30/1/23

Nghĩ về chính tả tiếng Việt qua cách viết -I hay -Y

Nguyễn Tấn Đại

Cho đến nay, trong các cuộc tranh luận về các quy tắc chính tả tiếng Việt, cách viết -I hay -Y là một vấn đề biểu hiện sự bất nhất cao độ. Có thể mỗi người đều có lí do riêng của mình khi bảo vệ cho một quan điểm nào đó, như là nguồn gốc Hán-Việt, lịch sử chữ viết hay hiệu ứng thẩm mĩ của từ ngữ, v.v. Ở đây, người viết là “ngoại đạo” về ngôn ngữ học nên không dám lạm bàn về chuyên môn, mà chỉ mong góp một góc nhìn khác đối với vấn đề này.

Khảo sát hiện trạng cách viết -I hay -Y

Khi kết hợp các tổ hợp phụ âm đầu trong tiếng Việt với -I hay -Y cùng với các dấu thanh, tra cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các từ điển tiếng Việt, kết quả thống kê các trường hợp -I hay -Y có xuất hiện trong một từ đơn hay từ ghép (không xét các tên riêng hay tiếng nước ngoài nhập nội) cho thấy một phần đã có sự thống nhất cao trong cách viết với -I và -Y, nhưng một phần không nhỏ đang có nhiều điểm không đồng nhất (xem bảng).

Bảng thống kê các trường hợp phụ âm đầu tiếng Việt đi kèm với -I và -Y.

Phụ âm đầu

Dấu thanh

Ngang

Huyền

Hỏi

Ngã

Sắc

Nặng

B-

Bi

Bỉ

Bị

CH-

Chi

Chì

Chỉ

-

Chí

Chị

D-

Di

-

Dị

Đ-

Đi

Đì

-

Đĩ

-

-

GH-

Ghi

Ghì

-

-

-

-

H-

Hi / Hy

Hỉ / Hỷ

-

Hí / Hý

-

K-

Ki

Kì / Kỳ

Kỉ / Kỷ

Kĩ / Kỹ

Kí / Ký

Kị / Kỵ

L-

Li / Ly

Lì / Lỳ

-

-

Lí / Lý

Lị / Lỵ

M-

Mi

Mì / Mỳ

Mỉ

Mĩ / Mỹ

Mị / Mỵ

N-

Ni

Nỉ

-

-

Nị

NGH-

Nghi

Nghì

Nghỉ

Nghĩ

-

Nghị

NH-

Nhi

Nhì

Nhỉ

Nhĩ

Nhí

Nhị

PH-

Phi

Phì

Phỉ

-

Phí

Phị

QU-

Qui / Quy

Quì / Quỳ

Quỉ / Quỷ

Quĩ / Quỹ

Quí / Quý

Quị / Quỵ

R-

Ri

Rỉ

-

Rị

S-

Si

Sỉ

Sĩ / Sỹ

-

-

T-

Ti / Ty

Tì / Tỳ

Tỉ / Tỷ

-

Tí / Tý

Tị / Tỵ

TH-

Thi

Thì

Thỉ

-

Thí

Thị

TR-

Tri

Trì

-

Trĩ

Trí

Trị

V-

Vi

Vỉ

Vĩ / Vỹ

Vị

X-

Xi

Xỉ

-

Xị

Từ bảng kết quả này, có thể chia thành các nhóm sau:

  • 13 phụ âm đầu đã thống nhất cách viết (B-, CH-, D-, Đ-, GH-, N-, NGH-, NH-, PH-, R-, TH-, TR-, X-): chỉ đi với -I, dù dấu thanh là gì, dù là từ Hán Việt hay thuần Việt;

  • 8 phụ âm đầu có nhiều cách viết (H-, K-, L-, M-, QU-, S-, T-, V-): viết với -I trong từ này nhưng với -Y trong từ khác;

  • riêng chữ H: khi là phụ âm đơn riêng lẻ thì tồn tại nhiều cách viết với -I và -Y, nhưng khi tham gia vào phụ âm kép (CH-, GH-, NGH-, NH-, PH-, TH-) thì tất cả đều chỉ viết với -I.

Trong số 8 phụ âm đầu có viết với cả -I lẫn -Y, có:

  • 13 trường hợp chỉ viết với -I ở một số dấu thanh nhất định (Hì; Ki; Mi, Mỉ, Mí; Si , Sì, Sỉ; Vi, Vì, Vỉ, Ví, Vị), nhưng viết với cả -I lẫn -Y ở những dấu thanh khác;

  • 28 trường hợp tồn tại hai cách viết với -I và -Y của cùng một từ, như “ca sỹ” = “ca sĩ”, “hi vọng” = “hy vọng”, “tỉ giá” = “tỷ giá”,...

Phức tạp hơn, có không ít trường hợp ở cùng một dấu thanh, có thể viết với cả -I lẫn -Y trong từ này, nhưng lại thường chỉ viết -I trong từ khác (như “tỉ số” = “tỷ số” ≠ “tỉ mỉ”, “mị dân” = “mỵ dân” ≠ “mộng mị”,...). Và cuối cùng, trong cùng một bài viết, cùng một từ có cùng nghĩa hay cùng nguồn gốc Hán-Việt, nhưng có rất nhiều người lúc thì viết với -I, lúc lại viết với -Y.

Nhận xét

Với nhóm phụ âm đầu B-, CH-, D-, Đ-, GH-, N-, NGH-, NH-, PH-, R-, TH-, TR-, X- thì coi như đã thống nhất, không có gì phải bàn cãi, vì chỉ viết với -I. Nhưng với nhóm phụ âm đầu H-, K-, L-, M-, QU-, S-, T- và V- thì trong thực tế cho đến nay có một số quan điểm khác nhau dẫn đến tình trạng chưa thống nhất quy tắc viết -I và -Y một cách rộng rãi. Dưới đây người viết chỉ xem xét một số quan điểm chính về mặt lợi ích đối với một hệ thống chính tả tiếng Việt thống nhất.

  • Quan điểm hiệu ứng thẩm mĩ: viết -Y đẹp hơn so với -I, ví dụ như “công ty” > “công ti”; “mỹ thuật” > “mĩ thuật”,... Tuy nhiên, ngược lại thì hiếm ai lại viết “ly ty”, “tỷ thý”, “sân sy”, “năn nỷ”, “bản vỵ”,... để cho các từ này đẹp hơn.

  • Quan điểm nguồn gốc Hán-Việt hay thuần Việt: từ Hán Việt thì viết -Y, từ thuần Việt thì viết -I, ví dụ như “hy vọng”  “hì hục”, “lý sự”  “lì lợm”,... Nhưng, trong rất nhiều trường hợp, sẽ rất khó phân biệt từ nào là Hán Việt từ nào là thuần Việt, đặc biệt là khi có những âm tiết có mặt trong cả từ Hán-Việt lẫn từ thuần Việt, như “sỉ nhục” ≠ “sỉ lẻ”, “tỳ bà” ≠ “tì đè”,... Bên cạnh đó, có nhiều từ Hán Việt chỉ viết với -I chứ không phải với -Y, như “tu mi nam tử”, “sỉ nhục”, “tỉ thí”, “ti tiện”,... Và ngược lại, nhiều từ thuần Việt lại thường hay có xu hướng được viết với -Y như “tuổi Tỵ”, “giờ Tý”, “khoai mỳ”, “lầm lỳ”,...

  • Quan điểm lịch sử chữ viết: những người theo quan điểm này cho rằng thời gian trước đây đã viết theo một cách nào đó rồi, sau một thời gian thay đổi, vì lí do nào đó không đạt kết quả tốt nên quay lại theo cách viết cũ. Có thể thấy rõ điều này trong xu hướng viết “sỹ” thay cho “sĩ” khoảng vài ba năm gần đây. Tuy vậy, đã làm thế thì lần về xa hơn trong lịch sử, tại sao không viết nhiều từ khác theo cách ban đầu mới ra đời tiếng Việt, như “huình” và “quấc” như trong “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” của Huình Tịnh Paulus Của?

  • Quan điểm ngữ âm học: xét riêng về chuẩn mực ngữ âm, có rất nhiều cách ghi một số từ ngữ chính xác hơn, như “huiền” > “huyền”, “ziết” > “giết”, “wi” > “quy”,... nhưng vẫn không được phổ biến vì cách viết “huyền”, “giết”, “quy”,... đã tồn tại lâu dài và có nhiều yếu tố thuận tiện hơn cho sự thống nhất cách viết -I và -Y trong điều kiện hiện tại.

  • Quan điểm không cần quy tắc thống nhất chặt chẽ: với những người có quan điểm này, viết kiểu gì cũng được, miễn đọc ra hiểu được là xong. Hoặc là, tuy không có hẳn quan điểm “không cần quy tắc”, nhưng thái độ thờ ơ của nhiều người, chỉ suy nghĩ đơn giản theo kiểu “biết thế nào thì dùng thế ấy”, hoặc nói và viết “theo báo chí, theo truyền hình”, cũng góp phần cho sự lên ngôi của quan điểm này.

