11/11/24

Tức sự 1. Nguyễn trung Ngạn

即事其一 
舍南舍北竹邊籬,紅蓼花開野燕飛。
蠻酒一樽春睡足,覺來山色滿柴扉
阮忠彥

Âm

Xá nam xá bắc trúc biên li, Hồng liễu hoa khai dã yến phi.
Man tửu nhất bôi xuân thụy túc, Giác lai sơn sắc mãn sài phi.

Nghĩa

Phía nam phía bắc nhà là hàng rào giáp ranh bằng tre, Hoa liễu đỏ nở, én ngoài đồng bay liệng. Một li rượu của người Mán đủ đưa vào giấc ngủ dưới trời xuân. Tĩnh dậy thì thấy bóng núi đã tràn đến cánh cửa cổng bằng cây đơn sơ.

Tạm dịch

Phía nam phía bắc dãy rào tre,
Hồng liễu đỏ hoe én xập xòe.
Một chén rượu ngon xuân đẫy giấc,
Tỉnh ra bóng núi đã bên hè.

 Chú

-          舍南舍北 phía nam và phía bắc căn nhà.

-          竹邊籬 hàng rào tre nơi chỗ giáp ranh.

-          紅蓼 hồng liễu/liệu: là cây Polygonum orientale, một loại rau răm nước có hoa hồng đẹp, thường được dùng làm cây cảnh và có giá trị dược liệu. Một số bản dịch  là cây nghệ, nhưng nghệ thì hoa có màu vàng hoặc màu cam nhạt.

-          蠻酒 man tửu: rượu của người Mán.  Man, tên người Tàu dùng gọi tộc người ở phía nam nước Tàu với hàm ý coi thường, ta gọi là Mán. Tên chính thức hiện nay là Dao. 一樽 nhất tôn: một chén.

Giản thể

舍南舍北竹边篱,红蓼花开野燕飞。
蛮酒一孙春睡足,觉来山色满柴扉




7/11/24

Xuân trú


春晝
縈迴竹徑遶荒齋,
避俗柴門晝不開。

啼鳥一聲春睡覺,
落花無數點蒼苔

阮忠彥

Âm

Oanh hồi trúc kính nhiễu mang trai, Tị tục sài môn trú bất khai.
Đề điểu nhất thanh xuân thụy giác, lạc hoa vô số điểm thương đài.

Nghĩa.

Ngõ trúc quanh co vòng vèo đến căn nhà vắng, Tránh đời nên cửa tre suốt ngày không mở. Một tiếng chim kêu làm mùa xuân tỉnh giấc, Rất nhiều hoa rụng trên đám rêu xanh.

Tạm dịch

Lối trúc quanh co dẫn đến nhà,
Lánh đời cửa đóng suốt ngày qua.
Chim kêu một tiếng xuân bừng tỉnh,
Trên thảm rêu rơi mấy cánh hoa.

Chú

-          縈迴 quanh vòng trở lại. 竹徑 ngõ trúc.

-          避俗 tị tục: tránh đời. 柴門 sài môn: cửa làm bằng cây củi, ý nhà nghèo.

-          Câu 4 mượn từ câu 4 bài Lạc Hoa của Triệu Quỳ đời Tống.

Giản thể.

萦迴竹径遶荒斋,避俗柴门昼不开。
啼鸟一声春睡觉,落花无数点苍苔

阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tự bang Trực, hiệu Giới Hiên, người Hưng Yên, 15 tuổi đỗ hoàng giáp (đời vua Trần Anh Tông, cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi), trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Kinh lược sứ Lạng Sơn, Nhập nội đại hành khiển, thượng thư hữu bật, được phong tước Thân Quốc công. Từng được cử đi sứ qua triều Nguyên. Ông từng giữ chức Giám tu Quốc sử viện, cùng Trương Hán Siêu soạn sách Hoàng triều đại điển và bộ Quốc triều hình luật.


6/11/24

Chơi chữ

Tập sách Chơi chữ của tác giả Phùng Tất Đắc, bút hiệu Lãng Nhân, được Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư in lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1961.


Sách là một cẩm nang về thuật chơi chữ, treo đối, làm thơ của người xưa vào những dịp quan trọng trong đời sống người Việt. Người xưa chơi chữ để thể hiện trí tuệ, học vấn và đôi khi cũng chỉ để giải tỏa những buồn bực trong lòng trước gian truân, thời thế, trước tình cảnh cá nhân mà lời thường khó giãi bày, bộc bạch. Chơi chữ cũng là một biểu tượng được ca tụng, là thước đo trong giới nhà Nho. Như điều Lãng Nhân ghi trong sách có đoạn: “Chơi chữ đối với nhà Nho, cần phải có những yếu tố mà nhiều người không gom được đủ: Có học đã đành, nhưng còn phải có tài. Học có hàm sức, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý. Tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất một cách nhanh chóng, hồ như là tự nhiên".

Nhưng theo thời gian, thú chơi chữ từ thập niên 60 của thế kỷ trước chẳng còn mấy ai ưa chuộng. Đến nay, thú vui này dường như mất bóng trong đời sống người Việt. Tuy vậy, qua trang viết của Phùng Tất Đắc, độc giả có thêm một phần kiến thức, hình dung về thuật chơi này, có dịp tìm lại những bài thơ, câu đối “tập Kiều” trong quá khứ của cha ông. Để từ đó, mỗi người có thể nghiệm ra những ẩn ý sâu xa trong câu từ, ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu ý tứ.

Trong ghi chép của mình, Lãng Nhân sưu tầm, phân tích hàng chục bài chơi chữ khác nhau của nhiều người. Có khi là câu thơ bài vịnh của viên quan, lời đối của một nhà Nho hay thi sĩ nổi tiếng. Mỗi trích dẫn, Lãng Nhân đều căn cứ vào một câu chuyện, nguyên nhân ra đời bài chơi chữ. Sau đây là một ví dụ trong những ghi chép, sưu tầm đó của ông:

“Duy Tân bị đày, Khải Định lên kế vị. Dân đói, quan tham, bọn xu nịnh đua nhau làm tay sai cho Pháp. Một nhà Nho mượn cảnh vườn Bách thú để tả tình trạng ấy.

"Dưới dặng cây xanh, một dặng chuồng,
Mỗi chuồng nuôi một giống chim muông:
Khù khì vua cọp no nằm ngủ
Nhao nhác dân hươu đói chạy cuồng.
Lũ khỉ nhe răng bày lắm chuyện,
Đàn chim chẩu mỏ hót ra tuồng.
Lại thêm cầy cáo dăm ba chú
Hục hặc tranh nhau một nắm xương!

(Vịnh vườn bách thú)

Thơ tả chân thật đã như vẽ cảnh vườn Bách thú, nó là một bức tranh xã hội đương thời thu nhỏ lại, càng thu nhỏ càng rõ nét”.

Lãng Nhân tên thật là Phùng Tất Đắc, sinh năm 1907 tại Hà Nội. Thời niên thiếu ông học trường Bưởi, lớn lên ông có tư tưởng canh tân nhưng lại sống khá phong lưu. Năm 1954 Phùng Tất Đắc đưa gia đình di cư vào Nam và sau đó làm việc cho nhà in Kim Lai và Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư. Tại đây in chủ yếu sách của ông và một số thân hữu như Đoàn Thêm, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tạ Tỵ… Năm 1975 ông sang sống ở Cambridge (Anh) và mất năm 2008. Ngoài Chơi chữ, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc còn có nhiều tác phẩm khác như: Trước đèn, Chuyện vô lý, Cáo tồn, Giai thoại làng nho, Hán văn tinh túy, Nguyễn Thái Học, Tôn Thất Thuyết…

Hữu Nam

(vnexpress)

link ebook: fb Hà Thanh vân



5/11/24

Quy hứng


歸興 
老桑葉落蠶方盡,
早稻花香蟹正肥。

見說在家貧亦好,
江南雖樂不如歸。阮忠彥

Âm

Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì.
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như quy.

Nghĩa. Ưa về nhà

Dâu già, lá rụng, tằm vừa chín,
Lúa sớm bông tỏa hương thơm, cua đang lúc béo.
Nghe nói ở nhà dẫu nghèo vẫn tốt,
Ở Giang Nam tuy vui nhưng cũng không bằng trở về nhà.

Tạm dịch

Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm, cua béo phì.
Nghe nói ở nhà nghèo cũng sướng,
Giang Nam tuy thú chẳng như về.

Chú

-          方盡 mới hết, vừa hết.  phương, phó từ: mới.

-          正肥 chánh phì: đang béo.  chánh, phó từ: đang. Vd. 正下雨時 lúc trời đang mưa.

-          見說 1.告知,说明。 2.犹听说。Báo cho biết; nghe nói.

-          江南 Giang Nam, địa danh bên Tàu, nổi tiếng cảnh vật thơ mộng.

阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) tự bang Trực, hiệu Giới Hiên, người Hưng Yên, 15 tuổi đỗ hoàng giáp (đời vua Trần Anh Tông, cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi), trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Kinh lược sứ Lạng Sơn, Nhập nội đại hành khiển, thượng thư hữu bật, được phong tước Thân Quốc công. Từng được cử đi sứ qua triều Nguyên. Ông từng giữ chức Giám tu Quốc sử viện, cùng Trương Hán Siêu soạn sách Hoàng triều đại điển và bộ Quốc triều hình luật.

Bài thơ trên đây làm khi ông đang đi sứ bên Tàu. Bài này từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung học VN

Giản thể归兴 

老桑叶落蚕方尽,早稻花香蟹正肥。
见说在家贫亦好,江南虽乐不如归

 

2/11/24

Tương Trung tức sự


湘中即事 

隔岸湘猿叫,
臨山楚竹幽。
夕陽晴景好,
水色滿孤舟。

阮忠彥

Âm:

Cách ngạn Tương viên khiếu,
Lâm sơn Sở trúc u.
Tịch dương tình cảnh hảo,
Thuỷ sắc mãn cô chu.

Nghĩa

Bên kia bờ tiếng vượn Tương kêu,
Nơi chân núi tre Sở âm u.
Chiều tà cảnh trời quang đãng thật đẹp,
Ánh nắng phản chiếu sắc nước lên khắp chiếc thuyền lẻ loi.

Tạm dịch

Bên sông bầy vượn hú,
Trên núi rừng tre dày.
Chiều xuống trời trong trẻo,
Thuyền đơn bóng nước lay.

Chú

-          湘中 Tương Trung:  chỉ vùng đất thuộc sông Tương.

-          湘猿 là loài khỉ sống ở vùng sông Tương.

-          臨山 kế bên núi.  lâm: kế gần

-          楚竹 Sở trúc:  chỉ loại tre mọc ở vùng đất Sở (nay là Hồ Bắc).

 

Giản thể.

隔岸湘猿叫,临山楚竹幽。
夕阳晴景好,水色满孤舟

阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), đại thần đời Trần. Nổi tiếng thần đồng, 15 tuổi đỗ Hoàng giáp, đỗ tiến sĩ cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi, từng được cử đi sứ qua Tàu (thời nhà Nguyên). Ông cùng Trương Hán Siêu soạn bộ Hoàng triều đại điển. Thơ còn lưu được 84 bài.

1/11/24

Citizen kane

Lâu rồi, có ý định coi bằng hết 100 phim hay nhất do AFI bình chọn. Nhưng hồi ấy phim online thì tập có tập không, lại lướt net bằng đường dây đt bàn nên coi được khoảng chục phim thì bỏ dở. Nay khởi động lại dự án. Ai cùng xem không?

---

100 phim Mĩ hay nhất mọi thời đại (The 100 Greatest American Movies Of All Time) được AFI (Viện phim Mĩ) bình chọn năm 1998 nhân dịp kỉ niệm 100 năm ra đời của điện ảnh. Sau đó dự định cứ 10 năm thì cập nhật lại. Ai muốn có thể vào đây coi danh sách này

https://www.afi.com/afis-100-years-100-movies-10th-anniversary-edition/

Hôm nay sẽ coi phim được xếp vị trí số 1 -- Citizem Kane (1941)

---

Citizen Kane ra mắt năm 1941, do Orson Welles đạo diễn, sản xuất và thủ vai chính. Welles và Herman J. Mankiewicz cùng viết kịch bản cho bộ phim này. Đây là bộ phim truyện đầu tay của Welles.

Trong 40 năm liền (với 5 lần thăm dò ý kiến thập niên: 1962, 1972, 1982, 1992, 2002), bộ phim đứng đầu danh sách bình chọn của các nhà phê bình trong cuộc thăm dò thập niên của Viện Phim Anh Quốc, và cũng đứng đầu danh sách “100 Years… 100 Movies” của AFI năm 1998 cũng như bản cập nhật năm 2007. Bộ phim được đề cử 9 giải Oscar và giành giải Kịch bản Gốc Xuất sắc nhất cho Mankiewicz và Welles. Citizen Kane được đánh giá cao nhờ kỹ thuật quay phim của Gregg Toland, biên tập của Robert Wise, âm nhạc của Bernard Herrmann, .. tất cả đều được xem là những sáng tạo mang tính đột phá và thiết lập những tiêu chuẩn mới.

Citizen Kane là bộ phim tiểu sử giả tưởng về ông trùm báo chí Charles Foster Kane, một nhân vật tổng hợp lấy cảm hứng từ các ông trùm truyền thông Mỹ như William Randolph Hearst và Joseph Pulitzer, các đại gia Chicago như Samuel Insull và Harold McCormick, cũng như từ một phần cuộc đời của chính Orson Welles. Dù được giới phê bình đánh giá cao, Citizen Kane không thu hồi đủ chi phí sản xuất tại các rạp. Bộ phim dần bị lãng quên sau khi ra mắt, nhưng sau đó đã trở lại với công chúng khi được các nhà phê bình Pháp như André Bazin khen ngợi và được tái chiếu vào năm 1956. Năm 1958, bộ phim được xếp hạng 9 trong danh sách uy tín Brussels 12 tại Triển lãm Thế giới 1958. Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã chọn Citizen Kane vào nhóm 25 bộ phim đầu tiên được lưu giữ trong Cơ quan Lưu trữ Phim Quốc gia Hoa Kỳ năm 1989 vì giá trị "văn hóa, lịch sử, hoặc thẩm mĩ". 

