31/10/21

Hồi hương ngẫu thư (2)


 回鄉偶書 (2)

離別家鄉歲月多, 离别家乡岁月多,

近來人事半消磨。 近来人事半消磨。

惟有門前鏡湖水, 惟有门前镜湖水,

春風不改舊時波。 春风不改旧时波。

賀知章

Âm:

Hồi hương ngẫu thư (2).
Li biệt gia hương tuế nguyệt đa,
Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
Duy hữu Kính hồ môn tiền thủy,
Xuân phong bất cải cựu thì ba.
Hạ Tri Chương

Chú thích: Đây là bài thứ hai trong hai bài thơ Hạ Tri Chương viết khi trở về quê sao gần 50 năm cách biệt.

- 歲月 tuế nguyệt = năm tháng.

- 近來 cận lai = gần đây.

- 消磨 tiêu ma = tiêu thất, tiêu tán.

- 鏡湖 Kính hồ = tên hồ trước cửa nhà tác giả.

Nghĩa

Xa cách quê nhà đã nhiều năm tháng, gần đây việc đời phân nửa đã dần dần mất hẳn.
Chỉ có nước Kính hồ trước ngõ nhà, gió xuân không thay đổi làn sóng cũ.

Tạm dịch:

Li biệt quê nhà bao tháng năm,
Người xưa chuyện cũ hóa xa xăm.
Chỉ có trước hồ vẫn như cũ,
Gió xuân nước gợn sóng lăn tăn.

Một số bản dịch thơ đọc được trên trang thivien . net

Năm tháng xa nhà chắc đã lâu
Bạn bè mất nửa, nửa về đâu
Hồ Gương trước cửa lung linh nước
Gió chẳng làm thay gợn sóng sầu.
Hải Đà

Quê nhà xa cách đã bao thu,
Nhân sự gần đây đã xác xơ.
Riêng có Kính hồ bày trước cửa,
Gió Xuân không đổi sóng thời xưa.
Trần Trọng Kim

Xa quê năm tháng lâu rồi,
Viễc đời ngẫm lại đã nhiều tả tơi.
Chỉ riêng hồ Kính cổng ngoài,
Gió xuân không đổi sóng thời xa xưa.
Trần Trọng San

Về quê, VN những ngày đầu tháng 10/2021. Hình: TTO



29/10/21

Hồi hương ngẫu thư 1

 回鄉偶書

少小離家老大回, 少小离家老大回,

鄉音無改鬢毛衰。 乡音无改鬓毛衰。

兒童相見不相識, 儿童相见不相识,

笑問客從何處來。 笑问客从何处来。

賀知章

Âm:

Hồi hương ngẫu thư

Thiếu tiểu li gia lão đại hồi,
Hương âm vô cải mấn mao thôi.
Nhi đồng tương kiến bất tương thức,
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.
Hạ Tri Chương.

Chú:

+ 書 thư, là sách; còn có nghĩa là viết, như thư pháp  = phép viết chữ. Hồi hương ngẫu thư = Ngẫu hứng viết khi về quê.

+ 鬢 mấn, tóc mai. 

+ 衰 suy, cũng đọc thôi, nghĩa gốc là cái áo tơi (hình chữ gồm chữ y  衣 áo + hình một mảng áo có đầu nhọn của lá tơi tủa ra); mượn dùng làm tính từ, có nghĩa là lụn bại (do hình ảnh chiếc áo te tua?). 

+ 相見 tương kiến = thấy nhau, gặp nhau.

+ 相識 tương thức = biết nhau.

Tác giả 賀知章 Hạ Tri Chương là một nhà thơ thời nhà Đường. Ông đỗ tiến sĩ năm 37t, từ đó xa quê đi làm quan. mãi đến năm 80t mới cáo lão từ quan, về lại quê cũ. Được một năm thì mất.
Bài thơ trên đây là một trong hai bài "Hồi hương ngẫu thư" ông viết khi mới trở về quê.

Nghĩa:

Thủa nhỏ xa quê, già trở về,
Giọng quê không thay đổi, tóc mai thì đã xơ xác.
Đứa nhỏ gặp mặt, nhưng không nhận ra người làng;
Cười hỏi khách từ đâu tới.

Tạm dịch:

Tuổi trẻ ra đi, lão trở về,
Tóc dù xơ xác giọng còn quê.
Cháu nhà ai gặp nhìn không biết,
Cười hỏi khách từ mô tới hè.

Một số bản dịch đọc được trên mạng

Hồi hương, nhớ thủa trẻ ra đi
Tóc rụng, nghe còn đúng tiếng quê
Gặp mặt trẻ con cười chẳng biết
Hỏi ta mới ở xứ nào về.
Bùi Khánh Đản.

Còn trẻ ra đi, lão mới về
Tóc thưa cằn cỗi, tiếng còn quê
Trẻ con trông thấy mà không biết
Cười hỏi "Khách từ mô đến tê?".
Hải Đà.

Bé đi, già mới về nhà,
Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa.
Trẻ con trông thấy hững hờ,
Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao.
Trần Trọng Kim.

Đi khá trẻ, về khá già!
Giọng quê nào đổi, bạc đà hơn râm.
Trẻ con bu lại hà rầm,
Rằng: "Ông mô đến, hay lầm chỗ ni?".
Lại Quảng Nam.

VN, những ngày đầu tháng 10/2021. Hình trên mạng




22/10/21

Dằng dặc nỗi buồn Tào Tháo

Trong khi giới chuyên môn cùng các nhà sưu tầm, nghiên cứu, sử học, khảo cổ và người am hiểu lịch sử đang khẩu chiến trên mạng, blog lẫn các trang viết ở nhiều tờ báo trong và ngoài Trung Quốc xung quanh mộ Tào Tháo, thì nhiều người lại luận bàn Ngụy Vũ vương với tư cách thi nhân nổi tiếng thời Đông Hán.

Thậm chí có người còn cho rằng, nếu không phải thi nhân thì Tào Tháo khó hành xử để thu hút nhân tâm trước khi nhà Hán bị diệt vong.

Không phải gian thần

Trong hơn 1.700 năm qua, Tào Tháo luôn bị coi là gian thần hung ác, cho dù ông luôn được chọn là nhân vật trung tâm thời Tam Quốc trong các cuộc bình chọn. Mặc dù những vở kinh kịch nổi tiếng như "Xúc phóng Tào", "Kích cổ giá Tào", "Từ mẫu giá Tào"… từng lột tả con người Tào Tháo, nhưng hầu như người Trung Quốc nào cũng thừa nhận, họ biết tới Ngụy Vũ vương chủ yếu qua tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung.

