Những nhận định về nguồn gốc tiếng Việt, cho rằng tiếng Việt là một nhánh con của tiếng Trung Quốc, hoặc cho rằng Việt là một ngôn ngữ chịu ảnh hưởng nặng nề của tiếng Trung Quốc, có cơ sở chủ yếu dựa trên những ảnh hưởng về mặt từ vựng.
Một bộ phận các nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam đã thực hiện phỏng đoán (mà không qua thống kê chi tiết) về số lượng từ mượn trong tiếng Việt, như Henri Maspéro cho rằng tiếng Việt có khoảng 60% là từ mượn tiếng Trung (Maspero, 1912), nhà nghiên cứu ngôn ngữ Cao Xuân Hạo cho rằng tiếng Việt có 70% từ vựng gốc Hán (Hạo, 2003), các nhà nghiên cứu Lê Xuân Thoại và Huỳnh Thanh Xuân cho rằng từ vay mượn Trung Quốc chiếm 60-70% từ vựng tiếng Việt (Toàn & Chào, 2019).
Các con số về lượng từ mượn tiếng Trung Quốc trong tiếng Việt của các tác giả trên đều chỉ dựa trên phỏng đoán chủ quan cá nhân, không qua thống kê chi tiết số từ vựng vay mượn với mẫu đủ lớn. Có hai phạm vi thống kê có thể thực hiện để biết được chính xác số lượng từ mượn tổng thể của tiếng Việt, đó là toàn bộ từ vựng trong tiếng Việt ngày nay, hoặc khối từ vựng cốt lõi (từ vựng thường dùng). Các thống kê trên hai mẫu này đều cho thấy kết quả: từ mượn tiếng Trung hay từ Hán-Việt chỉ chiếm khoảng 30% tổng vốn từ vựng tiếng Việt.
2.1. Thống kê trên các từ vựng cốt lõi:
Các từ vựng cốt lõi của một ngôn ngữ là những từ vựng được sử dụng thường xuyên nhất trong ngôn ngữ đó. Những thống kê dựa trên khối từ vựng cốt lõi được thực hiện bởi Viện Max Planck đã cho thấy kết quả lượng từ mượn tổng thể trong số 1477 từ tiếng Việt thường dùng là khoảng 28,1%, trong đó chỉ 25,3% là từ vay mượn tiếng Trung Quốc.
Công trình của Viện Max Planck (2009), tìm hiểu về từ gốc, từ mượn trong 1000-2000 từ vựng cốt lõi của 41 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt, đã cho thấy: trong 1477 từ tiếng Việt thường dùng chỉ có 28,1% là từ vay mượn trong đó 25,3% từ vay mượn Trung Quốc, 1,2% từ vay mượn Pháp, 0,5% từ vay mượn Proto-Tai, 0,3% từ vay mượn tiếng Anh, 0,3% từ mượn Ấn-Âu, 0,2% từ mượn tiếng Quảng Đông, 0,2% từ mượn tiếng Chăm (M. J. Alves, 2009).
Để tiện so sánh, công trình của Viện Max Planck cũng nghiên cứu trên tiếng Nhật, một ngôn ngữ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc, đã cho thấy tổng lượng từ mượn trong khối từ vựng cốt lõi của tiếng Nhật là 34,9%, trong đó mượn từ tiếng Trung là 27,9% (Haspelmath & Tadmor, 2009).
Tỉ lệ vay mượn tiếng Trung Quốc trong khối từ vựng cốt lõi của tiếng Việt không nhiều hơn so với tiếng Nhật, lượng từ vay mượn tổng thể trong tiếng Nhật cũng nhiều hơn tiếng Việt một cách đáng kể. Kết quả này đã cho thấy trong khối từ vựng cốt lõi, lượng từ vay mượn tiếng Trung của tiếng Việt không phải quá lớn, trong tổng thể số từ cốt lõi cũng như so sánh với ngôn ngữ cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc.
2.2. Thống kê trên toàn bộ từ vựng và trên các bộ từ điển:
Đã có khá nhiều những công trình nghiên cứu thống kê tổng số lượng từ Hán-Việt trong toàn bộ từ vựng tiếng Việt, các công trình được thực hiện dựa trên các bộ từ điển lớn nhất về từ vựng tiếng Việt. Các kết quả thống kê cho thấy những con số khá thống nhất, chỉ chiếm khoảng hơn 30%, thấp hơn nhiều so với những giả thuyết của các học giả trước đây về lượng từ mượn gốc Hán trong tiếng Việt.
