29/9/23
Kị nhật
Ngày giỗ cụ kỵ, ông bà, cha mẹ, gọi là ngày kỵ nhật. Chiều hôm trước là cúng tiên thường, hôm sau mới là ngày chính kỵ. Các giỗ xa (cụ kỵ ông bà) thì sắm sửa con gà, ván xôi hoặc một vài mâm cỗ, trước cúng gia tiên, sau con cháu sum họp ăn uống với nhau. Còn về ngày giỗ cha mẹ thì tục thường làm phong hơn.
Trong khi giỗ, dẫu làm lớn nhỏ thế nào mặc lòng, nhưng làm sao tất cũng phải có một bát cơm úp vào một quả trứng luộc làm đầu. Cỗ bàn thì tùy nhà giàu, nghèo mà xử phong kiệm khác nhau. Nhiều nhà mời bà con khách khứa. Bà con khách khứa người thì mang chè, cau rượu, người thì đem vàng hương đến lễ giỗ, rồi mới uống rượu.
Nhà hào trưởng trong làng, có khi cả làng đến ăn giỗ, nhà ông thầy dạy nhiều học trò, thì cả học trò đến ăn giỗ, nhà quan trưởng thì thường cả tổng lý phú huyện đến lễ giỗ, ăn uống phiền phí lắm.
Có nơi, chiều hôm cúng tiên thường, bà con đã đến chơi đông, uống rượu xong thì giở ra bài bạc thuốc phiện, lấy tiếng rằng ở lại chầu chực gia tiên mà bày ra cuộc vui vẻ. Sáng hôm sau uống một bữa rượu chính kỵ nữa mới tan.
*
Nhớ kỵ nhật tiền nhân mà cúng cấp cũng là một bụng tốt. Nhưng nguyên ý lúc người mới chế lễ ra, chẳng qua dùng cách ấy để tỏ cái lòng nhớ tiền nhân là người sinh ra mình, người gây dựng nên cơ nghiệp cho mình, là một ý bất vong bản mà thôi. Chớ không phải dùng cách ấy để làm sự vui vẻ làm cách giao thiệp với đời. Kỳ thủy ta không phải là không hiểu ý ấy, nhưng chắc vì cớ mấy người trước muốn nhân dịp nhà mình có sẵn cỗ bàn cúng cấp mà muốn hội mặt bà con anh em. Hoặc vì bà con anh em, cùng người gia hạ, nhớ đến ân tình của ông cha mình, hay là vì nể mình mà đến lễ kỵ, mình có lẽ nào vong tình được mà chẳng khoản đãi. Vì thế thành tục, rồi nhiều người phải miễn cưỡng mà theo tục, té ra phần nhớ đến tiên nhân thì ít, mà phần lo về khoản đãi bà con khách khứa thì nhiều.
Đã đành rằng có thì mâm cao cỗ đầy, chẳng có thì lưng cơm cái trứng, cũng đủ tỏ chút lòng thành, nhưng ngặt vì tục đã quen, không cố mà lo được thì người ta chê là bủn xỉn, mà trong lòng mình cũng áy náy không đành!
Ngày kỵ nhật, là một ngày chung thân chi tang, thì là ngày thương xót, ngày rầu buồn, đáng lẽ chỉ nên đóng cửa mà thương nhớ mới phải. Mà dẫu có theo tục cách cúng tế làm sự kỷ niệm thì làm thế nào cho giản tiện, miễn là tỏ được chút lòng với tổ tiên là đủ, tưởng không nên bày vẽ cho sinh tốn làm gì. Nếu có của mà muốn họp mặt bà con anh em, khoản đãi khách khứa linh đình, tưởng nên dùng vào những dịp ăn mừng còn phải hơn.
Xét như tục Âu châu, nhớ ngày húy nhật, con cái chỉ đem bó hoa ra thăm mả là cùng.
Tục Nhật Bản cũng chuộng sự tế tự, nhưng đến ngày húy nhật, con cháu chỉ đem hương hoa dưng cúng mà thôi.
