Nay định học lại, nhân tiện học luôn cả giản thể, và âm Bắc Kinh. Học giản thể, để tiện tra cứu các tài liệu chữ hán trên mạng, phần lớn viết bằng giản thể. Học âm Bắc Kinh để, nếu có hứng, học vài câu đàm thoại tiếng Tàu, biết thêm một ngoại ngữ, cũng hay..
Nhớ cụ Nguyễn Hiến Lê có dạy, rằng cái gì chưa biết rõ thì hãy viết về nó. Nên tôi sẽ tự soạn tài liệu để học. Nội dung tập tài liệu này đại khái sẽ như sau:
1. Âm, vần tiếng Tàu. Phiên âm pinyin.
2. Lục thư. Giới thiệu 6 cách cấu tạo chữ Hán.
3. Bộ thủ. Ý nghĩa, công dụng. Giới thiệu vài bộ thủ.
4. Bút thuận. Các qui tắc viết chữ Hán.
Sau bốn bài mở đầu, bắt đầu từ bài thứ 5, mỗi bài sẽ giới thiệu một từ ghép, một thành ngữ, một câu danh ngôn hay một bài thơ, một đoạn văn .. thông qua đó, sẽ giới thiệu từ mới. Mỗi bài học sẽ có khoảng từ 5 -10 chữ mới.
Mai sẽ bắt đầu học.
Trình bày rõ như thế, để ai thấy thích, hợp thì xin mời vào cùng học cho vui.
Trên bài, có mấy chữ in nghiêng, ý nghĩa chắc nhiều người đã biết. Dù vậy, cũng xin nói qua chút, để tiện theo dõi các bài sau, .
Chữ Hán, chữ Nho, chữ Nôm
Chữ Hán là chữ của người Hán (người Tàu, người Hoa, người Trung Quốc). Người Việt thường gọi là chữ Nho, vì trước đây người Việt dùng thứ chữ này để học kinh thư đạo Nho.
Chữ Nôm là chữ do người Việt đặt ra, dựa trên chữ Hán, để ghi âm tiếng Việt.
Người Hàn (Triều) người Nhật xưa cũng như người Việt, dùng chữ Hán và đọc theo cách của mình; ở Hàn gọi là Hanja, ở Nhật gọi là Kanji. Về sau hai nước cũng đã tạo ra được bộ kí tự riêng của mình, nhưng chữ Hán vẫn tiếp tục giữ vai trò đáng kể. Hiện nay ở Nhật cũng như ở hai miền Hàn quốc, học sinh phổ thông được quy định phải học ít nhất khoảng 2 ngàn chữ Hán.
Âm Hán Việt
Tiếng Hán Việt là tiếng Việt có nguồn gốc là tiếng Hán được du nhập vào đời Đường, tức khoảng thế kỉ thứ IX, bấy giờ quan lại nhà Đường trực tiếp cai trị nước ta. Từ đầu thế kỉ thứ X, VN giành được độc lập, không còn học trực tiếp với người Tàu nữa, nên không cập nhật những biến đổi ngữ âm của họ, mà giữ nguyên cách đọc thời Đường, được Việt hóa ít nhiều cho phù hợp ngữ âm Việt, lưu truyền đến ngày nay, tạo ra lớp từ vựng gọi là tiếng/từ Hán Việt.
Những tiếng Hán du nhập trước đó không đọc theo âm Đường thì gọi là tiếng Hán Việt cổ, ví dụ xưa (âm Hán Việt: sơ), bố (HV: phụ), buồng ( Hán Việt: phòng); nhen (âm HV: nhiên) ...
Những tiếng Hán du nhập sau đời Đường, đọc theo phương ngữ nào đó của Tàu, như mì chính (HV: vị tinh), màn thầu ( HV Man đầu) cũng không được coi là tiếng Hán Việt.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ Hán Việt chiếm khoảng hơn 70% kho từ vựng tiếng Việt.
Âm Hán Việt là âm người Việt đọc các từ Hán Việt này. Có thể nói cách khác: Âm Hán Việt là âm đọc chữ Hán đời Đường, có bị biến đổi ít nhiều do ảnh hưởng ngữ âm tiếng Việt.
*
wow, cuối cùng rồi cũng đã bắt đầu thực hiện lời hứa đã lâu với nhiều bạn. Hứa, để có động lực thúc đẩy làm việc, nhưng vẫn lần lữa đến giờ. Sorry!
https://i.pinimg.com/564x/f8/7c/bf/f87cbf5ef58296aa68780695801609c4.jpg
Trả lờiXóaChúc mừng ngày 20/11 của anh & của Linh Giang ! :)
Thật vui, thật hạnh phúc nhé ! ♥♡♥♡♥♡♥♡
tks em.
Xóa