29/4/24

Nhạc Sĩ Phạm Duy Nói Về Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn



(Đọc trong đêm họp mặt của bạn bè, 3 April 2001, tại Quận Cam trong khi Saigon đang làm lễ an táng TCS.)


Từ 1975 cho tới năm 2000, suốt 25 năm xa quê hương đất nước, tôi không có cơ hội để theo rõi sinh hoạt của âm nhạc Việt Nam và không biết sau cơn hồng thủy, nhạc Trịnh Công Sơn ra sao, là nhạc chắp cánh bay lên hay nhạc la đà chìm xuống" Nhưng qua dăm bẩy băng nhạc sản xuất tại Hoa Kỳ trong đó có vài ba bài ca mới soạn của Trịnh Công Sơn thì tôi thấy nhạc của anh vẫn là nhạc tình yêu và nhạc thân phận làm người.

Nhưng vào năm 1980, ngẫu nhiên Trịnh Công Sơn và tôi cùng có mặt ở Paris, trong nỗi vui mừng gặp nhau của hai người cùng có chung một phận, Trịnh Công Sơn hát cho tôi nghe bài hát “Lặng Lẽ Nơi Này” mà anh vừa mới viết ra:

Trời cao đất rộng,
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận,
Một mình tôi về
Một mình tôi về...với tôi!

... thì tôi thấy nghệ sĩ nào rồi cũng phải mang số phận cô đơn truyền kiếp, ở quê hương hay xa quê hương, vào thời bình hay chinh chiến, giữa đám đông hay khoảng trống, nơi thiên đàng hay địa ngục... Chỉ còn có thể về với mình, “về với tôi” như Sơn đã nói.

Trời cao đất rộng, một mình tôi đi ... Cô đơn truyền kiếp phải chăng là kiếp của nhiều ca nhân" Văn Cao khi mới chỉ là chàng Trương Chi tuổi còn rất xanh, tài hoa đang nở rực, chưa hề biết phận mình mỏng manh ra sao trong cơn gió lốc sẽ tới, mà cũng đã chỉ muốn “Ngồi đây ta gõ mạn thuyền Ta ca, trái đất còn riêng ta!”

Còn tôi" Tôi còn phải sống, đôi khi phải đổi chỗ đứng, đổi chỗ ngồi cho đỡ buồn trong cõi trần ai sầu muộn này, từ rất lâu ngồi đâu thì cũng chỉ là ngồi một mình trong cái TA.

Hôm nay là ngày an táng Trịnh Công Sơn. Vào giờ phút anh đã thực sự về với đất, với trời, nghĩa là về với mình rồi, chúng tôi biết rằng anh đã nghìn lần nói lên nghìn lời trối trăn qua tác phẩm, lời nào cũng làm cho mọi người thấy được nỗi đau làm người, nỗi đau tình cờ, cơn đau chưa dài và cơn đau lên đầy, quá nửa đời người không một ngày vui...

Nhưng theo tôi, có lẽ sau đây là lời trăn trối tuyệt diệu nhất, lời cuối cùng Trịnh Công Sơn nói với Trịnh Công Sơn :

Đừng tuyệt vọng,
tôi ơi đừng tuyệt vọng,
Lá mùa Thu rơi rụng
giữa mùa Đông
Đừng tuyệt vọng,
em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.
Con diều bay
mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi
cho vực thẳm buồn theo
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ"
Tôi là ai mà còn trần gian thế!
Tôi là ai, là ai... là ai
Mà yêu quá đời này!

PHẠM DUY

*

(Dưới đây là trích đoạn từ cuốn sách của Phạm Duy - HỒI KÝ III : THỜI PHÂN CHIA QUỐC-CỘNG)

Đầu thập niên 70 là lúc Nhạc Việt, trong phạm vi ca khúc, phát triển đến tột độ. Có sự thành công của những bài hát thông thường và chỉ được coi là nhạc thương phẩm -- mệnh danh là nhạc vàng -- với những tình cảm dễ dãi phù hợp với tuổi choai choai, với em gái hậu phương và lính đa tình, tuy không được coi trọng nhưng lại rất cần thiết cho vài tầng lớp xã hội trong thời chiến. Rồi có phong trào du ca và tâm ca với những bài hát phi-thương-mại, đi kèm với tình ca quê hương và trường ca, nói lên được phần nào tâm thức của thời đại và được thanh niên sinh viên công nhận.

Trong phạm vi giải trí, phòng trà trở thành cái mốt của mọi người : thương gia, công chức, tư chức, quân nhân, thương phế binh và cả các bà nội trợ nữa... ai ai cũng thích đi nghe nhạc và giúp cho ca sĩ chuyên nghiệp, nhạc sĩ sáng tác, nhạc công đánh đàn thăng tiến trong nghề mình. Cánh tay nối dài của phòng trà là quán cà phê có nghe nhạc, thu hút đông đảo sinh viên, học sinh. Nhạc trẻ ra đời, đem lại cho nhạc Việt một số bài hát mới, sôi nổi, đậm sắc hơn trước. Một rừng nhân tài trẻ trung xuất hiện qua những ban nhạc bốn người (gọi là combo), sử dụng nhạc khí điện tử với âm thanh mới lạ.

Mười năm về trước, ở trong nước chỉ có ba nhà sản xuất đĩa hát. Bây giờ, rất nhiều người -- từ Ngọc Chánh (SHOTGUNS) qua Duy Khánh (TRƯ-NG SƠN) tới những người của các hãng khác (NHÃ CA, HOA MI, SƠN CA, SÓNG NHAC)... làm nghề sản xuất băng nhạc, mỗi tháng tung ra những chương trình nhạc rất hấp dẫn, kể cả cổ nhạc lẫn tân nhạc, nhạc trẻ lẫn nhạc già (nhạc tiền chiến). Hàng trăm, hàng ngàn (hàng vạn, nếu kể cả Saigon và các tỉnh) cửa hàng sang băng, càng làm cho băng nhạc phát triển dữ dội.

Trong bối cảnh sinh động như vậy, phần chính yếu là sáng tác phẩm phải rất phong phú. Vào lúc này, ngoài những người đi trước như Vũ Thành, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Lâm Tuyền, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Văn Giảng, Ngọc Bích, Hoàng Thi Thơ, Trần Ngọc, Y Vân, Lê Dinh, Anh Bằng, Trúc Phương, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh tức Nhật Trường, Lam Phương, Đỗ Lễ, Phạm Thế Mỹ... đã xuất hiện một số người mới như Thanh Trang, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh 9, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang... Tân Nhạc đã có tới bốn đời nhạc sĩ và có hàng trăm, hàng ngàn ca khúc được soạn ra và hát lên. Trong Hồi Ký này, tôi chỉ nhắc tới những người đánh dấu thời đại một cách sâu đậm bằng tác phẩm của mình.

Người nổi nhất là Trịnh Công Sơn. Trước tiên, người ta biết tới anh nhờ Quán VĂN. Quán do nhóm sinh viên mang tên KHAI HOÁ chủ trương. Nhóm này đã làm nhà xuất bản (QUẢNG HOÁ) rồi khi phong trào phòng trà thịnh hành, nhóm mở quán cà phê ở ngay trung tâm Saigon, trên nền Khám Lớn cũ trong khu Đại Học Văn Khoa, sinh viên tới uống cà phê nghe băng nhạc và nghe Khánh Ly hát.

