đường tội ác như thế nào. Nhưng còn một yếu tố khác có thể làm điều đó – đó chính là khả năng che giấu những hành vi xấu xa bằng những từ ngữ khiến chúng nghe có vẻ là một việc làm tốt đẹp.

Trong những nghiên cứu tâm lý học thông qua việc đánh giá hành vi con người cho thấy, luôn có một cách để biện minh những hành động tội ác, vô đạo đức. Ví dụ như trong thí nghiệm Milgram, những người tham gia được nói rằng, hay chính họ cũng tin rằng thực ra họ đang góp phần làm nên lịch sử của y khoa chứ không phải đang gây hại hay thậm chí là giết chết người khác. Có thể thấy, cách để biện minh trong thí nghiệm Milgram là những cú sốc điện sẽ giúp các nhà khoa học thu thập thông tin về phương pháp cải thiện trí nhớ con người.

Sự biện minh trong tâm lý học được gọi là “ý thức hệ” trong cuộc sống hàng ngày. Với một ý thức hệ mạnh mẽ, những người xấu xa sẽ nhìn nhận hành vi của họ như là một hành động đáng khen hay thậm chí là đáng ngưỡng mộ. Chúng ta hãy cùng xét đến cuộc xâm lăng của Mỹ đến Iraq và những sự tra tấn đi kèm ở nhà tù Abu Ghraib. Lời biện minh được đưa ra là sự đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia khiến chiến tranh chống khủng bố là điều vô cùng cần thiết. Lời biện minh về sự đe dọa ấy đã cho phép tổng thống Bush tái hợp pháp hóa những hành động tra tấn, bằng cách đó cung cấp cho binh lính đầy đủ thông tin họ cần để bảo vệ an ninh quốc gia.

Vì vậy, những thứ ban đầu tưởng như là tội ác thực tế hóa ra lại là một phần của ý thức hệ – rằng việc tra tấn sẽ bảo vệ an ninh của Mỹ. Với lời biện minh đó, binh lính Mỹ cảm thấy yên tâm khi tra tấn tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib.

Với rất nhiều cám dỗ của quỷ dữ như vậy, bạn có thể sẽ băn khoăn rằng làm thế nào để trở thành người tốt. Phần cuối cùng của bản tóm tắt sẽ chỉ dẫn bạn.

Chương 9. Bạn vẫn có thể chống lại “quỷ dữ” và hành động một cách dũng cảm, có đạo đức

Như bạn đã thấy, trong tất cả mọi trường hợp, ta đều cảm thấy phần “đen tối” trong con người mình. Nhưng không ai muốn trở thành người xấu cả. Vậy phải làm sao để chống lại sức mạnh của quỷ dữ?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, bạn phải luôn chịu trách nhiệm cho hành vi của mình và loại bỏ ngay lập tức những lời biện minh nảy ra trong đầu. Người khác không thể nhìn thấu tâm tư của bạn không có nghĩa là trách nhiệm của bạn đã biến mất.

Thứ hai, hãy dừng lại ngay nếu bạn cảm thấy mình đang phục tùng cho một thế lực đen tối. Hãy quay lại với thí nghiệm Milgram, không phải tất cả những người tham gia đều mù quáng gây ra những hành động độc ác như yêu cầu. Có một số người đã chống lại người điều hành và quyết định dừng cuộc thí nghiệm. Bạn cũng có khả năng trở thành một người như thế.

Cuối cùng, hãy soi xét kỹ càng những lời biện minh cho hành động tội ác. Ví dụ, nếu việc xâm lăng được gán mác “mang lại tự do bác ái cho con người” hay “chiến tranh chống khủng bố”, hãy cân nhắc xem liệu rằng những hành động đó có thật sự phục vụ cho sứ mệnh đó không.

Đó là cách để chống lại quỷ dữ, nhưng nó cũng là cách để trở thành một anh hùng. Nhưng điều gì làm nên một anh hùng?

Có hai yếu tố chính làm nên những anh hùng. Đầu tiên, họ hành động trong khi mọi người đều bị động. Thứ hai, họ ưu tiên người khác hơn bản thân mình.