Với rất nhiều trường hợp và quan điểm khác nhau như vậy, thật khó để tìm ra và nhớ hết các quy luật chung trong cách viết -I và -Y. Đồng thời, từng quan điểm cũng không thể hiện được tính quy luật xuyên suốt nào trong những cách viết hiện đang tồn tại, hoặc góp phần làm phát sinh ra những vấn đề phức tạp hơn. Hậu quả của sự bất nhất này thì đã nhãn tiền, đó là thực trạng bề bộn của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng mà ai cũng có thể nhận thấy. Khi các nhà xuất bản, báo chí, truyền hình,... mỗi nơi tự định ra cho mình một “chuẩn” riêng theo những quan điểm riêng nêu trên, thì vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Với tầm ảnh hưởng quan trọng đối với công chúng, một lựa chọn bất hợp lí của của giới báo chí và truyền thông lại trở thành một nguy cơ làm phổ biến những thói quen sai về ngôn ngữ trong khắp cộng đồng.

Thực ra, tình hình chưa đến nỗi quá bi đát! Có thể thấy trong giới ngôn ngữ học Việt Nam cũng như trong sách giáo khoa phổ thông, quy tắc viết -I và -Y hầu như đã thống nhất. Nhưng điều đáng tiếc là các quy tắc này vẫn chưa đến được với đại đa số công chúng!

4. Cách viết -I và -Y theo chuẩn chính tả tiếng Việt

Bản chất vấn đề nằm ở chỗ: quy tắc viết -I hay -Y theo chuẩn chính tả tiếng Việt đã được các nhà ngôn ngữ học lập ra và cụ thể hoá trong các bộ từ điển quốc gia; nhưng có lẽ các quy tắc này chưa đến được với công chúng vì chúng được diễn đạt với ngôn ngữ “hàn lâm”, với những khái niệm chuyên môn về ngôn ngữ học quá khó hiểu chăng?

Nếu tổng kết các quy tắc viết -I và -Y do các nhà ngôn ngữ học lập ra (ở đây xét theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, ấn bản năm 2001), người viết nghiệm được rằng chỉ cần nhớ bốn nguyên tắc đơn giản để có thể thống nhất toàn bộ các trường hợp phức tạp như đã nêu ở trên.

  1. Nguyên tắc viết tên riêng: giữ nguyên gốc theo giấy tờ hay lựa chọn của chủ sở hữu. Ở khía cạnh này, không cần quá bận tâm việc chữ viết có đúng quy tắc chính tả thông dụng hay không, như “Dy”, “My”, “Lynh”, “Huình Tịnh Của”, “Trần Huiền Ân”,... cũng giống như đối với các cách viết khác không có trong chuẩn chính tả tiếng Việt như “Dzếnh”, “Dzoãn”, “Dzũng”, “Đăk Lăk”, “Bắc Kạn”,... Điều này cũng phổ biến trong cách đặt tên riêng ở nhiều nước trên thế giới.

  2. Nguyên tắc viết liền sau phụ âm: khi viết liền sau một phụ âm thì luôn luôn dùng -I. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các từ không phải tên riêng, dù trước -I là phụ âm đơn hay phụ âm kép, bao gồm B-, CH-, D-, Đ-, G-, GH-, H-, K-, L-, M-, N-, NGH-, NH-, P-, PH-, R-, S-, T-, TH-, TR-, V-, X-.

  3. Nguyên tắc viết liền sau nguyên âm: khi viết liền sau một nguyên âm thì đọc thế nào viết thế ấy. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các từ không phải tên riêng, khi chữ -I hay -Y được viết liền sau các nguyên âm A-, Â-, O-, Ô-, Ơ-, U-, ƯƠ-.

  4. Nguyên tắc viết một mình: khi viết một mình để làm thành một từ, dùng Y cho từ Hán-Việt và I cho từ thuần Việt. Ví dụ, viết Y KHOA,  THẾ, Ý KIẾN,... nhưng sẽ là  EO, Í ỚI, Ì ẠCH,...

Lưu ý là các nguyên tắc 2 và 3 được xét theo chữ viết chứ không xét theo âm đọc, nên chữ -U- trong QU- được xếp vào nguyên tắc 3. Nguyên tắc này cũng sẽ giúp giải quyết các rắc rối về cách phát âm mà nhiều người nêu ra để “làm khó” cho việc chuẩn hoá cách viết -I và -Y ở các vị trí khác nhau trong từ, như: BÁI ≠ BÁY, HUI  QUY, HỦI  QUỶ, TÚI ≠ TUÝ = Q, QUYÊN = QUYẾT = QT; THÚI  TH; THAI  THAY,...

5. Thái độ ứng xử với chính tả tiếng Việt nói chung

Là người không chuyên nên không dám lạm bàn sâu hơn về các vấn đề ngôn ngữ, nhưng kết lại, người viết thấy rằng có một cách đơn giản nhất mà người dân ở các nước khác vẫn thường sử dụng để giải quyết các khó khăn về chính tả: mua cho mình một quyển từ điển đáng tin cậy để tra cứu và tuân thủ theo các quy tắc mô tả trong quyển từ điển ấy.

Ở Việt Nam, có thể nói là nhiều người vẫn còn “đối xử bất công” đối với tiếng Việt. Nếu khi học tiếng nước ngoài người ta sẵn sàng mua từ điển để tra từ vựng, học thuộc và luôn cố nói/viết cho đúng thứ tiếng nước ngoài đó, thì lại không có nhiều người nghĩ đến hay sẵn lòng mua một quyển từ điển tiếng Việt để kiểm tra xem thứ tiếng mình nói hàng ngày, đọc hàng ngày, viết hàng ngày (và đến cả đời) có gì sai sót hay không! Có thể họ nghĩ rằng nói ra ai cũng hiểu, nghe gì đọc gì cũng hiểu, thì tra từ điển làm gì cho mệt và... tốn tiền (?!). Song, không phải ai cũng có thể biết rành rẽ tất cả các từ tiếng Việt mình sử dụng hàng ngày. Vậy thì, nên chăng mỗi gia đình mua một quyển từ điển tiếng Việt tiêu chuẩn, đặt trên kệ sách để tra cứu khi cần thiết? Với học sinh, sinh viên hay những ai cần và thường làm công việc viết lách (văn học, báo chí, thư từ, công văn, trao đổi công việc,...) có lẽ việc đó lại càng đáng làm hơn nữa. Đôi khi, thay vì đổ lỗi xa gần, cách giải quyết lại nằm trong tầm tay của chính mỗi người vậy! 

Nguồn: http://khoahocviet.info/site/index.php/ngon-ngu/2-tieng-viet/2-tieng-viet-i-y 


y dài i ngắn

Đào Tiến Thi

Hiện nay, trong chính tả tiếng Việt (chữ Quốc ngữ), người ta vẫn còn lúng túng trong việc chọn i ngắn  y dài trong một số trường hợp. Cụ thể là khi âm /i/ đứng làm âm chính trong âm tiết mở (không có âm cuối vần) sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/. Và do đó vẫn tồn tại hai cách viết.

 

hi vọng/ hy vọng
kĩ thuật/ kỹ thuật
lí luận/ lý luận
mĩ thuật/ mỹ thuật
công ti/ công ty
sĩ quan/ sỹ quan

Thực ra muốn bàn vấn đề này một cách thấu đáo, phải đề cập một phạm vi rộng hơn, đó là vấn đề chính tả của chữ Quốc ngữ nói chung. Nhưng như thế, bài viết sẽ quá dài, do đó chúng tôi chỉ đề cập vấn đề chung một cách ngắn gọn, chủ yếu là những gì liên quan đến cách viết i ngắn/ y dài, xoay quanh nguyên tắc ghi âm hay ghi ý.

Những người thiên về góc nhìn ngữ âm học cho rằng cả hai chữ i ngắn và y dài trong các trường hợp trên đều ghi âm /i/ nên bản chất không có gì khác nhau cả, vậy nên tốt nhất là nhập hai cách viết đó làm một cho nhất quán và giản tiện. Giáo trình Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt viết: “Trong chính tả hiện nay đang có những trường hợp cùng một âm vị nhưng được viết tùy tiện theo hai cách khác nhau. Đó là cách viết lung tung i/y và d/gi” (1). Và tác giả đề nghị: “Thống nhất viết nguyên âm – âm chính /i/ bằng chữ cái “i”, ví dụ: lí luận, kĩ thuật, mĩ thuật,…” (2). Không chỉ tác giả của giáo trình trên mà xu hướng chung của giới ngôn ngữ học nhiều năm qua là như vậy.

Nhưng xã hội cũng không dễ gì chấp nhận những đề nghị nói trên, dù có những lý do hợp lý nhất định. Tuy đại đa số không có lý thuyết về ngôn ngữ học, nhưng bằng ngữ cảm bản ngữ, người ta cũng nhận thấy viết nhất loạt i ngắn như mất mát, thiếu hụt cái gì đó, cho nên cách viết y dài vẫn được duy trì ở chỗ này chỗ khác. Chẳng hạn:

– Tại số nhà 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội có hai viện “chữ nghĩa” lớn nhất nước ta – Viện Văn học (với cơ quan ngôn luận là tạp chí Văn học) và Viện Ngôn ngữ (với tạp chí Ngôn ngữ) – thì trong khi bên Ngôn ngữ viết i ngắn, bên Văn học vẫn viết y dài.

– Nhà xuất bản Giáo dục quy định những trường hợp trên phải nhất loạt viết i ngắn. Tuy nhiên, khi các công ty con của nhà xuất bản ra đời, ban đầu tên công ty đều viết là ti (i ngắn), nhưng rồi càng ngày người ta càng nhận thấy bất tiện, nên đã dần dần đổi sang viết ty (y dài).

– Một số tác giả viết sách cho Nhà xuất bản Giáo dục, trong khi chấp nhận viết nhất loạt i ngắn cho sách giáo khoa, thì các sách khác vẫn đề nghị viết phân biệt i ngắn/ y dài.