Xét như tục các nước văn minh ấy, tuy rằng thanh đạm nhưng thực là đủ lòng thành kính, mà lại giữ được tiền của để dùng vào việc đáng dùng.
Phan Kế Bính, Việt nam phong tục (trg 39-40)
link: https://www.sachhayonline.com/tua-sach/viet-nam-phong-tuc/xi-ky-nhat/591
26/9/23
Ngư nhàn
của Dương Không Lộ
Ths. Đỗ Phương Lâm
Nguồn :http://dolamdhhp.blogspot.de
Bài viết này là một vài ý kiến trao đổi của chúng tôi về một vấn đề đã có hoài nghi từ khá lâu nay. Đó là xuất xứ một bài thơ được cho là của nhà sư Dương Không Lộ ( ? - 1119) đời Lý: bài Ngư nhàn.
萬里清江萬里天,
一村桑柘一村烟
漁翁睡著無人唤,
過午醒来雪满船.
Vạn lý thanh giang vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.
Dịch thơ:
Trời xanh nước biếc muôn trùng
Một vùng sương khói, một vùng dâu đay.
Ông chài ngủ tít ai lay
Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền.
(Kiều Thu Hoạch dịch)
Phải nói rằng đây là một bài thơ tứ tuyệt xuất sắc, được Đinh Gia Thuyết công bố lần đầu tiên trong bài "Một vị Thánh tăng của Ninh Bình" đăng trên tờ Đuốc Tuệ số 75. Sau đó, Viện Văn học chính thức đưa vào phần văn học sử thời Lý-Trần. Và cứ thế, trong nhiều tuyển tập nghiên cứu, phê bình, lí luận về văn học Lý-Trần khác, bài thơ này đã được giới thiệu, công nhận như một bài thơ của Dương Không Lộ. Ngay cả sách giáo khoa Ngữ Văn mới xuất bản gần đây cũng đưa bài thơ này vào chương trình giảng dạy [4, 105-106] không hề có một chú thích về xuất xứ đáng ngờ của nó. Tuy nhiên, xuất xứ "ít nhiều đáng nghi vấn" [3, 386] của bài thơ vẫn khiến chúng tôi trong quá trình tiếp xúc với các văn bản Hán văn luôn lưu tâm, chú ý, may ra tìm được một cứ liệu xác đáng. Và gần đây, chúng tôi đã phát hiện một bài thơ giống gần như tuyệt đối với Ngư nhàn.
Đó là bài 醉著Tuý trước của tác giả Hàn Ác韓偓. Hàn ác ( ? - ? ), tự Chí Quang, người làng Vạn Niên, Kinh Triệu, là một nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường. Năm 889, ông đỗ tiến sĩ, trải giữ nhiều chức quan: Chiêu bái Tả thập di, Gián nghị đại phu, Trung thư xá nhân, Binh bộ thị lang, v.v. nhưng rồi bị biếm trích làm Tư Mã ở nhiều nơi: Bộ Châu, Đặng Châu, v.v.. Toàn Đường thi, bộ vựng biên đầy đủ nhất về thơ Đường, do công sức của rất nhiều nhà sưu tầm, phụng sắc vua Khang Hy biên soạn, có 4 quyển chép thơ Hàn ác (từ quyển 680 đến 683), với tổng cộng 314 bài thơ. Bài thơ Tuý trước nằm tại quyển 680, bài thứ 29. Ngoài ra, bài thơ này còn được chép trong các tuyển tập thơ thiền, như Thiền thi tam thập thủ.