Với tư cách là một trong bốn bộ danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc nên "Tam quốc diễn nghĩa" đã định hướng cho người đọc những nhân vật trong đó. Theo đó, Tào Tháo là một kẻ thoán nghịch, đa nghi giảo quyệt, giết người không ghê tay, ngang ngược bạo hành. Nhưng công lao của Tào Tháo trong việc kết thúc nhà Hán là điều không thể phủ nhận - Ngụy Vũ vương là người phi thường, kiệt nhân xuất thế. Một số sử gia cho rằng, cách dụng binh cũng như tư tưởng thi ca của Tào Tháo đã trở thành tác phẩm gối đầu giường của nhiều nhà quân sự sau này.

Một lãnh tụ của nước Trung Hoa hiện đại đã nhận xét: "Không những thống nhất miền Bắc, sáng lập nhà Ngụy, Tào Tháo còn cải cách nhiều hủ tục của triều Đông Hán, thẳng tay với cường hào, phát triển sản xuất, thực hiện chế độ đồn điền mới, đôn đốc khai hoang, thực thi pháp chế, đề xướng tằn tiện, biến một xã hội bị phá vỡ nghiêm trọng đi vào ổn định, khôi phục, phát triển". Nhà văn Quách Mạt Nhược cũng có quan điểm tương tự. Sử gia nổi tiếng Tiễn Bách Tán cũng đồng với quan điểm này. Học giả Dịch Quân Tả cho rằng, vì cuộc đời Tào Tháo là một cuộc chiến trường kỳ nên thơ ca của ông cũng từ đó mà ra.

Cách đây khoảng 30 năm, trên văn đàn Trung Quốc từng xuất hiện khuynh hướng xem xét lại sự đánh giá đối với các nhân vật trong Tam Quốc. Theo đó, Tào Tháo đã trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển lịch sử Trung Hoa, đồng thời có nhiều công lao trong những cải cách xã hội thời kỳ bấy giờ. Tào Tháo là người thành công trong việc áp dụng chính sách tôn trọng trí thức và trọng dụng nhân tài. Tào Tháo vẫn sử dụng Trần Lâm cho dù ông là người đã viết bài hịch sỉ nhục 3 đời nhà mình. Với những gì đã làm, Tào Tháo không hổ danh là anh hùng thời loạn. Sử sách cũng từng ghi, Tào Tháo là vị Vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã đưa ra quan niệm chôn cất đơn giản.

Tác phẩm để đời

Mặc dù Tào Tháo dùng thể thơ cổ Nhạc phủ nhưng vẫn mang phong cách riêng, cùng sự sáng tạo của mình. Nói chung thơ Tào Tháo đều thể hiện lý tưởng, tinh thần sống hiên ngang, lạc quan, lòng yêu thiên nhiên cũng như con người của tác giả. Trong số hơn 20 bài thơ còn lưu lại cho hậu thế, "Quy tuy thọ - Thọ như rùa thiêng" là một trong những tác phẩm được đánh giá cao nhất.

Dưới con mắt của các thi nhân, Tào Tháo đã biết dùng những ngôn từ hùng tráng trong bài thơ "Quy tuy thọ" để tỏ rõ sự lạc quan tuy biết rõ đời người hữu hạn, cũng như thế thái của người dù đã già, nhưng vẫn tráng kiện. "Tuổi cao tráng chí càng cao, chí ngoài ngàn dặm. Kẻ dày công trạng, cuối đời hùng tâm vẫn nguyên", đây là câu thơ đã trở thành danh ngôn lưu truyền thiên cổ.

Thọ như rùa thiêng
Cũng có lúc chết
Rồng cưỡi mây mù
Cũng ra tro hết
Ngựa già nằm chuồng
Chí ở bốn phương
Anh hùng lớn tuổi
Hăng hái như thường
Khi thịnh khi suy
Không chỉ tại trời
Ta biết di dưỡng
Sẽ sống lâu dài.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê từng đánh giá cao ca từ trong thơ của Tào Tháo - lời thơ cực kỳ bi tráng. Theo Nguyễn Hiến Lê, bài "Đoản ca hành - Bài hát ngắn" đã thể hiện rõ tài năng của Tào Tháo - dùng binh đã giỏi, thơ văn cũng hay. Kể từ thời Xuân Thu đến nay, ta mới lại gặp một bài thơ tứ ngôn cảm khái đến như vậy, Nguyễn Hiến Lê nhận xét sau khi đọc bài "Đoản ca hành". "Đoản ca hành" được sáng tác ngay trong đêm xảy ra trận Xích Bích. Sau trận Xích Bích, tuy phải "chia thiên hạ" với Lưu Bị và Tôn Quyền, nhưng Tào Tháo vẫn được Hán Hiến Đế phong làm Vũ Bình hầu, Ngụy Công và Ngụy Vương.

Trước ly rượu ta nên ca hát
Một đời người thấm thoắt là bao
Khác chi mấy hạt sương mai
Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn
Vụt đứng dậy, lòng thêm khảng khái
Nhưng cái buồn đeo mãi không tha
Giải sầu chỉ một chăng là
Mượn đôi ba chén của nhà Đỗ Khang
Tuổi đi học, áo xanh cổ cứng
Mà lòng ta bịn rịn hôm mai
Nhưng thôi nhắc mãi làm chi
Tuổi xanh quá vãng vì mi ta buồn
Con hươu lạc kêu trên đồng vắng
Chân ngẩn ngơ mồm gặm cỏ non
Nhà ta khách quý rộn ràng
Đàn ca sáo phách bập bùng thâu đêm
Mảnh trăng nọ treo trên trời rộng
Biết bao giờ hết sáng ngàn cây
Nỗi buồn ập đến ai hay
Lòng ta vương vấn khi đầy khi vơi
Xông pha mãi một đời gió bụi
Uổng công ta lui tới đeo đai
Bi hoan ly hợp một đời
Mong người tri kỷ đứng ngồi chẳng an
Trăng vằng vặc sao ngàn thưa thớt
Quạ về nam thảng thốt kêu thương
Liệng quanh cây, những mấy vòng
Mà không tìm được một cành nương thân
Chẳng quản ngại ta tìm tri kỷ
Dù núi cao, biển cả sâu nông
Một đời nghiền ngẫm Chu công
Làm sao thiên hạ dốc lòng về ta.

"Khổ hàn hành", một trong những bài thơ để đời là tác phẩm được sáng tác khi Tào Tháo đi chinh chiến.