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trần Ngọc Thêm, lúc đầu cũng ủng hộ nhất loạt viết i ngắn, nhưng về sau chính ông đã nhận thấy, chỉ xét riêng về mặt văn hóa, đã không ổn. Góp ý cho sách giáo khoa lớp 4 mới (2005), ông chỉ ra việc nhất loạt viết i ngắn là một chủ chương cực đoan và không thích hợp, nhất là khi gặp tên riêng, vì ở đó phải tôn trọng truyền thống và tự do cá nhân. Và năm sau, NXB Giáo dục đã sửa cách viết tên riêng theo hướng này. (Viết Chương Mỹ, Lý Tự Trọng thay cho Chương Mĩ, Lí Tự Trọng)

Đặc biệt, học giả Cao Xuân Hạo, trong một giai đoạn dài đã đơn thương độc mã chống lại chủ trương sáp nhập i ngắn và y dài, cũng như chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ nói chung. Cái mà đa số giới ngôn ngữ học cho hệ thống ghi âm 1 đối 1 (1 âm – 1 chữ và ngược lại) là ưu điểm của chữ Quốc ngữ – thì ông đánh giá ngược lại: “Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm vị học, mà ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong trường hợp các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt. Tuy vậy, cũng giống như chữ Anh và chữ Pháp, những chỗ bị người ta coi là bất hợp lý chính là những chỗ làm cho nó phân biệt nghĩa và cội nguồn của các từ đồng âm như da  gia,   lí (trong lí nhí). v.v.. Đáng tiếc là những chỗ như thế không lấy gì làm nhiều” (3).

Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích thêm những bất cập của chủ trương nhất loạt viết i ngắn và sự có lý của chủ trương bảo tồn sự phân biệt i ngắn/y dài.

Nếu vận dụng triệt để nguyên tắc ngữ âm học theo kiểu 1 – 1 giữa âm và chữ, thì ngoài i ngắn/ y dài trong âm tiết mở nói trên, sẽ còn phải xử lý “nhất quán” hàng loạt trường hợp khác. Ví dụ:

  • i/y độc lập làm âm tiết: y tế, chuẩn y, ý nghĩa, ỷ thế, yêu cầu, yếu thế yểu điệu,… → i tế, chuẩn i, í nghĩa, iêu cầu,… Và i/y trong tổ hợp làm vần: uyên bác, khuyên bảo, quyên góp, thuyết minh,… → uiên bác, khuiên bảo, quiên góp, thuiết minh,…
  • c/k/q (cùng ghi âm “cờ”): quốc ca, cứu quốc, con đường quanh co,… → kuốc ka, kứu kuốc, kon đường kuanh ko,…
  • d/gi (cùng ghi âm “dờ”): giáo dục gia đình → dáo dục da đình hoặc záo zục za đình
  • g/gh (cùng ghi âm “gờ”): gồ ghề, ghen ghét → gồ gề, gen gét
  • ng/ngh (cùng ghi âm “ngờ”): ngấp nghé, ngông ghênh → ngấp ngé, ngông ngênh

Ngoài ra còn nhiều trường hợp “bất hợp lý” khác: viết u và o khi cùng ghi âm đệm /u/: quanh/ khoanh; viết u và o khi cùng ghi âm cuối /u/: u/ báo; viết ă và a khi cùng ghi âm chính /a/ ngắn: săn/ sau (trẻ con vẫn đánh vần “á-u-au, sờ-au-sau”. v.v..

Nếu sửa tất cả cho nhất quán, để chữ Quốc ngữ thành một “hệ thống ghi âm hoàn hảo, không chê vào đâu được”, hẳn sẽ có một thứ chữ Quốc ngữ “hiện đại” khác xa thứ chữ hiện hành. Hậu quả là khoảng vài chục năm sau nữa, con cháu sẽ không đọc nổi chữ Quốc ngữ kể từ thời chúng ta trở về trước!

Nhưng điều quan trọng hơn, nếu triệt để vận dụng nguyên tắc ngữ âm học như trên, tuy được một vài cái tiện nhất định thì lại mất rất nhiều cái lợi khác.

Thứ nhất, nó mất đi sự trong sáng. Ví dụ, nếu đồng nhất viết gia đình cũng như da thịt sự cũng như  nhí sẽ mất sự phân biệt nghĩa và mất cả sự đánh dấu về từ nguyên.

Thứ hai, nó mất đi sự phong phú. Chẳng hạn trong tên riêng, người ta có quyền lựa chọn để biểu đạt một ý nghĩa nào đó. Giữa tên là  với nghĩa là “bé” khác với  với nghĩa là “năm Tý, năm Chuột”. Hầu hết tên riêng người ta chọn y dài (gốc Hán) để thể hiện sắc thái trang trọng: chọn Hy (hy vọng), không chọn Hi (cười hi hi), chọn Kỳ (kỳ vọng), không chọn  (kì kèo), v.v..

Ngoài ra, trong một số trường hợp, nó mất đi vẻ đẹp văn hóa. Ví dụ giữa “công ti” và “công ty”, người ta thấy viết “công ty” hay hơn. Vì sao vậy? Vì chữ “ti” được viết trong “ti trôn”, rồi “ti” còn có nghĩa là “vú” (sờ ti). Viết “công ty” sẽ trang trọng hơn “công ti” là vì thế.

Đấy là điều giải thích vì sao cả nửa thế kỷ qua, với rất nhiều lời kêu gọi của nhiều nhà ngôn ngữ học, với hàng loạt giáo trình, sách giáo khoa chỉ ra sự “bất hợp lý” mà sự “bất hợp lý” vẫn tồn tại! Cuộc sống bao giờ cũng có sự lựa chọn khôn ngoan, chống lại những giáo điều, duy ý chí.

Sự duy ý chí ấy bắt nguồn từ đâu? Theo tôi, đó là việc việc vận dụng máy móc lý thuyết về chữ ghi âm, coi chữ chỉ là ký hiệu của âm: “Chữ ghi âm không quan tâm đến nội dung, ý nghĩa của từ mà chỉ ghi lại chuỗi âm thanh của từ đó. Chữ viết ghi âm là đại diện của ngữ âm chứ không phải ý nghĩa. Quan hệ giữa chữ  ý ở đây là một quan hệ gián tiếp mà âm là trung gian: chữ – âm – ý” (4) (Người trích nhấn mạnh).

Nhận định trên thực ra chỉ đúng trên nguyên tắc chung của loại hình chữ ghi âm, trong tương quan với phạm trù đối lập là chữ ghi ý. Nguyên tắc có giá trị lý thuyết, giúp cho nhận thức khái quát, đi vào những sự vật hiện tượng cụ thể lại phải xem xét một cách cụ thể. Thực tế bao giờ cũng phong phú hơn lý thuyết. Thực tế trên thế giới, theo nhiều nhà ngôn ngữ học, không có một thứ chữ nào thuần túy ghi âm, cũng như không có một thứ chữ nào thuần túy ghi ý. Theo chúng tôi, đành rằng chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm, nhưng đấy là trên nguyên tắc chung, phần còn lại, tính chất ghi ý của nó cũng chẳng phải là nhỏ. Ngoài những ký hiệu và chữ viết tắt như m, m2, m3, kg, kw, kb, D, ^, %, <, >, &, @, v.v, XHCN, UBNN,… hiển nhiên đấy là chữ ghi ý thì hình thức chính tả “siêu phương ngữ” hiện hành là biểu hiện sinh động của tính chất ghi ý. Hình thức chính tả hiện nay được gọi là “siêu phương ngữ” vì nó không “trung thành” hẳn với phát âm của một vùng phương ngữ nào. Miền Bắc không phân biệt các âm đầu /ch – tr/, /x – s/, /d/gi – r/ khi nói nhưng khi viết vẫn phân biệt, cho nên hình thức (quả) chanh – (đấu) tranhxinh (đẹp) – sinh (sống),… là những hình thức ghi ý; miền Nam không phân biệt các âm cuối /n – ng/, t – c/, các thanh hỏi – ngã, âm đầu /v – d/,… cho nên (ánh) trăng – (con) trănbắt (tay) – bắc (cầu), rủ (bóng) –  (xuống),… là những hình thức ghi ý. Vậy nên dù có sáp nhập các hình thức i ngắn/ y dài, d/ gi thì cũng chẳng thêm được bao nhiêu, thì cũng không sao đưa chữ Quốc ngữ thành chữ ghi âm hoàn toàn được. Nếu bây giờ trung thành với nguyên tắc “ngữ âm học” (nói sao viết vậy) thì tiếng Việt sẽ vỡ ra ít nhất thành hai mảng: tiếng miền Nam và tiếng miền Bắc. Nhưng người Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên chẳng mấy khó khăn khi viết chính tả, dù rằng rất nhiều chữ nói một đằng viết một nẻo, nói giống nhau mà viết khác nhau. Vì sao vậy? Thứ nhất vì chữ viết là một hệ thống, độc lập tương đối với hệ thống ngữ âm. Trong buổi đầu hình thành chữ Quốc ngữ, có thể đó là một hệ thống ký tự 1 đối 1 đối với hệ thống ngữ âm, nghĩa là khá “hợp lý”. Nhưng trong quá trình phát triển, ngữ âm và chữ viết đã biến đổi theo những con đường riêng, không hoàn toàn phụ thuộc vào nhau, cuối cùng tiến tới một hình thức như ngày nay. Thứ hai, do tính độc lập tương đối đó, chữ viết trở thành một kênh giao tiếp khác. Ngôn ngữ nói được tiếp nhận bằng thính giác, còn ngôn ngữ viết được tiếp nhận bằng thị giác. Theo Cao Xuân Hạo: “Khi một hệ chữ viết đã được dùng trong vài ba thế kỷ, nó trở thành một truyền thống văn hoá. Mỗi từ ngữ dần dần có một diện mạo riêng. Một gestalt mà người ta đã quen thuộc đến mức không thể thay đổi được nữa. Và cái gestalt thị giác do cách viết tạo nên được liên hội với cái nghĩa của từ ngữ bất chấp cách phát âm ra sao, và nhờ đó người đọc phân biệt các từ đồng âm mặc dù không có sự giúp đỡ của các tình huống đối thoại hay của sự hiện diện của người đối thoại…” (5)

