13/1/24

Có nên dạy chữ Hán ở trường phổ thông

Boristo Nguyên

Dạy chữ Hán ở trường phổ thông là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, có các quan điểm đối lập nhau. Không ít người phản đối, trước hết vì họ coi bỏ chữ Hán là cách thoát Trung, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung quốc, cả về chính trị và văn hóa. Tâm lý dị ứng với tất cả những gì của Trung Quốc là dễ hiểu vì cả trong quá khứ lẫn hiện tại, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có không ít phức tạp. Tuy nhiên, những gì viết ở đây hoàn toàn không liên quan đến chính trị. Chúng chỉ là những suy nghĩ cá nhân, thuần túy từ góc nhìn mang tính học thuật.

Bài viết được trình bày dưới dạng câu hỏi và trả lời.
– Hỏi: Có cần dạy chữ Hán ở trường phổ thông?
– Trả lời: Câu hỏi mấu chốt này có liên quan đến một loạt các câu hỏi khác. Trước hết, đó là câu hỏi tại sao lại phải dạy chữ Hán? Có 2 lý do được đưa ra: sự đứt gãy văn hóa và hiện trạng hiểu sai, nói sai và viết sai tiếng Việt. Chuyện đứt gãy văn hóa ai cũng hiểu nhưng tầm quan trọng của nó chắc nhiều người chưa để ý đúng mức. Gạt bỏ chữ Hán con cháu ngày nay không hiểu cha ông đã viết gì, nghĩ gì. Bao nhiêu tinh túy văn hóa, những kinh nghiệm mà cha ông chắt lọc được lưu lại trong thư tàng, văn học viết, rồi cả bề dày lịch sử sẽ bị chặn bởi rào cản ngôn ngữ khiến chúng ngày càng xa mờ. Điều gì sẽ xảy ra khi một dân tộc quên dần, đánh mất lịch sử của chính mình? Những bài học, những giá trị về văn hóa, đạo đức mà cha ông đúc kết hay tiếp nhận dần bị gạt bỏ. Sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay, nhiều giá trị truyền thống bị đảo ngược có nguyên nhân không nhỏ chính từ sự quay mặt với truyền thống, với văn hóa của cha ông. Việc đứt gãy văn hóa đã tạo ra những hậu quả trầm trọng, những hậu quả hiện đang tác động xấu lên xã hội chứ chẳng phải chờ đâu xa. Vụ học trò lăng mạ tấn công cô giáo mà báo chí đăng tải gần đây là một ví dụ.
Đấy là chưa nói chuyện hiểu sai, nói sai và viết sai tiếng Việt. Trong kho từ vựng tiếng Việt từ Hán Việt chiếm đến 70% vốn từ. Việc hiểu sai từ Hán Việt dẫn đến hiểu sai, viết sai tràn lan, không chỉ ở người dân thường mà ngay cả ở các nhà văn, các nhà khoa học. Và cũng vì không thạo chữ Hán mà đã xảy ra những chuyện cười ra nước mắt. Chuyện viết sai, lắp lộn chữ trong câu đối như trong hình 1. là một ví dụ. [2]
Hình 1. Viết sai, lắp lộn chữ trong câu đối
– Hỏi: Vậy vấn đề thoát Trung thì thế nào?
– Trả lời: trước hết, ta nói về nguyên nhân. Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có không ít khúc mắc không chỉ trong quá khứ mà cả hiện tại. Chính vì vậy, nhiều người Việt có tâm lý thoát Trung, thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Với không ít người Việt bất cứ cái gì dính dáng đến Trung Quốc đều cần phải loại bỏ, kể cả văn hóa và chữ Hán. Tuy nhiên, dù muốn hay không, có một thực tế là cho tận đầu thế kỷ 20 các văn bản và văn học viết được viết bằng chữ Hán (đến thế kỷ 18), sau đó là chữ Nôm. Chữ Hán là vật mang, hòa quyện vào văn hóa Việt thành một thể thống nhất. Liệu có thể bóc tách, vứt bỏ chữ Hán chỉ giữ lại văn hóa Việt? Hay để thoát Trung ta thoát nốt cội nguồn, lịch sử của chính mình?
