26/5/24

LIỄU THÂN LIỄU TÂM

Thiền sư Vô Môn Tuệ Khai

---

了身了心

了身何似了心休,

了得心兮身不愁;

若也身心俱了了,

神仙何必更封候。

無門慧開禪師


Âm.

Liễu thân hà tự liễu tâm hưu,

Liễu đắc tâm hề thân bất sầu;

Nhược đắc thân tâm câu liễu liễu,

Thần tiên hà tất cánh phong hầu.


Nghĩa.

Hiểu biết thân nào bằng được hiểu tâm,

Hiểu được tâm rồi thì thân không buồn nữa.

Nếu như thân tâm đều hiểu rõ,

Thì thành bậc thần tiên rồi, hà tất muốn được công hầu chi chi.


Tạm dịch


Hiểu thân nào sánh hiểu tâm mình,

Hiểu được tâm thời thân chẳng phiền;

Như nếu thân tâm đều hiểu rõ,

Công hầu nào lọt mắt thần tiên. 


Chú

Vô môn quan là tác phẩm của thiền sư Vô Môn Huệ Khai (1183-1260). Sách trình bày 48 công án, sau mỗi công án có lời bình và một bài kệ. Bài thơ trên đây nằm trong công án số 9.

Nguyên văn:


九 大通智勝


興陽讓和尚。因僧問。大通智勝佛。十劫坐道場。佛法不現前。不得成佛道時如何。讓曰。其問甚諦當。僧雲。既是坐道場。為甚麼不得成佛道。讓曰。為伊不成佛。


【無門曰】


只許老胡知。不許老胡會。凡夫若知即是聖人。聖人若會即是凡夫。


【頌曰】


了身何似了心休 了得心兮身不愁 若也身心俱了了 神仙何必更封侯。


(https://zh.wikisource.org/zh-hant/%E7%84%A1%E9%96%80%E9%97%9C)


Bản văn đã được rất nhiều người dịch. Sau đây giới thiệu một vài bản dịch để mọi người tham khảo.


1.

"Một ông tăng hỏi Hưng Dương Nhượng hòa thượng :

- Phật Đại Thông Trí Thắng mười kiếp tọa đạo tràng, Phật pháp chẳng hiện

tiền, cũng không thành Phật đạo là sao ?

- Hỏi đúng lắm.

- Nếu đã tọa Đạo tràng, tại sao lại không thành Phật đạo ?

- Vì không thành Phật.

Bình :

Chỉ để lão Hồ biết, không để lão Hồ hiểu. Nếu người phàm biết thì là bậc

Thánh, nếu bậc Thánh biết thì là người phàm.

Thần tiên hà tất cánh phong hầu.


Thân biết chẳng bằng tâm được biết

Biết được tâm rồi, thân chẳng sầu

Nếu cả thân tâm đều biết rõ

Là tiên há phải đợi phong hầu.


- Giải thích bài kệ :

Câu 1 và 2 : rõ được thân đâu bằng rõ được tâm. Thành Phật là thấy rõ được bản tâm, lấy tâm làm chủ, thân chỉ là thứ yếu, do đó rõ tâm rồi thì đâu còn vì thân mà sầu khổ.

Câu 3 và 4 : nếu thân tâm đều rõ, thì tiêu dao tự tại như thần tiên đâu cần phải làm vương hầu nữa.

- Hưng Dương Nhượng là pháp tử của Ba Tiêu. Ba Tiêu là đồ tôn của Ngưỡng Sơn. Công án này xưng tán thiền phong của tông Quy Ngưỡng. Phật Đại Thông Trí Thắng dẫn từ phẩm Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa. Câu trả lời của Hưng Dương Nhượng có nghĩa là “Vốn là Phật thì cần gì thành Phật”. " 

(https://quangduc.com/p157a70594/6/tac-1-den-11) 


2.

9. MỘT ĐỨC PHẬT TRƯỚC THỜI CÓ SỬ


Một vị tăng hỏi Seijo: "Con biết rằng một đức Phật trước thời có sử, đã tọa thiền qua bảy kiếp mà vẫn không ngộ được chân lý tối thượng, vì thế mà không hoàn toàn được giải thoát. Tại sao vậy?"


Seiji trả lời: "Câu hỏi của ông đã tự giải thích rồi."


Vị sư hỏi tiếp: "Tại sao đức Phât đó tọa thiền mà vẫn không đạt được Phật quả?"


Seijo trả lời: "Vì ông ta chưa thành Phật."


Lời bàn của Vô-Môn: Ông ta có thể ngộ đạo, nhưng ta không cho rằng ông ấy hiễu rõ. Khi một người ngu liễu ngộ thì thành thánh. Khi một bậc thánh bắt đầu hiễu ra thì thành người ngu.


Tốt hơn nên ngộ tâm chứ chẳng phải thân.

Khi tâm giác ngộ thì không còn gì để lo ngại cho thân.

Khi tâm và thân trở thành một

Thì người được tự tại, chẳng còn ham muốn lợi danh.

https://thuvienhoasen.org/a13278/vo-mon-quan


Dễ thấy đây là bản dịch lại từ bản tiếng Anh sau.


3. 

The Gateless Gate/A Buddha before History

A monk asked Seijo: "I understand that a Buddha who lived before recorded history sat in meditation for ten cycles of existence and could not realize the highest truth, and so could not become fully emancipated. Why was this so?"


