29/9/19

Thuyền say




THUYỀN SAY

Cứ tưởng thuyền anh không chở gió
Mà sao lòng chật những mênh mang
Hay em thà như con nước nhỏ
Dâng ngập thuyền anh ngập ánh trăng

Phẳng lặng quá cuộc đời cũng chán
Mấy ngàn năm ngồi đợi gió sang
Thì cứ thổi cho ngày địa chấn
Mang kẻ chán đời lại trần gian

Vẫn là anh khô gầy bóng dáng
Lếch thếch lang thang kẻ không nhà
Hành khất một khung trời dĩ vãng
Lặng lẽ đi về rợn thây ma

Ở đây có ngàn thông hoa lá
Có sông trôi cho ngấn nước nhoà
Có phù du nhắc hoài mây xoã
Có bến bờ đợi bóng thuyền qua

Anh đừng ngại rêu buồn trên đá
Gió trên thuyền khi đầy khi với
Chỉ hương ấy muôn đời phóng tỏa
Ủ mấy phương trời chẳng tả tơi

Em có lỡ mang thân sóng tới
Hãy niệm tình làm chiếc thuyền say
Đời biết bao lần còn đắp đổi
Biển rộng bao giờ gặp thuyền say?

Nguyễn Thị Thanh Bình.


Hoài niệ, sơn dầu của Ái Lan

25/9/19

Cõi tôi

Cõi đời đó, có chi đâu!



cõi tôi
gửi Nguyên Sa

cõi tôi, cõi nát, cõi tàn
cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua
cõi vui thân thể cỗi già
cõi lang thang mượn mái nhà hư, không
cõi xanh, cõi lạnh, cõi cùng
cõi con, muốn bỏ, cõi chồng, vợ, xa
cõi em muốn dạt chân về
cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên
cõi nào, cõi thật ? tôi riêng ?
cõi đêm máu, chảy, cõi thương nhớ, trùng
cõi tôi, cõi mịt, cõi mùng
thôi em có ghé xin đừng nghỉ, lâu
cõi đời đó, có chi đâu!
(1-1977)

du tử lê

20/9/19

Tạ tình

Hôm trước nghe lại Xa Khơi, bài hát gắn liền với tên tuổi Tân Nhân (1932-2008), nổi tiếng từ thời 195x. Chuyện tình của cô với nhac sĩ Hoàng Thi Thơ (1929 - 2001) chắc nhiều người cũng đã nghe: Hai người cùng quê Quảng Trị, đi kháng chiến cùng hoạt động văn nghệ quen biết nhau, yêu nhau. Trong một lần Hoàng Thi Thơ về nhà xin tiền định đưa cô theo ra Hà Nội học Văn Khoa thì biết tin hai người anh vừa mới bị Việt Minh giết. Ông bỏ kháng chiến vào Sài gòn, mang theo hai người cháu mồ côi (chính là tỉ phú Hoàng Kiều và nhạc sĩ Hoàng Thi Thao sau này). Tân Nhân bụng bầu vẫn tiếp tục theo kháng chiến, tập kết ra Bắc; về sau lấy người khác, con cái thành đạt, bản thân cũng có nhiều danh vọng ..

Hoàng Thi Thơ vào Sài gòn ban đầu đi dạy tiếng Anh, dạy nhạc kiếm sống, về sau lập ban nhạc, tổ chức Đại nhạc hội, mở phòng trà .. Ông là một trong những nhạc sĩ thành công nhất ở Nam bấy giờ, từng đại diện VNCH dẫn những đoạn ca nhạc đi giao lưu văn hóa ở nhiều nước: Thái, Nhật, Đài Loan, Singapore, Anh, Pháp, .. Ông đang dẫn đoàn lưu diễn ở Nhật thì xảy ra sự kiện 30/4/75. Ông qua Mỹ định cư từ đó. Ông và Phạm Duy là hai nhạc sĩ từng bị tuyên án tử hình trên đài Giải Phóng. Sau 1975 cả một thời gian dài nhạc phẩm của hai ông bị cấm tuyệt. Từ 199x lệnh cấm mới cởi bỏ dần ..
Hoàng Thi Thơ sáng tác nhiều, được số đông thính giả ưa thích. Ông hình như cũng là người đầu tiên ở VN tổ chức các đoàn ca nhạc kịch, hát có múa minh họa ..

Nhớ hồi bé, trong các buổi ca kịch ở quê, bao giờ cũng nghe các anh chị biểu diễn bài Gạo Trắng Trăng Thanh, bọn con nít hay chế lại thành

Ai đang đi, trên cầu ga,
rớt xuống sông ướt cái quần nilon
Vô đây em, đợi quần khô anh sẽ đưa em về ..



Giờ nghe lại, thấy như hiện ra trước mắt không khí thanh bình thuở ấy: Bấy giờ trong làng chưa có máy xay, nên vào các đêm trăng, người ta tổ chức xay lúa giã gạo (vừa mát, vừa tiết kiệm dầu đèn). Các anh chị vừa làm vừa hò hát, bọn con nít chúng tôi cũng chơi đủ trò quanh quẩn gần đó, để chực chén chè đậu, chén cháo gà hay mấy củ khoai lang .. đãi thợ.

