17/10/22
VĂN HOÁ - VĂN HỌC VỚI NHÂN CÁCH CON NGƯỜI
NGUYỄN VĂN DÂN
Theo định nghĩa chung, nhân cách là phẩm giá và tính cách của một con người. Nhưng con người không phải là một cá nhân biệt lập, mà luôn tồn tại trong mối quan hệ xã hội phong phú và phức tạp. Vì thế, nhân cách của một con người luôn có cả đặc điểm sinh học lẫn đặc điểm xã hội. Trong nhân cách, những đặc điểm tâm - sinh lý và lý trí làm cho mỗi người sẽ làm thành một tính cách khác biệt. Có người nóng tính, có người ôn hoà, có người cởi mở, có người kín đáo, có người thích giao du, có người ưa khép kín... Tuy nhiên, những đặc điểm xã hội mới là những yếu tố làm cho nhân cách mỗi người có phẩm giá tích cực hay tiêu cực, có ý nghĩa đóng góp xây dựng hay phá hoại đối với cộng đồng và xã hội. Ở đây có vai trò giáo dục của văn hoá đối với sự phát triển nhân cách của con người.
Vai trò giáo dục nhân cách của văn hoá là không thể bàn cãi. Mới đây nhất, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ chín BCH trung ương Đảng khoá XI ngày 9-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đầu tiên của việc xây dựng văn hoá là “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách...” (Đảng CSVN, “Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Hội nghị lần thứ chín BCH trung ương Đảng khoá XI), Nhân dân điện tử: http://nhandan.com.vn/.../23477402-xay-dung-va-phat-trien..., 12-6-2014), và từ “nhân cách” đã được nhắc lại tới tám lần trong Nghị quyết.
Thậm chí ta có thể nói văn hoá còn có khả năng làm biến đổi tính cách và phát triển trí tuệ của con người, góp phần xây dựng phẩm giá và nhân cách cá nhân. Chẳng hạn như nói về trí tuệ, văn hoá và xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các giá trị trí tuệ của con người. Ở đây ta thấy đặc điểm xã hội của nhân cách là rất quan trọng. Mỗi người có thể có tâm lý và bộ óc khác nhau, nhưng môi trường xã hội làm cho họ có những đặc điểm giống nhau. Vì thế, chúng ta vừa có thể nói đến nhân cách cá nhân, vừa có thể nói đến nhân cách tập thể của một dân tộc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đồng tình hoàn toàn với quan niệm về “tấm bảng trắng” của nhà triết học người Anh John Locke (1632-1704). Trong bài viết “Tiểu luận về trí tuệ con người” (1690), Locke đã phản bác lại quan điểm duy tâm của nhà triết học người Pháp René Descartes (1596-1650) về “ý tưởng bẩm sinh”. Ông cho rằng tâm lý và ý thức con người ban đầu giống như một “tấm bảng trắng” [tiếng Latin: “tabula rasa”] để từ đó nó tiếp nhận các kiến thức thông qua kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống. Nhưng sự thực không đơn giản như vậy. Ở đây chúng ta phải nói đến một quá trình tương tác giữa hai bên: Đó là sự tương tác giữa “tư chất trí tuệ” với “yếu tố môi trường”. Vấn đề là, để phát triển tư chất trí tuệ thì phải có những điều kiện gì?
Người ta thường nói, môi trường có khả năng tác động đến trí tuệ, nhưng con người lại là một nhân tố quan trọng tạo ra môi trường xã hội - nhân văn. Như vậy, ở đây có một mối quan hệ tương tác. Lịch sử loài người đã cho thấy rằng, chính nền văn minh đô thị là môi trường thuận lợi để tác động đến sự phát triển trí tuệ. Trong lịch sử phương Tây, văn minh đô thị luôn tạo ra những yếu tố phản biện và kích thích sự phát triển của trí tuệ cá nhân. Trong nền văn minh này, cá nhân thoát ra từ thiên nhiên và có xu hướng quay trở lại chinh phục thiên nhiên. Điều này có thể thấy rõ trong hệ thống tôn giáo và thần thoại của phương Tây. Nhà thờ của phương Tây luôn nằm giữa cộng đồng dân cư, nó là nơi giao lưu để kích thích óc sáng tạo cá nhân. Hệ thống thần thoại thì luôn có sự phản biện và đối thoại giữa các cá thể.