---

link xem film online: https://fsharetv.com/movie/citizen-kane-episode-1-tt0033467

31/10/24

Alexis Zorba,

Trước 1975 Nguyễn Hữu Hiệu đã dịch cuốn tiểu thuyết này với nhan đề là “Zorba, con người chịu chơi”. Sau 1975 Dương Tường lại dịch tác phẩm này với nhan đề: “Zorba, con người hoan lạc”. Ngoài ra trên mạng thấy một số bản dịch ghi nhan đề khác nữa. 

Alexis Zorba, còn được biết đến với tên Zorba the Greek, là một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis, xuất bản năm 1946. Cuốn sách kể về hành trình khám phá cuộc sống của hai nhân vật chính: “tôi” - một nhà trí thức trẻ, nghiêm túc và có phần trầm lặng, và Alexis Zorba - một người đàn ông lớn tuổi, tự do, phóng khoáng, sống tràn đầy đam mê.
Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật “tôi” thuê Zorba để giúp ông khai thác một mỏ than ở Crete, Hy Lạp. Qua những ngày tháng sống cùng nhau, Zorba truyền cho nhân vật chính niềm say mê sống mãnh liệt, tầm nhìn phóng khoáng, và sự dũng cảm để sống theo cảm xúc, khác xa với cuộc sống kỷ luật, khô khan của người trí thức. Zorba trở thành hiện thân của một triết lý sống phóng túng, tự nhiên, không bị ràng buộc bởi những giới hạn xã hội hay tôn giáo.
Alexis Zorba là một bản tình ca về niềm vui sống, sự tự do, và khát vọng vượt lên khỏi những trói buộc của cuộc sống hiện đại. Qua nhân vật Zorba, Kazantzakis đã gửi gắm thông điệp về việc sống một cách trọn vẹn, không sợ hãi hay hối tiếc, một cách gần gũi với thiên nhiên và theo đuổi hạnh phúc chân thật. Tác phẩm đã trở thành một biểu tượng văn học về sự đối lập giữa lý trí và bản năng, mang đến cho người đọc nguồn cảm hứng mạnh mẽ về một cuộc sống không bị giới hạn.
Quan niệm sống của Zorba trong Alexis Zorba có nhiều nét gần gũi với chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), đặc biệt là ở khía cạnh đề cao sự tự do cá nhân và cách sống trọn vẹn từng khoảnh khắc mà không dựa vào các quy tắc hay chuẩn mực cố định. Chủ nghĩa hiện sinh khuyến khích con người tự định nghĩa bản thân qua hành động, chấp nhận những nghịch lý của cuộc sống và hướng đến một sự tồn tại có ý nghĩa, vượt lên trên những quy ước xã hội hoặc tôn giáo. Tương tự, Zorba là một người sống theo bản năng, không lo lắng về những chuẩn mực, và luôn tìm kiếm niềm vui, vẻ đẹp và sự tự do qua mỗi trải nghiệm thực tế.
Ở Zorba, chúng ta thấy một sự khẳng định cho ý chí tự do, giống như quan niệm hiện sinh của Jean-Paul Sartre, rằng “con người phải tạo ra bản chất của chính mình” bằng cách sống chân thực và tự do, thay vì chờ đợi một ý nghĩa đến từ bên ngoài. Zorba không bao giờ lảng tránh những trải nghiệm mới, kể cả khi chúng có thể dẫn đến đau khổ hay mất mát. Ông sống hết mình, yêu ghét mãnh liệt, và không để bất kỳ triết lý hay lý tưởng nào giới hạn sự tự do của mình.
Tuy nhiên, Zorba có phần khác biệt so với existentialism ở chỗ ông không phải là người trầm tư về bản chất cuộc sống hay nặng nề với ý thức về sự phi lý (absurd) của nó. Với Zorba, cuộc sống không cần phải được phân tích sâu sắc, mà chỉ cần sống và cảm nhận. Zorba là biểu tượng của sự tự do nguyên sơ, của việc sống không ngừng với niềm vui bản năng, gần gũi với thiên nhiên, điều này làm ông gần gũi hơn với các yếu tố hiện sinh mang tính trải nghiệm và phi lý trí.

Đọc Alexis Zorba lại nhớ Siddhartha của Hermann Hesse. Cuộc đời của hai người đều là một hành trình khám phá bản thân, đề cao tự do cá nhân, coi trải nghiệm thực tế hơn kiến thức sách vở. Siddhartha nhận ra rằng sự giác ngộ không thể đạt được qua lời dạy mà phải tự mình trải nghiệm, còn Zorba cũng sống hết mình, luôn ưu tiên hành động hơn lý luận. Thái độ dấn thân tất nhiên không tránh khỏi những khổ đau, và họ đều nhận chúng, như một tất yếu của cuộc sống mà không sợ hãi. Họ không để bản thân vướng víu vào những nỗi buồn niềm vui, quá khứ hay tương lai, mà sống từng khoảng khác đang có. Dù Siddhartha đi theo con đường tâm linh và Zorba theo đuổi cuộc sống phóng khoáng, cả hai đều đại diện cho tinh thần khám phá, không ngừng học hỏi từ cuộc sống và luôn sống một cách chân thật nhất.

---
Đào Hiếu có vẻ rất mê Alexis Zorba, có viết mấy kì về tác phẩm này, ai thích tham khảo có thể vào đây:
https://daohieu.wordpress.com/2014/11/24/tim-lai-alexis-zorba-ky-01-dao-hieu/

Trên trang Triết học Đường phố thấy có bài review, lấy về đây mọi người đọc thêm.
----

Alexis Zorba – Con người hoan lạc – Một gã không bao giờ đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống

 

[2420 words, 10 minutes read]

Tôi chưa bao giờ có ý định áp đặt tư tưởng của tôi vào một ai, tôi cũng không đặt bút viết ra những dòng chữ này để thay đổi cách sống của bạn. Như cách tôi yêu quý cha mẹ tôi và vẫn thường nói về họ, đó là cách mà tôi bày tỏ tình yêu thương của tôi dành cho họ. Và hôm nay, tôi muốn chia sẻ tình yêu đó cùng với những ai cũng đang bước đi trên con đường tiến gần hơn đến với người đó. Một nhân vật huyền thoại mà tôi luôn ấp ủ để được kể cho nhau nghe: Alexis Zorba. Một con người hoan lạc đã xuất hiện trong cuộc đời tôi vào giây phút định mệnh tôi cầm trên tay quyển sách. Alexis Zorba – Con người hoan lạc của Nikos Kazantzakis.

Sống giữa một cuộc đời có quá nhiều kinh hãi và bên cạnh mình là những bóng ma. Có bao giờ bạn đứng trơ trọi và trần trụi trong đời sống mình, gượng hết cổ họng hét lớn: “Tất cả mọi sự chỉ là một sự giả tạo.” Bạn muốn trở thành một kẻ sát nhân và giết chết sạch tất cả những lừa dối ngụy trang, nhưng không đủ can đảm để cầm lấy thanh gươm ấy. Bạn không có một điểm tựa, bởi đám đông xung quanh bạn vẫn luôn đứng đó vây bọc lấy đời sống bạn. Làm sao để có thể giải thoát khỏi đời sống tù túng chật hẹp. Mọi thứ đang được rào chắn bởi khuôn khổ định kiến. Không thể nào chiến thắng được những tri thức lý lẽ và xã hội để lên đường tìm kiếm chính mình.

Tôi khởi sinh gieo hạt vào khu vườn sống từ rất rất lâu rồi. Nhưng có lẽ vị thần đã đánh thức tôi dậy, hét lớn vào mặt tôi “Chạy ngay đi.” Có lẽ chính là Zorba.

Đó là một con người có thể bắt các vì sao xoay vần quanh gã. Mặc cho cái đầu của gã trống rỗng đối với những kiến thức vay mượn vì gã không bao giờ đọc sách báo. Đó chỉ là một anh công nhân, không chứa một ý nghĩ nào trong đầu, nhưng vẫn luôn sống mãnh liệt và trọn vẹn với cuộc đời mình. Gã chỉ biết sống chứ không suy nghĩ.

Chính điều đó đã khiến nhà tri thức suốt một đời chỉ biết đến sách vở, chỉ thích nghiên cứu giáo lý Phật giáo, đầu óc chỉ đầy những tư tưởng trừu tượng, nhân vật “tôi” đang kể chuyện trong quyển sách này đã phải cúi đầu ngậm ngùi hổ thẹn với bản thân.

“Giá tôi có thể sống lại cái lúc cơn giận dâng lên trong tôi khi bạn tôi gọi tôi là mọt sách! Lúc ấy tôi nhớ ra rằng tất cả nỗi ghê tởm của tôi với quãng đời mình đã sống được thể hiện trọn vẹn trong cái từ đó. Làm sao tôi, một kẻ yêu đời mãnh liệt đến thế, lại có thể để mình mắc kẹt lâu như vậy trong đống sách nhảm nhí và mớ giấy đen ngòm mực… Tôi kiếm cớ để từ bỏ mớ sách vở, tài liệu và lao mình vào một cuộc đời hành động. Tôi phẫn uất vì nỗi phải mang cái tạo vật khốn khổ ấy trên bảng tên mình.”

Đó là một kẻ trí thức mà chính gã cũng đã cay đắng nhận ra mình là một kẻ tri thức chỉ nghĩ chứ không sống.

Zorba là một gã không bao giờ đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình, bởi vì gã đã sống quá nhiều để nhận ra kẻ nào luôn cố gắng đi tìm thì kẻ đó chỉ đang cố đánh mất. Vậy nên gã biến mình thành bánh xe tự xoay động giữa cuộc sống, hưởng thụ cuộc đời một cách say đắm triền miên. Gã không có tham lam thèm muốn hướng vọng đến những đỉnh cao.

“Tôi đã thôi hẳn không nghĩ đến những gì đã xảy ra hôm qua và thôi tự hỏi mình những gì sẽ xảy đến ngày mai. Điều tôi quan tâm là cái gì đang xảy ra hôm nay, giờ phút này. Tôi nói: Mày đang làm gì đó, Zorba? – Tao ngủ – Được, ngủ cho ngon đi – Mày đang làm gì đó Zorba? – Tao làm việc – Ờ, hãy làm cho ra trò nhé – Mày đang làm gì đó, Zorba? – Tao đang hôn một người đàn bà – Ờ, hãy hôn cho say đắm, Zorba. Và quên hết mọi thứ ngoài cái điều mày đang làm, không có gì khác trên đời ngoài mày và nàng. Cứ tiếp tục đi.”

Còn kẻ tri thức chỉ là một cái xác không hồn bước đi hững hờ trong cuộc đời. Bỗng một ngày nhìn thấy Zorba đã khiến gã như thủy thủ xa bờ lâu ngày trông thấy đất liền, gã vội đứng dậy hét lớn. Điều mà suốt cả đời gã đã mải miết chạy theo một ốc đảo ở sa mạc và không bao giờ tìm được.

“Với tôi, các từ: nghệ thuật, tình yêu, sự trong sáng, đam mê, tất cả đều được người lao động này làm rõ bằng những chữ mộc mạc nhất của tiếng người.”

Alexis Zorba là con người hoàn toàn hồn nhiên giản dị, chỉ biết ăn, uống, ngủ, đi đứng, làm tình, ca hát, nhảy múa và say sưa làm việc. Còn kẻ tri thức quên ăn quên uống, không dám làm tình, suốt ngày nhồi nhét những kiến thức một cách mệt mỏi chán chường để tìm ra mọi bí ẩn của thế gian.

“Tôi bận sống tất cả những bí ẩn đó, theo các ông gọi, nên chẳng còn đâu thì giờ mà viết. Lúc nó là chiến tranh, lúc là đàn bà, khi là rượu, khi là cây đàn santuri, tôi lấy đâu ra thì giờ múa may một cây bút khốn khổ? Vì thế nên việc đó rơi vào tay bọn cạo giấy! Tất cả những kẻ thực sự sống những bí ẩn cuộc đời đều không có thì giờ viết và tất cả những kẻ có thì giờ viết lại không sống trong những bí ẩn ấy.”

Zorba lăn xả vào cuộc đời như một chiến sĩ kiêu dũng lăn vào các cuộc chiến. Gã không muốn đánh mất đi giá trị cuối cùng của một con người khi biến mình thành nô lệ của chính mình. Gã nhảy qua xác chết quá khứ, chỉ biết say sưa điên cuồng hò hét ở hiện tại. Tự chỉ định giới hạn cái thiện và cái ác, sự sống và cái chết của chính mình, không theo một sự rập khuôn nào. Tự biến mình thành quan tòa rồi tự phán xét chính mình cho những lề luật gã tự đặt ra. Dám làm tất cả mọi sự, không dè dặt, không giữ gìn trong khi kẻ tri thức lúc nào cũng sống trong cẩn thận, dè dặt, chín chắn, tâm hồn tràn đầy mặc cảm.

“Tôi còn đầy một bầu nhiệt huyết! Làm sao tôi có thể dừng lại mà xem xét mọi thứ nguyên cớ, lý do này nọ? Muốn suy xét sự việc cho đúng đắn, công bằng, phải chờ đến lúc về già, rụng hết răng và bình tĩnh lại. Khi anh là một lão khọm chẳng còn một cái răng, anh có thể dễ dàng nói: “Mẹ kiếp, các chú nhỏ, đừng có cắn!” Nhưng khi anh còn nguyên ba mươi hai cái răng thì…”

Nói về cuộc đời cùng một kẻ đang còn đau khổ cùng những tri thức lý lẽ vay mượn trong sách vở chỉ làm căng phồng thêm sự trống rỗng của kẻ đó, là một sự quá sức.

“Tôi tự hỏi không biết các hạ có thể nói gì về điều đó. Trong chừng mực tôi có thể nhìn thấy là các hạ chưa bao giờ đói, chưa bao giờ chết chóc, chưa bao giờ trộm cắp, chưa bao giờ phạm tội ngoại tình. Vậy các hạ biết cái quái gì về thế sự? Đầu óc các hạ ngây thơ, da thịt thậm chí chưa bao giờ biết mùi nắng.”