Giờ nghe lại thì thấy thích. Nhưng thời thanh niên thiệt tình rất ghét. Nghĩ cũng buồn cười, giờ lớn tuổi, nghe gì cũng thấy ít nhiều có cái hay. Thời trẻ thì không thế, gì cũng hoặc yêu hoặc ghét, ko có con đường thứ ba, chiết trung, yêu một tí ghét một tí .. Nhạc Việt thì chỉ nghe nhạc tiền chiến, nghe PD, TCS, TCP, LUP, NTM, .. ghét cay ghét đắng nhạc sến rũ rượi, hay nhạc rock điếc tai, nhạc twist nhảy nhót ồn ào .. Nói riêng, nhạc Hoàng Thi Thơ thì chế giễu là nhạc cà lăm!

Trên đồng lúa vàng, một bầy sơn ca. Trên đồng lúa vàng, chỉ mình đôi ta. Chỉ mình đôi ta, nhìn mây mây ngập ngừng. ..

Tôi yêu, yêu cô con gái với mái tóc huyền, má lúm lúm đồng tiền với nốt nốt ruồi, ruồi duyên, ..

Thuở ấy xa xưa có một nàng một nàng thiếu nữ. Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn. ..

Ô ! ô ! sáng hôm nay trên quê hương tôi, quê hương xinh xinh quê hương hữu tình, quê hương xinh xinh quê hương hòa bình, ..

Từ kiếp nào ta ngỡ bơ vơ
Người ân tình sao nỡ xa ta
Từ kiếp nào tình nỡ tình sầu
Và lòng thì ngỡ lòng buồn
Lòng ngỡ lòng buồn vì lòng tìm mãi tình hồng
Tìm mãi tình hồng mà tình thì mãi mịt mùng
Ai đi tìm ai suốt đời.
Ai đi tìm ai suốt đời ...

Thế, nhưng giờ nghe lại, nhiều khi tự nhiên nước mắt cứ rưng rưng .. buồn cười thế.





14/9/19

Hoa tím ngoài sân

Tối thứ bảy mưa rả rích. Lang thang, nghe được một giọng ca trẻ, xinh xinh ..



Bài hát của Thanh Tùng kể về nỗi nhớ nhung của một anh chàng với một người em cũ. Năm xưa em đến đây, mặt trời hồng tươi, và mấy chú chim trên cây khế hót vang .. Giờ thì bàn chân ấy đã lãng quên con đường nhỏ, để anh chàng kia đứng nhìn cây khế hoa tím rụng ngoài sân mà lòng bàng hoàng ..

Ai vội đi, để ai còn đứng đó
Tìm bàn chân ai, trong tiếng lá rơi ..

rồi thảng thốt kêu lên

Em đừng đi! Xin em đừng đi!
Vì ai đó còn chưa nói với ai điều gì ..

Nói gì nữa hả anh chàng kia, có ích chi đâu. Cô em ngày nào đã có con đường mới để đi, những bông hoa khác đón mời ..

Cuối cùng thì anh chàng nhận ra mình đang viển vông, mong nhớ những điều không thực. Nhưng sao lạ lùng, biết thế, nỗi nhớ vẫn mênh mông ..

Lòng người lạ lùng
Lòng hay thương nhớ những điều hư không
Để rồi một ngày
Một ngày nhớ thương
Hóa thành mênh mông
Đôi bàn chân nào
Làm hoa tím để hoa tím rơi đầy sân...

Clip trên có lẽ thu bằng smartphone ko được tốt, giọng ca sĩ rất tình cảm nhưng cứ bị nhòe đi trong tạp âm .. Nghe lại bài hát với giọng ca Bằng Kiều thu tốt hơn




12/9/19

Xa khơi

Hồi chiều đi chơi, trên xe bạn mở cho nghe một bài hát. Giọng ca làm rợn hết cả người. Tối nay về tìm mở nghe lại, người vẫn nổi gai. Là bài này, với cô ca sĩ này



Xa khơi được Nguyễn Tài Tuệ viết năm 1962 để tham gia cuộc thi sáng tác hưởng ứng phong trào Đồng Khởi ở miền Nam do Đài TNVN tổ chức.

Nội dung bài hát là nỗi niềm của cô gái nhìn con nục con măng tung tăng lội giữa hai bờ mà chạnh lòng về nỗi chia xa ..

Kìa biển rộng con nục con măng
Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng
Con chuồn còn bay nơi nơi
Con giang chiều gọi bạn đường khơi

Nhìn phương Nam con nước vơi đầy
Thương nhớ, nhớ thương anh ơi!

