Bản tóm tắt cuốn sách Hiệu Ứng Quỷ Dữ - The Lucifer Effect, Philip Zimbardo, dịch bởi https://tomtatsach.co/
Với nỗ lực tìm ra nguồn gốc của phần xấu xa trong mỗi con người, “Hiệu ứng quỷ dữ” tập trung đào sâu vào những góc tối trong tâm hồn chúng ta. Cuốn sách chỉ ra cách mà con người cân bằng giữa “thiện” và “ác” trong chính bản thân mình. Tuy nhiên, không phải bản chất con người chúng ta, mà là những tác động từ hoàn cảnh mới là thứ quyết định xem ta sẽ thiên về bên nào.
Cuốn sách sẽ giúp bạn mở mang kiến thức nếu:
Bạn hứng thú với tâm lý học và muốn hiểu hơn về bản chất con người
Bạn muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao những người tốt đôi khi lại làm việc xấu?
Người tặng bạn những thông tin tuyệt vời này là
Philip Zimbardo, giáo sư ngành Tâm lý học ở đại học Stanford, ông được biết đến rộng rãi với Thí nghiệm nhà tù Stanford. Ông đồng thời cũng là cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ. người gần như đã cống hiến cả đời để nghiên cứu về ranh giới giữa thiện và ác, những yếu tố nào có thể khiến một người chính trực làm những điều xấu xa. Một vài cuốn sách nổi tiếng khác của ông gồm Shyness và Psychology and Life (đồng tác giả).
Tại sao người viết lại muốn giới thiệu cuốn sách này đến bạn
Cuốn sách là thành quả sau quá trình nghiên cứu kéo dài 30 năm về nguồn gốc cái ác của giáo sư Zimbardo. “Hiệu ứng quỷ dữ” chứa đựng rất nhiều những nghiên cứu động trời về tâm lý học, đi sâu vào những phần đen tối nhất của con người, nhưng trên tất cả, lý thuyết mà tác giả muốn nhấn mạnh đó là những nhân tố làm biến đổi tâm lý, từ đó thay đổi hành vi của con người. Đồng thời qua đó, ông cũng thể hiện một cái nhìn đầy thấu hiểu và nhân văn.
Chương 1. Bạn sẽ được lợi ích gì khi tìm ra lí do tồn tại của phần đen tối trong con người mình?
Bạn đã từng nghe câu chuyện của Lucifer chưa? Lucifer từng là một trong những thiên thần được Thượng đế yêu quý nhất. Tuy nhiên, trong một lần lỡ phạm thượng, ông đã bị phạt đày xuống địa ngục cùng với những thiên thần phạm tội khác. Sau đó, ông dần dần trở thành Satan, hiện thân của mọi loài quỷ dữ trên hành tinh. Khi thậm chí một người thánh thiện có thể trở nên xấu xa khi ở trong những hoàn cảnh tốt hoặc xấu thì đó được gọi là hiệu ứng Lucifer (hiệu ứng quỷ dữ).
Tuy nhiên, không chỉ có duy nhất kinh thánh mới kể những câu chuyện về một thiên thần trở thành ác quỷ. Trong cuộc sống hàng ngày, dù là vùng chiến tranh hay hòa bình, chúng ta cũng đã đọc rất nhiều về trường hợp người bình thường gây nên những điều vô nhân đạo.
Xu hướng này vận hành như thế nào? Có phải nó chỉ đơn giản xảy ra như thế hay không? Bản tóm tắt này sẽ soi chiếu đến những phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người, nghiên cứu về những cơ chế, hoàn cảnh, và điều kiện gây nên hiệu ứng Lucifer.
Chương 2. Bất cứ ai đều có thể trở thành “ác quỷ”
Hãy nghĩ lại xem bạn đã từng lấy đồ của người khác lúc không ai để ý hay chưa? Hầu hết mọi người đều đã từng làm như vậy. Mặc dù đó không hẳn là hành vi xấu xa nhất, nhưng nó đã thể hiện rằng chúng ta rất dễ phát sinh những hành động mà bình thường bản thân không bao giờ làm nếu hoàn cảnh cho phép.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn cho rằng một số người sinh ra đã là thiên thần, trong khi có người sinh ra để trở thành một ác nhân. Nhưng sự thật rằng, ranh giới giữa cái thiện và cái ác hoàn toàn có thể bị vượt qua.