Gestalt là một thuyết tâm lý học. Nghĩa của từ này trong tiếng Việt tuơng đương các từ “hình thể”, “hình dạng”, “phom”, “diện mạo tổng quát”. Thuyết gestalt được áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Riêng về nhận thức, nó cho rằng sự tri giác của con người không phải là sự đơn lẻ, lần lượt mà có tính tổng hợp, toàn bộ, tức thời (cho nên có người dịch là thuyết “hoàn hình”). Ví như ta nhận ra một người quen không phải lần lượt bằng từng nét riêng rẽ (mắt, mũi, dáng điệu,… ) rồi cộng lại, mà nhận ra toàn bộ diện mạo một cách đồng thời. Trong việc đọc cũng vậy, không phải bằng “đánh vần” từng âm, ghép các âm lại rồi mới luận ra nghĩa, mà cái nghĩa đến ngay khi tri giác toàn bộ “mặt chữ”, cũng không cần “vang lên” bất kỳ một âm thanh nào. Nói cách khác, từ chữ, cái ý (nghĩa) đến thẳng, không cần qua “cầu” trung gian là âm.

Tóm lại việc duy trì hai hình thức i ngắn/ y dài có lý do sâu xa trên nhiều phương diện. Còn về việc khó khăn khi viết thì hoàn toàn có thể khắc phục được. Thực ra thì hầu hết đã có quy tắc (6), chỉ còn lại trường hợp khi chúng làm âm tiết mở sau các phụ âm /h, k, l, m, s, t/ sẽ nói dưới đây.

Trường hợp đứng sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/, về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: viết i ngắn khi là từ thuần Việt; viết y dài khi là từ Hán Việt. Bây giờ chỉ cần chuẩn hóa thói quen đó. Bảng dưới đây liệt kê một số trường hợp trong đối sánh các từ đồng âm (trường hợp không có từ đồng âm, dùng ký hiệu X; các yếu tố Hán Việt đồng nghĩa chỉ nêu 1, 2 trường hợp, ví dụ: ly – “lìa ra”: ly hôn).

Phụ âmTừ thuần ViệtTừ Hán Việt
h(cười) hi hi
(mắt) ti hí, hí hoáy
hỉ mũi, hủ hỉ, hỉ hả
hy vọng
du hý, hý trường, hý viện
hiếu hỷ, hỷ xả, song hỷ
kkì cọ, kì kèo
kí cóp, kí (kilôgam)
X
X
kĩ tính, kĩ càng
kỳ vọng, kỳ thi, ly kỳ, quốc kỳ
du ký, chữ ký, ký âm, ký giả; ký sinh
đố kỵ, kỵ binh, ngày kỵ (giỗ)
kỷ luật, kỷ yếu, kỷ niệm, thế kỷ
kỹ nữ, kỹ thuật, tạp kỹ
lli (milimét), li (cốc), (giấy) ô li, li (quần), li bì, li ti
lì lợm, nhẵn lì, lì xì
(điệu) lí, (nói) lí nhí
(đã bảo mà) lị
(quẻ) ly, ly hôn
X
lý thuyết, hương lý, hải lý
tỉnh lỵ, kiết lỵ
m(bọn) mi, mi ca, nốt mi
mì (sắn), bột mì, mì chính
mụ mị
X
tu my
nhu mỳ
mỵ dân
mỹ thuật, mỹ tửu, mỹ mãn
scây si, nốt si
đen sì, sì sụp
mua sỉ
X
ngu sy, sy tình
X
sỷ nhục
sỹ tử, sỹ phu, sỹ diện
tđinh ti, ti trôn, (bé) ti ti, ti toe
tì (tay), tì vết, (uống) tì tì
tí hon, tí tách, tí toáy
tỉ tê, tỉ mỉ, (khóc) tỉ ti
tị nạnh
ty (sở), tự ty, công ty
tỳ (lá lách), tỳ bà, tỳ thiếp, tỳ tướng
(năm) tý
tỷ lệ, tỷ dụ, tỷ thí
tỵ nạn, (năm) tỵ

Sẽ có người băn khoăn: làm thế nào để nhận biết từ Hán Việt, từ thuần Việt? Thực ra bằng ngữ cảm bản ngữ, nói chung mỗi người đều có thể nhận ra, cũng giống như biết rằng khi nào dùng từ phu nhân, khi nào dùng từ vợ, khi nào dùng phụ nữ, khi nào dùng đàn bà. Về cách phân biệt Hán Việt/thuần Việt, chúng tôi sẽ đề cập vào một dịp khác, ở đây chỉ nêu một quy tắc thông dụng nhất: Yếu tố thuần Việt có thể dùng độc lập, còn đa số yếu tố Hán Việt thì không. Ví dụ nói hai nước chứ không nói hai quốc.

Nhưng vấn đề nhận biết Hán Việt/ thuần Việt cũng không quan trọng lắm. Nếu đã chuẩn hóa và các sách báo làm gương thực hiện thì cách viết i hay dần dần sẽ trở thành những gestalt trong đầu óc mỗi người, và việc viết đúng đã được tự động hoá, cũng giống như xưa nay mọi người vẫn viết đúng y tế/ (lớp) i tờ, ỷ thế/ ỉ eo, ý nghĩa/ í ới mà không cần phải suy nghĩ gì.

Đối với các thuật ngữ gốc nước ngoài và tên riêng nước ngoài thì nên để chữ này như trong nguyên ngữ. Ví dụ: hydrogenium -> hy-đrô; histamine -> hi-xta-min; Myamar -> My-an-ma; Midway -> Mít-guây.

Đối với một dân tộc, trong vài ba thế kỷ, mỗi từ ngữ sẽ dần dần có một diện mạo riêng, một gestalt, thì với một con người, nhiều nhất cũng chỉ dăm bảy năm (cứ cho là học hết lớp 9), cũng đủ hình thành cái gestalt thị giác cho mỗi chữ – nghĩa, và việc viết đúng chính tả i/y là không mấy khó khăn.

Cần sớm chuẩn hóa vấn đề này. Vì nếu i ngắn được “nhất loạt hóa” như một số cơ quan báo chí, xuất bản hiện nay sẽ tạo điều kiện lối viết tùy tiện, bất chấp nghĩa. Lâu ngày cái gestalt ấy được định hình, muốn quay trở lại để phân biệt (nghĩa) cũng không được nữa.

_____________

(1) Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng PhiếnCơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, 2003, tr.123.

(2) Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến. Sđd, tr.123.

(3) Cao Xuân HạoTiếng Việt – văn Việt – người Việt. Nxb Trẻ, 2003, tr.113.

(4) Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến. Sđd, tr.120.

(5) Cao Xuân Hạo. Sđd, tr.110.

Bài viết này được tác giả trình bày tại Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2010, Trường ĐHKHXH&NV, ngày 18/4/2010 và đăng trên tạp chí Thế giới trong ta số chuyên đề 3 + 4 (2010).

-------

BÀN TIẾP CHUYỆN Y DÀI I NGẮN

ThS. ĐÀO TIẾN THI

     Trong một số bài viết trước đây[1], chúng tôi đã đưa ý kiến về 2 hình thức chính tả ghi âm /i/ khi âm này đi sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/ trong vần mở (không có âm cuối); ở đây hiện có hai quan điểm: tất cả đều viết và quan điểm phân biệt i/y (từ đây quy ước cách gọi: nhất thể i và phân biệt i/y). Chúng tôi không nhất trí quan điểm nhất thể i vì:

      Nhất thể i dẫn đến lợi bất cập hại. Vì mất đi sự phân biệt nghĩa các yếu tố đồng âm: kì cọ/kỳ vọng, ti trôn/ công ty,… và mất sắc thái văn hoá: viết  khác viết Tí trong tên riêng,…

     Về chính tả, viết phân biệt i/y không phải là khó khăn không thể vượt qua, vì ngoài thói quen, có thể phân biệt bằng bằng tiêu chí từ thuần Việt và Hán Việt.

     Trong bài này, chúng tôi xin nhấn mạnh và bàn tiếp một số điểm cho thấu đáo hơn.

1. Việc nhất thể i và sự lộn xộn i/ybắt đầu từ bao giờ?

     1.1. Xem lại các sách báo, chúng tôi thấy rải rác từ lâu, đã có hiện tượng viết lẫn lộn i/y nhưng rất ít. Nhìn chung, sách báo trước năm 1980 – tức là trước khi có quy định của Bộ Giáo dục nhất loạt thì việc viết phân biệt i/y khá phân minh. Việc nhất thể i cũng như hiện tượng viết lộn xộn i/y bắt đầu từ khi có Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục ban hành ngày 30-11-1980 (gọi tắt là Quy định 1980), do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho và Phó Chủ nhiệm UBKHXH Phạm Huy Thông ký. Văn bản này (không ghi số) quy định như sau:

     “Riêng trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy, như duy, tuy, quy,…; thí dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị.