Phía Bắc Thái Hàng sơn,
Vòi vọi lên gian nan.
Đường ruột dê uốn khúc,
Làm bánh xe vỡ tan.
Cây cối sao hiu hắt.
Gió bắc rít trên ngàn.
Gấu ngồi xổm ngó khách;
Hổ bên đường gầm vang.
Tuyết rơi sao phơi phới,
Hang hốc ít nhân dân.
Dài cổ nhiều than vãn,
Đi xa dạ ngùi ngùi.
Lòng ta sao buồn bực
Về đông mong tới ngày.
Nước sâu cầu lại gãy.
Giữa đường dạ bồi hồi.
Mê hoặc quên đường cũ
Tối mịt trọ nhà ai?
Đi hoài bao ngày tháng,
Đói cả ngựa lẫn người.
Quảy gói đi kiếm củi,
Lấy giá để thổi cơm.
Viết bài "Đông Sơn" nọ,
Dằng dặc một nỗi buồn...

Tào Tháo đã nói rõ lý tưởng chính trị, cũng như ý chí quật cường và tinh thần tiến thủ trong nhiều tác phẩm của mình. Qua bài "Độ Quan sơn - Vượt Quan sơn", Tào Tháo muốn phản đối việc vua làm khổ dân, bắt đi phu, đóng thuế nặng. Với bài "Đối tửu - Cùng uống rượu", "Cảo lý hành" và "Giới lộ hành", Tào Tháo hy vọng triều đại có vua anh minh, đồng thời cảm thông với những nỗi thống khổ của người dân phải sống trong chiến tranh, thời loạn Đông Hán. Nhưng qua bài "Quan thương hải - Ngắm biển xanh", người đời lại thấy một Tào Tháo vừa yêu thiên nhiên, vừa thể hiện ý chí tung hoành của kẻ sỹ thời loạn. Nhiều nhà thơ khẳng định, Tào Tháo đã rất khéo trong việc thể hiện cái hùng tài về chính trị và quân sự của mình vào thi ca với những bài thơ tứ ngôn. Tuyệt đại đa số những bài thơ hay của Tào Tháo đều được ông sử dụng những từ ít hoa mỹ, lời lẽ thuần phác, nhưng ý thơ rõ ràng, hùng hồn, bi tráng khiến người đọc luôn phấn khích. Có người nói, thơ Tào Tháo hào sảng, đầy khí phách của một kẻ hùng tài, đầy mưu lược.

Câu hỏi để ngỏ

Với những gì đang diễn ra - khẩu chiến xung quanh mộ Tào Tháo, việc tìm tiếng nói chung trong vấn đề nhạy cảm này sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là dư luận rất quan tâm tới Ngụy Vũ Đế, tước hiệu của Tào Tháo có được sau khi con trai Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, lập nên nhà Ngụy và xưng là Ngụy Văn Đế. Theo giới truyền thông, mặc dù những tranh cãi xung quanh vấn đề này vẫn đang diễn ra, nhưng sẽ sớm đạt được sự thống nhất nếu người ta thành công trong việc giám định ADN.

Tuy nhiên cũng có một thực tế không thể chối bỏ, đó là Tào Tháo đã chết (15/3/220) được gần 2.000 năm, do đó việc so sánh ADN của ông với hậu duệ sẽ gặp khó khăn. Nhiều người kiến nghị, nên so sánh ADN của Tào Tháo với con trai Tào Thực bởi người ta đã tìm thấy ngôi mộ này ở Ngư Sơn, Sơn Đông và được toàn bộ giới học thuật công nhận. Ngoài ra, người ta cũng có thể khai quật một ngôi mộ trong quần thể mộ chí họ Tào ở Hào Châu để lấy mẫu ADN làm giám định.

Giới chuyên môn khá quan tâm tới tuyên bố của ông Triệu Uy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch thành phố Hào Châu kiêm Hội trưởng Hội nghiên cứu Tào Tháo, cho rằng hậu duệ của Tào Tháo sống ở Hứa Xương, Lạc Dương, An Dương, tỉnh Hà Nam và tỉnh Sơn Đông, thậm chí Macao, nên sau gần 2.000 năm, gien di truyền có thể có dị biến, khó cho việc giám định ADN.

Quan điểm này được ông Trần Lập Trụ, Phó ban nghiên cứu lịch sử thuộc Viện Khoa học xã hội An Huy ủng hộ. Được biết, các cơ quan chức năng Trung Quốc đang khẩn trương tiến hành phần việc của mình để sớm có câu trả lời đối với một vấn đề mang tính lịch sử.

Tuy sinh ra trong gia đình giàu có, song không có tiếng tăm tại huyện Tiêu, nhưng Tào Tháo (155-220), tự Mạnh Đức vừa là thiên tài quân sự, vừa là nhà thơ lớn, nhà chính trị nổi tiếng cuối đời Đông Hán.

Theo tuyên bố của Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam Tôn Anh Dân tại buổi họp báo hôm 27/12/2009, mộ Tào Tháo được khai quật tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, nơi từng là cố đô của hơn 20 triều đại phong kiến Trung Quốc. Mộ Tào Tháo có hình chữ Giáp với tổng diện tích hơn 740m2, được xây bằng đá hình chữ Trung và chia làm tiền thất và hậu thất cùng 4 buồng ngách, quy mô rất lớn với kết cấu phức tạp

Lê Quỳnh Trang - Lê Tuấn Cường
(Báo CAND)

Tào Tháo – lãnh tụ thi đàn Kiến An



Lưu Hồng Sơn

Đa nghi, gian hùng… Có rất nhiều lời bình về nhân vật Tào Tháo trong bộ kỳ thư Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Nhưng có lẽ bốn chữ trên là hai từ người ta thường nói đến nhiều nhất. Cùng với Khổng Minh Gia Cát Lượng, Quan Công,… có thể nói, Tào Tháo là một trong những nhân vật được La Quán Trung xây dựng sống động nhất, thành công nhất, có sức hấp dẫn nhất.





Chính vì hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết được xây dựng quá tuyệt vời, nên Tào Tháo trong "Tam Quốc" đã lấn át hình tượng Tào Tháo nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, xuất chúng… trong sự thật lịch sử. Và chắc cũng ít ai có thể ngờ rằng Tào A Man lại là một thi nhân kiệt xuất, lãnh tụ của thi đàn Kiến An, người có cống hiến lớn nhất cho văn hoá Trung Quốc thời ấy, người khai sáng dòng thơ tả cảnh thuần tuý, nhà thi sử đầu tiên, là người thứ nhất mượn nhạc phủ cổ để miêu tả thời sự, người phục sinh cho thơ tứ ngôn, "tổ sư cải tạo văn chương" (Nguỵ Tấn phong độ cập kỳ văn chương dữ dược cập tửu chi quan hệ, Lỗ Tấn), người đặt nền móng cho "Phong cốt Kiến An"… của Trung Quốc, với phong cách đặc thù: "khí vận trầm hùng" (Thi bình, Ngạo Đào Tôn), "khí lực hùng tráng bao trùm tất thảy, chư tử Kiến An chưa ai được như vậy" (Thi khái, Lưu Hi Tải), "cổ trực hùng hồn, nhiều câu bi tráng" (Thi phẩm, Chung Vinh), "lời như búa bạt đỉnh núi" (Thi kính tổng luận, Thời Ung)…

