28/10/23

Vì sao tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán?

 

Nguyễn Hải Hoành
Mối quan hệ giữa tiếng Việt với tiếng Hán là một vấn đề lớn luôn được mọi người quan tâm và là đối tượng nghiên cứu của giới ngôn ngữ học Việt Nam cũng như quốc tế trong gần 150 năm nay. Một số kết quả nghiên cứu liên quan đã được công bố, trong đó tác phẩm xuất bản gần đây nhất là cuốn “Lịch sử ngôn ngữ người Việt” [1] dày hơn 600 trang, ghi lại kết quả ngót 50 năm nghiên cứu vấn đề trên của nhà ngôn ngữ học Việt Nam nổi tiếng – giáo sư, tiến sĩ Trần Trí Dõi. Tác giả đưa ra một số quan điểm đáng chú ý về nguồn gốc tiếng Việt và nguồn gốc dân tộc ta, là những vấn đề mọi người đều rất quan tâm. Vì vậy tuy là kẻ ngoại đạo với ngôn ngữ học nhưng người viết bài này vẫn xin phát biểu một vài ý kiến nhỏ, nếu có sai sót, mong được quý vị chỉ giáo.
Thông thường khi nghiên cứu nguồn gốc của một ngôn ngữ, bao giờ người ta cũng trước hết định vị ngôn ngữ đó thuộc vào nhóm ngôn ngữ nào, nhánh ngôn ngữ nào, cuối cùng thuộc ngữ hệ nào. Hiểu đơn giản, ngữ hệ (họ ngôn ngữ, language family) là tên gọi chung một tập hợp các ngôn ngữ có cùng nguồn gốc; như vậy các ngôn ngữ khác ngữ hệ thì không có chung nguồn gốc.
Sách “Lịch sử ngôn ngữ người Việt” có nêu vấn đề cha cố J. S. Theurel từng đưa ra nhận xét “tiếng Việt phần lớn bắt nguồn từ tiếng Hán” – có ghi trong cuốn Dictionarium Anamitico - Latinum (Từ điển Annam-Latin) của Theurel, ấn hành tại Ninh Phú năm 1877 [2]. Nhận xét này dựa trên chứng cớ hiển nhiên là trong tiếng Việt có rất nhiều từ gốc Hán và có một số hiện tượng ngữ pháp rất giống tiếng Hán, vì thế được một số người tán đồng, hình thành quan điểm cho rằng ngôn ngữ của người Việt có nguồn gốc ở tiếng Hán, tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Hán của ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan), nghĩa là tiếng Việt, tiếng Hán có chung ngữ hệ, tức chung nguồn gốc. Từ đó suy ra người Việt có nguồn gốc ở phương Bắc, về sau di cư xuống miền Nam. Rốt cuộc vấn đề này có liên quan tới nguồn gốc dân tộc ta.
Năm 1912, nhà khoa học người Pháp ở Viện Viễn đông Bác cổ Henri Maspéro (1883-1945) nhận định tiếng Việt có nguồn gốc nhóm tiếng Thái (Taic). Căn cứ vào những chứng cớ mới rất chi tiết và có tính hệ thống chủ yếu về ngữ âm, dựa trên lập luận chặt chẽ, Maspéro đưa ra những kết luận thuyết phục được giới ngôn ngữ học suốt nửa thế kỷ sau đó, thậm chí sang thế kỷ XXI vẫn có người ủng hộ. Hiện nay ta biết, tiếng Thái thuộc ngữ hệ Tai-Kadai, khác với ngữ hệ của Hán ngữ, như vậy nghĩa là Maspéro cho rằng tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán.
Nhưng đến các năm 1953, 1954 và 1966, một nhà ngôn ngữ học người Pháp rất nổi tiếng là André-Georges Haudricourt (1911-1996) công bố mấy bài báo phản bác quan điểm nói trên, cho rằng tiếng Việt có nguồn gốc Môn-Khmer, thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), nghĩa là không cùng nguồn gốc với tiếng Thái hoặc tiếng Hán. Lập luận của Haudricourt rất vững chắc và có nhiều chứng minh đầy sức thuyết phục, được nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam và nước ngoài tán thành.
Trong nghiên cứu, các học giả đều xem xét mối quan hệ đối ứng từ vựng giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ đối chiếu và chia từ vựng làm hai lớp: từ cơ bản và từ văn hoá. “Từ cơ bản” là những từ vựng thông dụng nhất, như từ mô tả các bộ phận cơ thể con người (chân, tay, mắt, mũi), từ nhân xưng (bố, mẹ, con, tôi, tao, mày), tên các vật xung quanh (nhà, cửa, trời, đất, trăng, sao), số đếm (một, hai, ba), tên gia súc (chó, mèo, trâu, bò, lợn), nhu cầu sống (ăn, uống, bú, ỉa, đái), cảm nhận (đau, giận, vui, buồn), v.v., là những từ liên quan tới nguồn gốc con người, nguồn gốc ngôn ngữ, là những từ con trẻ nói được khi bắt đầu biết nói, chưa bị ảnh hưởng của ngôn ngữ khác. Từ thuần Việt trong tiếng Việt hoặc từ thuần Hán trong tiếng Hán đều thuộc loại từ cơ bản.
Những từ ngữ có được sau khi tiếp xúc với một nền văn hoá khác thì thuộc loại “từ văn hoá”, thường là những từ có tính chất trừu tượng, tư tưởng, khái niệm, thuộc lĩnh vực văn hoá, ví dụ: đông, tây, đạo, lý. Từ văn hoá thường xuất hiện sau từ cơ bản hàng nghìn năm, vì thế nó không có liên quan đến nguồn gốc ngôn ngữ. Khi xác định nguồn gốc ngôn ngữ, nhất thiết phải dựa vào các từ cơ bản mà không dựa vào các từ văn hoá.
Sau khi phân loại từ vựng, Haudricourt nhận thấy số lượng từ thuần Việt tương ứng với từ trong ngôn ngữ Môn-Khmer thì nhiều hơn số lượng từ thuần Việt tương ứng với từ trong tiếng Thái, từ đó ông kết luận tiếng Việt có nguồn gốc Môn-Khmer chứ không phải có nguồn gốc Thái. Khi nghiên cứu vấn đề thanh điệu của tiếng Việt, ông cũng đi tới kết luận như vậy.
Từ vựng tiếng Việt hiện đại gồm từ thuần Việt, từ Việt gốc Hán (tức từ Hán-Việt), và từ ngoại lai. Từ thuần Việt ra đời cùng với tiếng Việt, gắn với nguồn gốc dân tộc, thể hiện tính cội nguồn của ngôn ngữ, thuộc vào lớp từ cơ bản. Từ Việt gốc Hán ra đời sau khi nước ta tiếp xúc nền văn hoá Trung Hoa, cho nên thuộc lớp từ văn hoá. Từ ngoại lai ra đời sau khi Việt Nam tiếp xúc văn hoá Âu Mỹ, ví dụ các từ pho mát, ô tô, sô (show), ây-ai (AI).
Từ Hán-Việt là loại từ vựng do tổ tiên ta sáng tạo ra trong quá trình tiếp nhận chữ Hán. Thông thường người học chữ Hán đều phải đọc chữ theo âm tiếng Hán. Nhưng chữ Hán lại không có phát âm thống nhất trong toàn Trung Quốc, mà mỗi vùng phát âm theo cách riêng gọi là phương ngữ (tiếng địa phương). Người Trung Quốc sang ta nói nhiều phương ngữ khác nhau, người Việt không biết nên đọc chữ Hán theo cách phát âm nào, đây là khó khăn lớn nhất khi họ học chữ Hán.
Để vượt qua khó khăn trên, tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt mà không đọc theo âm Hán, tức Cách phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt. Mỗi chữ Hán đơn âm được phiên âm thành một từ Hán-Việt, từ này có âm đọc thống nhất trong toàn dân Việt, gọi là âm Hán-Việt. Âm đọc ấy được chọn gần giống âm đọc từ vựng tiếng Hán, vì thế hầu hết từ Hán-Việt đọc lên nghe gần giống từ tiếng Hán. Ví dụ chữ 文tiếng Hán đọc “uấn”, ta đọc tiếng Việt là “văn”. Qua đó đã thực hiện phiên âm toàn bộ chữ Hán sang tiếng Việt, mượn được toàn bộ kho chữ Hán về dùng, nhưng chỉ mượn chữ Hán mà không mượn tiếng Hán. Do tiếng Hán và tiếng Việt đều là ngôn ngữ đơn âm tiết (đơn lập, monosyllabic) nên việc phiên âm một đối một tương đối thuận tiện. Từ Hán-Việt là kết quả phiên âm chữ Hán, và chữ Hán trở thành ký tự ghi từ Hán-Việt, nhưng không ghi được từ thuần Việt. Ví dụ chữ Hán 文化 ghi từ Hán-Việt “văn hoá”.
Từ Hán-Việt là từ vay mượn của chữ Hán. Nhờ mượn thêm từ ngoại nên kho từ vựng tiếng Việt tăng lên nhiều và ngày càng tăng. Năm 1912 Maspéro nói từ Hán-Việt chiếm 60% tổng số từ tiếng Việt. Năm 2001 Cao Xuân Hạo nói tỷ lệ này là 70%. Nghĩa là chữ Hán vào Việt Nam đã làm số lượng từ tiếng Việt tăng 2,5-3 lần. Trong thực tế, người Việt dùng từ rất linh hoạt, như ghép với từ thuần Việt (tái đàn, cận nghèo) hoặc ghép từ Hán-Việt với nhau không theo quy tắc giữ gốc Hán (bán dẫn, giải ngân), cho nên kho từ vựng tiếng Việt có khả năng tăng vô hạn.
Từ Hán-Việt còn giúp người Việt thuận lợi chuyển ngữ các từ vựng ngoại văn: khi ấy chỉ cần đọc âm Hán-Việt của từ Hán hoặc từ Kanji mà người Trung Quốc hoặc người Nhật chuyển ngữ từ ngoại văn đó, là được kết quả. Ví dụ từ tiếng Anh “pragmatism”, người Nhật chuyển sang chữ Kanji là 實用主義, ta đọc Hán-Việt là “thực dụng chủ nghĩa”, được ngay kết quả cần tìm.
Tóm lại sáng kiến phiên âm chữ Hán thành từ Hán-Việt đã giúp người Việt thuận lợi tiếp nhận chữ Hán mà hoàn toàn không nói tiếng Hán, đồng thời làm cho kho từ vựng tiếng Việt có khả năng phát triển hầu như vô hạn. Đây là một thành tựu kiệt xuất về ngôn ngữ học của tổ tiên ta.