Trong khi đó người phương Đông cổ xưa chủ yếu là có nền văn minh làng xã, họ không đặt mục đích chinh phục thiên nhiên mà dựa vào thiên nhiên, gửi gắm tình cảm vào thiên nhiên để tồn tại và lập ra những hương ước nặng về tình để đối nhân xử thế. Người phương Đông đề cao sức mạnh của cái thiên nhiên và cái siêu nhiên. Họ quan niệm con người phụ thuộc vào thiên nhiên và vào thế giới siêu nhiên. Đền chùa, tu viện của người phương Đông thường nằm giữa thiên nhiên, thậm chí càng xa cách cõi trần, càng xa xôi hẻo lánh và ở những nơi núi non hiểm trở càng tốt.
Người ta cho rằng con người phương Đông cổ xưa nhận thức thiên nhiên và thế giới chủ yếu bằng con đường trực giác (Alexander Spirkin, “Man and Culture” [“Con người và văn hoá”], trong “Dialectical Materialism” [“Chủ nghĩa duy vật biện chứng”], Progress Publishers, Moscow, 1983, chapter 5 [bản dịch tiếng Anh của Robert Daglish]; http://www.marxists.org/.../dialectical.../appndx02.html), tức là bằng tư duy cảm tính. Phải chăng mối quan hệ tình cảm có phần huyền bí giữa con người với thiên nhiên và với thế giới siêu nhiên là lý do chính tạo ra kiểu tư duy này? Y thuật, số thuật và chiêm tinh thuật của phương Đông thể hiện rõ ràng quan điểm này. Từ đó xuất hiện quan điểm tôn trọng gốc gác và là nguồn gốc của đạo đức học phương Đông tồn tại cho đến ngày nay. Người phương Đông đi xa vẫn khó quên gốc gác của mình. Người Do Thái, người Arập, người Hoa sống ở nước ngoài vẫn giữ gần như nguyên vẹn bản tính dân tộc. Ở những nước văn minh canh nông phương Đông (ngoại trừ văn minh canh nông du mục), việc hình thành nhiều quốc gia từ một nguồn gốc dân tộc không phải là điều phổ biến.
Cái tư tưởng tôn trọng gốc gác nơi đất mẹ thiên nhiên nói trên của người phương Đông đã dẫn đến một ý thức thuần phục gần như tuyệt đối đối với một tôn ti trật tự đã được thiết lập trong tôn giáo. Đạo Phật của phương Đông về cơ bản là nhất quán, thông suốt, hầu như không có những “kẻ phản nghịch”. Trong khi đó ở phương Tây, đạo Cơ Đốc luôn được sửa đổi, cải cách, thậm chí ly giáo. Ngay từ khi Cơ Đốc giáo mới ra đời, Chúa Jesus đã có kẻ tông đồ thứ 13 là Juda, được mệnh danh là kẻ “phản nghịch” đầu tiên. Trong lịch sử Cơ Đốc giáo, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ ly giáo: vụ ly giáo Đông - Tây năm 867 giữa giáo trưởng thành Constantinople Photius với giáo hoàng Nicolas I ở Roma; vụ ly giáo Đông - Tây năm 1054 giữa giáo trưởng thành Constantinople Kerularios với giáo hoàng Leo IX; và đặc biệt là vụ ly giáo lớn ở châu Âu diễn ra từ 1378 đến 1417 giữa ba chế độ giáo hoàng: chế độ giáo hoàng ở Roma, chế độ giáo hoàng ở Avignon (Pháp) và chế độ giáo hoàng ở Pisa (Italia). Và đặc biệt là cuộc cải cách đạo Cơ Đốc của nhà thần học người Đức Martin Luther đầu thế kỷ XVI, dẫn đến sự ra đời của đạo Tin Lành. Tư tưởng phản nghịch thể hiện phổ biến trong Cơ Đốc giáo đến nỗi Nhà Thờ đã phải lập ra một toà án để xử tội dị giáo, gọi là Toà án Dị giáo.