Trường hợp của Ivan “Chip” Frederick, cựu sỹ quan quân đội Mỹ là một ví dụ điển hình. Anh ta từng là quản ngục ở nhà tù Abu Ghraib, nơi sau này được biết đến là “địa ngục” lạm dụng và tra tấn những tù nhân Iraqi ở đó. Liệu rằng có phải trước khi làm việc ở Abu Ghraib thì Frederick đã là một người xấu? Không hề, thậm chí là ngược lại. Anh ta bình thường như bao người khác, yêu nước, thích bóng chày, có chỉ số IQ trung bình và hoàn toàn không có biểu hiện của vấn đề tâm lý. Nhưng khi làm việc ở nhà tù Abu Ghraib, anh ta trở thành một tên ác nhân độc địa. Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi khủng khiếp ấy?
Khi một ai đó phạm phải tội ác, chúng ta thường cho rằng bản chất của họ đã là một quỷ dữ rồi. Và cách quan điểm trên cũng được áp dụng với trường hợp của nhà tù Abu Ghraib, nghĩa là vấn đề nằm ở bản chất của những người cai ngục.
Cả nhà tâm lý học và tâm thần học đều tập trung vào thứ gọi là “nguyên nhân từ bản chất con người” – những yếu tố dẫn đến hành động của chúng ta. Người ta tin rằng di truyền, tính cách, bệnh lý đều là những thứ chúng ta sẵn có trong mình
Trong trường hợp của Frederick, mọi người thường dùng “nguyên nhân từ bản chất” để lí giải cho hành động của anh ta. Hay nói cách khác, anh ta sinh ra đã là một “ác nhân”. Tuy nhiên, những nguyên nhân từ hoàn cảnh mới thực sự là thứ có thể giải thích cho hành vi của anh ta chứ không phải bất kì yếu tố bẩm sinh nào khác.
Theo những gì bạn thấy ở phần tiếp theo, Frederick không phải sinh ra đã là một ác quỷ hay thiên thần. Nguyên nhân thực sự cho hành vi dã man ấy nằm hoàn toàn ở khía cạnh khác.
Chương 3. Tính cách của chúng ta không phải là thứ ổn định, nó thay đổi phụ thuộc vào hoàn cảnh
Cùng với những lầm tưởng về bản chất thiện hay ác bẩm sinh của con người, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng tính cách chúng ta là thứ sẽ không bao giờ thay đổi.
Đã đến lúc ta phải bỏ ngay tư tưởng sai lầm này. Ví dụ, hãy so sánh cách bạn đối xử với bạn thân của mình với những đứa trẻ xung quanh. Chắc chắn rằng chúng hoàn toàn khác nhau. Nhưng tại sao lại như vậy?
Tính cách của con người không phải thứ cố định. Bạn là người như thế nào và hành động ra sao phụ thuộc vào từng bối cảnh xã hội và từng trường hợp khác nhau. Quan điểm này gọi là “tư duy tình huống” để hiểu về hành vi của người khác. Nó cho rằng những gì bạn làm phụ thuộc vào tình huống mà bạn đang phải xử lý. Theo “tư duy tình huống”, bạn là một người với những người bạn yêu thương, nhưng lại là một người hoàn toàn khác khi nói chuyện với sếp của bạn.
Thí nghiệm Milagram là một minh chứng rõ nét nhất cho quan điểm này. Những người tham gia thí nghiệm được cho biết rằng họ đang tham gia vào một nghiên cứu thúc đẩy trí nhớ. Những người chủ trì có vai trò như là thầy giáo, những diễn viên sẽ đóng vai học sinh ở trong một căn phòng kín. Thầy giáo sẽ giúp học trò nhớ những cặp từ ngữ, mỗi lần nhớ sai, họ sẽ bị thầy phạt bằng cách sốc điện. Mức độ sốc điện sẽ tăng theo từng lỗi, bắt đầu từ nỗi đau đớn vừa phải ở 15V tăng dần đến mức chết người là 450V. Khi điện áp và nỗi đau đớn thể xác tăng lên, những học sinh mắc càng nhiều lỗi sai và bắt đầu la hét, từ chối trả lời.
Bất chấp nỗi đau đớn của học trò, hầu hết thầy giáo tiếp tục tăng mức độ sốc điện. Nếu họ miễn cưỡng không muốn làm, một người thứ ba – “người nghiên cứu” sẽ khuyên họ tiếp tục tăng lên và nói rằng đây là một phần nguyên tắc của thí nghiệm, và anh ra chỉ đang thực hiện nhiệm của mình thôi. Kết quả là, có đến 65% trong số những người thầy giáo dùng mức sốc điện cao nhất với học trò.