Thế nhưng không thể vì tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán mà cho rằng tiếng Việt có nguồn gốc ở tiếng Hán, bởi lẽ từ Hán-Việt không phải là từ cơ bản, mà thuộc lớp từ văn hoá, chỉ xuất hiện sau khi người Việt tiếp xúc văn hoá Trung Hoa, tức khi nước ta bị Triệu Đà thôn tính và người Việt bắt đầu học Hán ngữ, nghĩa là sau từ thuần Việt nhiều nghìn năm, do đó từ Hán-Việt dù nhiều đến đâu cũng không ảnh hưởng gì đến nguồn gốc tiếng Việt.
Khi so sánh các từ thuần Việt với các từ thuần Hán, cũng không thấy từ thuần Việt nào có âm đọc giống với từ thuần Hán tương ứng. Sự khác nhau về từ cơ bản chứng tỏ tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán. Điều đó còn được chứng tỏ ở chỗ tiếng Việt có ngữ âm phong phú (gấp 14 lần tiếng Hán) và ngữ pháp khác tiếng Hán. Từ Hán-Việt được dùng theo ngữ pháp tiếng Việt, do đó người Trung Quốc không thể nghe hiểu câu tiếng Việt có nhiều từ Hán-Việt, tuy rằng nhìn chữ thì hiểu. Nghĩa là tiếng Việt tuyệt đối không phải là một phương ngữ của tiếng Hán.
Từ Hán-Việt chỉ là từ vay mượn (loan words) Hán ngữ. Các ngôn ngữ trên thế giới đều có vay mượn từ vựng của các ngôn ngữ khác. Tiếng Trung Quốc hiện đại có khoảng 70% từ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn là từ vay mượn tiếng Nhật. Đó là những từ vựng người Nhật chuyển ngữ từ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha… sang chữ Kanji (chữ Hán-Nhật), ví dụ các từ government, people, economy chuyển ngữ thành chính phủ, nhân dân, kinh tế. Ngôn ngữ học cho biết: từ văn hoá thường dễ vay mượn, còn từ cơ bản thì hiếm khi có vay mượn. Ví dụ tên tiếng Việt gọi các bộ phận cơ thể con người khác xa tên gọi tương ứng trong các thứ tiếng khác. Thiển nghĩ có thể suy ra ban đầu dân ta chỉ nói các từ thuần Việt, sau khi tiếp nhận chữ Hán thì bắt đầu nói các từ Hán-Việt, và ngày càng nói nhiều, nhất là khi nói đề tài xã hội, thời sự, nghị luận, đặc biệt trong văn bản, sách báo. Như trong Hiến pháp Việt Nam, tỷ lệ từ Hán-Việt lên tới khoảng 90%.
Hiện nay giới ngôn ngữ học chính thống Việt Nam và thế giới xếp tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á, nhánh Môn-Khmer, nhóm tiếng Việt (Vietic, Việt-Mường); Hán ngữ thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Việc tiếng Việt, tiếng Hán thuộc hai ngữ hệ khác nhau chứng tỏ ngôn ngữ Việt không cùng nguồn gốc với ngôn ngữ Hán. Đây là một kết luận quan trọng thu được sau 150 năm nghiên cứu vấn đề nguồn gốc tiếng Việt. Trên cơ sở ấy GS Trần Trí Dõi nhận định: Như vậy thì cội nguồn văn hoá Việt Nam cũng không thể chung nguồn gốc với văn hoá Hán.
Thiển nghĩ vì tiếng Việt khác ngữ hệ với các ngôn ngữ Bách Việt, suy ra tiếng Việt cũng không cùng nguồn gốc với các ngôn ngữ Bách Việt, ví dụ nghiên cứu của Lương Đình Vọng cho rằng Tráng ngữ là hậu duệ của ngôn ngữ Lạc Việt [3] thuộc ngữ hệ Tai-Kadai, các ngôn ngữ khác của Bách Việt đều thuộc ngữ hệ Hán-Tạng.
Tác giả sách Lịch sử ngôn ngữ người Việt còn đưa ra một nhận định quan trọng: Về mặt ngôn ngữ, đã có đủ cơ sở để cho rằng cộng đồng người nói tiếng Việt thực sự là một trong những cộng đồng cư dân bản địa chính từ thời tiền sử của vùng Đông Nam Á văn hoá, chứ hoàn toàn không phải là những cư dân di cư từ phương Bắc tới. Đây là một quan điểm đúng đắn về lịch sử dân tộc Việt, là kết quả nghiên cứu dựa trên sự tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ của dân tộc trong sự so sánh với ngôn ngữ các dân tộc ở gần, tức dựa trên các nguyên tắc có căn cứ khoa học tin cậy của ngôn ngữ học lịch sử và so sánh (Historical-Comparative Linguistics).
Kết luận nói trên cho thấy dân tộc Việt được hình thành trên mảnh đất này từ thời tiền sử, tức khoảng hơn 20 nghìn năm trước. Theo thuyết “Đi khỏi châu Phi” (Out of Africa), có thể trước đó tổ tiên ta từ châu Phi di cư tới đây. Năm 1923, nhà khảo cổ Madeleine Coloni phát hiện di cốt người Việt cùng nền văn hoá của họ trong hang đá ở tỉnh Hoà Bình, các di vật này có niên đại 18.000 năm trước Công nguyên. Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á của Tiến sĩ Nguyễn Việt vẫn tiếp tục khai quật di vật của nền Văn hoá Hoà Bình.[4].
Lịch sử lâu đời giúp cho người Việt có đủ thời gian tạo được một ngôn ngữ chín muồi, cực giàu âm tiết (syllable). So với Hán ngữ, tiếng Việt có số âm tiết cơ bản nhiều gấp 10 lần, số âm tiết chi tiết gấp 14 lần. [5], [6], [7]. Ưu thế đó làm cho tiếng Việt trở nên vững bền không dễ bị đồng hoá bởi các ngôn ngữ nghèo ngữ âm như Hán ngữ.
Thiển nghĩ, kết luận người Việt “hoàn toàn không phải là cư dân di cư từ phương Bắc tới” cho thấy dân tộc ta thời cổ không có quan hệ gần gũi với các dân tộc ở phía Bắc biên giới Trung-Việt, với nhóm bộ tộc gọi là “Bách Việt”, chẳng những về địa lý ở xa cách họ mà về ngôn ngữ hoàn toàn không chung nguồn gốc: ngôn ngữ các tộc đó đều thuộc ngữ hệ khác ngữ hệ của tiếng Việt. Có thể suy ra người Việt nguyên thuỷ sống ở vùng núi Sơn La-Hoà Bình-Thanh Hoá, về sau các bộ tộc người Kinh di chuyển dần xuống vùng trung du Yên Bái, Phú Thọ, trong khoảng 2000 năm gần đây di chuyển dần xuống vùng châu thổ sông Hồng sau khi con sông này hoàn thành việc bồi đắp vùng cuối sông. [8]. Riêng các bộ tộc người Mường anh em gần nhất của người Kinh thì vẫn ở lại vùng núi cho đến nay.
Cần nhấn mạnh, việc người Việt dùng chữ Hán nhưng hoàn toàn không nói tiếng Hán đã mang lại kết quả tất nhiên là tuy văn hoá Việt trong hơn 1000 năm Bắc thuộc từng bị Hán hoá mạnh mẽ, nhưng tiếng Hán không thể đồng hoá được ngôn ngữ của người Việt. Nhờ giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ mà dân tộc cùng quốc gia này tồn tại đến ngày nay – đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ai cũng biết văn hoá Hán có sức đồng hoá rất mạnh. Ví dụ dân tộc Mãn từng chiếm đóng cai trị Trung Quốc 276 năm, thời kỳ đầu họ ra sức Mãn hoá ngôn ngữ và văn hoá của người Hán, nhưng chỉ sau một thế kỷ, chính họ lại bị Hán hoá, toàn bộ dân tộc Mãn chỉ nói tiếng Hán, dùng chữ Hán.
Thời Bắc thuộc có nhiều người Bách Việt (chủ yếu là binh lính) sang Việt Nam định cư, ngôn ngữ của họ có tác động đến kết quả phiên âm chữ Hán, tức từ Hán-Việt. Ví dụ chữ Hán 学习tiếng Quảng Đông là “hoọc chập”, từ Hán-Việt là “học tập”, tuy rằng tiếng Bắc Kinh là “xuế xí”. Nhưng vì họ nhanh chóng bị Việt Nam hoá (lấy vợ Việt, con cháu nói tiếng Việt) cho nên ảnh hưởng của ngôn ngữ Bách Việt đối với tiếng Việt hầu như không có gì đáng kể.
Tóm lại, tiếng Việt là ngôn ngữ gần gũi nhất với Hán ngữ và chịu ảnh hưởng lớn của Hán ngữ nhưng lại không cùng nguồn gốc với Hán ngữ và không bị Hán hoá cho dù Việt Nam từng là quận huyện của Trung Quốc trong hơn 1000 năm. Chẳng rõ còn có dân tộc nào khác từng làm được điều kỳ diệu tương tự?
Ghi chú:
[1] Trần Trí Dõi: “Lịch sử ngôn ngữ người Việt – Góp phần tìm hiểu văn hoá Việt Nam”, Nxb ĐHQGHN, 2022.
[2] Joseph Simon Theurel, 1829-1868, người Pháp, Giám mục Giáo phận Hà Nội 1859-1868. Nhà thờ Kẻ Sở (Ninh Phú) ở thị trấn Kiện Khê, Hà Nam thuộc Giáo phận Hà Nội là một trong bốn nhà thờ ở Việt Nam được phong là Vương cung Thánh đường.
[3] 梁庭望: 《骆越方国研究》民族出版社, 2017年.
[4] “Văn hoá Hoà Bình: Nền văn hoá tiền sử độc đáo”. Báo Điện tử Chính phủ, 30/8/2023.
[5] Nguyễn Quang Hồng: “Âm tiết và loại hình ngôn ngữ”, Nxb ĐHQG Hà Nội, 1995.
[6] 苏培成: “二十世纪的现代汉字研究”, 书海出版社, 2001年.
[7] Nguyễn Hải Hoành: “Một vài tìm tòi về ngôn ngữ”, tạp chí Tia Sáng số 11/2020.
[8] Li Tana: “A Historical Sketch of the Landscape of the Red River Delta” Cambridge University Press, 2016.
Bài đã đăng t/c Tia Sáng số 20 tháng 10/2023, mạng Văn Việt ngày 28/10/2023.
Chân thành cảm ơn nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng đã góp ý cho bài này.