Đối chiếu hai bài thơ Ngư nhàn và Tuý trước của hai tác giả Việt Nam và Trung Quốc, có cách biệt khá lớn cả về không gian và thời gian (khoảng hơn hai trăm năm) lại chẳng thấy có khác biệt nào đáng kể ngoài nhan đề và một chữ duy nhất, chữ thứ 3 trong câu thứ 3:
- "Ngư ông thuỵ 睡trước vô nhân hoán" (Ngư ông ngủ say không ai gọi - Ngư nhàn)
-"Ngư ông tuý醉trước vô nhân hoán" (Ngư ông say rượu không ai gọi - Tuý trước)
Những khác biệt về hình thức này tưởng như không làm nên khác biệt lớn về nội dung của hai bài thơ. Nhưng thực ra không phải như vậy. Ngay nhan đề đã hướng người đọc đến hai chủ đề hoàn toàn hoàn toàn khác nhau: Ngư nhàn (Cái nhàn nhã của làng chài) và Tuý trước (Say mèm). Xem xét kĩ lưỡng nội dung bài thơ, ta có cảm giác như bài Ngư nhàn là một sự sửa chữa cẩu thả từ bài Tuý trước. Có hay không điều đó ? Dầu sao, chúng tôi cũng mong muốn chuyển đến bạn đọc vài suy nghĩ của riêng mình.
1. Thử ngược lại thời gian theo tiến trình công tác sưu tập thơ văn Lí-Trần, ta thấy có hơn 500 năm lịch sử, chia làm 3 thời kì rõ ràng. Thời kì đầu: thế kỉ XV với một số công trình tiêu biểu như: Việt âm thi tập (Phan Phu Tiên - 1433), Tinh tuyển chư gia luật thi (Dương Đức Nhan), Trích diễm thi tập (Hoàng Đức Lương - 1497). Thời kì thứ hai: thế kỉ XVII-XVIII với các công trình Khoá hư lục, Thiền uyển tập anh, v.v. Thời kì thứ ba: nửa đầu thế kỉ XX với một số lượng rất khiêm tốn các tác phẩm được sưu tầm và đặc biệt là trong đó lại có khá nhiều sai sót. Nguyên nhân là do qua thế kỉ XVIII việc phát hiện tài liệu mới hầu như không còn. Người ta đành bằng lòng sao đi chép lại những thứ đã tìm ra từ trước, để rồi kết quả là các văn bản càng thêm sai lạc. Thế nhưng, việc giới thiệu thơ văn Lí-Trần đột nhiên dấy lên thành phong trào vào những năm 30-40 của thế kỉ XX. Chủ yếu là các bài viết của các tác giả: Đinh Văn Chấp, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Lợi, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Thi Nham Đinh Gia Thuyết, v.v. trên một số sách báo như Nam Phong tạp chí, Đuốc Tuệ, Tri Tân, v.v. Đương nhiên, trong tình hình muộn mằn của thế kỉ XX, mà những mảnh tài liệu còn sót lại sau năm, sáu trăm năm không những đã sai lạc quá nhiều mà còn phân tán, muốn giải đáp thấu triệt vấn đề thì còn phải mất nhiều thì giờ. Một ít cố gắng bước đầu chưa thể nào thoả mãn được điều mà mọi người mong đợi, nhất là những cố gắng này phần lớn không dựa trên những phương pháp khoa học chặt chẽ. Không lâu sau, một trong số đó đã dần để lộ những khe hở nghiêm trọng. Chẳng hạn, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến cho đăng trên Nam Phong tạp chí (số 40, 7-1921) bản dịch tiểu thuyếtLĩnh Nam dật sử kèm theo lời giới thiệu rằng đó là tác phẩm của Ma Văn Cao, một nhà văn người