     Chú ý: hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, thí dụ: ý nghĩa, y tế, ỉ eo, im, yêu“..

     Ngày 5-3-1984, Bộ Giáo dục lại có Quyết định số 240/QĐ Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt (Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký, gọi tắt là Quy định 1984). Quy định này không đề cập cụ thể trường hợp i/y mà viết chung như sau:

     “Về những từ tiếng Việt mà chuẩn chính tả hiện nay chưa rõ, có thể nhận thấy những trường hợp chủ yếu sau đây, và đối với mỗi trường hợp, nên dùng tiêu chí thích hợp. Cụ thể là:

     a) Dùng tiêu chí thói quen phát âm của đa số người trong xã hội, mặc dù thói quen này khác với từ nguyên (gốc Việt hay gốc Hán). Thí dụ:

     chỏng gọng (tuy là chổng gọng theo từ nguyên); đại bàng (tuy là đại bằng theo từ nguyên)

     b) Dùng tiêu chí từ nguyên khi thói quen phát âm chưa làm rõ một hình thức ngữ âm ổn định. Thí dụ: trí mạng(tuy cũng có gặp hình thức phát âm chí mạng)

     c) Khi trong thực tế đang tồn tại hai hình thức chính tả mà chưa xác định được một chuẩn duy nhất, thì có thể tạm thời chấp nhận cả hai hình thức ấy, cho đến khi nào thói quen sử dụng nghiêng hẳn về một hình thức. Thí dụ: eo sèovà eo xèo;sứ mạng và sứ mệnh.

     Quyết định số 240/QĐ còn ghi rõ: “Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ“. Có nghĩa là kể từ 5-3-1984, Quy định 1980, trong đó có việc nhất thể i, đã không còn giá trị. Không hiểu sao sau đó Quy định 1980 vẫn được in lại nhiều lần trong các giáo trình tiếng Việt (?).

     Quy định 1984 ra đời trên cơ sở Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả (GS. Phạm Huy Thông làm chủ tịch) và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ (GS. Nguyễn Cảnh Toàn làm chủ tịch). Hai hội đồng này thành lập từ 25-12-1982, qua xem xét nhiều góp ý và qua nhiều phiên thảo luận, cuối cùng đã ra Quyết nghị ngày 1-7-1983. Trong Hội đồng chuẩn hoá chính tả có GS. Hoàng Phê, về sau chủ biên Từ điển tiếng Việt, in lần đầu năm 1988, được tái bản nhiều lần. Trong tham luận, Hoàng Phê đề nghị nhất thể i trong 6 âm tiết mở (viết hi, ki, li, mi, si, ti) Nhưng như ta thấy, điều này không có trong Quy định 1984 cũng như trong Quyết nghị, chứng tỏ đó chỉ là ý kiến cá nhân. Và khi làm Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê vẫn chấp nhận cả cách viết hy, ky, ly, my, sy, ty, chỉ có điều ông chọn hình tức i ngắn để giải nghĩa, còn hình thức y dài thì chuyển chú. Chỗ này làm nhiều người lầm tưởng hình thức i ngắn là chuẩn duy nhất.

1.2. Như vậy, có thể thấy sự tồn tại hai cách viết hiện nay là do:

      Việc nhất thể i trong Quy định 1980 được thực thi ở sách giáo khoa cải cách giáo dục, bắt đầu từ 1980 (lớp 1), hoàn tất 1992 (lớp 12). Trong khoảng thời gian đang thay sách thì có văn bản mới thay thế. Tuy nhiên NXB Giáo dục vẫn tiếp tục cách viết nhất thể i. Phải chăng để khỏi “tiền hậu bất nhất”, những người làm sách đã vận dụng phần “để ngỏ” trong Quy định 1984? Hoặc họ là những người ủng hộ quan điểm nhất thể i. Vì như ta thấy, trong đợt thay SGK mới đây (2002 – 2008), NXB Giáo dục và NXB Đại học Sư phạm (Hà Nội) vẫn tiếp tục nhất thể i. Cả một lớp người đông đảo đã được nhất thể i thông qua ghế nhà trường suốt 30 năm qua!

     Mặt khác, các cơ quan xuất bản và báo chí không thuộc Bộ Giáo dục không chịu sự tác động pháp lý của các văn bản trên vẫn tự lựa chọn chính tả theo quan niệm của mình, cho nên hầu hết họ vẫn duy trì việc phân biệt i/y như trước năm 1980. Tìm hiểu sách của 49/59 nhà xuất bản hiện nay chúng tôi thấy 46 nhà xuất bản vẫn phân biệt i/y. Khảo sát hơn 100 tờ báo và tạp chí (viết), cũng chỉ thấy mấy tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ là nhất thể i, gồm Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học), Ngôn ngữ và đời sống (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), Từ điển học và bách khoathư (Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam), còn lại đều viết phân biệt i/y, kể cả một số báo và tạp chí của ngành giáo dục như Giáo dục và thời đại, Thế giới mới, Thế giới trong ta. Một số tác giả có sách ở NXB Giáo dục đã đề nghị phân biệti/y trong một số sách nghiên cứu. Các tên riêng trong sách của NXB Giáo dục, trước áp lực của xã hội, cũng dần đổi từ i ngắn sang y dài.

2. Những hệ luỵ của việc nhất thể i ngắn

     Những tác giả muốn nhất thể để tránh “bất hợp lý” nhưng thực ra lại lâm vào những hệ luỵ khác.

     2.1. Việc nhất thể i chỉ giải quyết được mỗi một lý do về ngữ âm học: 1 âm chỉ ghi bằng 1 chữ. Nhưng chữ viết, dù là chữ ghi âm, đâu chỉ có mỗi việc là ghi lại phát âm. Ngoài ghi âm, trong nhiều trường hợp, nó còn ghi lại ý nghĩa hoặc thoả mãn một khía cạnh văn hoá, lịch sử. Lấy thí dụ đơn giản, những cách viết Bắc Kạn, Kon Tum (tên đất), Ba Cul, Hai Buôl (tên người) là “sai” chính tả, nhưng nó có lý do tồn tại (không đơn giản rằng đó chỉ là “chiều” theo sở thích của cá nhân). Ngay hình thức chính tả i/y cũng không thể nhất thể i trường hợp /i/ một mình làm âm tiết: (khóc) i ỉ/ y tế, ầm ì/ sức ỳ, ỉ eo/ ỷ lại, í ới/ ý nghĩa,…

     2.2. Sự không “ăn khớp” giữa âm và chữ của chữ QN là không nhỏ[2]. Theo lý thuyết thì điều này gây khó khăn cho chính tả, nhưng thực tế cũng không khó khăn lắm, do khi  viết có hiện tượng “nhớ mặt chữ” chứ không phụ thuộc tất cả vào phát âm. Cái sự “bất hợp lý” i/y là quá nhỏ so với hàng loạt trường hợp “bất hợp lý” khác.

     Giả sử tại thời điểm này, nếu sáng tạo ra một thứ chữ quốc ngữ mới, thì hoặc là dựa hẳn vào ngữ âm của một vùng (chọn làm chuẩn) và những vùng khác phải chấp nhận vênh lệch, hoặc là chấp nhận một chính tả “siêu phương ngữ” với những vênh lệch khác nhau của tất cả các vùng (như tình trạng hiện nay). Và như vậy, dù một thứ chữ mới tinh cũng vẫn “bất hợp lý” như thường.

     2.3. Có lập luận cho rằng chữ viết bị cố định trong khi ngữ âm luôn biến đổi, đến một lúc nào đó sẽ tạo ra “bất hợp lý”, do đó việc cải tiến chữ viết là cần thiết. Nhưng thử xem, chỉ cần cải tiến vài lần như vậy, đến một lúc nào đó, con cháu sẽ không đọc được chữ của ông cha nữa! Kinh nghiệm của người Anh, người Pháp cho thấy không cần và không nên sửa đổi chữ viết. Thực ra, họ đã từng có xu hướng muốn cải cách chữ viết[3]. Nhưng họ đã mau chóng nhận ra sai lầm và đến nay “hoạ chăng chỉ những người không được bình thường may ra mới còn nghĩ đến chuyện cải cách chính tả Anh hay Pháp, mặc dù so với chữ QN, hai chính tả này còn xa cách phát âm gấp bội[4].

     Chúng tôi nghĩ bất cứ ai chỉ cần nghe giảng 30 phút cũng thấy ngay tất cả mọi “bất hợp lý” của chữ QN, chứ không chỉ i/y. Nhưng chữ QN với hình thức chính tả như hiện nay đã ổn định khoảng gần một trăm năm mà không gặp khó khăn gì đáng kể. Tóm lại, sự nhất thể i không đem lại sự sang giàu gì hơn cho chữ QN.

     2.4. Sẽ vẫn có người bảo sáp nhập i/y thì ít nhất cũng đỡ rắc rối về một trường hợp chính tả. Điều này cũng không chính xác. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều “bất hợp lý” hơn thế mà không gây khó khăn đáng kể, ví dụ:

     – Trường hợp một âm ghi bằng 2, 3 cách như g/gh, ng/ngh, c/k/q. Cả 3 trường hợp này tuy đều có quy tắc (đứng trước i, e, ê thì viết gh, ngh, k), nhưng thực tế đại đa số người viết không biết đến quy tắc mà vẫn viết đúng.