18/10/23

TẠP CẢM


Tùng Thiện Vương
---
雜感
鷓鴣啼可哀,
子規啼更苦。
修書謝百舌,
生成不自主。
𝐀̂𝐦 𝐇𝐚́𝐧 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭
𝑻𝒂̣𝒑 𝒄𝒂̉𝒎
Giá cô đề khả ai,
Tử quy đề cánh khổ.
Tu thư tạ bách thiệt,
Sinh thành bất tự chủ.
𝐍𝐠𝐡𝐢̃𝐚.
𝑪𝒂̉𝒎 𝒏𝒈𝒉𝒊̃ 𝒍𝒊𝒏𝒉 𝒕𝒊𝒏𝒉
Chim đa đa kêu nghe ai oán, Chim cuốc kêu nghe khổ não. (Mỗi con có một giọng riêng).
Viết sách thì (cũng nên như thế) đừng như chim khướu, Sống mà không tự chủ.
𝐓𝐚̣𝐦 𝐝𝐢̣𝐜𝐡
Chim đa kêu áo não,
Chim cuốc giọng buồn phiền.
Viết lách đừng như khướu,
Đời không có giọng riêng.
𝘾𝙝𝙪́
鷓鴣 chá cô: chim đa đa, còn gọi gà gô. Theo truyền thuyết, là hồn Bá Di và Thúc Tề đời nhà Thương vì phản đối nhà Chu, chết hoá thành chim kêu "Bất thực Chu túc" (không ăn thóc nhà Chu). Người ta còn đặt ra câu có âm tương tự tiếng kêu của chim: hành bất đắc dã ca ca 行不得也哥哥 đi không được anh ơi. Trong văn thơ thường dùng hình ảnh chim này để ẩn dụ lòng nhớ quê. (Thương nhà mỏi miệng cái gia gia - Bà Huyện Thanh Quan).
子規 tử quy: còn gọi là đỗ quyên, đỗ vũ, tức chim cuốc cuốc. Truyền thuyết kể vua Thục mất nước, hồn hoá chim luôn luôn kêu: cố quốc, cố quốc. (Nhớ nước đau lòng con quốc quốc - Bà Huyện Thanh Quan)
修書 tu thư: viết sách. 修 tu: sửa, soạn. 修身養性 tu thân dưỡng tính. 自修 tự tu: tự học. 修史 tu sử: viết lịch sử.
謝 (谢) tạ: từ chối, cáo biệt; cám ơn. 謝辭 tạ từ: từ biệt mà đi. 謝政 tạ chánh: xin thôi không làm quan nữa. 閉門謝客 bế môn tạ khách: đóng cửa từ chối không tiếp khách. 謝恩 tạ ân: dùng lời nói hoặc việc làm để đáp lại cái ơn mà người khác làm cho mình. 謝罪 tạ tội: nói điều lỗi của mình để xin tha thứ.
百舌 bách thiệt, tức 百舌鳥 bách thiệt điểu: chim khướu, loài chim có thể hót nhiều giọng. 百 bách: trăm. 舌 thiệt: lưỡi.
從善王 𝗧𝘂̀𝗻𝗴 𝗧𝗵𝗶𝗲̣̂𝗻 𝗩𝘂̛𝗼̛𝗻𝗴 (1819 - 1870), tên thật Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con thứ 10 của vua Minh Mạng. Ông cùng em trai (là Tuy Lí Vương) lập Mạc Vân thi xã ở đất Thần kinh, hai ông từng được Tự Đức ca ngợi: Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường. (Thơ đến như Tùng Thiện và Tuy Lí thì thời Thịnh Đường cũng không có).
Dưới triều Nguyễn, các vị hoàng thân như ông không được phép thi cử, làm quan. Nhưng ông được phong tước Tùng Thiện công. Con rể ông là Đoàn Trưng đã nổi lên chống triều đình (Giặc Chày vôi thời Tự Đức). Dù trước đó Đoàn Trưng đã lấy cớ vợ không nghe lời, bỏ vợ; nhưng sau vụ nổi loạn ông cũng phải nhận hình phạt cắt bổng lộc 8 năm. Ông lên chùa ở, gia đình ông phải trồng cây ăn quả mang chợ bán để mưu sinh. Ông mất lúc 51 tuổi. Tước Tùng Thiện Vương là do Bảo Đại truy phong.