Autrey Wesley, người đường mệnh danh như “Anh hùng xe điện ngầm” của New York, là một nguồn cảm hứng bất tận cho thuật ngữ “người hùng”. Khi anh nhìn thấy một chàng trai trẻ đang lên cơn động kinh bị ngã xuống đường ray và không còn thời gian để kéo anh ấy lên nữa, Wesley liền nhảy xuống và kéo chàng trai vào khoảng giữa các đường ray, nhờ đó mạng sống của anh ta đã được bảo toàn. Trong khi mọi người xung quanh chỉ đứng nhìn, Wesley ngay lập tức hành động, bất chấp sự đe dọa tính mạng của chính bản thân mình.

Chúng ta đều có thể trở thành một anh hùng hay một kẻ xấu xa. Vì vậy, hãy tập trung vào suy nghĩ muốn trở thành một anh hùng, khi phải đối mặt với khó khăn, bạn sẽ hành động theo cách suy nghĩ ấy.

Kết luận

Không ai sinh ra đã là một ác quỷ. Thay vào đó, họ trở thành ác quỷ qua những tình huống mà họ thấy mình trong đó. Trên thực tế, những chuẩn mực đạo đức khắt khe dễ bị phá hủy hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, việc trở thành một người xấu xa hay một anh hùng hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân bạn.

“Thời gian và sự áp bức chính là cha đẻ của những cuộc nổi loạn”

Nguồn: https://tamlyhoctoipham.com/hieu-ung-quy-du-the-lucifer-effect

Bản ebook, sách nói free có trên mạng.