dân tộc Dao ở vùng núi tỉnh Hoà Bình ngày nay, sáng tác bằng chữ dân tộc vào cuối đời Lí (thế kỉ XI) và đã được Trần Nhật Duật dịch ra chữ Hán từ năm 1297. Một "phát hiện" thật bất ngờ nhưng cũng để lại nhiều ngờ vực! Sau đó, trên các sách báo, Lĩnh Nam dật sử liên tục được giới thiệu trên các sách báo và nghiễm nhiên được coi là một tác phẩm "có niên đại" vào đời Trần. Nhưng cuối cùng thì các nhà thư tịch học đã giải quyết xong vấn đề gốc gác của tiểu thuyết này: đó là một tác phẩm nguyên của Trung Quốc, có tên là Hội đồ Lĩnh Nam dật sử, ra đời vào cuối thế kỉ XVIII! Sở dĩ có sự nhầm lẫn này của ông Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến là vì sách Hội đồ Lĩnh Nam dật sử đã bị ai đó "chế biến" lại, thay đổi tên tác giả, tác phẩm, sửa chữa chút ít về nội dung và bài tựa, rồi bán cho Thư viện Viễn Đông Bác cổ để kiếm hời. Đông Châu chỉ mới xem được có một bản sao kém cỏi này đã vội đưa ra kết luận, khiến suýt nữa tác phẩm này lại trở thành mối hoài nghi của nhiều thế hệ sau. Thật đáng buồn khi mà trong xã hội thực dân, "đồ cổ" văn chương cũng trở thành vật mua bán khiến cho xuất hiện không ít các tác phẩm giả mạo. Thêm vào đó, những sai sót về mặt phương pháp của một số người sưu tầm, nghiên cứu -mà những người này đến nay đều đã quá cố- đã dẫn đến những ngờ vực khó làm sáng tỏ. Phải chăng Ngư nhàn cũng có chung một số phận phiêu diêu kiểu Lĩnh Nam dật sử vì nó cũng được công bố trong cùng "trào lưu khai quật" các tác phẩm văn học Lí-Trần thời gian này ? Ngày nay, chúng ta không ai biết Đinh Gia Thuyết đã dựa vào nguồn tư liệu nào mà ông có thể khẳng định Ngư nhàn đích thị là của Dương Không Lộ để lại cho hậu thế!
2. Dương Không Lộ, có một tiểu sử khá mờ mịt, tên thật và năm sinh đến nay vẫn chưa rõ. Quê ở làng Hải Thanh, thuộc lộ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Tổ tiên ông vốn làm nghề chài lưới, đến đời ông mới bỏ nghề ấy đi tu. Ông từng tu ở các chùa Nghiêm Quang ( ? ), Chúc Thánh (trên núi Phả Lại), Hà Trạch ( ? ), và là vị sư trụ trì khai sáng chùa Keo (Thái Bình). Ông là một nhà chân tu, chuyên nghiên cứu Thiền Tông và Mật Tông. Có một số giai thoại kể rằng ông tu luyện đạt đạo tới mức có thể đi trên nước, bay giữa trời, đánh chết hổ và vật ngã rồng! ? (theo Lĩnh Nam chích quái và Lịch triều hiến chương loại chí). Ông cùng Thiền sư Giác Hải du ngoạn những nơi danh lam thắng cảnh, sống gần gũi với thiên nhiên, hoàn toàn thoát tục, chuyên tâm tu luyện để thành chính quả. Ông đã từng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Chắc hẳn ông còn là một nhà sư rất giỏi thơ văn thời bấy giờ (đa số các nhà thơ thời Lý đều kiêm nhà thơ). Tác phẩm của ông sưu tầm được không nhiều, chỉ vẻn vẹn có hai bài tứ tuyệt: Ngư nhàn vàNgôn hoài (Tỏ nỗi lòng).