Bài hát của Trịnh Công Sơn đươc nghe tại quán VĂN lúc đầu là Lời Buồn Thánh. Cũng như nhạc Đặng Thế Phong, bài hát tân lãng mạn (néo-romantique) này nói về nỗi buồn. Bài Lời Buồn Thánh thật là buồn, như bài hát buồn làm cho người Âu Châu phải tự tử là Chủ Nhật Buồn tôi đã nói tới trong một chương sách. Trong bài hát của mình, họ Trịnh cũng nói tới ngày chủ nhật buồn: Chiều chủ nhật buồn, Nằm trong căn gác đìu hiu, Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều, Trời mưa, trời mưa không dứt, Ô hay mình vẫn cô liêu...

Thoạt nghe đã thấy ngay là tiếng hát đau đớn, thấy mưa ảm đạm trong lòng (như thơ Verlaine), thấy sự cô đơn, hoang vắng. Sinh ra ở Ban Mê Thuột (hay Pleikủ), sống ở Huế, mưa ám ảnh Trịnh Công Sơn rất nhiều cho nên cũng vẫn là nỗi buồn của ngày chủ nhật mùa mưa trong bài Tuổi Đá Buồn: Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, Từng ngón tay buồn em mang em mang, Đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn...

Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc nói về QUÊ HƯƠNG, TÌNH YÊU, và THÂN PHẬN CON NGƯỜI. Hãy nói về tình khúc Trịnh Công Sơn, nói về thân phận Người Tình trong giai đoạn quê hương đổ nát này.



Từ khi Tân Nhạc Việt Nam ra đời đầu thập niên 40, đã có những tình khúc của Lê Thương, Lê Yên, Hoàng Giác, Dzoãn Mẫn... Lúc đó là thời bình, khi tình còn xanh và yêu chưa lo sợ. Ngôn ngữ tình yêu thật là bình dị, đối tượng là cô hái mơ, cô láng giềng, cô lái đò, cô hái hoa hay anh Trương Chi. Từ khi nước Việt bị chia đôi, nhạc tình miền Nam đậm sắc hơn và trong mười năm đầu, vì cuộc đời chưa thực sự bị đe doạ, người ta vẫn có những bài hát hữu tình hay thất tình, xinh xinh, hiền lành, lúc đầu còn mới mẻ, dần dà ngôn ngữ tình yêu trở thành sáo ngữ. Tới lúc đời sống trở nên bấp bênh, thanh niên được gọi đi lính rất nhiều (chết trận cũng nhiều) biết bao nhiêu đôi lứa phải xa nhau (có khi vĩnh viễn xa nhau) tình khúc miền Nam thay đổi ngôn ngữ.

Nhạc tình không còn là nhạc lãng mạn, nhạc cảm tính với câu hát đắm đuối hay hờn dỗi nữa ! Bây giờ là những bài hát nhức nhối của những tình nhân yêu nhau trong cơn mê sảng. Nhạc trở thành não nề và đánh vào não tính. Nhạc tình bây giờ là tình ca của người mất trí.

Tình khúc Trịnh Công Sơn ra đời, từ giàn phóng là Quán VĂN được hoả tiễn Khánh Ly đưa vút vào phòng trà, rồi vào băng cassette và chỉ trong một thời gian ngắn chinh phục được tất cả người nghe. So với tình khúc của ba bốn chục năm qua, ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn rất mới, chất chứa những hình ảnh lạ lùng, quyến rũ như cơn mưa hồng, thuở hồng hoang, dấu điạ đàng, cánh vạc bay...

Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù loà, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng... Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi... Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn... Buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn! Hãy nghe thêm những câu hát về mưa trong Diễm Xưa :Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động, Làm sao em biết bia đá không đau" Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...

Diễm Xưa cho thấy rõ tiếng hát đứt đoạn của nội tâm về nỗi đau con người trong tình yêu, thấy thêm sự hoang vắng của tâm hồn. Bị ám ảnh bởi mưa đến độ còn nhìn ra mầu sắc của mưa -- mưa hồng -- Trịnh Công Sơn nói lên nỗi bàng hoàng của con người khi thấy cái chết nằm ngay trong sự sống: Người ngồi xuống xin mưa đầy, Trên hai tay cơn đau dài, Người nằm xuống nghe tiếng ru, Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ "

Nguyễn Đình Toàn gọi nhạc Trịnh Công Sơn là những bản tình ca không có hạnh phúc, những bài hát cho quê hương đổ vỡ. Cũng là phản ứng của người đau đớn trước hoàn cảnh đất nước, nhưng nó là sự chịu đựng và chết lịm hơn là sự nổi sùng và chửi bới. Có lẽ vì tác giả là người lớn lên ở Huế, một thành phố nên thơ, hiền hoà, không chấp nhận bạo động. Tôi vẫn cho người Việt ở ba miền đất nước có những phản ứng khác nhau trước những hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ người con gái miền Bắc thất tình thì phản ứng bằng sự điên giả -- CHÈO có vở Vân Dại Giả Điên -- hay điên thật rồi nguyền rủa, chửi bới cuộc đời (như ông giáo ở Phú Nhuận nói ở chương trên). Sự phản ứng của người gái Huế là buông xuôi (fatalisme), mất người tình là nàng có thể đâm đầu xuống sông tự tử. Còn ở miền Nam à" Không oong đơ gì cả, người thất tình sẽ đốt chồng như cô Quờn.

Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại. Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hoà âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này.

Từ nhạc tình yêu, thân phận con người, Trịnh Công Sơn chuyển qua nhạc thần thoại quê hương. Âm nhạc ở miền Nam trong thời gian này thật phong phú. Vẫn có những bài hát soạn cho tuổi choai choai : Em 16, Em Mới Biết Yêu Đã Biết Sầu, Túp Lều Lý Tưởng, Người Tình Chung Vách, Người Tình Chung Thủy và cho người lính Cộng Hoà: Lính Mà Em, Lính Dù Lên Điểm, Lính Nghĩ Gì, Lính Xa Nhà, Lời Người Lính Xa, Lính Trận Miền Xa, Anh Là Lính Đa Tình, Người Lính Chung Tình, Đám Cưới Nhà Binh... Và có thêm những bài hát phản ứng trước cảnh tang thương của đất nước. Như đã nói trong chương trước, nhạc tâm ca, du ca lúc này là sự phẫn nộ của thanh niên khi thấy mình bị đưa lên giàn hoả thiêu hoặc phải đi vào quê hương bằng cuộn dây thép gai... rồi xuống vỉa hè và trở thành tục ca.

Bây giờ, ngoài những ca khúc đi vào tình nhớ, tình xa, tình sầu... với cơn chết lịm, với nỗi muộn phiền và niềm xót xa trong cảnh cô đơn mà ta đã biết, nhạc Trịnh Công Sơn phản đối nghịch cảnh bằng cách khác. Nhạc anh đi vào quê hương bằng bước chân của người con gái da vàng, của em bé loã lồ suốt đời lang thang...

Sống cùng thời với những người đi vào quê hương qua nhiều nẻo đường, Trịnh Công Sơn cũng nhận diện lại quê hương. Đi tìm quê hương, phải sống những ngày dài trên quê hương thì phảt hát bài quê hương, phải nhỏ giọt nước mắt cho quê hương khi thấy quê hương hình hài nát dấu bom với xác người chết hai lần... Phải gặp những người tình có người yêu chết trận Pleime hay chết ở chiến khu D, gặp thêm người già em bé, chị gái anh trai, người phu quét đường, đồng hoá họ là người nô lệ da vàng, ngủ im trong căn nhà nhỏ... chờ ngày quê hương sáng chói, đứng dậy hò reo, chờ Hoà Bình đến tiếng bom im, cho những bước đi trên những con đường không chông mìn, cho đường giao thông chắp nối chuyến xe qua ba miền, ngày Thống Nhất tới cho những tình thương vô bờ...