Lẽ nào họ đều là ác quỷ? Không hề, nhưng trong trường hợp điều kiện cho phép, có thể họ buộc phải làm những hành động dã man.
Chương 4. Thí nghiệm nhà tù Stanford đã biến những người bình thường thành “ác nhân”
Thí nghiệm Milgram đặc biệt ở chỗ những người chủ trì không thể nhìn thấy nạn nhân đáng thương của họ. Nhưng điều gì xảy ra nếu nạn nhân không được ẩn nấp đi mà đứng ngay trước mắt chúng ta?
Vào tháng 8 năm 1971, tác giả đã thực hiện một thí nghiệm, trong đó ông đưa những sinh viên trẻ tuổi vào một nhà tù giả ở đại học Stanford và phân cho họ đóng vai “quản ngục” và “tù nhân” một cách ngẫu nhiên. Để làm cho mọi thứ giống thật nhất có thể, thí nghiệm chỉ sử dụng những sinh viên không có hành vi nào đáng chú ý trước đó. Cả 24 người tham gia đều là người da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu, không có vấn đề về tâm lý hay sức khỏe và không có tiền án phạm tội. Những bài kiểm tra tính cách cũng không chỉ ra bất cứ đặc điểm tính cách khác thường nào.
Những người trong vai quản ngục được trang bị gậy gỗ, đồng phục và một cặp kính. Còn những người đóng vai tù nhân bị bắt bởi cảnh sát thật sự, bị lột sạch quần áo và đưa cho một con số để thay tên gọi. Mỗi tù nhân đều được nhốt riêng trong một căn buồng chật hẹp.
Thí nghiệm nhanh chóng vượt quá tầm kiểm soát. Ban đầu, tù nhân từ chối tuân theo quy định của quản ngục, kết quả là họ bị trả thù qua những trận đánh bằng máy dập lửa. Quản ngục bắt đầu nghĩ ra rất nhiều cách khác nhau để trù dập và phạt tù nhân, ví dụ như việc bắt họ đi vệ sinh và tự dọn sạch ngay trong căn buồng chật hẹp của mình. Ngoài ra, tù nhân bị lấy đi quần áo, đệm nằm và bị bắt ngủ ở sàn đất lạnh. Với những tù nhân muốn tuyệt thực, họ sẽ bị nhốt vào căn phòng tối và thường xuyên bị quát mắng.
Vào những ngày sau đó, những người tham gia ngày càng độc ác và bạo lực hơn những gì người thực hiện thí nghiệm nghĩ. Chỉ sau sáu ngày ngắn ngủi, ông đã phải dừng cuộc nghiên cứu này lại.
Trong những tình huống bình thường, không ai tưởng tượng những sinh viên hiền lành có thể đột nhiên biến thành những kẻ ác nhân. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ này? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời ở phần tiếp theo.
“Khi sức mạnh gắn liền với nỗi sợ thường trực, nó sẽ trở nên vô cùng dữ dội”
Chương 5. Sự phục tùng và những hành động xấu xa luôn có mối liên kết với nhau
Bên cạnh những hoàn cảnh đặc biệt, có một số yếu tố cụ thể khác cũng có khả năng biến một “thiên thần” thành “ác quỷ”. Một trong những nguyên nhân quan trọng của quá trình biến đổi này là sự phục tùng người cầm quyền – đó có thể là con người, tổ chức hay những quy định.
Trong thí nghiệm Milgram, người dẫn dắt thí nghiệm chính là hiện thân của “người cầm quyền”. Anh ta trông có vẻ rất đáng tin và thực sự hứng thú tìm hiểu về cách để cải thiện trí nhớ của con người. Những người tham gia thí nghiệm cũng phải ký vào một bản thỏa thuận sẽ chấp hành theo quy định của thí nghiệm này. Khi họ không muốn phải chịu thêm những cơn sốc điện áp cao hơn nữa, những người có thẩm quyền sẽ nhắc nhở rằng họ đã ký vào bản thỏa thuận đó nên phải tiếp tục thực hiện thí nghiệm. Như những gì thí nghiệm đã chứng minh, đa số người tham gia đã chọn sự phục tùng thay vì sự cảm thông với người khác.