Seijo replied: "Your question is self-explanatory."


The monk asked: "Since the Buddha was meditating, why could he not fulfill Buddhahood?"


Seijo said: "He was not a Buddha."


Mumon’s comment: I will allow his realization, but I will not admit his understanding. When one ignorant attains realization he is a saint. When a saint begins to understand he is ignorant.

It is better to realize mind than body.

When mind is realized one need not worry about body.

When mind and body become one

The man is free. Then he desires no praising.

(The Gateless Gate. https://en.wikisource.org/wiki/The_Gateless_Gate/A_Buddha_before_History)


4.

- Có vị Tăng đến hỏi Hòa thượng: Tại sao Đức Phật Đại Thông Trí Thắng ngồi tịnh ở đạo tràng đến mười kiếp mà Phật pháp không xuất hiện?


- Hòa thượng trả lời: Câu hỏi của ông là câu trả lời rồi đó.


- Vị Tăng thưa: Đã ngồi ở đạo tràng... sao không thành Phật?


- Hòa thượng đáp: Vì ngài không thành Phật!


Mẩu thoại ngắn trong công án này ngầm mô tả cái khả tính giác ngộ vốn sẵn có trong tâm của mỗi chúng sinh. Đại Thông Trí Thắng nghĩa là bậc giác ngộ, có trí tuệ tối thượng, thông suốt tất cả các pháp (nhất thiết chủng trí). Và do đó, một bậc như thế khi ngồi ở Bồ Đề (giác ngộ) Đạo Tràng có nghĩa là ngài đã thành Phật rồi. Đã là Phật rồi... đâu cần phải trở thành Phật nữa? Ngài chỉ hóa thân thành Phật theo cơ duyên mà thôi. Vì thế, lời bàn của Vô môn tóm tắt rằng: “Người phàm nếu hiểu được sẽ trở thành bậc thánh; bậc thánh bây giờ mới hiểu trở thành kẻ phàm”.  

https://giacngo.vn/hat-bui-trong-kinh-phap-hoa-post56175.html


5.

Bản tắc:


Có một tăng sĩ hỏi hòa thượng Hưng Dương Thanh Nhượng[2]:


- Nghe nói Phật Đại Thông Trí Thắng[3] tu tọa thiền trong đạo trường lâu đến mười kiếp[4] nhưng Phật pháp không hiện ra trước mắt, Phật đạo cũng không thành tựu. Xin hỏi lý do tại sao?


Thanh Nhượng mới trả lời:


- Câu hỏi của ông đặt ra bắn trúng đích đấy! 


Tăng bèn thưa:


- Ngài muốn nói: “Bởi vì tọa thiền trong đạo trường (nơi giác ngộ) cho nên đương nhiên là đã khai ngộ và thành tựu trong Phật đạo rồi, có lý do nào mà không thành tựu trong Phật đạo!” hay sao chứ?


Thanh Nhượng lại đáp:


- Lý do là vị đó “tự mình” không thành Phật mà thôi.

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:


Hãy chấp nhận cái trí tuệ Bát Nhã (chân tri = phân biệt cái vô phân biệt bằng sự giác ngộ qua thể nghiệm bản thân) của Lão Hồ (Thích Ca hay Tổ sư Đạt Ma) nhưng không chấp nhận cái phân biệt tri giải (lý hội = tri thức phân biệt đơn thuần bằng đầu óc) của Lão Hồ[5]. Kẻ phàm phu chỉ cần được trí tuệ Bát Nhã, tức khắc sẽ thành thánh nhân. Còn bậc thánh nhân nếu bước sang chỗ phân biệt tri giải thì tức khắc sẽ thành kẻ phàm phu.

(bỏ không chép bài kệ chữ Hán)

Thân kia nào quí được như tâm,

Tâm đã ngộ rồi nhẹ cái thân.

Ham gì trọn vẹn hai đàng nhỉ,

Là Phật rồi, phong chức có cần?


Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:


Kiếp (kalpa), theo cách hiểu thú vị của người Ấn Độ là một nền đá rộng vuông vức, mỗi cạnh bốn mươi dặm, cứ một trăm năm lại có người tiên giáng hạ, lấy áo lông vũ quét nhẹ lên. Nếu nền đá chưa bị mài mất thì kiếp chưa hết. Ý nói khoảng thời gian cực dài. Người Trung Quốc không biết làm sao giảng nghĩa, chỉ dùng chữ “trường thì”.


Phật Đại Thông Trí Thắng có nghĩa là vị Phật trí tuệ lỗi lạc, cái gì cũng hiểu, cái gì cũng biết. Ông tu thiền đã 10 kiếp, lý ra đã thành tựu Phật đạo rồi nhưng cớ sao vẫn chưa. Nhà sư kia căn vặn và Thanh Nhượng đã phải giải thích lý do là vì Đại Thông Trí Thắng tự mình chưa thành Phật.