Nhạc thần thoại quê hương, nhạc tình yêu và thân phận con người của Trịnh Công Sơn có một tư tưởng chỉ đạo khá rõ, dù toàn bộ âm nhạc của anh đ(c)p như một bức hoạ trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác chữ lẫn hồn thơ, nghe bảng lảng, mơ hồ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng nếu nghe kỹ cũng tìm ra ý chính : Trịnh Công Sơn muốn nói lên nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại, có tình yêu, có chiến tranh, có hận thù, có cái chết dễ dàng như chết trong mơ. Anh ca tụng tình yêu và -- cũng như bất cứ nghệ sĩ nào ở trên đời này -- anh chống bạo lực và chống chiến tranh.

Một, hai năm trước biến cố 30-4-1975, nhạc Trịnh Công Sơn đi vào Thiền, có lẽ cũng giống như tôi đi vào Đạo Ca, vì lũ chúng tôi, khi nhập cuộc khi xuất thế... như thể sống lửng lơ giữa thiên đường và điạ ngục.

(trích Hồi Ký - Thời Phân Chia Quốc Cộng, tác giả PHẠM DUY)

Nguồn: https://vietbao.com/a19686/nhac-si-pham-duy-noi-ve-nhac-si-trinh-cong-son

26/4/24

Tưởng tại

 

想在山間有畝田,種花種草種清閑。
小酌秋月觀雲舞,醉臥春風聽雨眠!
佚名

Âm

Tưởng tại sơn gian hữu mẫu điền,
Chủng hoa chủng thảo chủng thanh nhàn.
Tiểu chước thu nguyệt quan vân vũ,
Túy ngọa xuân phong thính vũ miên.

Chú

小酌 uống xoàng

Đọc theo âm Hán Việt thì bài thơ lạc vận (điền - nhàn), nhưng đọc theo âm Bắc Kinh thì không (điền /tián/, nhàn /xián/ )

Bài thơ đọc được trên mạng (Tàu), không thấy ghi tên tác giả và thời điểm sáng tác..

Nghĩa

Ước có mấy mẫu đất trên núi, Trồng hoa trồng cỏ trồng thanh nhàn.
Dưới trăng thu nhắp chén rượu nhìn mây bay lượn, Trong gió xuân say nằm nghe mưa ngủ.

Tạm dịch

Giá ở trên non có mấy sào,

Trồng hoa trồng cỏ sống tiêu dao.

Trăng thu nhấp rượu nhìn mây lượn,

Mưa hạ say nằm nghe gió xao.

Thư pháp (trên internet)

21/4/24

sơ đầu

 梳頭

一生辜負五車書,
閱盡風埃髮愈疏。

心髮詎爭長短事,
到紛如處總紛如

高伯适

Âm. Sơ đầu

Nhất sinh cô phụ ngũ xa thư,
Duyệt tận phong ai phát dũ sơ.
Tâm phát cự tranh trường đoản sự,
Đáo phân như xứ tổng phân như.

Nghĩa. Chải đầu

Một đời phụ với năm xe sách,
Trải qua gió bụi tóc càng thưa thêm.
Lòng và tóc không cần tranh nhau chyện hơn kém,
Đến lúc đã rối bời thì cùng rối bời như nhau

Tạm dịch.

Ngẫm thẹn cùng năm xe sách xưa,

Trải bao gió bụi tóc thêm thưa.

Tóc, lòng há phải tranh hơn kém,

Lòng xác xơ tóc cũng xác xơ.

Giản thể. 梳头.
一生辜负五车书,阅尽风埃发愈疏。
心发讵争长短事,到纷如处总纷如。

Chú.

-         -          五車書 5 xe sách. 五車書 5 xe sách. Sách Trang tử, thiên Thiên hạ: “惠施多方,其書五車。” Huệ Thi đa phương, kì thư ngũ xa: Huệ Thi (nhà tư tưởng thời Chiến Quốc) có nhiều cách (giải quyết công việc), sách của ông chứa đầy năm xe. Ý là người đọc nhiều (hiểu rộng). 
Tương truyền Cao Bá Quát thường nói: “Thiên hạ có bốn bồ chữ, ta chiếm hai bồ. Bá Đạt (anh của Quát) và Nguyễn Văn Siêu (bạn của Quát) chiếm một bồ. Còn một bồ chia cho thiên hạ”.  5 xe / 10 xe = 2 bồ / 4 bồ!

-          髮愈疏 tóc càng thưa.  dũ (phó từ): càng.

-          長短 dài ngắn, hơn kém, đúng sai, tốt xấu, ..
Đỗ Phủ, Lí Bạch từng dùng sợi tóc ngắn/dài để so sánh với nỗi buồn: 
白頭搔更短 (Đỗ Phủ, Xuân Vọng) Mái tóc bạc càng gãi càng ngắn.
白髮三千丈,離愁似個長。(Lí bạch, Thu phố) Tóc trắng ba ngàn trượng, nỗi buồn chia cách dài tựa như thế.

-          到紛如處 đi đến chỗ rối rắm.  (tính từ) nhiều và khác nhau; rối rắm, tạp loạn.  ở đây làm trợ từ, đứng sau tính từ biểu thị tình trạng. 
Cao Bá Quát, tự Chu Thần, nhà thơ nổi tiếng thời Nguyễn. Về sau tham gia chống đối triệu đình (vụ giặc Cào cào), bị tru di tam tộc.

Bông giấy

 Bông giấy


Tưởng ta nhớ chú lắm sao

Này cây bông giấy bên rào năm xưa

Chẳng qua trời đổ cơn mưa

Thì thương cành mọn đong đưa một mình.

 

Cao Tần

(tháng 12, 77)


Cao Tần: https://8khung.blogspot.com/2016/09/ta-lam-gi-cho-het-nua-oi-sau.html




19/4/24

Nhâm Dần niên lục nguyệt tác

 壬寅年六月作   

年來夏旱又秋霖,
禾稿苗傷害轉深。
三萬卷書無用處,
白頭空負愛民心。
陳元旦
           

Âm

Niên lai hạ thử hựu thu thâm,
Hòa cảo miêu thương họa chuyển thâm.
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.

Nghĩa: Thơ viết vào Tháng 6 năm Nhâm Dần.

Năm ngoái mùa hè thì hạn, đến thu lại mưa dầm,
Lúa bị khô, mạ bị hư, thiệt hại thêm nặng.
Đọc ba vạn quyển sách không biết dùng vào đâu,
Bạc đầu rồi mà đành phụ lòng thương dân.

Tạm dịch: Thơ làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần

Năm qua hè hạn, thu mưa dầm,
Mạ héo rồi thì lúa nước ngâm.
Đọc vạn sách không dùng được việc,
Bạc đầu còn phụ nỗi thương dân.

Chú

-       -          空負 không phụ =  cô phụ, phụ lòng.

陳元旦 Trần Nguyên Đán (1325 - 1390), chắt của Trần Quang Khải, ông ngoại của Nguyễn Trãi. Làm quan đến chức Tư đồ thời cuối nhà Trần. Năm 1385 xin trí sĩ, về sống ẩn dật tại Côn Sơn.