Sự biến đổi từ thiện đến ác cũng có thể xảy ra ở những người có thẩm quyền. Mặc dù đôi khi khá lúng túng trước sự thay đổi này, nhưng những người “dưới quyền” họ cũng rất ít khi không tuân theo.
Một trong những minh chứng điển hình cho luận điểm này là vụ tàn sát kinh hoàng ở Jonestown. Cùng với hơn 900 tín đồ của mình, thủ lĩnh Jim Jones đã tìm thấy một vùng đất hoang vu ở Guyana để lập nên cộng đồng đoàn kết và khoan dung. Nhưng từ một người cha ân cần, John đã trờ thành một kẻ chuyên chế độc tài và vô cùng ích kỷ, kẻ đã bóc lột lao động và yêu cầu vệ sĩ riêng cho mình. Khi nghị sĩ Leo Ryan và giới truyền thông đến điều tra khu vực này, họ đã bị sát hại ngay lập tức. Sự kiện bi thương này đã dẫn đến một cú sốc lớn hơn cho toàn thế giới.
Jones nghĩ rằng đây chính là kết cục cho đế chế của mình, hắn đã có một bài phát biểu dài để thuyết phục những người phục tùng hắn tự cho bản thân và gia đình uống thuốc độc. Sự phục tùng mù quáng của họ đã dẫn đến vụ tự tử hàng loạt đau thương nhất lịch sử thế giới.
“Khả năng chọn lựa của chúng ta trong việc quyết định có đi theo những chuẩn mực đạo đức hay không sẽ giải thích tại sao một người có thể hành động xấu xa tại thời điểm này rồi lại trở thành người tốt trong một thời điểm khác”
Chương 6. Nếu không chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, thì sau đó bạn sẽ rất dễ bị cám dỗ bởi quỷ dữ
Những hành dộng đen tối không chỉ được gây ra bởi sự phục tùng mù quáng với bề trên. Đôi khi, việc thiếu tinh thần tránh nhiệm có thể là thứ mở lối cho những điều xấu xa tiến vào.
Một lần nữa, chúng ta hãy cùng phân tích thí nghiệm Milgram. Những người dùng hình phạt sốc điện lên “học trò” của mình nói rằng, những nhà khoa học dẫn dắt cuộc thí nghiệm mới là những người sẽ chịu trách nhiệm cho bất cứ rủi ro nào xảy ra chứ không phải họ.
Trong những trường hợp thế này, hành vi chống lại xã hội được phóng đại lên bởi một thứ được gọi là “sự giấu mặt”, nhờ đó mà những người thực hiện hành vi tội ác có thể hoàn toàn lẩn trốn đi. Có thể kết luận rằng, con người dễ có xu hướng bị dụ dỗ vào những hành vi đen tối nếu họ tin rằng sẽ không một ai nhận ra mình.
Có hai cách để tạo nên cảm giác được “giấu mặt”, cách đầu tiên là che giấu đi vẻ bề ngoài. Quay lại với thí nghiệm nhà tù Stanford, những người cai ngục được cấp cho đồng phục và kính mặt gương để tránh sự tương tác bằng ánh nhìn, từ đó sẽ giảm đi cảm giác tội lỗi, phải chịu trách nhiệm của họ.
Cách thứ hai là hành động trong một khu vực mà khả năng bị nhận ra là rất thấp. Để miêu tả chân thực nhất cho điều này, trong một thí nghiệm, tác giả đặt một chiếc xe hơi trong khu vực hẻo lánh ở quận Bronx của thành phố New York. Sau một vài giờ đồng hồ, những kẻ phá hoại bắt đầu xuất hiện và tháo rời chiếc xe, ăn trộm hộp điện. Sau khi những bộ phận có giá trị đã bị lấy đi, mọi người bắt đầu phá hủy chiếc xe. Tác giả cũng đặt một chiếc xe khác ở vùng dân cư của Palo Alto, California, nơi có cộng đồng sinh sống đông đúc. Và kết quả là, không một ai chạm vào chiếc xe. Trong thực tế, thậm chí đã có ba người dân gọi cảnh sát.
Tại sao lại có sự khác biệt này ở hai vùng? Bởi vì quận Bronx có một bối cảnh đủ kín đáo cho sự giấu mặt có thể xảy ra, trong khi vùng dân cư Palo Alto lại khá đông đúc.