Công trình “Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo” (Việt et al., 2018) khảo sát về lượng từ mượn trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê và một nhóm cộng sự biên soạn, tiếp thu toàn bộ thành quả của cuốn Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, Hoàng Phê chủ biên đã đưa ra kết quả như sau: Tổng số từ ngữ Hán Việt trong từ điển là: 14933 đơn vị, trong đó có 1184 từ đơn tiết. Trong tổng số mục từ của cuốn từ điển này là 45.850 đơn vị thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm 32,57%.
Luận án Tiến sỹ (bảo vệ cấp Cơ sở tại Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 2007) của Kỳ Quảng Mưu (NCS Trung Quốc) nghiên cứu dựa vào cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (tái bản năm 2006) (Mưu, 2007), tác giả này cho biết trong số 32.924 mục từ của Từ điển thì có 12.910 mục là từ Hán – Việt, chiếm tỷ lệ khoảng 39,2%. Trong số 12.910 mục từ Hán – Việt có 1.258 mục là từ đơn, chiếm tỷ lệ 9,7% và có 11.652 mục là từ phức, chiếm tỷ lệ là 90,3%. Trong số mục từ phức Hán – Việt, số lượng vay mượn nguyên khối là 9.093 từ, chiếm tỷ lệ khoảng 78%, còn số lượng do người Việt tự tạo có 2.564 mục từ, chiếm tỷ lệ 22%.
Hai thống kê của (Việt et al., 2018) và (Mưu, 2007) cho thấy hai kết quả chênh lệch nhau khoảng 7%, có lẽ do sự khác biệt trong số lượng từ được thống kê, nghiên cứu của Kỳ Quảng Mưu dựa trên bộ từ điển cũ do Hoàng Phê biên soạn, chỉ có 32.924 mục từ, nghiên cứu của nhóm Việt et al. 2018 thống kê dựa trên bộ từ điển mới cũng của nhóm Hoàng Phê biên soạn, nhưng đã được cập nhật, tổng số mục từ trong từ điển mới này là 45.850 mục từ, nhiều hơn 12.926 mục từ so với bộ từ điển cũ. Việt et al. 2018 nghiên cứu trong khối lượng từ vựng lớn hơn nhiều so với thống kê của Kỳ Quảng Mưu, cho thấy những kết quả toàn diện và cập nhật hơn.
Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh người Trung Quốc, La Văn Thanh: “Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt” (Có đối chiếu với tiếng Hán), tác giả đưa ra con số 10.900 tổ hợp song tiết Hán – Việt thống kê trong Từ điển tiếng Việt do Viện ngôn ngữ học biên soạn, Hoàng Phê chủ biên (Thanh, 2010). Nếu tính trên tổng số lượng từ ngữ của cuốn Từ điển tiếng Việt này là 39.924 thì lượng tổ hợp song tiết Hán Việt chiếm 27,3% . Tính cả từ đơn tiết và đa tiết Hán Việt thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm khoảng 31,5%.
Theo thống kê Bộ từ điển đối chiếu Việt – ngoại ngữ là Đại từ điển Việt – Nga mới (Viện Ngôn ngữ học – Viện Khoa học Nga & Viện Từ điển học và Từ điển bách khoa – Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 2012), tổng số từ Hán Việt được chú chữ Hán là 20.067 đơn vị (không chú cho từ đơn âm) trong tổng số khoảng 80.000 đơn vị mục từ. Nếu tính cả từ đơn âm thì lượng từ Hán Việt trong bộ từ điển này chiếm khoảng 26,6% của toàn bộ mục từ trong từ điển.
Các thống kê chi tiết dựa trên toàn bộ từ vựng hoặc dựa trên các bộ từ điển đều chỉ cho thấy con số vay tiếng Trung Quốc của tiếng Việt trung bình khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với phỏng đoán của Maspero và các nhà nghiên cứu khác.
2.3. Lượng từ mượn trên từng lĩnh vực:
Thống kê chi tiết lượng từ mượn Hán-Việt trong từng lĩnh vực, đã cho thấy những con số không thống nhất với nhau, số lượng từ vay mượn cao thấp tùy thuộc vào từng lĩnh vực.