Kazantzakis đã dựng lên một con người hiên ngang bất khuất sống động giữa nền văn minh tri thức thời đại để tát một gáo nước lạnh vào sự độc tôn của lý trí. Chính lý trí đã xây dựng lên quá nhiều ảo tưởng. Chúng biến mình làm vật cản làm chậm bước chân đi của sức sống tràn đầy. Chúng phá hủy sự thơ mộng vốn có trong mỗi con người. Chúng một mực tạo ra những những ảo tưởng và dùng chính những ảo tưởng đó để chống lại lý trí, phá vỡ cuộc sống vốn có tự sẵn thân trong con người. Con người được sinh ra và thuần chủng trong những bản năng vốn có. Lý trí không đủ quyền năng để điều khiển tâm trí con người bước lệch lạc trên những bước chân chao đảo. Con người cần tự hiểu rõ một điều rằng

“Mọi người trên thế gian này đều có một ý nghĩa tiềm ẩn, tôi nghĩ thầm. Con người, thú vật, cây cối , trăng sao, tất cả đều là chữ tượng hình. Bất hạnh cho kẻ nào bắt đầu đọc ra những chữ ấy và đoán được ý nghĩa của chúng…Khi mới thấy, ta đâu có hiểu. Ta tưởng đó quả thật là con người, cây cối, trăng sao. Mãi đến nhiều năm sau, ta mới hiểu thì quá muộn…”

Nhưng không phải vì thế mà con người dùng lý trí để chạy trốn sự thật gan góc ác độc đó. Con người cần phải đối diện để đi qua hết tất cả mọi sự đã được sinh ra để chờ đợi sẵn.

“Trái tim ta hỡi, giống như hạt lúa mì, ngươi cũng phải rụng xuống đất và chết. Đừng sợ. Nếu ngươi không rụng xuống, làm sao cây kết trái được? Làm sao nuôi những kẻ sắp chết đói.”

Sự trốn tránh trong những tri thức lý lẽ, cố biện minh cho một cuộc đời không đáng giá con người. Sống như một con người là khi ta nhận ra

“Đỉnh cao nhất của con người có thể đạt tới không phải là kiến thức, hay đức hạnh, cũng chẳng phải thiện tâm hay chiến thắng, mà là một cái gì đấy vĩ đại hơn, anh hùng hơn và tuyệt vọng hơn: Nỗi sợ thiêng liêng.”

Zorba đích thực là hiện thân của một con người chống đối lý trí. Nhưng nói thế không có nghĩa gã là một tên ngu muội. Vì chúng ta đôi lúc không nhận ra rằng con dao hai lưỡi được giấu kín sau lý trí đã đợi chờ cơ hội quay đầu phản bội trá hình, biến ảo thành thật, thật thành ảo, xoay vần  tâm trí và biến chúng ta thành kẻ dại khờ khi một mực phủ nhận. Lý trí cũng chính là sự ngu muội.

“Thoát khỏi tổ quốc, khỏi các thầy tu, khỏi tiền bạc. Tôi đã sàng lọc, ngày càng sàng lọc bỏ đi nhiều thứ. Bằng cách ấy, tôi làm nhẹ gánh nặng của mình. Tôi đã, nói thế nào nhỉ?.. Tôi đã tìm thấy sự giải thoát tôi thành người.”

Alexis Zorba là một kẻ tỉnh ngộ, là một con người lý tưởng mà Kazantzakis muốn đạt đến. Khi tôi đối diện với con người này, tôi tựa mình như một vì sao đang lao mình vào khoảng không trống rỗng. Bởi tôi nhận ra tôi vẫn còn đang rất đau khổ giữa đời sống này. Tôi chẳng khác gì gã tôi đang kể câu chuyện ấy, đang tự hổ thẹn với chính mình. Nhưng may sao lòng can đảm và những hy vọng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Tôi không còn muốn khom lưng cúi mặt, nghiến răng chịu đựng. Tôi muốn giết chết con người giả tạo trong tôi, sống thực hơn, vượt bỏ cái bóng từng là chính tôi, bay vút lên cao tít và được biến thành con người, vượt bỏ tất cả sự dơ bẩn trong tôi, mặc cho tôi đã tự biến mình thành kẻ thù của đám đông. Tôi không cần biến mình là đồng minh của họ, tôi đã không còn tin tưởng vào họ.

“Tôi chẳng tin vào cái gì, chẳng tin vào ai, tôi chỉ tin vào Zorba. Không phải vì Zorba tốt hơn những người khác, hoàn toàn không phải như thế. Hắn cũng là súc sinh như tất thảy. Nhưng tôi tin vào Zorba vì hắn là kẻ duy nhất nằm trong phạm vi quyền lực của tôi, là kẻ duy nhất tôi hiểu biết. Còn tất cả mọi người khác đều là những bóng ma. Tôi nhìn thấy bằng đôi mắt này, tôi nghe thấy bằng đôi tai này, tôi tiêu hóa bằng bộ lòng ruột này. Tất cả mọi người khác đều là bóng ma. Khi tôi chết, tất cả mọi thứ đều sẽ chết. Toàn bộ thế giới Zorba sẽ chìm xuống đến tận đáy!”

Thực sự tôi không có ý định viết ra những câu chữ này để review cho một quyển sách. Đây không phải là một bài review để các bạn đọc qua rồi ra hiệu sách vồ chụp lấy con người đó, dùng sự thấu hiểu cạn cợt của mình để phán xét đúng sai. Khoảnh khắc tôi và con người hoan lạc này đã gặp nhau, tôi không hiểu căn nguyên lý do, nhưng vì đã gặp gỡ và trót yêu mến, nên các câu chữ đã theo tình yêu đó tuôn trào ra trên từng trang viết. Tôi đã muốn viết nhiều hơn, nhưng có lẽ ngôn từ mộc mạc khô cằn này đôi khi không đủ để nói về một điều mà chúng ta yêu quý. Vậy nên mọi sự chỉ nên dừng lại ở đây.

“Tâm hồn cũng là một con vật có phổi, có lỗ mũi, nó cần dưỡng khí và có thể chết ngạt trong bụi bặm hoặc giữa những chỗ quá uế khí.”

Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ này giữa bạn và Zorba, bạn cũng sẽ tìm ra được một chút dưỡng khí nào đó dành riêng cho chính bạn. Còn tôi, tôi vẫn đang cố gắng mỗi ngày.

Tác giả: Ni Chi

30/10/24

Trường An hoài cổ

 長安懷古 

河岳終存故國非,
數行陵柏背斜暉。

舊時王氣埋秋草,
暮雨蕭蕭野蝶飛。
陳光朝

Âm

Hà nhạc chung tồn cố quốc phi, Sổ hàng lăng bách bối tà huy.
Cựu thời vương khí mai thu thảo, Mộ vũ tiêu tiêu dã điệp phi.

Nghĩa.

Sông núi rốt cuộc vẫn còn đó, nhưng nước cũ thì đã không còn nữa. Mấy hàng cây bách trên dồi cao phơi lưng dưới nắng chiều.
Cái vương khí ngày xưa đã chôn vùi dưới đám cỏ thu.
Chỉ còn thấy mấy con bướm hoang bay trong chiều mưa lất phất.

Tạm dịch

Nùi sông còn đó nước thì tiêu,
Hàng bách phơi lưng trước nắng chiều.
Vương khí năm xưa vùi dưới cỏ,
Chiều mưa lất phất bướm liêu xiêu.


Chú

-          長安 Trường An, từng là kinh đô của nhiều triều đại bên Tàu, nay là thành phố Tây An

-          故國 nước cũ, hiểu là triều đại cũ. Câu đầu gợi nhớ đến câu thơ của Đỗ Phủ: Quốc phá sơn hà tại: nước mất, sông núi vẫn còn đó.

-          陵柏 lăng bách: cây bách trên gò cao, hoặc trên lăng mộ.  lăng: gò cao, lăng mộ. Xưa lăng mộ vương tôn thường trên gò cao, quanh trồng tùng bách.

-          背斜暉 bối tà huy: giơ lưng về phía nắng chiều.

-          暮雨 mộ vũ: mưa lúc gần tôi. 野蝶 dã điệp: bướm ngoài đồng hoang.

 陳光朝 Trần Quang Triều (1286-1325) là con trai Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Quốc Tuấn và anh vợ vua Trần Anh Tông. Tài kiêm văn võ, nhưng tính thích nhàn, sau từ quan, về lập ra thi xã Bích Động xướng hoạ với các bạn thơ như Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn, .. Sau  ông được vua mời nhận chức Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ (tể tướng), nhưng chẳng được bao lâu thì mất ở tuổi 38

Giản thể

河岳终存故国非,数行陵柏背斜晖。
旧时王气埋秋草,暮雨萧萧野蝶飞



25/10/24

Vãn cảnh

 

晚景 
空翠浮煙色,
春藍發水紋。

墻烏啼落照,
野雁送歸雲。

漁火前灣見,
樵歌隔岸聞。

旅顏悲冷落,
借酒作微醺。
莫挺之

Chú

-          波紋 vằn sóng, tức sóng gợn lăn tăn.

-          漁火 ngư hỏa: đèn người làm nghề chài lưới. 樵歌 tiếng hát người đốn củi.

-          旅顏 lữ nhan: sắc mặt người lữ khách

-          冷落 lãnh lạc: đìu hiu.

-          微醺 vi huân: chớm say, hơi say. vi: nhỏ bé. huân: say rượu.

莫挺之 Mạc Đĩnh Chi (1280-1346) tự Tiết Phu 節夫, hiệu Tích Am 僻庵, người Hải Hưng. Từng đỗ trạng nguyên, có tài ứng đối, từng được cử đi sứ qua Tàu. Tác phẩm hiện còn một bài phú, 4 bài thơ.

Giản thể

空翠浮烟色,春蓝发水纹。
墻乌啼落照,野雁送归云。

渔火前湾见,樵歌隔岸闻。
旅颜悲冷落,借酒作微醺

Âm

Không thúy phù yên sắc, Xuân lam phát thủy văn. Tường ô đề lạc chiếu, Dã nhạn tống quy vân. ngư hỏa tiền loan kiến, Tiều ca cách ngạn văn. Lữ nhan bi linh lạc, Tá tửu tác vi huân.

Nghĩa

Trời xanh biếc với làn khói bay lên, Mùa xuân như có màu xanh lam từ mặt nước gợn sóng tỏa ra.  Con quạ nơi đầu tường kêu trong ánh chiều tà. Bầy nhạn ngoài đồng đưa tiễn đám mây về núi. Ánh lửa thuyền chài hiện ra ở vịnh trước. Tiếng hát người đốn củi vọng lại từ bờ bên kia. Gương mặt người lữ khách buồn bã trước cảnh đìu hiu, mượn chén rượu để say một chút.

Tạm dịch

Khói nhẹ vươn trời biếc,
Sông xuân gợn sóng xanh.
Quạ kêu chiều nắng nhạt,
Nhạn tiễn mây về ngàn.
Chài nhóm lửa ngoài vịnh,
Tiều ca hát dưới gành.
Khách nghe lòng quạnh quẽ,
Uống rượu say lan man. 

21/10/24

Hóa Châu tác. Trương Hán Siêu

 

化州作  
玉京回首五雲深,
零落殘生苦不禁。

已辨荒郊埋病骨,
海天草木共愁吟。
張漢超

Âm

Ngọc kinh hồi thủ ngũ vân thâm, Linh lạc tàn sinh khổ bất câm.
Dĩ biện hoang giao mai bệnh cốt, Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm.

Nghĩa

Ngoảnh đầu nhìn lại kinh đô thấy lớp lớp mây dày, Cuộc sống thừa tàn tạ với nổi khổ không chịu được. Đã dự định vùi thân xác bệnh tật nơi hoang vắng,  biển trời cây cối sẽ cùng nhau buồn bã ngâm thơ.

Tạm dịch

Nhìn lại kinh đô lớp lớp mây,
Kiếp thừa tàn tạ khó kham thay.
Tấm thân bệnh hoạn vùi đồng vắng,
Buồn lại ngâm thơ với cỏ cây.

Chú

-          化州 Hóa Châu, tên châu thời vua Trần Anh Tông, gồm đất tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng và một phần tỉnh Quảng Trị ngày nay. Năm 1353, Trương Hán Siêu từng đóng quân Thần sách ở đây. Năm sau ông cáo bệnh xin về, chưa tới kinh đô thì mất.
Bài "Hoá Châu tác" được ông viết trong cơn bạo bệnh lúc đương giữ chức Trấn nhậm Hóa Châu khoảng cuối năm 1353 qua đầu năm 1354.

-          玉京 Ngọc kinh: kinh đô

-          五雲深 ngũ vân thâm: những lớp mây dày đặc. 五雲 mây năm màu. Người xưa xem màu mây để đoán lành dữ, được mùa hay đói kém.

-          零落 linh lạc: rơi rụng, tàn tạ.

-          殘生 tàn sinh: kiếp sống thừa

-          不禁 bất câm: không chịu nổi.  cấm: ngăn chặn; đọc "câm":  chịu đựng nổi.

-          已辨 dĩ biện: đã nhận rõ, đã định trước.

-          荒郊 hoang giao: vùng ngoại ô hoang vắng.

-          病骨 bệnh cốt: tấm thân bệnh hoạn.

Trương Hán Siêu 張漢超 (1274-1354) từng làm môn khách cho Trần Quốc Tuấn, sau được tiến cứ lên triều đình, làm quan dưới bốn đời vua nhà Trần, giữ nhiều trọng trách, quan đến Tham tri chính sự (tương đương chức thượng thư), được các vua Trần này rất trọng và tin dùng.

Giản thể.

玉京回首五云深,零落残生苦不禁。
已辨荒郊埋病骨,海天草木共愁吟

20/10/24

Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê (2021)

nguồn link: fb Hà Thanh Vân

https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/pfbid0vscuhixfC7KWxbghVKN82UaM6UU1ChraPwgLn7z2WDdC3Aj5xxc5bYRWM99fYzeyl?




Phong cách học tiếng Việt

 Nguồn link: fb Hà Thanh Vân

https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/pfbid0VSJLXQy2AiNHCAVppPQyxtpeTVDVUtxPr8NmCmKmULmNEsJuk7ELLkQCyPi6n1EKl?




19/10/24

Tặng sĩ đồ tử đệ

贈仕途子弟

富貴浮雲遲未到,
光陰流水急相催。

何如小隱林泉下,
一榻松風茶一杯。
玄光禪師

Âm

Phú quý phù vân trì vị đáo,
Quang âm lưu thủy cấp tương thôi.
Hà như tiểu ẩn lâm tuyền hạ,
Nhất tháp tùng phong trà nhất bôi.