Chương 7. Chúng ta thường có xu hướng đối xử tệ bạc với người khác nếu ta coi thường họ
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng mình có nhân cách hoàn toàn ngay thẳng, chính trực. Tuy nhiên, lịch sử đã ghi nhận quá nhiều trường hợp những người đối xử tệ bạc, vô nhân đạo với chính những người xung quanh mình. Bằng cách nào mà điều đó có thể xảy ra?
Một sự giải thích quan trọng cho những hành động độc ác của con người là việc tước đi nhân cách của người khác, hay nói cách khác là không coi ai đó như một con người.
Quá trình tâm lý này đã được chỉ ra qua nghiên cứu của nhà tâm lý học Đại học Stanford, Albert Bandura. Những học sinh tình nguyện tham gia thí nghiệm được yêu cầu giám sát và phạt nhóm sinh viên khác dựa trên những quyết định mà nhóm sinh viên đó đưa ra. Hình phạt sẽ rất đa dạng, tùy thuộc vào quyết định của họ. Những quyết định càng bị đánh giá tồi tệ, thì hình phạt sẽ càng nặng thêm.
Trước khi những học sinh tình nguyện bắt đầu đánh giá những quyết định, họ được yêu cầu phải nghe lỏm cuộc trò chuyện của các chuyên gia về những nhóm sinh viên đưa ra quyết định. Một nhóm bị miêu tả như là một lũ cầm thú, “mất nhân tính”, trong khi nhóm kia lại được nói là những sinh viên biết nhận thức và hiểu chuyện. Những hình phạt cũng rất đa dạng dựa vào cách đánh giá của các nhà nghiên cứu. Những sinh viên tình nguyện tham gia đã quyết định áp dụng hình phạt với nhóm người mất nhân tính nặng hơn rất nhiều so với nhóm “có tính người” hơn.
Sự am hiểu kỹ càng về việc “tước đi nhân cách con người” rất quan trọng trong việc hiểu về cơ chế của sự định kiến, phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Khi có ai đó bị “gắn mác” đồi bại, mất nhân tính, họ sẽ bị coi như những kẻ hoàn toàn không có đạo đức và trở thành mục tiêu của những hành động độc ác.
Chúng ta hãy cùng phân tích những ví dụ trong lịch sử, một trong số đó là vụ “thảm sát Nam Kinh”. Trong suốt cuộc xâm lăng của Nhật Bản và Trung Quốc, binh lính Nhật đã giết hại rất nhiều người dân nơi đây. Một người nhật giải thích rằng đó là do họ coi người Trung Quốc là vật, không phải người.
“Cảm nhận về năng lực bản thân sẽ rõ ràng và sống động hơn khi ta đánh bại một người thay vì giành được sự yêu mến của người ấy”
Chương 8. Sự kết hợp của uyển ngữ và ý thức hệ mạnh mẽ sẽ cho chúng ta cách để biện minh cho những hành động xấu xa của mình
Chúng ta đã thấy cách mà sự phục tùng, giấu mặt hay mất nhân phẩm đã dẫn con người vào con đường tội ác như thế nào. Nhưng còn một yếu tố khác có thể làm điều đó – đó chính là khả năng che giấu những hành vi xấu xa bằng những từ ngữ khiến chúng nghe có vẻ là một việc làm tốt đẹp.
Trong những nghiên cứu tâm lý học thông qua việc đánh giá hành vi con người cho thấy, luôn có một cách để biện minh những hành động tội ác, vô đạo đức. Ví dụ như trong thí nghiệm Milgram, những người tham gia được nói rằng, hay chính họ cũng tin rằng thực ra họ đang góp phần làm nên lịch sử của y khoa chứ không phải đang gây hại hay thậm chí là giết chết người khác. Có thể thấy, cách để biện minh trong thí nghiệm Milgram là những cú sốc điện sẽ giúp các nhà khoa học thu thập thông tin về phương pháp cải thiện trí nhớ con người.
Sự biện minh trong tâm lý học được gọi là “ý thức hệ” trong cuộc sống hàng ngày. Với một ý thức hệ mạnh mẽ, những người xấu xa sẽ nhìn nhận hành vi của họ như là một hành động đáng khen hay thậm chí là đáng ngưỡng mộ. Chúng ta hãy cùng xét đến cuộc xâm lăng của Mỹ đến Iraq và những sự tra tấn đi kèm ở nhà tù Abu Ghraib. Lời biện minh được đưa ra là sự đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia khiến chiến tranh chống khủng bố là điều vô cùng cần thiết. Lời biện minh về sự đe dọa ấy đã cho phép tổng thống Bush tái hợp pháp hóa những hành động tra tấn, bằng cách đó cung cấp cho binh lính đầy đủ thông tin họ cần để bảo vệ an ninh quốc gia.