Cổ tục bóp vú, giao dâm

CỔ TỤC BÓP VÚ TRONG MỘT SỐ LỄ HỘI

XỨ KINH BẮC
Mỗi lần đăng bài này là hay bị chửi lắm. Anh chị em đọc để biết thêm về các cổ tục mà ẩn chứa đằng sau là ước mong sinh sôi nảy nở, đông đàn dài lũ của người xưa.
Những tài liệu dưới đây được viết bằng chữ Hán - Nôm, là những ghi chép về dân tục của vùng Kinh Bắc, vào năm Khải Định thứ 5 (1920), do Viễn Đông Bác Cổ chủ trương và các nhà nho Việt Nam tiến hành khai báo.
Tài liệu này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm biên dịch trong cuốn sách: Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm, do GS Đinh Khắc Thuân chủ biên. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 2009.
——————
Tục hát và đánh chen ở xã Nga Hoàng,
huyện Võ Giàng
Tài liệu viết: Lại hỏi, xã ấy vào ngày 11 tháng 2 có lệ nhập tịch tế thần…Tế xong, toàn dân cùng ăn uống ở đình. Đến chiều tối, mướn ca kỹ đến hát hầu thần ở đình. Ca kỹ hát ở chính giữa đình. Hai bên đình là chỗ trai gái đến xem hát. Nếu con trai thấy con gái đứng chỗ nào thì người con trai cũng đến chỗ đó đứng, con trai thân áp sát vào giữa đám con gái, thân người con trai sát thân người con gái, tay người con trai điểm vào ngực người con gái.
Đêm đó thuê ca kỹ đến hát thờ thần từ 7,8 giờ tối đến 4,5 giờ sang mới thôi. Đêm ấy từ lúc ca kỹ bắt đầu đến lúc thôi hát, đôi trai gái nào thuận tình, thì người con trai dẫn người con gái ra chỗ nào tối ở ngoài đình, hai người giao dâm với nhau, không dám làm việc đó ở trong đình, vì đôi trai gái sợ có uế khí với thần. Trai gái sát người vào nhau điểm ngực ở trong đình thì được, nhưng nếu đã giao dâm với nhau thì không được ở trong đình. Nếu như đêm ấy xã thuê ca kỹ hát thờ thần, không có con trai con gái trong xã ra đình xem hát, không có người con gái nào để đánh chen điểm ngực, thì đêm đó, mọi người dân xã trong đình tự nhiên sinh ra cãi nhau, hoặc người ca kỹ gây sự với người trong xã, hoặc người trong xã gây sự với nhau, mọi người sinh ra ẩu đả. Cho nên, năm nào vào đêm hôm đó, ca hát hầu thần cũng có nam nữ ra đình xem hát, đánh chen, điểm ngực thì mới tránh được nảy sinh những chuyện bất bình.
*Điểm ngực: Bóp vú. NXD chú.
—— 😊———
Hát thờ thần và hát nằm với nhau ở làng Diềm
Làng Diềm tức xã Viêm Xá, tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng ngày xưa, tương truyền là một trong những nơi gạo cội của hát Quan họ. Tài liệu Bắc Ninh tỉnh khảo dị ghi: Lại nói xã ấy có một đình, phụng thờ hai vị thần hoàng, thánh ông hiệu là Tam Giang Đại vương, thánh bà hiệu là Hoàng hậu. Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng khai xuân…Ngày 10 tháng 8, nhập tịch mở hội tế hai vị thần.
.
Lại như trai gái xã ấy giao lưu với xã Hoài Bão ở huyện Tiên Du. Nam nữ làm một hội hát, xã Viêm Xá gồm 10 người con trai, 10 người con gái, xã Hoài Bão gồm 10 người con trai, 10 người con gái. Nam nữ hai xã này hợp thành một phường ca hát. Đến ngày xã Viêm Xá mở hội xuân hay ngày nhập tịch thờ hai vị thần, dân xã sai một người con trai mang trầu cau đến xã mời con trai con gái xã Hoài Bão sang xã Viêm Xá hát; nhưng con gái xã Hoài Bão không đi mà chỉ có các chàng trai đến xã Viêm Xá. Con trai xã Hoài Bão ca với các cô gái xã Viêm Xá. Nếu ngày nào theo tục lệ là ngày xã Hoài Bão thờ thần, thì xã Hoài Bão cũng sai một người con trai mang trầu cau sang mời trai gái xã Viêm Xá đến, nhưng con gái xã Viêm Xá không đi, chỉ có con trai đến xã Hoài Bão hát với các cô gái xã Hoài Bão…
Lại hỏi, xã ấy vào ngày 4 tháng giêng có tục con trai con gái đến đình thờ thần, rồi đến đêm thì cùng nhau về nhà chị cả, hát với con trai xã Hoài Bão. Đêm ấy làng này con gái có chồng và con gái chưa chồng cũng đều đến nhà chị cả. Con trai Hoài Bão với con trai xã ấy ngồi một bên… con gái ngồi một bên trong nhà chị cả. Chị cả sai người nhà làm tiệc rượu mời các chàng trai xã Hoài Bão ăn uống no say, sau đó mới hát. Trai gái hát từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng thì tắt đèn trong nhà, trai gái cùng nằm mà hát. Lúc tắt đèn, anh cả hát với chị cả, anh hai hát với chị hai …, anh bé hát với em bé, còn những người con trai thuận tình với người con gái nào thì cũng hát với cô ấy. Nếu như chàng trai con gái nào yêu nhau, giả vờ đi ra tiểu tiện ở ngoài nhà, cùng đi ra ngoài nhà mà giao phối, thường thì người trong nhà cũng không biết. Sau đó lại vào trong nhà rồi hát, hát đến 4,5 giờ sáng mới thôi. Con trai xã Viêm Xá về nhà, con trai xã Hoài Bão về xã Hoài Bão, rồi con gái xã Viêm Xá tiễn con trai xã Hoài Bão về, chị cả tiễn anh cả, chị hai tiễn anh hai, chị ba tiễn anh ba, chị tư tiễn anh tư, chị năm tiễn anh năm, em bé tiễn anh bé, mỗi người tiễn một đường, không đi chung một đường, hoặc đi cách xa đường nhau. Lúc 4,5 giờ sáng vẫn đương tối chưa sáng, trai gái tiễn nhau về cũng làm việc giao phối ở bên đường, lúc đó không ai biết. Xã này có tục ấy, nên người nào có con gái không cho đi hát đêm ấy thì bị những người cho con gái đi hát cười. Cười rằng: “Những người có con gái không cho đi hát cũng hư mất đời, lại không tuân lệ làng.”
Một số câu hát được ghi lại như sau:
Nam:
Khen cho cũng thực duyên trời
Đưa ra kết mấy những người bạn loan.
Nữ:
Giầu này xin gửi bạn loan
Công này kể núi Thái Sơn nào tày
Yêu nhau ăn miếng giầu này
Ăn giầu rồi sẽ giải bày niềm đan
Nam:
Muốn cho đôi chữ ái ân
Lòng tôi muốn kết trước sân giãi bày.
Nữ:
Muốn cho đôi chữ một dòng
Trên trời chưa định trong lòng đã vui….
————🤣🤣🤣—————
Tục hát úp đèn thờ thần, điểm ngực ở Ném Thượng
Làng Ném Thượng sáng ngày Rằm tháng giêng có tục giết lợn tế thần. Tối hôm đó mời đào nương đến hát. Tài liệu trên chép:
Khấn xong, mọi người cùng lễ bái thần. Mọi việc xong thì người già ngồi một gian bên trong đình xem hát. 3,4 người kỳ mục ngồi ở gian giữa, trong chỗ có hương án, đánh trống xem hát. Đào nương đứng ở ngoài hương án mà ca hát. Đàn ông, đàn bà, người già trong làng đều ra đình xem và nghe hát.
Ca hát từ đó đến 8,9 giờ tối thì thắp đèn, hát đến chừng 2 giờ đêm. Một người kỳ mục bưng đĩa đèn đứng thẳng trên mặt đất giữa đình, lấy một cái chõ úp lên trên đèn ( chú thích: Tục cổ thì tắt đèn đi, nay thì lấy chõ úp lên), trong đình, trong cung ấy tối om om. Một người kỳ mục ngồi ở gian chính giữa mới nhảy xuống sờ ngực người đào nương. Còn đàn ông đàn bà người nào người nấy thấy đèn bị che đi, lại thấy kỳ mục sờ ngực đào nương thì các đàn ông cũng sờ ngực đàn bà.
Khoảng ba phút đồng hồ thì có một người nhấc cái chõ ra, đèn lại sáng. Mọi người không sờ ngực nữa, lại ngồi nghiêm chỉnh như cũ để nghe hát…
Nếu năm nào nhập tịch tế thần không mướn đào nương đến đình hát thờ thần, lại không sờ ngực đào nương, không có đàn ông sờ ngực đàn bà thì năm ấy trong làng trâu bò lợn gà phần nhiều đều bệnh tật, người người đều không được yên…Nếu… có mướn đào nương đến hát và đàn ông sờ ngực đàn bà ở trong đình thì năm đấy nhân dân được bình yên, trâu bò lợn gà sinh sôi nảy nở…,lúa má tằm tang tươi tốt.
Tục trên được ghi lại do người ghi chứng kiến tại chỗ vào đêm 15 tháng giêng năm 1920 tại đình Niệm Thượng.