Tào Tháo (155-220), tự Mạnh Đức, tiểu tự A Man, lại còn có tên là Cát Lợi, người ở quận Tiêu, nước Bái (nay là huyện Hào, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Cha là Tào Tung, vốn họ Hạ Hầu nhưng sau làm con nuôi của hoạn quan Trung thường thị Tào Đằng thời Hán Hoàn Đế, nên đổi làm họ Tào, về sau làm quan đến thái uý. Tào Tháo xuất thân trong gia đình hoạn quan, từ nhỏ đã thích săn bắn, ca vũ và đa mưu quyền biến. Năm 20 tuổi đỗ hiếu liêm, từng vì tinh thông cổ học mà được Hán Linh Đế phong làm nghị lang.

Khi khởi nghĩa Hoàng Cân bùng nổ, ông nhậm chức kỵ đô uý, đem binh trấn áp. Đầu thời Hán Hiến Đế, Đổng Trác chuyên quyền, muốn phế vua đoạt ngôi, Tào Tháo gia nhập liên quân thảo trừ. Sau khi đánh bại quân Hoàng Cân, thâu được hơn ba vạn quân nông dân khởi nghĩa, từ đó quân lực mạnh dần lên, và trở thành một trong những quần hùng ôm mộng thống nhất Trung Nguyên.

Đến năm thứ nhất niên hiệu Kiến An (196), ông đón Hiến Đế về Hứa Đô (nay là phía đông Hứa Xương, tỉnh Hà Nam), rồi từ đó "hiếp thiên tử dĩ lệnh chư hầu"; lần lượt đánh bại các địch thủ Lữ Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật… và trở thành người có thực quyền thống trị ở phương Bắc lúc bấy giờ, cùng Ngô Tôn Quyền ở Giang Đông và Lưu Bị ở Tây Thục tạo thành thế chân vạc tranh hùng. Sử gọi thời kỳ này là Tam Quốc. Năm 208, ông giữ chức thừa tướng, năm 216 làm Nguỵ Vương, năm 220 lâm bệnh và ôm theo xuống tuyền đài mối hận chưa thống nhất được Trung Nguyên. Sau, Tào Phi phế vua Hán, tự xưng đế, truy phong Tào Tháo là Nguỵ Vũ Đế.

Tào Tháo là nhà quân sự, nhà chính trị kỳ tài cuối thời Đông Hán. Đồng thời ông cũng là một tác giả có thành tựu rất lớn, "ngoại định võ công, nội hưng văn học" (Nguỵ chí, truyện Tuân Vực), không những có thể tập hợp được những người có "trị quốc dụng binh chi thuật" về dưới trướng mình mà còn quy tụ được rất nhiều văn sĩ về với Tào môn. Đương thời các văn nhân tập trung ở Nghiệp Hạ (nay là phía bắc An Dương, tỉnh Hà Nam), trong số ấy có rất nhiều người tài hoa, và Tào Tháo chính là người bảo hộ và dẫn đường cho các sáng tác của họ. Thiên "Thời tự" trong "Văn tâm điêu long" viết: "Nguỵ Vũ Đế (tức Tào Tháo) ở địa vị tôn quý mà rất yêu thích văn chương".

Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực cùng với Khổng Dung, Vương Xán, Lưu Trinh, Trần Lâm, Nguyễn Vũ, Từ Cán, Ứng Sướng chính là linh hồn của văn học Kiến An. Người sau thường gọi họ là Tam Tào và Thất Tử.

Quyền lực chính trị và tài năng thơ ca, hai yếu tố này đã đưa Tào Tháo lên địa vị lãnh tụ thi đàn Kiến An.

Hiện tại, còn lưu giữ được 26 bài thơ của Tào Tháo và tất cả đều là nhạc phủ ca từ. "Nguỵ thư" viết ông "đăng cao tất phú, cập tạo tân thi phi chi quản huyền, giai thành nhạc chương". Qua đó có thể thấy, Tào Tháo không những là một nhà thơ, mà còn là người say mê âm nhạc. Và điều đặc biệt trong sáng tác của ông là sự kế thừa truyền thống hiện thực chủ nghĩa "cảm ư ai lạc, duyên sự nhi phát" (cảm động ở những nỗi vui buồn, theo đó mà phát ra) của dân ca nhạc phủ (theo Hán thư – Nghệ văn chí), dùng hình thức nhạc phủ cựu đề để chuyển tải những nội dung mới mẻ. Cũng như chủ trương dùng người tài không kể thân phận sang hèn, trong sáng tác, Tào Tháo dùng những thể thơ ca dân gian (mà thời đó bị các thi sĩ quý tộc khinh thường) làm hình thức sáng tác và phương tiện bộc lộ tình cảm. Trong số đó có rất nhiều danh tác như: Giới lộ hành, Cảo lý hành, Khổ hàn hành, Khước đông tây môn hành, Đoản ca hành, Quy tuy thọ, Đối tửu, Độ quan sơn, Quan thương hải và Mạch thượng tang với hình thức đa dạng, nội dung phong phú.

Những động loạn của hiện thực xã hội và nỗi thống khổ của nhân dân đương thời được phản ánh một cách sâu sắc vào trong thơ ca Tào Mạnh Đức. Vì vậy người ta gọi ông là bộ "Hán mạt thực lục" và "thi sử" (theo Chung Tinh trong "Cổ thi quy") trước Đỗ Phủ đến 500 năm. Chẳng hạn như các tác phẩm "Giới lộ hành" và "Cảo lý hành" nguyên là những bài vãn ca (bài ca phúng điếu) được Tào Tháo mượn "xác" để tả thời sự. Thông qua việc miêu tả một cách mới mẻ và chân thực sự tao loạn của thời đại, những tác phẩm này cũng đồng thời bộc lộ tình cảm ưu thời mẫn thế của nhà thơ:

Đời hăm hai nhà Hán,
Dùng những kẻ bất tài.
Một lũ khỉ đội mũ,
Trí mọn đòi múa may
Chần chừ không dám quyết,
Để hoạn quan ra tay.