Thật đáng tiếc cả hai bài thơ này đều đang để lại cho con cháu những dấu hỏi ngờ vực! Riêng về xuất xứ của bài thơ Ngôn hoài đã từng là đề tài tranh lụân sôi nổi đối với các nhà nghiên cứu. GS. Hà Văn Tấn là người đầu tiên đã chỉ ra rằng tác phẩm này rất giống với một bài thơ của Lí Cao 李 ? 翱đời Đường [2] và hoài nghi: "Không Lộ đã chịu ảnh hưởng của Lí Tường (GS. Hà Văn Tấn đã phiên âm chữ 翱 là "tường") hay có người nào đó đã chữa bài thơ của Lí Tường rồi gán cho Không Lộ". So sánh Ngôn hoài với bài thơ của Lí Cao thì có tới 14 chữ giống nhau, tức 60%, riêng câu thứ 3 hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh những ý kiến quả quyết rằng Ngôn hoài không phải của Không Lộ, còn có khá nhiều ý kiến của các học giả có uy tín[3] cho rằng đó chỉ là một sự vận dụng thơ cổ vào trong các sáng tác thời xưa. Những tranh luận đó vẫn chưa đến hồi ngã ngũ, thì bây giờ lại đến lượt bài thơ còn lại Ngư nhàn sắp phải đặt lên bàn để các chuyên gia xem xét. Nhưng với mức độ chỉ sai lệch một chữ, Ngư nhàn liệu có phải chỉ là "sự vận dụng thơ cổ" như Ngôn hoài ?
3. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, Tuý trước là một nhan đề có lô gíc và hợp lí hơn Ngư nhàn. Chính vì đặt trong mối quan hệ với nhan đề của bài thơ mà từ "thuỵ" (ngủ) là một sự câu nệ bất đắc dĩ. Trong khung cảnh thanh bình ở làng chài, giữa cái bát ngát rộng dài của sông nước, của trời cao, tác giả Ngư nhàn không thể tả một ông già vô tâm say rượu tuý luý, nên đã bỏ "tuý " mà chọn "thụy": một ông già... "lười", ngủ quên công việc thì mới lột tả hết cái "nhàn" chăng ? ! Hai câu thơ cuối cho ta thấy những sự bất hợp lí:
Ông chài ngủ say quá không ai gọi,
Quá trưa tỉnh dậy, tuyết bay đầy thuyền.
Trong cái giá lạnh của băng tuyết phủ đầy, một ông già rất khó có thể ngủ say tới mức quên cả không gian, thời gian, công việc. Đành rằng vẫn hiểu hình tượng thơ chỉ có tính ước lệ, và sự ước lệ nào cũng có giá trị của nó. Cho rằng có như thế mới lột tả được cái "nhàn" thì thật khó chấp nhận. Nhưng nếu là một ông già say mèm thì hợp lí. Vả lại cái cảnh tuyết rơi, dù là một ngàn năm trước cũng khó có thể xảy ra ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nước ta. Về điều này, sách giáo khoa Văn học 10 có chú thích: "Nước ta làm gì có cảnh tuyết xuống đầy thuyền như thế này. Có thể xem đây là một cách tả của thơ xưa; ý nói ông chài thức dậy thì thấy thuyền mình đã đổi khác" [4,106]. Chúng tôi nghĩ, nếu như đây đúng là một không gian nghệ thuật được hư cấu theo chủ định của tác giả thì hình ảnh "tuyết" cũng không thật "đắc địa" để nói tới sự "đổi khác". Không gian trong bài thơ dễ gợi trí ta hình dung ra một vùng quê nào đó ở phương Bắc hơn là ở Việt Nam. Vậy lẽ nào Không Lộ Thiền Sư lại viết Ngư nhàn trong một dịp ông du ngoạn đến tận phương Bắc xa xôi ? Tuyết là một hình tượng nghệ thuật thường gặp trong thơ văn Trung Quốc với ý nghĩa biểu trưng cho cái đẹp thanh tĩnh của tâm hồn, sự cao thượng, trong sáng không vướng bận bụi trần, v.v. nhưng rất hy hữu xuất hiện trong thơ văn Việt Nam (nhất là thơ văn tả cảnh).
Chúng ta không loại trừ khả năng Tuý trước của Hàn ác, hoặc đã bị sửa chữa, hoặc do một nguyên nhân nào đó đã bị gán cho Dương Không Lộ. Biết đâu, Đinh Gia Thuyết giữa buổi "tranh tối tranh sáng", vì muốn ca ngợi nhà sư có nhiều phép thuật màu nhiệm mà ông đã gọi là "Thánh tăng" của quê hương Ninh Bình nên đã thay nhan đề, đổi một chữ thành ra Ngư nhàn của Dương Không Lộ ?
