13/10/23

Giỗ

 GIỖ: ĐỂ LÀM GÌ, NGÀY NÀO?


Giỗ, tức làm lễ kỉ niệm người thân đã mất, là một truyền thống văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó có người Việt; dù theo đạo Khổng, đạo Phật, đạo Công giáo .. , cả với những người thấy ghi trong lí lịch là không theo đạo nào. Phan Kế Bính trong Phong tục Việt Nam ghi nhận về phong tục này:

"Ngày giỗ cụ kỵ, ông bà, cha mẹ, gọi là ngày kỵ nhật. Chiều hôm trước là cúng tiên thường, hôm sau mới là ngày chính kỵ. Các giỗ xa (cụ kỵ ông bà) thì sắm sửa con gà, ván xôi hoặc một vài mâm cỗ, trước cúng gia tiên, sau con cháu sum họp ăn uống với nhau. Còn về ngày giỗ cha mẹ thì tục thường làm phong hơn".


ĐỂ LÀM GÌ

Theo đoạn trích trên, giỗ nhằm hai mục đích 

+ cúng gia tiên. 

Truyền thống văn hóa nào cũng đề cao chữ hiếu, tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhưng mỗi truyền thống có những cách thể hiện khác nhau. Với nhiều người Việt, là vào ngày giỗ làm mâm cơm cúng gia tiên, thắp nén nhang, mời người đã khuất về hưởng với con cháu, thể hiện lòng thành kính, biết ơn. Thật ra ngày nay, có lẽ ít người còn tin rằng người thân đã mất có thể về ăn cùng. Nhưng mâm cơm cúng vẫn rất được trân trọng, từ chọn nguyên liệu, đến nấu nướng đều giữ thanh khiết nhất có thể. 


+ con cháu sum họp ăn uống. 

Ngày giỗ cũng là dịp để con cháu sum họp. Ngay cả ngày xưa, khi đa phần người trong họ hàng, gia đình cùng sống trong một làng, cùng làm ruộng với nhau, thì những dịp con cháu sum họp đông đủ cũng không dễ có. Nói chi ngày nay, con cháu mỗi người một việc, dẫu sống cùng làng, cùng thành phố cũng khó gặp mặt. Ngoài ngày tết, và ngày giỗ. Ngày tết thì chung cả làng, cả nước. Ngày giỗ mới là ngày riêng của mỗi gia đình, họ tộc.  

Vào ngày giỗ, anh em con cháu mỗi người một tay phụ nhau chế biến, nấu nướng, dọn mâm .. lễ bái rồi ăn uống chuyện trò. Điều ấy tạo nên sự gắn bó, tình cảm giữa các thành viên, bởi giữa họ có những cái chung cùng nhau chia sẻ. Ngẫm ra, đây chẳng phải cái mà ngày nay gọi là teambuilding?


NGÀY NÀO?

Cũng trong đoạn trích trong sách Phong tục Việt Nam ở trên, và nhiều sách khác, giỗ vị nào thì làm vào ngày mất của vị ấy, thường tính theo âm lịch. Riêng với nhiều người Công giáo thì tính theo dương lịch. 

Với những lễ giỗ lớn, thì chiều hôm trước ngày giỗ chính, còn có lễ tiên thường. Đây là từ Hán Việt, tiên = trước, thường = nếm; tiên thường = nếm trước. Trong lễ này, ngoài hoa quả, người ta thường làm một cộ xôi gà cúng, mời các ngài về nếm trước. Đây cũng là lúc con cháu tới góp lễ, đặc biệt với những gia tộc có ruộng hương hỏa, thì đây là lúc người nhận làm ruộng ấy đem lễ vật theo ước định tới, mọi người kiểm tra lần chót và sắp xếp công việc cho lễ cúng hôm sau. Và đó, có lẽ mới là mục đích chính của lễ tiên thường. 