Dọc theo chiều dài lịch sử, Việt Nam tiếp nhận và chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Quốc, bao gồm cả Nho giáo. Nho giáo chiếm một vị trí quan trọng, nó tạo ra hệ thống giá trị về đạo đức làm nền móng để quản lý và giữ trật tự xã hội thông qua con đường đức trị. Nho giáo như một triết lý, một hệ tư tưởng ngày nay đã trở thành lạc hậu, cản trở sự phát triển xã hội thì cần bị loại bỏ. Cái gì lỗi thời, lạc hậu thì vứt bỏ, chẳng hạn như tư duy giáo điều, chế độ thi cử hay cách dạy-học lạc hậu… Tuy nhiên, một học thuyết mà tồn tại hàng nghìn năm chắc có không ít điều vẫn còn giá trị. Những giá trị phổ quát, vượt thời gian. Vì thoát Trung mà vứt bỏ chữ Hán và toàn bộ những gì được cha ông tiếp nhận mà không biết “gạn đục khơi trong”, giữ lại những điều tốt đẹp là cách làm không khôn ngoan. Chính cách ứng xử này đã phá vỡ nền tảng đạo đức truyền thống và là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự tha hóa xã hội. Quan hệ gia đình trở nên mong manh dễ tan vỡ, đạo đức nhà trường bị xuống cấp, quan hệ thày trò truyền thống bị phá vỡ … là những ví dụ về hệ quả của việc hệ giá trị (đạo đức) bị đảo lộn. Xã hội hiện đại cần được quản lý qua pháp trị, mô hình tổ chức cao hơn đức trị nhưng cũng cần giữ lại những gì tốt đẹp của đức trị để bổ sung, hỗ trợ giúp cho việc giữ gìn nền tảng đạo đức xã hội. Xã hội khó có kỉ cương nếu chỉ dựa vào luật pháp mà loại bỏ cái neo gìn giữ đạo đức, những giá trị mà dân tộc sử dụng cả nghìn năm.
Thoát Trung không đơn thuần chỉ là câu chuyện liên quan đến cảm xúc, tâm lý mà là chuyện liên quan đến chính trị, đường lối ngoại giao. Thoát thế nào, thoát cái gì, giữ cái gì, cách thức thế nào cho tối ưu là vấn đề không hề đơn giản. Tuy nhiên thoát Trung không phải là chủ đề chính thảo luận ở đây. Tôi chỉ muốn nói thêm một chút. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là các nước phát triển và không thể nói họ nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không chuyển sang chữ chữ Latin, Đài Loan vẫn dùng chữ Hán. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông với một số lượng từ không nhỏ. Họ đều sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Các nước này phát triển nhưng không nhất thiết thoát Trung phải theo cách cực đoan, vứt bỏ tất cả những gì liên quan đến văn hóa Trung hoa.
– Hỏi: Cuộc tranh luận chữ Hán hay chữ Quốc ngữ “đã ngã ngũ từ hơn 1 thế kỷ trước” [3]. Ngày nay hầu hết đều cho rằng chữ Quốc ngữ là ưu việt hơn hẳn chữ Hán, là chữ viết mà người Việt đã lựa chọn thì quay lại chữ chữ Hán để làm gì?
– Trả lời: Cuộc tranh luận giữa chữ Hán và chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX nằm trong bối cảnh khác và nội hàm tranh luận cũng hoàn toàn khác. Câu chuyện được đặt ra lúc đó là chọn chữ viết nào và đi theo con đường nào? Chọn cái này mà bỏ cái kia. Cái được của chữ Quốc ngữ chắc ai cũng rõ. Tuy nhiên, mất mát cũng không nhỏ và không phải ai cũng để ý. Sự sa sút, xuống cấp của đạo đức xã hội nói ở phần trên là một ví dụ. Đây là sự mất mát không hề nhỏ. Còn nhiều mất mát lớn khác, có thể được tìm thấy, chẳng hạn, trong khảo luận “Truyền giáo và quốc ngữ” của Thụy Khuê [4].
Vấn đề dạy chữ Hán ở đây không phải là yêu cầu quay ngược lịch sử, thay chữ Quốc ngữ bằng chữ Hán. Đây không phải câu chuyện “ai thắng ai”, được cái này phải bỏ cái kia. Chữ Quốc ngữ vẫn là chữ chính thức được sử dụng, dạy thêm chữ Hán để giảm bớt sự hiểu, viết sai tiếng Việt và nhằm giảm thiểu việc đứt gãy lịch sử, giúp thế hệ trẻ trở nên gần gũi và hiểu hơn những gì cha ông để lại. Việc chữ Quốc ngữ hay chữ Hán, chữ nào tốt hơn, đáng dùng hơn chữ nào không liên quan đến những điều đang bàn ở đây.
– Hỏi: Có ý kiến cho rằng “ khắc phục sự đứt gãy văn hóa là việc của các chuyên gia Hán Nôm và chỉ cần họ là đủ để thực hiện sứ mệnh này” [3]. Nếu đúng vậy, cần gì phải dạy chữ Hán cho nhà trường phổ thông?