Gian thần cướp quyền bính,
Giết vua diệt đế kinh.
Cơ nghiệp tiên vương mất,
Tông miếu bị tan tành…

Năm Trung Bình thứ 6 (189), Hà Nam doãn đại tướng quân Hà Tiến mưu tính diệt hoạn quan, bèn mật triệu Đổng Trác vào kinh thành Lạc Dương để ra tay. Nhưng cơ mưu bại lộ, Hà Tiến bị bọn hoạn quan Trương Nhượng giết chết. Trương Nhượng đem Thiếu Đế và Trần Lưu Vương chạy khỏi cung. Sau khi đến kinh, Đổng Trác đưa Thiếu Đế trở về, không lâu sau đó phế Thiếu Đế làm Hoằng Nông Vương, cuối cùng đem giết luôn, rồi đưa Trần Lưu Vương lên ngôi, tức Hán Hiến Đế. Khi các châu quận khởi binh ở Quan Đông thảo phạt Đổng Trác, Đổng bèn đốt cung Lạc Dương bức Hiến Đế thiên đô về Trường An. Tào Tháo tận mắt chứng kiến cuộc biến loạn này, đặc biệt là khi nhìn thấy cảnh hoang tàn thảm thương của Lạc Dương đã sinh niềm cảm thương vô hạn. Và "Giới lộ hành" ra đời. Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", hồi thứ 3 cũng có mấy câu thơ tả việc này như sau:

Vận nhà Hán đến ngày tàn,
Hà Tiến vô trí dự hàng tam công.
Mấy phen chẳng kể lời trung,
Tránh sao mũi kiếm
trong cung liễu đời.

"Cảo lý hành" là bài thơ ngũ ngôn 18 câu kể việc bọn Viên Thiệu, Viên Thuật mượn cớ thảo trừ Đổng Trác gây bao cảnh tang tóc, điêu linh cho dân lành. Nổi tiếng nhất là những vần thơ cuối cùng, những câu được xem là "danh cú cổ kim":

Bạch cốt lô vu dã
Thiên lý vô kê minh
Sinh dân bách di nhất
Niệm chi đoạn nhân trường
(Đồng hoang xương phơi trắng
Ngàn dặm tiếng gà không
Trăm người sống sót một
Càng nghĩ càng quặn lòng).

Mấy câu thơ tả thực vô cùng sắc sảo, đọc lên nghe lạnh gáy. Cảnh chiến trường như hiện lên trước mắt đầy vẻ hoang tàn, mịt mù tử khí, ai nghe cũng rùng mình kinh sợ. Câu chữ rất tự nhiên, giản dị nhưng nội lực hùng hậu, có sức rung chuyển kinh người.

Hay như ở các bài "Khổ hàn hành" và "Khước đông tây môn hành", tác giả đã phản ánh sự khốn khổ trong sinh hoạt hành quân chinh chiến cuối thời Hán từ những góc độ khác nhau; một tả sự gian khổ của cuộc hành quân, đường núi non hiểm trở, một tả tình hoài vọng cố hương của những người chinh phu. Do bản thân từng chinh chiến trận mạc, nếm trải cuộc sống trong chiến tranh cộng với tài năng thơ ca xuất chúng nên những cảnh miêu tả ở đây hết sức chân thực khiến người đọc như thấy hiện ra trước mắt, thân thiết cảm động.

Trong cuộc đời ngang dọc chiến chinh của mình, Tào Tháo cùng tướng sĩ trải qua muôn ngàn gian lao, nguy hiểm; tính mệnh mong manh không chỉ khi đối diện mũi giáo đường gươm quân thù, mà cả khi vượt suối băng ngàn trên đường hành quân:

có sức hấp dẫn nhất.

Đường lên núi Thái Hàng
Vời vợi khó khăn thay
Núi non lối khuất khúc
Xe ngựa muốn lung lay
Cỏ cây xơ hiu quạnh
Gió lạnh rít ù tai
Beo gấu luôn rình rập
Hổ báo lượn đó đây
Núi khe bóng người vắng
Đầy trời tuyết bay bay…

Cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ, hoành tráng và đẹp đẽ nhưng cũng chất chứa bao hiểm nguy, khắc nghiệt. Trích đoạn trên là mười câu đầu trong kiệt tác "Khổ hàn hành" – tả một trong những cuộc hành quân của Tào Tháo cùng ba quân.

"Khước đông tây môn hành" thể hiện tình cảm thương nhớ cố hương của người chinh phu đi chinh chiến lâu chưa được trở về, cũng là lời thổ lộ chân tình tự thương của tác giả trong cảnh ly loạn chiến tranh:

Hồng nhạn nơi ải bắc,
Chốn quạnh quẽ sơ hoang.
Tung cánh hơn vạn dặm,
Dừng, bay tự thành hàng.
Đông, sang Nam ăn thóc,
Xuân, lại về Bắc phương.
Giữa đồng cỏ bồng chuyển,
Theo gió muôn nẻo đường.
Lớn lên nào biết gốc,
Nghìn năm tuyệt hội tương.
Hỏi chàng chinh phu trẻ,
Sao đi mãi không dừng?
Yên cương không lơi lỏng,
Áo giáp mặc thường thường.
Cái già lừ đừ đến,
Bao giờ qui cố hương?
Rồng thần ẩn vực thẳm,
Mãnh thú lượn non cao.
Cáo chết quay về núi,
Cố hương quên được sao?

"Đoản ca hành" và "Quy tuy thọ" là những tác phẩm thể hiện tinh thần và hùng tâm thống nhất thiên hạ của Tào Tháo, đây cũng là hai danh tác trong thơ tứ ngôn của ông. Đó là tâm chí thống nhất Trung Nguyên, là tình cảm mãnh liệt của bản thân và tâm tình bi thương khẳng khái, nỗi ưu tư vì đại nghiệp chưa thành của khách anh hùng trước bóng hoàng hôn cuộc đời.

Trên bước đường tung hoành mây gió, vào sinh ra tử, thành bại muôn lần của mình, không phải lúc nào Tào Tháo cũng chỉ nghĩ đến chiến chinh, chém giết. Cũng có rất nhiều khi, mộng xưng hùng tranh bá trong ông chợt lắng xuống để cho niềm cảm khái nhân sinh dâng trào.

Xông pha, lăn lộn qua vô số trận mạc sa trường, khi tóc anh hùng đã nhuộm màu sương tuyết, Tào Tháo giật mình hoảng hốt thấy thời tráng niên sắp qua và biết mình đang bước những bước cuối cùng của cuộc đời. Đời người như giấc mộng, cũng như một khúc ca, hào hùng nhưng quá ngắn ngủi. Và đây là những vần thơ chứa chan tâm sự:

Nâng chén hát ca
Đời người bao là
Nhẹ như sương sớm
Khổ nhiều ngày qua
Thở than buồn giận
Ưu phiền nào tha…

Đây là sáu dòng đầu trong danh tác "Đoản ca hành". Cả bài thơ là một nỗi lòng ngập tràn tâm sự và niềm cảm khái về kiếp người mong manh, khổ đau.