Bài thơ này ông làm năm Nhâm Dần 1362, lúc đang giữ chức Đại phu Ngự sử đài, chuyên việc can gián dưới triều vua Trần Dụ Tông.

年来夏旱又秋霖,
禾稿苗伤害转深。
三万卷书无用处
,
白头空负爱民心



17/4/24

Dạ văn trạo ca

夜聞棹歌

欸乃漁人曲
餘音聽不窮
正多滄海意
況在月明中
從善王                   

Âm

Ai nãi ngư nhân khúc, Dư âm thính bất cùng.
Chính đa thương hải ý, Huống tại minh nguyệt trung.

Nghĩa. Đêm nghe tiếng hò người chèo đò

Chao ôi là tiếng hò người đánh cá trên sông, dư âm nghe hoài không hết.
Bởi ý tứ đa phần là than thở về sự đời thay đổi, lại vang lên trong đêm trăng sáng.

Tạm dịch

Tiếng hò người đánh cá,

Vang vọng mãi khôn cùng.

Lời thở than dâu biển,

Dưới trăng thêm não nùng.

Giản thể夜闻棹歌.
欸乃渔人曲,余音听不穷。
正多沧海意,况在月明中



Chú

從善王 Tùng Thiện Vương (1819 - 1870), nhà thơ thời nhà Nguyễn




16/4/24

Lâm chung thi

臨終詩 

生在陽間有散場
死歸地府也何妨
陽間地府俱相似
只當漂流在異鄉
唐寅                                      

Âm

Sinh tại dương gian hữu tán trường, Tử quy địa phủ dã hà phương.
Dương gian địa phủ câu tương tự, Chỉ đáng phiêu du tại dị hương.

Chú

-          散場 tán tràng: lúc tan rã, kết thúc. tán: tan. tràng, thường đọc là trường, ngoài nghĩa thường gặp là chỗ đất trống, rộng phẳng hoặc nơi đông người làm việc, còn là thuật ngữ dùng trong hí kịch, có nghĩa là đoạn, cảnh, như khai tràng = cảnh mở đầu, chung tràng = cảnh kết thúc. Tác giả coi cuộc đời cũng là một vở kịch, có cảnh kết thúc, mà tác giả gọi là tán tràng.

唐寅 Đường Dần, tự 伯虎 Bá Hổ, là nhà thư họa, nhà thơ nổi tiếng đời Minh.

Nghĩa: Thơ viết lúc lâm chung

Sống trên cõi dương thì phải có lúc kết thúc,
Chết về cõi âm thì có chi trở ngại?
Cõi dương hay cõi âm đều như nhau cả,
Chỉ là đi chơi hai chỗ khác nhau thôi.

Tạm dịch

Sống ở dương gian đến hạ màn,

Chết về âm phủ có chi than.

Dương gian âm phủ như nhau cả,

Hai chốn rong chơi, chỉ khác đàng.

Giản thể


生在阳间有散场,死归地府也何妨。
阳间地府俱相似,只当漂流在异乡



15/4/24

Lâm hình khẩu chiếm

 臨刑口占

鼍鼔三聲畢,
西山日又斜。

黄泉無客舍,
今夜宿誰家。
孫蕡

Âm Hán Việt

Đà cổ tam thanh tất, Tây sơn nhật hựu tà.
Hoàng tuyền vô khách xá, Kim dạ túc thùy gia
.

Chú

-          臨刑口占 Lâm hình khẩu chiếm: thơ đọc lúc bị thụ hình. 口占 đọc ngay thành thơ, không dùng bút mực.

-          鼍鼔 đà cổ: trống bịt bằng da con đà (một loài vật giống cá sấu).

孫蕡 Tôn Phần (1337-1393) nhà thơ thời Minh, tự Trọng Diễn 仲衍, hiệu Tây Am tiên sinh 西庵先生. Thời gian làm quan ở Liêu Đông, vị tướng ở đây là Lam Ngọc biết tiếng, nhờ đề thơ mấy bức họa. Sau lam Ngọc làm phản, ông bị liên lụy, xử tử hình.

Tạm dịch

Ba tiếng trống vừa dứt,

Non tây bóng xế tà.

Suối vàng không quán trọ,

Lát tối ngủ đâu ta.

Giản thể

临刑口占. 
鼍鼔三声毕,西山日又斜。
黄泉无客舍,今夜宿谁家。





14/4/24

Vô đề

 無題 

大夢誰先覺,
平生我自知。

草堂春睡足,
窗外日遲遲。
諸葛亮
/羅貫中
          

Âm

Đại mộng thùy tiên giác, Bình sinh ngã tự tri.
Thảo đường xuân thụy túc, Song ngoại nhật trì trì.

Chú

-  諸葛亮/羅貫中Gia Cát Lượng/La Quán Trung. La Quán Trung là tiểu thuyết gia đời Minh, tác giả bộ truyện Tam Quốc Chí diễn nghĩa. Bài thơ trên do nhân vật Gia Cát Lượng trong tác phẩm này, thường ngâm nga khi đang ẩn cư ở Long Trung.

Nghĩa.

Giấc mộng lớn này, ai là người tỉnh giấc trước?
Trong cuộc sống ta luôn tự biết mình.
Trong gian nhà cỏ ngủ đẫy giấc xuân,
Bên ngoài song cửa, ngày tháng trôi chậm chậm.

Tạm dịch

Mộng lớn ai say, tỉnh?

Ở đời ta biết ta.

Lều tranh xuân đẫy giấc,

Ngoài cửa tháng ngày qua.

Giản thể

无题  大梦谁先觉,平生我自知。草堂春睡足,窗外日迟迟



12/4/24

Vọng nguyệt hoài viễn

 望月懷遠 

海上生明月,
天涯共此時。
情人怨遙夜,
竟夕起相思。
滅燭憐光滿,
披衣覺露滋。
不堪盈手贈,
還寢夢佳期。
張九齡

Âm

Hải thượng sinh minh nguyệt,
Thiên nhai cộng thử thì.
Tình nhân oán dao dạ,
Cánh tịch khởi tương ti (tư).
Diệt chúc liên quang mãn,
Phi y giác lộ ti (tư).
Bất kham doanh thủ tặng,
Hoàn tẩm mộng giai kỳ.

NghĩaNhìn trăng nhớ người xa.

Trên biển nhô lên vầng trăng sáng, Nơi góc trời lúc này hẳn cũng đang cùng [ngắm trăng].

Người có tình oán hờn đêm dài, Suốt đêm sinh lòng nhớ nhung.

Tắt đèn vì thấy tiếc ánh trăng sáng, Khoác thêm áo vì thấy sương xuống thấm ướt.

Khó lòng tặng nhau một tay đầy [ánh trăng], Trở vào ngủ [hi vọng có] một giấc mơ đẹp.

Tạm dịch.

Biển rộng trăng vằng vặc,

Trời xa cùng ngắm trăng.

Đêm dài chi lắm vậy,

Thức trắng nhớ miên man.

Khoác áo e sương thấm,

Tắt đèn tiếc ánh vàng

Chẳng sao vốc trăng tặng,

Vào mộng gặp nhau chăng.

Chú

-          懷遠 hoài viễn: nhớ người thân ở xa.

-          情人 tình nhân: người đa tình, chỉ tác giả; cũng có người cho là chỉ thân nhân.