Khi dạy người ta trở thành kẻ đánh cờ chuyên nghiệp, trước hết không được dạy cờ thế mà phải để cho người ấy sau khi đánh nhiều ván, tự nhiên tự mình lãnh hội được. Trong chốn thiền môn, giảng nghĩa đến một lúc nào đó phải ngừng nếu không lại làm vướng bận tâm trí ngưới tu học. Thế nhưng trước quí độc giả là những người không chuyên thì tôi không thể nào làm lối đó. Cho phép tôi dài dòng một chút:


Phật (Buddha) có nghĩa là bậc giác ngộ (The Awakened One), nghĩa là kẻ “tự mình thức tỉnh” về cái “con người chân thực” xưa nay của mình.Phật đạo chỉ là con đường “chân thực” để đi tìm con người mình có xưa nay (tự kỷ bản lai).Một khi đã thức tỉnh rồi, chúng sinh đều là “bản lai Phật”.Thành một thứ Phật cao hơn Phật là chuyện không cần thiết. Câu nói “Phật Đại Thông Trí Thắng không thành Phật” nằm trong ý nghĩa đó. Đã là Phật rồi thì mắc mớ gì trở thành Phật nữa. Thiền sư Bankei Yôtaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác) ở Nhật nhân đấy có nói : “ Thay vì làm sao cho mình trở thành Phật, hãy làm những gì để mình là Phật thì mới gọi là biết chọn con đường rút ngắn”.


Chắc nhiều người trong số quí vị sẽ nói “À, ra là thế! Chỉ có nhiêu đó sao?” rồi dùng đầu óc, tư tưởng để tìm hiểu, xem công án này như trò chơi khăm. Thế nhưng, cách “tín tâm quyết định” ở đây không phải chuyện dễ đâu nhé! Nếu chỉ ngừng lại ở chỗ hiểu biết công án bằng đầu óc thì không thể tham thiền một cách đứng đắn và quả là chuyện đáng tiếc.


Chúng sinh đã là bản lai Phật rồi thì cần gì thành Phật nữa. Cho nên thiền sư mới bảo rằng cho dù là điều tổ sư Đạt Ma dạy, chỉ nên nghe theo một phần thôi. Ở điểm này, Vô Môn có vẻ khoáng đạt hơn Đạt Ma. Đây là một khuyến cáo thân mật và thích hợp mà ông đã truyền lại cho chúng ta.


[1] Thoại này có chép trong Pháp Hoa Kinh, phần Hóa Thành Dụ Phẩm. Lâm Tế Lục cũng có bài thị chúng kể lại chuyện Trí Thắng và cho rằng điều trọng yếu của người tu là được con tâm thanh tĩnh chứ không phải có cái danh hiệu Phật hay không.


[2] Học trò đàn cháu 8 đời của Bách Trượng Hoài Hải. Năm sinh năm mất không rõ. Tên được nhắc đến trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 13 và Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 9. Hành trạng không rõ.


[3] Một vị Phật thượng cổ tượng trưng cho trí tuệ hiểu biết.


[4] Nguyên tiếng Phạn kalpa (kiếp ba), một đơn vị thời gian cực dài.Thường chỉ sự sinh diệt của vũ trụ. Tứ kiếp chỉ thời gian qua 4 giai đoạn từ lúc vũ trụ sinh thành đến lúc bị tiêu diệt, thành kiếp, trú kiếp, hoại kiếp, không kiếp.


[5] Cả hai (chân tri và lý hội) đều là mục đích của người tu Thiền. Vô Môn coi trọng chân tri hơn lý hội.

http://chimviet.free.fr/vannhat/nguyennamtran/vomonquan/09-DaiThongtrithang.htm


6.

Daitsu Chisho

A monk asked Seijo of Koyo and said, “Daitsu Chisho Buddha did zazen for ten kaplas in a Meditation Hall, and could neither manifest the truth, nor enter the Buddha-Way. Why was this?” Seijo said, “Your question is a very appropriate one.” The monk persisted, “Why did he not attain Buddhahood by doing zazen in the Meditation Hall?” Seijo replied, “Because he didn’t.”

The Commentary

You may know the Old Indian, but you are not to analyse him psychologically. An ordinary man who really knows him is a sage, but a sage who has merely discursive knowledge of him is only an ordinary man.

The Verse

Rather than putting the body to rest, rest of heart!

If the mind is at peace, the body knows no grief.

But if both the mind and body are pacified, thoroughly, as one,

This is the life of perfect sainthood, where praise is meaningless.

(https://terebess.hu/zen/GatelessGate-MarkMorse.pdf)

25/5/24

Hiện tượng hành giả Minh Tuệ

 