– Luận án tiến sĩ “Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến nay)” của Bùi Thị Thanh Lương bảo vệ năm 2006 (Lương, 2006), đã cho thấy lớp từ ngữ mới có nguồn gốc ngoại lai chiếm số lượng khá lớn, trong đó từ vay mượn gốc Hán chiếm ưu thế với 46,09%. Khảo sát cụ thể sự hoạt động của từ ngữ mới trong một số tác phẩm văn học được lựa chọn từ sáng tác của các tác giả: Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, luận án đã cho thấy trong các tác phẩm văn học, các từ ngữ mới chủ yếu là các từ thuần Việt, chiếm tỉ lệ 75% so với 14,8% từ Hán Việt.
Trong luận án tiến sĩ “Thuật ngữ khoa học kỹ thuật xây dựng trong tiếng Việt” của Vũ Thị Thu Huyền, bảo vệ năm 2013 (Huyền, 2013), về nguồn gốc, luận án cho thấy đơn vị cấu tạo thuật ngữ xây dựng tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại ngữ tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các thuật ngữ được cấu tạo từ các ngữ tố thuần Việt chiếm tỉ lệ lớn: 72,24%, các thuật ngữ do sự ghép lai các ngữ tố thuần Việt và Hán Việt có tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều: 20,24%.
– Trong luận án tiến sĩ “Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt” của Quách Thị Gấm – 2014 (Gấm, 2014), tác giả cho thấy về nguồn gốc, đơn vị cấu tạo thuật ngữ báo chí tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại yếu tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các loại có cấu tạo từ các yếu tố Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn hơn cả (67,7%, so với thuần Việt là 25,3%, Ấn Âu là 7%).
– Luận án tiến sĩ “Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại” của Lê Thị Thùy Vinh – 2014 (Vinh, 2014) đã cho thấy, xét về nguồn gốc, có đến 745/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 73,6%) có nguồn gốc Hán Việt, 94/1011 đơn vị (chiếm tỉ lệ 9,3%) có nguồn gốc Âu Mỹ; chỉ có 172/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 17%) là từ thuần Việt.
– Luận văn thạc sĩ: “Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của học viên cao học Vũ Đình Tuấn (2013) (Tuấn, 2013) đã đi vào khảo sát đặc điểm từ Hán – Việt trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát cho thấy tổng số từ Hán Việt được sử dụng là 3534 từ trên tổng số 12250 từ trong toàn bộ 25 tác phẩm được khảo sát, chiếm tỉ lệ 28,9%. Tác giả cũng cho thấy loại văn bản là tuyên ngôn, lời kêu gọi, lời hiệu triệu có số lượng từ Hán Việt được sử dụng nhiều nhất.
– Luận án tiến sĩ: “Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ” của Đặng Mỹ Hạnh (Hạnh, 2014) cho thấy, trong tác phẩm báo chí của nhà báo Hữu Thọ, theo nguồn gốc, lớp từ Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn nhất (51,3%); từ thuần Việt chiếm 43,9%, chủ yếu dùng trong nhóm từ chỉ nghề nông thuộc hai thể loại điều tra và ghi chép của nhà báo; từ Ấn – Âu chiếm 2,9%, phân bố khá đồng đều ở các tác phẩm.
Lượng từ mượn trong các lĩnh vực khác nhau cho thấy những con số khác nhau, có lĩnh vực như Khoa học xây dựng, từ thuần Việt chiếm ưu thế, nhưng ở lĩnh vực khác như báo chí, từ Hán-Việt lại chiếm ưu thế. Tổng số từ Hán-Việt được sử dụng trong các văn bản cũng phụ thuộc vào lĩnh vực và nội dung văn bản đó hướng tới, cũng như ý thức sử dụng ngôn ngữ của những người thực hiện các văn bản.
2.4. So sánh lượng từ vựng vay mượn cũ và mới trong tiếng Việt:
Nghiên cứu của (Việt et al., 2018) đã tiến hành so sánh một số từ đầu mục trong Từ điển tiếng Việt thời kì đầu thế kỉ XX với bảng từ của Từ điển tiếng Việt xuất bản gần đây, để có thể thấy được sự thay đổi (với nghĩa là có tạo mới và có mất đi) của lớp từ ngữ Hán Việt.
So sánh những từ đầu mục có từ gốc là An (安), có thể thấy:
– Trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có 21 mục từ:
an bài, an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhàn, an nhân, an ổn, an phận, an tâm, an táng, an tĩnh, an thân, an thường, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị.
– Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) có 29 mục từ, gồm:
an bài, an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhàn, an nhiên, an ninh, an phận, an phận thủ thường, an sinh, an táng, an tâm, an thai, an thân, an thần, an tọa, an toàn, an toàn khu, an trí, an ủi, an ủy, an vị,
Trong số các mục từ dẫn ra ở hai từ điển nêu trên, chỉ có 11 mục từ chung cho cả 2 từ điển là: an bài, an nhàn, an phận, an tâm, an táng, an thân, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị. Có 9 mục từ có ở Đại Nam Quấc âm tự vị nhưng không có ở Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) là: an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhân, an ổn, an tĩnh, an thường. Có 18 mục từ có trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) nhưng không có trong Đại Nam Quấc âm tự vị là an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhiên, an ninh, an phận thủ thường, an sinh, an thai, an thần, an toàn khu, an ủi.
So sánh thêm những từ đầu mục có từ gốc là bát (八), có thể thấy tình hình như sau:
– Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí-Tiến Đức có 13 mục từ, gồm:
bát âm, bát bửu, bát dật (bát tuần), bát dật (lối múa), bát giác, bát giác lầu, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát sát, bát tiên, bát tuần, bát trận.
– Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) cũng có 13 mục từ, gồm:
bát âm, bát cổ, bát cú, bát diện, bát giác, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát tiên, bát tiết, bát trân, bát tuần, bát vị.
Tuy nhiên, trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex), không có 7 từ mà Việt Nam tự điển đã thu thập: bát bửu, bát dật (2 từ), bát giác lầu, bát sát, bát tuần, bát trận; ngược lại, trong Việt Nam tự điển không có 6 từ mà Từ điển tiếng Việt có là: bát cổ, bát cú, bát diện, bát tiết, bát trân, bát vị.
Khảo sát một số trường hợp khác như các mục từ có từ gốc là bất (不), đồng (同), hồi (回, hội (會)… cũng thu được kết quả tương tự.
Từ các kết quả khảo sát nêu trên, có thể kết luận: có một số lượng lớn các từ Hán Việt đã trở thành các từ cũ, không còn được sử dụng trong tiếng Việt hiện thời. Bên cạnh đó, cũng lại có một số lượng không hề nhỏ các từ Hán Việt mới được tạo thành. Tình hình này làm cho lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt luôn duy trì ở một tỉ lệ tương đối ổn định.
2.5. So sánh với các ngôn ngữ Đông Á khác:
Trong vùng văn hóa Đông Á, không chỉ riêng tiếng Việt mà các ngôn ngữ của các quốc gia cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, đó là tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, cũng tồn tại một lượng rất lớn các từ vựng có gốc Trung Quốc. Lượng từ gốc Trung Quốc trong hai ngôn ngữ này dựa trên những thống kê từ điển chiếm một tỉ lệ rất cao so với tiếng Việt.
Tiếng Hàn Quốc theo thống kê trong “Từ điển toàn diện về tiếng Hàn” (The Comprehensive Dictionary of Korean) đã cho thấy số từ Hán-Hàn (Sino-Korean) chiếm khoảng 52.1% trong tổng số 164,125 mục, từ thuần Hàn chiếm khoảng 45.5% và các từ mượn khác chiếm 1.4% (Allan, 2013, p. 223).
Tiếng Nhật Bản theo thống kê năm 1988 trong cuốn “Quốc ngữ Bách khoa Đại từ điển” (日本語百科大事典) (Haruhiko Kindaichi (金田一 春彦) et al., 1988), thống kê trên ba bộ từ điển “Ngôn hải” (言海) (1889), “Lệ giải Quốc ngữ Từ điển” (例解国語辞典) (1956) và “Từ điển Quốc ngữ Kadokawa” (例解国語辞典) (1969), cho thấy những kết quả vay mượn tiếng Trung Quốc qua từng bộ từ điển như sau:
– “Ngôn hải” có tổng cộng 39.103 mục từ, trong đó 55.8% từ gốc Nhật, 34.7% từ gốc Trung Quốc, 1,4% từ vay mượn và 8.1% từ kết hợp.
– “Lệ giải Quốc ngữ Từ điển” có tổng cộng 40.393 mục từ, trong đó có 36.6% từ gốc Nhật, 53.6% từ gốc Trung Quốc, 3.5 từ vay mượn và 6.2% từ kết hợp.