-       Chú ý bài thơ có vần là  và . Với người Tàu thì không có vấn đề gì, vì 4 chữ ấy lần lượt có pinyin là shí, sī, zī và qī. Nhưng người Việt đọc theo âm hán Việt là thì, tư, tư và kì là có vấn đề về vần; nên khi ngâm người ta sẽ đọc  (tư) là "ti" (dù rằng như thế cũng còn bị điệp vận)

張九齡 Trương Cửu Linh (678 - 740), tự Tử Thọ, người Thiều Châu, huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông. Từng làm đến tể tướng, có công lớn trong việc giúp nhà Đường bước vào thời cực thịnh. Về sau, mâu thuẫn phe phái trong triều, ông không được bụng vua, nên bị biếm đến Kinh Châu làm trưởng sử rồi mất ở đó. 

Giản thể

海上生明月,天涯共此時。
情人怨遙夜,竟夕起相思。

滅燭憐光滿,披衣覺露滋。
不堪盈手贈,還寢夢佳期



11/4/24

Ngộ đạo thi

 

悟道詩
盡日尋春不見春,
芒鞋踏遍隴頭雲。
歸來笑拈梅花嗅,
春在枝頭已十分。
宋代尼姑

Âm

Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân,
Mang hài đạp biến lũng đầu vân.
Quy lai tiếu niễm mai hoa khứu,
Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.
Một ni cô đời Tống

Chú

-                  niêm: nhón lấy (dùng ngón tay lấy đồ). 拈花微笑 niêm hoa vi tiếu: cầm hoa mỉm cười, 拈鬮兒 niêm cưu nhi: bắt thăm. 

CChú ý có pinyin là /nián/ hoặc /niān/,  /niǎn/,  /diān/ nhưng âm Hán Việt chỉ có "niêm". Để hợp luật bằng trắc của thơ Đường luật, không bị khó đọc, "niêm" được đọc là "niễm"

宋代尼姑 Tống đại ni cô: Một ni cô đời Tống. Có thuyết cho vị ni cô này là Vô Tận Tạng  (無盡藏). Ni người Khúc Giang, xuất gia tu ở chùa Sơn Giản, thường tụng kinh niết bàn nhưng không hiểu nghĩa. Một hôm tìm đến Lục tổ Huệ Năng đang tu ở thôn Tào Đầu gần đó, đưa cuốn kinh nhờ giảng. Tổ bảo không biết chữ. Nhưng muốn thì đọc lên, giảng nghĩa cho. Ni sư ngạc nhiên: "Không biết chữ, sao hiểu nghĩa". Tổ nói:  "Diệu lý của chư Phật chẳng quan hệ gì với văn tự".
Bài thơ trình bày quá trình ngộ đạo của nhà tu.

Giản thể

尽日寻春不见春,茫鞋踏遍垄头云,
归来笑拈梅花嗅,春在枝头已十分
.

Nghĩa

Suốt ngày tìm xuân chẳng thấy xuân,
Đôi giày gai đã đi khắp, đến tận chốn núi cao mây phủ (cũng không thấy).
Trở về cười, đưa tay với lấy một bông mai ngửi,
Thấy Xuân đã tràn về trên đầu cành.

Tạm dịch

Suốt buổi tìm xuân chẳng thấy xuân,

Gót giày đạp khắp suối mây nguồn.

Trở về cười níu bông mai ngửi,

Chợt thấy đất trời rợp bóng xuân.


10/4/24

Văn thiền

聞蟬 

送君曾此地
一別欻經年
愁殺長亭柳
秋風起暮蟬

從善王      

Âm

Tống quân tằng thử địa, Nhất biệt hốt kinh niên.
Sầu sát trường đình liễu, Thu phong khởi mộ thiền.

Chú

-          hốt (phó từ), như hốt : thình lình, hốt nhiên, bỗng chốc.  欻然火起, 焚燒舍宅 (Kinh Pháp hoa) Hốt nhiên hỏa khởi, phần thiêu xá trạch: Lửa bỗng nổi lên, đốt cháy nhà cửa.

-          長亭 trường đình: nhà trạm đặt dọc đường đi cho khách bộ hành nghỉ chân, thường được dùng làm nơi tiễn đưa nhau.

Nghĩa. Nghe ve kêu

Từng đưa tiễn người ở nơi này, bỗng chốc mà đã qua năm.
Nhìn cây liễu nơi nhà trạm mà buồn chết người, gió thu đưa đến tiếng ve kêu lúc cuối ngày.

Tạm dịch

Đây chỗ chia tay bạn,

Thoáng mà đã quá năm.

Bên đình buồn liễu rủ,

Theo gió chiều ve ran.

Giản thể. 送君曾此地,一别欻经年。愁杀长亭柳,秋风起暮蝉




7/4/24

Mộ xuân tức sự

 

暮春即事
雙雙瓦雀行書案,
點點楊花入硯池。
閒坐小窗讀周易,
不知春去幾多時。
葉採

Âm

Song song ngõa tước hành thư án,
Điểm điểm dương hoa nhập nghiên trì.
Nhàn tọa tiểu song độc Chu Dịch,
Bất tri xuân khứ kỉ đa thì.

Chú

-          瓦雀: chim sẻ trên mái ngói. 行書案: ở đây chỉ bóng những con chim sẽ di động trên án sách. 書案,書桌 án sách, bàn nhỏ để đọc sách, viết lách.

-          楊花:柳絮 hoa dương, chỉ tơ liễu. : bay vào. 硯池: nghiên mực.

-          周易:còn gọi 《易經》 hay 《易》,một trong năm kinh điển trọng yếu của nhà Nho.

-          去:離去。幾多時:多少時間。

葉採 Diệp Thái (? - ?), đỗ tiến sĩ năm 1141, quan đến Xu mật viện kiểm thảo 樞密院檢討, Hàn lâm viên học sĩ kiêm thị độc, là nhà lí học, học trò của Chu Hi, và nhà thơ thời Nam Tống.

Nghĩa

Bóng đôi chim sẻ trên mái ngói di động trên bàn sách,
Tơ liễu lấm tấm bay vào nghiên mực.
Thư thả ngồi bên song cửa nhỏ đọc Chu Dịch,
Không biết mùa xuân đã qua được bao lâu.

Tạm dịch

Án thư đôi bóng chim qua lại,

Nghiên mực một vài tơ liễu bay.

Bên cửa thảnh thơi ngồi đọc Dịch,

Xuân qua không biết đã bao ngày.

Giản thể

双双瓦雀行书案,点点杨花入砚池。
闲坐小窗读周易,不知春去几多时

  



6/4/24

Chuyện tình buồn - Phạm Văn Bình






nhà thơ Phạm Văn Bình (1939 - 2018)
Phạm Văn Bình sinh năm 1939 tại Đông Hà, Quảng Trị, nhưng quê gốc ở Truồi, Thừa Thiên. Từng học trung học ở Nguyễn Hoàng, ĐH Văn khoa Huế, rồi đi dạy ở Trường Trung học bán công Đông Hà. Sau đó bị động viên học Trường Bộ binh Thủ Đức, ra trường làm SQ Tâm lí chiến ở SĐ TQLC. Sau 4/1975 bị đi cải tạo 8 năm, tha về thì qua Mỹ, mất ở Cali 22/7/2018.

Trước 1975 làm thơ đăng lai rai trên các tạp chí ở Sài gòn. Nổi tiếng với bài thơ Chuyện tình buồn được Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông.

Những thư tình ngây dại
Những vai mềm, môi ngoan
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đàng
Thôi cũng đành chôn kín
Dưới đáy huyệt thời gian.

Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô.