Hiện nay Phật giáo tại VN được chia ra một số tông phái chính, nhưng cơ bản là truyền thống Bắc tông (còn được gọi là Phật giáo phát triển) và Nam tông (còn được gọi là Phật giáo Nguyên Thuỷ). Phật giáo Bắc tông lại chia nhiều tông phái khác nhau phủ khắp ba miền Bắc Trung Nam. Phật giáo Nguyên thuỷ chủ yếu từ miền Trung trở vào, chủ yếu hiện diện ở miền Nam. Ngoài Bắc chỉ có vài chùa theo phái Nguyên thuỷ, dù Phật tử theo Phật giáo Nguyên thuỷ cũng khá nhiều so với số lượng sự hiện diện của các ngôi chùa theo Nguyên thuỷ ở vùng này.
Sự khác biệt của hai tông phái này chủ yếu là hai hệ thống Tam tạng Kinh, y bát và cách hành trì. Tam tạng Kinh của Phật giáo Nam truyền là bộ ba Kinh, Luật, Vi diệu pháp/Thắng pháp (Bắc truyền gọi là bộ Luận - nội dung có khác biệt).
Đối chiếu với những hình thức thể hiện của hành giả Minh Tuệ thì có thể nói hành giả đang hành trì theo Phật giáo Nguyên thuỷ.
1. Y áo.
Hành giả Minh Tuệ dùng những mảnh vải nhặt được trên đường đi để cắt và khâu lại thành tấm y để mặc. Cách thức thực hiện này được nhắc đến trong Kinh tạng và Luật tạng thuộc Nam truyền. Trong kinh điển, các vị nhặt những mảnh vải mà người ta quăng bỏ ở nghĩa địa (là những tấm vải từng quấn người chết) hoặc vải thừa vụn bị vứt bỏ trên đường. Những vị tỳ kheo trong kinh điển là dùng y qua cách thức này (còn được gọi là y phấn tảo). Hiện nay ngay cả ở một số nước quốc giáo theo Phật giáo Nguyên thuỷ như Myanmar, Thái Lan, Sri Lanka, Cambodia, Lào dù có cùng kiểu y là một tấm vải lớn hình chữ nhật, nhưng rất hiếm thấy được kiểu y phấn tảo (đúng nghĩa là nhặt các mảnh vải vứt đi rồi khâu may ghép lại). Tam y là ba tấm y gồm: y nội (dùng đắp từ thắt lưng trở xuống), y thượng (đắp ở phía trên, hay còn gọi là y vai trái) và y kép (sanghati, là y hai lớp). Cách may và sử dụng tam y theo Luật tạng rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Một hành giả mà chỉ sử dụng Tam y đúng theo Luật tạng thì rất đơn sơ giản dị đến mức khó khăn nếu không biết linh hoạt khi tắm rửa, trời mưa bị ướt. Hành trì theo hạnh đầu đà thì cực kỳ khó khổ khi không có trú xứ thích hợp lúc trời nắng mưa, nơi tắm giặt, khi ngủ nghỉ (trời lạnh chỉ có thể dùng y kép để đắp chứ không có chăn, không có y áo khác để mặc thêm). Hiện nay các sư theo phái Nam truyền hầu hết đều mặc y do Phật tử cúng dường qua lễ dâng y Kathina. Ở một thiền viện nổi tiếng thì chỉ sau một mùa lễ dâng y Kathina (lễ này diễn ra sau ba tháng an cư kiết hạ mùa mưa) thì một vị sư có thể nhận được tới cả chục bộ y. Nếu một vị sư đã thọ trì Tam y thì sau khi được cúng dường nhiều bộ y đều phải xả (bỏ) lại cho văn phòng chư tăng (Sangha office), hoặc các chùa khác, các vị sư nơi khác khó khăn hơn. Một tấm y theo đúng Luật tạng không phải là một miếng vải, mà phải may từ nhiều mảnh vải nhỏ ghép lại, kích thước được tính theo đơn vị “hắc tay” của thời trước (được cụ thể hơn qua các bộ chú giải và phụ chú giải của Luật tạng). Hạnh đầu đà chỉ là một trong các pháp tu hành trì, nhưng được chính Đức Phật tán thán trong Kinh tạng. Vì đây chính là biểu hiện rõ nhất của tinh thần “thiểu dục tri túc” trong đạo Phật. Một hành giả mà có tâm tham, tâm ngã mạn nhiều thì pháp tu đầu đà là cách thức làm thuyên giảm những chướng ngại về tham dục (dục ở đây là ngũ dục thông qua ngũ căn chứ không phải tình dục) và sự cống cao ngã mạn. Có thể nói hiện nay pháp tu hạnh đầu đà không còn hiện diện nhiều ngay cả ở những nước quốc giáo, nổi tiếng uy tín về giới luật như Myanmar, hay một số pháp môn “sơn tăng” tại Thái Lan hay Sri Lanka. Một số vị chỉ có thể hành trì một vài điều trong tổng số (12 hoặc 13) hạnh đầu đà như ngày ăn một bữa, ngủ trong rừng. Còn thực sự đắp y phấn tảo, ngủ nơi nghĩa địa, dưới gốc cây, ăn ngày một bữa thì rất hiếm còn. Tại VN gần như là chưa thấy vị nào hành trì được những hạnh đầu đà này. Giờ chỉ có thể thấy một hành giả Minh Tuệ “dám” thực hiện điều đó: đắp y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, ngồi nơi nghĩa địa,… Đó là những điều quá xứng đáng để được tán thán trong bối cảnh Phật giáo hiện nay tại VN. Thậm chí là một hiện tượng đáng để tự hào so với Phật giáo hiện nay trên thế giới. Một người từ trong kinh điển bước ra, khiến cho các “thầy chùa” choáng váng, hổ thẹn.
2. Bình bát.
Các sư theo Nguyên thuỷ hiện nay hầu hết đều sử dụng bình bát để thọ thực. Các bình bát này cũng đều được các Phật tử dâng cúng. Sau khi thọ nhận một bình bát mới thì theo Luật tạng phải làm cho bình bát “hoại sắc” (y áo cũng theo tinh thần này). Tại Myanmar một số thiền viện các sư vẫn dùng bình bát chất liệu bằng sắt, được hun đốt thành màu đen, có loại bằng nhôm. Sang hơn là dùng bình bát bằng chất liệu inox, rất thịnh hành ở Thái Lan. Bình bát bằng inox khi mới sáng bóng, cũng được các vị mang đốt bằng một loại dầu để làm cho “hoại sắc”. Về bản chất thì đã đúng theo Luật tạng quy định, nghĩa là không sai, nhưng vẫn là một kiểu “hình thức mới”, đôi khi còn thấy đẹp hơn! Hành giả Minh Tuệ dùng chiếc ruột cũ của nồi cơm điện đi xin được làm bình bát, một sáng tạo không thể ngờ tới, quá là đáng yêu! Nó “đáng yêu” ở chỗ không chấp vào hình thức. Tới thời điểm hiện tại thì thấy các Phật tử đã đổi cho ông một bình bát mới, nhìn sáng bóng kiểu chất liệu inox, điều này là không cần thiết nhưng có thể hiểu cho “tình cảm” (nhu cầu cúng dường tạo phước) của các Phật tử.