Vì vậy, những thứ ban đầu tưởng như là tội ác thực tế hóa ra lại là một phần của ý thức hệ – rằng việc tra tấn sẽ bảo vệ an ninh của Mỹ. Với lời biện minh đó, binh lính Mỹ cảm thấy yên tâm khi tra tấn tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib.
Với rất nhiều cám dỗ của quỷ dữ như vậy, bạn có thể sẽ băn khoăn rằng làm thế nào để trở thành người tốt. Phần cuối cùng của bản tóm tắt sẽ chỉ dẫn bạn.
Chương 9. Bạn vẫn có thể chống lại “quỷ dữ” và hành động một cách dũng cảm, có đạo đức
Như bạn đã thấy, trong tất cả mọi trường hợp, ta đều cảm thấy phần “đen tối” trong con người mình. Nhưng không ai muốn trở thành người xấu cả. Vậy phải làm sao để chống lại sức mạnh của quỷ dữ?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất, bạn phải luôn chịu trách nhiệm cho hành vi của mình và loại bỏ ngay lập tức những lời biện minh nảy ra trong đầu. Người khác không thể nhìn thấu tâm tư của bạn không có nghĩa là trách nhiệm của bạn đã biến mất.
Thứ hai, hãy dừng lại ngay nếu bạn cảm thấy mình đang phục tùng cho một thế lực đen tối. Hãy quay lại với thí nghiệm Milgram, không phải tất cả những người tham gia đều mù quáng gây ra những hành động độc ác như yêu cầu. Có một số người đã chống lại người điều hành và quyết định dừng cuộc thí nghiệm. Bạn cũng có khả năng trở thành một người như thế.
Cuối cùng, hãy soi xét kỹ càng những lời biện minh cho hành động tội ác. Ví dụ, nếu việc xâm lăng được gán mác “mang lại tự do bác ái cho con người” hay “chiến tranh chống khủng bố”, hãy cân nhắc xem liệu rằng những hành động đó có thật sự phục vụ cho sứ mệnh đó không.
Đó là cách để chống lại quỷ dữ, nhưng nó cũng là cách để trở thành một anh hùng. Nhưng điều gì làm nên một anh hùng?
Có hai yếu tố chính làm nên những anh hùng. Đầu tiên, họ hành động trong khi mọi người đều bị động. Thứ hai, họ ưu tiên người khác hơn bản thân mình.
Autrey Wesley, người đường mệnh danh như “Anh hùng xe điện ngầm” của New York, là một nguồn cảm hứng bất tận cho thuật ngữ “người hùng”. Khi anh nhìn thấy một chàng trai trẻ đang lên cơn động kinh bị ngã xuống đường ray và không còn thời gian để kéo anh ấy lên nữa, Wesley liền nhảy xuống và kéo chàng trai vào khoảng giữa các đường ray, nhờ đó mạng sống của anh ta đã được bảo toàn. Trong khi mọi người xung quanh chỉ đứng nhìn, Wesley ngay lập tức hành động, bất chấp sự đe dọa tính mạng của chính bản thân mình.
Chúng ta đều có thể trở thành một anh hùng hay một kẻ xấu xa. Vì vậy, hãy tập trung vào suy nghĩ muốn trở thành một anh hùng, khi phải đối mặt với khó khăn, bạn sẽ hành động theo cách suy nghĩ ấy.
Kết luận
Không ai sinh ra đã là một ác quỷ. Thay vào đó, họ trở thành ác quỷ qua những tình huống mà họ thấy mình trong đó. Trên thực tế, những chuẩn mực đạo đức khắt khe dễ bị phá hủy hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, việc trở thành một người xấu xa hay một anh hùng hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân bạn.
“Thời gian và sự áp bức chính là cha đẻ của những cuộc nổi loạn”
Nguồn: https://tamlyhoctoipham.com/hieu-ung-quy-du-the-lucifer-effect
Bản ebook, sách nói free có trên mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Chèn EmoticonsHình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)