Việc soạn Sách giáo khoa bậc Tiểu học ở miền Nam trước 1975 diễn ra như thế nào



 Có nhiều người thắc mắc về việc biên soạn sách giáo khoa tiểu học ở miền Nam trước năm 1975 là như thế nào. Vấn đề này đã được nhắc tới một cách chi tiết trong cuốn Giáo Dục Phổ Thông Miền Nam (1954-1975) của các tác giả Ngô Minh Oanh – Hồ Sỹ Anh – Nguyễn Ngọc Tài – Nguyễn Thị Phú biên soạn, xin trích lại một số điểm đáng lưu ý về sách giáo khoa tiểu học thời kỳ 1955-1975 như sau: Đối với giáo dục tiểu học ở miền Nam từ sau năm 1955, dù chương trình giáo dục là thống nhất, nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, không chỉ do nhà nước ấn hành (thông qua Bộ Quốc gia Giáo dục) mà còn do nhiều nhà xuất bản tư nhân thực hiện và ấn hành. Tất cả các nhà soạn sách đều phải tuân theo các nguyên tắc căn bản của nền giáo dục là nhân bản, dân tộc và khai phóng, tuân theo các đặc tính cơ bản của giáo dục tiểu học, được in ở đầu chương trình. Sách giáo khoa được biên soạn theo chủ đề, mỗi chủ đề có những nội dung bài học cụ thể và qua mỗi bài học giáo viên cần rèn luyện để học sinh tiếp xúc với kiến thức thực tế nhiều hơn là những câu chữ từ chương trong sách. Sách giáo khoa được xem là bộ học liệu để giáo viên phát triển bài dạy theo hướng mở rộng liên hệ các bài học thực tế, từ đó giúp học sinh hiểu bài sâu và vận dụng linh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Nội dung của các bài học cho mỗi chủ điểm đều hướng tới sự thể hiện 3 nguyên tắc căn bản của nền giáo dục. Không chỉ ở các bài học của các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Quốc sử… mà các bài học của môn Việt ngữ từ nội dung bài học đến hệ thống từ ngữ, câu hỏi, bài tập đều hướng tới nguyên tác mà chương trình đã nêu. Không ít bài trực tiếp giáo dục niềm tự hào dân tộc, về tình yêu quê hương, khơi nguồn khát vọng vươn tới ngày mai tươi sáng, khơi gợi tình yêu thương chia sẻ. Xem bài khác Nhớ lại những bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa tiểu học thập niên 1950-1960 ở miền Nam Hình ảnh Sài Gòn xưa và nay chụp cùng 1 vị trí: Loanh quanh góc phố Quận Ba Ví dụ một bài tập đọc trong sách Việt ngữ: Thương kẻ khó, của tác giả Cao Văn Thái như sau: Con ơi, chớ có thái-độ lạnh-lùng trước sự nghèo khó, nhất là trước một người mẹ ngửa tay xin miếng cơm cho con. Đứa trẻ đang đói lòng, người mẹ ấy đang xót-xa, sự thờ-ơ của con làm cho họ tủi- nhục nhường nào! Con hãy bớt ra vài đồng ăn quà để đặt vào tay người già lão không nơi nương-tựa, vào tay người mẹ đói cơm hay vào tay đứa nhỏ bơ-vơ. Kẻ khó thích được trẻ em bố-thí, vì của bố-thí ấy không làm họ tủi-lòng. Của bố-thí của người lớn chỉ là bởi lòng nhân-đạo, nhưng của trẻ mới thật là do lòng thương yêu kẻ khó mà ra. Cho nên đồng tiền của đứa nhỏ đưa ra, tưởng như kèm theo một bàn tay mơn-trớn. Con nên nghĩ rằng: Con nhờ ơn cha mẹ, chẳng thiếu thứ gì, nhưng họ, họ thiếu-thốn đủ điều. Trong khi con còn có những ước-vọng cao xa, thì họ chỉ mong được bữa no lòng. […] Tại sao ta không nên có thái-độ lạnh-lùng trước một người ngửa tay xin miếng cơm cho con? Ta nên bớt vài đồng ăn quà để làm gì? Tại sao kẻ khó thích sự bố-thí của con trẻ? Ta nên cho tiền những người nào? Tìm những từ ngữ có tiếng “nhân” như “nhân đạo”. Những câu chuyện về những tấm gương anh hùng, như kể chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản…; những tấm gương hiếu học, hiếu thảo… đều có tính giáo dục cao và đều hướng tới triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng. Giao đoạn 1955-1975, việc xuất bản sách giáo khoc tiểu học bắt đầu phát triển mạnh, do cả Bộ Quốc gia Giáo dục lẫn tư nhân song hành xuất bản. Sách Việt ngữ lớp 5 do tư nhân xuất bản Năm 1958, Chính phủ VNCH cho lập Ban Tu thư thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để biên soạn và in sách giáo khoa, đến năm 1965 đổi thành Sở Học liệu dự trù in ra 14 triệu bản sách từ lớp Năm (lớp 1 ngày nay) đến lớp Nhứt (lớp 5 ngày nay), đến năm 1966 đã in được 7 triệu cuốn. Sở Học liệu sau đổi thành Trung tâm Học liệu, có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc phụ tá. Đến năm 1974, Trung tâm được chính phủ chấp thuận cho trở thành một cơ sở hoạt động theo cơ chế tự chủ nhằm dễ dàng hợp tác với các cơ sở ấn hành sách báo Anh, Pháp, Mỹ để có thể xuất bản được các sách giáo khoa có chất lượng và giá rẻ, dễ dàng phổ cập đến mọi tầng lớp. Tính đến năm 1972, Trung tâm đã ấn hành được 40 đầu sách tiểu học, chưa kể khoảng 50 đầu sách khác (phần lớn là loại học vần dành cho học sinh dân tộc thiểu số). Có thể liệt kê sách các môn học do Ban Tu thư, Sở Học liệu và Trung tâm Học liệu thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục đã xuất bản như sau: Việt ngữ: Em học vần lớp Một, Em học Việt ngữ lớp Hai, Tập đọc từ lớp Ba đến lớp Năm. Đức dục và Công dân giao dục: Em tập tính tốt từ lớp Một đến lớp Năm Khoa học thường thức: Em tìm hiểu khoa học từ lớp Một đến lớp Năm. Toán: Em học Toán từ lớp Một đến lớp Bốn, Toán pháp lớp Năm. Sử ký: Quốc sử từ lớp Hai đến lớp Năm. Địa lý: Em học Địa lý lớp Hai và lớp Ba, Địa lý lớp Bốn và lớp Năm. Vệ sinh: Giữ gìn sức khỏe lớp Một, Tập thói quen tốt lớp Hai, Sống vui, sống mạnh lớp Ba, Tăng cường sức khỏe lớp Bốn và Phòng ngừa bệnh tật lớp Năm. Ngoài các sách chính nêu trên, còn có hàng chục sách khác dành cho các môn như Thủ công, Thể dục, Dưỡng nhi, Trò chơi. Trong hầu hết những quyển sách giáo khoa do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, ở những trang đầu lúc nào cũng có ghi lời dặn quen thuộc như sau: “Các em học sinh thân mến, Chắc các em thấy quyển sách này được in đẹp đẽ, tranh vẽ và bài soạn công phu, khiến các em vui thích ham học. Các em hãy giữ gìn nâng niu nó: – Tay các em có sạch sẽ, các trang sách mới không bị các vết bẩn của mực, bụi bẩn hoặc mồ hôi. – Nên lật mở các trang cho thong thả, đừng để sách bị giằng co làm rách nát hoặc cuốn góc. Nếu cần đánh dấu trang thì dùng một miếng giấy cứng nhỏ hoặc một cái tăm sạch, đừng gập nát trang giấy. Dân mạng thi nhau chia sẻ một trang trong cuốn sách giáo khoa của thế hệ trước, nội dung mở đầu khiến ai nấy bất ngờ – Ảnh 1. Lời nhắn nhủ của Giám đốc Nha tiểu học và Giáo dục cộng đồng. – Sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau dễ tẩy đi (ví dụ như trong sách Toán). – Trong nhà các em nên có chỗ để sách cho ngăn nắp, đừng vứt bừa bãi, cũng đừng ấn nhét bừa đầy cặp khi đi học mà phải để cho ngay ngắn, tươm tất, như thế sách mới lâu hỏng. Giữa sách được sạch sẽ, nguyên lành, các em sẽ tự hào là học sinh ngoan, làm vui lòng thầy cô và nhất là tránh cho các em dùng sau khỏi bực mình vì sách bẩn hoặc hư, rách”. Sách toán do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành Về phía tư nhân, các nhà xuất bản “trăm hoa đua nở” đã xuất bản vài chục bộ sách giáo khoa ở tất cả các môn. Sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa Tiểu học mói riêng là thị trường cạnh tranh sôi động. Ở miền Nam có 20% là học sinh các trường tư, do đó đây là mảnh đất cho các nhà xuất bản tư nhân nhắm đến để xuất bản, ngoài ra họ còn chú trọng đến các trường công lập. Cả nhà nước và tư nhân đều cạnh tranh nhau để có thể tạo ra những sản phẩm sách giáo khoa tốt nhất. Trong thời kỳ những năm 1970, riêng về sách giáo khoa tiểu học, ngoài sách do Trung tâm Học liệu – Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, còn có các sách do các nhà xuất bản tư nhân như Sống Mới, Việt Hương, Nam Sơn, Yến Sơn, Thanh Đạm, Thái Dương, Cành Hồng… Những cuốn Việt Sử do nhà xuất bản tư nhân ấn hành Về nội dung các sách giáo khoa của nhà nước cũng như tư nhân đều được biên soạn theo chương trình do Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành. Tuy nhiên, về ngữ liệu các bài học cũng như nội dung, cách trình bày bên trong có thể khác nhau tùy theo ý tưởng, phương pháp biên soạn sách của tác giả hoặc nhóm tác giả. Đa số các soạn giả sách giáo khoa