Mọi giả thuyết đều cần phải được xem xét kĩ lưỡng. Từ giả thuyết đến kết luận là một chặng đường dài. Nghiên cứu văn học sử là một công việc đầy chông gai. Chúng tôi mạnh dạn "đan giỏ giữa đường", đề cập vấn đề này, kính mong các bậc cao tài bác nhã rộng lòng chỉ giáo.
(Bài đã đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 4 (53) - 2002, tr. 56-60 dưới nhan đề "Đi tìm xuất xứ một bài thơ". Trong lần in lại này, chúng tôi có sửa chữa một vài chỗ.)
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
1. Toàn Đường thi全唐詩(bản điện tử, các nhà xuất bản: Dương Châu thi cục揚州詩局, Thượng Hải đồng văn thư cục 上海同文書局, Trung Hoa thư cục 中華書局, Trung Châu cổ tịch 中州古籍)
2. Thiền thi tam thập thủ襌詩三十首 (bản điện tử) Viện Văn học, Thơ văn Lí-Trần, tập 1, Nxb. KHXK, H., 1977.
3. Nguyễn Đình Chú - Nguyễn Lộc (chủ biên), Văn học 10, tập 1, (sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000), Nxb. Giáo dục, H., 2000.
[2] Trong bài "Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam", Tạp chí Văn học, số 4-1992.
[3] Như: Nguyễn Khắc Phi, "Quanh nguồn tư liệu có liên quan đến bài Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư"; Nguyễn Phạm Hùng, "Dương Không Lộ: thiền sư-thi sĩ", Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 4-1996, v.v.
24/9/23
23/9/23
Nghĩa của một số 'yếu tố láy'
(Chuyên mục lắt léo chữ nghĩa, Thanh Niên [1])
---
Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Giáo dục , Hà Nội, 1994) đã thu nhận nhiều trường hợp bị mặc nhận là âm tiết láy (của các từ láy), trong khi đó vốn là những từ (hoặc hình vị) có (hoặc vốn có) đầy đủ ý nghĩa.
Thậm chí có những tổ hợp Hán Việt hiển nhiên cũng bị các tác giả xem là từ láy. Mục đích của bài này là giải oan cho một số “âm tiết láy” trong Từ điển từ láy tiếng Việt (TĐTLTV).
.
1. Ái trong êm ái: Ái là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [藹], có nghĩa là “êm ả, dễ chịu”.
2. Bạc trong bàn bạc: TĐTLTV của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên ghi nhận bàn bạc và giảng là “bàn đi bàn lại, trao đổi ý kiến giữa nhiều người”, vì mặc nhận rằng bạc là một yếu tố láy, tức một âm tiết vô nghĩa (còn bàn hiển nhiên là một từ độc lập như trong bàn lùi, bàn tới bàn lui, miễn bàn...). Thực ra, bàn bạc là điệp thức của biện bạch [辯白], trong đó bạch là âm Hán Việt hiện hành của chữ [白] mà bạc là một âm rất xưa, khi mà phụ âm cuối C [k] của nó chưa chuyển thành CH [c]. Đây cũng chính là chữ bạc trong vàng bạc.
3. Bặm trong bụi bặm: TĐTLTV đã ghi nhận bụi bặm nhưng lại chuyển chú vế bụi bậm mà giảng là “bụi bẩn (nói khái quát)”. Thực ra, chính bụi bặm mới là hình thức chính tả thông dụng. Mà bặm cũng không phải là một yếu tố láy vì đây là một từ (ít nhất là một hình vị) tiếng Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [湴], mà âm Hán Việt hiện hành là bạm. Đây là một chữ thuộc vận mục hãm [陷], vận bộ hàm [咸] trong Quảng vận. Thiết âm của nó là “bồ giám thiết” [蒲鑑切]. B[ồ] + [gi]ám = bạm (bồ mang dấu huyền thì bạm phải mang dấu nặng). Quan hệ ngữ âm AM « ĂM giữa bạm và bặm còn có thể thấy với một số trường hợp khác như: - (hổ thị) đam đam « (nhìn) đăm đăm; - tàm trong tàm tang « tằm trong tơ tằm; - thám trong do thám « thăm trong thăm dò. Vậy bặm không phải là một yếu tố láy.