Nghĩa. Tặng con em trên đường làm quan.
Giàu sang như mây nổi chậm chạp đến ,
Thời gian như nước chảy gấp gáp dục nhau đi.
Sao bằng được về sống nơi suối rừng,
Một giường đầy gió tùng, một chén trà.

Tạm dịch

Phú quý mây trôi chầm chậm tới,
Tháng ngày nước chảy giục nhau qua.
Sao bằng về ẩn nơi rừng núi,
Một chỏng gió thông một chén trà.

Chú

 tháp /tà/ = giường thấp và dài. Bộ  mộc. HT, T: 𦐇 /tà/: dáng bay cao (chữ ít dùng).

小隱 tiểu ẩn: ẩn nhỏ. Có câu "小隐隐陵薮山林,大隐隐朝市。" (Tiểu ẩn ẩn sơn lâm, đại ẩn ẩn triều thị), nên tiểu ẩn chỉ ẩn cư nơi núi rừng.

Giản thể

富贵浮云迟未到,光阴流水急相催。何如小隐林泉下,一榻松风茶一杯。

 

17/10/24

Văn học VN 1900 - 1930

link từ fb Hà Thanh Vân

https://www.facebook.com/hathanhvanaliceirisdevi/posts/pfbid02PasaRq57gh7A6qXzXx6dBARgg2V1nq7dsTpEJByCjjeKZYXtJggWb3gKwTMmDNnml?



16/10/24

Phiếm chu

 泛舟 

小艇乘風泛渺茫,
山青水綠又秋光。

數聲漁笛蘆花外,
月落波心江滿霜。
玄光禪師

Âm

Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang,
Sơn thanh thủy lục hựu thu quang.
Sổ thanh phong địch lô hoa ngoại,
Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.

Nghĩa.

Chiếc thuyền nhỏ nương gió lênh đênh trên con sông mênh mông. Núi xanh, nước biếc lại thêm cảnh sắc mùa thu. Vài tiếng địch của người làm nghề chài từ ngoài đám bông lau vọng lại, Trăng rơi xuống giữa lòng nước và sông đầy sương.

Tạm dịch

Thuyền nhỏ gió đưa lướt lướt nhanh,
Trời thu nước biếc núi xanh xanh.
Bờ lau tiếng sáo chài văng vẳng,
Trăng rụng lòng sông sương bủa quanh.

Giản thể

小艇乘风泛渺汒,
山青水绿又秋光。
数声渔笛芦花外,
月落波心江满霜

Chú

-           mênh mông; mờ mịt. Có bản ghi , là dạng cổ của .

-           ánh sáng, cảnh sắc. 秋光 cảnh sắc mùa thu.

-          波心 giữa lòng nước.

Ngô Nhân Tĩnh - Số phận và thơ ca

 

 

 NGHIÊN CỨU HÁN NÔM VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM 2009

 Ngô Nhân Tĩnh - Số phận và thơ ca

1. Giới thiệu tiểu sử Ngô Nhân Tĩnh

Ngô Nhân Tĩnh, một trong ba nhà thơ lớn đất Gia Định, sinh năm nào và mất năm nào, cho đến nay, trong những công trình vẫn còn chưa thống nhất. Vì thế, việc xác định năm sinh năm mất của Ngô Nhân Tĩnh cũng là điều nên làm trước khi tìm hiểu thơ ca của ông.

Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX có tuyển thơ của Ngô Nhân Tĩnh và giới thiệu vắn tắt về tiểu sử, nhưng không thấy chép năm sinh và năm mất[2].

Sách Gia Định tam gia thi có nêu ra năm sinh năm mất của ba nhà thơ đất Gia Định, nhưng các con số chưa thống nhất, và năm sinh của Ngô Nhân Tĩnh vẫn còn để ngỏ.[3] Nguyễn Q. Thắng trong công trình Văn học Viêt Nam nơi miền đất mới, cũng bộc lộ sự bất nhất khi ghi năm sinh, năm mất của Ngô Nhân Tĩnh[4].

Trong Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện đều không thấy ghi năm sinh mà chỉ ghi năm mất của ông.

Như vậy việc xác định năm sinh năm mất của Ngô Nhân Tĩnh vẫn là việc làm cần thiết. Nhưng cho đến nay, tư liệu về ông vẫn còn rất ít, chúng tôi đành phải dựa vào các căn cứ khác để xác định năm sinh và năm mất của ông.

Về năm mất của Ngô Nhân Tĩnh, theo sách Đại Nam liệt truyện chính biên chép: Ngô Nhân Tĩnh “tên tự là Nhữ Sơn, tiên tổ là người Quảng Đông, sang nước Nam đến Gia Định. Tĩnh có tài học, làm thơ hay, xuất thân làm Thị độc viện Hàn lâm…”[5] và vào năm Gia Long thứ 12 (1813), “ông cùng với Lê Văn Duyệt đi hộ tống quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân về nước. Đến khi trở về hoặc có người nói là Tĩnh nhận của cho riêng, Duyệt tin thực đem việc ấy tấu lên, vua cho là không có sự thực, bỏ đi. Tĩnh, lòng không tự yên; nhưng rút cục không làm thế nào để giãi tỏ lòng của mình được. Thường than rằng: Vẽ rắn thêm chân, ai khiến cho ta mang cái oan không giãi tỏ được ư? (…) Mùa đông năm ấy, ốm chết. Trịnh Hoài Đức tâu giúp xin truy tặng, vua không cho.”[6]

Sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 97 (XLVII) thì chép: “Hiệp tổng trấn Gia Định là Ngô Nhân Tĩnh chết. Nhân Tĩnh trước sang Chân Lạp, có người nói Tĩnh nhận riêng của nước Phiên. Văn Duyệt đem việc tâu, Vua nói: “Việc không có chứng cứ, hãy để đó”. Nhân Tĩnh nghĩ không yên lòng, thường tự than rằng: “Vẽ rắn thêm chân ai khiến ta mang cái oan không bày tỏ được”. Đến nay ốm chết. Trịnh Hoài Đức tâu xin truy tặng. Vua không cho.”[7] Sự việc này được chép vào năm Gia Long thứ 12 (Quý dậu, 1813).

Cả hai sách trên đều chép Ngô Nhân Tĩnh mất vào mùa đông năm Quý Dậu, Gia Long thứ 12 tức năm 1813. Như vậy, năm mất của Ngô Nhân Tĩnh, ta có thể xác định được là năm 1813.

Còn về năm sinh của ông, cả hai sách đều không thấy chép. Vì thế, để xác định năm sinh của Ngô Nhân Tĩnh, ngoài việc tìm kiếm những ghi chép trong Đại Nam liệt truyện và Đại Nam thực lục, chúng tôi còn khảo sát qua những ghi chép của một người vừa cùng thời, vừa như là người em, vừa là người bạn đồng hương, đồng liêu, Trịnh Hoài Đức.

Sách Đại Nam liệt truyện và Đại Nam thực lục đều chép Trịnh Hoài Đức mất vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), nhưng riêng Đại Nam liệt truyện còn chép thêm ông thọ 61 tuổi, như vậy, nếu tính theo tuổi ta thì Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765[8].

Còn nếu dựa theo bài Tự tự của Trịnh Hoài Đức (tự đề tựa tập thơ Cấn Trai thi tập), có viết cha ông (Trịnh Hoài Đức) mất vào năm Quý tỵ (1773) khi ông vừa lên mười tuổi (… Quý tỵ niên bất lộc, thời dư phương thập tuế 癸 巳 年 不 祿 , 時 余 方 十 歲 ). Vậy nếu tính theo tuổi ta, thì Hoài Đức sinh năm 1764.

Lại trong bài thơ Lữ thứ hoa triều trong Cấn Trai thi tập, làm vào thời gian khi ông đi sứ sang Trung Quốc, có câu: “Thúc hốt hành canh tứ thập niên, Hoa triều thích trị Quế giang biên 倏 忽 行 庚 四 十 年 , 花 朝 適 值 桂 江 邊” (Thấm thoắt tuổi tác đà bốn mươi, Trong tiết hoa triều ta vừa đến bờ Quế giang). Bài thơ này chính tác giả xếp vào mùa xuân năm Quý hợi (1803), và theo như lời tác giả nói, ông vừa đến tuổi 40, nên cũng có thể tính được ông sinh vào năm 1764 (Giáp thân).

Như vậy, nếu xác định được năm sinh năm mất của Trịnh Hoài Đức thì ta có thể xác định được năm sinh của Ngô Nhân Tĩnh, như trong lời bài Tự tự của Trịnh Hoài Đức: “… dư dĩ Nhân Tĩnh thả trưởng tứ tuế toại dĩ thế huynh xưng chi 余 以 仁 靜 且 長 四 歲 遂 以 世 兄 稱 之” (… tôi, vì Nhân Tĩnh lớn hơn chừng 4 tuổi nên bèn gọi là anh).

Nếu chấp nhận Trịnh Hoài Đức sinh năm 1764 như cách suy luận trên, thì Nhân Tĩnh sinh năm 1761 chứ không phải là 1760 như Hoài Anh suy luận.[9]

Vậy chúng ta có thể xác định rằng Ngô Nhân Tĩnh sinh năm Tân tỵ, 1761, mất năm Quý dậu, 1813.

Ngô Nhân Tĩnh (1761-1813), tự Nhữ Sơn, tổ tiên người Quảng Đông, sang nước Nam trú ở đất Gia Định. Tĩnh là người có tài học, làm thơ hay xuất thân làm Thị học (độc) viện hàn lâm. Thuở nhỏ, cùng với Trịnh Hoài Đức theo học trường của Xử sĩ Võ Trường Toản, theo đòi bút nghiên, thi phú, rồi cùng Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức cùng các bạn yêu thơ văn lập nên thi xã Bình Dương[10], hay còn gọi là Gia Định Sơn hội[11]. Năm Mậu ngọ (1798), Lưu trấn Diên Khánh Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường dâng sớ xin cho người đi sứ Trung Quốc một mặt nói rõ tình hình của Tây Sơn, một mặt ngầm dò tìm tin tức vua Lê, đề cử Ngô Nhân Tĩnh và Phạm Thận. Cùng năm ấy, Ngô Nhân Tĩnh được phong làm Tham tri Binh bộ, đem quốc thư theo thuyền buôn người Thanh sang Quảng Đông, để hỏi thăm tin tức vua Lê, nghe tin vua Lê băng bèn trở về.[12] Năm Canh thân (1800). Năm Nhâm tuất, Gia Long thứ 1 (1802), phong Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư Hộ bộ, sung chánh sứ sang nước Thanh, Ngô Nhân Tĩnh làm Hữu tham tri Binh bộ, Hoàng Ngọc Uẩn làm Hữu tham tri Hình bộ sung chức phó sứ, đem quốc thư và phẩm vật, dẫn bọn giặc biển Tề Ngôi là Mạc Quang Phù, Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài, đi hai thuyền Bạch yến và Huyền hạc vượt biển đến cửa Hổ Môn tỉnh Quảng Đông để nộp.[13] Năm Đinh mão, Gia Long thứ 6 (1807), ông được sung làm Chánh sứ cùng với Phó sứ Trần Công Đàn mang sắc ấn đến thành La Bích ban phong cho Nặc Chân làm quốc vương nước Chân Lạp.[14] Vào năm Tân mùi, Gia Long thứ 10 (1811), Ngô Nhân Tĩnh lãnh chức Hiệp trấn Nghệ An.[15] Trong thời gian làm quan ở đây, ông nổi tiếng là người thanh liêm, giản dị. Chính ông là người sai Đốc học Bùi Dương Lịch làm tập Nghệ An phong thổ ký [16] và hiệu đính sách này. Năm Nhâm thân, Gia Long thứ 11 (1812), ông bị ốm nặng, bèn dâng biểu xin về nam. Mùa hạ tháng tư năm ấy, Ngô Nhân Tĩnh được phong làm Thượng thư Công bộ Hành hiệp tổng trấn Gia Định. Trong thời gian này ông kiểm tra lệ thuế tiền thóc sản vật ở các trấn đạo thuộc thành và giúp Lê Văn Duyệt ổn định tình hình ở Gia Định.[17]

Năm Quý dậu, Gia Long thứ 12 (1813), ông đi cùng Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt mang hơn 13.000 thuỷ binh đưa quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân về nước[18]. Sau chuyến đi này, ông bị vu oan là người nhận của riêng, từ đó mang trong lòng nỗi uất ức, buồn bã, đến mùa đông năm ấy mất trong sự ơ hờ của bề trên. [19]

2. Ngô Nhân Tĩnh và thơ ca

Trần Tuấn Viễn có nhận xét về thơ Ngô Nhân Tĩnh trong bài đề tựa cho tập thơ Thập Anh thi tập như sau: “… khí cách thơ ông hồn thành tự nhiên, mài dũa vàng ngọc mà thành chương, dệt kinh sử mà thành bài, thế thì những người có mắt hãy cùng thưởng thức, mà không phiền vì lời phẩm đề của tôi vậy”[20]

Nguyễn Địch Cát thì nhận xét rằng: “…suốt tập thơ ấy là tiếng sáo trời tự ngân vang, ý đến thì hạ bút, chẳng phí công sức chọn lời tìm chữ đắn đo mà cũng không có vết tích của việc khắc chạm mài dũa…”[21]

Với Bùi Dương Lịch, thì Ngô Nhân Tĩnh đã đem “… cái tình trung quân ái quốc phát lộ vào thơ, theo cảm xúc mà phát ra, câu chữ ý tình đều thấu đáo mà thơ thường phóng dật vô cùng, bồng bềnh cùng nhật nguyệt, ôm cả vũ trụ, tình cảm chan chứa, nào phải chỉ có thể lượm nhặt một bài một câu…”[22]

Còn Nguyễn Du thì khen thơ của Ngô Nhân Tĩnh có thể sánh với Đường Tống bát đại gia: “Bát đại kỳ văn hoa lưỡng quốc, Nhất xa cao vũ nhuận toàn Hoan” (Văn chương ông khác nào văn chương tám nhà cổ văn lớn của Trung Quốc làm tăng vẻ đẹp hai nước. Mưa móc ông chở đầy xe sẽ thấm nhuần cả châu Hoan) (Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An) [23]

Cho đến nay, thơ Ngô Nhân Tĩnh đã được dịch và giới thiệu ít nhiều trong các công trình: Văn học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm; Võ Trường Toản (phụ Gia Định tam gia) của Nam Xuân Thọ; Hợp tuyển thơ văn Việt Nam do Huỳnh Lý chủ biên… Tuy nhiên, số lượng thơ của Ngô Nhân Tĩnh được giới thiệu trong những công trình ấy vẫn chưa nhiều. Công trình dịch thơ Ngô Nhân Tĩnh nhiều nhất hiện nay, có thể nói là Gia Định tam gia do Hoài Anh biên dịch, đã dịch được hơn 80 bài trên tổng số 187 bài… Dầu vậy, trong tập Gia Định tam gia này, nhiều chỗ trong bản chuyển ngữ còn phải trao đổi lại.