tiểu học đều tuân theo những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục và các đặc tính của chương trình Tiểu học được ghi ở đầu chương trình. Vì có sự cạnh tranh nên nhiều khi nhà xuất bản tư nhân đã mời các nhà giáo, các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học… biên soạn những bộ sách giáo khoa có chất lượng về nội dung, phương pháp và đẹp về hình thức. Mặt khác, các nhà xuất bản và những người biên soạn tổ chức tiếp thị đến các nhà quản lý giáo dục địa phương, các trường học và giáo chức, chi tiền hoa hồng cho những nhà quản lý và giáo chức sử dụng sách. Cả hai yếu tố trên đã tạo ra một hạn chế không tránh khỏi là làm cho giá sách tư nhân có khi tăng lên cao hơn so với giá sách nhà nước. Những đánh giá về chương trình tiểu học miền Nam 1955-1975, điểm mạnh và hạn chế: Chương trình môn học được biên soạn chi tiết, cụ thể từng tiết học theo từng chủ đề, có yêu cầu về nội dung giảng dạy, phương pháp phải sử dụng đối với mỗi môn học, và nhất là mục tiêu cần đạt của mỗi môn học phải đáp ứng mục tiêu chung của giáo dục Tiểu học. Tùy theo mỗi chủ đề trong sách giáo khoa của từng môn học và giáo viên lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp để học sinh tiếp thu một cách tốt nhất, đảm bảo tôn trọng nhân cách trẻm phát triển tinh thần quốc gia dân tộc và nhất là rèn luyện tinh thần dân chủ và khoa học. Các chủ điểm trong chương trình được biên soạn theo hướng tích hợp đa môn, chẳng hạn trong môn Việt ngữ học về chủ điểm gia đình thì ở môn Học thuộc lòng, yêu cầu học sinh học một bài thơ về gia đình, môn Đạo đức dạy về tình cảm với ông bà, cha mẹ… Chương trình hướng tới triết lý nhân bản, dân tộc, khai phóng, không chỉ ở môn xã hội mà cả những môn Khoa học thường thức, Vệ sinh, Thủ công… Về con đường hình thành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt và các kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi học sinh Tiểu học như: trật tự, ngăn nắp, công việc gia đình, việc học tập, sinh hoạt ở nhà trường… Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo dục đương thời thì nội dung Chương trình Tiểu học còn nặng nề về lý thuyết, thiếu thực tế, chưa sát với hoàn cảnh và nhu cầu địa phương, nhất là đối với các vùng dân tộc thiểu số, không thiết thực với hiện trạng nước nhà. Nội dung chương trình khá nặng nề, còn rờm rà phức tạp, vượt quá trình độ về trí năng và tâm lý trẻ, như dạy địa lý cho một em học sinh lớp 5 mà muốn các em phải “hiểu biết những khả năng mới về kinh tế, chính trị và văn hoa của nước nhà, của các nước lân cận và của các cường quốc năm châu, để rồi so sánh và suy nghĩ đặng tìm cách theo kịp người hoặc vượt hơn người. Đôi nét về bậc tiểu học ở miền Nam giai đoạn 1955-175 Bậc Tiểu học thời kỳ này bao gồm 5 lớp, gồm: lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 (trước năm 1970 gọi là lớp Năm, lớp Tư, lớp 3, lớp Nhì và lớp Nhất). Theo quy định của Hiến Pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục cưỡng bách (bắt buộc). Từ năm 1955, đã có luật quy định trẻ em phải đi học ít nhất ba năm tiểu học. Cuối mỗi năm học, học sinh phải thi để lên lớp. Ai thi trượt phải ở lại lớp (lúc đó gọi là “học đúp”). Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác. Theo quy định chung trong chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, học sinh tiểu học đi học 2 buổi/ngày, 6 ngày mỗi tuần, được nghỉ 2 buổi chiều. Tuy nhiên, đối với các trường không có điều kiện, học sinh học 01 buổi/ngày và chia theo 2 ca sáng và chiều. Vào đầu thập niên 1970, toàn miền Nam có khoảng 2,5 triệu học sinh tiểu học, chiếm hơn 80% tổng số thiếu niên từ 6 đến 11 tuổi; và có 5.208 trường tiểu học. Tất cả trẻ em từ 6 tuổi đều được nhận vào lớp 1 để bắt đầu bậc tiểu học. Phụ huynh có thể chọn lựa cho con em vào học miễn phí cho đến hết bậc tiểu học trong các trường công lập hay tốn học phí (tuỳ theo trường) tại các trường tiểu học tư thục. Tuy nhiên, ở các địa phương hay vùng nông thôn, học sinh bắt đầu đi học lớp 1 chậm hơn, từ 7 hoặc 8 tuổi. Chương trình học bậc Tiểu học: Lớp 1 Tiểu học mỗi tuần học 25 giờ, trong đó 9,5 giờ môn Quốc văn; 2 giờ môn Bổn phận Công dân và Đức dục (Công dân giáo dục). Lớp 2, Quốc văn giảm còn 8 giờ, nhưng thêm 2 giờ Sử ký và Địa lý. Lớp 3 trở lên thì ba môn Quốc văn, Công dân và Sử – Địa chiếm 12-13 giờ mỗi tuần. Một năm học kéo dài 9 tháng, nghỉ hè ba tháng (ở miền Nam nghỉ hè đúng trọn 3 tháng). Ngày nghỉ lễ trong năm: Trong năm học có khoảng 10 ngày nghỉ lễ, bao gồm các ngày: Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, Lễ giỗ tổ Hùng Vương, ngày Quốc Tế Lao Động 1-5, ngày Tết âm lịch, ngày lịch sử địa phương,… Học sinh học giỏi có thể học vượt lớp (gọi là học phóng), ví dụ đang học lớp 3, nhưng học giỏi và nắm được chương trình lớp 4 thì có thể vượt lớp lên học lớp 5, tuy nhiên số này rất hiếm. Trường Tiểu Học Cộng Đồng Quá trình hình thành và hoạt động Giáo dục cộng đồng được áp dụng ở miền Nam chủ yếu ở bậc tiểu học. Trước năm 1961, trường tiểu học cộng đồng do Tổng nha Trung Tiểu học và Bình dân giáo dục quản lý. Có nhiều các định nghĩa về trường tiểu học cộng đồng, có thể tham khảo định nghĩa của Uỷ ban UNESCO tại Việt Nam lúc đó như sau: “Trường cộng đồng khác với trường phổ thông ở hai phương diện: hoạt động bên trong và hoạt động bên ngoài. Trường phổ thông theo đuổi một chương trình khoa cử thụ động. Còn trường tiểu học cộng đồng thực hiện một chương trình linh động có tính cách địa phương qua các chủ điểm giáo dục, vừa cá tính hoá, vừa xã hội hoá nền học cùng một lúc”. Thời kỳ từ năm 1955 đến 1958 là thời kỳ đầu của trường tiểu học cộng đồng ở miền Nam. Một số ngôi trường được xây dựng, chủ yếu là ở nông thôn, trang bị nhiều thiết bị thực hành cần thiết như: máy khâu, máy may, máy dệt vải,.. do Quỹ Viện Trợ Hoa Kỳ đài thọ. Mục đích của các trường này là hướng nghiệp cho học sinh về các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủ công nghiệp (may mặc, giày dép,..) Chương trình học chủ yếu là các môn học như chương trình Tiểu học phổ thông, nhưng thêm các bộ môn gắn liền với thực tế ở địa phương. Từ năm 1958 đến năm 1962, Bộ Quốc gia Giáo dục tiếp tục quá trình cải tiến trường tiểu học phổ thông thành trường tiểu học cộng đồng, đồng thời đào tạo giáo viên cộng đồng tại Trung tâm giáo dục Căn bản tại Long An. Trong giai đoạn 1962 – 1965, hệ thống trường cộng đồng tiếp tục phát triển, Nha tiểu học đổi thành Nha Tiểu học và Giáo dục cộng đồng theo Nghị định số 1692 – GD/PC/NĐ ngày 6-12-1965. Theo nghị định này, đường lối giáo dục cộng đồng được triển khai rộng hơn. Đến năm 1967, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã cộng đồng hoá được 900 trường tiểu học và đến năm 1969, triển khai cộng đồng hoá các trường tiểu học trên toàn miền Nam bằng Nghị định số 2463-GD/PC/NĐ ngày 25 – 11 – 1969. Đội ngũ giáo chức do ngành sư phạm đào tạo, đến năm 1970 đã có 14.000/39.192 giáo viên tiểu học được huấn luyện về giáo dục cộng đồng. Đến năm học 1968 – 1969, trên toàn miền Nam đã có 1.336 trường Tiểu học cộng đồng, với 17.604 lớp, 954.407 học sinh và 17.272 giáo chức. Mục tiêu giáo dục Giáo dục cộng đồng gồm 2 mục tiêu chính và cụ thể như sau: – Giáo dục trẻ em: Dạy cho trẻ hiểu biết chữ nghĩa, mở rộng kiến thức, đào tạo những trẻ em chậm tiến trở thành người nhanh nhẹn, vững vàng và tự tin trong học tập. – Giáo dục dân chúng: Giúp dân chúng hiểu biết những khái niệm về y tế, kinh tế, văn hoá,… để họ có những tiến bộ trong cuộc sống của bản thân và gia đình, thoát khỏi tình trạng thiếu hiểu biết, nguyên nhân làm cho xã hội nông thôn bị lạc hậu, trì trệ. Nguyên tắc giáo dục Có 4 nguyên tắc căn bản trong giáo dục cộng đồng: – Hoạt động sát với hoàn cảnh của địa phương; – Hoạt động sát với nhu cầu địa phương; – Vừa giáo dục trẻ con vừa giáo dục quần chúng – Chủ trương gắn liền học với hành Phương pháp giáo dục Mục đích của giáo dục cộng đồng là