Có thể cái tư tưởng “phản nghịch” của người phương Tây là có xuất xứ từ truyền thống văn hoá thần thoại xa xưa. Hệ thống thần thoại Hy Lạp là một hệ thống tranh giành quyền lực. Thần Cronos sẵn sàng giết cha là thần Uranos để lên nối ngôi. Đến lượt mình, thần Dớt [Zeus] lại làm một cuộc “cách mạng” lật đổ cha mình để nắm quyền trị vì thế giới. Trong một loạt những cuộc giao tranh tiếp theo giữa các phe phái trong các vị thần, như giữa các vị thần ở núi Olympos với các vị thần khổng lồ Gigantes, thì con người, đại diện là dũng sỹ Heracles, cũng tham gia giúp các vị thần Olympos đánh lại các vị thần Gigantes. Trong thần thoại Hy Lạp, điển hình của thần thoại văn minh đô thị, thần thánh và người trần sống lẫn với nhau, yêu nhau, kết hôn với nhau và cạnh tranh lẫn nhau, hầu như không có sự phân biệt và không có một tôn ti trật tự tuyệt đối. Nhiều người trần sẵn sàng đấu võ và thi tài với thần linh: Tráng sỹ Heracles giết chết nhiều thần khổng lồ Gigantes, trong đó có thần Antaios nổi tiếng [tức thần “Ăngtê” gọi theo tiếng Pháp]; tráng sỹ Diomedes đánh bị thương thần chiến tranh Ares; cô thợ dệt Arakhne dám thi tài dệt vải với nữ thần Athena; cô gái Acalanthis và chàng trai Thamyras dám thi hát với các nữ thần nghệ thuật Musa; nàng Casiope xinh đẹp và tự tin dám thi sắc đẹp với các nữ thần biển Neraydes, v.v... Trong khi đó trong thần thoại phương Đông, thế lực thần thánh được phát huy tuyệt đối quyền hành, tôn ti trật tự được tuân thủ nghiêm ngặt. Kẻ phản nghịch duy nhất là Tôn Ngộ Không thì chỉ múa may trong thế giới quỷ sứ chứ không đụng chạm được đến quyền lực thánh thần.
Trong giáo dục, người phương Đông đề cao tư tưởng “tôn sư trọng đạo”. Người thầy có một vị thế quan trọng đến mức thiêng liêng. Người ta chỉ có thể lập ra một tư tưởng, một lý thuyết mới, chứ ít khi cải cách lý thuyết của thầy. Trong khi đó ở phương Tây, khái niệm người thầy không có ý nghĩa “thần thánh” như ở phương Đông. Ngay từ thời xa xưa, Socrate đã không dạy học trò bằng cách áp đặt quan điểm của mình, mà ông đưa ra các câu hỏi để học sinh chủ động trả lời. Aristote, bằng các công trình học thuật của mình, đã dám phản bác lại quan điểm duy tâm của thầy học của mình là Platon. Đến thời cận - hiện đại, K. Jung, học trò của Freud, đã cải cách lý thuyết tâm phân học của thầy mình, dẫn đến hai người không còn muốn nhìn mặt nhau. Các Mác, thời trẻ là học trò của Hegel, đã kiên quyết “lật ngược” phép biện chứng duy tâm của ông này để lập ra một học thuyết mới. Lênin cũng sửa đổi học thuyết Mác về cách mạng vô sản để thực hiện cuộc Cách mạng Tháng 10 vĩ đại. (Mác chủ trương rằng cách mạng vô sản chỉ có thể thành công khi nó diễn ra trên toàn thế giới. Lênin sửa lại rằng nó có thể thành công trong khâu yếu nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa.)