3. Chân đất.
Hiện nay các sư bên Phật giáo Nguyên thuỷ chủ yếu là đi dép xỏ ngón/tông. Đi giày được coi là phạm giới, nếu trời lạnh có thể đi thêm tất. Chỉ một số ít là các vị hành trì việc đi chân đất hoàn toàn. Dù khi đi khất thực, hay lúc thọ nhận đồ cúng dường các vị đi dép vẫn phải bỏ tạm dép ra, đứng chân đất để thọ nhận để cho “hợp luật”. Hình ảnh các vị sư đi chân đất khất thực vào buổi sáng tại Myanmar rất quen thuộc, không còn lạ gì với người theo Phật giáo Nguyên thuỷ. Tại VN cũng không quá khó khăn để thấy được những hình ảnh như thế, một vị (hay một nhóm vị) đi chân đất khất thực vào buổi sáng. Nhưng để thấy được một vị đi hoàn toàn bằng chân đất, không sử dụng dép thì có thể nói ở VN hiện nay, ngoài hành giả Minh Tuệ ra thì cũng khó tìm ra thêm. Vì để hành trì được điều này, hành giả gần như buộc phải chọn trú xứ là rừng cây, nghĩa địa, chứ sống trong chùa, thiền viện, ngủ trên giường là quá bất tiện, không phù hợp. Nói “đi chân đất” nghe có vẻ bình thường, nhưng để đi chân đất trên đường ngày nắng nóng, sự nguy hiểm của chông gai rắn rết khi đi vào rừng, bãi hoang là điều không phải tầm thường. Đó là điều mà hạng người độn căn, thiếu trí, ngoại đạo cười chê, cho là hâm dở, nhưng lại là biểu hiện cho tinh thần “bi-trí-dũng” được những người lợi căn, có trí, có tâm tán thán. Vì đã “vô duyên” với đạo Phật thì miễn bàn, mà đã “hữu duyên” thì không thể không tán thán một biểu hiện của tinh thần “thiểu dục tri túc”, hạnh kham nhẫn trong Phật giáo.
4. Nhận tiền và không nhận tiền.
Cần nói ngay và luôn, một người khi đã xuất gia theo Phật giáo Nguyên thuỷ thì hành trì theo tạng Kinh và tạng Luật, thì trong tạng Luật hành vi nhận tiền, tích trữ tiền vàng là phạm giới luật. Một vị sadi (giữ 10 giới) còn một vị tỳ kheo thọ đại giới là 227 giới. Trong giới luật tỳ kheo thì đứng đầu là bốn tội nặng nhất (tội bất cộng trụ), phạm vào một trong bốn tội này được cho là một tỳ kheo đã “mất đầu”, dù có tu như nào nữa thì trong kiếp này không thể thành tựu (Pháp thượng nhân). Khi một vị bị phát hiện (hoặc chủ động sám hối) thì cũng lập tức buộc phải xả y (hoàn tục), nếu không thực hiện cũng bị đuổi ra khỏi tăng đoàn. Tiếp theo là 13 tội tăng tàn, những tội này muốn sám hối thanh tịnh giới phải thông qua một hội đồng chư tăng (những vị trong sạch giới hạnh). Tiếp theo nữa mới đến các giới nhỏ dần. Nhận tiền (bao gồm vàng bạc) là một trong 227 giới luật, được cho là một giới nhỏ so với những giới nặng được nhắc ở trên. Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, không chỉ ở VN mà ở mọi nơi có Phật giáo hiện diện thì “nhận tiền” là một vấn đề nổi cộm gây nhiều nhức nhối. Bên Phật giáo Bắc tông tại VN việc các thầy nhận tiền cúng dường gần như đã được coi là việc bình thường. Chỉ những hình ảnh của một số “thầy chùa” tay chộp phong bì liên hồi trên tay các “phật tử” là dễ gây phản cảm, hay các bài “thuyết pháp” gây bức xúc khi nhai đi nhai lại việc cúng dường (chủ yếu là tiền bạc). Bên Phật giáo Nguyên thuỷ có tiếng hơn trong việc nghiêm trì giới luật nên việc các sư nhận tiền là rõ ràng đã phạm giới. Nhưng hiện nay ở VN (và cả một số các nước quốc giáo khác như Myanmar, Thái Lan,…) hình ảnh các sư thọ nhận tiền bạc không phải quá hiếm. Trong các lễ hội cúng dường tại các chùa, thiền viện ở VN không thiếu những hình ảnh các “phật tử” bỏ tiền, bỏ phong bì vào bình bát của các sư. Có người nhận thì có người cúng hay có người cúng thì có người nhận. Các sư phạm giới nhận tiền là do chính Phật tử đã cúng dường tiền, làm “hư” các sư. Trong Kinh tạng và Luật tạng một vị tỳ kheo chỉ cần bốn thứ cần thiết (Tứ vật dụng) cho đời sống xuất gia: vật thực (đồ ăn uống), trú xứ (liêu cốc), y áo và thuốc chữa bệnh. Phật giáo Nguyên thuỷ có quy định về “người hộ tăng” (Kappyya) để lo việc hộ trì cho các sư. Khi Phật tử muốn cúng dường “tứ vật dụng” trên cho các sư mà chưa thể “hiện thực hoá” ngay các vật đó thì họ tác bạch với các sư và đưa tiền cho người hộ tăng nhận. Nói một cách thẳng thắn thì việc này là các sư không nhận tiền trực tiếp mà là gián tiếp thông qua người hộ tăng. Khi nhận thấy vị sư có nhu cầu cần đến một trong các “tứ vật dụng” thì người hộ tăng sử dụng số tiền được cúng dường để thực hiện. Với một người tu tập đúng đắn, đã có tâm xả bỏ tài sản, gia đình thì tiền bạc thực sự không có ý nghĩa nhiều. Và hơn hết vị sư đó sẽ thông qua người hộ tăng để sử dụng số tiền một cách “hợp luật”, không phạm giới. Nhưng nếu một vị không có tinh thần xả bỏ, tu tập và nghiêm trì giới hạnh lại trực tiếp nhận tiền và giữ tiền thì điều gì cũng có thể xảy ra. Hành giả Minh Tuệ không có người hộ tăng, nghĩa là không có người nhận tiền “gián tiếp”, càng không có việc nhận tiền trực tiếp như lời ông tuyên bố và đã thực hiện qua những gì mọi người thấy thì điều đó đã thể hiện một người tu tập giữ giới này trọn vẹn như nào. Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, điều đó chả phải đáng tán thán ư?! Đó là việc khiến cho bao người xuất gia phạm giới nhận tiền khác phải hổ thẹn. Nó là việc khiến hàng nghìn Phật tử đã động tâm.