Có lẽ vì vậy, vẫn chưa có nhiều bài viết nghiên cứu về Ngô Nhân Tĩnh và Thập Anh thi tập một cách riêng biệt và thấu đáo mà chỉ được nhắc đến trong những công trình chung.

Nguyễn Triệu với bài “Công thần triều Nguyễn: Ngô Nhân Tĩnh” đăng trên tuần báo Tri Tân, số 6, ngày 8-7-1941; Huỳnh Lý với bài “Một thế kỷ văn học phong phú và rực rỡ” in trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam[24]; Cao Tự Thanh với bài “Văn học Hán Nôm ở Gia Định” in trong Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh[25]; và bài “Văn học Đàng Trong” in trong Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử[26], Hoài Anh với bài “Ngô Nhân Tĩnh, con người và thơ ca”[27]… đều có ít nhiều nhắc đến Ngô Nhân Tĩnh và thơ ca của ông.

Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu con người và thơ ca của một trong ba nhà thơ lớn đất Gia Định - Ngô Nhân Tĩnh, người được thi hào Nguyễn Du xưng tụng về tài năng thơ ca của ông có thể sánh với tám đại gia thời Đường Tống và ca ngợi tính cách đạm bạc, nhân đức của ông (Nguyễn Du, Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An), cũng không phải là việc làm không thiết thực, nhất là trong tình hình tìm hiểu và bảo tồn văn hoá văn học Hán Nôm miền Nam nói riêng, cả nước nói chung. Và nói như tác giả bài “Văn học Hán Nôm ở Gia Định” đã nói, trong dòng “văn học Hán Nôm ở Gia Định cuối thế kỷ XVIII quả đã mang những hạn chế không nhỏ về mặt tư tưởng. Tuy nhiên, bên dưới lớp son chính thống nhuốm đậm một màu sắc lầm lạc và ngộ nhận lịch sử khó tránh khỏi ấy, vẫn không phải không có những tấm lòng”.[28]

2.1. Ngô Nhân Tĩnh, tính cách đạm bạc, thâm trầm, một tâm hồn nghệ sĩ

Thơ là tiếng nói của lòng, do vậy, xem thơ có thể biết được tính cách và tâm hồn nhà thơ. Đọc thơ của Ngô Nhân Tĩnh, mới biết ông là người có tâm hồn nhạy cảm và cao thượng, một tâm hồn rộng mở với thiên nhiên với cuộc đời.

Nhân Tĩnh là người tính tình giản dị, trong sáng, tự nhiên, bởi thế tiếng thơ của ông như tiếng sáo trời tự nhiên ngân vang. Quả đúng như lời của Nguyễn Địch Cát nói trong bài đề tựa tập thơ Thập Anh thi tập của Nhân Tĩnh. Trong lần đi sứ Trung Quốc hỏi thăm tin tức vua Lê, đến thôn Thuỷ Biện, trong nỗi sầu xa xứ, Nhân Tĩnh suy nghĩ về cuộc đời và vẫn giữ mình không để mất bản tâm:

龍愁池淺局

人愛樹濃陰

已解烟霞趣

何勞夢寐尋

縱教閒散步

不失本初心

Long sầu trì thiển cục,

Nhân ái thụ nùng âm.

Dĩ giải yên hà thú,

Hà lao mộng mị tầm.

Túng giao nhàn tản bộ,

Bất thất bản sơ tâm.[29]

(Chí Thuỷ Biện thôn)

(Rồng buồn vì cuộc ao nông cạn, người thì thích bóng cây râm mát. Đã hiểu được thú khói mây, sao phải nhọc lòng tìm kiếm những chuyện mộng mị. Dù đi dạo nhàn nhã, cũng không mất cái tâm ban đầu.)

10 bài Thuyết tình ái của Ngô Nhân Tĩnh có thể nói là thâu tóm được tính cách và tâm hồn ông. Một khối oan tình phải trái khó thổ lộ, bao năm ngậm nỗi đắng cay chẳng biết tỏ cùng ai, ông không hề mong công hầu khanh tướng, mà chỉ mong được nhàn tấm thân:

是非可否為誰陳

黃柏年年苦入唇

計得生平余所愛

何時歸作個閒人

(說情愛)

Thị phi khả phủ vị thuỳ trần,

Hoàng bách niên niên khổ nhập thần.

Kế đắc sinh bình dư sở ái,

Hà thời quy tác cá nhàn nhân.

(Thuyết tình ái, 1)

(Thị phi nào biết tỏ cùng ai,

Hoàng bách bao năm đắng lưỡi này.

Kể hết bình sinh ta thích thú,

Bao giờ nhàn rỗi tấm thân đây?)

Bài Thuyết tình ái, 1, dường như là lời giãi bày tâm sự, phơi mở tâm can, hoàn toàn không phải vô cớ. Trong những bài tiếp theo, Ngô Nhân Tĩnh bày tỏ sở thích của mình, mỗi sở thích của ông đều là những thú thanh tao, chứng tỏ, thi nhân có một tâm hồn cao thượng và một tính cách trong sạch. Ông thích đọc kinh Kim cương (Thuyết tình ái, 2), Nam hoa kinh (Thuyết tình ái, 3) Hoàng Đình kinh (Thuyết tình ái, 4), Li tao (Thuyết tình ái, 5), Chu Dịch (Thuyết tình ái, 6). Mùa xuân, thích nằm khềnh nơi nhà cỏ (Thuyết tình ái, 7), mùa hạ thích tránh nắng nơi nhà tre (Thuyết tình ái, 8), mùa thu thích ngắm trăng nơi sân quế (Thuyết tình ái, 9), mùa đông ngắm tuyết uống rượu ở sân mai (Thuyết tình ái, 10). Tính cách và tâm hồn như thế, khó có thể nói ông đã nhận “của cho riêng” khi đi sứ sang Chân Lạp.

Trên đường đi sứ lần thứ hai (1802-1803), ông cùng Trịnh Hoài Đức hoạ vận làm thơ 30 bài. Mỗi bài đều mang phong cách của người nghệ sĩ nhưng lại trĩu nặng tâm sự: nỗi xa xứ nhớ quê, niềm ưu ái của một nho thần phụng mệnh đi sứ, nỗi ưu hoài giữa đất trời kim cổ… Những cảm xúc ấy, lúc bấy giờ thoát ra thật dào dạt. Với Trịnh Hoài Đức, cũng có khi nỗi nhớ quê hương như chín khúc sông:

久 作 他 鄉 客

哪 堪 折 柳 聲

愁 同 江 九 曲

江 曲 遶 江 城

Cửu tác tha hương khách,

Na kham chiết liễu thanh.

Sầu đồng giang cửu khúc,

Giang khúc nhiễu giang thành.

(Văn địch)

(Tha hương làm khách mãi,

Chiết liễu điệu xui lòng,

Sầu như sông chín khúc,

Quanh thành sông lượn vòng).

Ở Ngô Nhân Tĩnh, tình quê hương vương vít trong lòng, cũng cuồn cuộn như dòng sông. Người và cảnh như hoà một, cảnh vật dường như mang cảm xúc của nhà thơ:

九 轉 迴 腸 似 曲 江

關 山 迢 遞 別 南 邦

恨 誰 輕 薄 花 流 水

憐 我 清 寒 月 到 窗

CỬU CHUYỂN HỒI TRƯỜNG TỰ KHÚC GIANG,

Quan sơn điều đệ biệt Nam bang.

Hận thuỳ khinh bạc hoa lưu thuỷ,

Liên ngã thanh hàn nguyệt đáo song.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông

thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 3)

(Chín khúc ruột dần tựa khúc giang,

Trời Nam xa cách mấy quan san.

Hận người khinh bạc, hoa trôi chảy,

Thương khách thanh hàn, nguyệt ghé sang.)

Chỉ có tâm hồn trong sáng, nghệ sĩ như Ngô Nhữ Sơn mới có thể thấy được vẻ đẹp lung linh trên hàng quýt dọc đường đi sứ. Sương ngưng trên lá quýt như ngàn hạt châu, tuyết điểm trên hoa mai tựa cành ngọc:

霜 凝 橘 葉 珠 千 顆

雪 點 梅 花 玉 一 枝

Sương ngưng quất diệp châu thiên khoả,

Tuyết điểm mai hoa ngọc nhất chi.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông

thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 4)

Lữ khách giữa buổi chiều tà nơi miền sông nước Quế Quảng nhìn thấy cảnh sinh hoạt của người dân quê yên bình, trong lòng lại nhớ đến ngày xưa nơi cố quốc:

匆 匆 孤 雁 渡 南 飛

遠 地 蕭 條 日 夕 暉

灘 上 客 船 騎 石 過

溪 前 村 女 採 桑 歸

無 邊 落 葉 梅 花 徑

不 盡 輕 煙 掩 竹 扉

忽 憶 去 年 今 日 事

朝 陽 閣 上 賜 寒 衣

THÔNG THÔNG CÔ NHẠN ĐỘ NAM PHI,

Viễn địa tiêu điều nhật tịch huy.

Than thượng khách thuyền kỵ thạch quá,

Khê tiền thôn nữ thái tang quy.

Vô biên lạc diệp mai hoa kính,

Bất tận khinh yên yểm trúc phi.

Hốt ức khứ niên kim nhật sự,

Triêu Dương các thượng tứ hàn y.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông

thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 5)

(Về Nam cánh nhạn lướt vội vàng,

Đất lạ đìu hiu bóng xế ngang.

Trên bến, thuyền ai lèn đá vượt,

Đầu khe, thôn nữ hái dâu ngàn.

Vô biên lá rụng đường hoa phủ,

Bất tận sương mờ cửa trúc vương.

Năm trước ngày nay, chợt nhớ lại,

Áo cừu ban giữa điện Triêu Dương.)

Chất nghệ sĩ nơi Ngô Nhân Tĩnh cũng khác với Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định. Nếu Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định thưởng lãm cảnh đẹp trên đường đi sứ trong tư thái ung dung của một sứ thần:

廣 東 秋 又 廣 西 冬

一 葉 扁 舟 路 幾 重

愛 日 曉 憑 迎 燠 榻

穿 窗 寒 送 定 更 鐘

… 到 處 無 窮 新 點 綴

山 川 如 為 客 為 容

QUẢNG ĐÔNG THU HỰU QUẢNG TÂY ĐÔNG,

Nhất diệp biên chu lộ kỷ trùng.

Ái nhật hiểu bằng nghênh úc tháp,

Xuyên song hàn tống định canh chung.

… Đáo xứ vô cùng tân điểm xuyết,

SƠN XUYÊN NHƯ VỊ KHÁCH VI DUNG.

 (Trịnh Hoài Đức, Đông nguyệt do Quảng Đông

thuỷ trình vãng Quảng Tây tỉnh…, bài 2)

(Mùa thu ở đất Quảng Đông, mùa đông đã sang Quảng Tây, Một chiếc thuyền nhỏ trên đường xa vời. Thích nắng sáng mai, mang giường ra sưởi, Hơi lạnh lọt vào cửa thuyền mang theo tiếng chuông điểm canh… Khắp nơi cảnh vật tô điểm vô cùng mới mẻ, Sông núi như vì khách mà điểm trang.)

thì ở Ngô Nhân Tĩnh, người ta thấy, trong cách thưởng lãm cảnh đẹp của ông, tuy có ung dung đấy, nhưng “vui là vui gượng kẻo là…”, vẫn ẩn chứa nỗi niềm tâm sự:

多 愁 去 日 匆 匆 過

無 事 歸 時 仔 細 看

日 暮 停 船 親 友 問

繡 衾 玉 枕 不 禁 寒

Đa sầu khứ nhật thông thông quá,

Vô sự quy thời tử tế khan.

Nhật mộ đình thuyền thân hữu vấn,

Tú khâm ngọc chẩm bất câm hàn.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông

thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 14 )

(Ngày đi buồn bã, trông vội vã,

Lúc lại thung dung, ngắm kỹ càng.

Chiều tối dừng thuyền, thân hữu hỏi,

Áo là, gối ngọc, lạnh khôn ngăn.)

Vẫn chăn thêu, gối ngọc, nhưng không ngăn nổi cái rét lạnh lùng. Ngắm cảnh là để khuây nỗi lòng phiền muộn, nhưng người sứ thần họ Ngô, chỉ thấy trăm mối tơ vò về giăng:

倚 窗  夜 掩 朔 風 嚴

天 外 寒 雲 細 雨 添

滾 滾 江 流 千 里 遠

蕭 蕭 木 落 萬 情 兼

Ỷ SONG DẠ YỂM SÓC PHONG NGHIÊM,

Thiên ngoại hàn vân tế vũ thiêm.

Cổn cổn giang lưu thiên lý viễn,

Tiêu tiêu mộc lạc vạn tình kiêm…

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông

thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 29)

(Song lụa đêm che gió bấc lùa,

Ngoài trời mây lạnh rắc cơn mưa.