cải thiện đời sống trẻ em trong các gia đình và đời sống của cộng đồng. Dựa vào 4 nguyên tắc trên, trường cộng đồng áp dụng một đường lối giáo dục mới mẻ, thực tế, phù hợp với nông thôn Việt Nam. Có 4 phương pháp chủ yếu là: – Phương pháp nghiên cứu địa phương có nghĩa là nghiên cứu điều kiện kinh tế, văn hoá, địa lý, tập tục,… của địa phương đó để đề ra chương trình giáo dục thích hợp. – Phương pháp chủ điểm là tập trung vào vấn đề quan trọng nhất của địa phương để có kế hoạch giáo dục phù hợp. – Phương pháp nghiên cứu riêng từng vấn đề, mỗi vấn đề được nghiên cứu cẩn thận, nhưng vừa sức với học sinh. – Phương pháp giáo dục quần chúng nghĩa là để học sinh hoạt động cùng nhân dân, giúp đỡ và học hỏi nhân dân. Giáo dục cộng đồng là đường lối giáo dục mang giá trị thực tiễn rất cao, giúp cho xã hội nhanh chóng thoát khỏi tình trạng trì trệ, tạo nền tảng để phát triển theo kịp các nước tiên tiến. Điều đáng tiếc là chương trình giáo dục cộng đồng tuy mang nhiều cao vọng, nhưng trên thực tế thực hiện lại còn nhiều lúng túng và thiếu sót, không đạt được đầy đủ mục tiêu như kế hoạch lý tưởng đã đề ra. Những điều kiện cơ sở vật chất như trường lớp thiếu, thiết bị thiếu, trong lúc trường tiểu học phổ thông cũng như tiểu học cộng đồng yêu cầu học 2 buổi/ ngày. Giáo viên không đủ, mục tiêu giáo dục khó trở thành hiện thực. Đặc điểm của giáo dục Tiểu học miền Nam giai đoạn 1955-1975 Căn cứ vào 3 nguyên tắc căn bản của nền giáo dục là nhân bản, dân tộc và khai phóng, giáo dục Tiểu học đã xác định những đặc điểm sau đây: (1) Tôn trọng nhân cách trẻ em Tôn trọng nhân cách trẻ em có nghĩa là: – Giúp trẻ phát triển điều hoà và trọn vẹn tuỳ theo bản chất và căn cứ trên định luật nảy nở tự nhiên về thể xác cũng như về tâm lý; – Tôn trọng cá tính và khả năng, sở thích đặc biệt của trẻ; – Triệt để áp dụng kỷ luật tự giác; – Tránh mọi hình phạt phạm đến nhân cách, nhân phẩm của trẻ; (2) Phát triển tinh thần quốc gia dân tộc Để phát triển tinh thần quốc gia dân tộc cần: – Lấy đời sống nhân dân và thực trạng xã hội Việt Nam làm đối tượng; – Lấy Quốc sử để rèn luyện tinh thần ái quốc, nêu cao ý chí tranh đấu của dân tộc, gây tình thân ái và đoàn kết; – Dùng Quốc văn là lợi khí sắc bén để trau dồi tư tưởng quốc gia; – Nêu cao vẻ đẹp của non sông Việt Nam, những tài nguyên phong phú của đất nước, những đức tính cố hữu của dân tộc; – Duy trì đạo lý cổ truyền và những thuần phong mỹ tục của dân tộc; – Gây đức tính tự tín, tự lập, tự cường. (3) Rèn luyện tinh thần dân chủ và khoa học Để rèn luyện tinh thần dân chủ và khoa học cần: – Triệt để áp dụng “hàng đội tự trị”, tức là quản lý theo tổ đội, phát triển tinh thần tập thể (chơi tập thể, làm việc tập thể) và gây ý thức cộng đồng; – Rèn luyện óc phê phán, tinh thần trách nhiệm, tinh thần kỷ luật; – Kích thích tính hiếu kỳ của trẻ, phát triển tinh thần khoa học; – Bài trự dị đoan, mê tín; – Tiếp thu tinh hoa văn hoá nước ngoài song song với việc phát huy tinh thần dân tộc. Có thể thấy, chương trình giáo dục bậc tiểu học giai đoạn này được xây dựng trên tinh thần chú trọng phát triển nhân cách, năng khiếu, gắn liền với đời sống, các giá trị nhân văn, dân tộc và quan trọng là rèn cho học sinh thần phê phán, khoa học. Điều đó chứng tỏ rằng, giáo dục cho trẻ ngay từ giai đoạn chập chững trên ghế nhà trường là bước giáo dục quan trọng để hình thành nhân cách, phát triển tài năng và giúp trẻ tự lập trong tương lai. Kết cấu chương trình và thời khoá biểu bậc Tiểu Học Kết cấu chương trình Chương trình Tiểu học gồm các môn học: Việt ngữ (Ngữ vựng, Tập đọc, Học thuộc lòng, Chính tả, Văn phạm, Tập viết, Tập làm văn), Đức dục, Công dân Giáo dục, Quốc sử, Địa lý, Khoa học thường thức (Khoa học thường thức và Quan sát vệ sinh), Toán, Vẽ, Thủ công, Hoạt động Thanh niên (đi chơi, đi cắm trại), Thể dục, Nữ công gia chánh. Tuỳ vào yêu cầu từng lớp học mà chương trình có những bài học phù hợp. Lớp Nhì và Lớp Nhất được phân chia nam, nữ sinh học riêng. Nữ sinh có thêm môn học Nữ công gia chánh. Điểm nổi bật của chương trình Tiểu học giai đoạn này là được biên soạn theo hướng tích hợp, liên môn. Trong phương pháp dạy học yêu cầu giáo viên phải biết liên hệ giữa các môn học và liên hệ thực tế để học sinh hiểu được vấn đề. Ví dụ như trong chương trình Việt ngữ đã có lưu ý: “Trong lúc dạy Việt ngữ, giáo chức nên nhớ rằng chương trình ấy không phải đứng tách hẳn chương trình của các môn học khác như Đức dục, Công dân giáo dục, Quốc sử, Địa lý,… mà phải cố tìm cách cho chương trình các môn học ấy và khoa Việt ngữ có liên lạc với nhau” (Chương trình Tiểu học, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, 1960). Như vậy, ngay từ những năm 1960, chương trình Tiểu học đã được biên soạn theo hướng tích hợp và yêu cầu phương pháp dạy học cũng phải tích hợp, liên môn và khoa học. Thời khoá biểu Trước năm 1959, thời lượng chương trình Tiểu học là 27 giờ 30 phút/ tuần. Từ niên khoá 1959-1960 và chương trình sửa đổi áp dụng từ 1967-1968, chương trình Tiểu học quy định tất cả học sinh học 6 ngày/ tuần, mỗi ngày học 2 buổi và được nghỉ chiều thứ 4, chiều thứ 7. Chương trình Tiểu học in thời khoá biểu do Bộ quy định và tất cả các trường trong toàn miền Nam được dạy theo thời khoá biểu chung này. Trong trường hợp đặc biệt, có thể áp dụng thời khoá biểu của Nha học chính và Phần bắt buộc phải có sự chuẩn y của Bộ. Dưới đây là một số thời khoá biểu của các lớp bậc tiểu học được trích trong Chương trình Tiểu học của Bộ giáo dục, Thanh niên áp dụng từ niên khoá 1967-1968: Qua thời khoá biểu cho thấy giai đoạn 1954 – 1975 mô hình dạy học 2 buổi/ ngày đã được áp dụng tại miền Nam Việt Nam. Thời khoá biểu trên được áp dụng cho các trường công lập, các trường tư thục có thể phân chia thời khoá biểu linh hoạt hơn. Một số người dạy học giai đoạn này cho rằng các trường công lập cũng tuỳ vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên có thể không áp dụng triệt để thời khoá biểu 2 buổi/ ngày mà chia theo 2 ca sáng – chiều và học sinh chỉ học một buổi. Phương pháp dạy học Đối với bậc tiểu học, Chương trình tiểu học cũng quy định rõ “phương pháp dạy học cần phải tuân thủ: học đi học lại kỹ lưỡng theo phương pháp tiệm tiến, đi từ chỗ biết đến chỗ chưa biết, từ chỗ gần đến chỗ xa, đi từ chỗ dễ đến chỗ khó, từ chỗ cụ thể đến chỗ trừu tượng”. Giáo viên phải dùng vật liệu, tranh ảnh hoặc ví dụ thiết thực để cụ thể hoá tất cả các vấn đề đem dạy cho học sinh. Mỗi một môn học, yêu cầu phương pháp dạy học cụ thể hơn. Ví dụ, với môn Việt ngữ yêu cầu nên nhẹ phần tầm chương trình cú mà chú ý giáo dục những vấn đề về đạo đức con người, hạnh phúc gia đình, an ninh xã hội,… hoặc môn Đức dục yêu cầu nên sơ lược về lý thuyết và cụ thể hoá bài học, những ví dụ rút từ đời sống, những câu chuyện vặt kể hằng ngày,… đó là phương pháp làm cho học trò nhận thấy chân lý một cách rõ ràng và có công dụng là kích thích bản năng đạo lý của học sinh… Chương trình Giáo dục công dân là những điều mà mỗi công dân cần biết, những huấn lệnh thiết thực phải thi hành để sống hạnh phúc trong kỷ luật và trật tự, vì thế phương pháp dạy học yêu cầu giáo viên phải chú trọng thực hành và kiểm soát nội dung cẩn thận. Phương pháp dạy toán lại yêu cầu “dạy ít tập nhiều”, ở tất cả các lớp cần phải chú trọng về tính miệng, tập sao cho trò làm thật nhanh, thật đúng thì khi ra đời mới có ích. Như vậy, phương pháp dạy học Tiểu học đã chú trọng đến thực hành, chú trọng việc dạy trẻ từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp, rèn luyện thường xuyên, liên tục những kiến thức từ thực tế để các em được trang bị những kiến thức có ích và có thể hoà nhập với đời sống cộng đồng. (Biên soạn theo cuốn Giáo Dục Phổ Thông Miền nam 1954-1975 của tác giả Ngô Minh Oanh chủ biên) Những cuốn sách giáo khoa tiểu học xưa:
Nguồn: https://nhacxua.vn/viec-soan-sach-giao-khoa-bac-tieu-hoc-o-mien-nam-truoc-1975-dien-ra-nhu-the-nao/