5. Xưng hô.
Trong truyền thống Phật giáo, một người xuất gia sau thường xưng “con” với người đã xuất gia trước (thường nhiều tuổi). Hoặc một vị sadi thường xưng hô là “con” đối với một vị tỳ kheo (để biểu lộ sự tôn kính với người tu bậc trên). Và rõ ràng hơn là việc xưng con với người thầy tế độ (người cho mình xuất gia), hay với các thiền sư, pháp sư dạy mình. Ngôn ngữ trong Pali còn gọi các bậc trưởng lão là “sayadaw” (với ý tôn kính bậc cao thượng), hay “Bhante” dành cho các vị tỳ kheo. Trong tiếng Việt các vị sư hay gọi các vị cao hạ hơn là “đại đức”. Với một người xuất gia mà xưng “con” với người tại gia là xưa nay chưa từng thấy/nghe. Chỉ thấy việc mấy ông sư trẻ tuổi, ít hạ, mấy thầy chùa lên giọng sư giọng thầy và gọi Phật tử là “con” dù Phật tử có nhiều tuổi hơn họ (thậm chí bằng hoặc lớn hơn tuổi bố mẹ các sư các thầy) lại là điều không hiếm thấy. Việc hành giả Minh Tuệ xưng “con” với hầu hết mọi người, bất kể già trẻ trai gái, bất kể với xuất gia hay tại gia là một sự khiêm hạ, khiêm cung đáng nể, gần như không thể thấy có ai khác trong giới tu sĩ. Khi người ta vẫn đang học về “vô ngã” là người ta còn cái ngã. Cái ngã mạn này ở mỗi tu sĩ có cao thấp khác nhau, và biểu lộ của sự đụng chạm đến cái ngã là tâm sân. Và một người khi đã tạm đặt cái ngã này sang một bên để chủ động hạ mình xuống trước tất cả mọi người thì không dễ một chút nào. Khi làm được điều đó với một sự chân thật, có phần hồn nhiên vô tư thì tự họ đã vô tình nổi bật trong đám đông tăng sĩ (điều mà nhiều tu sĩ có muốn “diễn” cũng không làm nổi), đừng nói tới hạng phàm phu tục tử.
Dù đã và đang hành trì theo kinh điển với những biểu hiện về y phấn tảo, không nhận tiền, ngày ăn một bữa, đi chân đất, ngủ dưới gốc cây,… nhưng hành giả Minh Tuệ lại không nhận mình là tu sĩ. Đó lại là một điều khiến nhiều tu sĩ khác phải hổ thẹn. Dù hiện nay một số người có tìm hiểu Kinh, Luật cho rằng hiện tượng hành giả Minh Tuệ là không đúng đắn, các phân tích về việc thọ trì giới luật, hội chúng tăng đoàn, thầy tế độ,… Có ý kiến còn nặng đến mức cho rằng hành giả Minh Tuệ “ăn trộm tăng tướng”. Xét một cách máy móc về giới luật và kiểu áp đặt giới luật thì một số nhận định phân tích là không sai. Nhưng đó chỉ là một trong các cách diễn giải giới luật còn nhiều tranh luận. Người ta cũng quên rằng, giới luật là để bảo vệ người tu, chứ không phải là làm khó người thực sự muốn tu. Hành giả Minh Tuệ chỉ nhận mình là người đang học theo Đức Phật, ông không nhận mình là tu sĩ, nên không thể quàng lên ông những giới luật một cách máy móc (áp dụng cho một vị tỳ kheo xuất gia đúng “quy trình”). Mà thậm chí những biểu hiện của hành giả Minh Tuệ đã đáng để nhiều vị tỳ kheo hiện nay học hỏi. Bậc cao nhất của một người theo đạo Phật chính là thực hành giáo Pháp (dhamma - Pali). Hành giả Minh Tuệ có thể ăn nói chưa “hoa mỹ”, dùng từ hồn nhiên nhưng lại chân thật, ông không phải một Pháp sư (người giảng Pháp) để diễn ngôn chuẩn chỉnh. Nhưng hàm chứa trong lời nói ngây ngô chân thật đó phải là một người có trí, lợi căn và chân thật, biểu lộ các ba la mật (Parami) về hạnh kham nhẫn, khiêm cung, thiểu dục tri túc, thu thúc lục căn (những điều luôn được nhấn mạnh quan trọng, đáng tán thán trong tạng Kinh Nikaya). Khó có thể tìm thấy một biểu hiện của sự cống cao ngã mạn, tâm tham, tâm sân ở hành giả Minh Tuệ. Những người tôn xưng hành giả Minh Tuệ là Phật sống, thánh tăng có thể là quá lời, cũng có thể hiểu được “tình cảm” đó của mọi người trong bối cảnh Phật giáo ngày nay. Nhưng nếu là một “phàm tăng” thì hành giả Minh Tuệ là một phàm tăng xuất chúng, tìm mỏi mắt cũng không thấy người thứ hai. Chỉ riêng những điều đó thôi cũng đủ xứng đáng để người ta đảnh lễ, cúng dường, cung kính, tán thán. Những đố kỵ, ganh ghét, sân giận với ông trong thời điểm này chỉ biểu hiện của hàng độn căn, tự hạ thấp mình. Dĩ nhiên quyền cá nhân biểu hiện thì thoải mái đi. Nếu nhìn từ khía cạnh đời sống không có nhiều điều để bàn, thậm chí chỉ gây tranh cãi vô nghĩa. Nhìn một hiện tượng về tâm linh thì cần bàn trên góc nhìn tâm đạo. Pháp (dhamma) là “đến để mà thấy”, dành cho người hữu duyên, không phải chỉ để tin và cho người vô duyên (với đạo). Có thể tương lai hành giả Minh Tuệ sẽ đổi khác, không đúng, thì đó là chuyện của tương lai. Hành trình “Giới - Định - Tuệ” là con đường cả đời, trải qua nhiều kiếp sống mới có thể thành tựu. Nhưng với những gì đã diễn ra cho đến thời điểm này, “hiện tượng Minh Tuệ” sẽ còn được nhắc đến lâu dài, như một biểu tượng mới về “hình ảnh tu sĩ” trong Phật giáo hiện nay.
Duy Trung
22/5/2024.
nguồn: fb Duy Trung