Lễ tiên thường thường chỉ có với những giỗ lớn của họ, hay chi, phái. Còn với đa số gia đình, giỗ chỉ tổ chức trong một ngày. Nhiều gia đình tổ chức giỗ vào ngày mất, theo đúng sách vở như đã nói trên. Nhưng nhiều gia đình lại làm giỗ trước ngày mất một ngày. Một số người giải thích là làm vào ngày sống, để có thể ăn! (Thế những vị bệnh nhiều ngày ko ăn được mới mất, thì sao?)

Ngoài ra còn có lệ hiệp kị, tức là gộp nhiều đám giỗ gần ngày nhau vào làm chung. Cũng là để tiện cho con cháu, chứ trong năm bảy ngày mà làm một đám giỗ thì ngay cả ăn cũng không có thời gian, sức lực.

Vậy là, ngày giỗ có thể là ngày mất, hay trước ngày mất một ngày, thậm chí trước/sau ngày mất dăm bảy ngày (như khi hiệp kị); tính theo âm lịch, hoặc theo dương lịch (như với nhiều người theo công giáo). Giỗ ngày nào, chỉ là quy ước. Mà thật ra, lịch âm hay dương, tháng thiếu hay đủ, năm nhuận hay không nhuận, đều là những quy ước do con người đặt ra cả. Ai có chút ít tìm hiểu về lịch pháp đều biết âm lịch ngày nay lấy tháng dần làm tháng đầu năm (tháng giêng) - gọi là lịch kiến dần. Xưa hơn, âm lịch vốn là lịch kiến tí, tức lấy tháng mười một làm tháng đầu năm - điều này được thể hiện rõ qua tên gọi: tháng Tí (Tí là tên con giáp đầu tiên trong 12 con giáp) hoặc tháng Một (Xưa ta gọi tháng 11 là tháng Một, tháng 12 là tháng Chạp, tháng 1 là tháng Giêng). Và ngay lịch kiến dần đang dùng cũng từng được sửa chữa nhiều lần.  trong đó lần sửa chữa lớn gần nhất là dưới thời nhà Thanh, với sự giúp đỡ của những vị thừa sai tây phương. Ở VN cũng từng có thay đổi lớn vào những năm 196x, mà kết quả như ta đã biết, ngày Tết Mậu Thân giữa miền nam (sử dụng lịch cũ) và miền bắc (theo lịch mới thay đổi) đã chênh nhau 1 ngày. Dương lịch cũng vậy, đã nhiều lần thay đổi. Lịch ta dùng hiện nay, lịch Gregorius được sử dụng từ cuối thế kỉ XVI. 

Người Việt chúng ta bị nhiễm thói quen coi ngày coi giờ nhiều quá, nên một cách vô thức gán cho ngày giờ những ý nghĩa huyền bí mà bản chất vốn không có, vì như đã nói trên, ngày giờ thực chất chỉ là những quy ước trong các cộng đồng. 

Nói riêng, ngày giỗ, như đã thấy, là quy ước giữa những người thân thuộc. Ngày xưa, khi bà con thân thuộc hầu hết đều cùng sống trong làng, cùng làm nông, giỗ ngày nào cũng không gây khó cho ai. Ngày nay, tình hình đã khác. Con cháu phần lớn đều làm việc trong cơ quan, công ti công/tư. Nên không dễ gì nghỉ việc để ăn giỗ, nếu ngày giỗ là ngày làm việc trong tuần. Và nếu giỗ mà không có con cháu, thì lấy ai tưởng nhớ tổ tiên, chẳng lẽ chỉ có mấy ông bà già không còn làm gì được tưởng nhớ? Và còn dịp nào để anh em con cháu sum họp? Anh em bà con ruột rà gần gũi đến mấy, lâu ngày không gặp, tình cảm chắc chắn cũng nhạt dần.

Vì vậy, ngày giỗ nếu theo đúng truyền thống rơi vào ngày làm việc trong tuần, thì nên chăng, dời đến ngày chủ nhật gần nhất? Ai còn lưu luyến với ngày giỗ cũ thì đúng ngày ấy, có thể thắp mấy nén nhang.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)