Có thể thấy, bên cạnh yếu tố tích cực về mặt đề cao tình nghĩa thầy - trò, thì tư tưởng tôn sư trọng đạo của phương Đông nhiều khi dẫn đến thái độ thuần phục mang tính mô phạm giáo điều, kìm hãm tư duy sáng tạo. Trong khi đó ở phương Tây, chính cái quan niệm bình đẳng thầy - trò là một trong những động lực làm nảy sinh nhiều tư tưởng và lý thuyết mới. Vậy mà cái tư tưởng mô phạm giáo điều đó vẫn còn tồn tại dai dẳng ở phương Đông cho đến ngày nay, đôi khi thể hiện thành sự bắt chước một cách máy móc các lý thuyết của nước ngoài, đặc biệt là trong khoa học xã hội. Ví dụ như trong khi ở nước ngoài đang có nhiều lý thuyết khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về một chủ đề, thì ở nước ta, nhiều người đã không tiếp thu được một cách có hệ thống, mà chỉ tiếp thu một vài quan điểm nào đó, và người khác lại tiếp thu một vài quan điểm khác mâu thuẫn với các quan điểm kia, thế là dẫn đến việc cùng một chủ đề, nhưng mỗi người ở nước ta lại hiểu theo một cách khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Đó chính là căn bệnh cảm tính, thiếu tư duy lôgic triết học mà có nhà khoa học đang cảnh báo. Căn bệnh thiếu tư duy lôgic cũng đang thể hiện trong cả cuộc sống hàng ngày, khi mà người ta không hề cảm thấy phi lý khi cứ phát ngôn một cách hồn nhiên: “tỷ giá hối đoái giữa ‘Việt Nam đồng’ với ‘đôla Mỹ’”. (Tất cả các đồng tiền của nước ngoài đều được đọc xuôi theo ngữ pháp tiếng Việt, riêng đồng Việt Nam thì được đọc ngược theo ngữ pháp tiếng Anh!) Và có lẽ đó cũng là biểu hiện của truyền thống tư duy cảm tính của người phương Đông chăng?
Thế nhưng, xu hướng đề cao tính cộng đồng và trở về với thiên nhiên của phương Đông lại là một nhân tố kìm hãm sự phát triển của cái cá nhân. Chùa chiền thường là nơi ẩn dật, xa lánh xã hội. Hệ thống thần thoại thì được thiết lập theo một tôn ti trật tự chặt chẽ với những thiết chế tuân thủ nghiêm ngặt, cấp dưới chỉ biết tuân theo cấp trên, không tạo thành những điều kiện để kích thích óc phản biện và sáng tạo của cá nhân.
Như vậy, muốn kích thích óc sáng tạo cá nhân và phát triển trí tuệ, con người cần tạo ra một môi trường có sự giao lưu, va đập và đối thoại để kích hoạt tư chất trí tuệ. Có như thế mới tạo ra những đột biến trong tư duy và trong hành động.
Ngày nay, trong xã hội Việt Nam, một trong những yếu tố kìm hãm mạnh nhất sự phát triển của trí tuệ chính là chủ nghĩa tuân thủ và tâm lý đám đông. Đây chính là yếu tố làm trì trệ con người. Việc hành động theo đám đông sẽ làm con người trở nên thụ động, lười suy nghĩ, thiếu tự tin và biến thành những cỗ máy vận hành theo sự bắt chước. Có người sẽ phản biện rằng bắt chước là một cách đi tắt để phát triển. Tuy nhiên, bắt chước khác với học hỏi. Chính học hỏi mới là quy luật của sáng tạo và phát triển. Chỉ có học hỏi một cách máy móc và không phân biệt đúng sai thì mới được gọi là bắt chước. Hiện nay hiện tượng bắt chước diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam, người ta bắt chước cả cái đúng lẫn cái sai của nước ngoài. Một người bắt chước kéo theo cả một cộng đồng, thậm chí cả xã hội bắt chước. Đặc biệt là trong xã hội thông tin ngày nay, một sự bắt chước được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, thì lập tức nó lan toả ra toàn xã hội như một phản ứng dây chuyền. Thói bắt chước những cách diễn đạt phi lý diễn ra rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và một trong những biểu hiện cụ thể của sự bắt chước chính là hiện tượng đạo văn, một hiện tượng đang trở nên nhức nhối ở nước ta hiện nay. Thói bắt chước như thế sẽ vĩnh viễn chôn vùi trí tuệ trong sự trì trệ.