Bài hát được Tân Nhân thể hiện rất thành công, có lẽ do bài hát cũng nói lên nỗi niềm của chính cô - người đã chồng nhưng chưa kịp cưới của cô là Hoàng Thi Thơ bấy giờ đang ở nam .. Bài hát được thính giả rất yêu thích, đạt giải nhì (ko có giải nhất). Nhưng bị ách lại, vì bị phê bình là bài hát dù có nói lên được khát vọng thống nhất, nhưng thiếu tính tư tưởng, thiếu tính chiến đấu, thiếu tính sản xuất, .. Mãi đến sau 1975 bài hát mới được nhiều ca sĩ nổi tiếng cover, phổ biến rộng rãi.

Nguyễn Tài Tuệ chủ yếu viết nhạc ko lời, giao hưởng. Ca khúc chỉ có vài bài, Xa Khơi được coi là ca khúc để đời của ông. Xa Khơi cũng là ca khúc làm nên tên tuổi của Tân Nhân. Nghe lại giọng ca một thời




7/9/19

Có thương nhau mãi được không?

Nghe Lê Cát Trọng Lý hát



ai ơi nọong xương phai lài
ca ba sòong hâu chi hặc
căn lẩy lài pi bấu lê
.

Mùa thì đêm ngắn, nắng điên
Mùa thì mưa thấm, gió cay
Lòng người thay đổi
Như nắng mưa
đêm ngày

Cũng như thời thì tem phiếu đói đen
Thời thì sung túc đến quên
Người còn ai oán
Mình còn chân ướt
Đi từ trong buồn

Đồng nát sắt vụn bán đi
Đồng nát sắt vụn bán đi ..

---
mấy câu đầu theo lời ca phiên âm thôi, chả biết đúng sai. Nghe đâu là tiếng Thái, dịch ra tiếng Việt là
Anh ơi, em thương anh nhiều lắm.
Nhưng mà liệu hai ta có thương được mãi hay không?

3/9/19

khi cuộc tình đã chết


Khi cuộc tình đã chết
Còn lời nào cho vui ..



Nghe nhan đề bài hát, lại nhớ câu trong kịch Hamlet của Shakespeare: Oh love, oh life. Not life, but love in death. Ôi tình yêu ôi cuộc sống. Ko. Ko phải cuộc sống, mà là tình yêu trong cõi chết. Ca từ bài hát trích trong bài thơ của Du Tử Lê có nhan đề Lúc người chết.

LÚC NGƯỜI CHẾT

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy bóng tối
một hồn đầy hương phai
một hồn đầy gió nổi

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy mắt đỏ
mưa nối liền vai người
buồn nối liền thân tôi
tình nối liền nỗi chết

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy bão rớt
một hồn đầy điên mê
một hồn đầy mộ địa

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy môi người
một hồn đầy tóc rối
một hồn đầy máu tươi
một hồn đầy tay siết
một hồn đầy ngực thơm
chân đưa lời cáo biệt

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy côn trùng
một hồn đầy tháp chuông
ngân nga lời báo tử.

hãy mang đi hồn tôi
khi cuộc tình đã chết
còn lời nào cho vui
còn mắt nào cho tủi

hãy mang đi hồn tôi
một hồn đầy trái rụng
đời đã đời chia đôi
tình đã tình khốn nhục

trước khi người phải chết
nhớ một lần đêm nay
mưa đắp mềm vai người
buồn đắp mềm thân tôi
quanh ta đời đã lụn

(10-70)

Trước đó ông cũng có một bài thơ viết về cái chết

KHI NGƯỜI CHẾT TRẺ

Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt
hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia
cây súng nặng hai tay cầm chẳng xuể
lựu đạn thừa không lẽ tặng mẹ cha
hạnh phúc chưa bao giờ bốc đầy vốc tay chim sẻ
tình yêu cũng không ngoài trí tưởng vu vơ

hắn tự hỏi bây giờ vì sao hắn chết
chân lý thường chỉ hiện một lần
ở phút lâm chung

hắn chợt nhớ thì ra mình còn quá trẻ
chết, khi không, chết chả làm gì
nhưng quá muộn đã ngang tầm vĩnh biệt
hơi thở cuối cùng là ân thưởng mang theo

hồn đã đi nhưng mắt còn ngoái lại
nhìn vết chân mình
lắm kẻ đang theo

1967
Du Tử Lê

Hơn nửa thế kỉ qua, ngồi đọc lại bài thơ, thấm hết nỗi buồn chiến tranh. chết, khi không, chết chả làm gì. Bên thắng cuộc hay bên thua cuộc cũng vậy thôi, những người chết, khi không, chết chả làm gì. Nỗi đau họ để lại cho người thân yêu cũng đã nguôi ngoai, còn chăng chỉ là một thoáng kí ức mong manh.
Những năm cuối 196x là những năm chiến tranh khốc liệt. Người thành phố lần đầu thấy xác chết nằm vương vãi trên đường phố, bên hè nhà, của cả hai bên. Và người ta bỗng dưng ngẫm ngợi nhiều về cuộc sống, về cái chết, về tình yêu, về thân phận ..
Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt / hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia.
Ý thơ này sẽ được Du Tử Lê nhắc lại trong bài thơ Khúc Thụy Du viết một năm sau đó (1968), được Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nghe lại bài hát Khi cuộc tình đã chết qua tiếng hát Quỳnh Giao