4. Bảy trong bóng bảy: TĐTLTV cũng ghi nhận bóng bảy và giảng là “1/ Có vẻ đẹp hào nhoáng bề ngoài” và “2/ (Lời văn) có nhiều hình ảnh, trau chuốt và có sức gợi cảm”. Quyển từ điển này cũng xem bảy là một yếu tố láy nhưng thực ra thì đây là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [斐] mà âm Hán Việt hiện hành là phỉ, mà nghĩa gốc là “có màu sắc rực rỡ”, rồi nghĩa bóng là “văn vẻ, bay bướm”. Bảy « phỉ thì cũng hoàn toàn giống như bay « phi. Mối quan hệ giữa B « PH cũng từng được Vương Lực chứng minh và khẳng định tại thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290 - 406). Còn giữa I « AY thì: - di [移] trong di chuyển « day trong day qua day lại (của phương ngữ Nam bộ); - ly [離] trong phân ly « lay trong lay chuyển, lung lay; nghi [宜] trong thích nghi « ngay trong ngay thẳng...
5. Bao trong bảnh bao: TĐTLTV ghi nhận bảnh bao với nghĩa “(Ăn mặc) sang, trau chuốt, tươm tất, có vẻ trưng diện”. Nhưng bao cũng chẳng phải là một yếu tố láy, còn bảnh bao chẳng qua là điệp thức của hai chữ Hán bính bưu [炳彪], mà Hán điển (zdic.net) giảng là “ban lan đích hổ văn” [斑斓的虎纹], nghĩa là “những cái vằn tươi sáng, rực rỡ [trên lông] hổ”. Hai chữ này còn có một hình thức đảo là bưu bính [彪炳] mà Việt - Hán thông thoại tự-vị của Đỗ Văn Đáp giảng là “rực rỡ”.
Ở đây, bảnh hiển nhiên là một từ độc lập. Còn về hiện tượng bao là điệp thức của bưu [彪] thì ta có một trường hợp tương tự sát sườn với nó là chữ bảo [寳] trong bảo vật cũng đọc bửu theo tương quan AO « ƯU (không kể đến điệp thức báu, như trong châu báu). Vậy bao không phải là một yếu tố láy và bảnh bao vốn là một cấu trúc đẳng lập do bảnh và bao hợp thành.
6. Bối trong bối rối - Từ điển Từ láy tiếng Việt (TĐTLTV) ghi nhận bối rối và giảng là “Gặp tình huống bất ngờ, chưa kịp chuẩn bị đối phó, chưa biết nên làm thế nào”.
Lời giảng này hiển nhiên mặc nhận rằng bối là một yếu tố láy (còn nghĩa của rối thì đã rõ). Thực ra đây là một yếu tố Hán Việt, mà chữ Hán là [哱]. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cho biết đây là một chữ thuộc vận mục đội [隊] và thanh mẫu bang [幫] và cho thiết âm của nó là “bổ môi/muội thiết” [補妹切]. B[ổ] + [m]ội = bối (Bổ dấu hỏi thì bối phải theo dấu sắc chứ không phải dấu nặng). Quyển từ điển này cho nghĩa của nó là “loạn dã”, nghĩa là “rối vậy”. Đây chính là hình vị bối trong bối rối, chứ không phải là một âm tiết láy. Chúng tôi đã có lần nói bối có nghĩa là “búi”, là “nùi” và bối rối là “cái búi, cái nùi bị rối” (!). Nay xin cải chính.