Năm năm rồi đi biệt
Anh chẳng về lối xưa
Sân giáo đường cỏ mọc
Gác chuông nằm chơ vơ
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhoà mưa qua
Trên cánh buồm ký ức
Sóng thời gian lô xô.

Ngồi bâng khuâng nhớ biển
Bên bãi đời quạnh hiu
Anh mang hồn thuỷ thủ
Cùng năm tháng phiêu du.

Anh một đời rong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang.

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Bao kỷ niệm chôn kín
Dường như đã lãng quên.

Năm năm rồi trở lại
Một màu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Đêm goá phụ bên song.

12 Tháng Anh Đi

Tháng Giêng xuôi quân ra xứ Huế
Cố đô hoang vu, gạch ngói điêu tàn
Bãi học sân trường chiều em vắng bóng
Tóc thề thơ ngây đã quấn vội khăn tang

Tháng Hai về trấn giữ ven đô
Chong mắt hỏa châu, ghì súng giữ cầu
Gió thoảng ngạt ngào về hơi rượu mạnh
Qua màn sương đêm, lơi lã ánh đèn màu !!!

Ba lô lên vai tới miền Tây đô
Quê hương em xanh, xanh rợp bóng dừa
Đêm ngủ bìa rừng thèm làn môi ấm
Ngọt trái sầu riêng vườn đã sang mùa

Bây giờ trời mây rủ nhau vào Hạ
Mẹ, em chắc bận, cùng đi lễ chùa
Chắp tay em nguyện cầu cho chiến sĩ
Góc bể chân trời, sáng nắng chiều mưa

Tháng Năm trở về theo vì sao biếc
Em dấu yêu chắc phượng thắm sân trường
Ngày xưa đó trao nhau tờ lưu bút
Bây giờ gói quà, phong thư ấp ủ yêu thương

Tháng Sáu, em ơi ! Anh vẫn miệt mài
Muốn về thăm em nhưng bận hành quân
Đừng khóc em yêu như ve sầu mùa Hạ
Xa thì xa nhưng vẫn không quên

Sang Thu mưa ngâu nước mù bay mau
Ô hay lòng ta sao bỗng rưng sầu
Tráng sĩ xưa hề vượt cầu xưa ấy
Đầu sông cuối sông làm sao thấy nhau?

Bây giờ còn đâu huyền thoại
Hằng Nga của em bé thơ
Tất cả bầu trờ thơ ấu
Ai làm tháng Tám cằn khô

Tháng Chín quân ta về Cửu Long
Trái vú sửa căng như mạch sống mẹ hiền
Anh đi cho đồng thêm xanh trái thêm ngọt
Chiến công này xin gởi tặng em!

Về Cà Mâu anh viết vội thơ
Nhớ quá em yêu! Ngày tháng đợi chờ
"Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội"
Anh lính áo rằn yêu em gái ngây thơ

Trờ đã lạnh rồi mùa Đông đan áo
Gởi ra chiến trường sưởi ấm hơi nhau
Anh biết mùa này rộn ràng áo cưới
Chuyện chúng mình, em nhé đợi năm sau

Hoa mai nở đầy, em đang chờ đợi
Mười hai tháng rồi dài ước mơ say
Nhớ má cho hồng, nhớ môi cho ngọt
Vui đón giao thừa tay ấm trong tay.

Bài này cũng đã được Phạm Duy phổ nhạc. Duy Quang ca



Do chính tác giả ca.

Vịnh mẫu đơn

Sau 1975, nhiều vườn hoa, thậm chí nhiều vỉa hè Saigon bị phá đi trồng sắn. Nghĩ thầm đây chắc là sáng kiến của CM, tận dụng mỗi tấc đất sao cho có ích nhất để dân giàu nước mạnh. Hóa ra không phải. Một ông tể tướng đời Tống cũng đã có suy nghĩ rất thực tế như thế

詠牡丹

棗花至小能成實,
桑葉雖柔解吐絲。
堪笑牡丹如斗大,
不成一事又空枝。

王溥

Âm

Táo hoa chí tiểu năng thành thực, Tang diệp tuy nhu giải thổ ti.
Kham tiếu mẫu đơn như đẩu đại, bất thành nhất sự hựu không chi.

Chú

-          牡丹 mẫu đơn: loại hoa bông to sắc đẹp, thơm nồng, từ xưa ở Tàu được xưng tụng là quốc sắc thiên hương, vua của loài hoa; biểu tượng của phú quý cát tường.

-          桑葉 tang diệp: lá dâu.

-          斗大 đẩu đại: to như cái đấu. : 盛酒器, 木瓢为斗。đẩu: đồ dùng uống rượu. Bầu lớn thì gọi là đẩu. (Nghĩa thường dùng: đẩu: đấu, đơn vị đo lường xưa)

-          堪笑 kham tiếu: 可笑 khả tiếu: đáng cười.

王溥 Vương Phổ (922 - 982) sống vào đầu đời Tống, từng làm đến tể tướng.

Nghĩa

Hoa táo rất nhỏ nhưng có thể kết trái, Lá dâu tuy mềm yếu nhưng có thể nuôi tằm lấy tơ.
Đáng cười là hoa mẫu đơn to như cái đấu, không làm được việc gì, chỉ mọc cành vô ích.

Tạm dịch

Hoa táo nhỏ nhưng cho quả ngọt,
Lá dâu mềm vẫn biến thành tơ.
Mẫu đơn to lớn như bầu rượu,
Mà chẳng ích chi chỉ sống thừa.

Giản thể

枣花至小能成实,桑叶虽柔解吐丝。堪笑牡丹如斗大,不成一事又空枝



bông trang -- mẫu đơn ta.


3/4/24

Góp Phần Dựng Tiểu Sử Nhà Thơ Phạm Văn Bình (1940-2018)

Hoàng Đằng

Chuyện Tình Buồn
Thơ: Phạm Văn Bình
Nhạc: Phạm Duy
Trình bày: Vũ Khanh



Góp Phần Dựng Tiểu Sử
NHÀ THƠ PHẠM VĂN BÌNH
(1940 – 2018)
Hoàng Đằng


Nhà thơ Phạm Văn Bình - người quê tôi – đã qua đời ngày 22/7/2018. Đông Hà – quê tôi – có nhiều người làm thơ. Mà không riêng gì quê tôi, trên cả nước Việt Nam, nơi nào cũng vậy; ViệtNam là “cường quốc thơ” mà!
Tôi không có may mắn và điều kiện đọc nhiều, nên không biết trong số người làm thơ ở quê tôi những ai có tác phẩm hay; chỉ biết anh Phạm Văn Bình từng nổi tiếng về thơ trong thập kỷ 1960 và thập kỷ 1970, đặc biệt, anh có 2 bài thơ được nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy phổ nhạc: Đó là bài “Chuyện Tình Buồn” và “Mười Hai Tháng Anh Đi”; và có lẽ với hai bài thơ này, anh sẽ lưu danh thiên cổ.
Sau này, sự nghiệp của anh đã có tác phẩm của anh làm chứng; còn cuộc đời của anh chắc sẽ ít người biết rõ. Vì vậy, là người đồng hương với anh, tôi muốn góp phần dựng lại tiểu sử của anh qua tìm hiểu những mảnh đời, chặng đời của anh mà người Đông Hà và một số thân nhân của anh biết kẻo rồi thời gian có thể xoá mất.