– “Từ điển Quốc ngữ Kadokawa” có tổng cộng 60,218 mục từ, 37.1% từ gốc Nhật, 52.9% từ gốc Trung Quốc, 7.8% từ vay mượn, 2.2% từ kết hợp.
Lượng từ mượn của tiếng Nhật qua các bộ từ điển có xu hướng tăng dần, từ 34.7% năm 1889 lên 53.6% năm 1956. Tới năm 2002, thì tỉ lệ từ mượn gốc Hán trong tiếng Nhật có giảm xuống, nhưng vẫn duy trì xấp xỉ 50% toàn bộ từ vựng.
Theo thống kê của Viện Ngôn Ngữ Quốc Gia Nhật Bản trong từ điển Tân Tuyển Quốc Ngữ Từ Điển (新選国語辞典) (2002) cho thấy tiếng Nhật hiện đại mượn khoảng 49,1% tiếng Hán, 33,8% từ bản địa, 8,8% từ mượn các tiếng khác và 8,4% là từ lai (Scherling, 2009).
Các từ mới trong thời gian gần đây phần lớn là từ mượn gốc Hán hoặc các ngôn ngữ khác, điều này khiến khối lượng từ vựng tiếng Nhật ngày càng nhiều từ vay mượn, trái ngược với tình hình của tiếng Việt, khi lượng từ mới của tiếng Việt chiếm một tỉ lệ khá cao là những từ thuần Việt.
Cụ thể, vào năm 1960, thành phần của các từ mới trong tiếng Nhật như sau: 3,6% từ bản ngữ, 40,2% từ Hán-Nhật (Sino-Japanese), 43% từ mượn, và 13,2% từ lai. Tuy nhiên, sự phân bố các từ mới vào năm 1980 đã được thay đổi thành như sau: 1,9% từ bản ngữ, 28,8% từ Hán-Nhật, 57,6% từ vay và 11,7% từ lai (Pae, 2020, p. 90).
Qua các thống kê này, có thể thấy được trong các ngôn ngữ Hàn Quốc và Nhật Bản, từ vay mượn tiếng Trung Quốc hiện nay chiếm tới hơn 50% tổng số từ vựng của các ngôn ngữ này. Đây là một con số cao hơn nhiều so với tỉ lệ thống kê trung bình 30% từ Hán-Việt của tiếng Việt. Nó cũng cho thấy được tiếng Việt đã bảo tồn ngôn ngữ gốc của dân tộc mình qua giai đoạn đồng hóa của người Trung Quốc trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, cùng 1000 năm tiếp theo ảnh hưởng văn hóa tốt như thế nào.
2.6. Kết luận:
Qua khảo sát toàn diện dựa trên toàn bộ từ vựng và các từ vựng cốt lõi, số từ vay mượn của tiếng Trung Quốc trong tiếng Việt nằm trong khoảng 30% trên tổng số từ vựng và từ vựng cốt lõi. Con số này không phải là nhỏ, nhưng cũng không phải là quá cao như những phỏng đoán trước đó.
Những kết quả khảo sát trên các lĩnh vực, cũng cho thấy những kết quả khác nhau, số lượng từ vay mượn cao hay thấp tùy từng lĩnh vực. Trong các văn bản, lượng từ mượn được sử dụng cũng có tỉ lệ khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực cũng như ý thức của người sử dụng ngôn ngữ trong diễn đạt câu chữ, có những lĩnh vực sẽ yêu cầu sử dụng từ mượn cao hơn.
Lượng từ mượn không còn được sử dụng cũng như lượng từ mượn được tạo mới được đào thải và tạo ra liên tục, với tỉ lệ không chênh lệch nhau nhiều, dẫn tới hiện trạng lượng từ Hán-Việt không dao động quá lớn theo thời gian, thậm chí còn có xu hướng tăng lên.
Các kết quả này đã cho thấy tiếng Việt bên cạnh việc vẫn giữ cốt lõi ngôn ngữ của mình, đã vay mượn và sử dụng các từ mượn một cách linh hoạt, Việt hóa các từ mượn để sử dụng trong cuộc sống của mình, giúp làm giàu có thêm vốn từ vựng tiếng Việt.
Việc vay mượn giữa các ngôn ngữ là điều bình thường và tất yếu, không ngôn ngữ nào tồn tại độc lập mà không vay mượn các yếu tố của các ngôn ngữ khác, nhưng việc làm rõ về khối lượng từ mượn tiếng Việt, bên cạnh những phân tích được làm rõ về những ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc đối với tiếng Việt (Alves, 2014), những khảo cứu này đã cho thấy sự ảnh hưởng đó không phải quá lớn như những gì đã được giả định, những ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc đối với tiếng Việt thấp hơn nhiều so với các ngôn ngữ Đông Á khác như tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc.