Ở đây người ta lại thấy một Tào Tháo khác, không phải hiên ngang lồng lộng giữa đất trời với thanh kiếm xung thiên nộ khí mà là một Tào Tháo ngất ngây trong bầu rượu ưu tư. Tiếng hát vẫn có vẻ hào hùng khí thế song âm điệu lại trĩu nặng phiền não, bi hùng.

Đời người lắt lay như khói sương, tháng năm khổ não chất chồng, hết thở than lại buồn giận, làm sao có thể xoá đi những phiền muộn? Đây rõ ràng là khúc bi ca về cuộc đời, cuộc đời của một chiến binh, hết sức tài ba nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Cái bi trong thơ ca Tào Tháo luôn gắn với cái hùng. Kiệt tác này cũng được La Quán Trung đưa vào "Tam Quốc", hồi thứ 48: "Yến trường giang Tào Tháo phú thi, Toả chiến thuyền Bắc quân dụng võ."

Niềm cảm khái về nhân sinh thoáng chốc ấy càng được biểu lộ sâu sắc hơn trong bài "Quy tuy thọ" – khúc ca thứ tư trong "Bộ xuất hạ môn hành":

Thọ như rùa thiêng
Cũng có lúc chết
Rồng cưỡi mây mù
Cũng ra tro hết
Ngựa già nằm chuồng
Chí ở bốn phương
Anh hùng về cuối
Hăng hái như thường…

Rùa thiêng, rồng thần, ngựa thiên lý, anh hùng,… tất cả cuối cùng cũng trở về cát bụi, cũng hoá hư vô. Có lẽ sự trải nghiệm đã khiến cho Tào Tháo có cái nhìn thẳm sâu về cuộc sống.

Tào Tháo thấy được sự vô thường của kiếp người cũng như của vạn hữu, tuy vậy ông không chán nản, não luỵ. Ngựa thiên lý tuy già yếu nằm chuồng nhưng chí của nó vẫn tung hoành ngoài nghìn dặm; kẻ anh hùng bạc đầu nhưng hùng tâm vẫn mênh mang bốn phương. Ông tự hào về những tháng năm oai hùng đã qua và ngậm ngùi tiếc nuối, nhưng vẫn hát ca đón chào hoàng hôn đời mình.

Trong danh tác "Đối tửu", tác giả miêu tả một xã hội lý tưởng trong tưởng tượng. Đó là một xã hội vua sáng tôi hiền, ai nấy đều kính nhường nhau, không có kiện tụng tranh chấp, không có những cảnh thúc thuế bắt nợ, người chấp chính thưởng phạt nghiêm minh, yêu thương trăm họ như anh em; nhân dân yên tâm vui vẻ làm ăn, không có cảnh chạy tứ phương để trốn bắt lính, mọi người đều ấm no sung sướng, người già được sống trọn tuổi trời.

Nâng chén ca
Buổi thái hoà
Quan không thúc thuế
Vua chúa sáng hiền
Trung lương tướng tá tài ba.
Cùng nhau nhường kính
Tranh chấp không xảy ra
Ba năm cày cấy
Chín năm vẫn ấm no
Lúa gạo đầy kho
Việc nặng không đến người già.
Mưa thuận gió hoà
Ngũ cốc được mùa
Bắt ngựa hoang
Giúp canh tác mùa màng.
Các vị công, hầu, bá, tử, nam
Đều yêu thương dân chúng
Thưởng phạt phân minh
Coi dân như con em mình
Kẻ phạm lễ pháp
Tuỳ nặng nhẹ xử hình.
Ngoài đường của rơi không ai nhặt
Trong lao tù vắng tanh
Mùa đông không có án
Người già cả
Sống trọn tuổi trời
Cả thảo mộc côn trùng,
ân đức đều đến nơi.

Ở bài "Độ quan sơn", ngoài việc mơ tưởng một xã hội lý tưởng với thánh quân minh chúa hết lòng với nhân dân, Tào Tháo còn khẳng định: thứ đáng quý nhất trong trời đất là con người. Sống trong loạn đao binh khốc liệt, mạng người như cỏ rác, sống chết trong đường tơ kẽ tóc mà ông nhận ra và khẳng định được giá trị con người như vậy, kể cũng rất đáng ngạc nhiên đối với người từng có câu nói chấn động lịch sử: Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta. Nhưng quan sát toàn bộ thơ ca của Tào Tháo, thì dường như còn có một Tào Tháo khác vậy. Qua gần 2000 năm, thơ ca còn lại không thể là giả dối, nhất là đối Tào Mạnh Đức:

Giữa trời đất,
Người là nhất.
Lập vua chăn dân,
Làm ra phép tắc.
Bánh xe chân ngựa,
Ngự tuần khắp chốn.
Thưởng phạt rõ ràng,
Thứ dân đều biết…

Đặc biệt được ca ngợi là thơ tứ ngôn trữ tình, người đời sau gọi ông là tác gia phục hưng tứ ngôn thi. Thẩm Đức Tiềm nói: "Tào công tứ ngôn, ư tam bách thiên ngoại, tự khai kỳ hưởng". Bởi vì từ sau "Kinh thi" (tam bách thiên), thơ tứ ngôn ngày càng uỷ mị suy yếu, dần dần bị thơ ngũ ngôn thay thế, rất hiếm có giai tác xuất hiện. Thế mà đến giai đoạn này, Tào Tháo lại liền một lúc cho ra đến mấy kiệt tác như vậy, khiến thơ tứ ngôn được một phen tái sinh với vẻ đẹp đến kỳ lạ.

Cao rộng, kỳ vĩ là đặc trưng cho thơ ca Tào Tháo, nhất là khi ông tả cảnh. Ông không đi sâu vào những chi tiết nhỏ vụn mà tập trung vào những nét lớn, gân guốc, mạnh mẽ. Bài thơ tả cảnh đặc sắc nhất của Tào Tháo là "Quan thương hải" (Ngắm biển khơi). Đây cũng là bài thơ tứ ngôn hoàn chỉnh sớm nhất với đề tài tả cảnh trong lịch sử thơ ca Trung Hoa:

Trên mỏm núi cao
Phóng trông biển rộng
Cuồn cuộn nước reo
Gò đảo sừng sững
Cây cối tầng tầng
Cỏ hoa nghìn sắc
Gió thu hiu hắt
Sóng vọt tưng bừng
Mặt trăng mặt trời
Từ đó sáng ngời
Ngân hà rực rỡ
Từ đó ra đời.

Bài thơ rất ngắn và là chương thứ nhất trong "Bộ xuất hạ môn hành". Tuy nhỏ bé, nhưng bài thơ lại vẽ ra một khung cảnh thiên nhiên vô cùng khoáng đạt, kỳ vĩ, tuyệt đẹp.