15/10/23

Mục lục một cuốn sách Quốc văn lớp 12 ở miền Nam trước 1975

Vương Trí Nhàn

Trong thời gian vào Sài Gòn mấy năm 2012 – 2016, khi ghé lại nhiều hiệu sách cũ. ngoài những mục đích thông thường, tôi có đặc biệt chú ý tìm tới các loại sách giáo khoa văn học được sử dụng ở nhà trường miền Nam trước 1975.

Tôi sẽ dành một dịp khác để miêu tả qua các loại sách này.
Hôm nay tôi tạm giới thiệu một cuốn trong đó là cuốn Quốc văn lớp 12 ABCD của một nhóm giáo sư Quốc văn do nhà Trường Thi xuất bản. 
Sau đây là phần lời tựa của tập sách, phần Chương trình quốc văn lớp 12 CD và phần mục lục của sách.





TỰA

Chương trình môn Quốc văn lớp 12 ABCD đã được Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên ban hành ngày 29 tháng 6 năm 1974.
Chương trình gồm có hai phần : phần lý thuyết và phần thực hành.
Qua phần lý thuyết chúng ta nhận thấy ngay tính cách tổng hợp của nó, mục đích để các học sinh khi học hết cấp Trung học có thể hiểu thấu được các tác giả và các tác phẩm đã học từ lớp 6 đến lớp 11.
 Việc soạn thảo một quyển sách Quốc văn cho lớp 12 như vậy cũng phải đi theo đúng đường hướng đó, nghĩ là phải làm sao cho các học sinh hiểu rõ được các tư tưởng lớn trong văn chương Việt Nam từ tinh thần dân tộc đến đến các ảnh hưởng của Nho, Phật và Lão giáo ở Đông Phương và các ảnh hưởng tư tưởng lãng mạn, tự do dân chủ cùng Thiên chúa giáo ở Tây phương.
Đồng thời với việc chứng minh các ảnh hưởng ấy, các học sinh cũng cần phải biết rõ lược sử tiến trình của thi ca, báo chí và tiểu thuyết Việt Nam để nhận định lấy những đường hướng phải theo trong công cuộc tiến hóa chung của nền văn học.
Với một chương trình có tính cách bao quát như vậy thì việc soạn thảo sách giáo khoa lại càng khó khăn và đòi hỏi ở những người viết một quan điểm vững vàng về toàn bộ Văn học sử Việt Nam.
Nhóm Giáo sư Quốc văn chúng tôi sau khi đã thảo luận kỹ càng về từng chi tiết của chương trình và cân nhắc sự quan trọng của mỗi đề tài đã phân chia phần soạn về lý thuyết và thực hành cho mỗi người tùy theo khả năng và kinh nghiệm.
Những tiêu chuẩn chúng tôi đã theo để soạn cuốn giáo khoa này là:
-         Sát đúng tinh thần chương trình
-         Đầy đủ chi tiết cần thiết
-         Gọn gàng, dễ hiểu
-         Thích hợp với lối thi trắc nghiệm
Mặc dầu đã chuẩn bị tài liệu từ lâu và chúng tôi rất thận trọng khi biên soạn nhưng e rằng khó tránh khỏi những sơ xuất.
Chúng tôi ước mong sẽ được các bạn đồng nghiệp vui lòng giúp thêm cho ý kiến để cuốn sách sẽ được hoàn bị hơn.
Đối với các anh chị em học sinh và các bạn tự học, chúng tôi thành thực ước mong quyển sách này, cũng như tập trắc nghiệm tiếp theo, sẽ giúp các anh chị em đạt được kết quả tốt trong việc học cũng như trong việc thi.
Đó thực là những điều chúng tôi rất kỳ vọng.
CÁC SOẠN GIẢ







CHƯƠNG TRÌNH QUỐC VĂN
Lớp 12-CD
3        giờ mỗi tuần
-         Lý thuyết : 2 giờ
                                                     -   Thực hành : 1 giờ
I – PHẦN LÝ THUYẾT:
A.   Các tư tưởng lớn trong văn chương Việt Nam
1.     Tư tưởng thuần túy dân tộc trong văn chương bình dân.
2.     Tư tưởng bắt nguồn từ Đông phương
a)     Ảnh hưởng Nho giáo
b)    Ảnh hưởng Phật giáo
c)     Ảnh hưởng Lão giáo
3.     Tư tưởng bắt nguồn từ Tây phương
a)     Ảnh hưởng của tư tưởng lãng mạn
b)    Ảnh hưởng của tư tưởng tự do dân chủ
c)     Ảnh hưởng của Thiên chúa giáo
B.    Lược sử vài bộ môn văn học
1.     Lược sử thi ca Việt Nam
2.     Lược sử báo chí Việt Nam
3.     Lược sử tiểu thuyết Việt Nam
II – PHẦN THỰC HÀNH
A.   Luận văn
1.     Phương pháp nghị luận văn học liên quan đến các vấn đề nêu trong phần lý thuyết.
2.     Hướng dẫn học sinh nghiên cứu một vấn đề văn học và viết một bài tiểu luận về vấn đề này.
B.    Trần thuyết
Chọn một số tác phẩm để trần thuyết.