Sông trôi cuồn cuộn xa ngàn dặm,

Lá rụng tiêu điều trăm mối tơ…)

Ngô Nhân Tĩnh hay nói đến dưỡng tính chân, dưỡng sự vụng về, và cũng thường nói đến vong cơ, vô ngã: “Thuỷ vô ngưng trệ trường hoài trí, Sơn bất thiên di tĩnh dưỡng nhân” 水 無 凝 滯 長 懷 智 , 山 不 遷 移 靜 養 仁 (Thường lo nghĩ đến trí như nước trôi không ngừng, luôn tĩnh dưỡng lòng nhân tựa núi non không thay đổi) (Hồ Quảng quy chu đạo trung tác tam thập vận, 11)

“Nhân nguyện học Nhan Tử, Tâm tam nguyệt bất vi” 仁 願 學 顏 子 心 三 月 不 違 (Lòng nhân nguyện học theo Nhan Uyên, ba tháng lòng chẳng dời) (Lưu biệt Trần Tuấn Viễn)

“Sự mỗi vong cơ duyên tố chuyết, Nhân năng vô ngã tức phi phàm” 事 每 忘 機 緣 素 拙 ,  人 能 無 我 即 非 凡 (Làm việc thường vứt bỏ tâm cơ, ấy nương theo tính vụng về, Người hay vô ngã, thì là bậc phi phàm.) (Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 30);

“Nguyệt phi hữu ý đoàn viên cửu, Vân thị vô tâm xuất một đa” 月 非 有 意 團 圓 久 , 雲 是 無 心 出 沒 多 (Trăng chẳng có ý lâu tròn mà thường tròn, Mây vô tâm nên ra khỏi núi miên man) (Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 20)…;

Ngợi ca cuộc sống an nhàn thoát tục: “Vân hà tiều ngoạ sơn gian ốc, Phong nguyệt ngư miên liễu ngoại sang” 雲 霞 樵 臥 山 間 屋 , 風 月 漁 眠 柳 外 艭 (Tiều nằm nhà cỏ, non mây quyện, Ngư ngủ thuyền chài, trăng gió vương) (Hồ Quảng quy chu đạo trung tác tam thập vận, 3);

“Tiếu ngã phong sương thiên vạn lý, Hà như chung nhật yểm sài môn.” 笑 我 風 霜 千 萬 里  ,  何 如 終 日 掩 柴 門 (Tự cười ta ở xa ngàn vạn dặm nơi sương gió, Sao bằng suốt ngày đóng cửa gỗ nằm trong nhà.) (Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 13)…

 “Sự tại thiên nhiên đa khúc chiết, Đáo đầu danh vọng thuộc phi thường” 事 在 天 然 多 曲 折  , 到 頭 名 望 屬 非 常 (Muôn việc ở trời thường nhiều ngoắt ngoéo, Rốt cuộc danh vọng là chuyện vô thường.) (Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 22).

“Dục hiệu tái ông kỳ thất mã, Khẳng đồng Trang Tử thoại vong cơ” 欲 效 塞 翁 期 失 馬  ,  肯 同 莊 子 話 亡 機 (Muốn học theo lão già biên ải mất ngựa vẫn thong dong, chịu giống như Trang Tử vứt bỏ tâm cơ) (Áo Môn lữ ngụ Xuân hoà đường thư hoài, 2).

Cũng có khi mượn người xưa để ngụ ý mình, ông chê Hàn Tín không chịu nghe theo lời Trương Lương để chuốc hoạ: “Tri đáo cửu tuyền do ẩm hận, Đương niên hối bất thính Nho sinh” 知 到 九 泉 猶 飲 恨 , 當 年 悔 不 聽 儒 生 (Biết xuống suối vàng còn uống hận, Hối lòng năm trước chẳng nghe khuyên) (Hàn Tín).

Hiểu rõ lẽ vô thường, công danh phù phiếm, mong ước một cuộc sống an nhàn tự tại… hẳn nhiên không thể là của một người đầy tham vọng, mà nó phải là niềm mong ước của một người có tâm hồn thanh cao, nghệ sĩ như Ngô Nhân Tĩnh:

迢 迢 一 葉 遠 行 舟

兩 岸 蘆 花 夕 照 秋

莫 怪 洞 中 人 自 在

且 看 江 上 水 空 流

山 城 蕭 鼓 星 初 落

海 外 風 波 夢 未 休

時 已 清 平 年 欲 暮

功 成 之 後 早 回 頭

ĐIỀU ĐIỀU NHẤT DIỆP VIỄN HÀNH CHU,

Lưỡng ngạn lư hoa tịch chiếu thu.

Mạc quái động trung nhân tự tại,

Thả khan giang thượng thuỷ không lưu.

Sơn thành tiêu cổ tinh sơ lạc,

Hải ngoại phong ba mộng vị hưu.

Thời dĩ thanh bình niên dục mộ,

Công thành chi hậu tảo hồi đầu.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 26)

(Tít tắp một thuyền, cuộc viễn du,

Đôi bờ lau trắng nắng chiều thu.

Chớ lạ trong bưng, người tự tại,

Nhìn xem sông chảy, nước êm trôi.

Sơn thành sáo trống, sao vừa lặn,

Biển cả phong ba, mộng chửa rồi.

Đời đã bình yên, năm sắp hết,

Công thành thời sớm ngoảnh đầu thôi.)

Cũng có khi, nhà thơ tự cười cho việc “chẳng quay đầu” của mình, nhưng điều ấy không đồng nghĩa là ông mải miết trong bã công danh, mà qua bài thơ càng thấy sự cao thượng trong tâm hồn người sứ thần:

… 幽人應笑我

笑我未回頭

U nhân ưng tiếu ngã,

Tiếu ngã vị hồi đầu.

(Khách trung tạp cảm, 6)

(Khách nhàn nhạo ta nhỉ,

Nhạo ta chẳng quay đầu.)

Dòng sông dài như nỗi nhớ người thân bè bạn, non núi nặng thêm bởi nỗi sầu quê cũ. Giữa ngày gió bụi bay mù mịt, trời thu cây cỏ xác xơ. Người ở ẩn hẳn sẽ cười ta, cười ta vì ta chưa quay đầu… Nhưng cái kiểu “vị hồi đầu” mà Ngô Nhân Tĩnh nói ở đây lại càng minh chứng cho tấm lòng luôn nghĩ đến vua và đất nước.

Trong một bài thơ khác, trên đường trở về nước, nhà thơ tự cật vấn mình khi hiểu thấu lẽ huyền vi của đất trời:

此日動知他日靜

今年是覺昔年非

… 夢有丈人來問我

如何爾不息心機

Thử nhật động tri tha nhật tĩnh,

Kim niên thị giác tích niên phi…

… Mộng hữu trượng nhân lai vấn ngã,

Như hà nhĩ bất tức tâm ki (cơ)?

(Hồ Quảng quy chu đạo trung tác tam thập vận, 5)

(Hôm nay là động, biết đâu ngày kia lại là tĩnh, năm nay cho là phải mà năm trước lại là sai… Ta mộng thấy có ông lão đến hỏi ta: “Sao ngươi còn không chịu lắng tâm cơ lại?”).

Xưa nay, rất nhiều nhà thơ lên lầu Nhạc Dương, bất luận là thi nhân Trung Quốc hay Việt Nam, đều để bày tỏ chí mình. Ngô Nhân Tĩnh cũng không ngoại lệ, nhưng lạ là, ông chỉ giãi bày tấm lòng thanh đạm của mình cùng trời đất, rằng Ngũ hồ biết lòng ta trong như dòng nước, như tiếng sáo không lời, và sông vẫn cứ trôi:

五湖知我心同淡

鉄笛無聲水自流

Ngũ hồ tri ngã tâm đồng đạm,

Thiết địch vô thanh thuỷ tự lưu.

(Đăng Nhạc Dương lâu vọng Động Đình hồ)

Hoặc như lời ông tự nhận: “Thập niên kim thuỷ đắc tâm trai” 十 年 今 始 得 心 齊 (Mười năm nay mới được tâm thanh nhàn) (Hồ Quảng quy chu đạo trung tác tam thập vận, 9).

Bài Thính vũ (Nghe tiếng mưa), càng bộc lộ tâm hồn trong sáng và chất nghệ sĩ: nằm nghe tiếng mưa sao mà tình tứ, như tiếng khóc của người con gái sông Tương buồn vua Thuấn, tựa như thần nữ oán hận Sở vương. Trong tiếng mưa lạnh lẽo ấy, người nghệ sĩ sứ thần còn muốn mở lòng che chở cho cành hoa và cánh bướm mong manh:

萬點聲何細

一聞爾思長

洞庭悲舜帝

巫峽怨襄王

欲護花心冷

還憐蝶翅涼

蕭蕭天外雨

獨臥客中床

Vạn điểm thanh hà tế,

Nhất văn nhĩ tứ trường.

Động Đình bi Thuấn đế,

Vu Giáp oán Tương vương.

Dục hộ hoa tâm lãnh,

Hoàn liên điệp sí lương.

Tiêu tiêu thiên ngoại vũ,

Độc ngoạ khách trung sàng.

(Vạn giọt mưa rơi, tiếng sao nhẹ thế, Chợt nghe ý mưa miên man dằng dặc. Mưa như tiếng khóc buồn vua Thuấn nơi hồ Động Đình, Lại như tiếng Vu sơn thần nữ oán trách Sở Tương vương. Ta muốn che chở lòng hoa khỏi rét, Lại thương cánh bướm lạnh lùng bay không. Xao xác cơn mưa ngoài trời xa thẳm, Một mình làm khách phương xa nằm trên giường.)

Một tâm hồn nghệ sĩ cao thượng như thế hẳn không phải là người “ăn của riêng” như có kẻ đã vu cho ông. Thế nhưng, tâm hồn ấy, vẫn không thể yên bình để đi vào cõi xa. Một tâm sự khó giãi bày lồng trong nỗi niềm ưu ái của một Nho thần hết lòng phục vụ quốc quân, xã tắc. Ngô Nhữ Sơn dẫu chết trong nỗi oan khiên, vẫn giữ lòng mình không nhiễm bụi trần ai, một tấc lòng thanh bạch thờ vua, đền nước vẫn còn, và tràn ngập trong những trang thơ…

2.2. Ngô Nhân Tĩnh, niềm ưu ái của một Nho thần triều Nguyễn

Chịu ơn nhà Nguyễn ngay từ buổi đầu khi vua Gia Long còn đang giành chính quyền từ tay Tây Sơn, Ngô Nhân Tĩnh bao giờ cũng mang ý thức trách nhiệm của một Nho thần mong được thờ phụng đấng quân vương, báo đền tổ quốc. Tổ tịch tuy người Trung Quốc, Minh hương, nhưng trong dòng máu của Ngô Nhân Tĩnh, dường như ngầm chảy một luồng nhiệt huyết Việt Nam, vì thế, ông coi đất nước này là đất nước của ông, quê hương này là quê hương của ông, và việc phụng sự quê hương, đất nước là trách nhiệm của thần dân trên mảnh đất mới này.

Nhân Tĩnh thuở nhỏ từng theo học Xử sĩ Võ Trường Toản, đọc sách Thánh hiền, nên ít nhiều đã được hun đúc tư tưởng Nho gia từ rất sớm. Đã là nhà Nho thì hành xử theo kiểu của nhà Nho: hết lòng tận trung phò vua, giúp nước; ưu tư, lo lắng làm tròn bổn phận của một bầy tôi.

Niềm ưu quân ái quốc ấy, những khi chưa được bề trên biết đến, chưa được dịp để thi thố, thì bao giờ cũng được kết tinh thành những nỗi niềm dằn vặt trong tâm hồn người tráng sĩ:

撫劍未酬邦國恨

不才每悞友朋憐

Phủ kiếm vị thù bang quốc hận,

Bất tài mỗi ngộ hữu bằng lân.

(Đồng Trần Tuấn Hà Bình xích hạ chu trung tạp vịnh, 1)

(Vỗ kiếm hận chưa đền nợ nước,

Bất tài thường khiến bạn bè thương).

Đọc lời thơ ấy của Ngô, bất giác nhớ lời bài thơ Khất thực trong Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du: chống kiếm dài ngạo nghễ dựa trời xanh, lăn lộn trong đám bùn dơ ba chục năm, chữ nghĩa văn chương nào có ích gì cho ta, chỉ có cái đói cái rét của mình khiến người khác thương cảm (Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên, triển chuyển nê đồ tam thập niên. Văn tự hà tằng vi ngã dụng, Cơ hàn bất giác thụ nhân liên…).

Với ông, làm sao để đền đáp ơn tri ngộ của vua đối với mình, chứ chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ dám nghĩ đến việc mưu cầu công danh phú quý cho riêng mình như lời ông bộc bạch:

壯士自能酬國債

丈夫誰肯為身謀

片心未達門重鎖

一事無成淚暗流

Tráng sĩ tự năng thù quốc trái,

Trượng phu thuỳ khẳng vị thân mưu.

Phiến tâm vị đoạt môn trùng toản,

Nhất sự vô thành lệ ám lưu.

 (Đồng Trần Tuấn Hà Bình, Xích hạ chu trung tạp vịnh, 2)

(Tráng sĩ tự mình dốc lòng đền nợ nước, bậc trượng phu ai người chịu mưu cầu cho riêng mình. Tấm lòng thành chưa thấu đến cửu trùng, một việc chưa xong khiến lệ rỏ thầm.)

Trên đường xa vạn dặm, nếu không nhớ đến quê hương, đất nước thì nhớ đến vua:

江山有夢愚臣念

身事無聊聖主知

Giang sơn hữu mộng ngu thần niệm,

Thân sự vô liêu thánh chủ tri.

(Đồng Trần Tuấn Hà Bình, Xích hạ chu trung tạp vịnh, 4)

(Sông núi mơ màng, ngu thần thường nhớ nghĩ đến, Thân thế của mình chưa vẹn, hẳn thánh chúa biết cho.)

間 關 萬 里 逢 元 旦

遙 望 南 山 獻 壽 杯

Gian quan vạn lý phùng nguyên đán,

Dao vọng Nam sơn hiến thọ bôi.

(Nguyên đán ngẫu thành)

(Cách trở vạn dặm đường dài, gặp ngày tết nguyên đán, nơi xa trông về núi Nam dâng chén chúc vua thánh thọ.)

曉 風 淡 蕩 吹 塵 慮

故 國 分 明 續 夢 魂

Hiểu phong đạm đãng xuy trần lự,

Cố quốc phân minh tục mộng hồn.

(Hà bắc đạo trung hiểu hành)

(Gió mai man mác xua phiền muộn,

Nước cũ rành rành nối giấc mơ.)

Những dòng thơ chan chứa tình quê hương:

心 在 南 邦 身 在 北

水 歸 東 海 月 歸 西

Tâm tại Nam bang thân tại bắc,

Thuỷ quy đông hải nguyệt quy tây.