Nhà thơ đứng trên đỉnh núi Kiệt Thạch, phóng tầm mắt quan sát muôn trùng biển khơi. Tầm mắt quét một vòng bao quát toàn cảnh; từ làn nước cuồn cuộn mênh mông, gò đảo nhấp nhô sừng sững, cây cối chen chúc, hoa cỏ muôn màu, gió thu hiu hắt, sóng vọt trùng trùng… đến cả vầng nhật nguyệt, dải Ngân hà. Thật là một cái nhìn sắc sảo, tinh tế, liên tưởng cực kỳ; sự bát ngát ngút mắt của biển khơi là nơi khởi sinh của mọi sự sống và vẻ đẹp. Đây thực sự là những câu thơ đẹp lạ lùng, đồng thời cũng cho thấy tư thế, khí chất hùng dũng của một anh hùng cái thế.

Loại thơ tả cảnh thuần tuý như thế này trước Tào Tháo chưa từng xuất hiện, và như vậy có nghĩa rằng, chính ông là người sáng khởi ra thơ tả cảnh của Trung Quốc. Những nhà thơ đời sau sáng tác thơ tứ ngôn có thành tựu cao như Kê Khang, Đào Uyên Minh đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Tào Tháo.

"Mạch thượng tang" lại là một kiệt tác thuộc loại "Du tiên thi" nói chuyện lên trời gặp tiên. Tào Tháo không chỉ có những vần thơ thực đến rùng mình kinh hãi, mà còn có những vần thơ bay bổng tuyệt vời. Ông kế thừa được cả tinh tuý của văn hoá phương Bắc với Kinh thi và văn hoá phương Nam với Sở từ. Nghĩa là tâm hồn ông được bồi đắp bằng phù sa của hai dòng đại xuyên trường giang: hiện thực và lãng mạn. Và sự lãng mạn trong thơ ca Tào Tháo không phải được tô điểm bằng sự trang sức, phù hoa của ngôn từ, mà bằng trí tưởng tượng kỳ vĩ:

Cưỡi cầu vồng,
Đạp mây đỏ,
Lên đỉnh Cửu Nghi nhập Thiên cung.
Qua Thiên Hán,
Đến Côn Luân,
Gặp Tây Vương Mẫu
cùng Đông Quân.
Bạn Xích Tùng,
Với Tu Môn,
Cầu đạo bí phương di dưỡng tinh thần.
Ăn linh chi,
Uống cam tuyền,
Cầm trượng quế và đeo hoa lan.
Dứt chuyện đời,
Du đất trời,
Như gió lốc (soát) bay nhảy muôn nơi.
Bóng chưa đổi,
Băng ngàn dặm,
Thọ như Nam Sơn,
không quên lỗi lầm.

Tóm lại, thơ Tào Tháo biểu hiện phong cách đặc trưng với sự hào sảng tung hoành và bi tráng hào hùng, biểu hiện một cách tập trung tinh thần của thời đại. Thơ ông không chỉ mở ra một thi phong mới cho thời đại Kiến An, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển văn học sau này của văn học Trung Quốc, và việc ông dùng nhạc phủ cựu đề để miêu tả thời sự cũng tạo ra nhiều gợi ý cho các thi nhân đời sau. Chẳng hạn như bài tân đề nhạc phủ thi "Tức sự danh thiên" của Đỗ Phủ, hay cuộc vận động tân nhạc phủ của nhóm Bạch Cư Dị… đều có thể truy nguyên đến nhạc phủ ca từ của Tào Tháo.

Kiến Thức Ngày Nay 569

15/10/21

Đáp nhân

 答人  

偶來松樹下,
高枕石頭眠。
山中無歷日,
寒盡不知年。
太上隱者

Giản thể:

答人。

偶来松树下,
高枕石头眠。
山中无历日,
寒尽不知年。


Âm Hán Việt: 

Đáp nhân. 

Ngẫu lai tùng thụ hạ,
Cao chẩm thạch đầu miên.
Sơn trung vô lịch nhật,
Hàn tận, bất tri niên.
Thái thượng ẩn giả.

- 答人 đáp nhân = trả lời cho người. Theo "Cổ kim thi thoại" đời Đường, trong núi Chung Nam có vị ẩn sĩ, tên gì, quê quán ở đâu khong ai biết. Có người hiếu kì, đi theo hỏi, ông làm bài thơ trên đây để lại rồi đi mất; người đời gọi ông là Thái Thượng ẩn giả. 

- 偶:偶然。Ngẫu nhien, bất chợt, tình cờ. 

- 高枕:cao chẩm. Nằm kê gối cao, ngụ ý thanh nhàn vô sự.

- 歷日:lịch. 

- 寒:hàn = lạnh, thời tiết mùa đông. 

Nghĩa:

Chợt hứng lên thì tới dưới gốc thông, lấy đá kê cao gối đầu ngủ. Trong núi không có lịch, nên biết hết rét rồi, mùa đông đã tàn, nhưng không biết là mùa đông năm nào.

Tạm dịch:

Hứng tìm gốc thông to,
Đá cao gối ngủ khò.
Trong núi không có lịch,
Ngày tháng biết chi mô.

Chép thêm một số bản dịch thấy trên trang thivien.net và một số trang mạng khác, mọi người đọc cho vui

Đỗ Chiêu Đức:

Ngẫu nhiên đến dưới cội thông,
Gối đầu lên đá thong dong ngủ vùi.
Núi sâu không lịch biết ngày,
Đông tàn hết lạnh không hay Tết về !

Lê Nguyễn Lưu:

Chợt tới hàng thông rậm
Ngủ kê gối đá cao
Núi sâu không sách lịch
Lạnh dứt biết năm nào!

Trần Trọng San:

Dưới thông ngẫu nhiên đến,
Gối đá thản nhiên nằm.
Trong núi không có lịch,
Lạnh hết, chẳng hay năm.



10/10/21

tam vạn quyển thư

 壬寅年六月作

年來夏旱又秋霖
禾稿苗傷害轉深
三萬卷書無用處
白頭空負愛民心

陳元旦

Giản thể:

壬寅年六月作

年来夏旱又秋霖
禾稿苗伤害转深
三万卷书无用处
白头空负爱民心
陈元旦

Âm Hán Việt

Nhâm Dần niên lục nguyệt tác

Niên lai hạ hạn hựu thu thâm,
Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm.
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
Bạch đầu không phụ ái dân tâm.
Trần Nguyên Đán

Chú: 

- 壬寅年 nhâm dần niên = năm nhâm dần, ở đây là năm 1362. 

- 六月 lục nguyệt = tháng sáu.

- 年來 niên lai = năm rồi, năm qua.