     – Loại chính tả d/gi không có cả quy tắc ngữ âm nhưng cũng không khó khăn lắm. Ngoại trừ vài trường hợp ít dùng, đại đa số người Việt viết đúng một cách rất tự nhiên do phân biệt nghĩa  nhớ mặt chữ.Trường hợp i/y rất giống d/gi nhưng còn dễ hơn vì chúng có số lượng ít hơn và gần như hoàn toàn thuộc về hai lớp từ đối lập (Hán Việt và thuần Việt), có thể khái quát thành quy tắc (xem phần 3).

     2.5Một vài nhà xuất bản chủ trương nhất thể i nhưng lại “chiếu cố” tên riêng cho phép viết y dài, sinh ra tiền hậu bất nhất trong một số trường hợp. Ví dụ, viết mĩ lệ, mĩ thuật, thẩm mĩ, còn tên riêng thì viết Mỹ Lệ, (Trương) Mỹ Hoa, Chương Mỹ, Phú Mỹ, trong khi các chữ “mỹ” này đều có nghĩa là “đẹp”.

     2.6. Đối với những từ ngữ và tên riêng nước ngoài chứa y, nếu biến thành sẽ mâu thuẫn với chủ trương phiên chuyển (phiên âm kết hợp chuyển tự) là hình thức đang được số đông đề nghị hiện nay[5]. Ngược lại, nếu giữ y, sẽ giữ được hình thức sát nguyên ngữ hơn: hydrogenium ® hy-đrô; Myanmar ® My-an-ma.

     Nói tóm lại, việc nhất thể i cũng giống như đề xuất nhất thể nhiều trường hợp khác (d/gi; c/k/q,…) chỉ là lý tưởng “hoàn thiện” chữ QN, sao cho hệ thống chữ cái khớp một cách “chằn chặn” với hệ thống âm vị[6], nghĩa là chỉ đ0ể thoả mãn cái lý thuyết về loại hình chữ ghi âm của chữ QN, chứ không giải quyết được gì cả. Chưa kể, nó còn phá hoại một hệ thống đã ổn định, đã hợp lý. Điều này cũng phi lý như một số người chủ trương ngược lại: đặt ra một chuẩn chính âm theo sát hệ thống chữ viết hiện hành, mà nếu thực hiện được nó sẽ phá hỏng cả tiếng Việt[7]. Còn bảo để giải quyết vấn đề lỗi chính tả thì đó chỉ là việc làm vô ích. Tình trạng viết sai chính tả do những nguyên nhân khác[8], không phải do những “bất hợp lý” của chữ viết hay do chưa có chuẩn chính âm.

3. Tiếp tục “cái lý y dài

     3.1 Việc phân biệt i/y cho đến nay vẫn được duy trì ở nhiều khu vực, hẳn là có lý do của nó. Như trên đã nói, 46 nhà xuất bản và hầu hết báo chí vẫn viết phân biệt i/y, chỉ có 3 nhà xuất bản nhất thể i là Giáo dục, Đại học Sư phạm và Từ điển Bách khoa.

     3.2. Khảo sát sách của NXB Giáo dục xuất bản trước 1980 và của các nhà xuất bản viết phân biệt i/y hiện nay, chúng tôi thấy về cơ bản là viết đúng (chỉ trường hợp kĩ/ kỹ là có nhầm lẫn). Như vậy, không thể lấy lý do “khó viết” mà nhập i/y làm một. Trước khi có Quy định 1980, việc phân biệt i/y đã khá ổn định. Sự “nhiễu” i/y chỉ bắt đầu từ khi có Quy định 1980. Phát biểu tại Hội nghị về tình hình chính tả trong văn bản tiếng Việt ngày 28-7-2010, GSTS. Trần Trí Dõi cũng nhận xét như vậy: “Cách viết và y thống nhất thành i không có trong Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục. Người ta chỉ thấy đó là cách dùng riêng trong sách giáo khoa của NXB Giáo dục sau khi “cải cách giáo dục và sách giáo khoa”. Vì thế, nó đã không được cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đồng thuận chấp nhận”.

     3.3. Trong chừng mực nhất định, chúng tôi cũng đã tìm hiểu dư luận xã hội. Các ý kiến phản hồi chúng tôi nhận được gần như không có ai coi nhất thể i là hay, nhất là trong các trường hợp ti trôn/ công ty, bé tí/ tuổi tý, kì cọ/ quốc kỳ, (cười) hi hi/ hy sinh, tức là khi cần phân biệt sắc thái khẩu ngữ với trang trọng, giữa tính gợi tả với tính trừu tượng.

     Về mặt mỹ thuật, dư luận chung đều cho rằng viết “đẹp” hơn. Theo chúng tôi, hình thức “đẹp mắt” hơn vì trước hết do chính sắc thái nghĩa của từ ngữ khi viết (từ Hán Việt) mang lại. Nhưng cũng có một phần lý do “hình thể”. có nét lượn, tạo sự uyển chuyển. Hơn nữa, khi đi với các chữ cái h, k, l, m, s, t (chữ thường) nó tạo ra sự hài hoà, cân đối do có cả nét đi lên và nét đi xuống (phía dưới dòng kẻ). Hãy so sánh: công ti/ công ty, hi vọng/ hy vọng, hí viện/ hý viện, quốc kì/ quốc kỳ, thư kí/ thư ký, nguyên lí/ nguyên lý, biệt li/ biệt ly, thẩm mĩ/ thẩm mỹ, hoạ sĩ/ hoạ sỹ,v.v.. Chính vì thế, trong tên riêng, gần như gần 100% người ta chọn y dài. Hầu hết các báo và tạp chí, các tên cơ quan, tổ chức, tên cửa hàng, cửa hiệu, các biển quảng cáo đều chọn y dài (tất nhiên là chỉ đối với từ Hán Việt).

     Khi tôi viết những dòng này, cả nước đang hướng về đại lễ một nghìn năm Thăng Long Hà Nội. Hàng ngàn biểu ngữ treo hai bên đường phố đều viết KỶ NIỆM, dòng chữ trang trọng nhất đặt vườn hoa Lý Thái Tổ cho khai mạc đại lễ viết:

ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI

     Trong trường hợp này không thể viết KỈ (i ngắn), dù KỈ là hình thức “chuẩn” ghi trong nhiều từ điển hiện nay.

     Đây là minh chứng cho cảm thức của số đông. Trong ngôn ngữ, cảm thức của số đông ít khi vô lý. Học giả Cao Xuân Hạo viết: “Bản thân nó (cảm thức ngôn ngữ của số đông – ĐTT) có thể không phải là một sự kiện ngôn ngữ chính danh, nhưng nó là cái phản ánh chân xác của một sự kiện khách quan của ngôn ngữ. Công việc của nhà ngữ học chính là phát hiện và trình bày ra một cách hiển ngôn những sự kiện khách quan được phản ánh trong cảm thức bất tự giác của người bản ngữ. Và xưa nay các nhà ngữ học, (…) mỗi khi thủ pháp của họ đưa tới một kết quả trái với cảm thức ấy, họ thường phải từ bỏ quan điểm ban đầu để tìm cách đi đến một kết quả phù hợp với cảm thức ấy hơn”[9].

     Chúng tôi nghĩ chỉ riêng thực tế trên cũng đủ để các nhà ngữ học xem lại quan điểm nhất thể i.

     3.4. Tuy nhiên bây giờ đặt vấn đề viết phân biệt i/y vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Quả thực, ở thời điểm hiện nay, viết phân biệt i/y gần như là “cái mới” (sự thực chỉ là trở lại), vì qua ba thập niên, thói quen nhất thể  i đã hình thành ở không ít người. Cho nên băn khoăn nhiều nhất vẫn là tính khả thi. Thực ra chỗ này mới nghĩ thì tưởng khó nhưng xem xét kĩ thì thấy vấn đề đơn giản hơn nhiều. Hai thực tế sau đây rất đáng lưu ý:

       3.4.1. Chữ QN tuy là chữ ghi âm nhưng khác rất xa các chữ Ấn Âu. Trong các ngôn ngữ Ấn Âu, gần như phải phát âm đầy đủ từng âm vị, thì tiếng Việt phát âm thành từng âm tiết (tiếng), dù âm tiết đó gồm bao nhiêu âm vị thì cũng chỉ phát âm một lần, tiếng có nhiều âm vị cũng có độ dài như tiếng chỉ có một âm vị. Mỗi âm tiết là một khối “tròn vành rõ chữ”, không nối sang nhau (kiểu như Thank you cuả tiếng Anh). Cho nên trong khi các chữ viết Ấn Âu phải ghi từng âm vị thì chữ QN ghi lại âm tiết (tiếng).

       Điều này rất hiển nhiên nhưng khi vận dụng hệ quả của nó vào chính tả thì lại chỉ có một số ít tác giả nhận thấy. Đó là hiện tượng tiếng Việt chỉ có một số lượng âm tiết nhất định (theo một số thống kê, khoảng 6000). Trong phát biểu mới đây (28-7-2010, đd), GS. Trần Trí Dõi  cũng khẳng định: “Theo nhận thức của chúng tôi, đúng như GS Hoàng Phê đã chỉ ra “chính tả tiếng Việt đơn thuần là chính tả âm tiết”. Thành thử khi chúng ta kiểm soát được số lượng âm tiết lưu hành trong thực tế tiếng Việt thì việc quy định chính tả cũng là một điều có thể làm được và hoàn toàn không khó khăn trong việc sử dụng”.Số âm tiết cần phân biệt về chính tả lại ít hơn nhiều so với tổng số âm tiết nói trên (theo một số tác giả, đối với người Bắc Bộ, cần khoảng 1950 âm tiết – chiếm 29% tổng số âm tiết). Thực tế lại ít hơn thế nữa. Ví dụ, khi viết ch/tr, d//gi, s/x, chỉ có một số trường hợp khó, chứ những trường hợp như quả chanh/ đấu tranh, da thịt/ gia đình,… thì hầu như chẳng mấy ai phải băn khoănTrường hợp i/y còn đơn giản hơn d/gi nhiều.