Cho nên, theo tôi, điều mấu chốt là phải tạo điều kiện để kích thích óc phản biện của mỗi cá nhân, khuyến khích việc xem xét lại mọi chân lý, khuyến khích tư duy lôgic để phát hiện cái phi lôgic, khuyến khích giao lưu đối thoại để phát hiện cái mới, từ đó kích thích sự phát triển của trí tuệ và từ trí tuệ quay trở về cải tạo thực tiễn. Đó chính là cái vòng tròn tương tác giữa tư chất trí tuệ với môi trường xã hội.
Trí tuệ, theo cách nhìn đó, sẽ không phải là một yếu tố huyền bí, siêu hình, mà là đối tượng hoàn toàn có thể cải tạo và phát triển của nhân cách.
Tình cảm cũng là một đặc điểm quan trọng của nhân cách cá nhân và nhân cách dân tộc. Và tình cảm cũng là một đối tượng giáo dục của văn hoá. Văn hoá - văn học truyền thống của dân tộc chứa đựng vô vàn những điều răn dạy về lòng thương người, về tình yêu cha mẹ, tình làng nghĩa xóm, tình thương đồng bào, tình yêu đất nước... Tình yêu - đó là chủ đề muôn thuở của văn học, là yếu tố hun đúc nên nhân cách con người cá nhân và nhân cách của cả dân tộc.
Có thể nói, lịch sử cho thấy văn học đã đề xuất nhiều cách xây dựng nhân cách: Cách thanh lọc tâm hồn của Aristote, cách chế nhạo của Rabelais đối với các chính sách ngu dân của thế lực thần quyền trong bộ tiểu thuyết “Gargantua và Pantagruel”, cách học hỏi nhân gian của Cervantes qua chàng Đôn Kihôtê, cách tu luyện trí tuệ và tâm hồn của Dostoievki, cách đề cao “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” của Nguyễn Du, cách đấu tranh chống lại cái phi lý của Camus, cách sống cao thượng và nhân đạo của một dân tộc trải qua bao đau thương mất mát của nhà văn Cheshnya Kanta Ibragimov trong “Cuộc chiến đi qua” (giải thưởng quốc gia Nga năm 2003), cách đề cao tự do cá nhân của văn học lãng mạn Việt Nam, cách đấu tranh cho quyền con người của văn học cách mạng, và trên hết là cách đấu tranh chống lại cái ác / cái xấu và nêu cao tư tưởng nhân văn của văn học chân chính mọi thời đại, mọi dân tộc.
Tuy nhiên, cuộc sống là một thế giới phức tạp. Cái tốt cái xấu luôn tồn tại khắp nơi. Cuộc sống càng hiện đại thì cái ác / cái xấu càng tinh vi, tai hại. Cái ác / cái xấu không chỉ bộc lộ công khai, mà nguy hiểm hơn, nó còn ẩn núp sau những cái mặt nạ muôn hình vạn trạng. Trong những cái mặt nạ đó, có cái mặt nạ mang khuôn mặt của người lương thiện – một khuôn mặt sạch. Lại có cái mặt nạ mang khuôn mặt của người nắm quyền – đó là những kẻ nằm trong số “một bộ phận không nhỏ cán bộ” đang bị thoái hoá biến chất. Đó là sự giả dối đã đi đến chỗ tột cùng mà văn học cần phải dũng cảm chỉ ra nguyên nhân. Vì thế, văn học đấu tranh chống cái ác / cái xấu luôn khó hơn nhiều so với văn học đề cao và xây dựng cái tốt.
Nhân cách con người còn được thể hiện qua trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. Quyền hạn luôn đi đôi với trách nhiệm. Hiện tại người ta đang nói nhiều đến quyền con người, nhưng đừng quên trách nhiệm con người, trách nhiệm công dân. Con người có nhiều quyền cần được tôn trọng, nhưng nó cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội. Trách nhiệm này khác nhau tuỳ thuộc vào địa vị xã hội của mỗi người. Nhưng cho dù ở địa vị nào thì mỗi cá nhân đều phải có ý thức cao đối với trách nhiệm của mình. Văn học cũng góp phần nêu cao trách nhiệm đó. Ta có thể lấy cuốn tiểu thuyết “Lời hứa” (1958) của nhà văn hiện đại người Thuỵ Sĩ nói tiếng Đức Friedrich Durrenmatt làm ví dụ điển hình.