– Trả lời: Suy nghĩ kỹ một tí sẽ dễ thấy chỉ đội ngũ chuyên gia Hán Nôm không thôi sẽ không đủ để khắc phục việc đứt gãy văn hóa. Nói đến đứt gãy văn hóa là nói đến việc con cháu không tiếp xúc với di sản, không hiểu và ngày càng xa với cha ông (về tâm lý, suy nghĩ, lối sống…) ở phạm vi toàn xã hội. Gìn giữ di sản cha ông không chỉ đơn thuần là việc sưu tầm, lưu trữ, dịch thuật và giái mã các văn bản cổ,.. việc riêng của các chuyên gia chuyên ngành, một nhóm người của xã hội. Di sản của cha ông cần được phổ biến rộng rãi để mọi người có thể tiếp cận, tìm hiểu và có tâm thế hướng về cội nguồn cha ông. Rõ ràng, đây không chỉ là việc riêng của các nhà chuyên môn Hán Nôm. Mặt khác nhu cầu về đọc hiểu các văn bản cổ là rất lớn và đa dạng, từ phục vụ nghiên cứu lịch sử, chính trị ngoại giao, tín ngưỡng … đến việc tạo lập, khôi phục gia phả của các dòng họ. Văn bản chữ Hán không chỉ là những gì được lưu giữ tại các thư viện, trường đại học hay các viện nghiên cứu. Chúng còn có khắp nơi mà các chuyên gia chuyên ngành không biết đến, chưa nói đến việc dịch. Năm 1974 học giả Đào Duy Anh viết trong tựa sách Khoa Hư Lục: “Trong thư viện Khoa học xã hội hiện còn 11.795 cuốn sách Hán Nôm, gồm 10.609 cuốn sách chữ Hán (chỉ sách chữ Hán của Việt Nam) và 1.186 cuốn sách Nôm“ [5]. Hiện nay, tại thư viên Viện Hán Nôm đã có khoảng 20.000 đơn vị sách, hơn 48.000 đơn vị thác bản văn khắc và khoảng 20.000 đơn vị ván khắc in cổ [6]. Với số lượng đồ sộ như vậy, liệu đã bao nhiêu đã được dịch? Đấy là chưa nói đến chất lượng dịch, nhiều khi sai lệch, khác hẳn tinh thần với ý của người xưa. Ngay giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một chuyên gia nghiên cứu văn học cổ mà còn “nhầm kệ thành thơ”, hiểu sai thể loại văn bản bài “Tâm” của Phạm Thường Chiếu [7]. Kể ra như vậy để cho thấy việc tiếp thu di sản của cha ông ở bình diện xã hội không thể chỉ là công việc đơn thuần của các chuyên gia Hán Nôm.
– Hỏi: Có ý kiến cho rằng chữ Hán là tử ngữ nên không thể dạy tử ngữ ở bậc phổ thông.
– Trả lời: Chữ Hán gồm có tự (chữ viết), âm và nghĩa. Nói chữ Hán là tử ngữ là nói cho chung cả 3 thành phần nhưng âm và nghĩa thì không phải là chết. Hơn nữa, yêu cầu đặt ra không phải là dạy chữ Hán như một ngoại ngữ để giao tiếp với tất cả các kĩ năng: nghe, đọc, nói, viết. Thực chất, đây chỉ là dạy một số lượng từ không quá lớn để học sinh có thể hiểu nghĩa của các từ Hán Việt trong các tác phẩm văn học được dạy trong nhà trường. Ngữ pháp hầu như cũng không được dạy. Yêu cầu đặt ra là rất thấp. Tuy vậy, ngoài việc cung cấp một vốn từ tối thiểu, việc dạy chữ Hán này tạo cho học sinh những hiểu biết cơ bản để cần thì biết tự tra cứu, tự tìm hiểu và nếu có nhu cầu hay sở thích thì có thể tiếp tục học lên.
– Hỏi: Việc dạy chữ Hán có dễ làm học sinh có tâm lý quay lại Nho giáo, ảnh hưởng đến việc thoát Trung?
– Trả lời: Việc cho rằng việc học chữ Hán sẽ tạo ra tâm lý muốn quay lại với Nho giáo chỉ là suy nghĩ mang tính cảm tính, không được chứng minh. Hơn nữa, học chữ Hán chỉ ở mức tối thiểu, chỉ học những điều tốt đẹp mà cha ông để lại qua các tác phẩm văn chương dạy trong nhà trường thì khó có chuyện học sinh sẽ bị lôi cuốn, chịu tác động không tốt từ Nho giáo.