       Tình hình đó khiến ta yên tâm việc phải ghi nhớ: với một số lượng nhỏ những chữ “có vấn đề” về chính tả thì hoàn toàn có thể ghi nhớ được, dễ hơn nhiều so với việc phải sửa phát âm hay phải nhất thể chữ viết (i/y, d/gi,…).

       3.4.2. Mặt khác, việc ghi nhớ cũng không hoàn toàn là máy móc, nếu chúng ta biết đến hiện tượng gestalt (chúng tôi đã đề cập trong bài trước), đó là cách tri nhận tổng thể, toàn bộ của thần kinh thị giác giúp ta đọc chữ như tri giác những hình ảnh khác trong thế giới khách quan. Trẻ em bắt đầu học chữ có thể “đánh vần” (ghép từng âm vị) tương tự như cách đọc chữ Ấn Âu, nhưng khi quen rồi thì đọc thành từng tiếng – chữ, mỗi chữ đúng một tiếng, mỗi tiếng đúng một chữ. Do đặc thù này, nên mặc dù là chữ ghi âm nhưng theo chúng tôi, chữ QN ít nhiều có tính ghi ý hoặc chứa sẵn tiềm năng ghi ý. Điều này giải thích tại sao phương ngữ Nam Bộ có ngữ âm xa rời chữ viết khá lớn mà người Nam Bộ, chỉ trừ người học vấn quá thấp, ít đọc (chưa quen mặt chữ), còn thì việc viết đúng chính tả là chuyện không đến nỗi quá khó khăn.

       Có thể kiểm nghiệm tính ghi ý của chữ QN khi đọc các chữ tắt tiếng Việt, đó là đọc thẳng các chữ gốc hệt như khi viết đầy đủ: HS, GV, BS, GSTS, HTX, XHCN, TTXVN, TCN = học sinh, giáo viên, bác sỹ, giáo sư tiến sỹ, hợp tác xã, xã hội chủ nghĩa, thông tấn xã Việt Nam, trước công nguyên (chứ không đọc hát ét, giê vê, bê ét, giê ét tê ét, hát tê ích-xì, ích-xì hát xê en-nờ. tê tê ích-xì vê en-nờ). Trong khi tiếng Anh đọc từng chữ cái hoặc ráp vần: BBC /bi:bi:si:/ = British Broadcasting Corporation (Tập đoàn Truyền thanh Anh), NATO /neitou/ = North Atlantic Treaty Organization (Minh ước Bắc Đại Tây Dương).

       Hiện tượng trên cho thấy việc đọc chữ QN giống như đọc các “hình ảnh” (mỗi chữ – tiếng là một “hình ảnh”) mà số “hình ảnh” này là có hạn, cho nên “quen” đến nỗi nhìn cái là nhận ra, bỏ qua khâu “đánh vần”. Và do đó hoàn toàn có thể nhớ “mặt chữ”.

     3.5. Với đặc thù trên, ta có thể liệt kê một số lượng từ/ từ tố – chữ viết dùng i hoặc y để ghi nhớ theo quy tắc: từ thuần Việt viết i, từ Hán Việt viết y. Với đại đa số chỉ cần ghi nhớ, không cần biết đâu là thuần Việt, Hán Việt, nhưng muốn muốn xác định cũng không khó lắm, dựa vào các đặc trưng sau:

Đặc trưngThuần ViệtHán Việt
Khả năng kết hợp của từ tốDùng độc lập: hai con sông, ba quả núi, bốn nước,..Không dùng độc lập: không nói hai , ba sơn, bốn quốc,…
Tính biểu cảmCó nghĩa cụ thể, hình tượng: con gái, đàn bà, con đĩ,..Có nghĩa khái quát, trừu tượng: thiếu nữ, phụ nữ, kỹ nữ,…
Màu sắc phong cáchSắc thái thông tục, khẩu ngữ, bình dân: vợ, chồng, anh em,..Sắc thái chính quy, trang trọng, bác học: phu nhân, phu quân, huynh đệ,…

     Riêng đối với các từ chứa tiếng vần /i/ có phụ âm đầu /h, k, l, m, s, t/ đang bàn, ngoài đặc điểm trên, còn có hiện tượng này dễ nhận ra:

     – Các từ thuần Việt (viết i), hầu hết là từ đơn hoặc từ láy: hí hoáy, kì cạch, kì kèo, lì loà, lí nhí, sì sụp, ti hí, ti toe,…

     – Các từ Hán Việt (viết y) hầu hết là từ ghép: hy vọng, hiếu hỷ, hý khúc, kỳ dị, nguyên lý, tỷ lệ, tỵ địa, công ty,…

     Tất nhiên vẫn có một vài ngoại lệ, đó là chuyện bình thường trong ngôn ngữ. Bản liệt kê dưới đây cung cấp danh sách từ và từ tố thông dụng.

     H-: hi, hì, hí, hi hi, hì hì, hí hí (mô phỏng tiếng cười/ tiếng khóc), (ngựa) hí, hì hục, hì hụi, hỉ hả, hỉ mũi, hí hoáy, hí húi, hí hửng, hí hởn; hủ hỉ, hỉ hả (biến âm của hể hả) ; hậu hĩ*; hị hị (tiếng khóc); hy sinh (hy, sinh: những con vật để tế thần ® chỉ cái chết cao cả hoặc bỏ hết quyền lợi để làm việc nghĩa); hy vọng (hy: trông mong), hy hữu (hy: ít); hiếu hỷ, hoan hỷ, song hỷ, nhị hỷ, hỷ xả,… (hỷ: vui); du hý, hý kịch, hý khúc, hý trường, hý viện (: vui đùa), (cây) hy thiêm, (khí) hy-đrô.

     K-: ki bo, ki cóp, ki-lô-gam, ki-ốt, kì cạch, kì cọ, kì kèo, kì cùng, kì đà, kì giông, kí (ki-lô-gam), kí ninh (quinin); kĩ càng, cũ kĩ, cụ kị ; quốc kỳ, kỳ đài, cầm kỳ thi tửu (kỳ: cờ), học kỳ, kỳ thi, kỳ nghỉ, trường kỳ (kỳ: khoảng thời gian nhất định để làm một việc hay xảy ra một sự việc); kỳ ảo, kỳ lạ, ly kỳ, kỳ diệu, kỳ binh, kỳ dị, kỳ ngộ, kỳ quan, kỳ quái, kỳ tài, kỳ vĩ (kỳ: lạ), kỳ cựu, kỳ hào, kỳ mục (kỳ: già cả), kỳ lân (con vật tưởng tượng), kỳ thị (kỳ: không đều), kỳ vọng (kỳ: trông mong); kỷ cương, kỷ luật (kỷ: phép tắc), kỷ yếu, kỷ lục, kỷ niệm (kỷ: ghi chép), thế kỷ (kỷ: khoảng thời gian); ca kỹ, kỹ nữ (kỹ: múa/ mãi dâm; phụ nữ làm nghề hát xướng thường bị lợi dụng hành nghề mại dâm); kỹ năng, kỹ sư, kỹ thuật, kỹ nghệ, kỹ xảo (kỹ: khéo); ký âm, ký chú, du ký, chữ ký, ký giả, ký hiệu, ký hoạ, ký kết, ký sự, thư ký, ký ức (: ghi chép), ký gửi, ký sinh, ký thác, ký túc xá (: gửi); kỵ khí, đố kỵ (kỵ: ghét); kỵ binh, kỵ mã, kỵ sỹ (kỵ: ngựa); kỵ nhật (kỵ: cấm – ngày giỗ tức ngày chết của cha mẹ coi là ngày cấm).

     L-: (cái) li, li-e, chi li*, cu li, mi li (nói tắt của milimet/ miligam), (ngủ) li bì, (nhỏ) li ti, li-ti (tên một nguyên tố), lâm li*, va li, lì, phẳng lì, nhẵn lì, lì loà, lì lợm, lì xì, (nói) lí nhí, lũ lĩ, (mà, chứ) lị, kiết lị; ly (một quẻ trong bát quái), cách ly, ly cách, biệt ly, ly biệt, ly gián, ly hận, ly hôn, ly khai, ly tán, ly tâm (ly: lìa ra); địa lý, vật lý, nguyên lý, lý thuyết, lý do, lý giải, lý luận, lý sự, lý thú, lý tính, lý trí, lý tưởng (: lẽ, nguyên do), hương lý, hào lý, lý trưởng (: làng), hải lý, đường thiên lý (: dặm), lý lịch (: thực tiễn, làm việc); tỉnh lỵ, quận lỵ, lỵ sở (lỵ: sở, nơi chốn).