7. Cáp trong cứng cáp - Cứng cáp cũng được TĐTLTV thu thập vì mặc nhận rằng cáp chỉ là một yếu tố láy, nghĩa là một âm tiết vô nghĩa. Cáp là một yếu tố có nghĩa đấy. Đây là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [砝]. Chữ này có hai âm: kiếp và cáp. Với âm kiếp, nó có nghĩa là “cứng, rắn” còn với âm cáp thì nó chỉ tiếng đá (vang, kêu). Tiếng Việt đã dùng âm cáp để chỉ nghĩa “cứng, rắn”. Chú ý: Chữ [砝] còn có một âm nữa là pháp.
8. Chạ trong chung chạ - Đây không phải là chữ chạ trong làng trên chạ dưới. Với chữ chạ này thì chung chạ (nếu có người dùng) chỉ có nghĩa là “cùng làng cùng xóm, cùng quê hương với nhau”. Còn chung chạ ở đây thực chất là một tổ hợp có tính chất xấu nghĩa (pejorative), dùng để chê bai sự ăn chung ở lộn. Ở đây, chạ bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ tạ [藉] trong lang tạ [狼藉]. Lang tạ có nghĩa là “(ăn ở, sinh hoạt) bừa bãi”, thường được dịch sang tiếng Anh là “in complete disorder”. Về tương quan T CH, ta còn có: - chạc, thừng bện bằng lạt tre, nứa tạc [笮], thừng bện bằng tre; - chép trong chép miệng táp [咂], đớp; chỉ dáng miệng cử động...
9. Chang trong chói chang - Đây cũng chính là chữ chang trong nắng chang chang. Vậy nó không phải là một yếu tố láy (vì hiện diện trong hai cấu trúc khác nhau với cùng một nội dung ngữ nghĩa). Chang chang chỉ “(ánh nắng) gay gắt tỏa đều ra chung quanh”.
10. Chỉ trong chăm chỉ - Chỉ là điệp thức của hình vị Hán Việt chí [覟], có nghĩa là “nhìn kỹ”.
11. Chút trong chăm chút - Chút là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𧠫,眰] mà âm Hán Việt là chất, có nghĩa là “nhìn”. Chút là âm xưa của chất, cũng như bụt là âm xưa của phật. Chữ [筆] mà đọc bút là đọc theo một âm rất xưa còn tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay vì âm Hán Việt hiện đại của nó phải là bất. Lụt trong lụt lội là âm rất xưa của chữ lật [塛], có nghĩa là “tắc, nghẽn” (vì tắc, nghẽn làm cho nước không thoát được nên mới sinh ra lụt).
12. Cọ trong cãi cọ - Cãi thì khỏi nói. Còn cọ ở đây cũng chính là cọ trong cọ xát mà nguyên từ (etymon) là cự [拒], có nghĩa gốc là “chống lại”, rồi một vài nghĩa phái sinh “nhẹ” hơn như “từ chối”, “phản đối”... Về quan hệ Ư O giữa cự và cọ, tuy ít nhưng ta vẫn có: - hư [噓, 歔] là “thổi; thở hắt ra” ho trong ho hen (khái [咳] chỉ có nghĩa là “ho” chứ không liên quan gì đến ho về từ nguyên); - lự trong tư lự lo trong lo lắng; -ngữ là nói ngỏ trong ngỏ lời.
13. Cỏi trong kém cỏi - Cỏi là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [寡], mà âm Hán Việt hiện hành là quả, có nghĩa là “ít ỏi, không đáng kể”. Về mối quan hệ giữa WA (trong quả, loa, tọa,...) với OI, ta còn có: - ngõa [瓦], là ngói ngói trong gạch ngói; - quá [過] khỏi trong khỏi bệnh; - thoa [梭] thoi trong con thoi; - thỏa [椭] vật có hình tròn (hình trụ) mà hơi dài thỏi trong thỏi sắt.