* Về năm sinh của Phạm Văn Bình
Võ Văn Cẩm – bạn đồng khoá 24/SQTB Thủ Đức với Phạm Văn Bình – cho biết là năm 1942; tờ Cáo Phó khi anh mất của gia đình bên Mỹ ghi 1939; một thân nhân của anh ở Việt Nam cho biết anh tuổi Canh Thìn (1940). Tôi nghĩ năm 1942 là năm khai lại để học hành; anh học ở nhiều nơi, nhiều trường cả bậc Tiểu Học lẫn bậc Trung Học: ở Huế, ở Đông Hà, ở Đà Nẵng, ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Còn Cáo Phó ghi năm 1939 là do cách tính; anh mất năm nay (2018), thọ 79 tuổi; theo cách tính của phương Tây, anh phải sinh năm 1939, còn theo cách tính của người Việt Nam là năm 1940. Thế nên, theo tôi, Phạm Văn Bình sinh năm 1940 – tuổi Canh Thìn.


* Về quê quán và dòng dõi,
Phạm Văn Bình sinh ra ở Đông Hà; nhưng quê gốc Bát Sơn, Lương Điền, Thừa Thiên (nay là xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Vào thập kỷ 1920, thuở thanh niên, thân phụ anh, cụ Phạm Tề, ra làm công nhân xây dựng cầu Quảng Trị, kết duyên với một thôn nữ làng Như Lệ (nay là thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị). Rồi ông bà ra lập nghiệp ở thị trấn Đông Hà, mở một quán cơm ở ga Đông Hà vào lúc mà tại Đông Hà, việc giao thương Bắc - Nam, việc giao thương miền Trung Việt Nam - Lào nhộn nhịp.
Trong thập kỷ 1930, cụ Phạm Tề kết hôn thêm với bà Hoàng thị Căn (1909 – 1984), còn có tên thường gọi là Hoàng thị Cháu, một thôn nữ làng Điếu Ngao (nay là phường 2 – TP. Đông Hà). Phạm Văn Bình là con bà Hoàng thị Căn.
Phạm Văn Bình có người anh đầu cùng cha khác mẹ – con của mẹ làng Như Lệ - tên Phạm Ga hoạt động cho Việt Minh, từng giữ chức chủ tịch Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến khu vực Đông Hà, rồi Chánh Văn Phòng Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Quảng Trị. Khi kháng chiến chống Pháp bùng lên, Phạm Ga được điều động ra Việt Bắc và, sau đó, đã mất trên đường công tác ở tỉnh Cao Bằng. Phạm Văn Bình còn có người anh cùng mẹ cùng cha tên Phạm Vinh tập kết ra Bắc; Phạm Vinh học âm nhạc, chuyên ngành về đàn violon, trong chiến tranh, trở lại miền Nam, công tác ở đoàn Văn Công Quân Khu 5, hiện đã nghỉ hưu.
Ở chế độ miền Nam thời đó, ngoài bản thân là sĩ quan, Phạm Văn Bình còn có em trai cùng cha cùng mẹ tên Phạm Như Trị cũng là sĩ quan quân đội Cộng Hoà, nay định cư ở Mỹ theo diện HO.
Về bên ngoại – phía mẹ của Phạm Văn Bình - ở làng Điếu Ngao, các cậu các dì đều theo Việt Minh.
Dòng dõi của Phạm Văn Bình như thế đã góp phần tạo tứ thơ của anh.


* Về con đường đến với thơ của Phạm Văn Bình,
Phạm Văn Bình có năng khiếu và đam mê văn nghệ từ nhỏ. Tuy nhiên, điều đó chỉ bạn bè biết chứ “người ngoài” chưa biết.
Sau khi hoàn tất bậc Trung Học – có bằng Tú Tài II, Phạm Văn Bình về quê, dạy Việt Văn tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà từ 1963; anh đứng trên bục giảng từ 1963 đến 1966 – năm mà anh phải rời bụi phấn để thi hành lệnh động viên của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Trong thời gian dạy ở quê nhà, anh có cộng tác với Đài Truyền Thanh Quân đội ở Đông Hà và gởi thơ đăng ở báo Lập Trường.
Xin mở ngoặc để giới thiệu đôi nét về báo Lập Trường:
Phong trào Phật Giáo bùng lên chống chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm bị cáo buộc phân biệt đối xử tôn giáo bùng lên ở Huế từ tháng 5 năm 1963; phong trào được nhiều giới trong xã hội ủng hộ, trong đó có một số không nhỏ các giáo sư Đại Học Huế; sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ tháng 11 năm 1963, cả miền Nam lâm vào cảnh xáo trộn nhiều mặt, đặc biệt là về chính trị. Năm 1964, báo Lập Trường do một nhóm giáo sư Đại Học Huế chủ trương ra đời; ban điều hành báo gồm GS Tôn Thất Hanh, khoa trưởng Đại Học Khoa Học, làm chủ nhiệm, GS Lê Tuyên giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa làm chủ bút và GS Cao Huy Thuần giảng dạy ở Đại Học Luật Khoa làm thư ký toà soạn. Lập Trường là tuần báo Chính Trị - Văn Hoá – Xã Hội; báo bày tỏ thái độ chống đối chiến tranh, chống đối cách điều hành đất nước của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, chống đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam; Phạm Văn Bình gởi thơ vào và được đăng với tần suất khá dày; điều đó chứng tỏ tứ thơ của Phạm Văn Bình đã hoà nhập vào lập trường của báo; chủ bút chọn bài là GS Lê Tuyên - người có cách nhìn, cách lý giải mới các tác phẩm văn học cổ Việt Nam bằng cách đem triết học hiện sinh rọi vào. Nhờ báo Lập Trường, Phạm Văn Bình được giới thơ văn biết đến càng ngày càng nhiều. Thành thử, có thể trước đó Phạm Văn Bình đã có làm thơ, nhưng chính báo Lập Trường đã nâng cánh cho thơ của anh.
Nhờ vai trò cộng tác viên đài Truyền Thanh Quân Đội Đông Hà và tiếng tăm về thơ qua báo Lập Trường, Phạm Văn Bình thi hành lệnh động viên, thụ huấn xong ở quân trường, được bổ nhiệm làm sĩ quan tâm lý chiến của sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến. Khi đã làm việc ở Sài Gòn, Phạm Văn Bình có cơ hội quen biết với giới văn nghệ sĩ, thơ anh xuất hiện trên các tạp chí, được đánh giá cao, được Phạm Duy chọn phổ nhạc; nhờ thế, anh có chân trên thi đàn.