      M- (nốt) mi, (nhà) mi, mi-ca, mi-crô, mi mắt, cù mì, lúa mì, khoai mì, mì sợi, mì chính*, mí (lại), rễ mí,tỉ mỉ, mụ mị* ; tu my, nga my (my: lông mày), nhu mỳ (mỳ: biến âm của mỵ – “đẹp” (?); mỹ cảm, mỹ học, mỹ lệ, mỹ mãn, mỹ miều*, mỹ nhân, mỹ nữ, mỹ phẩm, mỹ quan, mỹ thuật, mỹ tục, mỹ từ, mỹ tửu (mỹ: đẹp); mỵ dân, ma mỵ (mỵ: làm cho người ta mê), uỷ mỵ, kiều mỵ, thuỳ mỵ, mỵ nương (mỵ: đẹp đẽ).

     S-: cây si, nốt si, si-lic, đen sì, hôi sì, hàn sì, sì sụp, mua sỉ (mua buôn) ; ngu sy, sy tình, sy mê (sy: ngu, ngốc), quốc sỷ, sỷ nhục (sỷ: hổ thẹn); quốc sỹ, sỹ diện, sỹ khí, kẻ sỹ, sỹ phu, sỹ số, sỹ tử (sỹ: trí thức, học trò); sỹ quan, tướng sỹ, sỹ tốt, tử sỹ (sỹ: lính).

     T-: ti (vú), ti hí, (hoa) ti gôn, ti-tan, ti toe, đinh ti, ti trôn, (bé) ti ti, (khóc) ti tỉ, ti tiện*, (uống) tì tì, tì vết, tì tay, (liền) tù tì, tí toáy, tí tách, tí teo, tí ti, tỉ (số đếm), tỉ mỉ, tỉ tê, bạc tỉ, tĩ (hậu môn loài chim), tị nạnh ; ty (sở ngày trước), công ty (ty: quản lý), trúc ty (ty: tơ); tự ty (ty: thấp hèn); tỳ vị (tỳ: lá lách), tỳ bà (một loại đàn), nô tỳ, tỳ thiếp (tỳ: đầy tớ), tỳ tướng (tỳ: nhỏ hơn; tỳ tướng: phó tướng), tỳ vị (tỳ: lá lách); tỷ giá, tỷ lệ, tỷ lệ thức, tỷ lệ xích, tỷ số, tỷ thí, (phương pháp) tỷ dụ (tỷ: so sánh); tỷ dụ, tỷ như (tỷ: ví dụ); ngọc tỷ (quả ấn); tý (tên 1 chi trong 12 chi/ chỉ năm), tỵ nạn, tỵ địa (tỵ: lánh, bỏ); tỵ (tên 1 chi trong 12 chi/ chỉ năm)

Ghi chú:

w Các từ gốc Ấn Âu được viết hay tuỳ theo nguyên ngữ.

w Các hình thức Hán Việt không có là: hỳ, lỳ, lỷ, lỹ, mỷ, mý, sỳ, sý, sỵ, tỹ. Các hình thức thuần Việt không có là: kỉ, lỉ, mĩ, sí, sị. Các hình thức thuần Việt ít gặp là: kí (biến âm của cấy – cốc vào đầu), kị (biến âm của  trong kì cọ); lĩ (lũ lĩ), mỉ (tỉ mỉ).

     w Một số từ ngoại lệ (đánh dấu sao), gồm:

     – Những từ Hán Việt có ngữ âm như từ láy nên người Việt đã cảm thức nó như từ láy (nhiều tác giả gọi các từ này là từ láy Hán Việt), chúng tôi coi là từ thuần Việt: chi li (chi: nhánh; li: tách ra); lâm li (lâm: nước nhỏ giọt; li: nước thấm vào); ti tiện (ti: thấp hèn; tiện: hèn). Tương tự còn có hậu hĩmụ mị (một yếu tố còn cảm nhận được nghĩa). Riêng mỹ miều thì mỹ vẫn rõ nghĩa gốc nên xếp vào từ Hán Việt.

     – Những từ mượn tiếng Hán hiện đại, chúng khác hẳn từ Hán Việt, nên coi như từ gốc Ấn Âu: mì chính. Kí ninh tuy mượn âm Hán Việt nhưng gốc Ấn Âu (quinin), nên tạm coi là mượn Ấn Âu.

     w Trường hợp  (kĩ càng) và sỹ (kẻ sỹ), nhiều sách, kể cả sách viết trước 1980 (phân biệt i/y) viết ngược lại là kỹ và , đó là hai trường hợp viết không chuẩn.

      Kết hợp sự ghi nhớ và phần nào sự phân biệt thuần Việt/ Hán Việt, ta thấy việc viết phân biệt i/y hoàn toàn khả thi vì: số lượng từ thuần Việt ít, có đặc điểm cấu trúc và ngữ âm dễ nhận ra, còn từ Hán Việt chỉ do một số ít từ tố gốc tạo thành, tất cả khoảng 25 từ tố gốc (ở đây gộp cả các từ tố đồng âm khác nghĩa, miễn nó là từ tố Hán Việt, viết y).

Thay lời kết

     Viết đến đây chúng tôi thấy cần phải nói lời xin lỗi, vì chỉ có hai chữ i/y mà nói khá dài, làm mất thì giờ của độc giả. Nhưng biết làm sao được, nếu không đặt trong hệ thống tiếng Việt – chữ Việt, sẽ không thể nào “bào chữa” cho những “bất hợp lý” của i/y, nhất là trong bối cảnh đang có sự lộn xộn, nhiều người muốn nhập i/y làm một không chỉ vì sự “hợp lý” mà chỉ vì tránh sự “rắc rối”. Với giới chuyên môn, nếu chúng tôi có làm mếch lòng các bậc trí giả thì cũng chỉ vì tình yêu tiếng Việt. Chúng tôi cảm thấy nếu nhất thể i sẽ là đánh mất một phần gia tài tiếng Việt của cha ông, cho nên chúng tôi đành nhọc lòng và chịu mất lòng nữa để bảo vệ cho cách viết phân biệt i ngắn và y dài

_____________

[1] Xem Ngôn ngữ và đời sống số 6/2005, Xuất bản Việt Nam số 4/2010 và Tham luận tại Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc tháng 4/2010.

[2] Một vài ví dụ: g/gh cùng ghi âm /g/, ng/ngh cùng ghi âm /ng/, thậm chí 3 chữ cái c/k/q cùng ghi âm /k/. Âm đệm /u/ vừa viết là u vừa viết là o (huy hoàng), /a/ă/ đều viết a: sao/sau. Nguyên âm đôi /iê/ viết iê/iachiến/chia, /ươ/ viết ươ/ưa (thương/thưa), v.v.. Tiếng Bắc không phân biệt /tr/ch, s/x, d/gi/r/. Từ Thanh Hoá trở vào cho hết miền Nam không phân biệt hỏi/ ngã. Từ phía nam Quảng Bình trở vào bắt đầu không biệt âm cuối /c/t, n/ng/ và từ Thừa Thiên – Huế trở vào thì hoàn toàn mất sự phân biệt trên. Riêng Nam Bộ còn không phân biệt các phụ âm đầu /v/d/, không phân biệt /g/h/k/ khi có âm đệm (huế ® guế; quang ® goang), không phân biệt âm chính /i/iê/ (tim/tiêm), đánh mất âm đệm /u/ khi đi với các nguyên âm /ê, i/, trừ khi đi với /g/h/k/ (tuệ ® tệ; thuý ® thí), /ă ®a/ (cháu ® cháo, tay ® tai). Có những tiếng không một vùng nào phát âm “đúng”. Ví dụ sẵn, Bắc Bộ đọc xẵn; Thanh Hoá – Quảng Bình: sẳn/sặn; Huế trở vào: sặng/sẳng/xẳng.

[3] Ví dụ trong tiếng Anh, /e/ khi đứng cuối từ, ngoại trừ “the”, không được phát âm: bite /bait/, distance /’distəns/, line /lain/. Một âm ghi bằng nhiều chữ, và một chữ ghi cho nhiều âm cũng là hiện tượng phổ biến. 

[4] Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, NXB Trẻ, 2001.

[5] Xem Về bản dự thảo Quy định cách viết cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lý nhà nướcNgôn ngữ và đời sống số 6/2006.

[6] Có người đã thử viết sau khi chữ QN được cải tiến “hợp lý” như sau: Ôi! Cuốc gia tŭiệt vời, cuê hương iêu dấu, sau những chặng đường khúc khŭỉu của lịch sử, sau những loăi hoăi trong đêm hôm khŭia khoắt tưởng chừng tŭiệt vọng, ngằi năi dân ta đã có được một thứ chữ ŭiên bác, không tầi huầi cuê mùa như trước.

[7] Có không ít người đề nghị dùng hệ thống chính tả hiện tại để “phiên” thành hệ thống chính âm, và ta có một hệ thống chính âm “hoàn hảo” 1 đối 1 với chính tả, nhưng than ôi, đó là một thứ chính âm nhân tạo, siêu thực, và nếu đạt được sẽ là một đại hoạ cho tiếng Việt.

[8] Lâu nay nhiều người vẫn coi luyện chính âm là điều kiện tiên quyết cho chính tả, nhưng đã vấp phải một thực tế: không một phương ngữ nào có đủ khả năng để chọn chuẩn chính âm, mà dẫu có một vùng nào đó “chuẩn” thì cũng không cưỡng ép vùng khác nói theo được. Theo Nguyễn Đức Dương, dạy chính tả bằng con đường chính âm “là biện pháp thần tình nhất để viết sai chính tả một cách chắc chắn” (Linh hồn tiếng Việt, NXB Trẻ, 2003).

[9] Cao Xuân Hạo, Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Khoa học Xã hội, 2006.

(Mùa thu 2010)