Lớp 12-AB
2 giờ mỗi tuần
-         Lý thuyết : 1 giờ
-         Thực hành : 1 giờ
Giống như chương trình Quốc văn lớp 12-CD nhưng khái quát hơn
                                                  ---------------


MỤC LỤC
TỰA
Chương trình Quốc văn lớp XII
PHẦN MỞ ĐẦU
Đại cương văn học Việt Nam
PHẦN THỨ NHẤT
CÁC TƯ TƯỞNG LỚN TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM

Thiên thứ nhất
Tư tưởng thuần túy dân tộc trong văn chương bình dân
Chương 1: Khái niệm về tinh thần dân tộc
Chương 2: Đặc tính của tư tưởng thuần túy dân tộc
I.                   Ý thứ quốc gia
II.                Tinh thần trào lộng
III.             Quan niệm xử kỷ tiếp vật
Thiên thứ hai
Tư tưởng bắt nguồn từ Đông phương
Chương 1: Ảnh hưởng Nho giáo
I.                   Lược giảng Nho giáo
II.                Ảnh hưởng Nho giáo trong văn chương
1.     Đoạn trường tân thanh
2.     Lục Vân Tiên
3.     Thi văn Nguyễn Công Trứ
Chương 2: Ảnh hưởng Phật giáo
I.                   Lược giảng Phật giáo
II.                Ảnh hưởng Phật giáo trong văn chương
1.     Cung oán ngâm khúc
2.     Quan âm Thị Kính

Chương 3: Ảnh hưởng Lão giáo
I.                   Lược giảng học thuyết Lão Trang
II.                Ảnh hưởng Lão Trang trong văn chương
1.     Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
2.     Bích câu kỳ ngộ
Thiên thứ ba
Tư tưởng bắt nguồn từ Tây phương
Chương 1: Ảnh hưởng của tư tưởng lãng mạn
I.                   Lược giảng tư tưởng lãng mạn
II.                Những đặc tính của văn chương lãng mạn
III.             Ảnh hưởng của tư tưởng lãng mạn trong văn chương Việt Nam
1.     Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách
2.     Hồn bướm mơ tiên của Khải Hưng
3.     Thợ say của Vũ Hoàng Chương
Chương 2 : Ảnh hưởng của tư tưởng tự do dân chủ
I.                   Lược giảng về tự do dân chủ
II.                Ảnh hưởng của tự do dân chủ
A.   Với phái cựu học
B.    Với phái tân học
1.     Phan Chu Trinh : Quân trị và dân trị chủ nghĩa
2.     Nguyễn An Ninh: Cao vọng của thanh niên
3.     Nhất Linh : Đoạn tuyệt
Chương 3 : Ảnh hưởng Thiên chúa giáo
I.                   Lược giảng về Thiên chúa giáo
II.                Ảnh hưởng Thiên chúa giáo trong văn chương
Thơ Hàn Mặc Tử

PHẦN THỨ HAI
LƯỢC SỬ VÀI BỘ MÔN VĂN HỌC
Thiên thứ nhất
Chương 1 : Thơ truyền khẩu
I.                   Nguồn gốc
II.                Tiến trình thơ truyền khẩu
Chương 2 : Thi ca bằng chữ viết
                    Tiến trình :
1.     Lục Bát
2.     Song thất lục bát
3.     Thơ Đường
4.     Hát nói
5.     Thơ mới
6.     Thơ tự do
Thiên thứ hai
Lược sử báo chí Việt Nam
I.                   Định nghĩa và phân loại
II.                Tiến trình
1.     Thời kỳ phôi thai : 1865 – 1907
2.     Thời kỳ phát triển : 1907 – 1932
3.     Thời kỳ trưởng thành : 1932 – 1945
Thiên thứ ba
Lược sử tiểu thuyết Việt Nam
I.                   Định nghĩa và phân loại
II.                Tiến trình
A.   Truyện Nôm
B.    Tiểu thuyết bằng quốc ngữ
1.     Thời kỳ phôi thai : 1913 – 1925
2.     Thời kỳ phát triển : 1925 – 1932
3.     Thời kỳ toàn thịnh : 1932 – 1945
a)     Giai đoạn 1 : 1932 – 1939
b)    Giai đoạn 2 : 1939 – 1945




PHẦN THỨ BA
TRẦN THUYẾT
Sơ lược về trần thuyết
1.     Ngọn cỏ gió đùa : Hồ Biểu Chánh
2.     Bướm Trắng : Nhất Linh
3.     Tắt đèn : Ngô Tất Tố
4.     Mấy vần thơ : Thế Lữ


NGUYÊN TẮC CHÁNH TẢ ĐÃ DÙNG TRONG SÁCH
1.     Các âm và các thanh đều được phân biệt kỹ càng
2.     Các danh tự chung kép đều có gạch nối
3.     Các danh tự riêng được viết chính xác để dễ phân biệt:
A.   Về nhân danh:
Tên : Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ
Hiệu : Tố Như, Sào Nam, Nhất Linh
Tước : Ôn Như Hầu, Hoài Văn Hầu
Niên hiệu : Gia Long, Bảo Đại
Chữ đệm :
_ Mạnh  : Chu Mạnh Trinh
_ Trọng  : Trần Trọng Kim
_ Quí      : Nguyễn Quí Tân
_ Bá        : Cao Bá Quát
_ Thúc    : Huỳnh Thúc Kháng
_Văn       : Nguyễn Văn Vĩnh
_ Đình     : Nguyễn Đình Chiểu
_ Gia        : Nguyễn Gia Thiều
B.    Về địa danh :
Tên nước : Việt Nam, Trung Hoa, Ý Đại Lợi, Gia Nã Đại
Tên tỉnh   : Biên Hòa, Bắc Ninh




CÁC SÁCH BÁO CHÍNH ĐÃ DÙNG ĐỂ THAM KHẢO
Tự điển
Đào Duy Anh                                             Hán Việt tự điển
Khai Trí Tiến Đức                                      Việt Nam tự điển
Nguyễn Quảng Tuân                                  Giản yếu Chánh tả tự vị


Sách Việt ngữ
Dương Quảng Hàm                                    Việt Nam văn học sử yếu
Hoài Thanh – Hoài Chân                            Thi nhân Việt Nam
Huỳnh Văn Tòng                                        Lược Sử báo chí Việt Nam
Hà Như Chi                                                Một thời lãng mạn trong thi ca Việt Nam
Hồ Thích                                                     Lược sử triết học Trung Quốc
Huỳnh Văn Minh dịch
Kim Định                                                    Cửa Khổng
Lâm Ngữ Đường                                         Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa
Nguyễn Hiến Lê dịch
Lê Hữu Mục                                                Thân thế và sự nghiệp Nhất Linh
Nguyễn Khuê                                               Chân dung Hồ Biểu Chánh
Nguyễn Ngu Í                                              100 năm báo chí
                                                                      Lão tử Đạo đức kinh
Nguyễn Duy Cần                                          Trang tử Nam hoa kinh
                                                                      Lão Tử tinh hoa
                                                                     Trang Tử tinh hoa
Nguyễn Văn Trông                                      Tin mừng cứu độ
Nghiêm Toản                                                Việt Nam văn học sử yếu
Phạm Quỳnh                                                 Thượng chi văn tập
Phạm Thế Ngũ                                      Lịch sử văn học Việt Nam tân biên giản ước
Phan Bội Châu                                      Khổng học đăng
Phùng Hữu Lan                                     Đại cương triết học sử Trung Quốc
Nguyễn Văn Dương dịch
Phương Lan Bùi Thế Mỹ                       Nguyễn An Ninh

Thái Văn Kiểm                                      Một thi hào Việt Nam
                                                               Hàn Mặc Tử
Thanh Lãng                                            Văn chương bình dân
                                                               Văn chương chữ Nôm
Thích Thiện Hoa                                    Phật học phổ thông
Trần Thanh Mại                                     Thân thế và thi văn Hàn Mặc Tử
Trần Văn Hiến Minh                              Thân thế Đức Ki-tô
Trần Trọng Kim                                     Nho giáo
                                                               Việt Nam sử lược
Trương Tửu                                            Kinh thi Việt Nam
                                                               Thơ Việt Nam hiện đại
Vũ Đình Liên, Lê Thước, Đỗ 
Đức Hiếu, Huỳnh Lý, Trương Chính,    Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam
Lệ Trí Viễn
Vũ Ngọc Phan                                       Nhà văn hiện đại

Sách ngoại ngữ

Bùi Xuân Bào                                        Le roman vietnamien contemporain
Bynner, Witter                                       The way of life according to Lao Tzu
Castex (P) et Surer (P)                           Manuel des études littéraires francaises
Creel H.G/                                             La pensée chinoise
Flutre                                                     Le romantisme
Lagarde (A) et Michard (L)                  Les grands auteurs francais
Lalou (René)                                         Histoire de la poésie francais
Phạm Thị Ngoạn                                   Bulletin de la Société des Etudes
                                                              Indochinoises, Introduction au Nam phong
Trương Khởi Quân                               Lão tử triết học (Hong Kong)
Van Tieghem Paul                                 Le romantisme dans la littérature européenne

Nguồn: https://vuongtrinhan.blogspot.com/2019/11/muc-luc-mot-cuon-sach-quoc-van-lop-12-o.html