Điều này đã cho thấy được sức sống của tiếng Việt, tiếp nhận những ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc để làm giàu thêm ngôn ngữ của mình, nhưng không làm mất đi bản sắc ngôn ngữ, những gì được vay mượn không lấn át đi giá trị cốt lõi của ngôn ngữ dân tộc.
Lang Linh
Tài liệu tham khảo:
Allan, K. (Ed.). (2013). The Oxford handbook of the history of linguistics (1st ed). Oxford University Press.
Alves, M. J. (2009). 24. Loanwords in Vietnamese. In M. Haspelmath & U. Tadmor (Eds.), Loanwords in the World’s Languages (pp. 617–637). Walter de Gruyter. https://doi.org/10.1515/9783110218442.617
Alves, M.J. (2014). What ’ s so Chinese about Vietnamese ?
Gấm, Q. T. (2014). Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt [Luận án tiến sĩ]. Học viện Khoa học xã hội.
Hạnh, Đ. M. (2014). Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ [Luận án Tiến sĩ]. Học viện Khoa học xã hội.
Hạo, C. X. (2003). Tiếng Việt—Văn Việt—Người Việt. Nhà Xuất Bản Trẻ.
Haruhiko Kindaichi (金田一 春彦) et al. (1988). Quốc ngữ Bách khoa Đại từ điển『日本語百科大事典』. Taishukan 大修館.
Haspelmath, M., & Tadmor, U. (Eds.). (2009). Loanwords in the World’s Languages: A Comparative Handbook. Walter de Gruyter. https://doi.org/10.1515/9783110218442
Huyền, V. T. T. (2013). Thuật ngữ khoa học kỹ thuật xây dựng trong tiếng Việt [Luận án tiến sĩ]. Học viện Khoa học xã hội.
Lương, B. T. T. (2006). Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến 2006) [Luận án tiến sĩ]. Viện Ngôn ngữ học.
Maspero, H. (1912). Études sur la phonétique historique de la langue Annamite: Les initiales. Bulletin de l’École Françoise d’ExtrêmeOrient, 12, 1–127.
Mưu, K. Q. (2007). Căn cứ đế người Việt tạo ra từ ghép Hán Việt mới. Tạp Chí Ngôn Ngữ, 7(218), 24–30.
Pae, H. K. (2020). Chinese, Japanese, and Korean Writing Systems: All East-Asian but Different Scripts. In H. K. Pae, Script Effects as the Hidden Drive of the Mind, Cognition, and Culture (Vol. 21, pp. 71–105). Springer International Publishing. https://doi.org/10.1007/978-3-030-55152-0_5
Scherling, J. (2009). Embrassimilating the Other Anglicisms in Japanese – A Cultural Pragmatic Model for Loanword Integration [PhD Dissertation]. Karl-Franzens-Universität.
Thanh, L. V. (2010). Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt (Có đối chiếu với tiếng Hán) [Luận án Tiến sĩ]. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Toàn, Đ. M., & Chào, L. H. (2019). Phương pháp học từ vựng tiếng Hán hiện đại dựa vào mối liên hệ về ngữ âm, ngữ nghĩa với từ Hán Việt. Tạp Chí Khoa Học – Đại Học Đồng Nai, 13.
Tuấn, V. Đ. (2013). Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh [Luận văn thạc sĩ]. Trường Đại học Thái Nguyên.
Viện Ngôn ngữ học – Viện Khoa học Nga & Viện Từ điển học và Từ điển bách khoa – Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (2012). Từ điển Việt-Nga khổ lớn mới Новый большой вьетнамско-русский словарь. Nhà xuất bản Văn học Vostochnaya Издательская фирма “Восточная Литература.”
Việt, P. H., Anh, N. H., Hà, T. T., Huyền, N. T., Tân, N. T., Thại, L. X., Thắng, L. T., & Trà, D. T. T. (2018). Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
Vinh, L. T. T. (2014). Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại [Luận án tiến sĩ]. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
fb Truong Nguyen
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02UJHBpfykCysWmmNS1dBk1VMYwwgggGBNTFpzofvLY8Dfh2spCg9vuZtUy3ZDX2g4l&id=100004962253861
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)