13/5/24

Du tử ngâm

 遊子吟

慈母手中線,
遊子身上衣。
臨行密密縫,
意恐遲遲歸。
誰言寸草心,
報得三春暉。
孟郊

Âm: Du tử ngâm.
Từ mẫu thủ trung tuyến,
du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng, 
Ý khủng trì trì quy.
Thủy ngôn thốn thảo tâm,
Báo đắc tam xuân huy
.

NghĩaKhúc ca về người con đi xa.
Sợi chỉ trong tay mẹ hiền (nay là) tấm áo trên thân người con.
Lúc sắp đi mẹ may thật kĩ, vì lo con chậm trở về.
Ai bảo tấc lòng của cọng cỏ kia có thể đền đáp được ân tình của ánh sáng ba tháng xuân.

Tạm dịch:

Sợi chỉ trong tay mẹ,
Tấm áo trên thân con.
Sắp đi khâu chắc chắc,
Từng về trễ luôn luôn.
Ai bảo lòng tấc cỏ,
Báo được nắng ba xuân?

Chú

-          寸草:tấc cỏ. 三春暉:ánh mặt trời ba tháng xuân. Mùa đông rét lạnh cỏ héo vàng, đến mùa xuân nắng ấm thì xanh tươi trở lại. Ẩn dụ ơn nghĩa của mẹ đối với con. Kiều có câu thơ: "Hạt mưa sá nghĩ phận hèn, Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân".

孟郊 Mạnh Giao (751 - 814) tự Đông Dã, nhà thơ thời Trung Đường. Ông cùng với Giả Đảo được các nhà văn học sử xếp vào trường phái “Khổ ngâm”, làm thơ gọt dũa quên ăn quên mặc, đến nổi người đời gọi là “Giao hàn Đảo sấu” (Mạnh Giao rét lạnh, Giả Đảo gầy gò).  


10/5/24

Ngộ cố nhân

Lê Hữu Trác 黎有晫 (1721-1791) hiệu Hải thượng lãn ông 海上懶翁, một danh y Việt Nam vào cuối đời Hậu Lê. tác giả của bộ sách Hải Thượng Lãn Ông Y Tôn Tâm Lĩnh đến nay vẫn thấy nhiều thầy thuốc đông y dùng. Ông còn là văn gia có tài, tập Thượng kinh kí sự, kể lại những  điều mắt thấy tai nghe trong thời gian hơn một năm ở lại kinh chữa bệnh cho thế tử con chúa Trịnh Sâm được đánh giá cao cả về nghệ thuật lẫn tư liệu lịch sử.