“Lời hứa” (tiếng Đức: Das Versprechen, bản dịch tiếng Anh: “The Pledge”) kể về trách nhiệm nghề nghiệp của một người lính cảnh sát đối với việc điều tra một vụ án chống lại một kẻ tội phạm mắc một căn bệnh xã hội thật phi lý là bắt cóc các bé gái, hãm hiếp rồi sau đó giết chết. Để nhử kẻ tội phạm, anh đã nuôi một bé gái làm con mồi. Nhưng đến khi sắp sửa bắt được thủ phạm thì hắn ta bị tai nạn ôtô giết chết trên đường đến địa điểm gây án, mà điều này thì bọn anh không biết. Thế là cuộc phục kích không thành. Đồng đội không còn tin vào kế hoạch của anh. Nhưng anh thì không từ bỏ quyết tâm vì anh đã hứa với cha mẹ nạn nhân là phải bắt bằng được thủ phạm. Vì lời hứa này mà anh phải rời bỏ ngành cảnh sát, từ bỏ mọi quyền lợi riêng, dùng tiền riêng mở một trạm bán xăng và vẫn để em bé gái sống với mình, với hy vọng là đến một ngày kia kẻ tội phạm sẽ bị mắc bẫy. Một năm trôi qua, nỗi ám ảnh của vụ án đã biến anh thành một kẻ mất trí. Cho đến khi tình cờ có người biết được chuyện tai nạn ôtô của kẻ tội phạm đến nói cho anh rõ để khuyên anh từ bỏ ý đồ nhử mồi thì lúc đó anh đã hoàn toàn biến thành một người ngớ ngẩn. Thật xúc động khi tác giả mô tả cái cảnh trước đó anh cảnh sát ra sân bay để đi công tác nước ngoài, nhưng khi nhìn thấy đám trẻ con nô đùa một cách ngây thơ trong trắng thì anh quyết định xin ở lại để tiếp tục tự mình điều tra vụ án, cho dù việc này sau đó đã khiến anh phải từ bỏ ngành cảnh sát. Cái độc đáo và vô cùng xúc động của tác phẩm là nhân vật chính đã bị ám ảnh bởi trách nhiệm công việc tới mức trở thành một con người vĩnh viễn mất trí! Mất trí nhưng nhân cách của anh không mất. Đó là nhân cách của một con người có trách nhiệm quyết tâm chống lại cái ác / cái xấu.
Như vậy, văn học góp phần xây dựng nhân cách con người không chỉ đơn thuần bằng việc nêu gương người tốt việc tốt, mà quan trọng hơn, và cũng khó khăn hơn, nó phải lột mặt nạ được cái ác / cái xấu, chỉ ra được căn nguyên của cái ác / cái xấu. Và, bởi vì cái ác / cái xấu giống như là “mầm dịch hạch” không bao giờ chết như nhà văn Pháp Camus đã nói trong tiểu thuyết “Dịch hạch”, thậm chí ông còn mượn lời nhân vật Tarrou tuyên bố rằng “Tôi biết chắc chắn rằng mỗi chúng ta đều mang mầm dịch hạch trong người, bởi vì không có một ai trên thế gian này vô sự thoát khỏi được nó”, cho nên, đấu tranh chống cái ác / cái xấu còn là đấu tranh với chính mình. Chống cái ác / cái xấu là thiên chức, là trách nhiệm tối cao và muôn thuở của nhà văn chân chính mọi thời đại và mọi dân tộc. Đó cũng là nhân cách của nhà văn và là nhiệm vụ xây dựng nhân cách con người của văn học.
(Tham luận Hội thảo tháng 10-2015. In trong: NVD, "Văn hoá - văn học dưới góc nhìn liên không gian", 2020).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)