 (Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 8)

(Lòng ở nước Nam, thân ở bắc,

Sông về Đông hải, nguyệt về tây.)

遙 望 故 園 千 萬 里

最 關 情 處 是 山 南

Dao vọng cố viên thiên vạn lý,

Tối quan tình xứ thị Nam san.

 (Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 28)

(Xa ngóng vườn xưa ngàn vạn dặm,

Nơi tình tứ nhất ấy Nam sơn.)

Ngô Nhân Tĩnh thường lo nghĩ đến nhiệm vụ đi sứ, coi việc trì trệ do nhà Thanh gây ra là tội của mình:

君恩多寵錫

臣罪在流連

百憂何處結

五夜不成眠

Quân ân đa sủng tứ,

Thần tội tại lưu liên.

Bách ưu hà xứ kết,

Ngũ dạ bất thành miên.

(Khách trung tạp cảm, 7)

(Ơn vua ban cho nhiều sủng ái, mà tội của thần cứ phải chần chừ nơi đất khách. Trăm mối lo biết kết vào đâu, năm canh dài vẫn không thành giấc.)

Còn ở Trịnh Hoài Đức, trì trệ mãi nơi đất khách, việc sứ chưa thành, vẫn không dằn vặt như ở Ngô Nhân Tĩnh, mà chỉ là tiếng than thở xen lẫn trong niềm nhớ bè bạn quê hương[30]:

明 日 椒 花 難 遠 獻

旅 亭 臣 子 歎 磋 砣

Minh nhật tiêu hoa nan viễn hiến,

Lữ đình thần tử thán tha đà. [31]

(QUẾ LÂM TRỪ DẠ)

(Ngày mai hoa hồ tiêu khó dâng lên vì ở xa xôi quá, Nơi đình trọ đất khách, kẻ bầy tôi than thở nỗi ngày tháng dần dà.) (Đêm ba mươi tết ở Quế Lâm)

Nếu một người chỉ biết vinh thân phì gia, há lại có những lời thơ khẩn thiết như thế. Trong nhiều bài thơ, ông luôn thổ lộ nỗi lòng muốn báo đền ơn vua đất nước, khi nhẹ nhàng kín đáo, lúc mạnh mẽ rõ ràng:

未能慷慨酬邦國

安敢躊躇戀弟兄

Vị năng khảng khái thù bang quốc,

An cảm trù trừ luyến đệ huynh.

 (Lưu biệt Tiên thành chư hữu, 1)

(Chưa thể khảng khái đền đáp ơn nước, thì lòng đâu dám trù trừ quyến luyến anh em).

萬 金 寶 劍 長 天 外

不 愧 男 兒 志 氣 豪

Vạn kim bảo kiếm trường thiên ngoại,

Bất quý nam nhi chí khí hào.

 (Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 19)

(Ngàn vàng bảo kiếm bên trời thẳm,

Chẳng thẹn nam nhi chí ngút ngàn.)

Cảm mối tình tri ngộ của vua, Ngô Nhân Tĩnh dẫu tự nhận mình có tài hèn, vẫn luôn dặn lòng báo quốc để đáp lại nghĩa tình sâu nặng của đất nước và quân vương:

情 深 似 海 酬 難 盡

義 重 如 山 敢 易 消

Tình thâm tự hải thù nan tận,

Nghĩa trọng như sơn cảm dị tiêu.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 17)

(Nghĩa nặng dường non đâu dám lãng,

Tình sâu tựa biển dễ chi tiêu.)

才 微 安 敢 說 將 兵

航 海 梯 山 答 聖 明

… 憶 別 到 今 纔 幾 日

故 鄉 聞 道 樂 昇 平

TÀI VI AN CẢM THUYẾT TƯƠNG BINH,

Hàng hải thê sơn đáp thánh minh…

… Ức biệt đáo kim tài kỷ nhật,

Cố hương văn đạo lạc thăng bình.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 23)

(Tài hèn nào dám luận dùng binh,

Vượt biển trèo non báo thánh minh…

… Cách biệt đến nay chừng mấy buổi,

Quê hương vui biết được thăng bình.)

淡 薄 常 甘 邦 外 趣

寸 誠 願 達 九 重 聽

Đạm bạc thường cam bang ngoại thú,

Thốn thành nguyện đạt cửu trùng thinh.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 24)

(Đạm bạc cam lòng nơi nước khách,

Tấc lòng xin gửi chín tầng cao.)

Lòng trung quân ái quốc của ông còn được thể hiện:

肯 效 甘 心 吞 啞 炭

直 將 熱 血 禦 寒 冰

情 關 父 子 愁 難 禁

道 重 君 臣 罷 不 能

Khẳng hiệu cam tâm thôn á thán,

Trực tương nhiệt huyết ngự hàn băng.

Tình quan phụ tử sầu nan cấm,

Đạo trọng quân thần bãi bất năng.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 25)

(Than đỏ, cam lòng theo nguyện học,

Giá băng, máu nóng quyết đem bao.

Tình thâm phụ tử sầu khôn nén,

Đạo trọng quân thần bỏ khó sao!)

Nhiều lúc nơi đất khách nhưng ông vẫn vui mừng vì được cùng các bạn Trịnh Hoài Đức, Hoàng Ngọc Uẩn, Lê Quang Định… báo đáp ơn vua:

喜 得 天 涯 知 己 共

盡 心 酬 答 聖 恩 霑

Hỷ đắc thiên nhai tri kỷ cộng,

Tận tâm thù đáp thánh ân triêm.

(Nhâm tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thuỷ trình vãng Quảng Tây hoạ Trịnh Cấn Trai thứ Lạp ông tam thập vận, 29)

(Chân trời mừng được cùng tri kỷ,

Dốc hết lòng son báo đức vua.)

Khi nghe tin chiến tranh kết thúc, lại thêm việc thỉnh phong đã thành, trên đường giong bè trở về nước, Nhân Tĩnh vui sướng được đền đáp thánh ân:

局 罷 征 誅 勝 負 分

乘 槎 萬 里 答 明 君

CỤC BÃI CHINH TRU THẮNG PHỤ PHÂN,

Thừa tra vạn lý đáp minh quân.

(Hồ Quảng quy chu đạo trung tác tam thập vận, 12)

(Cuộc cờ đã vãn, thắng thua phân,

Vạn lý bè giong, báo thánh quân.)

Với Ngô Nhân Tĩnh, dốc hết lòng son báo đáp ơn vua, đất nước là ý nguyện lớn nhất trong đời ông. Và nỗi nhớ quê hương khiến mái đầu thêm tóc bạc cũng không phải là điều lạ với một người như ông:

報國丹心盡

思鄉白髮新

Báo quốc đan tâm tận,

Tư hương bạch phát tân.

(Đối kính)

(Báo đền đất nước, lòng son dốc,

Thương nhớ quê hương, tóc trắng đầu.)

Trong tư tưởng vị Nho thần triều Nguyễn Ngô Nhân Tĩnh, trung thần ái quốc nào phải chỉ có những bầy tôi kề cận bên mình vua, mà đôi khi, kẻ ở tận chân trời góc biển cũng là bầy tôi tận trung ái quốc:

豈獨在朝能愛國

天涯海角亦人臣

Khởi độc tại triều năng ái quốc,

Thiên nhai hải giác diệc nhân thần.

(Hồ Quảng quy chu đạo trung tác tam thập vận, 11)

(Nào chỉ ở triều là ái quốc,

Chân trời góc biển cũng tôi trung.)

Ngô Nhân Tĩnh khi đi sang Trung Quốc lần thứ nhất, ông từng cùng những người bạn thơ Trung Quốc như Trần Tuấn Viễn, Trương Nẫm Khê, Hà Bình… xướng hoạ thơ ca. Đến năm Bính dần (1806), Trần Tuấn Viễn, người Quảng Đông sang nước ta, có đến ở nhà của Ngô Nhân Tĩnh, Ngô Nhân Tĩnh nhờ ông đề tựa tập thơ Thập Anh thi tập của mình. Trong bài đề tựa cho tập thơ, ông có nhận xét về Ngô Nhân Tĩnh là người hết lòng vì vua vì nước:

“Nhưng tôi lại nhớ đến năm xưa Ngô hầu sang đất Việt (Quảng Tây) cùng tôi quấn quýt mấy tháng liền, giãi bày bàn luận, khí khái việc lưu trệ mà lời thường chứa sự phong nhã hài hoà. Trong tập thơ, những câu mạnh mẽ hùng tráng, đẹp đẽ không thể kể hết, nhưng tôi xem đến những câu như “Thân thế vô liêu thánh đế tri” và “Nghĩa dĩ quân thần mỗi tự khoan” mới hé mở mối tơ tình khẩn thiết vì vua vì nước, nên tôi chưa từng bỏ quyển, cứ cuốn trôi theo mà đọc đi đọc lại không rời tay. Phàm là người trung với vua thì ắt thành thật với bạn bè, điều ấy là lý do mà tôi vui vẻ cùng Ngô hầu kết giao.”

Dẫu một tấm lòng son sắt như thế cũng có lúc bị kẻ khác tỵ hiềm và giá hoạ, để rồi vào năm cuối đời, ông mất trong thấp thỏm lo âu…

2.3. Ngô Nhân Tĩnh, nỗi oan và tâm sự khó giãi bày

Sách Đại Nam thực lục chính biên có chép: Năm Quý dậu, Gia Long thứ 12 (1813), chiếu cho Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt và Hiệp tổng trấn Ngô Nhân Tĩnh đại phát thuỷ binh hơn 13.000 người đem quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân về nước. Sau lần đi sứ ấy, ông về và mất. Cũng trong Đại Nam thực lục chính biên có chép rằng: “… Nhân Tĩnh trước sang Chân Lạp, có người nói Tĩnh nhận riêng của nước Phiên. Văn Duyệt đem việc tâu, Vua nói: “Việc không có chứng cứ, hãy để đó”. Nhân Tĩnh nghĩ không yên lòng, thường tự than rằng: “Vẽ rắn thêm chân ai khiến ta mang cái oan không bày tỏ được”. Đến nay ốm chết. Trịnh Hoài Đức tâu xin truy tặng. Vua không cho.”[32]

Còn trong Đại Nam liệt truyện chính biên thì chép: “… Đến khi trở về hoặc có người nói là Tĩnh nhận của cho riêng, Duyệt tin thực đem việc ấy tấu lên, vua cho là không có sự thực, bỏ đi. Tĩnh, lòng không tự yên; nhưng rút cục không làm thế nào để giãi tỏ lòng của mình được. Thường than rằng: Vẽ rắn thêm chân, ai khiến cho ta mang cái oan không giãi tỏ được ư? (…) Mùa đông năm ấy, ốm chết. Trịnh Hoài Đức tâu giúp xin truy tặng, vua không cho.”[33]

Nỗi oan ức ấy của Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức có nhắc đến trong bài thơ làm khi ông nghe tin Ngô Nhân Tĩnh mất:

紆 青 有 力 生 能 博

不 白 之 言 死 可 哀

半 世 雄 心 空 復 爾

二 年 大 體 謂 何 哉

憐 卿 曠 達 翻 成 癖

埋 怨 莊 生 入 夜 臺

… Hu thanh hữu lực sinh năng bác,

Bất bạch chi ngôn tử khả ai.

Bán thế hùng tâm không phục nhĩ,

Nhị niên đại thể vị hà tai.

Liên khanh khoáng đạt phiên thành tích,

Mai oán Trang Sinh nhập dạ đài.

(Văn Gia Định thành Hiệp tổng trấn Tĩnh Viễn hầu

Ngô Nhữ Sơn Công bộ thượng thư phó âm ai tác)

(… Khi sống làm quan, anh đủ tài sức để thi thố tài năng rộng rãi,

Vì một lời nói mù mờ chẳng rõ mà chết thật đáng đau xót.

Hùng tâm nửa đời phí uổng không báo được,

Đại thể hai năm biết nói gì đây?

Thương anh tính tình khoáng đạt, lại trở thành khối bệnh,

Đành ôm hận Trang Sinh xuống suối vàng.)

Nỗi oan tình và khối tâm sự khó nói thành lời ấy có lẽ đã theo ông xuống tuyền đài chôn giấu. Những trang thơ cuối của tập bản thảo Thập Anh thi tập có bài làm vào năm Ất mão khi ông phụng mệnh ban phong cho vua nước Cao Miên, và bài thơ cuối cùng khép lại thi tập là Đáp chư hữu tặng biệt nguyên vận. Dường như trong năm Quý dậu, sau khi ông đi sứ sang Chân Lạp cùng Lê Văn Duyệt, không thấy có thơ.

Phải chăng nỗi oan tình của Ngô Nhân Tĩnh không phải đơn giản chỉ là việc nhận của riêng của người Cao Miên? Liệu có còn lý do nào khác khiến ông phải chịu nỗi oan ức đến không thể giãi bày được chăng?

Trước lúc đi sứ Trung Quốc năm Nhâm tuất (1802), Tiền quân Nguyễn quận công có tặng cho ông thanh kiếm, như lời chú ông viết trong tập thơ bài Đối kiếm: “Thời vãng sứ Trung Quốc, Tiền quân Nguyễn quận công tặng tống bảo kiếm 時 往 使 中 國 前 軍 阮 郡 公 贈 送 寶 劍”. Do vậy, có người cho rằng ông có quan hệ với Nguyễn Văn Thành, mà dẫn đến cái chết: “… thì có thể thấy Ngô Nhân Tĩnh bị vua Gia Long nghi ngờ, lo buồn thành bệnh mà chết. Biết đâu chẳng phải do Gia Long nghi ngờ Ngô Nhân Tĩnh là đồng chí của Nguyễn Văn Thành, trong khi trước đó Nguyễn Văn Thành cũng bị nghi ngờ là mưu phản loạn, sợ tội uống thuốc độc mà chết”[34]. Nhưng, ông Hoài Anh quên rằng, việc Nguyễn Văn Thành bàn lập ngôi vua diễn ra vào năm Gia Long thứ 14 (1815), bấy giờ có cả Trịnh Hoài Đức dự tiệc[35], và Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc chết vào năm Gia Long thứ 16 (1817)[36]. Như vậy sự việc diễn ra sau khi Ngô Nhân Tĩnh mất (1813) đã được 2 đến 4 năm, chứ không hề như ông Hoài Anh nói. Vậy, Ngô Nhân Tĩnh khó có thể là mất vì sợ vua Gia Long nghi kỵ mình là đồng chí của Nguyễn Văn Thành.