Trong Thượng Kinh Kí sự, tác giả có kể lại một câu chuyện tình cảm động. Một hôm có hai sư cô đã lớn tuổi đến chỗ ông trọ xin khuyến hóa đúc chuông. Nói chuyện một lúc, hóa ra một vị là người con gái xưa ông từng được cha mẹ dạm hỏi, nhưng sau đó vì lí do riêng, ông bỏ về quê ngoại sống. Cô gái kia đã nhận lễ hỏi, tự coi như đã có chồng, nên khi ông bỏ đi thì cũng đi tu. Sau cuộc gặp ông làm bài thơ sau.

遇故人
無心事出誤人多,
今日相看苦自嗟。

弌笑情多流冷淚,
雙眸春盡現形花。

此生願作乾兄妹,
再世應圖巽室家。

我不負人人負我,

縱然如此奈之何
黎有晫

Âm:

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa,
Kim nhật tương khan khổ tự ta.
Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ,
Song mâu xuân tận kiến hình hoa.
Thử sinh nguyện tác càn huynh muội,
Tái thế ứng đồ tốn thất gia.
Ngã bất phụ nhân nhân phụ ngã,
Túng nhiên như thử nại chi hà?

Nghĩa: Gặp lại người xưa.
Vô tâm mà làm ra chuyện làm hại cho người,
Hôm nay thăm hỏi mới thấy ra nguồn gốc của nỗi khổ kia.
Một nụ cười với bao tình cảm, nước mắt lặng lẽ chảy,
Đôi mắt đã hết tươi tắn, hiện rõ nét quáng, lòa.
Kiếp này nguyện làm anh em kết nghĩa,
Kiếp sau xin sẽ thành vợ chồng.
Ta không phụ người mà người phụ ta, 
Dù là như thế thì biết làm sao đây?

Tạm dịch

Vô tâm làm chuyện hại người ta, 
Nay gặp nhau rồi mới biết ra.
Cười gượng rưng rưng hàng lệ ứa,
Nhìn trân mờ mịt bóng ai nhòa.
Đời này kết nghĩa anh em vậy,
Kiếp tới xe duyên sống một nhà.
Ta chẳng phụ người người lại phụ,
Dẫu là như thế biết sao a.


8/5/24

Tặng Dược sơn cao tăng Duy Nghiễm 2

贈藥山高僧惟儼其二 
選得幽居愜野情,
終年無送亦無迎。
有時直上孤峰頂,
月下披雲嘯一聲。
李翱
 

Âm

Tuyển đắc u cư hiệp dã tình, 
Chung niên vô tống diệc vô nghinh.
Hữu thời trực thướng cô phong đính,
Nguyệt hạ phi vân khiếu nhất thanh.

Nghĩa.

Chọn được một nơi thanh tĩnh hợp với ý thích để tu hành,
Quanh năm không phải đưa đón ai.
Có khi đi thẳng lên đỉnh núi đơn độc,
Dưới ánh trăng gầm lên một tiếng làm rách cả đám mây.

Tạm dịch

Chọn được nơi yên ở cũng hay,
Quanh năm không đón chẳng đưa ai.
Có khi lên đỉnh núi cô quạnh,
Dưới nguyệt gầm lên xé rách mây.

Chú

惟儼 Duy Nghiễm, thiền sư nổi tiếng thời Đường, là học trò của thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên.

李翱 Lí Ngao (772 - 836), nhà thơ, nhà tư tưởng thời trung Đường. Đỗ tiến sĩ, quan đến Tiết độ sứ Sơn Nam đông đạo.
Lí Ngao có thời làm Thứ sử Lãng Châu, tại đây có đạo tràng Dược Sơn của Duy Nghiễm. Theo "Cảnh Đức truyền đăng lục", Lí Ngao vốn ngưỡng mộ danh tiếng của Duy Nghiễm, mấy lần mời sư đến dinh thái thú nhưng sư không đến, nên cuối cùng hạ mình đến bái sơn. Không ngờ tới nơi, Duy Nghiễm thản nhiên ngồi tụng kinh. Lính hầu nhắc nhở, rằng có quan Thái thú đến, Duy Nghiễm cũng mặc kệ. Lí Ngao mất kiên nhẫn, nói: "Thật là gặp mặt không như nghe tiếng a", rồi phất áo đi ra. Lúc này Duy Nghiễm mới quay đầu nói "Thái thú sao lại coi trọng tai hơn mắt?". Câu nói làm Lí Ngao chấn động, vội tạ lỗi. Rồi hỏi "Thế nào là đạo". Duy Nghiễm không nói gì, chỉ lấy ngón tay chỉ xuống chỉ lên, rồi hỏi "Hiểu không?" Lí Ngao ngơ ngác không hiểu. Duy Nghiễm mới nói "Vân tại thanh thiên thủy tại bình - mây ở trời xanh nước ở bình". Lí Ngao lúc này "vui mừng", bèn viết liền hai bài thơ thất ngôn tuyệt cú tặng Duy Nghiễm, đây là bài thứ hai. Bài thơ Ngôn hoài tương truyền của sư Không Lộ đời Lí nước ta có mượn ý của bài thơ này.

Giản thể

赠药山高僧惟俨其二 
选得幽居惬野情,
终年无送亦无迎。
有时直上孤峰顶,
月下披云啸一声