– Hỏi: Trong bài viết của mình PGS Nguyễn Hữu Sơn có đưa ra quan điểm “Học sinh phổ thông ngày nay cần thiết phải biết chữ Hán để tiếp thu đầy đủ và thuận tiện di sản văn hóa Hán Nôm của cha ông; nhưng điều đó chưa cấp thiết bằng việc trang bị cho các em những kỹ năng sống và kỹ năng làm việc “thời 4.0” cùng nhiều kiến thức thiết thực khác. Bởi vậy, đề xuất “học chữ Hán trong nhà trường phổ thông, từ bậc Tiểu học” chắc chắn không khả thi bởi không cấp thiết và thiếu nguồn lực giáo viên. Ngay như đội ngũ giảng viên các ngành văn hóa, văn học truyền thống dân tộc bậc đại học hiện nay còn chưa nắm vững chữ Hán.” [3]. Vậy nghĩ thế nào về ý kiến này?
– Trả lời: Tại sao lại cần dạy chữ Hán ở trường phổ thông thì những trao đổi ở trên cũng đã trình bày khá rõ. Trẻ em rất cần những kỹ năng sống và làm việc trong thời đại 4.0 nhưng những điều đó chưa đủ, nếu chẳng hạn, đạo đức xã hội bị xuống cấp, lịch sử cha ông dần bị quên lãng.
Một khi đã xác định là quan trọng và cấp thiết thì phải làm. Đó là logic! Quan trọng là phải bắt đầu. Không thể chờ khi có đủ điều kiện mới làm, điều này sẽ không bao giờ có. Vấn đề là làm thế nào? Ai cũng thích sự hoàn hảo, điều tuyệt đối nhưng trong cuộc sống tối ưu mới là quan trọng. Bài toán đặt ra cần giải quyết không chỉ phù hợp với mục tiêu mà cũng cần phù hợp với các điều kiện thực hiện. Dạy chữ Hán trong trường phổ thông không phải với mục đích cao, bắt học sinh giỏi chữ Hán, thành thạo mọi kĩ năng của một ngoại ngữ. Có thể dạy chữ Hán như theo đề xuất của GS Nguyễn Đình Chú: tích hợp với việc dạy các tác phẩm văn học có trong chương trình phổ thông. Chẳng hạn như bài “Nam quốc sơn hà” “cùng với việc phiên âm, dịch nghĩa, có thêm giải thích từng từ Hán Việt” [8]. Ta thấy ở đây, hầu như chỉ dạy từ, gần như không dạy ngữ pháp (có động một chút đến cấu trúc câu). Mỗi năm dạy cho học sinh vài chục cho đến không quá 100 từ. Đây là một đề xuất rất tối thiểu, chỉ là bước đầu cho họ làm quen, biết tự tra cứu từ điển, và sau này nếu cần có thể học tiếp. Với đòi hỏi này, sinh viên ngành văn các trường đại học sư phạm được học chữ Hán 6 học kì, nếu học tử tế chắc không khó để thực hiện. Tất nhiên, với phương châm “biết 10 dạy 1” khi chuyện dạy chữ Hán được thực hiện, việc nâng cao trình độ, bồi dưỡng giáo viên là việc cần phải làm. Điều này đúng không chỉ với việc dạy chữ Hán, mà với mọi môn học ở nhà trường phổ thông.
Moscow – Tp. Hồ Chí Minh – Hà Nội, 2024
*********
[1]. Chữ Hán: được hiểu là Hán – Hôm.
[2]. Facebook Anh Son Tran Duc. MỖI NGÀY MỘT BỨC HÌNH, 25-03-2023
Đã tốn tiền thuê người viết câu đối bằng chữ Hán, mà không chịu tìm cho ra ông thầu khoán biết chữ Hán để giám sát thợ nề ráp chữ, nên mới ra cơ sự như ri: 3 chữ lộn ngược, 4 chữ ráp sai vị trí. Nhớ lại cách đây mấy năm có ý kiến cho học sinh học thêm chữ Hán, thì cả nước rần rần phản đối. He he.
[3] Nguyễn Hữu Sơn. Cần thiết nhưng chưa cấp thiết. Văn nghệ số 14
[4] Thụy Khuê. Truyền giáo và quốc ngữ. Da Màu 22.11.2023
[5] Khóa Hư Lục của Trần Thái Tôn, Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, Nxb Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1974, trang 5.
[6] Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm
[7] Boriso Nguyen. ĐẠI ÁN VĂN CHƯƠNG “THƠ VĂN LÝ TRẦN” – NGUYỄN HUỆ CHI THẢM HẠI MỘT NHÂN CÁCH. Tuần báo VN Tp HCM, số 543, 544, 545
[8] Nguyễn Đình Chú. Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam.

nguồn: https://www.facebook.com/boristo.nguyen/posts/pfbid02MQFWTBcd7C72R7GpzHseENztahFn4QLGR65Unc6sMYCgurDTti1cTGp79VLuwfzvl?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)