Nếu quả thật ông là đồng chí của Nguyễn Văn Thành hẳn không dám viết lời chú trong thơ như vậy. Nhưng từ lời lẽ trong bài Đối kiếm, có thể thấy tâm sự của Ngô Nhân Tĩnh vẫn là một lòng trung quân ái quốc, tuyệt không có ý gì là đồng chí của Nguyễn Văn Thành, mà chỉ là tình cảm bạn đồng liêu:

倚看天外劍

贈憶意中人

勇負凌雲氣

雄懷報國身

射星知有分

彈鋏笑無因

試向山中過

時聞泣鬼神

Ỷ khan thiên ngoại kiếm,

Tặng ức ý trung nhân.

Dũng phụ lăng vân khí,

Hùng hoài báo quốc thân.

Xạ tinh tri hữu phận,

Đàn giáp tiếu vô nhân.

Thí hướng sơn trung quá,

Thời văn khấp quỷ thần.

(Dựa nhìn thanh kiếm ngoài trời xa, nhớ người đem kiếm tặng cho mình. Đành luống phụ chí khí chọc trời mây, chỉ ôm lòng xả thân đền ơn nước. Khí kiếm xông trời đêm biết là có phận, gõ kiếm cười không chỗ về nương. Thử mang kiếm đi qua non núi, thường nghe tiếng gào khóc của quỷ thần.)

Tấm lòng luôn hướng về quê hương đất nước về đấng minh quân ở Ngô Nhân Tĩnh hẳn cao hơn tất cả. Tấm lòng ấy của ông luôn mong thấu đến cửu trùng mà trong rất nhiều bài thơ ông giãi bày, thổ lộ:

萬里江湖遠

君臣一念高

去國憂天問

謀身愧啜糟

Vạn lý giang hồ viễn,

Quân thần nhất niệm cao.

Khứ quốc ưu thiên vấn,

Mưu thân quý chuyết tao.

(Khách trung tạp cảm, 10)

(Sông hồ xa muôn dặm, lòng vẫn nhớ đạo quân thần cao. Rời nước trong lòng lo lắng thường hỏi trời, chuyện lo cho thân mình hổ thẹn chỉ húp bã cặn mà lòng vui[37].)

Ở đây, Ngô Nhân Tĩnh rất rạch ròi giữa việc nước với tình nhà. Ông luôn đặt việc nước lên trên, việc nhà và bản thân ông xuống hàng dưới, nhiều khi chẳng sá gì. Đọc bài thơ trên, ta dễ dàng nhận thấy, Ngô Nhân Tĩnh có nỗi lòng tựa Khuất Nguyên lo toan việc nước, và có cái tình hiếu thảo với gia đình một cách chân tình mộc mạc.

Thời gian đi sứ chính là thời gian Ngô Nhân Tĩnh có dịp để nhìn nhận lại những giá trị cuộc đời. Chính vì thế mà, ông hiểu rõ hơn những trường thị phi, nhận ra chân lý: cuộc đời danh vọng là huyễn ảo, phù vân. Ông viết về Hàn Tín:

英雄自古愛成名

一自成名百忌萌

禍兆不關來請印

危機多在善將兵

Anh hùng tự cổ ái thành danh,

Nhất tự thành danh bách kỵ manh.

Hoạ triệu bất quan lai thỉnh ấn,

Nguy cơ đa tại thiện tương binh…

(Anh hùng tự cổ thích thành danh, vừa thành danh thì trăm mối ngờ cũng nảy sinh. Cái mầm hoạ chẳng phải đến khi xin ấn tước, mà nguy cơ thường ở việc giỏi dùng binh…).  Không biết số phận của ông có vận vào mấy vần thơ ấy không, nhưng tấm lòng trong sáng của Ngô Nhữ Sơn khi ngộ ra bon chen danh lợi chẳng được gì, được chuyển vào mấy vần thơ:

十 年 前 笑 謀 身 拙

何 事 多 端 畫 足 蛇

Thập niên tiền tiếu mưu thân chuyết,

Hà sự đa đoan hoạ túc xà.

(Hồ Quảng quy chu đạo trung tác tam thập vận, 22)

(Tự cợt mười năm ta vụng dại,

Cớ sao lắm chuyện, rắn thêm chân!)

Và: “Thập niên kim thuỷ đắc tâm trai” 十 年 今 始 得 心 齊 (Mười năm nay mới được tâm thanh nhàn) (Hồ Quảng quy chu đạo trung tác tam thập vận, 9).

Ẩn sau bức màn bí mật về cái chết đầy oan tình của Ngô Nhân Tĩnh, chưa hẳn là chuyện ông kết thân với Nguyễn Văn Thành, mà có thể đúng như lời chép trong các sách sử Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện. Như chúng tôi đã nói, bởi trong năm cuối đời, dường như Nhân Tĩnh không làm thơ để giãi bày nỗi oan tình mà ông gánh phải. Nguyễn Văn Thành tự sát vẫn có di biểu trần tình [38] còn Ngô Nhân Tĩnh không, do vậy, chúng ta chưa đủ chứng cứ để phân giải sự tình. Có thể nỗi oan của Ngô Nhân Tĩnh không đáng để trình bày, cũng có thể ông quả có lời khó nói, mà cũng có thể ông buồn bã trầm uất vì bề trên chưa hiểu thấu lòng ông. Tấm lòng của ông đành phó mặc cho trời đất, cho sắc xuân non nước, như lời ông đáp lại các bạn đồng liêu trong buổi tiễn biệt cuối cùng được ghi lại:

滿城春色送征鞍

半句心頭欲話難

未信臨民師子產

敢將市義效馮驩

… 此去已期梅月會

休將杯酒唱陽關

Mãn thành xuân sắc tống chinh an,

Bán cú tâm đầu dục thoại nan.

Vị tín lâm dân sư Tử Sản,

Cảm tương thị nghĩa hiệu Phùng Hoan…

… Thử khứ dĩ kỳ mai nguyệt hội,

Hưu tương bôi tửu xướng Dương Quan.

(Đáp chư hữu tặng biệt nguyên vận)

(Cảnh xuân đầy thành đưa tiễn người đi xa, nửa lời tâm sự muốn nói cũng khó nói nên lời. Chưa dám tin rằng mình học theo cách thương dân như Tử Sản, nhưng dám học theo việc mua nghĩa của Phùng Hoan… Từ đây xa cách, hẹn gặp nhau khi mùa mai nở, xin đừng nâng chén rượu hát khúc Dương Quan).

Thế nhưng, ngày trở về cũng là lúc ông bị người ta phủ vào thân màn sương mờ oan khuất. Màn sương oan ức ấy, đến ngay Trịnh Hoài Đức, người được vua vô cùng quý mến vẫn không thể xua tan đi được. Ngô Nhân Tĩnh đành mang theo những nỗi lòng khó thổ lộ đi vào lòng đất sâu trong sự hờ hững của người mà ông hết lòng phụng sự. Không thấy sử chép về đám tang của ông, có lẽ vì nỗi oan mà ông không được dùng lễ như một công thần. Nhưng dẫu thế nào đi nữa, thời gian đã trả lại sự minh bạch cho ông. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), ông được đưa vào thờ phụ trong miếu Trung hưng công thần, cùng với Trịnh Hoài Đức, người bạn đã lên tiếng minh oan cho ông.

3.     Thay lời kết

Thơ ca phải chăng vận vào số phận? hay số phận vận vào thơ ca? Xuyên suốt trong Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh là tâm hồn thơ trong sáng, một tính cách đạm bạc, thâm trầm nhưng nghệ sĩ, những lời thơ chan chứa tình cảm về đạo quân thần, về quê hương, đất nước, và những tâm sự khó giãi bày “dục thoại nan” (muốn nói nhưng khó thay), để rồi khi ông đã bước qua cái tuổi tri thiên mệnh nhưng lại không thoát khỏi cái hoạ tai bay vạ gió vô chừng, đến nỗi phải nuốt hận mà về chín suối.

Ngô Nhân Tĩnh quả thật không quyền biến như Hoài Đức, vì ông thường nói trong thơ của mình, rằng ông thích nhân hơn thích trí. Thơ đã vận vào số phận, mà dường như tên ông cũng hợp với cuộc đời ông. Cuộc đời khá bình đạm và lặng lẽ. Nhưng tính cách, tâm hồn, và nỗi niềm ưu ái của ông đối với quê hương đất nước vẫn còn hằn trong những trang thơ.■

11-2008

L.Q.T.



[1] Về cách phiên âm tên của ông, xưa nay có người phiên là Ngô Nhơn Tịnh, hay Ngô Nhơn Tĩnh, chúng tôi phiên là Ngô Nhân Tĩnh. Những cách phiên khác được sử dụng trong bài là chúng tôi trích lại nguyên văn và tôn trọng cách đọc của các tác giả khác.

[2] Trong khi đó, năm sinh và năm mất của Trịnh Hoài Đức thì lại có chép 1765-1825, và Lê Quang Định là 1760-1813. Huỳnh Lý chủ biên, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb.Văn học, 1978, tr.562, 577, 583.

[3] Trong bài giới thiệu sách Gia Định tam gia, “Gia Định tam gia, niềm tự hào của một vùng đất” của TS. Huỳnh Văn Tới, ghi Trịnh Hoài Đức (1765-1825), Lê Quang Định (1759-1813), Ngô Nhơn Tĩnh (?-1813). Còn trong phần khảo về tiểu sử của ba nhà thơ, thì ông Hoài Anh vẫn ghi là Trịnh Hoài Đức (1765-1825), Ngô Nhơn Tĩnh (?-1813) và Lê Quang Định sinh vào năm Canh Thìn (tức là 1760 - NV) nhưng lại ghi là (1767-1813) có lẽ là ông ghi theo tư liệu của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dịch, chú giải, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr.5-17). Nhưng cũng trong cuốn sách ấy, ở trang 249, chú thích số 2, Hoài Anh lại cho rằng Hoài Đức sinh năm Giáp Thân (1764) và cho rằng Ngô Nhân Tĩnh sinh năm 1760.

[4] Ở mục “Ngô Nhơn Tịnh, một trong Gia Định tam gia”, ông ghi chú Ngô Nhân Tĩnh (?-1816), nhưng ở mục tiếp theo “Trịnh Hoài Đức, nhà văn hoá thời sơ Nguyễn” thì lại ghi Ngô Nhân Tĩnh (?-1813), chúng tôi không biết là ông dựa vào tài liệu nào. (Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, tập 1, Nxb. Văn học, 2007, tr.167, 169).

[5] Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện chính biên, sơ tập, tập 2, Ngô Hữu Tạo, Đỗ Mộng Khương dịch, Cao Huy Giu hiệu đính, Viện Sử học Việt Nam và Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2005, tr. 215.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện chính biên, sđd., tr.216.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 97, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb. Giáo dục, 2004, tr.868.

[8] Như vậy các thuyết cho rằng Trịnh Hoài Đức sinh vào năm 1765 là dựa vào những ghi chép trong Đại Nam liệt truyện.

[9] Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dịch, sđd., tr.249.

[10] Theo Đại Nam liệt truyện chính biên, quyển 11, truyện Lê Quang Định, sđd., tr.205.

[11] Theo Trịnh Hoài Đức, Tự tự trong Cấn Trai thi tập, bản chữ Hán, ký hiệu A.1392, thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, lưu trữ, tờ 4a.

[12] Theo Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr. 367-368 và 370.

[13] Theo Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr. 495-496.

[14] Theo Đại Nam liệt truyện, sđd., tr. 215.

[15] Theo Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr. 807.

[16] Theo Đại Nam liệt truyện, sđd., tr. 215-216.

[17] Theo Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr. 833, 835, 843.

[18] Theo Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr. 860.

[19] Theo Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr. 868.

[20] Trần Tuấn Viễn, Thập Anh đường thi tập tự  trong Thập Anh thi tập, ký hiệu A.799, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lưu trữ. Thơ ca của Ngô Nhân Tĩnh trích dẫn trong bài viết này đều rút từ tập này.

[21] Nguyễn Địch Cát, Thập Anh đường thi tự, viết vào năm Gia Long thứ 6 (1807), trong Thập Anh thi tập, tlđd.

[22] Bùi Dương Lịch, Thập Anh đường thi tự, viết vào năm Gia Long năm thứ 10 (1811), trong Thập Anh thi tập, tlđd.

[23] Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính biên khảo và chú giải, Nguyễn Du, niên phổ và tác phẩm, Nxb. Văn hoá thông tin, 2001, tr.687-688.

[24] Huỳnh Lý chủ biên, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1978, tr. 9-46.

[25] Hội đồng Khoa học Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, Văn học - Báo chí - Giáo dục, sđd., tr.73-176.

[26] Trần Ngọc Vương chủ biên, Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb. Giáo dục, 2007, tr. 270-346.

[27] Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dịch, sđd., tr.370-383.

[28] Cao Tự Thanh, “Văn học Hán Nôm ở Gia Định”, in trong Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập II, Văn học – Báo chí – Giáo dục, sđd., tr.88.

[29] Tất cả các bài thơ đều được rút từ Ngô Nhân Tĩnh, Thập Anh thi tập, tlđd.

[30] Xin xem thêm Lê Quang Trường, Bước đầu tìm hiểu thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, đăng trên Tập san Khoa học xã hội và nhân văn, số 42, tháng 3-2008, tr.62-71.

[31] Trịnh Hoài Đức, Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.780, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lưu trữ.

[32] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr.868.

[33] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện chính biên, sđd., tr.216.

[34] Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dịch, sđd., tr.379.

[35] Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr.912-913.

[36] Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr.948-949.

[37] Thoát từ ý câu “xuyết thục ẩm thủy tận kỳ hoan, tư chi vị hiếu” 啜菽飲水盡其歡,斯之謂孝 (ăn đậu uống nước hết tình vui, thế gọi là hiếu) trong Lễ ký.

[38] Đại Nam thực lục chính biên, sđd., tr.949.


link http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/hoi-thao/nghien-cuu-han-nom/407-ngo-nhan-tinh-so-phan-va-tho-ca.html