* Người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện Tình Buồn” là ai?
Trong văn học, tác giả ký tên T.T.KH của bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn” nổi tiếng hơn 80 năm qua vẫn còn là nghi án – giới nghiên cứu văn học đã đoán nhiều tên, nhưng chưa chắc chắn một tên nào. Từ đó, tôi lo tương lai có người muốn biết thật sự tên người phụ nữ trong bài thơ “Chuyện Tình Buồn” sẽ gặp khó khăn, trong khi hiện giờ bà con và người thân quen quê gốc Đông Hà thì biết rõ, nhưng không ai chịu lên tiếng hoặc không có điều kiện lên tiếng. Tôi xin phép lên tiếng thay.
Không biết mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ này chớm nở từ lúc nào, nhưng mối tình này vỡ lỡ giữa thập kỷ 1960:
Năm năm rồi không gặp,
Từ khi em lấy chồng,
Anh dặm trường mê mải,
Đời chia hai nhánh sông …
Phạm Văn Bình “dặm trường mê mải” từ năm 1966 – năm thi hành lệnh động viên vào lính.
Nhà Phạm Văn Bình và nhà người phụ nữ cùng ở trong con hẻm đường Phan Bội Châu thị trấn Đông Hà. Người phụ nữ này có một người anh – bạn thân cùng trang lứa với Phạm Văn Bình. Qua lại giao du, thấy người phụ nữ này có nhan sắc, có học vấn (cô này không học ở Đông Hà mà học ở Trung Học Bán Công Huế), lại biết trang điểm, ăn diện bắt mắt, Phạm Văn Bình vừa ý, đem lòng yêu đương. Hai người yêu nhau; người Đông Hà thấy mối tình của họ “da diết” lắm, ngay cả Phạm Văn Bình cũng thổ lộ:
Những thư tình ngây dại,
Những vai mềm, môi ngoan,
Những hẹn hò cuống quýt …
Không ai ngờ mối tình ấy tan vỡ. Người trong cuộc bảo rằng do hai người khác biệt về tôn giáo: gia đình Phạm Văn Bình theo Phật Giáo, gia đình người phụ nữ này theo Thiên Chúa Giáo. Thôi, chúng ta cứ tin như vậy, chứ trên đời, không thiếu gì người khác tôn giáo kết hôn với nhau; về sống với nhau, hoặc vợ theo tôn giáo của chồng, hoặc chồng theo tôn giáo của vợ, hoặc, cùng lắm, mỗi người cứ giữ tôn giáo của mình.
Người phụ nữ này “sang ngang”, lấy một người chồng đồng đạo; ông chồng là sĩ quan quân y, trước đó, tốt nghiệp cán sự y tế, bị động viên vào quân đội; hai vợ chồng có 4 người con (?). Rủi! Ông chồng tử trận, Phạm Văn Bình viết trong thơ: “Anh một đời giong ruỗi; em tay bế tay bồng” là vậy.
Việc bất thành trong mối tình giữa Phạm Văn Bình và người phụ nữ này không biết do gia đình bên nào gây ra; nhưng trong thơ và trong đời thực, Phạm Văn Bình ôm nỗi đau cho riêng mình mà không một lời oán hận:
Ngày nhà em pháo nổ,
Anh cuộn mình trong chăn,
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn.
Ngày nhà em pháo nổ,
Tâm hồn anh nhuốm máu,
Ôi nhát chém hư vô,
Ôi nhát chém hư vô.
……………………
Năm năm rồi trở lại,
Một màu tang ngút trời,
THƯƠNG người em năm cũ,
THƯƠNG goá phụ bên song.
Và sau này, mỗi lần có dịp, Phạm Văn Bình vẫn ghé thăm gia đình người phụ nữ này. Ngay trong lễ tang Phạm Văn Bình vừa rồi, người bà con của Phạm Văn Bình cho tôi xem một bức ảnh chụp chung 3 người con của Phạm Văn Bình với một người con gái của người phụ nữ này. Tình của Phạm Văn Bình và người phụ nữ này đã vượt lên sự nhỏ nhen của hờn ghen để thăng hoa. Đẹp quá! Đúng là “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.
Xin tiết lộ: Người phụ nữ này có tên là Nguyễn thị Tuý sinh năm 1945, nguyên là một cư dân Đông Hà, hiện giờ còn sống và định cư bên Mỹ.


* Về tạng người và lối sống,
Phạm Văn Bình có gien văn nghệ từ gia đình; như trên đã nói Phạm Văn Bình có ông anh ruột hoạt động trong lãnh vực âm nhạc.
Phạm Văn Bình không đua đòi theo thiên hạ về bề ngoài, anh thích ca hát vui chơi, không quan tâm đến của cải vật chất. Từ khi ra trại cải tạo cho đến khi đi Mỹ theo diện HO, thời gian dài cả 10 năm, thế mà không thấy anh làm gì để mưu sinh, trong khi những người gặp hoàn cảnh như anh phải làm bất cứ gì để giúp nuôi sống gia đình: xe thồ, xe kéo, bán nước chè, làm thuê … Anh rong chơi không phải với bạn bè cùng lứa - vì không có - mà với bạn bè ít tuổi hơn anh nhiều; anh gặp họ trong các quán cà phê, trong những tiệc cưới, ca hát vui nhộn cùng họ, nhiều khi quá chén, cũng say sưa.
Nghe nói anh uống cà phê không phải trả tiền theo lần mà có bao nhiêu trong túi anh giao cho chủ quán, hàng ngày anh tới uống khi nào chủ quán tính là số tiền hết thì báo cho anh biết.
Thời gian anh chuẩn bị đi Mỹ, nhiều phụ nữ muốn đem tình và tiền ra để “quá giang”, anh từ chối, chắc anh quá ngán ngẩm rồi!
Khi qua Mỹ, với tuổi đời ngấp nghé 55, anh cũng không chạy vạy kiếm công ăn việc làm như thiên hạ, anh sống với người con trai trưởng của anh trong sự bảo bọc của cả 3 đứa con và tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ.
Xin mở ngoặc để nói đôi điều về gia đình anh. Sau khi mối tình với Nguyễn thị Tuý không thành, anh lập gia đình với một cô học trò trẻ, đẹp của anh tại trường Trung Học Bán Công Đông Hà. Vợ chồng sinh được 3 con. Do hoàn cảnh nghiệt ngã sau năm 1975, vợ chồng cũng không sống với nhau trọn đời. Người vợ đem ba con qua Mỹ trước, anh qua sau, và được sự quan tâm chu đáo của cả ba con.
Phạm Văn Bình có lối sống và tạng người khác đời như thế, cộng thêm sống trong bầu không khí gia đình và đất nước mà thân thích kẻ Bắc người Nam, anh luôn mang tâm trạng buồn đau – buồn đau cho đất nước tang thương, cho tình người tan vỡ vì chiến tranh. Dù là một sĩ quan (cấp bậc cuối cùng đại uý) tâm lý chiến, thay vì kích động hận thù để tuyên truyền cho phe ta, chống phe địch, anh không làm thế; bằng chứng là trong bài thơ “Hành Trình Thuỷ Quân Lục Chiến” (tên khác: “Mười Hai Tháng Anh Đi”) - dài 58 câu - chỉ nói lên nỗi đau, niềm khắc khoải, tình yêu lỡ làng do chiến tranh mà người lính cảm nhận khi đi qua đất nước điêu tàn.
Sau thời gian dài khổ cực trong trại cải tạo, được trở về sống trong cộng đồng, nhà không, vợ nỏ có, anh cũng không một lời oán thán ai:
Trở về nhà cũ, nhà thay chủ.
Em đâu? – Đã bỏ chốn thiên đường.
Sang sông, em nỡ lên thuyền khác.
Thôi nhớ làm gì? “Chinh phụ ngâm” …
(Trích từ bài thơ “Đầu Xuân Khai Kiếm”)
Tóm lại, Phạm Văn Bình là nhà thơ nhân văn.
*
* *
Tôi viết bài này với ý nghĩa tích cực; tôi đã hỏi thông tin từ nhiều người: bà con của Phạm Văn Bình có, những người Đông Hà thân quen với Phạm Văn Bình có. Tôi đã đối chiếu, đánh giá thông tin từ nhiều nguồn, cố gắng để có những thông tin chân thật.
Hy vọng bài viết này sẽ làm cho Phạm Văn Bình vui nơi chín suối và góp phần hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về nhà thơ Phạm Văn Bình sau này.


Hoàng Đằng
30/7/2018 (18/6/Mậu Tuất)
Nguồn: fb Hoàng Đằng