Nguyễn Xuân Diện
Nguồn: fb NXD
https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/pfbid02ZP4bFxppyb93wTmhEuZqA1Vx9Cj6pGAJoK9tCNz1gqF3NiB43NtkFaWh5gbTM2Qil?


Xuân nhật yến khởi

 

春日晏起 

蝶夢探花神      Điệp mộng thám hoa thần,

起睇栩栩身      Khởi đệ hủ hủ thân.

東窗日欲午      Đông song nhật dục ngọ,

太古一遺民      Thái cổ nhất di dân.

鄭懷德                    Trịnh Hoài Đức

Giản thể. 春日晏起 . 蝶梦探花神,起睇栩栩身。东窗日欲午,太古一遗民

Nghĩa. Ngày xuân dậy muộn.

Mộng hóa thành bướm đi thăm thần hoa, tỉnh lại thấy thân mình vẫn linh hoạt như cũ.
Nhìn qua cửa sổ đông mặt trời đã sắp giữa trưa, mình đúng là người thời xa xưa còn sót lại.

Tạm dịch

Mộng hóa bướm thăm hoa,

Tỉnh giấc thân vẫn là.

Mặt trời gần giữa ngọ,

Thái cổ sót mình ta!

Chú

yến: muộn, trễ.

蝶夢 điệp mộng: mộng hóa thành bướm.

thám: thăm.

thê, cũng đọc là đệ: nhìn, ngó.

栩栩 hủ hủ: hớn hở, sống động.

dục: muốn, sắp

di: để lại. di ngôn 遺言 lời để lại (của người đã mất), di sản 遺產 của cải để lại.

鄭懷德 Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825), tổ tiên người Phúc Kiến, chạy loạn Mãn Thanh đến Biên Hòa. Ông cùng với Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh đều là học trò của Võ Trường Toản được người thời đó gọi là Gia Định tam gia. Từng được Gia Long cử đi sứ qua Tàu để cầu phong. Làm quan đến thượng thư bộ Lại thời Gia Long và Minh Mạng. Tác phẩm Gia Định thành thông chí của ông được xem là nguồn sử liệu quan trọng để tìm hiểu về vùng đất Nam kì.