- 三萬卷書 ba vạn quyển sách. Chú ý "quyển" xưa khá khác với bây giờ. Mỗi "quyển" có khi chỉ vài chục trang, thậm chí vài trang. Cuốn "Đại Việt Sử kí" là gồm 30 quyển. Dù vậy ba vạn quyển cũng là số lượng rất lớn. Ở đây ý là đọc rất nhiều sách.

- 空負 không phụ =  phụ lòng, như cô phụ.

- 陳元旦 Trần Nguyên Đán (1325 - 1390), chắt của Trần Quang Khải, ông ngoại của Nguyễn Trãi. Làm quan đến chức Tư đồ thời cuối nhà Trần. Năm 1385 xin trí sĩ, về sống ẩn dật tại Côn Sơn. 

Bài thơ này ông làm lúc đang giữ chức Đại phu Ngự sử đài, chuyên việc can gián dưới triều vua Trần Dụ Tông.

Nghĩa: Thơ viết tháng 6 năm Nhâm Dần.

Năm ngoái mùa hè thì hạn hán, đến mùa thu lại mưa dầm,
Lúa bị khô, mạ bị hư hỏng, thiệt hại càng sâu đậm.
Ba vạn quyển sách không có chỗ dùng,
Bạc đầu rồi mà đành phụ lòng thương dân.

Tạm dịch: Thơ làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần

Năm qua hè hạn, thu mưa dầm,
Lúa héo mạ hư thiệt hại đậm.
Ba vạn sách, dùng không có chỗ,
Bạc đầu còn phụ nỗi thương dân.

Đọc thêm mấy bản dịch thơ thấy trên trang thivien net

Trần Lê Sáng:

Năm tháng hạ hạn lại thu mưa,
Đau nỗi mùa màng những thiệt thua.
Bạ vạn sách dầy đành xếp xó,
Yêu dàn còn nợ, mái đầu phơ.

Trương Việt Linh:

Hạn lụt liên miên suốt cả năm
Lúa khô, mạ thối cực vô cùng
Ba ngàn cuốn sách thôi đừng đọc
Đầu bạc, buồn thay trót phụ dân!



3/10/21

Du tử ngâm

遊子吟

慈母手中線,遊子身上衣。

臨行密密縫,意恐遲遲歸。

誰言寸草心,報得三春暉。

Giản thể

慈母手中线,游子身上衣。

临行密密缝,意恐迟迟归。

谁言寸草心,报得三春晖

Bài thơ của Mạnh Giao, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, cùng với Giả Đảo được người đương thời đặt nick "Giao hàn Đảo sấu" (Mạnh Giao rét lạnh, Giả Đảo ốm o). Rét lạnh, ốm o vì ham đẽo chữ gọt vần đến quên ăn quên ngủ. Thế nhưng bài thơ của Giả Đảo được yêu thích nhất, bài "Tầm ẩn giả bất ngộ" học tuần trước, lại là bài ý tứ thâm trầm nhưng lời lẽ lại rất giản dị, đến mức người Việt dù không biết chữ Hán, nghe đọc (âm Hán Việt) lên cũng có thể hiểu được ý nghĩa của bài thơ. Bài này của Mạnh Giao, đối với người Việt chưa từng học chữ Hán thì có lẽ có đôi chữ nghe lạ.

Âm Hán Việt

Du tử ngâm

Từ mẫu thủ trung tuyến, Du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng, Ý khủng trì trì quy.
Thùy ngôn thốn thảo tâm, Báo đắc tam xuân huy.

遊子吟 du tử ngâm = khúc ngâm của người du tử. Du = đi, du tử = người rời nhà đi đâu đó, và ở lại bên ngoài khá lâu. 

慈母 từ mẫu = mẹ hiền,
手中線 thủ trung tuyến = sợi chỉ trong tay.
身上衣 thân thượng y = áo mặc trên thân.

臨行 lâm hành = sắp đi. Lâm động từ có nghĩa là đi đến, như song hỉ lâm môn = hai cái vui cùng đến nhà; nhưng ở đây lâm làm phó từ, có nghĩa là sắp, như lâm biệt = sắp chia tay, lâm chung = sắp chết.
密 mật = khít, kín - như trong cẩn mật, bí mật. 密密縫 mật mật phùng = khâu cho thật chặt thật khít, ko để múi chỉ nào lỏng, sút. 

意 ý = ý. 恐 khủng = sợ,
遲 trì chậm trễ, như trong trì độn = ngu và chậm. 遲遲歸 trì trì quy = ngày trở về bị kèo dài, chậm trễ.

誰言 thùy ngôn = ai nói?
寸草心 thốn thảo tâm = tấm lòng của cây cỏ nhỏ (cao một tấc tàu, chừng vài cm).

報得 báo đắc = báo đền được.
三春暉 tam xuân huy = ánh sáng của ba tháng mùa xuân.
Cây cỏ nhỏ mắc nợ chi ánh sáng mùa xuân vậy? Là vì trong mấy tháng mùa đông giá rét, cây cỏ nhỏ xác xơ héo úa, đến mùa xuân trời nắng ấm mà xanh tươi trở lại. 

Sợi chỉ trên tay mẹ hiền trở thành chiếc áo trên mình con đi xa. Sắp lên đường, mẹ khâu áo cho chặt khít lại, bởi lo con sẽ trễ ngày về, ở ngoài áo sút chỉ ko ai khâu cho. Tấm lòng của mẹ thương con, như ánh nắng ấm mùa xuân với cây cỏ nhỏ, ai bảo sao mà báo đáp được đây?

Tạm dịch

Sợi chỉ tay mẹ hiền,
Tấm áo con mặc đây.
Sắp đi khâu chắc chắc,
Lo con trễ dài dài.
Ai bảo lòng tấc cỏ,
Báo được ơn xuân dày?

Một số bản dịch thơ đọc được trên trang thivien. net

Khương Hữu Dụng:
Sợi chỉ trong tay mẹ
Tấm áo trên mình con
Kịp đi khâu nhặt mũi
Sợ về còn chậm chân
Ai bảo lòng tấc cỏ
Báo được ánh ba xuân ?

Lê Nguyễn Lưu
Áo ấy thân con mặc
Chỉ này tay mẹ khâu
Con đi mẹ nhíp kỹ
Mẹ sợ con về lâu....
Ai rằng lòng tấc cỏ
Đền được ánh xuân đâu!

Trần Trọng Kim
Mẹ từ sợi chỉ trong tay
Trên mình du tử áo may vội vàng
Sắp đi mũi chỉ kỹ càng
Sợ con đi đó nhỡ nhàng trễ lâu
Chút lòng tấc cỏ dễ đâu
Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho người.


Hình thư họa: trên mạng